Chương 1: CUỘC HÔN NHÂN THẤT BẠI!

An tên đầy đủ là Phạm Nguyên An, cái tên nghe qua thật giống tên của con trai, nhưng cô là con gái. Anh cô Phạm Nguyên Bình có cái tên lại mềm mại hơn nhiều.

Đã hơn ba năm từ ngày một mình cô quyết liệt xử lý mọi chuyện theo cách của mình. Cái cách mà ở độ tuổi hai mươi lăm ấy cô cho là hợp tình, hợp lý và hợp pháp.

Ba mẹ An và Bình đều sống ở thành phố nhỏ ở Miền Trung. Thành Phố Tuy Hòa và đã ly hôn khi An vừa kết thúc chương trình học cấp ba. Khi ấy cô vừa bước qua tuổi mười tám, cái ranh giới giữa trẻ em và người trưởng thành.

Gia đình họ lúc đó là kinh doanh đồ vật biển nên nói giàu thì cũng không giàu nghèo thì cũng không đúng.

Mẹ cô lúc đó tự nhận gia đình thuộc diện ‘trung lương’.

Khi ly hôn, tài sản chia 3 phần, cha – mẹ - các con.

Một phần ba tài sản được chia đủ để hai anh em mua một căn nhà nhỏ ở Sài Gòn.

Chẳng lâu sau đó thì cả hai người lớn đều có gia đình riêng của mình nên hai anh em quyết định chuyển vào Sài Gòn làm việc và sống nương tựa vào nhau.

Vì cảm thấy có lỗi với hai anh em nên cả cha và mẹ họ đều cố gắng bù đắp bằng tiền.

Không một ai can ngăn hay khuyên bảo về định hướng nghề nghiệp mà Bình sẽ làm sau khi tốt nghiệp ra.

Bình lớn hơn An ba tuổi, học chuyên ngày thiết kế, nhưng khi tốt nghiệp xong anh lại quyết định chọn nghề xăm.

Chỉ có An là ủng hộ con đường sự nghiệp này của anh, tự mình làm mẫu cho anh xăm.

Còn cha mẹ không dám khuyên gì, chỉ khóc lóc năn nỉ anh chọn nghề khác đi, vì cái ‘nghề xăm’ ở quê của họ sinh sống dường như là một ngành nghề rất khủng khiếp và không tử tế.

Đương nhiên một thanh niên ở tuổi hai mươi hai nổi loạn thì chẳng còn nghe lời những người đã tổn thương đến mình và em gái mình. Anh còn không có ý định sẽ trở về quê sinh sống thì làm gì quan tâm đến người dân ở đó nghĩ gì.

Anh cho rằng hai người lớn đã không làm tròn bổn phận của mình khi vứt bỏ anh em họ mà chạy theo cái mà người ta hay nói là ‘tiếng gọi con tim’. Anh dứt khoát ném số điện thoại hai người vào danh sách chặn.

Cách đây bốn năm, năm đó An hơn hai mươi bốn tuổi. Nếu nói ở thế kỷ hai mươi mốt này thì đó là độ tuổi còn khá sớm để nói đến chuyện kết hôn. Nhưng An đã kết hôn ở độ tuổi đấy. Người cô kết hôn cùng là Tân, bạn thời đại học của anh trai cô.

An và Tân biết nhau từ rất nhiều năm trước đó, nhưng để hình thành tình yêu và nhận lời kết hôn thì chỉ vỏn vẹn ba tháng.

Tân là người Đà Nẵng, cũng vào Sài Gòn để đi học, cùng là người miền trung với nhau nên họ nhanh chóng kết thân.

Gia đình Tân là thuần về công chức nhà nước, có căn cơ khá lớn, cũng chẳng hiểu sao Tân lại đi học thiết kế.

Vì cuối cùng vẫn phải về Đà Nẵng và được gia đình xin một ‘chân’ vào cơ quan nhà nước ổn định tiền tài.

Đối với tính cách của Tân thì Bình cũng khá yên tâm. Anh ta nhiệt tình với bạn bè, tính tình cũng hiền lành nên anh cũng cho phép Tân tán tỉnh yêu đương với em gái mình.

Ngay cả khi Tân đòi kết hôn nhưng gia đình Tân phản đối vì gia cảnh có ‘tiền sử’ ba mẹ ly hôn của bên sui gia như vậy là không tốt. Sẽ trở thành vết tì cho con cái noi theo.

Tân cũng hùng hổ giận dỗi ba mẹ mình, cố gắng bảo vệ An, và thề là nếu không phải An thì không cưới.

Chỉ như vậy thôi thì Bình cũng cảm thấy em mình sau này chắc chắn sẽ hạnh phúc.

Đấy là đối với anh nghĩ như vậy, cho đến khi anh nhận được cuộc điện thoại của em gái mình ở Đà Nẵng vào đêm hôm ấy. Anh chỉ ước ngay lập tức bay ra Đà Nẵng để đánh thằng chó kia một trận và đưa em gái mình trở về.

An – Cô gái thông minh, cuộc sống không hề thiếu thốn bất kỳ thứ gì, cho đến khi biến cố gia đình xảy ra.

Cô đã hiểu tương lai phía trước của bản thân sẽ không còn cha mẹ nào thay cô chống đỡ.

Đúng kiểu mười tám tuổi bị đẩy ra ngoài đường, tự sinh tự diệt.

Trước giờ luôn có thói ỉ lại nên thành tích học tập ngoại trừ Toán và Lý thì những môn còn lại cô chẳng thèm để tâm vào.

Thành tích không cao, biến cố xảy ra ngay lúc sắp thi đại học.

Cánh cửa đại học đóng lại ngay trước mắt. Cô thi trượt.

Vào Sài Gòn, không nghĩ là đứa anh trai hay tị nạnh hạch họe mình lại trầm giọng nói

“Không học Đại học thì học Cao đẳng, không làm nhà nước thì làm tư nhân, không làm văn phòng thì lao động tay chân. Tay chân lành lặn có chết được đâu mà lo. Còn mà què thì tao nuôi. Được chưa?”.

Ngày thường mà nói những lời này thì cô sẽ gân cổ lên mà cãi lại một trận. Nhưng lúc này chỉ thấy sống mũi cay cay, thật sự muốn ôm anh trai mình khóc thật lớn.

Bình lườm cô nghiêm khắc nói “Việc quái gì phải khóc, ở nước ngoài mười tám tuổi cha mẹ người ta đuổi ra ngoài đường hết rồi. Vừa hay mày cũng đủ tuổi. Tuổi này sai phạm thì ở tù rồi, nên có trách nhiệm với bản thân mình đi, dựa dẫm gì ai nữa?”

An hít hít chiếc mũi nhỏ sắp bị cảm xúc làm cho nghẹt đi trừng mắt với anh “Chó, tui mới bị rớt đại học đó, không nói được lời gì tử tế hả?”

“Vậy tao không nói chuyện mới là tử tế với mày hả? Đi vào thay đồ đi tao dắt đi ăn, nhìn cái mặt mày thấy chán quá đi”

An cùng anh trai đi ăn, ngày hôm đó cũng là lần đầu tiên cô gặp Tân.

Bề ngoài Tân đúng chất công tử da trắng mặt trơn, học hành cũng chẳng tới đâu cho nên vẫn còn nợ môn rất nhiều và tương lai là sẽ ra trường chậm hơn anh cô.

Từ ngày ấy, Tân hay ghé nhà của anh em họ chơi. An gặp mặt chào hỏi rồi lại nhảy tót vào phòng không để tâm đến anh ta.

Lâu dần ngay cả giờ cơm cũng thấy có mặt Tân. An thầm mắng anh là ‘Đồ ăn chực’

Bù lại Tân mua đồ ăn vặt sang cho cô. An thật sự bị vật chất chiếm luôn lý trí. Cô lại dễ dãi nói chuyện tử tế với Tân. Anh hỏi gì cô cũng chăm chỉ trả lời.

Có lúc An lại nghĩ Tân nhìn qua cũng đẹp trai lại con nhà gia giáo mặc dù có học hơi dở lại lông bông. Nhưng trên đời này có ai là hoàn hảo đâu, mà cô thì không phải loại ưu tú để kén cá chọn canh.

Cho nên ngay khi Tân nhắn tin ngỏ lời thì An lưỡng lự một lúc rồi đồng ý, thế là hai người trở thành người yêu của nhau. Từ bạn bè ngang hàng, Tân hạ cấp gọi Bình là anh.

Ba tháng sau anh đưa An về ra mắt gia đình, gia đình anh phản đối ngay trước mặt cô.

Vì lý do học thức của cô không cao, ba mẹ ly hôn và bề ngoài trông cô rất không đàng hoàng vì có rất nhiều hình xăm.

Với gia thế nhà anh, ba làm Thiếu Tướng trong Quân Đội, mẹ làm Hiệu phó Trường Tiểu học, An cũng hiểu được vì sao họ ngăn cấm. Nhưng bản thân bị nói thẳng mặt mà không thể phản bác gì thì có chút uất ức.

Mọi uất ức đó cô trút lên người Tân. Cô hậm hực nói chia tay, anh không chịu, anh bảo anh sẽ thuyết phục gia đình, nếu không phải An thì anh không cưới.

Vì câu nói kia của anh, An lại mềm lòng “Ông bà mà không cho cưới thì anh tự cưới. Nếu không thì anh đi chơi bê đê.”

Cuối cùng vẫn là câu nói dân gian ‘Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời thôi’.

Gia đình anh vào Phú Yên, ba mẹ cô sau khi ly hôn hơn nhiều năm miễn cưỡng đứng chung một chỗ để làm đám cưới cho con, xem như là bù đắp.

Ánh mắt ba mẹ Tân tỏ rõ sự khinh thường, An nắm chặt tay tự nhủ với bản thân rằng sau này hai bên sui gia sẽ chẳng còn gặp mặt nữa đâu, cô yên bề gia thất ổn định cuộc sống sau này là được rồi.

Hôn nhân là nấm mồ của tình yêu.

Không ngờ nấm mồ đó đào sớm cho cô đến vậy.

Tân sau khi tốt nghiệp được ba mẹ dùng mối quan hệ xin vào cục thuế thành phố Đà Nẵng làm việc, nơi mà bao nhiêu người mơ đến đỏ con mắt mà không thể đặt chân vào.

Sau ba tháng cô về làm dâu, ở chung với ba mẹ chồng. Từ một người chưa hề động tay qua bếp núc và công việc nhà thì nay cô lại làm tất cả.

Không kêu ca, An tự mình làm được hết, ngay cả thay đổi sở thích và tính cách để hòa hợp với gia đình chồng cô cũng làm.

Lắm lúc cô suy nghĩ, bản thân kết hôn như vậy là sai lầm rồi. Cô đánh mất bản thân mình vì hai chữ ‘Gia Đình’. Nhưng đã lên thuyền rồi thì đâu xuống được, chỉ đi cố gắng đi tiếp thôi.

Những chiếc áo croptop hay quần thể thao, những bộ váy ngắn hay những đôi sneaker, những buổi hội họp bạn bè thâu đêm suốt sáng, những món ăn vặt cay xé lưỡi, những ly bia mát lạnh cổ họng cô đều dẹp qua một bên.

Trong ba tháng này Tân và An cãi nhau khá nhiều lần.

Nguyên nhân là vì khi đi làm Tân không về nhà ngay mà lại tiếp tục nhậu nhẹt với bạn bè thâu đêm như khi anh chưa lập gia đình. Anh lý giải anh đi vì công việc, cô ở nhà lại không chịu hiểu cho anh. Cô bảo anh thử ở nhà để quan sát xem cô đã chịu đựng những gì mà có thể lên tiếng giúp cô.

Dần dần những cuộc cãi vã đẩy ra hai người ra xa nhau. Số lần anh ở nhà bên cạnh cô càng ngày càng ít ỏi, hoặc có ở nhà cũng là trong tình trạng không còn biết gì.

Ngày cô biết mình có thai, lúc đó thật sự cô rất giận anh, nhưng cô vẫn thông báo cho anh và gia đình.

Dù lúc đầu họ có khắc nghiệt với cô nhưng khi biết cô có thai, thái độ của mọi người trong nhà trở nên hòa hoãn hơn rất nhiều.

Họ không còn để cô làm những việc bếp núc, họ không cho cô đứng quá lâu, hay là luôn bồi bổ cho cô những món ăn tốt. Mặc dù biết họ chăm lo cho cô chỉ vì đứa con này, song cô vẫn thấy vui vẻ, vì ít ra con cô sau này sẽ được yêu thương rất nhiều.

Cô được họ cho ra ngoài nhiều hơn, đi cafe, đi mua sắm.

Cũng vì việc này nên cô suýt bị sảy thai.

Trong một lần cô đi cafe với bạn bè cấp ba đang làm việc ở Đà Nẵng. Cô nhìn thấy Tân đang ôm ấp một cô gái khác.

Qua tấm kính một chiều của quán cafe, cô nhìn thấy họ, nhưng họ không nhìn thấy cô mà cứ thản nhiên ôm hôn thể hiện tình cảm.

Đáng ra thì giờ này Tân nên ở cơ quan làm việc mới đúng.

Bàn tay cô run rẩy, cầm cốc nước lên để ổn định lại tâm trí.

Nhưng việc đó không dễ như cô nghĩ, nước trong cốc bị sóng sánh ra ngoài.

Mặt cô thoáng trắng bệt đi làm bạn bè phải hoang mang theo.

Cơn đau quặn thắt dưới bụng đã kéo tâm trí cô trở lại.

An hít thở sâu để giữ nhịp bình tĩnh.

Hai bàn tay hết nắm vào rồi thả ra cho đến khi cảm nhận được không khí ấm nóng quanh người trở lại.

An mỉm cười với bạn nói là không sao, sau đó thì ra về trước.

An lấy điện thoại quay một đoạn clip, qua tấm kính nó không thể sắc nét nhưng cơ bản có thể nhận ra được hai người phía trước là ai và đang làm gì.

An cảm giác được sự ẩm ướt dưới thân người, cô lập tức vào bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ nói cô bị động thai, khuyên cô nằm lại để theo dõi và tuyệt đối không được để bản thân bị stress hay xúc động quá mức.

An xin cấp thuốc rồi ra về.

Sắc huyết trên mặt cô rất tệ nhưng tuyệt nhiên không hề có một giọt nước mắt nào.