Chương 29: Khinh người nhỉ

Đống phiếu vải phiếu lương thực được cột lại thành bó, chúng đã được phân loại cẩn thận, có giá trị như nhau, đều là phiếu lương thực quốc gia trị giá năm cân và phiếu vải trị giá mười thước.

Trần An đếm sơ qua, có tổng cộng 35 phiếu lương thực và 28 phiếu vải.

Tính ra, giá trị cũng khá ổn.

Hắn chia số phiếu lương thực này thành hai nửa, mỗi nửa 17 phiếu, còn phiếu vải là 14 phiếu, sau đó đưa cho Hồng Sơn nói:

"Anh Đản Tử, em lấy nhiều hơn một chút, thêm một tờ phiếu lương thực và 1 tệ 5 hào."

Hồng Sơn nhìn số phiếu và tiền mà Trần An đưa cho mình, mắt tối sầm lại:

"Cẩu Oa Tử, sao em lại đưa anh nhiều thế, nếu không nhờ em dẫn anh theo, anh còn chẳng nhìn thấy được những thứ này. Hơn nữa, suốt đường đi anh cũng chỉ bỏ ra chút sức, toàn là em thu xếp… Anh không cầm đâu."

"Anh nói gì đấy… Đi một chuyến thế này, kể từ lúc bắt đầu đào chuột tre, cả hai chúng ta cùng bỏ sức, cùng mạo hiểm, mà vừa rồi anh cũng bảo vệ em đấy thôi. Chúng ta là ai, là anh em cùng nhau lớn lên, còn thân hơn cả anh em ruột, anh cầm lấy đi…"

Trần An vừa nói vừa nhét vào trong túi Hồng Sơn.

Hồng Sơn không nhìn thấy những thứ này, nếu là người khác sẽ im ỉm giấu đi kiếm tiền rồi.

Nhưng đối với người anh em thân thiết chăm sóc mình nhiều năm ở kiếp trước, Trần An tình nguyện cho anh ấy những thứ này, sở dĩ hắn lấy ra trước mặt Hồng Sơn là vì muốn chia cho anh ấy.

Hồng Sơn vẫn không chịu, lùi về sau hai bước.

"Anh Đản Tử, anh làm gì thế? Nếu anh còn không nhận nữa em trở mặt đấy, còn muốn làm anh em nữa không!"

Trần An trợn mắt nhìn Hồng Sơn:

"Đàn ông đàn ang, thoáng một chút."

Hồng Sơn hơi chần chừ, vẻ mặt kích động nhìn Trần An một hồi, sau đó mới đưa tay nhận lấy.

Đây là những thứ ở nhà đang thiếu trầm trọng, sao anh ấy có thể không cần chứ. Nhưng anh ấy cảm thấy nếu không nhờ Trần An dẫn dắt, cũng sẽ không có chuyến đi này, phần lớn đều là công của Trần An, được chia cho ít tiền là đã thoả mãn rồi.

Hai người lớn lên cùng nhau, anh ấy cũng biết Trần An là người ngay thẳng, rất xem trọng tình cảm anh em.

Bây giờ Trần An đã nói đến nước này rồi, anh ấy cũng không tiện từ chối, sợ sẽ tổn hại tới tình anh em giữa hai người, thế là nhận lấy cất vào trong người:

"Tiếp theo trở về hả?"

Trần An ngẫm nghĩ một chút, nhìn xuống đôi giày cao su màu vàng của mình, vớ bên trong còn chẳng được một đôi, đầu ngón chân lộ ra ngoài, rồi lại nhìn sang đôi giày vải Hồng Sơn mang rách tả tơi nói:

"Bây giờ mấy quán cơm với cửa hàng bách hóa trong thành phố cũng đã mở, chúng ta cực khổ một chuyến, đi kiếm gì đó lấp đầy bụng rồi mua ít lương khô làm đồ ăn trên đường đi. Còn nữa, mấy tờ phiếu vải kia giới hạn ở Hán Trung, nên chỉ có thể dùng được ở đây. Trời lạnh, mua ít vải bông về cho người nhà may mấy bộ quần áo, mua thêm đôi giày nữa… Xong xuôi rồi về."

Sau này sẽ phải thường xuyên lên núi, không có một đôi giày tốt cũng không được.

Ở thời điểm hiện tại, giày cao su vàng thật sự là vũ khí tốt nhất để băng rừng vượt núi.

"Không sợ gặp lại thằng chó kia à? Bị mất hết đồ, chắc chắn nó sẽ tìm khắp nơi cho xem." Hồng Sơn không yên tâm hỏi.

"Sợ gì chứ, vừa rồi bị đuổi, hãi hùng khiếp vía, lại còn bị chúng ta đánh cho một trận, nói không chừng tên đó chẳng nhớ chúng ta là ai nữa. Mà chúng ta cũng không ở Nam Trịnh, đi thêm mấy cây số nữa vào thành phố Hán Trung, ăn chút gì đó rồi mua đồ, rất tiện lợi. Hơn nữa, chắc tên đó sẽ nghĩ chúng ta đã chạy mất, không dám ở lại, nên chỉ cần chú ý một chút là được."

"Được, đi thôi, bữa cơm hôm nay để anh mời, đừng có giành với anh đấy."

Trần An cười, dẫn đầu đi theo con đường tới Hán Trung, đồng thời cảnh giác nhìn ngó xung quanh.

Cũng may, dọc đường không có gì dị thường, cả hai thuận lợi tiến vào một thành phố có nhiều kiến trúc cổ kính, tìm được một cửa hàng bách hoá. Ngay bên cạnh là một quán cơm bình dân, bên trong có rất nhiều người ngồi ăn cơm, giọng gì cũng có.

Trần An và Hồng Sơn bước vào quán cơm bình dân đó, một cô phục vụ mặc đồng phục màu trắng đang lau bàn thấy cả hai mặc áo vá, đi giày rách, nhìn là biết hai thằng nhà quê nghèo kiết xác lên thành phố, cho là dân chân đất đi nhầm chỗ.

Cô ta nhăn mặt, quát to:

"Chỗ này là quán cơm, không phải đường mà muốn đi là đi, ra ngoài!"

Nếu là trước kia, trong túi không có tiền, cả hai thật sự không dám bước vào quán cơm này.

Tiền bạc có thể làm khó anh hùng, không tiền không phiếu, đúng là có nhiều chỗ chẳng có tư cách bước vào, cứ cảm thấy thua kém người ta, trong lòng tự ti, cũng chỉ có thể đứng ngoài cửa nhìn vào trong.

Cho dù là thế, nhiều khi vẫn bị người khác xua đuổi.

Thời buổi này chưa có khẩu hiệu khách hàng là thượng đế, nhân viên phục vụ gây gổ với khách hàng, đầu bếp động tay động chân với khách là chuyện thường gặp, có khi chưa chắc đã nói lý được.

Tiệm to ức hiếp khách hàng.

Nhưng giờ khác xưa rồi, trong túi họ vừa có tiền vừa có phiếu, chỉ là một bữa cơm, vẫn chi được.

Hồng Sơn nổi nóng, đáp trả ngay:

"Chẳng lẽ không thể ăn ở quán cơm mà phải ra đường ăn à?"

Nhân viên phục vụ thấy Hồng Sơn phản bác, cũng không sợ, lạnh lùng nói:

"Nhìn là biết hai tên nhà quê, ăn cơm thì phải cần phiếu lương thực, các người có không?"

Hồng Sơn trợn mắt trả lời:

"Nếu không có, ông dám bước vào đây à?"

Anh ấy nói xong, hùng hổ đi tới ngồi xuống băng ghế ở chiếc bàn nhân viên phục vụ đang lau, tiện tay móc ra phiếu lương thực và tiền, sau đó đập mạnh xuống bàn, còn bổ sung một câu:

"Khinh người nhỉ, các cô chỉ là phục vụ thôi, bắt nạt dân lao động à?"

Không phải khoe khoang gì, hơn một tiếng trước, hai người vẫn còn nghèo rớt mồng tơi, nhưng bị đối xử như thế, dù là ai cũng sẽ khó chịu, trước đây bọn họ có thể nhẫn nhịn, nhưng giờ thì không.

Hơn nữa, Hồng Sơn cũng nhanh mồm nhanh miệng, vừa bắt đầu đã chụp mũ, ai nghe xong cũng khiếp sợ.