Chương 1: Chẳng phải là cuộc sống mới sao

Ba sơn Thục thủy.

(Ba sơn Thục thủy: thành ngữ ám chỉ tên gọi của hai quốc gia cổ trong bồn địa Tứ Xuyên là Ba và Thục. Lãnh thổ của nước Ba nay là Trùng Khánh, vùng đất Đông bộ Tứ Xuyên dọc theo Trường Giang và một số chi lưu của nó, trong khi nước Thục có lãnh thổ tại khu vực Thành Đô và các đồng bằng xung quanh lãnh thổ lân cận ở Tây bộ Tứ Xuyên)

Núi Mễ Thương.

Sương sớm phủ mờ núi, giăng mắc khắp khe núi, tạo thành biển mây bao la hùng vĩ.

Ngôi nhà nằm lưng chừng núi tựa như con thuyền lẻ loi giữa biển, một mình trôi nổi trên biển mây.

Trong mây, các loại chim muông dã thú dậy sớm kiếm ăn, liên tục phát ra nhiều tiếng kêu khác nhau.

Ịt ịt là lợn rừng, quác quác là quạ…

Trần An đứng dưới gốc cây hồng trước nhà, lắng nghe âm thanh trong núi rừng, dõi mắt nhìn ra xa, nhưng ngoài núi ra chẳng còn gì khác.

Núi non liên miên, vô cùng vô tận.

Mọi thứ đối với Trần An đều rất quen thuộc nhưng cũng có cảm giác xa lạ mãnh liệt.

Đây là nơi đã khắc sâu trong tâm trí hắn, hơn bốn mươi năm sau lại là một nơi hoàn toàn khác biệt.

Hắn không ngờ mình chỉ uống chút rượu ở nhà, trong lòng bực bội nên đạp con xích lô điện đến nhà khách trong trấn để lật vỏ sủi cảo, ai ngờ sau khi ngủ dậy lại nằm trong căn phòng ở ký ức với thân xác mười chín tuổi.

Lúc ra khỏi phòng, hắn cố ý tới phòng khách nhìn cuốn lịch mới mua vừa xé được vài tờ treo trên cây cột cạnh cửa nhà: Ngày 21 tháng 1 năm 1980, đại hàn.

Còn hai mươi lăm ngày nữa là đến đêm giao thừa năm 79, gần cuối năm rồi!

Nhớ lại mọi chuyện ở đời trước, Trần An chỉ cảm thấy khó chịu, máu dồn lên não, buột miệng mắng ông trời:

"Ngày chó má gì thế này, hành ông cả đời còn chưa đủ à? Còn muốn lần nữa…"

Năm 1981, từ tháng 6 đến tháng 9, trời mưa như trút nước, cực kỳ nguy hiểm, cả Tứ Xuyên hứng chịu một trận lũ lụt hiếm hoi trong suốt một thế kỷ, mà chỗ hắn lại nằm ở trung tâm vùng thiên tai.

Trong một đêm tháng 8 năm đó, bùn đất sau núi bị phong hóa trở nên nhão nhoét, sau đó lở đất cuốn theo đá và cây cối trút xuống, đè sập căn nhà mà gia đình Trần An đang ngủ.

Hắn được đào ra ngoài trong tình trạng khỏa thân vào trưa ngày hôm sau.

Còn người thân chết sạch.

Cảnh tượng đó tựa như một cơn ác mộng, vẫn còn đọng lại trong tâm trí hắn.

Chính Trần An cũng bị gãy xương đùi trái do một cây cột nện trúng, trở thành người tàn tật kể từ đó.

Sau này, hắn một thân một mình, chẳng còn hy vọng gì vào cuộc sống, chỉ đành dựa vào hai mẫu ruộng cằn cỗi và hơn mười con dê vàng do đội sản xuất phân phối, đồng thời tìm người học nghề đan tre nứa, đan ít sọt với thúng kiếm chút tiền lẻ sống lay lắt qua ngày.

Suốt quãng đời còn lại, hắn cũng không lấy được vợ.

Ai lại muốn gả cho một tên thọt ở trên núi chứ, trừ khi là kẻ ngu.

Nghĩ tới đây, Trần An không có dũng khí sống lại, cũng không có can đảm làm lại từ đầu, hắn chỉ muốn mắng ông trời thôi.

Cảm giác như bị đè mạnh xuống đất, trong lòng không hề có một chút vui sướng nào.

Có tiếng bước chân trên con đường nhỏ dẫn ra bờ sông trước nhà.

Trần An quay đầu lại, thấy một người phụ nữ khoảng hai mươi tuổi đang gánh nước đi tới.

Sương đêm xuống lạnh buốt làm đất trên đường nhỏ xoay tròn, khi giẫm phải sẽ phát ra tiếng lạo xạo.

Người phụ nữ trông rất bình thường, gánh nước, bước đi vững vàng.

Chị ấy tên Cù Đông Bình, là chị dâu Trần An, cơ thể chắc nịch, ngực to mông nở, cao to vạm vỡ, là chuyên gia lao động.

Trong sáu năm kể từ khi gả vào nhà hắn, chị ấy đã sinh hai bé gái cho anh Trần Bình, một đứa năm tuổi, một đứa ba tuổi rưỡi.

Dù là bố mẹ hay anh đều mong sinh được con trai, trong quan niệm của họ, con trai không chỉ là để nối dõi tông đường mà còn để giữ thể diện!

Cù Đông Bình gánh nước đi tới trước nhà, thấy Trần An đứng dưới cây hồng, hơi giật mình hỏi:

"Chú An, hôm nay dậy sớm thế? Không ngủ được hả?"

Trần An hiểu tại sao chị ấy lại ngạc nhiên như vậy, hắn là con út, từ nhỏ được bố mẹ cưng chiều, cuộc sống rất thoải mái.

Thường ngày, nếu không phải buồn tiểu hoặc bận việc của đội sản xuất, Trần An chính là người dậy muộn nhất.

Tiết trời lạnh giá, tuyết có thể rơi bất cứ lúc nào, đội đã thu hoạch hoa màu trên ruộng từ hơn hai tháng trước, vào mùa nông nhàn nên trong đội không có việc gì để làm, đương nhiên chị ấy sẽ bất ngờ khi thấy Trần An dậy sớm.

"Em đi nhà vệ sinh." Trần An nhếch miệng cười với Cù Đông Bình.

"Đêm qua sương rơi đầy, khắp nơi trắng xóa, trời lạnh lắm, sao không mặc nhiều quần áo một chút."

"Không sao!"

"Tốt nhất là mặc thêm chút quần áo vào đi, cảm lạnh không khỏi được lại phải tốn tiền, nhà ta làm gì có đồng nào."

"Vâng!"

Nhìn Cù Đông Bình gánh nước đẩy cửa bước vào nhà, rồi đổ nước vào chum, sau đó lại gánh thùng gỗ ra bờ sông, Trần An bèn đi vào nhà.

Ngôi nhà được ông nội quá cố xây vào những năm 1950.

Bởi vì thiếu ánh sáng nên ngôi nhà luôn có mùi ẩm mốc.

Giữa nhà có một lò sưởi hình vuông rộng hơn 1m², chất đầy tro củi, trên lò sưởi treo một chiếc nồi ba chân bằng sắt đã khá cũ, bên ngoài đầy muội đen xì do khói lửa đốt thành.

Ở vùng Ba sơn, vài năm trở lại đây, nấu cơm bằng nồi ba chân là đặc trưng của sự lạc hậu, nghèo đói… Nghèo đến mức phải nấu bằng nồi ba chân.

Đương nhiên, giờ trên núi vẫn dùng rất phổ biến, chỉ có vài hộ có nhà bếp mới dựng bếp lò, đặt cái nồi sắt lên nấu cơm xào rau.

Trong phòng chẳng có gì khác ngoài vài chiếc ghế dài đặt ở rìa tường, một chiếc bàn bị loang lổ và một cái chạn bát to sụ.

Bước tới cầu thang dựa vào vách ngăn bên trái lên gác, Trần An trở lại phòng mình.

Hắn không ngủ tiếp, mà mở cửa gỗ ra, nhờ nắng sớm bên ngoài, tìm chiếc áo khoác treo trên giá gỗ nhỏ đầu giường rồi mặc vào, sau đó đứng bên cửa sổ nhìn xuống.

Lát sau, cửa nhà bị đẩy ra, bà bu Cảnh Ngọc Liên bước ra ngoài, đứng trong sân chải tóc, sau đó tìm một con dao phay, đổ cỏ lợn trong thúng ra rồi tìm một tấm ván gỗ để băm cỏ lợn, tay phải cầm dao, tay trái cầm một nắm cỏ lợn, cắt ở giữa rồi thành thạo chắp vào một nắm gọn gàng, sau đó xắt nhỏ.

Trần An lặng lẽ quan sát, nhìn chị dâu gánh bốn chuyến đổ đầy chum nước, ôm bó củi vào nhà, chẳng mấy chốc khói bay ra, xộc lên gác theo lối cầu thang, hơi ngạt thở.

Chị ấy đang chất bếp đun nước, khi nào ông bô và anh trai dậy sẽ có nước nóng rửa mặt và uống.

Hắn nhìn bà bu thái cỏ lợn xong, vét vào gầu hót, mang đến chuồng lợn cho hai con lợn đen đang kêu ịt ịt sau khi nghe thấy tiếng băm cỏ.

Mãi đến khi mặt trời mọc, hắn mới thấy chị dâu dẫn hai cháu gái tới khu rừng bên trái ngôi nhà để đi vệ sinh, ra ngay sau là Trần Bình, anh ấy vươn vai rồi đi về phía nhà vệ sinh.

Một lúc sau lại thấy ông bô Trần Tử Khiêm vừa ngáp vừa ngồi xổm dưới cây hồng, vê thuốc lá khô.

Đến tận lúc này, trong đầu Trần An như có một tia chớp lóe lên, lập tức tỉnh táo.

Bố, mẹ, anh trai, chị dâu và hai cháu gái đều còn sống, bằng xương bằng thịt, sờ sờ trước mắt!

"Chỉ cần tránh được trận thiên tai kia, bọn họ sẽ còn sống, ông đây cũng không bị què nữa… Chẳng phải là cuộc sống mới sao!"

Trần An chợt hiểu ra mừng như điên:

"Mình ở đây oán trời trách đất, trách quần què, mẹ nó đây chính là chuyện tốt!"