Sau 1 tuần, cuối cùng Tô Cẩn Du cũng quen với cuộc sống ở đây, có thể ngồi trong chậu mặc quần lót để tắm, chỉ súc miệng mà không cần đánh răng, đương nhiên còn có một điều anh cảm thấy không thế chịu nổi.
Đi Mao xí. Ở đây không có nhà tắm, không có nhà vệ sinh, không có hố xí, tên của nó là Mao xí, nghe rất là nghệ thuật.
Thời xưa ở Trung Quốc, chỗ đi vệ sinh hầu hết nằm bên ngoài nhà, dùng những nơi tương tự và nối với với chuồng lợn. Thông thường chất thải được đào hố và che lấp bằng cỏ tranh ("mao thảo") nên gọi là mao khanh (hố phủ bằng cây cỏ tranh), mao phòng hay mao xí.
Suốt cả một tuần, Tô Cẩn Du đều thức dậy vào nửa đêm và lén lén lút lút dùng cái ống nhổ để giải quyết.
Không phải anh cầu kỳ đâu, năng lực thích ứng của Tô Cẩn Du rất tốt, nhưng anh thật sự không thể đi Mao xí được.
Đào một cái hố sâu, dùng 3 tấm ván vây xung quanh và che một mảnh vải rách. Đó chính là Mao xí.
Mùa hè có ruồi, côn trùng và giòi, Tô Cẩn Du nhìn thấy một lần thì không bao giờ dám đến gần Mao xí một lần nữa, thậm chí là phải đi đường vòng khi đi qua nơi đó.
Có bao nhiêu khó khăn gian khổ gì thì cứ đến đi, chỉ cần đừng để cho tôi đi Mao xí thì sao cũng được. Tô Cẩn Du thầm nghĩ như vậy.
Nhưng mà mưa gió mãnh liệt thực sự đã đến vào buổi trưa.
Trận mưa này rất lớn. Những giọt mưa rơi vào trên người rất đau. Tô Cẩn Du kỳ thực cảm thấy rất vui vẻ vì cuối cùng cũng mát mẻ rồi. Nhưng mưa càng lúc càng nặng hạt, khiến vẻ mặt của bố và mẹ của Cẩn Du càng nặng nề.
Bố của Tô Cẩn Du mở miệng: “Cũng không biết ngô có bị ngã hay không.” Ông ấy đang lo lắng cho vụ thu hoạch của năm nay, không có thu hoạch, cuộc sống sẽ khó khăn.
Tô Cẩn Du lúc này mới kịp phản ứng, cuộc sống của cả nhà đều phụ thuộc vào mười mấy mẫu đất đó. Gia đình anh không giống như gia đình chú Hai, nuôi heo, không giống như gia đình cô Út làm việc ở trên Huyện, một nhà 7 miệng ăn chỉ có thể dựa vào mấy mẫu đất này để sống qua ngày.
Tô Cẩn Du nghĩ, ngoại trừ nghề nông ra, tại sao bố mẹ không làm nghề khác để kiếm sống, giống như nhà chú 2 nuôi một ít lợn cũng tốt. Chẳng phải trong tiểu thuyết nói rằng, những người nuôi lợn vào năm 92 đều phát đạt hay sao, tại sao nhất định phải đi làm cái công việc hao tổn sức lực mà thu nhập lại thấp nhỉ.
Vấn đề này một đứa trẻ như anh không nên hỏi.
Nói về ngày nữ chính trọng sinh, hình như trời mưa rất to…
Mẹ Tô để cô ta đến hợp tác xã để mua muối, trên đường trở về trời đổ mưa lớn, nép mình dưới gốc cây to để trú mưa. Một tia sét đã biến Tô San từ 11 tuổi thành Tô San 37 tuổi.
Không phải chứ…
Tô Cẩn Du thấp thỏm hỏi: “Mẹ, chị 3 của con đâu?”
Mẹ Tô đang suy nghĩ về hoa màu, mới chợt nhớ ra: “Ông nó ơi, tôi vừa mới kêu con 3 đi mua muối, anh ra đón con đi.”
Bố Tô không nói nên lời, đồng ý và vội vã bước ra ngoài với một tấm nhựa lớn quấn quanh người.
Tô Cẩn Du cầu nguyện trong lòng, chị 3 thân yêu của anh sẽ không bị sét đánh đâu.
Cầu nguyện xong, Tô Cẩn Du lại tự hỏi mình có hơi ích kỷ hay không? Kiếp trước Tô San lận đận như thế, bây giờ quay lại để thay đổi cuộc sống cũng không có gì sai, nếu như anh ngăn cản thì anh có bị trừng phạt hay không.
Cho dù Tô San trọng sinh thì anh cũng chưa chắc là xui xẻo, bởi vì nửa đoạn sau của tiểu thuyết anh chưa đọc xong. Nếu sau này Tô San xóa bỏ thù hận và tha thứ cho em trai, thì có lẽ cuộc sống của anh sẽ yên ổn? Ngay cả khi Tô San không tha thứ cho em trai của cô ấy, thì chỉ cần không đi chọc tức cô ta là được.
Nghĩ như vậy, Tô cẩn Du lại cầu nguyện cho Tô San có thể thuận lợi trọng sinh.
Quả thật, cuộc sống đầy rẫy khó khăn, vẹn cả đôi đường là điều không thể.
10 phút sau, bóng dáng của cha Tô xuất hiện trong cơn mưa, ông đang ôm Tô San trong lòng. Tô San một tay ôm cổ bố, một tay còn lại kéo tấm nhựa để che mưa. Nhìn một cái thì biết Tô San là báu vật trong lòng bàn tay của bố, là chiếc áo bông nhỏ của bố Tô.
Mẹ Tô vội vàng hỏi: “Con mua đủ rồi à?”
“Chưa, con đang ngồi dưới gốc cây.”
Bố đặt Tô San xuống, giũ giũ nước trên tấm nhựa rồi treo lên tường.
Tô Cẩn Du cứ núp ở sau lưng mẹ lặng lẽ quan sát Tô San, phát hiện chị ta đang nhìn vào ngôi nhà, trong mắt tràn đầy sự xa lạ.
Được rồi, đây chính là nữ chính.
Xem ra sau này phải sống những ngày tháng thật cẩn thận, mỗi một điểm thay đổi đều phải có Tô San, anh phải để Tô San hiểu rằng, những thay đổi của Tô Cẩn Du là vì cô ta. Trái tim này mệt mỏi quá.
Hay là nói với Tô San, anh cũng là người trọng sinh, anh căn bản không phải em trai cô ấy.
Tuy nhiên mức độ rủi ro này rất lớn, Tô Cẩn Du cảm thấy vẫn là thuận theo tự nhiên thì tốt hơn, nếu như bị Tô San phát hiện ra thì nói sau cũng không muộn.
Nhìn thấy ánh mắt tràn đầy xa lạ này của Tô San, anh cảm thấy trong thời gian ngắn sẽ không bị phát hiện.
Đừng nói là Tô San trọng sinh trở về năm 37 tuổi cho dù là ở 18 tuổi, bây giờ anh nhớ lại, cũng không nhớ rõ chuyện trước kia.
Mẹ Tô dặn dò một câu: “Con đi thay quần áo đi, đừng để bị cảm lạnh.” Sau đó lấy muối của Tô San mua về nấu cơm.
Tô San sững sờ gật đầu, lại nhìn Tô Cẩn Du với ánh mắt thâm trầm, rồi quay trở lại phòng của cô ta và Chiêu Đệ.