Nếu nói mỗi đời gia chủ Warboar đều duy trì cách xử sự nhất quán với vương quốc, thì thái độ của hoàng tộc với quyền lực quá lớn của họ phức tạp hơn nhiều.
Có nhượng bộ, có kiêng kị, đa phần lựa chọn nước sông không phạm nước giếng. Nhìn chung, mỗi một đời quân vương đều có cái nhìn khác nhau với gia tộc bá tước lâu đời này.
Quốc vương đương nhiệm mới đăng cơ chưa tới 5 năm, hiện đang bận rộn củng cố triều chính và xoá bỏ ảnh hưởng của tiền triều nên vẫn chưa nhìn rõ thái độ của hắn với nhà Warboar. Tuy nhiên, mối quan hệ của gia tộc Warboar với tiền vương thì không quá hữu hảo, nếu không nói là đặc biệt kém.
Thậm chí trong suốt chiều dài lịch sử đều hiếm có đời quân vương nào biểu thị chèn ép nhà bá tước một cách rõ ràng như tiền nhiệm quốc vương.
Phương thức chèn ép cũng không mới, chủ yếu xoay quanh việc đề bạt thế hệ quý tộc trẻ, suy yếu quyền lực các phân gia của quý tộc đồ đằng, làm giảm tiếng nói của họ trong tòa án hoàng gia. Cùng lúc đó, ra sức thu phục các quý tộc trung lập để biên giới hóa giới quý tộc phương Nam.
Có thể nói, một đời tiền vương đều không có thành tích nào nổi bật, chỉ có những quyết sách kiềm hãm các gia tộc đồ đằng xuyên suốt quãng thời gian tại vị xem như điểm nhấn.
Hiệu quả của những quyết sách đó, khó mà đánh giá cho đúng.
Nói là có hiệu quả đi ? Quả thật là trong thời tiền vương tại vị, phân gia của các quý tộc phương Nam tại kinh đô trải qua tương đối thảm, thậm chí tới phân gia của nhà Warboar cũng không tránh khỏi bị triều đình cô lập. Tiếng nói của họ trên chính trường sụp giảm nghiêm trọng, tới tận đời tân vương cũng chưa thấy dấu hiệu khởi sắc.
Và với những thủ đoạn uy bức cùng lợi dụ, thêm vào việc nhà Warboar cũng không bày tỏ thái độ bảo hộ, các quý tộc trung lập có lãnh thổ giáp ranh phương Nam tới giờ hầu như đã quy thuộc hoàng gia. Khiến một đường biên giới ngăn cách giới quý tộc cũ và mới hiện lên rất rõ ràng.
Nhưng toàn bộ những kết quả trên liệu có thật sự ảnh hưởng đến quyền lực của nhà Warboar hay không ? Dường như là không.
Cái danh “Quốc gia bên trong quốc gia” không phải bị gọi cho có. Đừng xét cả giới quý tộc đồ đằng, chỉ tính riêng lãnh thổ nhà Warboar sở hữu đã là một hệ thống địa chính trị phi thường hoàn chỉnh.
Không chỉ có thể hoàn toàn tự cung tự cấp, nơi đây còn có những con đường giao thương riêng biệt, không bị phụ thuộc vào vương quốc ở bất kỳ một phương diện nào.
Trái lại, với tư cách hậu phương lâu đời của vương quốc, việc cô lập phương Nam thật sự đã tạo nên khó khăn rất lớn cho hoàng gia trong việc đối phó với ba thế lực lớn còn lại của đại lục. Những hậu quả trực tiếp và lâu dài của việc này một lời khó mà nói hết.
Thậm chí đến cả tình trạng của các phân gia, dù tiếng nói chính trị gần như không còn, phương Nam còn đó, địa vị của họ ở kinh đô vẫn sẽ một mực tồn tại. Nhà bá tước không ăn chay, tiền vương thật sự cũng không dám động đến vài ba giới hạn cuối cùng này.
--------------
Hiệu quả dường như chẳng thấy đâu, nhưng hậu quả từ những hành động của tiền vương để lại thì thật sự giáng một đòn nặng nề lên Thần Toạ vương quốc.
Nguyên nhân chủ yếu là vì những quyết sách dùng để chèn ép phương Nam cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận các quý tộc khác.
Dù sao, gia tộc đồ đằng là quý tộc cổ lão, nhưng quý tộc cổ lão không chỉ có gia tộc đồ đằng.
Thậm chí, trong phe phái quý tộc trẻ cũng có sự phân hóa không hề nhẹ. Cũ hay mới là có tính tương đối, không có nhà Warboar làm đối trọng, những gia tộc bên phe hoàng gia đã tồn tại hàng mấy trăm năm cũng ngượng ngùng xưng mình là “quý tộc trẻ”.
Chính sách nâng đỡ thế hệ quý tộc mới của tiền vương thật sự dao động căn cơ của rất nhiều gia tộc lâu đời khác trong vương quốc. Họ cũng không phải Warboar, gánh không nổi tổn thất này.
Hơn nữa, một quốc gia lâu đời như Thần Toạ vốn đã tồn tại vô vàn mâu thuẫn tích lũy trong thời gian cực kì dài, hành động của tiền vương càng góp phần đẩy nhanh chúng đến ngưỡng bộc phát.
Không phải là tiền vương không thấy được nguy cơ của những việc hắn làm. Nhưng có lẽ đứng trước quyền lực khổng lồ và bất biến của nhà Warboar, những nguy cơ trên nhìn như không lớn đến vậy.
Đến cuối cùng, phản kháng lại sự chèn ép của hoàng tộc không đến từ nhà Warboar mà tới từ một gia tộc Đại Công Tước lâu đời.
Hơn nữa, trong số tám nhà Đại công tước của vương quốc, đây còn là gia tộc tuyệt đối không được phép phản bội, nhà Redgrave.
-------------------
Trước khi nhắc đến sự phản bội của nhà Redgrave, cần phải kể một chút về Great Totem.
Great Totem, đại biểu cho lực lượng tối cao của đồ đằng hệ thống, cũng đồng thời là chiến lực uy hiếp cấp hủy diệt đầu tiên của thế giới này.
Trong một khoảng thời gian rất dài cho đến khi các hệ thống sức mạnh khác ra đời và phát triển đến tầm vũ khí chiến lược, Great Totem là át chủ bài tối cao mà một đại thế lực có thể sở hữu.
Thật ra đến bây giờ vẫn vậy, dù cho hệ thống đồ đằng không còn là chủ lưu, sức mạnh của Great Totem vẫn là thứ không ai có thể phớt lờ. Vậy nên mỗi một đại thế lực sở hữu đều lưu truyền lại phương pháp điều động lực lượng của nó.
Và bởi vì đặc điểm liên hệ mật thiết với truyền thừa gia tộc. Great Totem từ lâu đã được xem như biểu tượng của vương quyền.
Đây cũng là nguyên nhân cốt lõi khiến hoàng tộc vương quốc chưa bao giờ ngừng đề phòng nhà Warboar .
Nhìn vào lịch sử, ngươi sẽ tin là nhà Warboar chưa xưng vương, chứ không phải là sẽ không bao giờ thành lập vương quốc.
Thực tế, từ xưa đến nay, có tất thảy 18 Great Totem từng xuất hiện tương ứng với 18 thế lực sở hữu. Ngoại trừ nhà Warboar, 17 thế lực còn lại đều đã hoặc đã từng thành lập nên vương triều của riêng mình.
Đỉnh cao là thời kì Twelve Kingdom - Thập nhị quốc, một giai đoạn lịch sử huy hoàng khi mà 12 vương quốc sở hữu Great Totem đồng thời cùng tồn tại.
Bốn đại thế lực hiện nay của đại lục, trừ Liên bang Công nghệ, đều là những kẻ thắng lợi sau cùng của thời kỳ đó.
Trải qua thời gian khảo nghiệm, theo sự gây dựng và sụp đổ của các vương triều, phần lớn Great Totem đều đã biến mất trong dòng lịch sử. Đến nay, Thần Toạ đại lục chỉ có năm Great Totem còn tồn tại.
Frost Behemoth của Đế chế phía Bắc.
Vô Căn Thụ do Liên hiệp các quốc gia phương Đông đồng sở hữu.
Và xứng đáng với địa vị thống trị tuyệt đối của mình, ba Great Totem còn lại đều thuộc về Thần Toạ quốc.
Chúng bao gồm Golden Warboar do nhà Warboar nắm giữ cùng Crystal Liger và Silver Crow thuộc về hoàng tộc Braveheart… hay ít nhất là đã từng.
Trong hai Great Totem kể trên, Crystal Liger thuộc về huyết thống trực hệ của gia đình hoàng gia, thế nhưng Silver Crow lại có nguồn gốc từ bên ngoài.
Nó vốn thuộc về một vương quốc đoản mệnh được thành lập sau thời kỳ Thập nhị quốc, và đã bị Thần Toạ vương triều trong giai đoạn cực thịnh chinh phục.
Thông thường, sự tàn lụi của một vương triều cũng sẽ dẫn đến sự biến mất của Great Totem bảo hộ cho nó. Tuy nhiên, với rất nhiều những điều kiện ngẫu nhiên tập hợp lại như kỳ tích, vương quốc đã đem được Silver Crow về dưới sự kiểm soát của mình.
Một trong những điều kiện tiên quyết để Silver Crow còn tồn tại là sự tình nguyện quy phục của hoàng tộc bên cựu quốc. Bản thân họ cũng được vương quốc tha mạng và thậm chí sắc phong thành một nhà Đại công tước.
Đúng vậy, cái tên của cựu quốc và dòng họ Đại công tước kể trên là Redgrave.
-------------------
Một năm trước, khi Abyss vừa tròn hai tuổi, nhà Đại công tước tuyên bố phản bội, tách ra thành lập Công quốc Redgrave. Khơi mào cho cuộc chiến vận dụng Great Totem đầu tiên sau 800 năm của đại lục, cũng đồng thời là cuộc nội chiến đầu tiên giữa hai Great Totem trong lịch sử.
-------------------
( Chương này toàn bộ đều là kể chuyện. Nếu mọi người cảm thấy có vấn đề gì thì xin comment góp ý.
Trong chừng hai mấy chương đầu thì những chương như vậy còn khá nhiều, mong các bạn đọc thấy dài dòng thông cảm, vì mình muốn thiết lập bối cảnh hoàn chỉnh một chút trước khi vào tình tiết.
Mong nhận được phản hồi, tích cực hay gạch đá đều được. )