Dịch giả: Nguyên Dũng
…
Vài năm trước, người trong làng gọi nhà tôi là “Pháo đài nhà họ Lý”, ngụ ý ám chỉ tường sân nhà tôi kín như bưng, như tòa lô cốt không lọt được vào chút gió.
Sân nhà người khác vuông còn tường sân nhà tôi hình tròn, nhìn từ xa khá giống tháp canh thời chiến.
Vào năm sau, người trong làng lại gọi nhà tôi là “Nghĩa địa nhà họ Lý”.
Bởi vì, năm đó có một thầy phong thủy đến thôn, cũng chẳng hiểu sao lại cứ muốn vào sân nhà tôi xem một chút, nhưng bị bố tôi kiên quyết kéo ra ngoài.
Thầy phong thủy đó ở ngoài mắng nhà tôi, nói rằng bố tôi không hiểu biết còn bày đặt học đòi, xây một kiến trúc phong thủy “càn khôn chiếu nguyệt” nhưng lại chất đất đá vào trong, đấy không phải là cách làm đúng, sớm muộn cũng sẽ đoạn tử tuyệt tôn.
Bố tôi nghe xong xông ra ngoài cho người đó hai cái bạt tai, còn suýt nữa xảy ra xô xát với chủ nhà mời vị thầy phong thủy kia đến. Kể từ đó, người trong làng càng không ưa gì gia đình tôi nữa.
Tuy nhiên, bố tôi không quan tâm, ông không nói chuyện nhiều với dân làng và ít khi ra khỏi nhà, suốt ngày chỉ ở nhà và nuôi gà.
Người bình thường nuôi nhiều nhất hai con gà trống, nhưng bố tôi nuôi cả một đàn gà trống, không hề có con mái nào.
Người ta nói gà trống nuôi hơn năm năm không được ăn, nếu gà ăn quá nhiều côn trùng độc, chất độc sẽ ngấm vào thịt, ăn gà năm tuổi cũng giống như ăn phải thạch tín.
Tôi không biết gà nhà tôi đã nuôi bao nhiêu năm, có điều chỉ toàn nhốt trong lồng không thả ra ngoài, bố tôi còn mua giun từ bên ngoài về cho chúng ăn.
Tôi từng mấy lần thấy ông thuê người mang rết về nhà, sau đó đổ thẳng những con rết dài vài phân vào chuồng gà, rết bò ra theo máng thức ăn, bố tôi lại dùng tay không nhặt ném vào chuồng gà như nhặt que củi.
Chỉ đứng bên cạnh xem thôi cũng đủ khiến da đầu tôi tê dại, nhưng bố tôi cứ lờ đi, coi như không biết.
Những con gà đó quanh năm bị nhốt trong lồng, nhãn cầu đỏ au, nhìn đâu cũng lộ hung quang, trông vô cùng dữ tợn, đừng nói là rết, cho dù ném rắn vào cũng có thể bị chúng xé xác.
Lạ lùng hơn nữa là gà nhà tôi không bao giờ kêu, trong khi gà của nhà khác gáy, thì chúng vẫn cứ im lặng.
Có lần nghe tiếng gà trống nhà hàng xóm gáy, tôi ghé mắt nhìn vào chuồng gà nhà mình thì thấy tất cả gà trống nhà tôi đều tuyệt vọng vươn dài cổ ra ngoài, há miệng cố gắng kêu lên nhưng không thành. Có con còn nóng nảy tới mức phần lông cổ bị tróc hết ra, vẫn dùng hết sức để chui ra ngoài.
Từ hôm đó, tôi không bao giờ dám ngó ra xem chuồng gà nữa.
Bố tôi nuôi một đàn gà như vậy, không những không giết thịt nấu cho tôi ăn mà còn “định kỳ” cho gà ăn tóc và móng của tôi.
Từ nhỏ tôi chưa từng phải ra ngoài cắt tóc, đều là bố tự cắt cho tôi, mỗi lần cắt tóc đều bọc vào giấy vàng, còn dùng bút để đánh dấu. Bố cũng không cho phép tôi tùy tiện cắt móng tay móng chân, mỗi lần cắt móng đều phải đưa cho ông ấy, nếu thiếu một cái ông ấy cũng phải tìm cho bằng đủ mới thôi.
Cứ đến ngày 15 âm lịch, bố tôi đều để vào máng cho gà ăn tóc và móng của tôi.
Tôi từng hỏi bố và nhận được câu trả lời như này:
“Tại sao bố lại cho gà ăn tóc của con.”
“Tại vì con tuổi gà, cho gà ăn tóc của con sẽ giúp con lớn nhanh hơn.”
Nhưng tôi luôn cảm thấy không phải vậy, tôi lặng lẽ quan sát ông ấy hai lần và nhận ra rằng mỗi lần bố tôi cho gà ăn tóc xong đều bắt con gà trống đó và ném vào cái hồ ở sân sau.
Tường sân nhà tôi hình tròn, nhưng đoạn nối ở chỗ bức tường có một vách núi trơ trụi ở đó, thầy phong thủy nói khung cảnh không khác gì lập bia mộ, chính là để chỉ ngọn núi ấy.
Dưới vách núi là một hồ nước rộng ba mét vuông, nước trong hồ xanh đến mức nhìn không thấy đáy, nếu thử ném một viên đá xuống nước, nước sẽ sủi bọt lên và sau đó không thấy tăm tích gì, cũng không biết đáy vực sâu bao nhiêu.
Bố tôi không bao giờ cho tôi ra hồ đó chơi, cũng không được uống nước trong đó, nước sinh hoạt đều lấy ở đầu làng.
Mỗi tháng bố tôi đều đến hồ đó 2-3 lần, mỗi lần đều ném một con gà sống vào đó.
Đàn gà nhà tôi sắp bị nuôi đến phát điên luôn rồi, bình thường không thể bắt được chúng, thế nhưng cứ đến mép hồ lại ỉu xìu như bánh đa nhúng nước, như thể cam chịu số phận để bố tôi ném xuống nước vậy.
Còn chuyện gì đã xảy ra với những con gà trống sau khi bị ném xuống nước, tôi không rõ.
Sau khi bố tôi ném con gà xuống, ông ấy đứng bên hồ, nhìn chằm chằm vào mặt nước. Đôi khi có thể đứng cả tiếng đồng hồ, đôi chỉ xem vài phút, mà tôi cũng không hiểu ông ấy đang nhìn cái gì nữa!
Trong ấn tượng của tôi, bố tôi luôn lặp đi lặp lại việc nuôi gà rồi đứng nhìn mặt nước, hai việc này cứ thế làm hơn mười năm rồi.
Cho đến năm tôi 15 tuổi, tần suất bố tôi ném gà xuống hồ nước ngày càng thường xuyên hơn, cũng không tiếp tục mua gà con về nhà nuôi nữa, trông ông có vẻ hăng hái và hoạt bát hơn trước đôi chút.
Thế nhưng, một hôm đi học về, tôi thấy bố đi quanh nhà với vẻ mặt ủ rũ, lâu lâu lại nhìn vào máy tính, mắt như dán vào đó, ánh mắt như thể có thù sâu sắc với chiếc máy tính vậy, hận không thể đập vỡ nó ngay lập tức.
Mặt bố tối sầm lại trông rất đáng sợ, tôi không dám bắt chuyện với ông chỉ lặng lẽ liếc nhìn màn hình máy tính. Trên đó có các bài viết về việc “ba ngày nữa sẽ xuất hiện Nguyệt thực”.
Lúc đó bố tôi mở một số trang web, chắc là để xác minh tin tức về “Nguyệt thực” có phải là tin đồn lan truyền hay không.
Lúc đó, bố tôi đi đi lại lại như mất trí trong nhà mà không biết rằng tôi đã về. Mãi cho đến khi tôi thấy bất thường bèn gọi một tiếng, khi ấy ông mới quay lại với đôi mắt đỏ hoe.