Chương 15 - Thẩn Thờ
Lặng nhìn dòng xe tấp nập tới lui qua ô cửa kính, Trà My cứ thấy ngờ ngợ thế nào ấy.
Nó khá giống với cảm giác của lần đầu tiên khi cô đặt chân đến Vole Hai.
Mình đang bỡ ngỡ sao? Bỡ ngỡ với chính mảnh đất đã nuôi dưỡng mình.
Thật là kỳ lạ quá, Trà My thoạt nghĩ.
Khoé môi cô nhoẻn lên, bộ có gì đó buồn cười lắm ư.
Cô cũng không biết nữa.
Một tuần vừa qua là khoảng thời gian khó khăn nhất trong đời Trà My: Phải đối mặt với cái chết cận kề; Trở thành nhân chứng cho một vụ án mạng bí ẩn; Vô tình phát hiện ra thân phận của tên giết người nguy hiểm nhất hành tinh; Bị chính học trò của mình bắt cóc; Suýt nữa thì mất mạng… Tai vạ cứ đua nhau ập đến như thác lũ.
Tuy không phải là người mê tín nhưng rõ rằng đây đâu phải năm tuổi của Trà My. Chẳng lẽ việc cô phải ra đi quá sớm đã kéo theo vận đen cả đời, buộc chúng rơi hết vào những ngày cuối cùng này ư. Hi vọng không phải thế vì người con gái đáng thương chỉ còn chưa đến năm ngày để sống.
Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh màu trắng sữa, một tràng ký ức ập đến bên cô.
- Chắc anh không cần phải nhắc em về độ quan trọng của vật này rồi ha? Nhớ thằng khốn kia chứ? Hiếm có ví dụ nào sinh động được như thế lắm.
Hình ảnh cậu bé đáng thương và chiếc xúc tu quái dị đã in hằng vào tâm trí Trà My. Không lẽ chính cô cũng sẽ bị như thế nếu vô tình làm hỏng thiết bị này. Suy nghĩ ấy khiến cô thấy rợn sống lưng. Tính từ lúc cô đặt chân đến Vole Hai đến nay, Trà My đã làm rơi điện thoại đến tận năm lần.
Thật chẳng biết phải nói rằng cô quá may mắn hay là quá xui xẻo nữa.
- Tuy hơi thừa nhưng anh cũng phải nói thêm – Tên sát nhân lấy ngón út trái ngoáy ngoáy lỗ tai. – Không được để máy hết pin. Không được tự ý tắt nguồn. Không được xoá ứng dụng Time Eater…ờ… ý anh là cái app có hình đồng hồ ấy! Nếu không muốn chết nhảm thì ráng nhớ đi.
Diễn giải xong xuôi, cậu ta quay ngoắt một trăm tám mươi độ. Hai tay cho vào túi túi quần, nhảy chân sáo tiến thẳng vào con hẻm tối tăm. Lại còn cái điệu bộ vừa đi vừa huýt sáo đó nữa, ai lại có thể thản nhiên được đến thế hả trời.
Dõi mắt theo bóng hình ấy, trong đầu của Trà My rộ lên vài suy nghĩ.
Cậu vừa để một nhân chứng biết mặt mình chạy thoát đó?!
Có bị điên không vậy?
Nghĩ lại thì đầu óc của gã hình như cũng không được bình thường cho lắm.
Thế nhưng tại sao lúc ấy Trà My lại thấy bất mãn nhỉ. Chính cô bấy giờ cũng rất muốn thoát khỏi tên giết người tâm thần này mà. Chẳng lẽ chỉ với vài câu đậm chất điên điên khùng khùng ấy là đủ để khiến cô có thiện cảm với cậu ta ư.
Chuyện thật mà cứ như đùa ấy.
…
Chiếc xe buýt thắng gấp đột ngột, suýt chút nữa thì Trà My đã đập mặt vào hàng ghế trên.
Cô lại lơ đãng nữa rồi.
- Trời đất ơi! Lái xe cái kiểu gì vậy!?
Bác tài trên ghế lái gào lên giận dữ.
Lưu thông trên con đường hẹp ùn tắc trầm trọng với hàng tá các phương tiện giành giật nhau từng milimet đường, chiếc xe buýt quá khổ tựa như một gã khổng lồ lạc trong thế giới của những kẻ tí hon, chỉ có thể lết đi từng chút một.
5 giờ 13 phút chiều.
Khởi đầu cho giờ cao điểm buổi tối.
Người ta vẫn hay nói vui với nhau rằng ở Sài Gòn một ngày không tắc đường thì ăn cơm cũng mất hết cả ngon. Điều này dường như đã ăn sâu vào trong tâm tưởng của mỗi con người nơi đây, khiến việc lưu thông trong tình trạng khó khăn này trở thành điều gì đó hết sức bình thường.
Đương nhiên điều này chỉ đúng khi bạn là một người cầm lái chắc tay.
Chắn trước tạo vật to lớn là cặp nam thanh nữ tú (chắc là người yêu) đang ngồi trên chiếc xe tay ga phối màu trắng xanh. Lại cái màn tranh thủ ba giây đèn vàng đây mà, cũng may là không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra cả.
Xem chừng chả cần phải nói cũng biết lỗi là của ai.
Khi lưu thông trong giờ cao điểm, băng qua các ngã tư hẹp luôn là một cực hình đối với tài xế ô tô. Đường nhỏ thì đã đành, xe cộ chen lấn cũng đã đành, đằng này lại còn gặp thêm vô số các tình huống đậm chất trời ơi đất hỡi.
Với kích thước quá khổ của mình, xe buýt chỉ cần khựng lại tầm mười giây thôi thì tình hình của các phương tiện phía sau cũng đã chuyển từ tệ sang rất tệ rồi.
Tiếng kèn xe, tiếng tăng giảm ga, tiếng nổ máy… lâu lâu lại nghe bóng gió được vài lời than vãn của ai đó chẳng rõ. Một bầu không khí chẳng lấy gì làm thoải mái. Hết người này chen rồi đến người kia lấn, ai ai cũng muốn sớm thoát khỏi cái chốn quái quỷ vừa nóng vừa bụi lại vừa ồn ào này.
Đường nhựa thì chỉ có bấy nhiêu, chả thể giãn ra được phân nào nên vỉa hè sẽ là thứ kế tiếp bị giành giật. Còn gì tốt hơn khi vừa có thể phóng băng băng trên con “đường phụ” rộng rãi, vừa có thể vượt mặt cả đám phương tiện lúc nhúc bên cạnh nhỉ. Đáng tiếc rằng điều ấy chỉ đúng khi bạn là kẻ duy nhất biết leo lề.
Chỉ một loáng sau, vỉa hè cũng chẳng còn chỗ chứa.
Suy cho cùng, việc làm trên thực chất có lợi cho vài cá nhân may mắn nhưng lại có hại cho số đông khi vô hình chung làm tăng áp lực lên các giao lộ - Nơi mà vốn dĩ cần có sự thông thoáng để giải quyết ách tắc sớm nhất có thể. Nhìn chung thì nhường nhịn lẫn nhau chưa bao giờ là điểm mạnh của người Việt Nam cả.
Chẳng mấy chốc mà mấy trăm mét đường rơi vào tình trạng ùn ứ.
Và đấy chỉ mới là một trong hằng hà sa số các nguyên nhân biến kẹt xe trở thành thứ đặc sản “không muốn cũng gặp” khi đến Sài Gòn. Theo thời sự đưa tin thì ở ngoài Hà Nội, tình hình cũng chả khá hơn là bao.
Kể ra cũng lạ, Vole Hai có bốn triệu dân, hết chín mươi phần trăm trong số đó đến từ hai đô thị lớn này rồi. Bỗng dưng bẵng đi ngần ấy con người, đáng lẽ đường xá phải rộng rãi lắm chứ.
Xem chừng chỉ giảm số người và phương tiện xuống thôi vẫn là chưa đủ, ý thức của từng cá nhân vẫn giậm chân tại chỗ thì đâu cũng lại vào đấy thôi.
Như đã nói, thật may là không có vụ va chạm nào xảy ra hết, cậu thanh niên cầm lái có vẻ đã biết lỗi của mình. Thật ra dù anh ta có tỏ thái độ thì cũng chẳng ai hơi đâu làm lớn chuyện, có cả trăm người đang chen lấn phía sau kia kìa.
Cặp đôi rời đi, chiếc xe lại tiếp tục lăn bánh.
- Nó sai. Mình tông nó. Nó chết cái mình mang tội. Chưa từng thấy cái nghề nào mệt như cái nghề này?
Bác tài càm ràm, chẳng rõ là nói với ai, trên xe lúc này có đến vài chục con người, chủ yếu là sinh viên và học sinh.
- Ai bảo anh thi rớt làm chi. Không thì đã lái xe bon bon trên đại lộ Vole Hai rồi.
Cô soát vé với đồng phục màu xanh da trời nói với giọng nhí nhảnh.
- Thôi thôi đừng có nhắc nữa, thiếu có ba điểm mà mấy thằng chả cũng chấm tôi rớt đài. Phải nói nó chán… gì đâu.
Hành khách xung quanh nghe thế ai cũng cười thầm trong miệng, hẳn là do đồng cảm. Mười năm trở lại đây, việc có một vé trở thành công dân của “Vole City chi nhánh Biển Đông” được xem như là một vinh dự to lớn và chỉ dành cho những công dân ưu tú bậc nhất đất nước.
Đối với học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở, sau các bài kiểm tra học kỳ bắt buộc, các em phải trải qua thêm một bài thi tổng hợp nữa để giành học bổng của Vole Company. Điểm số sẽ được lưu trong học bạ để đến cuối năm lớp chín mới tổng kết lại để chọn ra 300 học sinh có thành tích cao nhất. Tuy rằng bài thi trên không hề bắt buộc nhưng đối với nhiều bậc phụ huynh thì nó còn quan trọng hơn việc xếp loại học lực của con em mình. Thử nghĩ mà xem, cơ hội học tập và tương lai gần sẽ là cơ hội định cư lâu dài ở Vole Hai – Nơi được xếp vào một trong những vùng đất đáng sống nhất hành tinh. Nói không ngoa thì điều ấy đồng nghĩa với cuộc sống sung túc đến hết đời.
Đối với người trưởng thành thì phức tạp hơn một chút.
Các nghề nghiệp phổ phổ thông như công nhân xây dựng, lao công, tạp vụ,… sẽ ưu tiên cho người có khả năng lao động tốt, đương nhiên đi kèm với đó phải là trình độ học thức ở mức chấp nhận được. Thời nay, không khó để bắt gặp ở Vole Hai một anh công nhân có bằng kỹ sư hay một cô tạp vụ có bằng cử nhân loại ưu đâu. Nhưng đừng vội nghĩ họ sẽ đau khổ vì điều đó, với mức lương gấp gần mười lần chuyên ngành mình theo học, thậm chí còn tăng đều đặn để đón đầu lạm phát theo từng năm, nhiều người muốn còn chả được ấy chứ.
Đối với các nghề nghiệp đặc thù như tài xế lái xe, giáo viên dạy học, viên chức chính phủ,… thì sẽ phải trải qua tổ hợp các bài thi sát hạch với độ khó kinh hồn. Trà My vẫn nhớ rất rõ cái lần ấy, cô làm bài thi viết cực kỳ tệ, tệ đến nỗi khi về đến nhà cô đã trốn ngay vào phòng riêng chỉ để bật khóc. Thế giới trong mắt cô gái đáng thương lúc ấy gần như sụp đổ. Nhưng rồi kỳ tích đã xảy ra, trong bài thi thuyết trình sau đó vài hôm, cô đã đạt điểm tuyệt đối. Giờ nghĩ lại mới thấy, phần lớn lý do hẳn chỉ vì cái vẻ ngoài trông khá thu hút này thôi.
Muốn làm giáo viên đến vậy sao con điếm?
Sóng mũi cô cay cay.
Không được khóc! Không được khóc nữa!
Lấy hai ngón tay ấn vào khoé mắt, sao cho không để giọt lệ nào tràn ra. Sắp về tới nhà rồi, quanh đây cũng chẳng có chỗ nào để chỉnh lại lớp trang điểm đâu. Trà My muốn mình trông thật hoàn hảo trước mặt gia đình, hẳn họ đang rất lo vì mấy tuần gần đây cô chỉ trả lời tin nhắn chứ không gọi điện. Đã là những ngày cuối cùng rồi, hãy để chúng trôi đi trong hạnh phúc đoàn viên, tạo thêm nhiều kỷ niệm đẹp, để khi thời khắc ấy đến, người con gái đáng thương chí ít vẫn có thể mỉm cười. Cô nghĩ như thế, đã nghĩ như thế rồi mà …
Tại sao?!
Tại sao vẫn run rẩy trong sợ sệt thế này. Chỉ là chết thôi mà, đời người ai chả phải chết một lần chứ.
Nhưng tại sao nhất thiết phải là Trà My mới được.
Cô có làm gì sai đâu cơ chứ?!
Một giọt nước mắt rơi xuống mặt kính của chiếc điện thoại cảm ứng. Màn hình điện tử hiện đang mở một ứng dụng có hình đồng hồ, trên đó đang là dãy ký tự:
“Điều ước: Cứu mẹ
Đánh đổi: 60 năm
Tình trạng: Đã thực hiện”
Không ổn rồi.
Trà My nhất quyết chống trả đến cùng cái mớ suy nghĩ tiêu cực này, đây không phải là lúc để tỏ ra yếu đuối.
Đúng rồi, chỉ cần nhớ lại cảm giác khi cây thước kẻ của cậu ta kề sát vào cổ cô thôi mà.
Chuyện đơn giản thế sao đến giờ cô mới nghĩ ra nhỉ.
- Khóc là chết, không được khóc. Khóc là chết, không được khóc…
Cô gái đáng thương lẩm bẩm trong miệng như một cách để tự thôi miên. Chí ít thì việc chú tâm vào chúng sẽ khiến cô tạm quên đi mọi thứ.
Dám chơi thì phải dám chịu.
Chả hiểu tại sao mỗi khi nghĩ tới cụm từ ấy, Trà My có thể lại bật cười và bỏ qua tất cả. Quả nhiên cô vẫn khá luyến tiếc vì chưa kịp nói lời cảm ơn con người ấy. Tuy tâm địa có hơi độc ác (tại sao lại là “có hơi” nhỉ) nhưng cậu đã nói ra đúng những điều cô cần phải làm. Thật ngu ngốc biết bao khi luyến tiếc đồng phỉnh đã đặt vào cửa thua, điều quan trọng nhất bây giờ là không để lãng phí phút giây nào. Dù rằng cô vẫn thấy khá nghi ngại khi nghĩ đến việc ở Vole Hai tồn tại một sòng bạc cho phép một thiếu niên dưới mười tám tuổi vào chơi.
Trà My cất chiếc điện thoại vào túi xách, bụng bảo dạ rằng sẽ không động tới nó nữa.
Trái tim người con gái đáng thương dần dịu lại.
Trong lúc Trà My ngồi đó thẫn thờ, trong xe lúc này đang là màn chuyện trò rôm rả. Chẳng ai quen biết ai cả, đó là điều đương nhiên. Thế nhưng họ vẫn huyên thuyên với nhau đủ thứ chuyện, cứ như thể đã là bạn bè từ lâu. Điểm đặc biệt ở đây là dù có xuất phát từ đâu, đến cuối cùng, tất cả đều quy hết về một chủ đề chính: Vole City chi nhánh Biển Đông và mong muốn được đến đó định cư của họ trong một ngày nào đó không xa.
Từ khi thành lập cho đến nay, thành phố đã định hình lại hoàn toàn khái niệm thế nào là nơi đáng sống trong mắt người dân Việt. Khiến cho các cụm từ đã từng một thời nổi đình nổi đám như: “Giấc mơ Mỹ”; “Giấc mơ Nhật”; “Giấc mơ Hàn”;… dần dần đi vào dĩ vãng. Còn gì tốt hơn khi có một cuộc sống sung túc đúng kiểu những nước G7 trong khi vẫn là công dân Việt Nam cơ chứ.
Sực nhớ tới chuyến bay từ Vole Hai về Sài Gòn của mình, có đến một phần ba số ghế bị bỏ trống, đa phần hành khách cũng chỉ toàn là người cao tuổi. Họ đi theo diện được con cháu bảo lãnh qua để “hưởng phước” nhưng rồi cũng không thể làm quen với cuộc sống quá khác biệt ở đấy được nên cứ lâu lâu lại lấy cớ về thăm quê, cá biệt vài trường hợp khi về đến nơi còn đốt sạch giấy tờ tuỳ thân để được ở lại mảnh đất nơi mình sinh ra. Thời đại công nghệ phát triển, làm lại mấy thứ ấy thật cũng chẳng khó. Thế nhưng mong mỏi được chết trên quê cha đất tổ vẫn là điều gì đó hết sức thiêng liêng.
Cảnh tượng trái ngược hoàn toàn với lúc Trà My rời đi. Thậm chí cô còn nghe lỏm được từ các tiếp viên mấy câu với ngụ ý: “Hành khách hôm nay đông hơn mọi khi”. Do áp lực từ chính phủ Việt Nam về vấn đề kết nối giữa đất liền và biển đảo nên số chuyến bay giữa hai nơi luôn được giữ ở mức cao. Điều kỳ lạ là nếu ở đất liền thì bạn sẽ phải đặt vé trước đó ít nhất hai tuần, còn ở chiều ngược lại thì cứ tới sân bay thì chắc chắn có vé.
Nhưng tôi cứ thấy… nó… không phải cái Việt Nam tôi muốn sống.
Người chưa đi thì muốn đi, người đi rồi thì lại muốn về. Cô biết phải nói gì đây, cái vòng luẩn quẩn của cuộc sống chăng.
Trà My lại hướng ánh nhìn ra ô cửa kính, tảng lờ cuộc đối thoại trong xe. Dòng phương tiện bên ngoài tuy ì ạch nhưng vẫn không ngừng tiến lên. Những tia nắng chiều chói chang cũng dần tan biến, sớm thôi nó sẽ nhường chỗ cho màn đêm tăm tối.
Nếu biết trước phải chịu đựng cảnh này thì thà gọi thẳng một cuốc xe ôm ngay từ đầu có phải tốt hơn không. Khác với những “gã khổng lồ” khi gặp tắc đường thì chỉ có một cách duy nhất là nằm đó chịu trận. Sự nhỏ gọn và linh hoạt của những chiếc xe máy cùng khả năng làm chủ các con hẻm của các tài xế xe ôm nơi đây vô cùng đáng nể. Hành lý Trà My mang theo đâu có nhiều nhặng gì, tiền mặt trong túi cũng vừa đủ số, chưa kể đến việc cô cũng đâu còn lạ gì cái màn kỳ kèo giá cả chứ.
Thế thì tại sao lại tự lãng phí lượng thời gian quý báu, Trà My mong nhớ gia đình mình đến vậy cơ mà.
Phố xá bắt đầu lên đèn.
Phải rồi, cô sợ sẽ không kìm được cảm xúc trong khoảnh khắc ấy nên cần có thêm thời gian để chuẩn bị. Nhưng rồi chính việc có quá nhiều thời gian thừa lại khiến tâm trí của người con gái đáng thương cảm thấy lạc lõng.
Ánh sáng lờ đờ từ đèn xe chiếm trọn không gian. Cuộc trò chuyện rôm rả kia đã dứt từ lâu, hành khách thì thay phiên nhau xuống trạm mà chẳng có ai lên khiến cho số người ngồi lại hạ xuống nhanh chóng. Loáng cái chỉ còn vài mống: Một cậu học sinh cấp hai thẩn thờ như chỉ chờ ngủ gục đến nơi; Một cụ bà vác theo một lần bốn giỏ hành lý ngồi áng ngữ ở cuối xe; Một cô bé tuổi teen ăn mặc sành điệu đang dán mắt vào màn hình điện thoại;… Nụ cười tươi tắn của cô soát vé cũng đã tắt. Bác tài thì hoàn toàn tập trung vào công việc, dù cho tình hình đường xá đã có phần dễ thở hơn.
Nhìn lên trần xe, nơi có lắp điều hoà. Từng làn hơi lạnh lẽo sượt qua mặt cô, vẫn qua ô cửa kính, bóng tối bên ngoài biến nó thành một tấm gương tệ hại. Dãy ký tự màu xanh cứ liên tục thay đổi theo từng nhịp thở:
“4 ngày 1 giờ 21 phút 50 giây”
“4 ngày 1 giờ 21 phút 49 giây”
“4 ngày 1 giờ 21 phút 48 giây”
…
Những con số cứ thế, trôi đi vô tình, mặc cho Trà My có thế nào thì chúng vẫn sẽ trôi. Cuộc đời mỗi người tựa như con đường một chiều mà dẫu biết đích đến chỉ là ngõ cụt nhưng vẫn cứ đâm đầu vào. Dù chạy nhanh hay chạy chậm thì thứ đợi bạn ở điểm cuối vẫn là cái chết không thể tránh khỏi.
Vậy thì ý nghĩa của cuộc sống ngắn ngủi này là gì. Trà My không biết và có lẽ cũng sẽ không bao giờ biết. Cô chỉ là kẻ thất bại thảm hại, đang ngẩm đếm từng phút giây còn lại của đời mình. Chẳng hề nhận ra rằng chính việc làm ấy cũng tiêu tốn thời gian một cách hết sức vô nghĩa.
Chỉ còn ba trạm dừng nữa là cô phải xuống rồi.
Lặng nhìn con đường quen thuộc mình đã gắn bó suốt thời niên thiếu, mọi thứ cứ như thể chỉ mới là ngày hôm qua. Từ cửa hàng thời trang cứ lâu lâu lại gắn biển “giảm giá cực sốc” đến quán cơm tấm bình dân cô đã ăn đến chai mặt. Từ xe hủ tiếu gõ của chú Ba đang vào giờ đông khách đến quán trà sữa hai tầng mà lâu lâu cô cùng Thuý Kiều lại hẹn gặp nhau. Toàn mấy chuyện nhảm nhí giữa hai đứa con gái với nhau, thứ mà mỗi khi nhớ đến, Trà My lại vô thức bật cười.
Nhắc mới nhớ, đã từng có một đứa con gái tuyên bố sẽ dọn ra ở riêng rồi thuê một căn phòng trọ cách nhà có đúng hai trăm mét. Cái thời cô buộc phải “chiến tranh lạnh” với gia đình mình chỉ để theo đuổi đam mê ấy mới thật ngớ ngẩn làm sao.
Trà My hít vào một hơi thật sâu rồi thở ra, thứ nhiệt huyết cháy bỏng trong cô của ngày đó, giờ đã đi đâu mất rồi.
Một chiếc mô tô phân khối lớn rồ ga inh ỏi chạy vụt qua.
À đúng rồi, chính là cái ngày được cầm trên tay tấm bằng đại học, Trà My mới bần thần nhận ra mẹ mình bị ung thư giai đoạn cuối. Đã tuyệt vọng thế nào khi chỉ có thể bất lực trên hàng ghế chờ, khóc và khóc.
Đấy cũng chính là lúc ứng dụng thần kỳ ấy xuất hiện.
“Điều ước: Cứu mẹ
Đánh đổi: 60 năm
Chấp nhận? hay Không chấp nhận?”
Trà My đã có lựa chọn của riêng mình.
Câu nói của người thiếu niên lại vang vọng trong tâm trí cô, thêm một lần nữa.
Em gái đây thì sao? Em đã chơi rồi? Thế có dám chịu không?
Một giọt nước mắt tràn khỏi bờ mi, cô lẩm bẩm trong miệng.
- Có. Tôi dám chịu.
Cuộc sống vẫn còn quá nhiều bí ẩn mà con người chẳng thể nào lý giải. Cảm giác thư thái như vừa rời khỏi phòng tắm của cô lúc này là một ví dụ. Vết thương thì vẫn ở đó nhưng nó không còn nhói lên từng hồi nữa.
Với cái cảm xúc chẳng rõ buồn vui ấy, Trà My ấn chuông báo thả khách.
6 giờ 48 phút tối.
Chuyến xe buýt dài nhất đời cô cuối cùng cũng chịu chấm dứt.
Cách đó không xa là chiếc taxi bốn chỗ vừa tấp vào lề.
Sau khi chào tạm biệt bác tài dễ mến, Quốc Vinh bước ra khỏi xe, mắt vẫn không rời chiếc điện thoại thông minh với mặt kính đã vỡ.
- Nhỏ ơi! Không lấy tiền thừa hả?
Giật nảy mình, suýt tí nữa làm rơi luôn điện thoại, người thiếu niên xấu hổ lấy tay gãi đầu. Tại Vole City người ta đã chuyển qua sử dụng ví điện tử trong mọi giao dịch. Điều đó đã dẫn đến hệ luỵ không hề nhẹ khi dân cư của thành phố trong mơ ấy về lại đất liền và cầm trên tay những tờ giấy bạc. Đương nhiên taxi ngày nay cũng đã trang bị công nghệ thanh toán trên nhưng cứ lâu lâu hệ thống lại dính lỗi khiến cho tiền mặt vẫn là cái gì đó không thể thiếu khi đặt chân đến đất Việt.
Cầm trên tay chỗ tiền thối của bác tài, Quốc Vinh mới gật gù, hoá ra tiền Việt Nam có nhiều mệnh giá và màu sắc đến vậy. Cũng mười năm rồi mới có dịp về đây, chắc nên giữ lại chỗ này làm vật kỷ niệm, nghĩ đoạn cậu cho chúng vào túi quần. Thực ra nếu đúng quy tắc thì phải đếm lại trước xem thiếu đủ thế nào rồi mới cất, nhưng thôi, Quốc Vinh còn nhiều việc quan trọng hơn cần lưu ý.
Trước khi rời đi, bác tài với nụ cười nhí nhảnh vẫn không quên nhắc khéo cậu chàng một câu.
- Đi đứng cẩn thận nha nhỏ, đây là Sài Gòn không phải Vole Hai đâu.
Trên người Quốc Vinh lúc này vẫn là bộ đồng phục học sinh ố vàng, cặp táp trên lưng, quần tây đen cáu bẩn và giày thể thao thủng lỗ chỗ. Số là sau khi đến trường sáng nay, cậu mới tá hoả khi hay tin giáo viên Nguyễn Thị Trà My đã nghỉ phép để về thăm quê.
Dù đã cài “bọ” trong điện thoại của cô ta nhưng nếu cách nhau quá xa thì sẽ có nhiều vấn đề phát sinh.
Thế là tính cẩn trọng lại kéo cậu ra thẳng sân bay để mua một vé về Sài Gòn.
Mọi chuyện trở nên rối rắm thế này cũng do hành động bồng bột của TL. Đáng lẽ cả hai nên hội ý kỹ càng trước khi đưa ra quyết định thả người. Đằng này anh ta cứ thích tự mình làm mọi thứ rồi quay sang bắt cậu lo liệu hậu quả.
Hết lần này rồi đến lần khác, chưa bao giờ có ngoại lệ. Quốc Vinh không biết rằng mình còn có thể chịu đựng được bao lâu nữa.
- Thôi cứ tạm xem đây như chuyến du lịch ngắn ngày đi.
Cậu chỉ vừa nghĩ như thế thì âm báo cuộc gọi video vang lên.
Suýt nữa thì quên luôn con bé.
Quốc Vinh nhấc máy.
- Vy đấy hả? Gọi anh có việc gì không?
Trên màn hình điện thoại hiện lên hình ảnh người thiếu nữ với đôi mắt nai long lanh cùng nước da trắng ngần. Dù đang ở nhà nhưng cô vẫn mặc áo sơ mi trắng cùng khăn quàng cổ, tuy phần dưới bị khuất nhưng Quốc Vinh vẫn đoán được rằng con bé còn chưa tháo giầy. Đôi môi anh đào khẽ mấp máy, chất giọng trong trẻo, ngọt ngào đến lạ lùng thật chẳng hợp mấy với vẻ mặt vô cảm.
- Nhà trường vừa gửi thông báo cho em. Họ bảo không thể đặc cách như thế mãi được. Từ tuần sau trở đi em phải…
Người thiếu niên đoán ra được luôn cả khúc sau, thật ra khi chọn ngôi trường ấy thì cậu cũng biết rằng điều này chẳng sớm thì muộn cũng xảy ra.
- Rồi. Rồi. Rồi. Anh hiểu vấn đề rồi. Vậy em trả lời họ thế nào?
- Em bảo rằng mình cần tư vấn từ người giám hộ.
Con bé thi thoảng cũng thông minh phết đấy chứ.
-Được rồi, nghe đây, từ mai tới lúc anh về em cứ viện cớ với họ rằng do nhà may trễ hẹn nên chưa có món ấy kịp. Cứ vậy đi nhé, còn gì nữa không?
Cô bé tiếp tục hỏi.
- Anh đang ở đâu vậy?
- Ờ thì… Thành phố Hồ Chí Minh. Mà đừng có bám theo anh đấy nhé, không thì khó xử lắm đấy.
Cô bé gật đầu đồng thuận rồi lại hỏi tiếp.
- Anh sẽ không vứt bỏ em chứ?
Nếu biểu cảm trên gương mặt ấy là vẻ lo lắng với đôi mắt rưng rưng ướt thì chắc Quốc Vinh đến “đổ” con bé mất thôi. Đằng này lại chẳng có phản ứng gì cả, ôi trời ạ.
Người thiếu niên bật cười ngặt nghẽo.
- Đương nhiên là không rồi. Nhưng sao tự dưng em hỏi gì kỳ cục thế?
- Chẳng phải đây là phản ứng bắt buộc của một cô gái khi chàng trai quan trọng của đời mình tự dưng đi xa sao?
Sức sát thương của câu nói trên khủng khiếp đến độ khiến người người thiếu niên đứng hình hết vài giây.
Quốc Vinh thở hắt ra một nhịp.
Bình tĩnh đi nào, ý con bé đâu phải thế.
- Này! Anh hỏi thật, em học cái đó ở đâu thế?
Con bé đáp lại với giọng đều đều.
- Một bạn nữ trong lớp cho em mượn cái này – Đôi tay trắng trẻo giơ lên cuốn sách dày cui với tựa đề “Yêu xa liệu có dễ”, con bé nói tiếp – Nó được viết ở trang 125.
Ai lại đi tin mấy thứ viết trong truyện ngôn tình bao giờ. Cái đám nhất quỷ nhì ma kia đang cố nhồi cái gì vào đầu cô bé ngây thơ của cậu vậy. Chí ít Quốc Vinh cũng thấy mừng vì Thuý Vy đã có bạn. Nhưng phải lý giải ra sao cho con bé hiểu bây giờ, quả là một câu hỏi hóc búa.
- Giải thích thế nào đây ta? Hay là vầy đi… Anh hỏi cái này nhé. Theo em thì liệu anh có khả năng vứt bỏ em không?
Con bé trả lời, mặt không hề biến sắc.
- Hoàn toàn không.
- Tốt! Vậy thì tại sao phải lo cơ chứ.
Thuý Vy gật gù, ra vẻ đã hiểu.
- Làm ơn sau này đừng hỏi anh những câu quá khó trả lời nữa. Thôi! Ăn uống, tắm rửa, thay đồ, làm bài tập về nhà rồi đi ngủ nhé, mà đừng có mang giày vào nhà nữa. Sáng mai không được đi học muộn đâu nghe chưa?
- Vâng.
Vậy ra đây là cảm giác của một những ông bố bà mẹ khi dạy con à. Càng lúc Quốc Vinh càng thấy mình giống một người cha hơn là anh.
- Vậy thôi anh tắt máy đây, có vấn đề gì phải gọi anh ngay nhé.
- Vâng.
Quốc Vinh cảm tưởng như mình vừa già đi hơn chục tuổi vậy. Nhưng nếu cậu không dặn kỹ có khi con bé sẽ làm rối tung mọi thứ lên cho xem. Thôi đừng nghĩ nhiều quá, tạm thời cứ để như vậy thôi.
Cậu dựa lưng vào một gốc cây ven đường, thở dài ra một hơi đầy mệt mỏi. Dòng xe cộ lúc nhúc bên cạnh khiến cậu hơi hoảng ban đầu thôi, giờ thì đỡ hơn rồi. Chẳng biết có phải do cậu tưởng tượng hay là do không khí ở đây nặng một cách bất thường nhỉ. Quốc Vinh đã từng đọc một bài báo có nhan đề: “Nỗ lực của người dân và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh trong việc làm sạch không khí đã được đền đáp”. Quả nhiên người ta không hề đùa khi nói Vole City vượt xa ít nhất một trăm năm so với phần còn lại của Việt Nam. Dù sao bản thân cũng chỉ là khách vãng lai, Quốc Vinh thấy mình tốt nhất không nên đòi hỏi quá nhiều.
Ọt!!!
Sực nhớ hình như từ sáng đến giờ thứ duy nhất cậu cho vào bụng là li mì tôm vị chua cay.
Đói quá.
Sao vài thao tác trên chiếc điện thoại cảm ứng của mình, phần mềm theo dõi của cậu vẫn hoạt động tốt. Mục tiêu đã đứng yên lại tại chỗ tầm mười phút rồi. Nhà của cô ta chắc cũng đâu đó gần đây thôi. Mọi thứ vẫn đang diễn tiến rất tốt, mà làm sao nó có thể không tốt được chứ. Có chăng chỉ do cậu quá lo xa.
- Hi vọng là thế.
Cậu lẩm bẩm, bụng vẫn đói cồn cào.
Đi theo chỉ dẫn trên điện thoại, Quốc Vinh tiến vào một hẻm nhỏ.
Cứ như thể có ai đó vừa gạt công tắc, càng đi tiến sâu vào trong không gian càng trở nên vắng lặng. Những dãy nhà lúp xúp, san sát nhau cửa đóng then cài. Điều duy nhất chứng minh nơi ấy có người ở hẳn là bóng đèn huỳnh quang loại cổ lỗ sĩ chuyên dùng cho bọn học sinh cấp một ở Vole Hai học thực hành môn điện, treo ngay trước cổng.
Đi được chút nữa lại có vài chiếc xe máy từ đâu lao đến, Quốc Vinh cảm thấy quan ngại sâu sắc khi họ dám chạy với tốc độ cao như thế trong môi trường chật hẹp này.
Mà phải công nhận, đường đi trong con hẻm này còn rối rắm hơn cả mê cung nữa. Nhà này cứ xây nối tiếp nhà kia, chẳng tuân theo bất kỳ quy tắc nào cả, phần mềm thì chỉ cho biết vị trí theo đường chim bay nên phải mất đến nửa giờ cậu mới mò được đến nơi.
Đấy là một căn nhà nhỏ hai tầng với diện tích khiêm tốn, nhà có hàng rào bao quanh với khoảng sân nhỏ vừa đủ để đặt một hòn non bộ và vài chậu cây cảnh. Hình ảnh gia đình bốn người quây quần trên bàn ăn qua ô cửa sổ, Quốc Vinh thấy hơi chạnh lòng. Hoá ra dù có ở đâu chăng nữa thì gia đình vẫn cứ là gia đình nhỉ.
Người thiếu niên đứng đó, một tay bám lấy cánh cửa rào đã tróc sơn, mắt hướng về gia đình bé nhỏ từ phía xa. Không ai nhận ra sự có mặt của cậu cả, đấy là điều tốt, chí ít thì Quốc Vinh vẫn chưa tìm ra lý do chính đáng cho chuyến viếng thăm bất ngờ này.
Mưa à?
Dòng suy nghĩ ấy chạy vụt qua đầu cậu. Quả là thời tiết buổi chiều có hơi ẩm thấp, một cơn mưa bất chợt là điều có thể đoán trước được.
Thế nhưng… sao chỉ có mặt cậu là ướt thế này?
TL mà thấy cảnh này chắc sẽ tức điên lên mất.
Quốc Vinh thầm nghĩ trước khi đưa tay lên dụi mắt, nụ cười gượng gạo kia thực chất không giấu được cảm xúc thật của người thiếu niên. Sâu thẳm nơi tâm hồn, cậu vẫn chỉ là một đứa bé thích khóc nhè. Hay theo bình luận của TL thì là một thằng mít ướt, giả tạo và đạo đức giả.
Cười chê bản thể này dường như đã trở thành một thú vui khó bỏ của TL, dù rằng Quốc Vinh vẫn thừa sức để phản bác lại rằng cậu ta cũng đâu có khá hơn bao nhiêu. Một tên bốc đồng, xốc nổi và dốt đặc thì làm gì có quyền xem thường người khác.
Thiết nghĩ nếu còn đứng đây lâu hơn, chắc cậu đến hoá điên mất.
Dừng lại ở đây được rồi, tranh thủ kiếm chỗ ngủ cái đã.
Ọt!!!
Bụng với chả dạ, Quốc Vinh thở dài ra một tiếng. Tranh thủ kiếm cái gì bỏ bụng đã, hình như ban nãy ở đầu hẻm cậu đã thấy một xe đẩy chứa đầy bánh mì. Ký ức về mùi vị của món ăn đường phố nổi tiếng thế giới ấy đang kích thích dạ dày của cậu.
Dù sao cô ta cũng chẳng chạy đi đâu được, bám sát quá cũng chẳng để làm gì.
Thôi thì lo cho cái bụng trước đã, người thiếu niên chỉ vừa định quay gót.
…
…
…
Cảm tưởng như một luồng điện cao thế chạy dọc khắp toàn thân, Quốc Vinh thừa biết đó là gì.
Báo động của trực giác.
Nhanh như cắt, cậu rút từ trong túi ra cây thước kẻ loại ba mươi centimet, cầm thuận nó bằng tay phải.
Bằng động tác điệu nghệ như một kiếm sĩ thực thụ, cậu xoay người một góc bảy mươi độ, phạt ngang cây thước như đang cố để chém vật gì đó chẳng rõ.
Một tiếng rắc chắc nịch như pháo nổ vang lên. Vật thể kỳ lạ vừa bị chém làm đôi có dạng thuôn tròn, dài tầm ba đốt ngón tay. Chúng tan biến ngay sau khi chạm đất.
- Đạn thực thể.
Quốc Vinh lầm bầm, vầng trán toát mồ hôi lạnh.
Cũng may con hẻm khá tối, nếu không chắc cậu đã đi đời với đòn tấn công bất ngờ ấy rồi. Nhưng thôi, bỏ qua chuyện đó đi. Âm thanh vừa rồi hẳn đã đánh động cho người dân trong khu vực.
Cậu không thể với tay lấy lon bia trong cặp táp được, chưa kể đổi chỗ lúc này chẳng khác gì tự sát.
Sự lo lắng ẩn hiện nơi khoé mắt, mọi chuyện còn có thể tệ đến mức nào nữa đây.
4
0
1 tháng trước
1 tháng trước
BÌNH LUẬN TRUYỆN (0)
