Chương 5: Chương 5

Vạn Xuân Thành.

Thành Vạn Xuân, một ngôi thành rộng lớn nằm trên vùng đồng bằng phía Tây sông Vạn Xuân và là một trong tứ trấn của Đại Thuận, nằm về phía Tây của Đại Thuận. Tòa thành được thiên nhiên ưu đãi cho cái thời tiết ôn hòa, dễ chịu nên cây cối um tùm và phát triển, từ đó cuộc sống người dân yên bình và no ấm.

Nằm bên cạnh con sông Vạn Xuân trù phú, nên dễ hiểu ngôi thành Vạn Xuân này là một nơi mà ai ai cũng muốn đặt chân đến đây sinh sống và lập nghiệp. Nếu so với Kinh thành thì thành Vạn Xuân chỉ có hơn, chứ chẳng có kém. Và cứ thế, cuộc sống yên bình của thành Vạn Xuân đã duy trì suốt chiều dài lịch sử của triều Đại Thuận.

Một bên giáp với con sông Vạn Xuân trù phú, còn một bên thì tựa lưng vào ngọn nước Xuân Sơn hùng vĩ, một thế phòng thủ kiên cường mà bất cứ tòa thành nào ở Đại Thuận cũng đều ao ước có được, và cũng chính nhờ địa thế này mà thành Vạn Xuân cứ mãi phát triển bền vững suốt nhiều năm như vậy.

Ngoài các yếu tố tự nhiên ra, thành Vạn Xuân có được sự phát triển như ngày hôm nay là nhờ công lao của gia tộc cai quản thành Vạn Xuân cũng như đồng bằng phía Tây sông Vạn Xuân rộng lớn, gia tộc họ Trần. Và người đứng đầu chính là Đại tướng Trần Khang lừng lẫy một phương.

Nhà họ Trần đến đây lập nghiệp, khai hoang mở đất trong thời kì đầu dựng nước của triều Đại Thuận. Sau khi có công lớn trong việc lập ra triều Đại Thuận, nhà vua ban thưởng cho mỗi người một vùng đất như thưởng công cho họ, và nhà họ Trần với tầm nhìn của mình, đã chọn vùng đất Vạn Xuân này.

Tướng Trần Khang là một vị tướng quân với kinh nghiệm trận mạc dày dạn, quân Trần được ông xây dựng là một đội tinh nhuệ, tinh thông cả trên bộ lẫn dưới nước. Quân Trần do Trần Khang chỉ huy với số lượng lên tới hàng chục vạn của mình, chính là cái gai trong mắt và là nỗi khiếp sợ của quân Khang Di và Nam Hạ trong những lần đụng độ với nhau.

Và sau quãng thời gian án binh bất động, chờ thời cơ thì sau khi nhận được mật báo quân Tôn Hà sắp sửa công thành Ngọa Long cùng với quân Khang Di, Trần Khang không thể nào ngồi yên thêm được nữa. Ông ra lệnh xuất quân tiến về thành Ngọa Long để tiêu diệt quân Tôn Hà, bảo vệ huyết mạch còn lại duy nhất của Vĩnh Nguyên đế, chính là Lý Nguyên.

Một đội quân tiên phong sẽ do con trai duy nhất của ông, Trần Lam dẫn đầu, đi trước để mở đường cho đại quân phía sau, hành quân thần tốc tiến về phía chiến trường ác liệt ở thành Ngọa Long.

Lúc này ở thành Ngọa Long, bốn lực lượng với số lượng quân khổng lồ đang sắp sửa đối mặt với nhau. Một trận chiến long trời lở đất, máu đổ thành sông là điều không thể tránh khỏi ngay lúc này.

Sơn Lâm quan.

Ngay lúc này, quân Khang Di đang từ từ hành quân đến gần hơn với biên giới Đại Thuận và hợp nhất với quân Tôn Hà sau khi vượt qua Sơn Lâm quan. Đứng trên ngọn đồi gần đó, Lý Nguyên tỏ ra bình tĩnh khi trông thấy hai đại quân đang dần dần tiến lại gần nhau hơn, cả hai đại quân ấy chỉ còn cách nhau một cánh cổng Sơn Lâm quan nhỏ bé mà thôi.

Nhưng, một biến cố đã xảy ra vào lúc này. Quân Khang Di do Chân Vương lãnh đạo sau khi được quân Tôn Hà mở cửa Sơn Lâm quan đã xông vào quân của lão Tể tướng già kia mà chém giết không thương tiếc.

Quân tiên phong của Tôn Hà bị tấn công bất ngờ, không kịp trở tay, chạy tán loạn trước mũi kiếm của quân Khang Di. Số ít tàn quân chạy thoát được, hướng về phía quân Tôn Hà đang đóng quân mà bỏ chạy.

Chân Vương của Khang Di ra hiệu lệnh, toàn bộ quân Khang Di hướng về phía quân Tôn Hà mà đánh, tạo ra một cục diện bất ngờ với cả những người chứng kiến ở trên ngọn đồi kia. Chẳng hiểu vì sao “một liên minh” ngỡ như chắc chắn kia, lại quay ra đánh nhau như vậy.

Nhưng chỉ có một người lại chẳng bất ngờ với cảnh tượng đang diễn ra trước mắt, đó chính là Lý Nguyên, dường như chính người này là đạo diễn cho màn lật mặt của quân Khang Di với chính “liên minh” của mình.

“Tôn Tể tướng, không hay rồi. Quân Khang Di đang tiến đánh quân của chúng ta. Bọn chúng đã tiêu diệt toàn bộ quân tiên phong rồi, đang hừng hực tiến về phía này.”

Một trong số những tên lính chạy thoát được vội vã bẩm báo với Tôn Hà về cú trở mặt của quân Khang Di. Đương nhiên là lão già ấy kinh ngạc với điều mà tên lính của mình đang bẩm báo.

“Đám man di không biết điều này. Ta phải cho bọn chúng biết thế nào là lễ độ.”

Cơn tức giận lên tới đỉnh điểm khi nghe tên lính kia thuật lại toàn bộ sự việc, Tôn Hà quyết định “xé” liên minh, bắt đầu tiến công, đáp trả cú lật mặt ấy của quân Khang Di và thề sẽ lấy đầu Chân Vương để tế vong linh của các binh sĩ đã ngã xuống.

“TẤN CÔNG!!!”

Tiếng trống hiệu lệnh vang lên cũng là lúc cục diện trên bàn cờ Ngọa Long bây giờ đã xoay chuyển. Lý Nguyên và Nguyên Vũ quân như “tọa sơn quan hổ đấu”, ngồi trên cao nhìn hai đối thủ của mình chém giết lẫn nhau trong sự thoải mái và có chút hả hê.

Cả Tôn Hà và quân Khang Di đến lúc này đã không ngờ, bọn chúng đang biến thành quân cờ để Lý Nguyên đùa giỡn và bọn chúng đã lọt vào cái bẫy do chính tay Lý Nguyên lập ra chỉ bằng một chút mưu mẹo vặt vãnh từ những bộ trang phục mà anh đánh cắp được hôm trước.

Lúc này, sự thật mới được vỡ lẽ. Những bộ trang phục lính của quân Tôn Hà mà Lý Nguyên đánh cắp hôm trước được bí mật chuyển đến cho Địa Giáo ở Khang Di do Trần Phi chỉ huy.

Suốt dọc đường hành quân của quân Khang Di, Trần Phi tổ chức những trận đánh phục kích nhỏ lẻ, cố ý để quân Khang Di phát hiện ra những binh lính trong những bộ trang phục của quân Tôn Hà ấy. Chính vì điều đó khiến cho Chân Vương của Khang Di nảy sinh ra mâu thuẫn với liên minh giữa hắn và Tôn Hà.

Chưa hết, Địa Giáo còn được Trần Phi cài cắm vào bên trong lòng quân Khang Di, xốc lên trong lòng họ sự hận thù với quân Tôn Hà, mang tiếng là liên minh nhưng lại tổ chức phục kích họ trong suốt đoạn đường hành quân đến Đại Thuận.

Chính vì vậy, Chân Vương quyết định sẽ lật mặt, trừng trị tên Tể tướng xảo quyệt Tôn Hà một cách bất ngờ, khiến cho bản thân hắn cũng không ngờ được rằng quân Khang Di lại bất ngờ phản công quân Tôn Hà trả thù việc hắn lật mặt như vậy.

Nhưng Chân Vương của Khang Di còn nghĩ xa hơn thế. Trước là quân Tôn Hà, sau là thành Ngọa Long, cuối cùng là Kinh thành Đại Thuận sẽ là mục tiêu cuối cùng xuất hiện trong tầm ngắm của hắn. Còn Tôn Hà sẽ trở thành kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” và trở thành kẻ bị phỉ nhổ khắp Đại Thuận mãi về sau.

Chính là vì suy nghĩ đó, quân Khang Di sau khi bước qua Sơn Lâm quan đã được lệnh tấn công vào quân Tôn Hà không thương tiếc, chỉ cần thấy binh lính mặc trang phục của Đại Thuận là hắn xuống tay, bất chấp đối phương van xin hay bỏ chạy.

Đứng trên đồi cao kia, nhìn hai “con hổ dữ” đang sắp va vào nhau, Lý Nguyên cảm thấy hài lòng về kế hoạch của mình vì chắc chắn, một trong hai bên mà thất bại thì bên kia cũng thiệt hại chẳng kém. Và lúc đó sẽ là cơ hội của Lý Nguyên, dọn dẹp đống tàn quân cuối cùng ra khỏi lãnh thổ Đại Thuận.

“Chúng ta đi thôi. Địa Giáo phía Trần Phi sắp tới Sơn Lâm quan rồi, chúng ta mau đến đó thôi.”

Ván cờ này đã định, bây giờ đối thủ sắp tới của quân Lý Nguyên không còn quan trọng nữa, Tôn Hà hay Khang Di sẽ không còn đường thoát thân và Ngọa Long sẽ là mồ chôn của bọn chúng. Lý Nguyên cùng Vũ Phong và Nguyên Vũ quân lửng thửng cưỡi ngựa rời đi mà không cần quan sát thêm về trận chiến giữa hai bên Tôn Hà và Khang Di.

“Chúng ta sẽ đi đâu đây, Lý Nguyên?” - Vũ Phong thắc mắc.

“Sơn Lâm quan. Mồ chôn quân Khang Di sẽ là ở đó.”

Sơn Lâm quan đã được Lý Nguyên nhắm là nơi đầu của Chân Vương Khang Di sẽ rơi ngay tại đó, và cũng sẽ là mồ chôn của đám tàn quân Khang Di khi bọn chúng dám xâm phạm lên mảnh đất Đại Thuận này.

Ở đó, ở Sơn Lâm quan, quân Địa Giáo và Trần Phi đã đợi sẵn, một vòng vây tử thần đã được thiết lập sẵn để chờ đón “khách” đến.