Rừng tre khó đào hơn chỗ cỏ tranh nhiều.
Rễ tre dưới lòng đất đan xen khó gỡ, cứ đào thì phải dùng cả dao lẫn rìu, rất tốn thời gian và công sức, không phải một hai tiếng là có thể đào được một hang.
Ở những nơi gần nguồn nước thế này, đổ ngập nước là cách ít rắc rối và nhanh chóng nhất.
Hắn nhìn đống phân hình con nhộng mà chuột tre ị trên mặt đất, phát hiện là một con, đầu khá lớn.
Hồng Sơn cũng sang đây xem:
"Cẩu Oa Tử, em đào đi, anh đi xách nước."
"Được, anh đi chậm thôi, rừng tre khó đi!" Trần An dặn dò.
Là bạn nối khố, dù Hồng Sơn phép tắc hơn Trần An nhiều, nhưng hai người cũng thường xuyên tụ tập quậy phá, phân công phối hợp có độ ăn ý nhất định, dù làm gì cũng tận lực, không tính toán chi li.
Hắn vung cuốc bổ xuống cửa hang, sau mấy lần đã tìm được đường hầm lánh nạn của chuột tre dưới lòng đất, sau khi dọn sạch lá tre còn sót lại ở xung quanh và mở rộng miệng hầm một lúc, Hồng Sơn đã xách hai xô nước leo lên dốc núi.
Trần An lập tức nhận lấy xô nước đổ xuống đường hầm.
Đường hầm rất sâu, hết một xô mà vẫn không thấy phản ứng gì, hắn lại đổ tiếp một thùng khác vào.
Lần này, trong đường hầm đã ngập nước.
Ngay sau đó, chuột tre ướt sũng không nhịn nổi phải chui ra khỏi hang, nằm sấp ở cửa hang, người vẫn ngâm trong nước.
Trần An thò tay ra chuẩn bị bắt, con thú nhỏ hung dữ kêu "Ư ư", cái đầu to núng nính vặn vẹo muốn há mồm cắn tay Trần An.
Đối với Trần An chỉ là chuyện nhỏ, tay nhanh như chớp, vừa chuẩn vừa hung ác, tóm đuôi ở sau lưng nó rồi xách lên.
"Con này to quá, ít cũng phải 2 kg."
"Nặng lắm… Nào, giúp em buộc đi." Hắn lấy cuộn chỉ gai trong túi áo đưa cho Hồng Sơn, buộc chân sau của chuột tre vào rồi treo lên cây.
…
Trên cành cây to của gốc bồ kết trong thôn Thạch Hà Tử phát ra tiếng gõ chuông leng keng và tiếng hét của đội trưởng, phó đội trưởng từ khắp mọi nơi.
Như Trần An đã nói, thôn đang triệu tập xã viên đi họp, khác với việc sắp xếp việc đồng áng trước đây, hôm nay chủ yếu là công bố sổ sách và thanh toán cả năm.
"Già trẻ lớn bé nhanh chóng tập hợp đến cây bồ kết, cuối năm rồi, tính công điểm, phân lương chia tiền, cầm về nhà ăn Tết, tất cả hăng hái lên …"
Đội trưởng của thôn Thạch Hà Tử có biệt danh là "Quạ đen", lúc gào rống giọng to đến nỗi cách hơn một cây số cũng có thể nghe thấy, người vừa già lại đen, mồm quang quác như quạ khoang nên mọi người lén gọi ông ấy như vậy.
Nghe thấy tiếng chuông và tiếng la hét, người trong thôn lục tục ra khỏi nhà, tụ tập đến cây bồ kết.
Trần Tử Khiêm, Cảnh Ngọc Liên, Trần Bình và Cù Đông Bình cũng không ngoại lệ.
Trần Tử Khiêm ngậm tẩu thuốc, Cảnh Ngọc Liên kẹp đế giày chưa kéo hết chỉ dưới, vội vàng đi về phía trước.
Còn Trần Bình và Cù Đông Bình, mỗi người bế một đứa bé theo sát đằng sau.
Ai cũng hăng hái đi họp, không cần làm gì cũng có công điểm.
"Nếu biết hôm nay tính công điểm phân lương chia tiền thì đã không để thằng út đi bắt chuột tre rồi, cứ ngồi dưới cây bồ kết là có thêm công điểm." Cảnh Ngọc Liên vẫn cảm thấy công điểm mới là thật, lại đáng tin, đương nhiên không muốn bỏ lỡ cơ hội kiếm công điểm miễn phí thế này.
"Cuối năm rồi, nhiều hay ít thì làm được gì?" Trần Tử Khiêm chẳng thèm để ý.
Trần Bình đi sau không nhịn được chen lời:
"Cả năm nó làm được mấy công, đến cũng vô ích, thà không đến cho đỡ mất mặt."
Trần Tử Khiêm quay đầu lườm anh ấy:
"Đần độn! Đừng tưởng mày là lớn mà khôn, mày có nghĩ tại sao bố mày cho thằng út đi bắt chuột tre không? Mày nghĩ nó thật sự là đứa chơi bời lêu lổng à, bố đã hỏi rồi, nó vẫn luôn đi theo Lý Đậu Hoa thôn bên cạnh học hái thuốc đi săn, trong núi chẳng có gì làm, hái thuốc với săn bắn cũng là một đường ra, chứ không to xác mà đần như mày, sống cũng phải tìm cách mà sống chứ!"
Trần Tử Khiêm nói vậy chẳng khác nào nói Trần An thông minh cơ trí hơn Trần Bình nhiều.
Thấy bố lại bao che cho Trần An, Trần Bình nhanh trí im miệng, cắm đầu đi ở phía sau.
Khi cả nhà tới chỗ cây bồ kết đã có mấy chục người đứng rải rác xung quanh.
Có người ngồi xổm dựa vào tường, có người đứng cạnh gốc cây, có người cởi một chiếc giày ra kê dưới mông để ngồi.
Người biết hút thuốc thì lấy tẩu ra hút, đám thanh niên tụ tập tán gẫu, các cô gái xúm lại một góc nô đùa, nhóm bà nội trợ thì trông con, vừa khâu mũi giày hoặc đế giày vừa buôn dưa lê.
Đợi một lúc, thấy mọi người đã đến gần hết, đội trưởng vừa cuộn thuốc lá vừa nhìn đám người, sau đó ho một tiếng đi ra chính giữa, đọc công văn, báo cáo rồi bắt đầu bố trí người tính công điểm, chia lương thực và tiền.
Kéo dài mãi đến hơn ba giờ chiều mới đến lượt nhà Trần Tử Khiêm.
Nhìn mọi người khiêng lương thực rồi nhận tiền ra về với nụ cười rạng rỡ, cả nhà vây quanh kế toán.
Trần Tử Khiêm tính toán đâu vào đấy, cảm thấy nhà mình khá nhiều công, nếu lấy công điểm đổi lượng lương thực cơ bản cho gia đình, số còn lại cũng đổi được khoảng 10 tệ, ông bước tới trước mặt kế toán, nói ra yêu cầu của mình.
Kết quả là vừa nói xong, kế toán gảy bàn tính, trợn mắt lên nói:
"Đổi chút lương thực kia ông còn phải nộp 1 tệ hai hào tư."
"Cái gì, có nhầm không vậy!"
Hoàn toàn không giống như mình nghĩ, Trần Tử Khiêm khó hiểu nói:
"Không thể nào!"
"Có gì mà không thể, tự ông xem đi!"
Kế toán để sổ sách tới trước mặt Trần Tử Khiêm:
"Năm nay cậu út nhà ông đến chỗ tôi mượn tiền ba lần, bảo là ông sai, ông không biết sao?"
Trần Tử Khiêm nhớ tới Trần An chuồn đi từ sáng sớm, lập tức mắng:
"Thằng mất não này, về đây xem tao trị mày thế nào!"