Chương 5: Khác gì giết người?

Chương 5: Khác gì giết người?

Chậc, thế này thì khác gì thẳng tay giết người? Hà Hưng Gia chìm đắm trong tưởng tượng cùng con heo dạo một vòng quỷ môn quan.

“Éii”, tiếng la ở đâu vang lên khiến anh gai cả sống lưng, làm cho hình ảnh âm thanh càng trở nên sống động.

Hoàn hồn lại thì thấy chị dâu cả đang nghiến răng ngắt eo anh cả một phát đau điếng người. Chắc lúc nãy Hưng Quốc vừa làm gì khiến sư tử hà đông không hài lòng rồi.

Thấy chuyện chưa tới đâu mà hai cô con dâu đã đành hanh qua lại, Hà Kim Vượng tức giận quát: “Thôi, nghỉ ngơi sớm mai còn đi làm, dù sao cũng phải hoàn thành mùa vụ này đã rồi muốn đi đâu thì đi.”

Mùa hè trời oi bức vô cùng, mới gần trưa mà thời tiết đã hừng hực như đổ lửa. Để đảm bảo lúa được gặt đúng thời hạn, bà con thường tranh thủ tí buổi sáng mát mẻ trước khi cái nắng cháy da cháy thịt đổ xuống. Cho nên sáng hôm sau, khi trời vẫn còn nhá nhem tối, dân làng đã rục rịch vác cuộc vác cày ra đồng.

Hà Hưng Gia cũng không ngoại lệ, sáng sớm đã phải bò khỏi giường khiến anh ngái ngủ ngáp ngắn ngáp dài không khác gì kẻ nghiện thiếu thuốc. Nhưng đã đồng ý với chú Hà Hữu Thụ rồi thì cũng phải làm đúng quy tắc chung. Dù sao chú ấy cũng chỉ muốn tốt cho anh, thôi thì cố gắng tí vậy.

Còn sự việc tối hôm qua thì bàn tới bàn lui vẫn chưa ngã ngũ. Việc này coi bộ cũng khó cho vợ chồng ông bà Hà đây, tại lòng bàn tay cũng là thịt, mu bàn tay cũng là thịt, con nào chẳng là con mà việc ngon lại chỉ có một, biết chọn đứa nào bây giờ?!

Hà Hưng Gia mới xắn quần xuống ruộng chưa đầy một giờ thì mồ hôi nhễ nhại như tắm, đầu váng mắt hoa, cả người cứ dinh dính nhớp nháp rất khó chịu. Miễn cưỡng lắm mới kiên trì đến gần trưa, cũng chẳng biết là do trời nắng quá to hay do di chứng của thương tật lần trước mà hoa mắt chóng mặt, tay chân bủn rủn, cuối cùng té xỉu cái đùng.

Thấy con trai tự nhiên lăn đùng ngã ngửa, bà Lý lo sốt vó chạy lại, í ới gọi Hưng Dân, Hưng Quốc mỗi người một tay đỡ Hưng Gia vào nơi râm mát, sau đó chạy về thôn tìm Dương đại phu đến. Sau một loạt kiểm tra, nguyên nhân khiến Hà Hưng Gia ngất xỉu là do vết thương lần trước chưa bình phục hoàn toàn, cơ thể còn có hơi suy nhược.

Hà Hữu Thụ chứng kiến từ đầu đến cuối, ông cũng đến lạy cái thằng thanh niên yếu ớt này, còn bà chị dâu Lý Nhị Anh cứ trưng cái mặt tội nghiệp đợi chờ ông ban lệnh … Haiz thật khó xử mà … Đến nước này đành bắt đắc dĩ cho họ đem Hà Hưng Gia về nhà tiếp tục dưỡng thương.

Phía bên kia là miếng đất được nhà nước cấp riêng cho lớp thanh niên tri thức dùng trồng lúa mạch. Đội sản xuất ở thôn Đại Cương vốn đã không lớn, những năm gần đây nhóm thanh niên tri thức chỉ còn vỏn vẹn 9 người, một người thì đã lấy vợ trong làng. Quân số hiện tại là 4 nam 4 nữ, bọn họ đều là kiểu trói gà không chặt, áo quần kín mít vì sợ nắng, chậm rì rì thu hoạch lúa mì. Người được việc nhất chắc chỉ có Trần Dương, lão đại của cả nhóm. Anh ta làm việc thoăn thoắt đâu ra đó, nhanh nhẹn tháo vát không khác gì so với dân bản xứ, không giống mấy khứa kia, toàn sức dài vai rộng mà năng suất rõ ràng thua xa thôn dân rất nhiều.

Quần quật sáng giờ cuối cùng cũng đến trưa, mọi người tụ tập dưới tán cây gần đó để nghỉ ngơi. Ai nấy cũng lôi cái bánh bột ngô khô khốc đã chuẩn bị từ sáng ra ăn. Vậy cho gọn, chứ làm muốn quần quật như chết đi sống lại thì chẳng còn tinh thần nào để về nhà cặm cụi nhóm lửa nấu cơm nữa.

Trong đó có hai người là Phan Hiểu Hiểu và Trình Nhân thuộc nhóm thanh niên tri thức mới nhập môn từ năm ngoái. Là chị em thân thiết nên tính tình sôi nổi như nhau, dù có làm việc mệt mỏi cũng không cản trở công cuộc buôn dưa lê của các nàng.

“Ê Nhân, biết gì không?! Không biết vụ gì mà ban nãy cả đám người bên thửa kia nháo nhào hết cả lên, nghe loáng thoáng gì mà hả: té xỉu … té xỉu …!” Phan Hiểu Hiểu bày ra vẻ mặt ly kỳ, làm thông tấn xã báo cho Trình Nhân.

Máu nhiều chuyện của Trình Nhân nổi dậy: “Gì? Ai? Đâu? Ai té xỉu??”

“Này, nhìn đi đâu vậy? Người ta về rồi. Nhưng mà nghe nói hình như là cái anh chàng đẹp trai tên Hà Hưng Gia gì gì đó, con thứ tư nhà ông Hà Kim Vượng ấy.”

Không phải khen chứ dù mới đến đây có một năm, nhưng tổ tông gia phả của làng trên xóm dưới, nhà ai có gì, mấy anh em, nuôi mấy con gà … tất tần tật đều được Phan Hiểu Hiểu nắm rõ trong lòng bàn tay.

“Tao biết thằng đó nè, bữa nghe đồn nó cũng mới té núi ngất xỉu xong, bể đầu luôn mà!” - Hứa Văn Khoa, thanh niên năm trước cùng Trình Nhân và Phan Hiểu Hiểu về thôn Đại Cương, cũng lót dép hóng biến chung.

Lúc này, “ma cũ” Trâu Khải về đây đã hai năm không ngại phổ cập cho đàn em: “Ôi xời, do tụi mày mới tới nên không biết, chứ thằng Hà Hưng Gia đó ham ăn nhác làm, hễ cứ tới mùa vụ đến thì trên người nó đều có vết thương, không nhẹ thì nặng.”

“Ủa? Biết tính thằng cha đó rõ như vậy rồi … ông đại đội trưởng kia không nói gì hả?” Càng ngày máu nhiều chuyện của Hiểu Hiểu càng sục sôi.