Minh Nguyệt muốn liên hệ với chủ nhà trọ để hỏi về hợp đồng cho thuê nhưng tìm mãi vẫn không thấy điện thoại di động đâu.
- Hệ thống, đừng nói là ngay cả thứ cơ bản như điện thoại di động mà tôi cũng không có nha?
Hệ thống đáp với vẻ hiển nhiên:
- Cô muốn xài thì phải tự kiếm tiền mà mua, tôi không thể mua cho cô được.
Minh Nguyệt thở dài, không có điện thoại vậy thì đi cạo râu trước. Cũng may trong phòng trọ có đồ cạo râu và hai bộ quần áo đơn giản cho cô thay đổi, không thì chắc cô phải mặc đồ ngủ ra đường mất.
Dựa vào hợp đồng thuê phòng trọ, Minh Nguyệt biết chỗ này cách nhà của bà Kim Khánh mấy trăm cây số. Cô không thể không gấp gáp tìm việc làm. Bây giờ trong người cô không có tiền, muốn di chuyển xa như thế cũng là một vấn đề.
Minh Nguyệt rời khỏi khu trọ cũ nát, đi lân la dò hỏi khắp nơi nhưng không mấy ai nhiệt tình trả lời cô.
Ra tới ngoài đường lớn, Minh Nguyệt thấy một người phụ nữ bán nước mía có gương mặt phúc hậu đang vui vẻ xách ghế ra cho một đứa nhỏ bán vé số ngồi nghỉ mệt, đã vậy còn khuyến mãi cho thằng bé ly nước mía to đùng.
Minh Nguyệt suy nghĩ giây lát rồi quyết định lại gần bắt chuyện, kể rõ hoàn cảnh khó khăn của mình, muốn hỏi thăm xem có chỗ nào nhận người không bằng cấp như cô vào làm hay không.
Như được dò trúng đài, bà bán nước mía cho Minh Nguyệt biết gần đây có một cảng cá, dạo này biển êm, tàu cá trúng đậm mỗi đêm nên công việc rất nhiều.
Nghe xong Minh Nguyệt mừng lắm, nhưng vẫn có chút đắn đo:
- Tôi chỉ có thể làm ở đây nhiều nhất là ba tháng, không biết họ có nhận không chị?
Bà bán nước mía xởi lởi đáp:
- Nhận chứ sao không nhận, bọn họ đang thiếu người mà. Tuần trước ở cảng xảy ra tranh chấp giữa các đội khiêng cá, kết quả đánh nhau nằm viện cả đám. Giờ ông anh ra đó xin việc dễ lắm.
Minh Nguyệt mừng húm, cảm ơn rồi đứng dậy định rời đi thì bị bà bán nước mía gọi lại, bà ta nói:
- Ông anh chờ tôi một lát, tôi gọi điện cho thằng cháu làm ở cảng hỏi thăm xem đội của nó có đang cần người không. Cháu tôi làm ăn đàng hoàng, chứ nhiều đội khác thấy ông anh không phải dân ở đây có khi lại ăn chặn tiền công đấy.
Minh Nguyệt vui vẻ đáp:
- Được thế thì còn gì bằng. Tôi cảm ơn chị trước.
Bà bán nước mía khoát tay nói:
- Ơn nghĩa gì, đều là dân lao động như nhau, tôi thấy ông anh thật thà nên mới giúp, chứ gặp người khác thì chưa chắc đâu.
Bà ta vừa nói vừa móc điện thoại từ trong túi ra, bấm số gọi điện. Trao đổi vài câu với người ở đầu dây bên kia xong thì bà ta cúp máy, quay sang nói với Minh Nguyệt:
- Ông anh gặp may đấy, ở cảng vẫn đang còn việc, đội của nó lại có hai người bị bệnh không ra làm nên đang thiếu người dữ lắm. Ông anh chịu làm thì đi với tôi, tôi dẫn ông anh ra tận nơi.
Thấy Minh Nguyệt gật đầu, bà bán nước mía giao xe nước mía cho chị gái bán hủ tiếu ở bên cạnh trông giúp mình rồi tất tả dẫn cô ra cảng cá.
Muốn đến đó phải băng qua một khu chợ cá rất rộng, chưa tới nơi cô đã ngửi thấy mùi tanh không nói nên lời, khiến cho bụng cô nhộn nhạo. Đường xá từ khô ráo dần chuyển sang lầy lội nhớp nháp. Hai bên đường người mua kẻ bán tấp nập.
Minh Nguyệt nhìn vào chỉ biết đó là cá tươi hay cá đông lạnh, là tôm, cua, mực hay bạch tuộc, còn gọi tên từng loại cá thì cô chịu thua.
Không chỉ đông người, các loại xe từ ba gác cho tới xe tải lớn, nhỏ khác nhau cũng ra vào không ngớt, tạo nên khung cảnh náo nhiệt Minh Nguyệt chưa từng thấy bao giờ. Lần đầu tiên đến một nơi như thế này, cô chẳng biết làm gì khác ngoài mở to mắt ra mà nhìn.
Bây giờ là bảy giờ sáng, ở cảng có vô số tàu đánh cá lớn nhỏ neo đậu. Tiếng động cơ tàu, tiếng người nói chuyện, tiếng gọi nhau í ới, tiếng hò hét inh ỏi vang lên ở khắp nơi.
Dù là đàn ông hay phụ nữ, mọi người ở đây đều không có phút nào ngơi tay.
Người thì dỡ cá từ trong khoang tàu ra, người thì vận chuyển cá từ thuyền hoặc ghe lên bờ, người phân loại cá, người cân ký, thương lái giám sát việc mua hàng, người rửa cá và ướp đá để chất lên xe chở đi. Thậm chí còn có những người ngồi vá lưới ngay trên tàu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi kế tiếp.
Một thế giới thu nhỏ sinh động mở ra trước mắt Minh Nguyệt, khiến cô càng thêm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình để có thể tiếp tục trải nghiệm cuộc sống muôn màu muôn vẻ ở ngoài kia.
Bà bán nước mía dắt Minh Nguyệt đi đến một chiếc tàu rất lớn. Thấy có người tới, một thanh niên nước da ngăm đen, thân hình lực lưỡng nhảy từ trên tàu xuống, chạy vội đến chỗ bà bán nước mía. Anh ta liếc nhìn Minh Nguyệt một cái rồi hỏi:
- Thím Sáu, đây là người thím nói lúc nãy hả?
Bà bán nước mía gật đầu, đáp:
- Ừ. Ông anh đây đang cần việc làm, con coi có việc gì làm được thì cho ổng làm với. Thôi thím đi nha. Tôi đi nha ông anh.
Minh Nguyệt cảm kích nói:
- Tôi cảm ơn bà chị nhiều lắm.
Bà bán nước mía xua tay:
- Ôi ơn nghĩa gì. Ông anh ráng làm việc cho tốt là được rồi.
Bà bán nước mía vừa đi, thanh niên kia liền hỏi Minh Nguyệt:
- Nhìn chú chắc cỡ ngoài năm mươi, vậy con xưng là con nha. Con đang thiếu người khiêng cá, tiền công mỗi tấn là 100 nghìn đồng. Chú làm được không?
Minh Nguyệt gật đầu. Công việc đơn giản như thế này cô không tin mình không làm được.
Thanh niên kia tự giới thiệu:
- Con tên là Lý. Chú tên gì?
Minh Nguyệt nhớ lại tên trên chứng minh thư, đáp:
- Chú tên Kiên. Vậy bây giờ chú làm việc luôn nhé.
Lý hỏi:
- Nghe giọng chú không phải người vùng này nhỉ?
Minh Nguyệt trả lời:
- Ừ. Chú đến từ thành phố khác.
Lý cười nói:
- Con đoán đâu có sai. Công việc này rất dễ. Chú đứng ở đây, đón lấy những thùng cá từ băng tời rồi khiêng đến chỗ kia cân ký, sau đó xếp lên xe tải. Chú làm được không?
Không cần biết làm được hay không, trước mắt Minh Nguyệt cứ gật đầu cái đã rồi tính tiếp.
Lý nói:
- Chú nhìn mọi người ở đây làm rồi làm theo, có gì không hiểu thì hỏi họ.
- Ừ, chú hiểu rồi. Cảm ơn con.
Minh Nguyệt cảm thấy ngượng miệng khi tự xưng mình là chú, cũng may cô không mắc phải sai lầm nào, đối đáp khá tự nhiên.
Lý dẫn Minh Nguyệt giới thiệu với đội của cậu ta rồi lại tiếp tục công việc của mình.
Minh Nguyệt nhìn lên tàu, thấy có hai người đang bận rộn chuyển từng thùng cá ướp đá từ khoang tàu ra ngoài, hai người khác thì ngồi xếp cá mới đánh bắt được vào thùng, sau đó tất cả những chiếc thùng ấy được đặt lên một cái băng tời. Trên bờ, có ba người đứng nhận những thùng cá được chuyền xuống từ tàu thông qua băng tời, bọn họ cân ký rồi xếp lên xe tải đang đậu sẵn gần đó.
Minh Nguyệt đứng quan sát người ta làm một lúc rồi cũng bắt tay vào làm. Được một cái là cô không ngại dơ, cũng không ngại tanh, lại khéo ăn khéo nói nên chẳng mấy chốc đã hoà nhập được với đội ngũ nhỏ này.
Nhờ hệ thống, Minh Nguyệt có được một cơ thể cường tráng và khoẻ mạnh hơn người bình thường. Dù phải liên tục khiêng những thùng cá nặng trĩu đặt lên cân rồi chất lên xe nhưng cô vẫn không biết mệt là gì, trái lại càng làm càng quen tay, càng làm càng nhanh. Dần dần, Minh Nguyệt thích nghi với mùi tanh ở nơi này, không còn cảm thấy buồn nôn như hồi mới tới nữa.
Đến giữa trưa thì tất cả cá trên tàu đã được vận chuyển lên bờ, nhưng điều đó không có nghĩa là công việc của cô đã kết thúc.
Một chiếc tàu cá sẽ ra khơi vào chiều nay, dự kiến đi trong hai tháng nên nhóm của Lý được thuê vận chuyển nước đá, thức ăn và nhu yếu phẩm lên tàu, cô cũng đi theo làm chân sai vặt nguyên buổi chiều.
Cuối ngày, Lý phát tiền công cho mỗi người, hẹn nửa đêm gặp lại vì ngày mai là ngày mối ruột của cậu ta trở về sau một phiên biển dài.
Đến lượt Minh Nguyệt, Lý vỗ vai cô nói:
- Chú là người mới nhưng làm không thua gì người cũ, lại cẩn thận nữa nên con rất ưng. Một giờ sáng ngày mai chú ra đây, cũng ngay chỗ này, con sẽ giao việc cho chú làm.
Minh Nguyệt cầm 450 nghìn trong tay, nhìn Lý nói với vẻ chân thành:
- Cảm ơn con.
Lý cười hồn hậu:
- Mọi người cùng làm ăn kiếm sống chứ ơn nghĩa gì chú ơi. Mai nhớ tới nha chú.
- Ừ, chú nhớ rồi.
Tạm biệt mọi người, Minh Nguyệt quay trở về phòng trọ, đang đi thì cô thấy có một sạp bán đồ cũ ở ven đường nên tấp vào cầu may.
Mười phút sau Minh Nguyệt rời khỏi chỗ đó, trên tay cầm một chiếc điện thoại Nokia 1100 cũ mèm.
Mất thêm vài chục ngàn mua sim lắp vào, Minh Nguyệt dự định gọi điện cho chủ nhà thông báo cô sẽ không tiếp tục thuê phòng nữa.
Vừa về tới nơi Minh Nguyệt thấy đồ đạc của mình bị người ta đóng gói để trước cửa phòng trọ. Cô mở ba lô kiểm tra, bên trong là quần áo và vật dụng cá nhân của cô, không thiếu thứ gì. Nằm bên cạnh ba lô là chiếc chiếu cũ, một cái chăn mỏng te cùng cái gối lép kẹp y chang dạ dày của cô lúc này.
Minh Nguyệt đứng ngẩn ngơ, coi bộ cô khỏi cần phải gọi điện thoại nữa rồi. Như thế cũng tốt, cô đỡ tốn tiền.
Cả ngày hôm nay Minh Nguyệt không ăn gì, rất đói bụng. Nhìn lại quần áo dính đầy vảy cá tanh rình, cô chỉ biết lắc đầu thở dài, tay xách nách mang, vác theo đồ đạc đi ra bến cảng. Cô quyết định tối nay sẽ ngủ luôn ở đó.
Chiều nay trong lúc theo chân nhóm của Lý chạy tới chạy lui làm việc, Minh Nguyệt biết được trong chợ cá có một nhà vệ sinh công cộng, thậm chí còn có cả chỗ tắm rửa. Tuy không sạch sẽ nhưng đối với một kẻ tứ cố vô thân như Minh Nguyệt thì như vậy là quá tốt rồi.
Đi vệ sinh tốn 2 nghìn đồng, tắm rửa thì 5 nghìn, chẳng mấy chốc Minh Nguyệt đã thay bộ đồ mới. Cô ngồi ăn ổ bánh mì chả 10 nghìn mua trên đường ra chợ cá mà không cảm nhận được bất kỳ mùi vị gì, như thể đang nhai sáp. Đây là nhược điểm của cơ thể nhân tạo chăng?
Minh Nguyệt chẳng buồn hỏi hệ thống, tự mình nghĩ ra câu trả lời mà cô cho rằng có khả năng nhất.
Cứ như vậy, Minh Nguyệt dần quen với cuộc sống cơ cực ở nơi đây. Mỗi ngày của cô bắt đầu từ nửa đêm và kết thúc khi trời đã tối.
Vào ngày thứ hai sau khi làm việc ở cảng cá, Minh Nguyệt chạy đi tìm bà bán nước mía và gửi bà một nửa số tiền cô kiếm được hôm qua xem như lời cảm ơn. Bà ấy nhất quyết không nhận, chỉ nói cô rảnh thì ghé mua nước mía ủng hộ bà là được.
Kể từ đó mỗi khi kết thúc công việc Minh Nguyệt đều chạy đi mua nước mía ở chỗ bà bán nước mía để khao các anh em trong đội. Không những vậy cô còn quảng cáo xe nước mía của bà đi khắp chợ cá. Dần dà nước mía bà Sáu được nhiều người biết tới. Những hôm trời nóng nực, có khi bà ép mía chóng cả mặt mà vẫn không kịp bán cho khách.
Minh Nguyệt không chỉ làm việc ở cảng cá. Nếu còn thời gian, cô sẽ cùng vài người khác trong nhóm của Lý vào chợ cá làm công, ai kêu gì làm nấy.
Từ một người không thể phân biệt được con cá nào là con cá nào, sau một tháng học hỏi, giờ đây cô đã có thể thuần thục phân loại cá và hải sản mà không nhầm lẫn giữa chúng nữa.
Ba tháng sau, năm mới cận kề, các tàu cá dần quay trở về, kết thúc phiên biển cuối cùng trong năm. Vợ chờ chồng, con chờ cha, ngày đoàn tụ ai cũng rưng rưng nước mắt. Có tàu trúng mẻ cá lớn, có tàu đủ ăn, ai nấy cũng đều vui vẻ.
Minh Nguyệt nhìn số tiền mình tích cóp được trong thời gian qua, quyết định lên đường thực hiện nhiệm vụ. Sinh nhật của Lý Huyền My là vào tháng Tư, thời gian không còn nhiều.
Lý rủ mọi người đi nhậu một bữa để chia tay Minh Nguyệt, cả nhóm ăn uống no say rồi cùng chúc cô lên đường bình an, thuận lợi tìm được công việc mới.
Làm việc cùng đám đàn ông lâu như vậy, Minh Nguyệt không hề kiêng dè hay rụt rè như hồi mới bắt đầu, ăn nhậu tới bến với các chiến hữu, xem họ như những người anh em của mình. Chỉ tiếc là cô không thưởng thức được hương vị thơm ngon của đồ ăn, uống rượu thì như uống nước lã, ngàn chén không say. Thật chán hết chỗ nói.
Trước khi khởi hành, Minh Nguyệt xách theo giỏ quà to đến tìm bà Sáu bán nước mía một lần nữa để nói lời cảm ơn và tạm biệt bà. Nhân lúc bà Sáu không để ý, cô để giỏ quà lại rồi lén lút rời đi.
Tất cả những việc làm của Minh Nguyệt đều được hệ thống ghi lại. Nó tỏ ra khá bất ngờ trước những gì cộng sự của nó đạt được trong thời gian qua.
Từ một kẻ tay trắng, không có bằng cấp, cộng sự của nó đã tích lũy được số tiền gần hai mươi triệu đồng chỉ trong ba tháng. Để có được con số ấy, mỗi ngày cô phải làm việc từ mười tám đến hai mươi tiếng đồng hồ, không nghỉ ngày nào.
Tuy nhiên, nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ, cộng sự của nó cũng cần phải có đầu óc.
Hệ thống cảm thấy nó cần phải nhắc nhở cộng sự của mình cho nên ngoi lên nói:
- Từ bây giờ mỗi quyết định của cô đều sẽ ảnh hưởng đến kết quả của nhiệm vụ, cô nên động não suy nghĩ mọi bước đi của mình chứ đừng làm việc theo cảm tính.
Lúc này Minh Nguyệt đang ngồi trong tiệm net đọc thông tin về bà Kim Khánh trên mạng, nghe hệ thống dặn dò cô bèn đáp:
- Tôi biết rồi. Tôi sẽ cố gắng hết sức. Nhưng nói trước tôi học dốt, đầu óc chậm tiêu, cho nên đừng quá trông chờ vào việc tôi sẽ tạo nên kỳ tích gì.
Hệ thống cổ vũ:
- Cố lên. Chậm mà chắc. Suy nghĩ kỹ lưỡng rồi hẵng làm.
Minh Nguyệt không đáp lại hệ thống, đọc lướt qua các mục tin tức, bỗng ánh mắt cô đập vào dòng thông báo tuyển dụng thợ làm vườn. Điều khiến cô chú ý chính là số điện thoại trông rất quen, chẳng phải là một trong những số điện thoại dùng để liên hệ bà Khánh mà hệ thống đã cung cấp cho cô hay sao?
Minh Nguyệt ghi lại thông báo tuyển dụng vào sổ tay, sau đó rời khỏi tiệm net.