Hai chú cháu vừa gặp nhau đã tay bắt mặt mừng, ôm nhau òa khóc. Họ ôn lại những câu chuyện của năm xưa, cũng đã hơn 15 năm rồi nhỉ. Từ một thằng nhóc suốt ngày chạy đôn chạy đáo khắp nơi, làm hết mọi việc từ lớn đến nhỏ đến giờ đã trở thành một người đàn ông trưởng thành, vai u thịt bắp.
Nhưng điều mà chú Trung nhìn thấy vẫn là nụ cười lúc nào cũng nở trên môi của Trần Khánh. Chú yêu quý cậu bé cũng là vì cái tính tình hiền lành, chân thành và lúc nào cũng nghĩ cho người khác của Trần Khánh. Từ bé đến giờ, không bao giờ chú Trung thấy Khánh buồn bã hay rầu rĩ gì cả.
Chú Trung biết về chuyện xảy ra với Trần Khánh khiến cậu phải ở tù thông qua những người hàng xóm qua lại với ông. Họ xem cậu như là một con ác quỷ, coi cậu như là bài học xương máu cho đám trẻ dưới quê. Chú cũng không tiện hỏi về câu chuyện năm xưa mà chỉ hỏi về những điều mà đã trải qua suốt thời gian ấy.
“Giờ mày sống ở đâu? Có công việc gì hay chưa?”
Ngồi bên hàng nước của bà Tám đối diện xe bánh mì, hai chú cháu hai ổ bánh mì xem đó là bữa trưa, vừa ăn chú Trung vừa hỏi thăm tình hình của Khánh sau khi ra tù. Nhưng đáp lại những câu hỏi ấy của chú Trung, Khánh chỉ im lặng hồi lâu, rồi đáp.
“Cháu mới ghé thăm mấy đứa nhỏ, nhìn thấy tụi nó đủ ăn đủ mặc, sống với nhau vui vẻ thì cháu cũng đã an lòng.”
Nói tới đây, Khánh lau hai hàng nước mắt đang lăn trên má gặm tiếp ổ bánh mì vẫn đang còn dang dở. Không khóc làm sao được, nghĩ đến quãng thời gian xa cách hơn 10 năm và thân phận phạm tội của mình khiến cho Khánh có chút mặc cảm khi đối diện với những đứa em của mình.
Chú Trung vỗ vai đứa cháu nhỏ của mình, ông liếc nhìn sang đống hành lí phía kia rồi thở dài và cũng đoán ra được đáp án cho câu hỏi của mình. Ăn hết ổ bánh mì, hai chú cháu dọn hàng sớm một hôm, Khánh đi theo chú Trung về căn phòng trọ của mình.
“Chú thì lên đây đã lâu, cuộc sống buôn bán khó khăn nên mấy năm nay sống ở dãy trọ này. Tuy có hơi nhỏ nhưng được cái rẻ.”
“Như vậy là lớn rồi đó chú, lúc trước chỗ cháu ở còn nhỏ và tối tăm hơn như này nữa. Vả lại có chỗ ở là mừng lắm rồi.”
Sự xuất hiện của Khánh khiến cho cả dãy trọ xôn xao. Ở đây lâu lắm mới có người dọn tới ở. Phần vì rẻ, gần Khu công nghiệp và bà chủ cũng tốt tính nữa nên ai muốn sống ở đây chứ chẳng muốn chuyển đi nơi khác, thành ra phòng trọ ở đây đều là những người có “thâm niên” vài năm
Chưa kể, mặc dù mới được ân xá sau 10 năm sống trong tù, Khánh vẫn trắng trẻo, thư sinh và điển trai, khác hoàn toàn với những tù nhân khác, chính vì vậy mà khiến cho cả xóm trọ xôn xao vì sự xuất hiện của anh.
“Thay đồ, tắm rửa rồi nghỉ ngơi lát đi. Tao sang nhà bà chủ trọ, xin cho mày tờ giấy đăng kí tạm trú, tạm thời mày cứ ở đây làm bạn với chú đi.”
“Vậy có ổn không chú? Bà chủ trọ chắc sẽ đồng ý, đúng không chú?”
“Mày yên tâm, bả mê tao lắm nên đồng ý liền thôi. Lát mày làm vài món đi, chú cháu mình làm vài chai rồi đi ngủ, tối theo chú ra chợ.”
Trái với sự rụt rè và lo lắng của Khánh, chú Trung bằng những lời nói tếu táo và hài hước đã trấn an thằng cháu của mình rồi rời đi, chú Trung rời đi cũng là lúc những người hàng xóm thân thuộc của chú đã sang bắt chuyện với hàng xóm mới điển trai của mình khiến cho Khánh càng thêm ngại ngùng.
Trưa hôm ấy, chú Trung cùng với Khánh làm một mâm đồ nhậu nhỏ, lai rai chai rượu mà chú ở quán nước bà Tám, mồi thì lấy ở xe bánh mì của mình, có gì ăn đó. Hai chú cháu tâm sự về những chuyện xung quanh Khánh.
“Trong đó, cháu sống như thế nào? Có bị ấm ức gì không?” - nhấp miếng rượu trắng, chú Trung thở dài, hỏi Khánh.
“Dạ sống tốt lắm ạ, cháu may mắn được mọi người ở đó che chở, còn có công ăn việc làm nữa nên chú xem, người cháu đâu có bị làm sao đâu.”
“Uầy, làm gì trong đó, nói chú nghe xem nào.”
“Cháu làm đầu bếp, phụ bếp ăn của anh em trong đó. Số lương cháu làm được chẳng tiêu xài đồng nào, cháu để dành cho mấy đứa nhỏ nhà cháu.”
Nói xong, Khánh chỉ vào cái balo nho nhỏ màu đen mà anh lúc nào cũng ôm khư khư bên mình rồi kể tiếp về những gì anh đã trải qua trong tủ, kể cả đám anh em của anh Đẩu và tình cảm đặc biệt mà họ dành cho anh.
Chú Trung nghe vậy cũng thấy ấm lòng, chỉ tiếc là tuổi thanh xuân của Khánh đã chôn vùi bên trong bốn bức tường lạnh lẽo ấy cùng với cái mác tội phạm giết người thì sau này cậu bé sẽ sống như thế nào ở cái xã hội này đây.
“Thôi chú tính như này. Tôi nay tạm thời mày theo chú ra chợ đầu mối, chuyển trái cây phụ chú rồi từ từ chú kiếm việc đầu bếp ở đâu đó cho mày làm, thấy vậy có được không?”
Khánh gật đầu đồng ý liền ngay lập tức, từ trước đến giờ chẳng có việc làm nào kiếm ra tiền mà anh từ chối cả, huống hồ chi lúc này anh cũng không thể tìm đâu ra công việc để nuôi sống bản thân và tiết kiệm cho những đứa em của mình được.
Chú Trung mỉm cười, vỗ vai Khánh rồi lăn đùng ra ngủ. Khánh ngồi một mình bên mâm đồ nhậu cùng chai rượu gần cạn, trong đầu anh lúc này đã lóe lên một chút hi vọng về cuộc sống tương lai sau này của mình, nhưng đâu đó vẫn có những vết gợn khi nghĩ về những đứa em tội nghiệp của mình.
Tối hôm đó, tắm rửa sạch sẽ gọn gàng, Khánh theo chú Trung ra chợ đầu mối gần nhà để làm việc. May mắn là chủ vựa trái cây là bạn thân của chú, vựa cũng đang tìm người làm nên chú Trung vừa mở lời, chủ vựa liền lập tức đồng ý cho Khánh làm việc ở chỗ mình.
Ở đây công việc đơn giản, không có gì khó khăn cả mà chỉ có vất vả thôi. Khi xe trái cây tập kết về vựa, công việc của Khánh là sẽ đi giao trái cây cho từng cửa hàng bên trong chợ theo như đơn đặt hàng cùng với chú Trung, thế là xong.
Công việc ấy tuy có phần vất vả nhưng chỉ cần được làm việc thôi, cậu thanh niên Trần Khánh ấy sẽ vui vẻ mà đồng ý. Nhưng bản thân của Khánh cũng không thể ngờ được, vì công việc này, cuộc đời của anh sẽ thay đổi vì lần gặp mặt duyên phận với một người.
Ngày lại ngày trôi qua, thoáng chốc cũng đã gần 1 tuần Khánh sống cùng chú Trung. Mỗi sáng, Khánh sẽ phụ chú Trung mở xe bánh mì, còn buổi tối sẽ theo chú giao trái cây trong chợ đầu mối. Nhờ có Khánh, chú Trung đã có nhiều thời gian để mà nghỉ ngơi hơn mà theo lời chú nói là có thêm thời gian “tán tỉnh” bà Tám bán nước đối diện.
Nhưng sau khi kết thúc công việc ở vựa trái cây thì trời cũng đã gần sáng, Khánh thường sẽ không về nhà cùng chú Trung mà một mình đi đến một nơi nào đó rồi sẽ ra thẳng xe bánh mì vào sáng sớm luôn.
Tò mò về hành tung của thằng cháu mình, có lần chú Trung gặng hỏi mãi thì Khánh mới trả lời. Khánh đi đến tiệm mì hoành thánh cách đó không xa, nhưng không phải là để ăn mà là để đứng nhìn cô em gái Phạm Linh của mình đang làm việc tại đó.
Anh đứng từ xa nhìn Phạm Linh tất bật chuẩn bị cho cuộc sống mưu sinh của mình hàng ngày với tâm trạng rối loạn, vừa mừng, vừa hạnh phúc nhưng cũng cảm thấy áy náy khi nhìn cuộc sống của Linh.
Mừng đương nhiên là vì được nhìn thấy Linh mỗi ngày, thấy em mình vẫn vui vẻ nở nụ cười với khách hàng nhưng ước mơ của Linh đâu phải là bán mì hoành thánh như hiện tại mà là trở thành nghệ sĩ piano, được lướt những ngón tay xinh xắn trên những phím đàn và mang lại những giai điệu tuyệt vời cho khán giả ngồi bên dưới sân khấu.
Nhưng vì cuộc sống mưu sinh và mặc cảm với số phận của mình khi có người anh là một phạm nhân mang bản án giết người nên Phạm Linh từ lâu đã bỏ ước mơ đó của mình mà lăn lộn mưu sinh để lo cho ba đứa em nhỏ nhắn của mình đang tuổi ăn tuổi học.
Chính điều đó khiến cho Khánh luôn mang trong mình cảm giác tội lỗi và áy náy khi đứng từ xa quan sát Linh làm việc mỗi buổi sáng như vậy. Nhiều khi anh muốn chạy đến bên cạnh Phạm Linh, san sẻ bớt đi những áp lực, những cái khó khăn mà cô đang phải đối mặt trong suốt nhiều năm qua.
Nhưng rõ ràng đó chỉ là ước mơ, hiện thực bây giờ đối với Khánh mà nói thật sự tàn khốc, bức tường ngăn cách giữa anh chị em họ sẽ luôn mãi ở đó, sẽ mãi là khoảng cách mà Khánh sẽ phải cố gắng rất nhiều để vượt qua.
Khánh rời khỏi quán mì hoành thánh khi mặt trời vừa ló dạ, anh rời đi với lòng nặng trĩu và cảm giác ân hận về tội lỗi mà mình đã phạm phải.
Hai mắt của anh cũng vì vậy mà đỏ lên vì những giọt nước mắt, nước mắt của sự hối hận.