Chương 108: Tiền tiêu không hết

Chưa bao giờ làm phú hào, giờ có tiền, tiêu cho đã, chả việc gì tiết kiệm, Vân Tranh bao luôn ba tiểu viện thượng đẳng trong khách sạn Cảnh Long tốt nhất Miên Châu.

Thực ra chỉ có kiểu hưởng thụ nhà quê là thoải mái nhất, người Tống thích cao nhã, thứ cao nhã đó thấm vào tim gan phèo phổi của họ rồi, Vân Tranh chẳng bận tâm, ngoài cửa sổ trồng cái cây cảnh uốn éo gọi là cao nhã? Tường treo mấy bức tranh nhìn mù mắt không ra vẽ cái gì gọi là cao nhã? Mấy cái bát sứ cái méo cái tròn đặt lên giá là cao nhã? Là làm tư cách chủ nhà tăng lên?

Bố láo lên, gia gia đây đi tắm đã, ở trong núi nửa tháng rồi.

Thế là hậu viện cỏ xanh mượt như thảm, hoa thơm khoe sắc xếp đủ các loại thùng gỗ, nam nhân một tiểu viện, nữ nhân một tiểu viện, tắm cho sướng khoái.

Vân Tranh ngâm mình trong cái thùng gỗ to đùng đoàng, toàn thân được nước nóng bao quanh, sướng không nói lên lời, bên cạnh đặt cái bàn đủ loại bánh trái và một bình rượu nho, rượu nho giờ là thứ cực quý, sau khi con đường tơ lụa bị đứt, thứ này rất ít chảy vào Đại Tống.

Mục tiêu tấn công của Hàm Ngưu là đống bánh, Thương Hổ kiếm được mấy vò rượu Ngọc Đống xuân trừ danh của Thành Đô, đang cùng Thương Nhĩ mỗi người một vò vừa ngâm mình vừa uống rượu.

Hỏa kế chạy đi chạy lại thêm nước thêm bánh, vì đám Vân Tranh không muốn tới chỗ gọi là Dũng Tuyền Thang tắm, nên họ phải mang hết thùng gỗ lại đây. Chưởng quầy nhìn tiểu viện thanh nhã nức tiếng của mình hiện bốc khói đun nước cuồn cuộn, tiếng cười nói hô hô thô bỉ, khóe miệng giần giật.

Bây giờ là tháng Giêng, Tết nhất ít người ra đường, có một vị khách hào phóng thế này là hiếm, tuy uổng phí phong nhã nơi này, nhưng mà đàng hoàng, muốn cái gì đều trả tiền.

Bên cạnh chưởng quầy có rất đông người, đều là hàng xóm, đều tới để kiếm mối làm ăn.

- Lão Trương, bảo cho ông biết, ông có thể lấy giá cắt cổ, nhưng đừng lừa họ, vị trong đó không chọc vào được đâu. Khi tới đây bọn họ mang cho phủ nha mấy chục người, đều do vị nha nội đó dẫn người công phá ổ cường đạo cứu ra đấy, cho nên nói quý khách thế này không thiếu tiền, nhưng ghét nhất bị người ta lừa, khi đó đập quán của ông là chuyện nhỏ, nói không chừng vị nha nội đó là hậu đại tướng môn từ biên quan về Thành Đô.

- Thôi bà tử, nữ quyến ở tây viện, bà tới đó bán son phấn, cầm đầu là đại nha hoàn Tịch Nhục, trời mới biết đại nha hoàn nhà phú quý sao lại có cái tên như thế, nhưng mà người ta có tiếng nói hơn cả quản gia què, nhất định là lớn lên cùng nha nội, nên mới như thế. Bà đi vào đừng có mà nói linh tinh, người ta còn là hoàng hoa khuê nữ đấy, chào hàng tốt, đoán chừng bán không ít, ta chỉ cần ba phần lợi...

Thế là chỗ tắm rửa của Vân Tranh biến thành cái chợ, mua bán tưng bừng.

Vân Tranh cười không ngăn cản, đang Tết mà, lúc giao thừa còn đang ở trên núi, ăn một bữa cơm thiếu thốn, đến sủi cảo cũng chẳng có, giờ phải bù, náo nhiệt chút mới vui, thi thoảng Thương Nhĩ lại mua mấy món lạ lùng chia cho Vân Tranh. Thương Nhĩ lấy được của cường đạo rất nhiều, nên tiêu tiền không biết tiếc.

Vân Nhị thì bảo nó đang tắm, không bằng nói là nó bơi, chân đạp phành phạch trong chậu tắm, làm hỏa kế hầu hạ nó cũng ướt như chuột lột, nhưng cười tươi roi rói, vì Vân Nhị thưởng tiền rộng rãi, ca ca giỏi kiếm tiền, nó mà không giỏi tiêu tiền thì có phải phí công ca ca nó không, mục tiêu đời này của Vân Nhị là trở thành nhân vật như Cao nha nội trong Thủy Hử.

Vân Tranh hớp một ngụm rượu nhìn Vân Nhị bơi trong chậu, hớp một ngụm lại nhìn cái tên mặt mày gian như quy công đang thì thầm với Thương Nhĩ, Thương Hổ, hớp một ngụm nhìn Hàm Ngưu há mồm ngửa đầu ở thành chậu như lợn chết, cuộc sống an vui chẳng có gì hơn được.

Tắm rửa xong thay quần áo, Lão Liêu đã dẫn người hiệu may trong thành tới đo người cho Vân Đại, Vân Nhị và Tịch Nhục, đám Thương Nhi thì biến sạch rồi.

Vân Tranh chỉ cần vài bộ trường sam mùa xuân, màu sắc nhạt một chút. Vân Nhị thì muốn những thứ sang trọng nhất đắt nhất, chả hiểu Tịch Nhục làm sao cũng muốn may hết bộ này bộ kia, lười biếng quay đầu sang, thấy mặt Tịch Nhục bôi son trát phấn, đùng đùng nổi giận.

- Rửa đi ngay, mặt mộc đẹp như thế đi bôi linh tinh lên đó, dám vẽ mình thành yêu tinh, xem ta có ấn đầu ngươi vào chậu rửa mặt không, rửa nhanh lên, làm nhìn phát sợ.

Không chỉ Vân Đại, Vân Nhị cũng nhíu mày: - Trông như mèo mướp.

Tịch Nhục rất tủi thân đi rửa mặt, vừa rồi bao nhiêu người khen mình xinh đẹp, sao thiếu gia lại không vui, lúc nào cũng muốn mình là nha hoàn xấu xí như xưa.

Ném cái gối sứ đi, không biết người Tống làm sao lại dùng thứ gối cứng đờ này, lại còn có tên biến thái gác gậy gỗ dưới gáy coi như gối, lấy tên mỹ miều là "cảnh chẩm", toàn thứ đáng bị thiên lôi đánh.

Gối nhà mình mềm mềm êm êm mới là thứ cho người ngủ, đặt đầu lên đó, chân gác cái gối dầy nữa, ngủ bất tỉnh nhân sự luôn...

Đánh một giấc say sưa đến khi gà gáy liền ra sân hít thở không khí tươi mát, cái sân tan hoang đem qua được hỏa kế tân trang lại rồi, nền đá cũng được lau rửa sạch sẽ, múa bài Bát đoạn cẩm, đây là bí kỹ rèn luyện sức khỏe của Ngũ Câu, cực kỳ có lợi cho thân thể, có điều xưa nay Ngũ Câu nói gì Vân Tranh chỉ tin ba phần, hữu dụng thế sao ông ta béo như heo quay?

Vừa mới tập một đoạn thì đám Thương Nhĩ đùn đẩy nhau đi vào, thấy Vân Tranh còn có chút xấu hổ.

" Xem ra Đậu Sa trại không giữ nổi tám người này nữa rồi!" Vân Tranh thầm thở dài.

Một đứa bé kháu khỉnh chừng bảy tám tuổi thò đầu vào, đỏ mặt nói một câu rõ ràng học thuộc lòng: - Mẹ cháu giỏi nấu nướng, tổ truyền mài gạo thành nước, chế thành sợi, cho thêm các loại thịt gà cá và gia vị, đun nước sôi đổ vào, canh thơm ngon ngọt, nổi danh trăm dặm quanh đây.

- Thật không?

- Thật ạ, nha nội ăn là biết. Đứa bé nói dứt khoát:

Lúc ở Đậu Sa huyện xưng hô loạn xạ, người gọi thiếu gia, người công tử, tiểu tướng công, tới nơi này nhiều người Hán một cái, đa phần đều gọi mình là nha nội rồi, Vân Tranh không thích cách xưng hô này như Vân Nhị: - Cho một trăm bát, không ngon không trả tiền.

Đứa bé mồm há to tướng, sau đó chạy biến đi, hét ầm ĩ: - A nương, a nương, có người muốn một trăm bát.

Lát sau có một thiếu phụ tuổi chừng trên 20, mặt mày thanh tú, đầu đội một cái khăn hoa, hông đeo tạp dề đi vào, khuỵu gối thi lễ, nhỏ nhẹ nói: - Tiểu nhi nói năng bậy bạ quẫy nhiễu nha nội, mong nha nội đừng trách, tiểu phụ nhân thay nó xin lỗi.

- Nhi tử ngươi nói không sai, miến gạo Miên Châu nổi danh xa gần, ta tới đây sao có thể không nếm thử, mau đi làm đi, người ở đây đông lắm, 100 bát chắc gì đã đủ. Vân Tranh không nói đùa, 100 bát là 100 bát:

Thiếu phụ đứng ngây ra mất một lúc mới mừng rỡ tạ ơn, lát sau gánh hai cái mẹt vào, theo sau còn có hán tử đẩy xe, thằng bé cũng tích cực giúp mẹ mình làm việc vặt, xem ra là một nhà.

Người Vân gia nối nhau bò dậy, Vân Nhị được Tịch Nhục rửa mặt chải đầu mặc quần áo xong chạy tới, ngồi bên gánh xem thiếu phụ kia nấu miến.

Ngon, mềm trơn mà không bở, nước dùng không đủ độ béo ngọt, song không thể đòi hỏi nhiều, vậy là ngon lắm rồi, Vân Tranh ăn luôn hai bát, chỉ là thiếu ớt, nếu không cả bát đỏ ối, nhìn đã thèm. Đám Thương Nhĩ, Thương Hồ thì khỏi nói, một đêm chiến đấu, ăn như ma chết đói, thật mất mặt.

Thiếu phụ mới sáng ra đã bán hết sạch hàng, lại rối rít tạ ơn, cả nhà vui vẻ gồng gánh đi.

Chỉ có tám mươi bát miến, Vân Tranh vẫn trả một trăm bát, nhìn ba người nhà họ cười hạnh phúc, vân Tranh thấy đôi khi tiêu tiền bừa bãi chút cũng không xấu.