Chương 54: Chương 48

Bên ngoài tòa án, đêm vẫn tối đen mặc dù trời sắp sáng. Tuyết rơi, và gió thổi cuốn theo từng đám tuyết lớn. Đám công chúng dự phiên tòa đang rời phòng xử án.

Một mình đơn độc, Angiêlic bước ra về trên các phố tối tăm của Pari, lúc ra khỏi tòa án, đám đông chen lấn đã tách nàng với bà nữ tu sĩ đi cùng.

Như một cái máy, nàng lần theo con đường trở về khu thành kín Tămplơ. Đầu óc nàng rỗng không, nàng chỉ mong muốn có một điều: nhanh chóng trở về tới phòng con của mình, bên cạnh cái nôi nhỏ của bé Phlôrimông.

Cuộc đi bộ lảo đảo này kéo dài bao lâ Phố xá vắng tanh vắng ngắt. Trời lạnh ghê gớm, cả bọn lưu manh cũng không thò mặt ra ngoài.

Khi nàng tới gần những tường thành của khu Tămplơ, Angiêlic nhớ ra rằng cổng thành chắc còn đóng. Nhưng nàng nghe thấy tiếng chuông của Nhà thờ Đức bà điểm năm tiếng, còn một giờ nữa cổng thành sẽ mở. Nàng đi qua cầu treo và lại náu mình dưới mái vòm của cổng thành. Tuyết tan thành giọt trên mặt nàng. Hai chân nàng lạnh cóng.

Đứa con trong bụng nàng cọ quậy. Nàng đặt bàn tay lên bụng và bỗng bực bội ấn mạnh tay xuống: tại sao đứa bé này thì sống, mà chồng nàng lại sắp phải chết…

Đúng lúc đó, bóng một con vật to tướng, dữ tợn và thở hổn hển nhảy vọt vào bên dưới vòm cổng. Qua phút đầu sợ hãi, Angiêlic nhận ra con chó Xoócbon: nó vịn hai cẳng lên vai nàng và đưa cái lưỡi thô ráp liếm má nàng. Angiêlic vuốt ve con vật và mở to mắt nhìn trong đêm tối. Có con Xoócbon, nghĩa là có Đêgrê. Đêgrê đến sẽ mang cho nàng một chút hy vọng. Ông ấy sẽ có ý kiến. Chắc ông sẽ bảo cho nàng biết còn có thể làm gì nữa để cứu chồng.

Nàng nghe thấy bước chân đi trên gỗ: ông đang bước rón rén.

- Bà đấy ư?

- Vâng

Ông lại gần hơn.

- Họ đã tìm cách bắt tôi lúc tôi ra khỏi tòa án. Con Xoócbon đã xơi một tên cảnh sát, và tôi tìm cách thoát được. Con chó theo hút bà và dẫn tôi đến đây. Bây giờ bà cần phải biến đi. Bà có hiểu điều đó không? Bà sẽ không dùng tên mình nữa, bà sẽ thôi không làm gì cả. Nếu không, sẽ có một buổi sáng nào đó bà sẽ thấy mình bị dìm xuống sông Xen, giống như cha Kiêcse vậy, và con bà sẽ là đứa trẻ hai lần mồ côi. Còn đối với tôi, tôi đã dự kiến kết thúc bi thảm của vụ án này. Một con ngựa đã đợi sẵn tôi ở cửa ô Xanh-Máctanh. Chỉ vài giờ nữa, tôi đã đi xa rồi.

Angiêlic nắm chặt lấy cái áo vét tông ướt đẫm của người luật sư, hai hàm răng nàng run lập cập:

- Ông không đi chứ?… Ông không bỏ rơi tôi chứ?

Ông nắm lấy hai cổ tay mảnh dẻ của người thiếu phụ, và gỡ những ngón tay nắm chặt áo mình ra:

- Tôi đã đặt cọc mọi cái vì bà, và tôi đã mất hết, trừ có sinh mạng của tôi.

- Nhưng ông hãy nói cho tôi… nói cho tôi biết tôi còn có thể làm gì cho nhà tôi được nữa?

- Tất cả cái gì bà có thể làm cho ông ấy…

Ông ngập ngừng, rồi nói nhanh:

- Hãy đi tìm tên đao phủ và cho tiền để hắn bóp cổ ông nhà… trước khi bị hỏa thiêu. Như vậy ông nhà sẽ đỡ đau đớn. Đây, bà hãy nhận ba mươi đồng êquy này.

Nàng thấy ông đặt nhẹ túi tiền vào tay mình. Không nói thêm một lời, ông bỏ đi. Con chó ngần ngừ không muốn đi theo chủ, nó quay lại chỗ Angiêlic và ngước đôi mắt hiền lành, thân ái lên nhìn nàng. Đêgrê huýt sáo, con chó vểnh tai lên và phóng vút đi trong đêm tối.

Tên đao phủ là Ôbanh, hắn ta sống ở Quảng trường Đài bêu phạm nhân, trước chợ cá. Hắn ta phải ở tại đó chứ không được ở nơi khác. Từ thời rất xa xưa, các lệnh phong chức cho đao phủ ở Pari đều quy định chi tiết đó. Tất cả các cửa hiệu và quầy hàng ở quảng trường này đều thuộc quyền sở hữu của tên đao phủ, hắn ta đem cho những tiểu thương thuê lại.

Angiêlic đến gặp Ôbanh lúc chập tối, do cậu Thừng quấn cổ dẫn đường. Dù đã muộn, khu này vẫn rất ồn ào. Qua phố Đồ gốm và Bánh sữa, Angiêlic đi vào khu vực lắm màu sắc đang vang lên những tiếng la ó lanh lảnh của các phu chợ cá.

Các đài bêu phạm nhân đứng sừng sững giữa quảng trường. Đó là một cái tháp cao hình bát giác nóc nhọn hoắt gồm hai tầng: tầng trên có những cửa sổ hình vòm, qua đó thấy rõ một cái bánh xe lớn bằng sắt đặt ở giữa lòng

Hôm đó, người ta đang bêu một tên ăn cắp, đầu và hai tay của hắn chui qua các lỗ trổ trên mặt bánh xe. Thỉnh thoảng một người giúp việc của tên đao phủ lại làm cho bánh xe quay tròn.

Người tụ tập rất đông ở dưới chân đài. Họ đến chủ yếu không để xem tên ăn cắp bị bêu, mà cốt để mặc cả với những phụ tá của tên đao phủ.

- Bà xem, - cậu Thừng quấn cổ giới thiệu với Angiêlic, nhiều người đòi mua vé để đến xem buổi hành hình ngày mai.

Cậu thiếu niên chỉ cho nàng đi vào một căn phòng sạch sẽ ngăn nắp. Các cây nến đã được thắp sáng. Bên lò sưởi, vợ tên đao phủ đang vá cái áo len đỏ chót của chồng.

- Chào bà chủ ạ, - cậu đao phủ tập sự nói - Cháu dẫn bà đây đến, bà có chuyện cần gặp ông chủ.

- Ông ấy đang ở Tòa án. Chắc không còn lâu nữa đâu. Mời bà ngồi.

Angiêlic ngồi xuống chiếc ghế dài kê sát tường. Bà chủ nhà liếc mắt ngắm nhìn nàng… nhưng không hỏi câu nào.

Angiêlic nghe tiếng bước chân vào ngưỡng cửa. Angiêlic hơi nhổm người dậy. Người mới vào là một linh mục trẻ: ông chúc kỹ đôi ủng nặng lấm bùn trước khi bước vào.

- Ngài Ôbanh không có nhà ư?

- Ông ấy sắp về. Xin mời cha vào nhà để nghỉ bên bếp lửa cho dễ chịu.

- Cảm ơn bà lắm. Tôi là một linh mục truyền giáo, được cử đến giúp đỡ cho phạm nhân ngày mai. Tôi muốn gặp ngài Ôbanh, có giấy phép của trung úy cảnh sát để nhờ ông cho tôi gặp con người tội nghiệp này. Một đêm cầu nguyện sẽ giúp người đó được chuẩn bị để ra pháp trường.

- Thưa cha, chắc chắn là như vậy. Cha thật có từ tâm. - Bà chủ nhà nói tiếp. - Cha không sợ hãi một tên phù thủy hay sao?

- Tất cả những con người do Chúa tạo ra, kể cả những kẻ tội phạm lớn nhất, đều xứng đáng với lòng thương của chúng ta trước giờ chết. Thế nhưng, con người này đã không phạm phải trọng tội xấu xa như người ta buộc cho ông ta.

Angiêlic đưa mắt nhìn linh mục. Ông này còn trẻ nhưng ngọn lửa lòng tin sáng ngời trong đôi mắt. Ông có đôi bàn tay thô và những cử chỉ giản dị, mộc mạc của một người bình dân. Nhưng Angiêlic không nhúc nhích. Từ hai ngày nay, hai mắt nàng sưng lên vì đã khóc sướt mướt một mình trong gian phòng nhỏ. Bây giờ nàng đã cạn nước mắt rồi, trái tim nàng nguội lạnh tê tái. Vết thương đau quá lớn, không thứ thuốc tiên nào xoa dịu nổi. Từ cơn tuyệt vọng nở ra bông hoa dại: lòng căm thù. “Bọn chúng đã hành hạ anh đau đớn bao nhiêu, ta sẽ trả nợ, ta sẽ bắt chúng phải đau đớn gấp trăm lần”. Nhờ quyết tâm đó, nàng đã tìm thấy một lẽ sống cho mình. Làm sao có thể tha tội được cho một kẻ như Bêse?...

Nàng ngồi yên như pho tượng, người cứng đờ, hai bàn tay nắm chặt dưới tấm áo choàng, giữ chắc cái túi tiền nhỏ Đêgrê đã cho nàng.

Đúng lúc đó, cửa mở. Một người khổng lồ vai vuông bè bè với dáng đi nặng nề, điềm tĩnh. Hắn ta ừ ào một lời chào trong miệng, và đưa mắt nhìn quanh với một vẻ hách dịch của một kẻ tự cho mình bao giờ cũng làm theo đúng quyền hạn được giao. Khuôn mặt nung núc rỗ hoa của hắn có những nét thô kệch và thản nhiên. Người này trông không dữ tợn, nhưng lạnh lùng và cứng rắn như một mặt nạ bằng đá. Đây là mặt của một con người không bao giờ cười mà cũng không bao giờ khóc, mặt của người chủ nhà đòn đám ma.

Đó là tên đao phủ.

Angiêlic đứng lên, người linh mục cũng đứng lên và đưa giấy giới thiệu, không nói lời nào.

Ôbanh bước lại gần một cây nến để đọc.

- Tốt lắm. Tảng sáng mai, tôi sẽ đưa ông đi cùng.

- Tôi có thể vào gặp phạm nhân đêm nay không?

- Không thể được. Bây giờ mọi việc đã phải chấm dứt rồi.

Vửa nói, lão ta vừa dốc ngược xuống bàn những cái túi rộng của chiếc áo vét tông lão đang mặc.

Mắt mở tròn xoe, Angiêlic nhận ra bên cạnh mấy đồng tiền vàng, một cái hộp nhỏ có đính ngọc trai mà chồng nàng vẫn dùng để đựng thuốc lá. Với một động tác nhanh đến mức không kìm chế nổi, nàng vồ lấy chiếc hộp và ôm chặt vào lòng. Chẳng hề lộ vẻ khó chịu, tên đao phủ mở các ngón tay nàng ra và lấy lại cái hộp.

- Từ từ nào, cô gái. Tất cả những gì mà tôi tìm thấy trong túi áo của người bị án tử hình đều thuộc về tôi, luật lệ đã định rồi.

Vẫn với dáng điệu nặng nề và lắc lư, Ôbanh bước vòng quanh bàn và lại gần Angiêlic. Móc hai ngón tay cái vào thắt lưng, lão ta nhìn nàng từ đầu đến chân.

- Ngoài cái đó ra, tôi có thể giúp bà điều gì nào?

Run run không nói lên lời, nàng chìa túi tiền ra. Lão cầm lấy, nhấc nhấc cái túi trong tay xem nặng nhẹ ra sao, rồi mở tròn đôi mắt nhìn Angiêlic, không biểu lộ chút tình cảm nào.

- Bà muốn ông ta được thắt cổ ư?...

Nàng gật đầu.

Tên đao phủ mở túi đổ vài đồng tiền vào lòng bàn tay hộ pháp của mình rồi nói:

- Được rồi, tôi sẽ làm thế.

Thấy người linh mục trẻ nghe câu chuyện ấy lộ vẻ khiếp sợ, tên đao phủ cau mày:

- Ông sẽ không nói lộ ra chứ, thưa cha? Cha thấy đấy, tôi làm chuyện này là liều lĩnh lắm. Nếu họ tóm được tôi sẽ bị rầy rà chưa biết thế nào. Tôi cần phải ra tay vào đúng giây phút cuối cùng, giữa khi khói bốc mù mịt che lấp, công chúng không nhìn rõ giàn thiêu. Làm chuyện này là để làm ơn cho người ta, phải không ạ?

- Vâng, tôi sẽ không nói, - Người linh mục cố gắng lắm mới trả lời được.

Tên đao phủ kéo một cái tráp bằng bạc ra, cất túi tiền vào đấy. Lúng búng nói lời chào, Angiêlic đi ra phía cửa để về nhà.

Nàng thấy buồn nôn, cả người đau như giần. Tuy nhiên, cái quảng trường ồn ào với những tiếng la ó và cười đùa này, đối với nàng còn có thể chịu đựng hơn là không khí thê thảm trong nhà tên đao phủ.

Angiêlic nghe tiếng chân bước vội theo sau mình. Người linh mục trẻ tới gần, hớt hơ hớt hải:

- Chị gái tội nghiệp! - Ông ta lắp bắp - Tôi không thể để chị ra về thế này được!

Nàng lùi lại bằng một động tác đột ngột. Trong đám tranh tối tranh sáng dưới bóng một ngọn đèn mờ trước cửa hiệu, ông thầy tu nhìn thấy một khuôn mặt trắng bệch, với đôi mắt long lanh sáng như lân tinh

- Để mặc tôi, - Angiêlic nói giọng lanh lảnh - Ông chẳng có thể giúp tôi điều gì đâu.

- Chị hãy cầu Chúa…

- Chính nhân danh Chúa mà ngày mai họ sẽ thiêu sống người chồng vô tội của tôi.

- Thưa chị, xin đừng làm các nỗi đau khổ của mình trầm trọng thêm bằng cách nổi loạn trước Thượng đế. Hãy nhớ rằng chính nhân danh Thượng đế mà Chúa Kitô đã bị đóng đinh trên cây thập giá.

- Ông nói lảm nhảm làm tôi phát điên mất! - Angiêlic giọng the thé đến nỗi nàng cũng thấy xa lạ với chính mình. - Tôi sẽ không chịu thôi, cho tới khi đến lượt mình, tôi giáng trả được một tên trong bọn các ông cho đến khi nó cũng phải chết trong những nhục hình tương tự.

Nàng dựa người vào tường, lấy hai tay bưng mặt và một cơn thổn thức dữ dội làm toàn thân nàng rung lên.

- Vì ông sẽ gặp anh ấy… xin ông nói giúp với anh là tôi yêu anh, tôi yêu anh… Nói giúp với anh rằng… Ôi! Rằng anh đã làm cho tôi được hạnh phúc. Và rồi… xin ông hỏi anh ấy tôi nên đặt tên cho đứa bé sắp ra đời là gì.

- Tôi sẽ làm việc đó, thưa chị thân yêu.

Ông linh mục muốn cầm lấy tay nàng, nhưng nàng tránh ra và tiếp tục đi.

Người linh mục dừng lại. Cúi mình dưới gánh nặng những đau khổ của con người, ông bước theo những đường phố hẹp.

Angiêlic rảo bước trở về khu Tămplơ. Càng về gần đến nơi, ý nghĩ về Phlôrimông càng chiếm lĩnh tâm trí nàng. Nàng luôn luôn lo ngại khi phải để con ở nhà một mình, vì bây giờ nó đã chập chững đi khắp nơi được rồi. Thường thường nó khóc suốt thời gian mẹ đi vắng, khi trở về nàng hay thấy nó ho sù sụ, có lần còn lên cơn sốt.

Bước vào cầu thang, Angiêlic nghe thấy tiếng con thổn thức, và nàng vội rảo chân hơn.

- Mẹ đây, con thân yêu, con chó con của mẹ. Cậu con trai của mẹ lớn lắm rồi mà.

Bé Phlôrimông thấy mẹ càng khóc to, và giơ hai cánh tay ra đòi mẹ.

- Thằng tướng cướp của mẹ đây mà. Angiêlic vừa nói vừa lau sạch những vệt nước mắt trên mặt con.

Nàng nâng cao bé Phlôrimông trên đôi cánh tay mình ngắm con dưới ánh lửa lò sưởi đang làm cặp mắt đen của đứa bé sáng long lanh.

Nàng tắm cho con rồi đặt con vào giường ngủ.

Bé Phlôrimông đã ngủ say. Nàng ngồi ngắm con, trầm ngâm hồi lâu. Rồi đứng lên, nàng vươn vai, thấy người đau ê ẩm. Phải chăng những trận tra tấn đã hành hạ chồng nàng đang làm nàng đau đớn? Nhớ lại những lời nói của người đao phủ, nàng biết rằng bọn chúng đã đánh đập tàn nhẫn người chồng mà nàng yêu dấu. Ôi! Cầu cho những cuộc tra tấn ấy sớm chấm dứt đi!

Nàng kêu lên thành tiếng:

- Ngày mai, anh sẽ được bình yên, anh yêu! Cuối cùng anh sẽ được giải thoát khỏi tay bọn người ngu dốt đó!