Thôn Trần An sinh sống tên là Thạch Hà Tử, nằm sâu trong núi, gần giao giới giữa Tứ Xuyên và Thiểm Tây.
Bởi vì có thể nhìn thấy đá to đá nhỏ khắp nơi trong sông suối nên được gọi là Thạch Hà Tử, đâu đâu cũng có dốc đá đen trơn bóng bị nước mưa cọ rửa lộ ra hai bên.
Thôn nằm trên một con dốc thoải ở khúc cua lớn ven sông, người không nhiều, chỉ có khoảng bốn mươi hộ.
Năm đó ông nội hắn dẫn theo Trần Tử Khiêm chạy nạn từ Dinh Khẩu lên núi, khi ấy thôn Thạch Hà Tử chỉ có tám chín hộ gia đình.
Cho dù dân bản địa ít, nhưng người từ ngoài đến cũng không dễ hòa nhập vào thôn, chỉ có thể an cư trên mảnh đất bằng thuộc con dốc thoải cách thôn 500m ở hạ du Thạch Hà Tử, bên cạnh có kênh rạch nhỏ nước chảy quanh năm, dùng làm nguồn nước uống.
Xây nhà cỏ tranh, đốt nương làm rẫy mới dần dần có nhà cũ như bây giờ, từ từ cắm rễ, dần dần tạo dựng mối quan hệ với người trong thôn, trở thành một phần của thôn Thạch Hà Tử.
Sau này có lác đác mấy hộ chuyển tới, hầu hết đều giống ông nội Trần An, cũng định cư trên núi theo cách tương tự, vì muốn chọn vị trí tốt để xây nhà nên khá phân tán, chỉ có mấy hộ dân bản địa là sống tập trung, mười mấy năm trôi qua mới có quy mô như hiện giờ, cũng chính là đội sản xuất hiện tại.
Tuy thuộc Tứ Xuyên nhưng vị trí rất hẻo lánh, cách trấn Đào Nguyên gần nhất 16km, còn huyện gần nhất, giống như đến Hán Trung ở Thiểm Tây, đi đường núi cũng hơn 150km.
Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh, không phải nói quá.
Hồi trước chỉ có một số con đường mòn dốc đứng gồ ghề, sau này mọi người mới hợp sức, dưới hỗ trợ của chính phủ, tình nguyện làm một con đường đất rộng ba mét từ trong thôn lên trấn, xem như thuận tiện hơn một chút.
Trần An đi về cũng không gặp ai, chỉ nhìn thấy mười mấy người trên đường lớn ở phía xa, đeo túi lớn túi nhỏ từ bên ngoài trở về.
Trần An nhận ra đó là đội nghề phụ do đội sản xuất cử ra ngoài làm công kiếm tiền, đều là thợ đá, thợ mộc có tay nghề, ra ngoài sửa đê, xây đập nước, xây nhà cho người ta.
Người ở lại trong đội sản xuất quanh năm rất ít tiền, ngày thường chỉ trông chờ vào trứng gà đẻ ra từ mông gà đổi lấy 3 ~ 5 xu hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, cuối năm giết lợn nuôi nộp lên một nửa được 30 ~ 40 tệ, còn phải giao 3 tệ thuế giết mổ, còn muốn thấy tiền thì phải dựa vào đội nghề phụ.
Công điểm cả năm chưa chắc đủ thức ăn cho cả nhà, chứ đừng nói là đổi lấy tiền.
Người của đội nghề phụ đã về, đồng nghĩa với việc thanh toán công điểm đổi lương thực cuối năm đã đến.
Nghĩ đến chuyện này, Trần An lẩm bẩm:
"Chắc là ngày mai thôi, tuyệt đối không thể ở nhà, phải tìm chỗ chơi hai ngày… Nếu không lại điếc tai!"
Trần An muốn trốn là có nguyên nhân.
Hắn nhớ rõ, bởi vì chuyện cuối năm thanh toán công điểm chia lương thực khiến cho bố mẹ luôn hướng về hắn "Tỉnh ngộ", cảm thấy hắn rất tệ, trách mắng vài ngày.
Lải nhải cả ngày, thật sự không chịu nổi.
Ấn tượng quá sâu.
Nguyên nhân chỉ có một, Trần An không đi làm, là gánh nặng của cả nhà, chẳng những không được chia tiền, còn nợ đội sản xuất 1 tệ hai hào tư, dùng lương thực cơ bản để trả tiền này.
1 tệ hai hào tư…
Đời trước Trần An chưa từng thấy số tiền lớn gì, nhưng cũng cảm thấy 1 tệ hai hào tư này là sỉ nhục, cho dù tiền lúc này cực kỳ giá trị.
Điều này khiến hắn lại ý thức được mùi tiền rất thơm.
Thời kỳ ăn cơm dựa vào công điểm, công điểm chính là tất cả.
Có một câu vè mô tả sinh động hình tượng nhân vật nổi tiếng nông thôn thời kỳ đội sản xuất: Chọc đội trưởng làm việc nặng, trêu thủ kho chà quả cân, ghẹo kế toán bị bút đâm, chòng bí thư không thể sống.
Mặt khác, thầy thuốc và giáo viên tư thục cũng là nghề được mọi người hâm mộ.
Bình thường bọn họ không lo cơm ăn áo mặc.
Ngoài ra chính là đội nghề phụ ra ngoài làm việc, đội trưởng phải là người có năng lực ôm việc kiếm được tiền.
Nói trắng ra là đi ra ngoài làm thuê.
Còn nghề tay trái như xưởng nhỏ gì đó thì không thực tế, trên núi không làm được.
Đội nghề phụ của thôn Thạch Hà Tử ở bên ngoài cả năm, tiền đề là mỗi người phải nộp 280 tệ lên đội khi trở về.
Thời buổi lương công nhân cũng chỉ có 20 ~ 30 tệ một tháng, muốn kiếm 280 tệ, rất khó khăn.
Nếu kiếm được hơn, tất nhiên là vào túi họ, vất vả thật đấy, nhưng tìm được cách thì rất béo bở.
Dĩ nhiên, thôn dân không oán thán gì cả, bởi họ có tay nghề.
Hơn nữa, chính vì số tiền bọn họ kiếm về này khiến công điểm làm cả năm càng đáng giá hơn.
Người có cuộc sống khó khăn chỉ có thể cố gắng tận dụng mọi cơ hội để người chấm điểm ghi thêm một hai công điểm.
Trong mùa vụ thì cơ hội như thế có rất nhiều, nhưng đến nông nhàn, muốn kiếm công điểm cũng không có cơ hội.
Vài năm trước còn tạm, có tinh thần tín ngưỡng, ai cũng tích cực, cùng nhau ra sức làm việc.
Nhưng hiện giờ, mọi người hiểu ra rất nhiều điều, đội sản xuất là tập thể, làm tất cả vì tập thể, người lao động không có ý thức tự chủ, thù lao tính theo chế độ công điểm, làm nhiều hay ít cũng giống nhau, hơn nữa tổ chức tập thể, quyết sách tập thể, phân phối tập thể, không có quyền tự chủ gì… Tích cực cũng trở nên xa xỉ.
Công việc một ngày kéo tận mấy ngày, nói tóm lại, qua loa cho xong.