Một hôm Angélique tìm thấy một kẽ hở ở góc phòng, từ đó nàng có thể nhìn ra bên ngoài. Khe hở chỉ to bằng lỗ khóa để không thể thò đầu ra được và hơi cao để không thể gọi với ra bên ngoài. Nó nhìn ra một quảng trường nơi nhiều người qua lại.
Từ hôm đó nàng có thể ngồi hàng giờ nhìn đám nô lệ lao động vất vả tại các công trường xây dựng của Mulai Ismail. Lúc nào hắn cũng cho xây dựng không nhằm mục đích gì ngoài cái thú muốn phá hủy những gì vừa được xây lên để rồi cho xây lại.
Quang cảnh các nô lệ càng ngày càng trở nên quen t
huộc đối với nàng, tuy nàng chỉ nhìn được một góc quảng trường do kẽ hở quá hẹp. Nàng thường nhìn thấy Mulai Ismail cưỡi con ngựa bạch hay đi bộ dưới lọng che, theo sau là đoàn tùy tùng. Hắn thường xuất hiện giữa đám cai tay lăm lăm dùi cui sẵn sàng giáng xuống lưng nô lệ. Angélique không cưỡng nổi tính hiếu kỳ do cuộc sống an nhàn nuôi dưỡng, và nàng thường dán mắt nhìn những cảnh tượng ghê gớm diễn ra trước mắt. Một lần Colin Paturel đến bên Mulai Ismail để yêu cầu hắn cho nô lệ nghỉ ngày hôm sau nhân dịp lễ Phục sinh. Quốc vương ra lệnh quất chàng một trăm roi ngay tại trận. Hắn dùng súng hỏa mai bắn chết một nô lệ mà hắn bắt gặp đang ngồi nghỉ, vì không biết có Quốc vương đến, rồi đẩy anh ta từ tường cao mười mét xuống đất. Hắn chặt phăng đầu của vài ba lính gác vì hắn cho họ có trách nhiệm về tiến độ quá chậm của công trình.
Angélique không nghe rõ tiếng nói, mà theo dõi mọi diễn biến như xem những vở kịch câm. Những cảnh chết chóc ngắn ngủi và thê thảm quá khiến nàng có cảm tưởng như mình đang xem các màn kịch nhại. Chỉ là những con rối ngã xuống, bỏ chạy, van nài, leo trèo lên những chiếc thang của giàn giáo, và chỉ dừng hoạt động khi bóng dài dần và chiều xuống.
Rồi trên quảng trường trắng xóa lại xuất hiện các tín đồ Hồi giáo phủ phục trong cát bụi, đầu hướng về Mecca, nơi vị Tiên tri đang an giấc nghìn năm. Sau đó đám nô lệ lại trở về lán trại hay hầm sâu dưới đất. Angélique có thể phân biệt được quốc tịch của một số người, tuy nàng không biết tên họ. Nàng biết một số là người Pháp vì họ chỉ toét miệng cười mỗi khi họ bị đánh đập. Họ biết cách tranh luận với bọn cai da đen cho đến khi bọn chúng bí không đối đáp được đành để mặc cho họ muốn làm gì thì làm, thậm chí ngả lưng nghỉ ngơi một tí, để hút một vài tẩu thuốc dưới chân tường râm mát. Người Ý biết hát hò trong khi làm việc mặc cho cát bụi chui vào mồm. Nàng biết họ làm như thế để cho đồng bào họ ngừng tay nghe họ hát. Người Ý cũng coi thường roi vọt của bọn cai, miễn là chúng đừng giết chết họ. Người Tây Ban Nha nổi bật về cái vẻ trịch thượng của họ khi họ cầm bay trát vữa. Họ chẳng bao giờ than thở về nắng mưa hay đói khát. Ngược lại, người Hà Lan thì lúc nào cũng lao động miệt mài, không muốn dây dưa vào các vụ cãi lộn đánh nhau. Tính kỷ luật rất cao của họ bộc lộ tín ngưỡng Tin lành của họ. Những người Công giáo và Chính thống ghét nhau một cách lịch sự, thỉnh thoảng đấm đá nhau túi bụi như một lũ chó điên, và chỉ dừng lại trước làn roi của bọn cai nô lệ. Bọn này lắm khi phải triệu Colin Paturel để giải quyết mâu thuẫn giữa nô lệ. Anh chàng Norman lúc nào cũng mang xiềng xích. Do tính gan góc của chàng, cánh tay và vai chàng thường rớm máu vì roi vọt. Thế nhưng chàng vẫn khuân nổi những bao vữa rất nặng trên tấm lưng khổng lồ, leo tít lên đỉnh giàn giáo, mặc dù chân tay bị xiềng xích. Chàng chăm sóc những người ốm yếu và chẳng ai dám nói năng hỗn xược với chàng. Một hôm chàng dùng xích ở cổ tay quật chết một tên lính gác vì hắn đánh đập chú bé Jean-Jean. Bọn lính gác chạy tới, lăm lăm tay kiếm nhưng vội vàng rút lui khi nhìn thấy Colin. Chỉ có Quốc vương mới có quyền giết chàng.
Khi Mulai Ismail đến kiểm tra công việc của các nô lệ như hắn vẫn thlàm vào buổi chiều tối, hắn gí mũi giáo vào ngực Colin. Angélique nghe rõ cái câu muôn thuở từ miệng hắn: “Hãy trở thành một tín đồ Hồi giáo”. Colin Paturel lắc đầu. Phải chăng đây là giây phút cuối cùng của anh chàng khổng lồ tóc vàng, người đã bị hành hạ bao nhiêu năm trời và đã hơn một trăm lần kề cái chết? Phải chăng tử thần Azrael sắp sửa cướp chàng đi? Angélique cắn mạnh vào khớp tay. Nàng định thét lên bằng tiếng Pháp, khuyên chàng nên từ bỏ tôn giáo của mình. Nàng không hiểu nổi tại sao chàng lại ngoan cường đối đầu với tên đao phủ lăm lăm ngọn giáo trong tay. Cuối cùng Mulai Ismail tức giận ném chiếc giáo sang một bên. Sau này người ta kể lại rằng hắn đã nói “Thằng chó chết này muốn xuống địa ngục chắc!”. Việc Colin Paturel thích xuống địa ngục hơn là lên thiên đường của tín đồ Hồi giáo khiến cho Mulai Ismail thất vọng gần như phiền muộn.
Angélique thở phào và đi uống cà phê cho thần kinh bớt căng thẳng. Nàng cứ băn khoăn mãi về hàng ngàn con người nô lệ kia, đa số là những con người bình thường thuộc các miền khác nhau trên thế giới, vẫn còn có dũng khí sẵn sàng đón nhận cái chết hay thêm nhiều năm tù đày nữa, chứ không chối từ một vị Chúa mà lúc còn sống tự do họ ít khi nghĩ đến. Nếu những con người khốn khổ, đói khát, tuyệt vọng và bị tra tấn đọa đày này chịu bỏ tôn giáo của mình, thì lập tức họ được ăn no mặc ấm và có một vị trí danh giá trong xã hội: họ có thể cưới bao nhiêu vợ cũng được, miễn là đừng quá con số Mohammed cho phép. Ở Meknès cũng như trên toàn đất nước Barbary chắc chắn có nhiều kẻ đã bỏ đạo. Nhưng số này vẫn rất ít so với con số hàng chục vạn nô lệ đã qua tay các Quốc vương Arập từ đời này sang đời khác. Điều khiến Angélique suy ngẫm khi nàng nhìn xuống từ kẽ hở trên tường, là làm sao con người lại có được nhiều nghị lực đến thế trong cái thân thể khốn khổ kia. Họ vẫn tiếp tục lao động, tiếp tục đau khổ, tiếp tục hy vọng. Từ cửa sổ Angélique nhìn thấy một đoàn tù nhân mới mà bọn cướp biển miền duyên hải vừa gửi đến cho Quốc vương. Họ nhịn đói đã một tuần nay. Quần áo rách rưới và hoen ố vì nước biển chưa đến nỗi tả tơi như của bọn nô lệ cũ và Angélique nhận ra được một vài chiếc áo thêu chỉ vàng dành riêng cho quý tộc và quân hàm trên một số áo thủy thủ. Chẳng bao lâu nữa họ cũng sẽ trở thành nô lệ Cơ đốc giáo ở Barbary, cùng cảnh ngộ với nàng. Một số mang thủ cấp của một vài chiến hữu đã chết trong chuyến đi quá dài, vì nếu không làm thế bọn lính cảnh vệ sẽ buộc tội là đã bán họ đi. Một buổi sáng Angélique nhận thấy một nhân vật kỳ lạ ở giữa quảng trường nắng chói chang. Ông ta như lạc lõng giữa chốn này, nên Angélique cứ dán mắt nhìn, vì ông ta mặc một bộ comlê và mang tóc giả. Đôi giày cao gót có khóa sáng chứng tỏ ông không hề bị tác động của chuyến đi xa. Thậm chí lớp đăng ten ở cổ tay áo cũng rất sạch. Nàng tưởng chừng như đang bị ảo giác khi thấy một tù trưởng đến gần ông và vái chào ba lần. Nàng vội vã quay vào trong định sai một nữ tì đến quảng trường xem thử việc gì đang xảy ra. Nhưng nàng lại thôi, sau khi suy nghĩ kỹ. Như thế dễ làm lộ cái đài quan sát của mình. Và nàng đành phải đợi cho đến khi cái tin ấy được lan truyền. Chẳng mấy chốc quả nhiên nó đã đến. Vị sứ thần mang tóc giả đó chẳng phải ai khác mà chính là người thương nhân Pháp từ Salé, thầy Bertrand. Ông đã tự mình lãnh trách nhiệm đến Meknès để thông báo tin các Cha chúa Cứu thế sắp đến nơi. Là một tín đồ Cơ đốc tốt bụng ông sốt sắng muốn cứu giúp các giáo hữu xấu số của mình. Vì thế ông muốn sử dụng sự quen thuộc của mình với Maroc để giúp các Cha, những người lần đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ được bảo vệ rất nghiêm ngặt của Mulai Ismail. Các Cha đang cưỡi lừa theo sau cùng với các lễ vật và thư ủy nhiệm.
Ngay lập tức trong đám nô lệ bùng lên một không khí vô cùng kích động và phấn khởi. Những người đi biển trong bọn họ, đã từng chịu bao cảnh tù đầy ở Algiers hay Tunis và đã từng trốn thoát nhờ sự can thiệp của các Cha, họ thành tâm yêu quý các Cha mà họ gọi là “Các Cha cưỡi lừa” vì họ thường thấy các Cha dũng cảm đi sâu vào nội địa các nước này để chuộc các nô lệ. Nhưng đã mười lăm năm nay các Cha không thể tiếp xúc với Vương quốc Maroc. Đúng là Colin Paturel đã phải dày công lắm mới thuyết phục được Quốc vương về vấn đề này.
Cuối cùng các Cha đã đến. Lão Caloens, người già nhất trong đám nô lệ, năm nay đã bảy mươi tuổi và đã trải qua hai mươi năm nô lệ, vội quỳ xuống và tạ ơn Chúa. Cuối cùng lão lại được tự do. Điều này làm bạn bè của Caloens rất ngạc nhiên vì lão phụ trách chăm coi các khu vườn của Quốc vương và có vẻ thích thú với công việc của mình. Xưa nay lão vẫn luôn tỏ ra hài lòng với số phận của mình. Lão đã từng thú nhận rằng lão không thể không nhỏ một vài giước mắt khi rời Maroc, nhưng lão phải ra đi vì lão ngày một hói và Quốc vương không thích những người hói, mỗi lần nhìn thấy người hói thì lập tức hắn dùng đầu bịt đồng của chiếc gậy quật vỡ sọ ngay. Caloens già quá rồi, lão nói không thể chết như thế được. Quốc vương cho phép nô lệ cầm cành cọ ở tay hoan nghênh các Cha. Angélique không thể chịu đựng được nữa. Lần đầu tiên nàng đi xin Đại hoạn quan ban cho nàng một đặc ân và cho nàng đến dự buổi lễ tiếp đón của Quốc vương. Osman Faraji lim dim đôi mắt suy nghĩ hồi lâu, cố hiểu xem động cơ của nàng là gì, cuối cùng y đồng ý. Nhưng nàng phải đợi ít lâu. Phái đoàn được bố trí nghỉ tại khu vực người Do Thái, và không ai được ra vào, lấy lý do là chỉ sau khi được bệ kiến Quốc vương các Cha mới được thăm viếng người khác. Các tù trưởng, bộ trưởng và các tên phản đạo cao cấp đến gặp các Cha để kiểm tra các lễ vật và để xem họ có dành cho mình khoản tiền nào không. Thế rồi, một buổi sáng người ta bảo Angélique sửa soạn để đi chơi. Osman Faraji dắt nàng đến chiếc kiệu phủ rèm và được canh phòng cẩn mật. Đến cổng vào quảng trường, Osman Faraji ra lệnh dừng lại. Angélique chăm chú nhìn qua khe hở giữa hai bức rèm. Quốc vương đã yên vị, ngồi xếp bằng dưới đất, hai chân xỏ hài mũi cong. Hôm nay quần áo và khăn chít của hắn màu xanh lục, chứng tỏ hắn đang vui vẻ. Hắn cứ che mồm bằng nếp áo burnous, khiến hai mắt hắn nom cứ xoáy vào một điểm. Bản thân hắn cũng rất háo hức muốn nhìn kỹ các Cha và xem các lễ vật. Tên phản đạo Rodani đã quả quyết với hắn rằng trong số lễ vật có cả hai cái đồng hồ. Song Mulai Ismail rất thích tấn công ngay vào tín ngưỡng của các Cha Cơ đốc giáo. Được như thế sẽ là một thắng lợi to lớn biết bao đối với Thánh Allah! Hắn đã chuẩn bị kỹ lưỡng bài nói chuyện và đang nôn nóng trình bày các quan điểm của mình. Hắn đem theo một đội vệ sĩ bao gồm ba chục tên da đen mang súng hỏa mai nòng bạc. Đằng sau hắn có hai thị đồng da đen, một đứa đứng quạt, đứa kia cầm lọng che cho hắn. Các tù trưởng và các tên phản đạo, triều phục chỉnh tề, chít khăn có cài một chiếc lông cò, mặc áo dài gấm, ngồi xổm quanh hắn. Các Cha dòng Chúa cứu thế xuất hiện ở cuối quảng trường, theo sau là hơn chục tên nô lệ khiêng lễ vật. Những thứ này được tên phản đạo Rodani, tên Do thái Zacharias và tù trưởng bin Messaud mang dâng lên Quốc vương. Các Cha đã tuyển chọn cẩn thận các đại diện của họ cho sứ mệnh đặc biệt mà họ chuẩn bị đã bao năm nay. Đoàn gồm sáu người, trong số đó ba người nói được tiếng Arập, và cả sáu người đều thông thạo tiếng Tây Ban Nha. Mỗi người đã từng tham gia các phái đoàn tương tự đến Algiers và Tunis, và đều nổi tiếng là rất thông thạo phong tục tập quán của thế giới Arập. Cha bề trên của họ là Cha de Valombreuse, con trai thứ của một gia đình lừng lẫy ở Berry và là một giáo sư ở trường đại học Sorbonne. Cha đã mang đến các hội nghị ngoại giao cái lương tri láu cá của người nông dân và cái oai phong của một nhà quý tộc. Không ai được trang bị đầy đủ hơn Cha để đối phó với Mulai Ismail. Trang phục của các Cha - áo dài trắng và Thánh giá đỏ trước ngực - và chòm râu dài của họ gây một ấn tượng mạnh mẽ đối với Mulai Ismail. Họ nom giống các ẩn sĩ sùng đạo đáng kính của Hồi giáo.
Mulai Ismail phát biểu đầu tiên. Hắn ca ngợi nhiệt tình và lòng từ thiện của các Cha đã không quản đường xa đến đây để cứu các giáo hữu của họ. Hắn ca ngợi Cha de Valombreuse đã cho Quốc vương Maroc biết công đức của Vua nước Pháp Louis XIV. Trong lời đáp rằng, do những việc làm dũng cảm và do lối sống tuyệt vời của Người, Louis XIV quả là vị Quốc vương vĩ đại nhất trong các nước Cơ đốc giáo. Mulai Ismail tỏ ra tán thành ý kiến đó, và tiếp tục ca ngợi Vị Tiên tri vĩ đại của Hồi giáo và Luật pháp của Người. Angélique đứng xa quá không nghe rõ cuộc bàn luận, nhưng nàng nhận thấy càng nói Mulai Ismail càng phấn khích. Gương mặt của hắn nom tựa đám mây đen nhuốm ánh mặt trời. Hai bàn tay hắn nắm chặt khi hắn cố thuyết phục các vị khách phải thừa nhận sai lầm của họ và thấy rõ chỉ có đạo của Mohammed là chân chính và thuần khiết, được các tiên tri truyền lại và xác định từ những ngày đầu của Adam. Hắn không thúc giục các Cha phải từ bỏ tín ngưỡng vì họ đến đây với tư cách là những sứ giả chứ không phải là nô lệ, mà hắn chỉ lo các Cha phải trả lời thế nào đây trước Chúa, nếu họ không từ bỏ tín ngưỡng của họ. Hắn cảm thấy đau đớn khi nhìn thấy trong vương quốc của mình những con người sa vào một lầm lỗi to lớn đến thế. Hạnh phúc thay cho những ai không tin vào học thuyết Ba Ngôi báng bổ, cho rằng có ba Chúa, chứ không phải một!
“Đúng thế, Chúa chỉ có một thôi. Vì thế hãy tin vào Chúa và Vị tiên tri của Chúa. Chớ nói nữa, rằng Chúa tồn tại ở ba người, nếu không thì các ngươi sẽ…”
C dũng cảm kiên nhẫn lắng nghe bài diễn thuyết dài dòng kia. Họ cố ghìm lại không cho Mulai Ismail biết rằng chính họ là “Cha cố của dòng Ba Ngôi” và Cứu thế chỉ là cách gọi thân mật mà thôi. Trong thư Colin Paturel đã nói rất rõ họ chỉ nên dùng biệt hiệu đó và giờ đây họ đã hiểu vì sao. Họ chỉ cám ơn Quốc vương đã quan tâm đến linh hồn của họ và quả quyết với hắn rằng họ cũng muốn chết một cách trong sạch. Nhưng vì tuân theo giáo huấn của đạo Cơ đốc họ đã không quản đường xa đến đây để chuộc lại các giáo hữu của họ, mặc dù họ thiết tha mong muốn làm đẹp ý Quốc vương, họ không thể từ bỏ tín ngưỡng của họ sau khi tiến hành một chuyến đi nguy hiểm không nhằm mục đích nào khác là chuộc lại các nô lệ vẫn trung thành với đạo Cơ đốc. Quốc vương đành chấp thuận các lý lẽ của họ và cố gắng không để lộ nỗi thất vọng của mình. Lúc này các nô lệ đã tháo xong các dây thừng buộc các hòm tặng phẩm, và mở nắp hòm. Các Cha kính tặng Quốc vương nhiều súc vải cực kỳ lộng lẫy bọc trong lá vàng. Rồi họ lấy ra ba chiếc nhẫn, ba chiếc vòng và tiến dâng Mulai Ismail. Quốc vương luồn nhẫn vào ngón tay, đặt các vòng trên mặt đất, thỉnh thoảng lại cầm lên ngắm nghía. Cuối cùng là mấy cái đồng hồ gần như nguyên vẹn sau cuộc hành trình dài. Cái lớn nhất có mặt bằng vàng tượng trưng mặt trời và con số màu xanh.
Trông thấy đồng hồ Mulai Ismail mừng rỡ như trẻ con. Hắn quả quyết rằng hắn sẽ chấp nhận những yêu cầu của các Cha và trả cho họ hai trăm nô lệ. Trước đó chẳng ai dám hi vọng một con số lớn như vậy. Tối hôm đó để biểu thị sự vui mừng và lòng biết ơn của họ đối với Quốc vương, các nô lệ tổ chức đốt pháo hoa dọc theo hai bờ con hào quanh lâu đài. Trên mái cung điện Mulai Ismail ngắm pháo hoa và tỏ ra rất thích thú. Hắn nói rằng chỉ các nô lệ mới thực sự yêu quý hắn, vì mỗi lần hắn ban phát một ân huệ cho dân chúng thì thay vì cảm ơn hắn họ lại vòi thêm. Cùng ngày hôm ấy hắn cho may một cái áo dài bằng thứ vải quý các Cha dâng tặng.