Chương 155: Chương 03

Nàng thét vào mặt hắn thật to để dựng lên một hàng rào giữa những hi vọng của nàng và nỗi thất vọng mà những lời của hắn vừa gieo trong lòng nàng. “Nếu bây giờ ta khóc thì mọi chuyện hỏng bét” - Nàng tự nhủ.

Các vệ sĩ của Đô đốc trước nay chưa từng thấy kẻ nào dám cư xử với Ngài như thế, tỏ ra rất kích động, đứa nào đứa ấy đều đặt tay lên chuôi dao găm.

- Ông chưa nói hết với tôi.

- Rất có thể. Nhưng tôi sẽ không cho bà biết thêm nữa.

- Thả tôi ra đi! Tôi sẽ trả tiền chuộc.

- Không - Có các tất cả vàng bạc trên thế gian này cũng không, bà nghe rõ chưa? Tôi hướng tới một thứ cao hơn cả vàng bạc châu báu, đó là Quyền lực. Mà bà là phương tiện để tôi đạt đến đấy. Vì thế mọi chi phí để bắt bà chẳng có nghĩa gì đối với tôi cả. Bà không cần phải hiểu làm gì.

- Angélique ngước mắt nhìn bức tường thành, mọi thứ đều biến vào bóng tối. Anh chàng Mohammed Raki bị móc vào câu liêm ở đó là người duy nhất biết rõ về Joffrey de Peyrac trong cuộc sống thứ hai của chàng. Và chẳng bao giờ anh ấy cất tiếng nói nữa!

“Nếu ta phải đi Tétouan - nàng nghĩ - có lẽ ta sẽ tìm ra nhiều người khác biết chàng. Nhưng muốn thế ta cần phải có tự do”

- Đây là số phận sẽ dành cho bà - Mezzo-Morte nói - Vì nhan sắc của bà đúng là tuyệt trần như người ta tả, tôi định sẽ đưa bà vào số các tặng phẩm tôi nhờ Ngài Osman Faraji chuyển đến ông bạn thân của tôi là Quốc vương Mulai Ismail. Bây giờ tôi xin chuyển bà cho Ngài. Ngài sẽ dạy cho bà làm cách nào để bớt kiêu ngạo. Nghề của các hoạn quan mà, rủi thay lại chẳng có trường học nào như thế ở châu u.

Angélique gần như không nghe hắn nói những gì. Nàng chỉ vỡ lẽ khi thấy hắn ra đi cùng với đoàn tùy tùng của hắn, và nhất là khi cảm thấy bàn tay của Đại hoạn quan đặt trên vai mình.

- Xin quý bà theo tôi.

Chẳng một lời nói, chẳng một cử chỉ phản ứng, nàng ngoan ngoãn theo hắn. Họ quay trở về cửa ô Babel Wed.

Ánh trăng chiếu qua ô cửa sổ có lưới sắt ngả bóng xuống sàn nhà. Không khí ngát hương chè và bạc hà. Angélique cố vùng khỏi cơn mê mệt để ngồi dậy. Bầu không khí im lặng bị xuyên thủng để lại một tiếng thét như tiếng con thú mắc bẫy.

Cái bẫy đã đặt đúng vào nàng. Cũng như trong những lần khác khi mà tính bốc đồng đã dẫn nàng đến một tình trạng vô vọng, nàng lại tự giận mình. Nghĩ đến những điều phu nhân Montespan hẳn sẽ nói, nếu bà ấy biết được cảnh ngộ mà địch thủ đang lâm vào, Angélique cảm thấy tim mình như bị sắt nung gí vào. “Phu nhân Plessis-Bellière - Các vị có biết tin gì không? Ha ha ha! Bị bọn Berber bắt! Ha ha ha! Người ta nói Đô đốc tối cao của Algiers đã dâng bà ấy cho Quốc vương Marốc. Ha, ha, ha! Nghe có buồn cười không chứ! Khổ thân...”

Tiếng cười nhạo báng của Atênai xinh đẹp vang lên trong tai nàng. Angélique đứng dậy và tìm một thứ gì để ném mạnh vào tường. Chẳng có gì cả. Trong cái xà lim này hoàn toàn chẳng có thứ gì khả dĩ gọi là tiện nghi, ngay cả một chiếc đi văng giải đệm cũng không, mà thay vào đó là một tấm rơm bện để nàng ngả lưng. Cả đến cửa sổ cũng chẳng có, chỉ có một lỗ tò vò che lưới sắt. Angélique lao tới đó và lay mạnh.

Nàng rất ngạc nhiên vì vừa chạm đến nó đã lung lay. Thoạt tiên nàng do dự, nhưng rồi nàng nhanh chóng chui qua và bước xuống một hành lang mở ra trước mặt nàng.

Hình dáng đen đen của một hoạn quan hiện lên trong bóng tối và đuổi theo nàng. Ở đỉnh cầu thang nàng gặp một tên nữa cầm thanh sắt chặn ngang lối đi.

Với một sức mạnh không ngờ, Angélique ẩy hắn sang một bên nhưng hắn nắm chặt cổ tay nàng. Nàng tát bôm bốp vào hai má nhẽo nhèo của hắn rồi ôm lấy hắn và xô giúi xuống sàn. Cả hai tên hoạn quan bổ theo Angélique khi nàng lao xuống thang gác. Đến chân cầu thang nàng lại gặp ba tên da đen nữa. Nàng cố vùng vẫy để chạy tiếp. Nàng chống cự như một con hổ cái làm chúng kêu lên the thé. Nhưng chẳng mấy chốc chúng đã quật ngã nàng. Một tên béo trùng trục vung lên một cái roi có nhiều gút, và thét lên rằng sẽ cho nàng một bài học đích đáng.

Osman Faraji được triệu đến để giải quyết vụ lộn xộn. Y ra hiệu treo roi lên tường. Nhưng tên hoạn quan này cứ khăng khăng rằng đã đến lúc phải cho con nô lệ gây rối này một hình phạt để làm gương. Osman Faraji không thèm đếm xỉa đến hắn. Y nhìn Angélique với ánh mắt bình tĩnh và nhẹ nhàng nói bằng tiếng Pháp:

- Bà có muốn dùng trà không? Hay nước chaà có thích mang đến cho bà vài xiên thịt cừu nướng không? Hay bánh hạnh nhân? Hay bánh quế? Chắc bà vừa đói vừa khát.

- Tôi muốn tự do - Angélique nói - Tôi muốn nhìn thấy bầu trời. Tôi muốn ra khỏi nhà tù kia.

- Nếu chỉ có thế - Đại hoạn quan khẽ nói - xin bà đi theo tôi.

Bọn gác rất vui mừng thấy nàng ra đi, cũng như nàng vui mừng được tách khỏi chúng. Nàng đã trở thành một nỗi khủng khiếp đối với chúng.

Nàng trở lại chiếc cầu thang chật hẹp, tiếp một chiếc nữa, rồi một chiếc thứ ba, cho đến khi nhìn thấy mình đứng trên sân thượng, với cả bầu trời đầy sao trải rộng trên đầu. Một thứ ánh sáng bàng bạc nhuốm làn sương mát rượi bốc lên từ biển, rồi trở thành một lớp hơi màu xanh lơ bao phủ vạn vật, cả cái mái vòm cao ngất của ngôi nhà thờ Hồi giáo bên cạnh. Ngọn tháp hầu như trong suốt trong ánh trăng. Nàng cảm thấy hơi chóng mặt khi nhìn thấy nó đu đưa trong ánh sáng di động.

Osman Faraji chăm chú theo dõi Angélique, rồi như bị thúc đẩy bởi một cảm hứng bất chợt nào đó, y nói: “Bà có thích dùng cà phê Thổ Nhĩ Kỳ không?”

Cánh mũi Angélique phập phồng. Ngay lập tức nàng nhận thức được đó là cái nàng thiếu từ ngày đến Algiers.

Không đợi nàng trả lời, Osman vỗ tay một cái và ra lệnh ngắn gọn. Một lát sau, một tấm thảm được giải ra và gối đệm đặt vòng quanh. Người hầu mang đến một cái bàn thấp, và ngay sau đó hương thơm của cà phê bốc hơi pha lẫn hương nhài tràn ngập trời đêm ấm áp.

Osman cho bọn nô lệ lui ra. Y ngồi xếp bằng đối diện Angélique, tự tay rót cà phê mời nàng. Y cũng mời nàng dùng thứ rượu mơ ngâm hạt tiêu quen thuộc. Nhưng nàng chỉ thích dùng cà phê với một ít đường thôi. Nàng nhắm mắt lại, đắm chìm trong nỗi nhớ nhung da diết: “Cà phê làm mình nhớ lại Candia... và gian phòng đấu giá trong đó hương vị của nó pha lẫn mùi khói thuốc... Mình muốn trở lại Candia để sống lại những giây phút đó khi một bàn tay nhẹ nâng đầu mình... và mình đã ngây ngất trong niềmtuyệt vời… và vị cà phê mới ngọt làm sao. Ở Candia mình thấy hạnh phúc...”

Nàng uống vài ngụm và bỗng dưng nước mắt trào ra, cổ nàng tắc nghẹn vì những tiếng nấc cố ghìm lại. Nàng hoàn toàn không muốn ngã quỵ trước mặt viên Đại hoạn quan, nói chi đến chuyện giãi bày tâm sự cùng y. Tại Candia, nàng chỉ là một con nô lệ khốn khổ, bị người ta bạc đãi, mang bán đấu giá. Nhưng ở đó nàng còn hy vọng đạt mục đích của mình. Và nàng còn có ông bạn già Savary cần cù và ngộ nghĩnh. Lão động viên nàng, an ủi nàng, hướng dẫn nàng và chuyển thư cho nàng qua song cửa gian hầm tăm tối, đã cải trang làm lão ăn xin để bí mật ra hiệu cho nàng. Bây giờ lão ở đâu, lão Savary đáng thương? Có thể chúng đã móc mắt lão và bắt lão è lưng xay bột như một con lừa. Cũng có thể chúng đã ném lão xuống biển hay quẳng cho chó dữ ăn thịt. Bọn chúng có thể làm tất cả.

- Tôi không hiểu - Osman Faraji nói - tại sao bà lại khóc. Bà làm thế chỉ thêm héo hon mòn mỏi thôi.

-Ồ đúng là như thế - Angélique nói giữa hai tiếng nấc - Ông không hiểu nổi tại sao một người đàn bà lại muốn khóc khi phải xa người thân, khi phải chịu cảnh giam cầm? Tôi chẳng phải là người duy nhất. Ông hãy nghe ai đó đang gào thét kia kìa!

- Nhưng với bà không hoàn toàn như thế - Y giơ bàn tay lên và duỗi mấy ngón tay đeo nhẫn với những móng tay sơn đỏ - Người đàn bà đã làm d’Escrainville, Nỗi kinh hoàng của Địa Trung Hải phải phát điên… đã khiến Don Jose de Almada, người thương nhân thận trọng có tiếng, phải đặt giá đến hai mươi lăm ngàn đồng… người đàn bà đã thoát khỏi tay Rescator… đã cả gan chửi vào mặt Mezzo- Morte… Từng ấy chiến tích, thưa bà, một người đàn bà như thế đời nào lại khóc hay lên cơn xúc động.

Angélique sụt sịt, lục tìm mùi soa và uống nốt chỗ cà phê đã nguội. Những lời tán dương của Osman Faraji dẫu sao cũng gây cho nàng một ấn tượng khá mạnh, và nàng cảm thấy phấn chấn trong lòng.

- Bà dùng một ít hạt pistachio nhé? Mua từ Constantinople đấy. Thế nào, ngon chứ?

Angélique nhấm nháp chút ít, và nói rằng trước đây nàng đã được ăn thứ ngon hơ">

- Ở đâu? - Osman có vẻ quan tâm - Bà có nhớ tên và địa chỉ của người bán không?

Y nói rằng y có trách nhiệm chăm lo chuyện ăn uống cho một trăm cung phi của Mulai Ismail. Nhờ tâm sức của y mà các hậu cung của Mulai Ismail được cung cấp đầy đủ nhất các thứ của ngon vật lạ trong toàn cõi Barbary. Khi nào nàng đến Meknès nàng sẽ thấy rõ tận mắt.

Angélique đứng dậy, hai tay nắm chặt.

- Tôi chẳng bao giờ đi Meknès đâu. Tôi muốn được tự do.

- Bà cần tự do để làm gì?

Giọng y nhỏ nhẹ, khiến Angélique thấy lòng dịu lại. Nàng rất có thể kêu tướng lên là nàng muốn trở về với bạn bè thân thích, thăm lại quê hương xứ sở, nhưng bỗng dưng nàng không biết nàng muốn gì nữa, và toàn bộ cuộc đời nàng đối với nàng bây giờ cũng tuồng như một điều nhạo báng. Nàng chẳng còn lưu luyến cái gì, ngoại trừ hai đứa con trai, mà ngay đến chúng nàng cũng đã ruồng bỏ để lao vào những mộng ước điên cuồng.

- Ở bất cứ chỗ nào - Đại hoạn quan vẫn rủ rỉ - Thánh Allah muốn ta tồn tại, ta hãy cố tận hưởng niềm hoan lạc của cuộc sống. Đàn bà có biệt tài là dễ thích nghi. Sở dĩ bà sợ hãi là vì da chúng tôi đen, hay nâu, và ngôn ngữ của chúng tôi đối với bà hoàn toàn xa lạ, nhưng trong phong cách của chúng tôi có cái gì làm bà khiếp sợ nào? Bà sợ, thưa bà, vì bà không biết rõ Hồi giáo là gì? Giống như các tín đồ Cơ đốc giáo khác, bà vẫn cho chúng tôi là mọi rợ. Bà sẽ nhìn thấy các thành phố lớn của chúng tôi trên bờ phía bắc Maroc, và Fez và Meknès, thành trì của Vương quốc tráng lệ như đã xây dựng bằng ngà. Các thành phố của chúng tôi giàu và đẹp hơn các thành phố của bà.

- Sức mấy. Ông có biết ông đang nói gì không? Ông không thể so sánh Paris với bộ sưu tập các khu nhà màu trắng này đâu.

Nàng đưa mắt chỉ về thành phố Algiers, đang nằm ngủ say bên dưới họ. Đó là một thế giới ngoài trí tưởng tượng, chỉ tồn tại trong giấc mơ thành phố xây dựng nên bằng sứ trong mờ, nhờ ma thuật của ánh trăng và đặt bên một cái biển thạch anh tím. Một giấc mơ đích thực, bộc lộ rõ cái linh hồn chậm chạp, trầm tư của đạo Hồi, lấp dưới cái vẻ hào nhoáng của uy quyền bọn cướp.

- Bà sinh ra để không hề biết sợ - Osman Faraji nói - Bà hãy ngoan ngoãn và chẳng một ai làm hại bà. Tôi sẽ để cho bà có thời gian làm quen với cung cách Hồi giáo của chúng tôi.

- Tôi không tin là tôi sẽ quen được với sự đánh giá quá thấp tính mạng con người của các ông.

- Tính mạng con người đáng quan tâm đến thế ư? Đúng là những người Cơ đốc giáo sợ chết và sợ bị tra tấn đến kỳ lạ. Và điều đó khiến tôi nghĩ rằng tôn giáo của bà chẳng làm được bao nhiêu để chuẩn bị cho bà nhìn thẳng vào Chúa.

- Mezzo-Morte cũng đã nói những điều tương tự với tôi.

- Hắn chỉ là một tên phản đạo, một tên Thổ chuyên nghiệp - Đại hoạn quan nói, không che giấu sự khinh bỉ của mình - nhưng tôi nghĩ rằng có một cái gì đó mạnh hơn cả sự khát khao tiền tài và danh vọng đã cuốn hút hắn đến với bà. Có lẽ chính sự tự do tín ngưỡng đã tạo cho người ta niềm vui được sống và niềm vui được chết, chứ không phải nỗi sợ hãi đối với cả hai của những người Cơ đốc giáo.

- Ông chẳng bao giờ trở thành linh mục, thật quả là đáng tiếc, ông Osman Faraji ạ. Ông thuyết giáo rất hay. Ông có nghĩ rằng cuối cùng ông sẽ cải giáo được tôi không?

- Bà sẽ chẳng có sự lựa chọn nào cả. Bà sẽ trở thành một cung phi của Quốc vương Mulai Ismail vĩ đại của chúng tôi, và mãi rồi bà cũng sẽ thành tín đồ Hồi giáo thôi.

Angélique cắn môi để khỏi buột miệng trả lời xấc láo. Nhưng nàng nghĩ bụng: “Chớ có quá trông mong vào điều đó”.

Con yêu quái Marốc mà họ dành cho nàng cũng may mà vẫn còn ở xa lắc xa lơ. Từ đây đến đó nàng sẽ tìm được cách trốn thoát. Và nàng nhất quyết tìm ra! Osman Faraji đã hành động đúng khi mời nàng uống cà phê với

Và ngay sau đó nàng tìm thấy Savary: một dấu hiệu chắc chắn là Thượng đế luôn độ trì nàng.

Ngôi nhà của bọn Marốc tại Algiers lớn hơn cái batistan ở Candia, nhưng cả hai giống nhau ở chỗ có đầy đủ phương tiện của một khách sạn lẫn một nhà kho. Cả hai đều thiết kế giống nhau: một khuôn viên lớn hình chữ nhật bao bọc một cái sân có nhiều cột cao, trong sân là một vườn cây trúc đào, chanh, cam, và ba vòi phun nước. Chỉ có một lối ra vào, luôn luôn có lính cầm khí giới canh gác. Không có cửa sổ nhìn xuống đường, tất cả tường rào bao quanh đều bằng gạch vững chắc. Nhà mái bằng, là nơi diễu hành cho bọn lính canh túc trực thường xuyên. Nhiều gian ở tầng trệt dành làm chuồng nuôi súc vật. Có một hôm Angélique đã lững thững đến đó xem lạc đà và các con vật thồ khác.

Một đống rạ thình lình bị hất sang một bên để lộ cái dáng khom khom của lão dược sư. Áo quần lão còn tả tơi hơn trước.

- Savary! Ôi, Savary thân yêu! - Nàng khẽ kêu lên, cố ghìm lại nỗi vui mừng - Cụ làm gì ở đây?

- Khi tôi được tin bà rơi vào tay Đại hoạn quan tôi đứng ngồi không yên, tìm mọi cách đến gần bà. Cũng may là một phu khuân vác người Thổ mua tôi về. Y được cái đặc quyền ra vào đây trông nom các chuồng trại. Y là một nhân vật rất quan trọng đến mức phải dùng một nô lệ để giúp y quét dọn. Tôi ở đây là vì thế.

- Số phận của chúng ta rồi sẽ ra sao, hở cụ? Chúng định đưa tôi đến Marốc cho vào hậu cung của Mulai Ismail.

- Đừng lo, bà ạ. Marốc là một nước lý thú, và từ lâu tôi vẫn muốn trở lại đó. Tôi có nhiều bạn cũ ở đấy.

- Và một đứa con trai nữa? - Angélique cười tủm tỉm.">

- Không, hai đứa! Tôi phải thú nhận rằng tôi chẳng có ai là người nối dõi ở đất Algiers này cả. Do đó ở đây ta khó có cơ may trốn thoát. Bà có được đối đãi tử tế không?

- Cho đến nay Osman Faraji rất chăm lo đến tôi. Tôi cũng khá tự do. Tôi có thể vào ra nơi này, thậm chí rời khỏi khu vực dành cho đàn bà con gái. Ở đây chưa phải là một hậu cung, cụ Savary ạ. Nhưng ở đây rất gần biển, liệu lúc này có phải là thời cơ tốt để ta chạy trốn không?

Savary chỉ thở dài và lại cầm chổi quét sân. Cuối cùng lão hỏi nàng Mohammed Raki bây giờ ra sao. Angélique kể lại mọi chuyện cho lão nghe và nói thêm rằng bây giờ tất cả hy vọng của nàng đều tan thành mây khói. Nàng chỉ muốn có một điều: bỏ trốn và trở về nước Pháp.

- Ai cũng muốn chạy trốn - Savary tán đồng - để rồi sau đó lại hối hận. Đó là phép màu của Hồi giáo. Rồi bà khắc thấy.

Tối hôm đó, Osman Faraji lễ phép hỏi nàng cái ông lão nô lệ Cơ đốc giáo có phải là bố, chú, bác, hay họ hàng thân thích của nàng không. Angélique đỏ bừng cả mặt khi biết rằng nàng đã bị theo dõi sát đến thế, ngay cả khi nàng nghĩ rằng chẳng ai nhìn thấy mình. Nàng trả lời rằng ông cụ là bạn đồng hành, và nàng rất quý ông cụ, và ông cụ là một người rất thông thái. Ấy thế mà người Hồi giáo lại bắt ông cụ quét dọn chuồng trại để sỉ nhục ông. Vì ông ta là tín đồ Cơ đốc giáo. Hẳn việc hạ một ông chủ xuống địa vị đầy tớ là cách họ dùng để nâng mình lên.

- Bà nhầm rồi - y nói - cũng như tất cả tín đồ Cơ đốc giáo đều nhầm. Kinh Koran viết: “Vào ngày Phán xét, mực của nhà thông thái sẽ nặng hơn thuốc súng của người lính”. Thế ông già đáng kính đó có phải là bác sĩ không?

Sau khi nghe Angélique trả lời là có, nét mặt Đại hoạn quan sáng hẳn lên. Tên nô lệ người Aixơlen đang ốm và chú voi con chuẩn bị dâng cho Quốc vương cũng ốm, cả hai đều là lễ vật thuộc loại quý nhất. Trước khi rời Algiers mà cả hai đều ốm đau thì thật quả là tai hại.

May thay cho Savary là lão đã làm giảm cơn sốt của hai sinh vật ấy, nhờ thứ thuốc mà tự lão tìm ra. Angélique rất ngạc nhiên không hiểu tại sao sau bao nỗi thăng trầm lão vẫn giữ được đủ thứ cao đơn hoàn tán và dược thảo trong hai túi áo của mình. Đại hoạn quan ban cho lão quần áo tươm tất và sung lão vào số gia nhân.

- Bà thấy chưa - Savary nói - Thoạt tiên chúng định quẳng tôi cho chó ăn hoặc ném tôi xuống biển, thế rồi sau đó chẳng bao lâu chúng không thể thiếu tôi được.

Angélique không còn cảm thấy cô đơn trên cõi đời này nữa.