Chương 66: Chương 60

Tháng chín đã tới, trời lạnh và mưa. Củi ướt cháy xèo xèo trong lò. Riêng lần này, đám thị dân và lái buôn giàu có không chờ đến lễ các Thánh mới giở quần áo rét ra và đi chích máu. Theo tập quán mỗi năm bốn lần, vào những lúc chuyển mùa, họ phải chịu khuất phục trước dao chích của thầy lang mổ xẻ.

Còn giới quý tộc và cánh ăn xin thì mải lo nhiều chuyện khác hơn là bàn đến mưa và rét. Đám quan lớn trong triều và ngành tài chính còn đang choáng người về chuyện ngài Phukê, vị Tổng giám sát tài chính rất mực giàu có vừa bị bắt. Còn tất cả các nhân vật hạ lưu thì đang kháo nhau xem cuộc đọ sức Calăngbrơđen và Rôđôgôn-Ai Cập sẽ xoay chuyển ra sao.

Tin ngài Phukê bị bắt như một tiếng sét ngang tai. Chỉ mới vài tuần lễ trước, ngài Tổng giám sát sang trọng đã có vinh dự đón tiếp Đức vua và Thái hậu ở Vô- lơ Vicông; các vị khách quý đã một lần nữa thưởng ngoạn cảnh nguy nga toàn lâu đài tráng lệ do kiến trúc sư Lơvô vẽ kiểu, đã ngắm nhìn những bức tranh tường của họa sỹ Lơbron, đã thưởng thức tài nấu ăn của Vaten, đã tản bộ quanh những khu vườn rực rỡ của Lơnôt, được tưới mát bằng một hệ thống ống dẫn nước mà kỹ sư Frăngxin đã bố trí thành những hồ ao hang động, tia nước và vòi phun.

Chính tại nơi đây, vào một buổi sáng, một chỉ huy ngự lâm quân tên là Đactanhăng đã trình diện trước Phukê, lúc ông sắp bước lên xe. Viên sĩ quan nói:

- Ngài không pđi thử xe đó đâu, thưa ngài. Xin mời ngài lên chiếc xe mui kín có cửa sổ chấn song kia, cách đây vài bước.

- Sao! Thế này nghĩa là thế nào?

- Nhân danh Đức vua, tôi bắt ngài.

Vụ này một lần nữa mang dấu ấn ông Vua đồ đệ của Madaranh. Nó hơi giống với vụ bắt bớ xảy ra cách đây một năm, đối với một lãnh chúa miền Tuludơ - bá tước Perắc, người đã bị hỏa thiêu như một tên phù thủy tại quảng trường Grevơ.

Những ông lớn thường dành ít thì giờ để suy nghĩ. Tuy nhiên, họ biết rằng tra cứu những sổ sách của Phukê, thấy nhiều chứng cớ về tội lạm dụng công quỹ, ngoài ra còn thấy tên những người được ông ta đút lót để ủng hộ mình. Người ta còn nhắc đến một số tài liệu vào thời Frôngđơ.

Không, không ai kịp nhận ra, trong vụ bắt bớ lần thứ hai này, cũng vẫn một bàn tay độc đoán ấy thôi.

Chỉ một mình Đức vua Luy 14 thở dài thốt lên:

- Thật đúng lúc!

Lúc đó Người đang bẻ dấu xi gắn trên bản báo cáo về vụ nổi loạn xứ Lănggơđốc do một nhà quý tộc xứ Gaxcônhơ tên là Angđigiô dấy lên.

Vừa kịp quá! Xứ Bơrơtanhơ sẽ không vì Phukê mà cầm vũ khí nổi dậy, như xứ Lănggơđốc đã từng nổi loạn vì kẻ kia, con người quái dị đã bị thiêu sống ở quảng trường Grevơ hồi nọ.

Giới quý tộc không dám bênh vực Phukê, sợ phải thất sủng theo, mặc dù ông ta từng ban phát ân huệ cho họ rất hào phóng.

Đối với Phukê thì còn phải kéo dài các cuộc điều tra. Ông ta sẽ được nhốt kín trong một pháo đài, và sẽ bị quên lãng...

Angiêlic không rảnh rang suy ngẫm về những sự kiện mới xảy ra đó. Những ông lớn trên đời này đã lần lượt qua đi, đã âm mưu này nọ, đã phản bội, được tái sủng rồi lại biến đi... Một ông vua trẻ chuyên chế, lạnh lùng luôn thẳng tay san bằng những chiếc đầu quanh ông ta. Cái tráp nhỏ đựng thuốc độc vẫn còn đó, giấu kín trong ngôi tháp nhỏ của lâu đài Plexi-Belie.

Giờ đây Angiêlic chỉ còn là một thiếu phụ không tên, ôm chặt con trong lòng lo lắng, trông chừng mùa đông đang đến gần.

Trận đánh nhau ở gần chợ phiên Xanh-Giécmanh đã nhuốm máu khu vực hội chợ của Pari, ngay hôm khai mạc. Sau này những ai muốn tìm nguồn gốc sự kiện đó đều chưng hửng ngạc nhiên.

Ngày hôm đó, có thể thấy bọn đầy tớ quần nhau đến nhừ tử với đám sinh viên, những vị quý tộc thì đưa giáo đâm thủng bụng những bác rao hàng; đàn bà bị hiếp ngay trên nền đường, xe cộ bốc cháy. Và không ai rõ tia lửa đầu tiên đã nhen lên lúc nào.

Chỉ một người thấy rõ. Đó là người đàn ông có tên gọi Đêgrê, một con người có học thức và một quá khứ khá biến động. Đêgrê vừa được bổ nhiệm đại úy cảnh sát tại nhà ngục Satơlê. Người ta bắt đầu nói đến ông như một cảnh sát giỏi nhất kinh thành. Sau này khi ông nổi tiếng vì đã bắt được tên tội phạm lớn nhất thời bấy giờ, và có lẽ ở các thời khác: đó là hầu tước Branhvilie, kẻ chuyên đi đầu độc. Đêgrê cũng là người đầu tiên vén màn bí mật của tấn bi kịch về thuốc độc xảy ra vào năm 1678, một vụ án mà khi bị phanh phui, đã làm chấn động đến cả ngôi Vua.

Từ cuối năm 1661, người ta đã phải công nhận là trong những người dân thành phố Pari, Đêgrê cùng với con chó Xoócbon của ông, tỏ ra thông thạo nhất những ngõ ngách và những sinh vật đặc biệt của từng nơi.

Từ ít lâu nay, Đêgrê đã chú ý đến mối tranh chấp giữa hai tên cầm đầu bọn cướp, Calăngbrơđen và Rôđôgôn-Ai Cập, nhằm chiếm lĩnh khu vực hội chợ Xanh- Giécmanh. Ông ta cũng biết rằng hai tên côn đồ đó còn là địch thủ tranh nhau tình yêu của một ả có đôi mắt xanh là b

Cách ngày khai mạc hội chợ ít hôm, ông đã đánh hơi thấy những chuyển động chiến lược bên trong giới du đãng. Tuy chỉ là một sĩ quan cấp thấp, ông cũng tìm cách, ngay sáng hôm khai mạc, xin được tờ lệnh của thượng cấp cho phép huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát Đô thành đến sát ngoại ô Xanh-Giécmanh. Ông đã không ngăn được cuộc ẩu đả khỏi nổ ra, nó lan nhanh như chớp và dữ dội vô cùng. Nhưng ông dập tắt nó một cách cũng bất ngờ và quyết liệt như khi nó bùng nổ; ông đã nhanh chóng dập tắt các đám cháy, tập hợp cả những người có mang gươm thành một lực lượng tự vệ, và tổ chức bắt bớ hàng loạt. Bình minh vừa rạng tiếp sau cái đêm đẫm máu ấy, thì hai mươi tên đầu sỏ đã được dẫn ra ngoài thành phố, đến chiếc giá treo cổ hắc ám Môngfôcông.

Tiếng tăm của hội chợ Xanh-Giécmanh hẳn đã giải thích đầy đủ cho cuộc xung đột gay gắt giữa các toán lưu manh ở Pari để giành độc quyền vơ vét.

Không còn thiếu thứ gì ở hội chợ Xanh-Giécmanh. Người buôn bán ở tỉnh lỵ, như Amiêng, Ruăng, Ranhx đều có hàng bày bán ở đó. Các gian hàng xa xỉ phẩm tràn ngập, những áo dài đưa từ Macxây đến, hột xoàn từ Alăngxông, bánh ngọt từ Vecdoong. Người Bồ Đào Nha bán long diên hương và đồ sứ. Người xứ Prôvăngcơ bán cam chanh. Người Thổ Nhĩ Kỳ rao bán trầm, nước thơm tinh chất xuất xứ từ Côngtăngtinốp. Người Hà Lan bày tranh vẽ và bán phó mát. Trông như cảnh chợ Cầu Mới rộng hết cỡ, giữa tiếng chuông, sáo ngân, và trống khua loạn xạ. Những người biểu diễn thú vật và quần áo thu hút người xem đông nghịt. Họ đến xem chuột nhảy múa theo tiếng sáo, lại có hai con ruồi đấu nhau với hai mảnh rơm rác làm kiếm.

Trong đám khán giả, có những dân nghèo rách mướp chen vai với những người thuộc giới thượng lưu ăn mặc sang trọng. Mọi người ùn ùn kéo vào hội chợ, vừa để xem những vật trưng bày phong phú nhất về màu sắc và hình dáng, vừa để tìm ở đó một kiểu sống vui vẻ thoải mái không dễ tìm ở nơi khác.

Nhưng từ thời xa xưa, nguồn hấp dẫn nhất ở hội chợ Xanh-Giécmanh là đám người Bôhêmiêng. Họ đúng là những ông hoàng ở hội chợ, với các vai diễn nhào lộn và những người bói toán.

Từ giữa mùa hạ trở đi, những con ngựa gầy trơ xương bờm thắt giải tua đã kéo tới đây những đoàn xe chở đầy đàn bà và trẻ con, chồng chất lên nhau, với những d bếp, những khúc giăm bông và gà qué đã đánh cắp được. Bọn đàn ông thì lầm lì và ngạo nghễ với những bộ tóc dài và những cặp mắt sáng, đen như than, ẩn dưới những chiếc mũ gài lông chim.

Rôđôgôn-Ai Cập, vốn gốc Bôhêmiêng, cố nhiên phải giữ một ngôi cao trong đám vô lại ở Pari. Cũng là điều hợp lý khi hắn muốn giành độc quyền kiểm soát vùng phụ cận thánh đường ma quái đó, do bọn đồng cốt bói toán, những “phù thủy da nâu” như người ta vẫn gọi, dựng lên ngay giữa hội chợ Xanh-Giécmanh trang trí linh tinh bằng loài cóc nhái, những bộ xương người và những con mèo đen.

Nhưng, với cương vị người chủ của khu vực cửa Nexlơ và Cầu Mới, Calăngbrơđen cũng đòi giành riêng cho đồng bọn miếng ăn béo bở này.

Cuộc tranh chấp đó chỉ có thể kết thúc bằng cái chết của một trong hai tên tướng cướp.

Những hôm sát ngày mở cửa của hội chợ, nhiều vụ xô xát đã xảy ra. Trước ngày khai mạc một hôm, quân của Calăngbrơđen phải rút lui trong cảnh hỗn loạn và ẩn náu trong tháp Nexlơ hoang tàn, còn Rôđôgôn-Ai Cập thì thiết lập một vành đai phòng thủ quanh khu vực dọc theo tường hào cũ và quanh bờ sông Xen.

Các thủ hạ của Calăngbrơđen tụ tập quanh chiếc bàn ở gian phòng lớn, còn Trôn- gỗ thì gào thét như điên:

- Tớ đã biết có cuộc choảng nhau này từ mấy tháng trước rồi. Lỗi tại cậu, Calăngbrơđen ạ! Cậu mê muội vì con mụ của cậu. Cậu không còn thích đấu đá nữa, nên bọn kia nó mới lên râu. Bọn nó biết rằng cậu đang túng thế mà, thế chúng nó mới liên minh với Rôđôgôn mà quật đổ cậu chứ.

Nicôla đang lau máu trên người vì một vết dao đâm. Dáng vóc đồ sộ của hắn nổi thành hình khối đen trước ánh lửa. Hắn gào còn to hơn Trôn-gỗ:

- Chúng ta biết mày là đứa phản bội rồi. Mày tập hợp bọn ác ôn, mày đi gặp chúng nó và mày tập tễnh thế chân Hành-khất-Đại-đế. Nhưng liệu hồn! Tao sẽ báo cho lão Rôlanh-Ngồi xổm.

- Đồ chó đẻ! Mày chẳng làm gì nổiao đâu. Đừng có dại dột, Calăngbrơđen ạ, mày mà lùi thì tong đời đấy. Rôđôgôn sẽ không thương gì mày đâu. Không phải nó chỉ muốn khu hội chợ mà thôi, chính nó nhằm con bồ của mày, con bé mày giựt của nó ở nghĩa địa Inôxăng. Nó kết con bé lắm mà. Mày có biến thì nó mới chiếm đoạt được cô ả. Giờ thì mày với nó phải một mất một còn.

Nicôla trông chừng đã bớt giận dữ:

- Thế chúng mày muốn tao phải làm gì bây giờ? Cả lũ chúng nó, tất cả cái bọn Bôhêmiêng-Ai Cập quỷ tha ma bắt ấy đều ở ngoài kia trước mũi bọn mình. Và sau trận đánh ta vừa bị đẩy lùi, chúng ta không nên đòi hỏi gì nhiều hơn nữa. Nước này rồi thì bọn ta đều bị thịt hết thôi.

Angiêlic đi vào buồng, vơ lấy chiếc áo choàng và đeo chiếc mặt nạ nhung đỏ nàng vẫn cất trong một chiếc tráp nhỏ cùng với mấy món lặt vặt khác. Ăn vận như thế rồi, nàng đi xuống đường, hướng về những tiếng reo hò.

Cuộc cãi cọ giữa Calăngbrơđen và Trôn-gỗ trở nên gay gắt đáng ngại. Tên trùm có thừa sức đánh gã đàn ông thân cụt kia bẹp dí xuống chiếc đĩa gỗ của gã nhưng uy thế của tên này hãy còn lớn đến nỗi chính hắn làm chủ tình hình.

Nhìn Angiêlic đeo chiếc mặt nạ đỏ, chúng hạ thấp giọng đôi chút. Nicôla làu bàu:

- Hóa trang làm gì thế? Cô đi đâu vậy?

- Tôi muốn đi xua bọn Rôđôgôn khỏi đây, các ngài ạ. Chỉ một giờ đồng hồ nữa thôi, chỗ này sẽ sạch quang. Các ngài sẽ có thể trở về nơi ở cũ của mình.

Calăngbrơđen phân bua với Trôn-gỗ:

- Cậu thấy con bé ngày càng trái tính không?

- Thấy chứ, nhưng dù sao, nếu vì thế mà cô lại nẩy sáng kiến hay, thì cứ để cô ấy làm.


Băng qua đêm tối, Angiêlic đi về phía Xanh-Giắc và tìm cách vượt qua hào. Một tên Bôhêmiêng, người của Rôđôgôn xuất hiện trước mặt nàng. Bằng tiếng Đức tồi, nàng kể cho hắn nghe câu chuyện rắc rối rằng nàng là một người bán hàng ở hội chợ đang trở về cửa hàng của mình.

Nghe vậy, tên này bằng lòng cho người thiếu phụ đeo mặt nạ khoác áo choàng ấy đi tiếp. Nàng đến chỗ một người quen, đó là ông lão làm xiếc rong có ba con gấu to sù, trông rất đáng sợ. Angiêlic đã giành được thiện cảm của ba chú gấu nọ, cũng như chủ của chúng và anh con trai đi thu tiền thưởng của khán giả.

Nàng đã nhanh chóng thỏa thuận được với họ nhờ nụ cười quyến rũ của mình.

Chuông ở tu viện Xanh-Giécmanh điểm mười tiếng. Quân của Rôđôgôn đang đứng canh gác bên tường thành dọc con hào cũ, bỗng nhìn thấy dưới ánh trăng mờ sương, một khối to lù lù kêu khìn khịt tiến về phía chúng. Một tên trong bọn họ còn đang cố nhìn xem là kẻ nào tìm cách phá vòng vây của chúng, thì bị ngay một bàn tay to khỏe cào vào ngực, xé toạc áo và vứt ra một mảng thịt.

Những tên khác hết hồn, nhảy tót qua tường thành ra ngoài. Vài đứa chạy tuốt ra bờ sông Xen để báo nguy cho đồng bọn, nhưng bọn này cũng đã được mấy vị khách khó chịu ấy ghé thăm rồi. Nhiều tên cướp đã nhảy xuống sông bơi sang bờ phía điện Luvrơ hoặc đến những nơi an toàn hơn. Đối với các chàng dũng cảm này, những chuyện cãi lộn giết nhau, choảng nhau ra trò với đám hành khất hoặc đám lưu manh, chẳng làm họ khiếp sợ chút nào. Nhưng không một đứa nào trong đám tay chân của Rôđôgôn thấy hứng thú vật nhau với một con gấu cao tới gấp đôi người thường khi đứng thẳng bằng hai chân sau.

Angiêlic lại bình thản xuất hiện ở tháp Nexlơ và báo cho đồng bọn biết toàn khu vực đã sạch bóng các vị khách không mời. Bộ phận tham mưu của Calăngbrơđen ra ngoài thám thính phải nhận là đúng.

Trôn-gỗ phá lên cười sằng sặc và nghe tiếng cười oang oang của hắn, các bà láng giềng ẩn sau rèm cửa đến phát ru

Hắn còn nhắc đi nhắc lại:

- Ồ thánh thật, cái bà Chúa này. Quả là có phép lạ đấy!

Nhưng Nicôla không đồng tình. Hắn bóp chặt tay Angiêlic và nói:

- Cô thông đồng với bọn chúng để phản bọn này rồi. Cô đã đến bán mình cho Rôđôgôn-Ai Cập chứ gì?

Nàng phải kể đầu đuôi để làm dịu cơn ghen của hắn.

Lần này Trôn-gỗ khoái chí cười vang như sấm, làm rung chuyển cả trần nhà. Lết từ mô đá này qua mô đá khác, hắn vẫn rống lên cười, và cứ thế đi suốt tới cửa ô Xanh-Giécmanh...

Quân của Calăngbrơđen vẫn giữ nguyên quyền kiểm soát khu vực hội chợ và người đến xem ngày càng đông thêm. Tối đến, xe cộ giới thượng lưu bắt đầu kéo tới.

Quang cảnh hội chợ giống như một cung điện thần tiên. Angiêlic đi bên cạnh Calăngbrơđen, họ theo dõi cuộc vật lộn giằng co giữa hai con chó đực với một con trăn. Đám đông thường khoái xem những trò vui dữ tợn này, họ chen nhau chật cứng bên hàng rào quanh đấu trường nhỏ.

Angiêlic chuếnh choáng say: ở quán giải khát nàng đã uống liên tục nào rượu nho hảo hạng, nào rượu táo, rươu quế. Nicôla đã đưa cho nàng một túi tiền, và chẳng ngần ngại, nàng lấy tiền ấy tiêu không tiếc tay, để mua thật nhiều búp bê đem về cho Phlôrimông.

Lần này đặc biệt Nicôla đã cạo râu nhẵn nhụi và ăn vận có phần chỉnh tề hơn để không ai chú ý đến mình: hắn có linh cảm bọn cảnh sát đang rình rập quanh đó. Với chiếc mũ rộng che khuất đôi mắt đáng lo ngại, hắn có vẻ một gã nhà quê ít tiền đến hội chợ vui chơi một chầu.

Nicôla quàng tay qua vai Angiêlic, theo kiểu riêng của hắn khi dẫn nàng đi chợ thấy như bị kẹp trong vành đai sắt thường xiết quanh người tù. Nhưng không phải lúc nào cái vòng tay ôm chặt ấy cũng làm nàng khó chịu. Tối nay chẳng hạn, lọt trong cánh tay gân guốc của hắn, nàng thấy mình mảnh mai, ẻo lả, yếu đuối nhưng được người che chở. Tay nàng đầy kẹo bánh, đồ chơi và nước hoa. Cuộc đấu thú hấp dẫn làm nàng say mê, và nàng cũng hò hét, giậm chân khi thân hình to nặng đen xì của con trăn hất tung những đối thủ tấn công nó và khi con vật cắm chiếc nanh nhọn hoắt của nó vào bụng con chó, khiến con này ngã quay ra.

Chợt nàng trông thấy Rôđôgôn-Ai Cập phía trước mặt, ở bên kia đấu trường.

Hắn nắm trên mấy đầu ngón tay một con dao găm lưỡi dài và mảnh, con dao bay vút qua đầu mấy con vật đang quần nhau. Angiêlic vội nhảy né sang bên, kéo theo cả bạn mình. Lưỡi dao xẹt qua bên cổ Nicôla chỉ cách vài phân, và cắm phập vào cổ bác bán hàng mỹ nghệ. Như bị sét đánh, người đàn ông chới với quơ hai bàn tay ra mở phanh vạt tấm áo choàng màu lòe loẹt. Rồi bác ta ngã vật xuống đất.

Đó chính là tia lửa đã làm nổ tung hội chợ Xanh-Giécmanh.