Đôi mắt Phlôrimông trong vắt như nước nguồn.
- Con cam đoan với mẹ rằng con không nói dối. Ông Đuychen đầu độc Vua. Con đã trông thấy nhiều lần ông ta lấy một ít bột trắng bằng móng tay rồi búng cho rơi vào cốc rượu trước khi bưng cốc lên dâng Đức Vua.
- Chà, con ạ, điều đó không thể có được. Đức vua có cảm thấy khó chịu gì đâu sau những lần con nói là bị đầu độc ấy.
- Con không biết. Có lẽ đây là thứ thuốc độc có tác dụng lâu dài?...
- Phlôrimông, một đứa trẻ không được nói những chuyện nghiêm trọng như vậy. Không được quên rằng Đức vua có nhiều người phục vụ hết lòng ở quanh mình.
Suốt một giờ đồng hồ, nàng đã ra sức ép nó phải thú nhận là đã bịa đặt, và nàng đã mất hết cả kiên nhẫn. Rõ ràng nàng không đủ tài để giáo dục đứa con trai có quá nhiều óc tưởng tượng này.
- Con trai bé bỏng của mẹ, con có biết rằng cứ tung bừa ra những lời vu cáo như vậy, con đã tự làm hại mình không? Chẳng có ai muốn dùng một thiếu niên tùy tùng cứ nói những chuyện nhảm nhí như thế.
- Nhưng con có nói gì đâu. - Phlôrimông kêu lên và dậm chân. - Con chỉ giải thích cho mẹ hiểu thôi. Nhưng mà con nghĩ... đúng thế, con nghĩ rằng mẹ chậm hiểu lắm. - Cậu bé kết luận rồi bực bội quay đi.
Angiêlic không còn biết xử trí với đứa con thế nào nữa, thằng bé này có cái gì trong đầu óc mà nàng không thể nào hiểu nổi. Cực chẳng đã, nàng bực bội quay lại trách thày dạy học của con là linh mục Lêđighie.
- Thằng bé này đáng đánh đòn, tôi chẳng thể khen ngợi ông về điều đó được.
Ông linh mục trẻ tuổi đỏ mặt nói:
- Thưa bà, tôi đã làm hết sức mình. Trong khi làm nhiệm vụ, Phlôrimông tình cờ biết được một vài chuyện bí mật rồi nó suy diễn thêm...
Phlôrimông đã nén bực tức, nói với mẹ rằng mình phải đi theo mấy cô quận chúa nhỏ dạo mát, và xin phép ra ngoài
- Ông Lêđighie, ông nghĩ gì về chuyện ấy?
- Thưa bà, tôi chưa bao giờ bắt được quả tang cháu Phlôrimông nói dối cả.
- Ông muốn bảo vệ cho học trò của mình, nhưng trong chuyện này điều đó đã đưa ông đến những nhận định nghiêm trọng.
- Biết thế nào được? Ở triều đình, những thái độ trung thành nhất cũng phải xem xét kỹ. Chung quanh ta có bao nhiêu gián điệp.
- Ông nói đến chuyện gián điệp thì thật hợp! Ông linh mục, ông đã được bà Soadi thuê tiền để theo dõi và phản tôi!
Người linh mục trẻ tái mặt không còn hột máu. Ông ta run lên rồi quỳ sụp xuống.
- Thưa bà, tha tội cho tôi! Đúng là bà Soadi có xếp đặt cho tôi đến ở gần bà để theo dõi, nhưng chưa bao giờ tôi phản lại bà. Tôi xin thề điều này. Tôi không thể làm điềì hại bà được. Xin bà tha thứ cho tôi.
Angiêlic né ra, nhìn qua cửa sổ.
- Thưa bà, hãy tin tôi!
- Phải, tôi tin ông - Nàng nói với vẻ mệt mỏi. - Nhưng hãy cho tôi biết kẻ nào đã tố cáo tôi với Hội thánh thể? Có phải các tiểu thư Gilăngđông không?
Người linh mục trẻ do dự:
- Tôi biết rằng trước hôm bà bị bắt một ngày, cô Mari-Anhét có đi gặp bà Soadi là người đỡ đầu cho mình.
- Thì ra nó, con rệp nhãi! Còn ông, sao ông nhận làm công việc đẹp đẽ ấy?
- Cuộc sống thật chật vật thưa bà. Xin bà xét cho: tôi chịu ơn bà Soadi nhiều. Tôi là con thứ trong gia đình mười hai đứa con. Tôi có nguyện vọng sống cuộc đời tu hành, tôi ham nghiên cứu thần học. Bà Soadi đã chu cấp cho tôi ăn học nhiều năm ở chủng viện. Khi giới thiệu việc làm cho tôi, bà ta có yêu cầu tôi thông báo cho bà ấy rõ những chuyện đồi bại mà tôi chứng kiến, để chống lại cái ác, cái xấu...
- Thôi, đứng lên đi, ông linh mục. - Nàng lẩm bẩm vẻ cau có - Tôi tha thứ cho ông, vì tin là ông thành thật.
- Thưa bà, tôi quý trọng bà và yêu mến Phlôrimông như em ruột. Bà sẽ cách ly nó với tôi chăng?
- Không đâu. Dù sao tôi cũng nên yên tâm thấy có ông ở cạnh con tôi. Tôi không bao giờ mong muốn cháu nó lui tới biệt thự này của Hoàng đệ. Ai mà chẳng biết lối sống trụy lạc của ông hoàng và vây cánh của ông ta. Một đứa bé xinh trai, nhanh nhẹn như Phlôrimông không thể an toàn ở chốn nà
- Đúng là như vậy, thưa bà. Trong nhà này, có một tên đểu cáng nhất là Môren, nó ăn cắp, văng tục, vô thần và dâm ô, bán những đứa con trai làm đĩ đực. Nó đã nhằm Phlôrimông và tìm cách làm hư thằng bé. Tôi phải can thiệp, và đấu gươm với nó. Nó bị thương và phải bỏ âm mưu đó. Và sau đó, tôi đã rêu rao khắp chốn rằng thằng bé được Đức vua che chở, và tôi sẽ kiện lên Hoàng thượng nếu kẻ nào làm hại nó. Và cuối cùng, tôi đã xin được cho Phlôrimông làm bạn của các cô quận chúa nhỏ trong các trò chơi. Như thế có thể tách cháu ra xa một chút khỏi đám bạn bè cánh hẩu kỳ quặc kia của đức ông Hoàng đệ.
- Chao ôi! Ông linh mục tội nghiệp, nhiệm vụ của ông tự gánh lấy thật vất vả! Có lẽ tôi cần đưa ông ra khỏi chốn này.
- Bà đừng quan tâm chuyện này, thưa bà. Tôi hiểu rằng Phlôrimông cần phải lập công danh, và nó chỉ thăng tiến được nếu ở gần những bậc vương hầu. Tôi cố gắng che chở cho nó, trau giồi trí tuệ và tâm hồn để tránh cho nó sự đồi bại. Với nghị lực và sự cứu giúp của Chúa, việc khó mấy cũng làm được. Vai trò thật sự của người thày dạy tôi phải làm tròn là như thế, phải không ạ?
- Đúng rồi, nhưng lẽ ra ông không nên nhận lời đem cháu đến đây.
- Tôi thật khó lòng chống lại quyết định của Đức vua, thưa bà. Vả lại, tôi cho rằng, ở đây cháu không bị đe dọa nhiều bằng ở Vecxây.
- Ý ông định nói gì vậy?
Người linh mục lại gần, nhìn trước nhìn sau kỹ lưỡng rồi mới nói.
- Tôi tin chắc rằng đã hai lần có kẻ định làm hại đến tính mạng cháu.
- Lần này thì ông loạn óc mất rồi, ông bạn của tôi ạ. Ai thèm mưu hại một thằng nhóc như vậy, một chú thiếu niên tùy tùng thấp kém chẳng ai biết đến ở triều đình?
- Một chú tùy tùng dám kêu to quá những sự thật khó chịu.
- Tôi không muốn nghe ông nói nữa. Ông để cho đầu óc luẩn quẩn với những chuyện không ra đầu cua tai nheo gì. Và ông nhìn sự việc toàn thấy màu đen. Ông là thần hộ mệnh cho Phlôrimông, tôi chẳng nghi ngờ gì điều đó. Nhưng xin ông cố gắng xoa dịu trí tưởng tượng của học trò mình. Tôi không tin là Phlôrimông có tầm quan trọng ghê gớm gì đâu.
- Là một chú bé tùy tùng nhưng lại là con trai của bà. Bà không biết rằng mình có nhiều kẻ thù ư? Chính bà cũng có kẻ rình cơ hội để đẩy bà xuống giếng sâu. Xin bà hãy tìm mọi cách tự bảo vệ mình.
- Tôi muốn ông có đầu óc thực tế hơn.
Linh mục Lêđighie còn định phản đối một câu nữa, nhưng có người bước vào phòng, ông ta đành cúi đầu chào và đi tìm cậu học trò của mình.
Đúng như Đức vua đã dặn trước, Phu nhân Hoàng đệ đã cho viên quản lý đến mời phu nhân Plexi-Belie lưu lại điện Xanh-Clu đến ngày hôm sau. Angiêlic nhận lời không phấn khởi gì. Không khí nơi cung điện của Hoàng đệ có cái gì quá mập mờ và có phần đáng lo ngại: những quan khách, nữ cũng như nam của vị thân vương này không đáng tin cậy mà nếu là ở Vecxây thì nàng sẽ lánh mặt. Hoàng đệ chẳng phải không thông minh và cũng đã từng tỏ ra dũng cảm trong các chiến dịch, nhưng đã bị làm hư đốn đến mức luôn luôn thả mình vào những chuyện vô vị, ngớ ngẩn và những tật
Angiêlic đưa mắt nhìn quanh và ngạc nhiên không trông thấy bóng dáng công tử Loren, cận thần sủng ái nhất từ nhiều năm nay của Hoàng đệ và là ông chủ trên thực tế ở cung điện của vị thân vương. Có người mách bảo:
- Bà không biết tin à? Ông Loren đang bị thất sủng. Ông ta phải giam ít lâu rồi bị đầy đi Rôma. Đó là thắng lợi to lớn của Phu nhân Hoàng đệ, người đã cố gắng trong mấy năm nay để đánh bại kẻ thù ác hại nhất của mình. Cuối cùng, Đức vua đã chấp nhận ý kiến của bà...
Đã về phòng đi ngủ, đầu óc Angiêlic vẫn còn quay cuồng những chuyện giật gân, những điều lo lắng về Phlôrimông, và mơ màng nhận thấy trăm nghìn mối nguy cơ đang bao vây mình như đàn rắn bò ngổn ngang. Lúc tảng sáng, nàng thức giấc vì nghe có tiếng gãi nhẹ ở cánh cửa liền giường nằm. Nàng mở cửa và thấy Phu nhân Hoàng đệ: công chúa Angriet nước Anh, người quấn trong một tấm khăn choàng rộng thùng thình đang mỉm cười nhìn nàng.
- Tôi muốn gặp bà, phu nhân Plexi ạ. Bà cùng tôi đi dạo một lát có được không?
- Xin tuân lệnh công chúa. - Angiêlic hơi kinh ngạc.
Hai người bước xuống những bậc cầu thang trong lâu đài lặng lẽ như tờ. Trời sáng dần trong vườn cây ướt đẫm sương đêm. Hai người đến ngồi trên một chiếc ghế dài bằng cẩm thạch ở chỗ giao điểm của các lối đi trong vườn. Dáng dấp công chúa ít thay đổi so với thời kỳ Angiêlic hay đến đánh bài với bà ở điện Luvrơ. Nhỏ nhắn, duyên dáng, nhanh nhẹn, nước da mịn màng tựa cánh hoa, toát ra vẻ thanh tao, ý nhị. Người ở bên công chúa tự nhiên cảm thấy mình thô kệch, nặng nề. Chính sự duyên dáng của Phu nhân Hoàng đệ lại tạo ra chung quanh bà tình trạng đơn độc. Bà không hoàn toàn nhận thức ra điều đó, nhưng đau khổ ngầm: trong hai con ngươi xanh thẫm ấy có một vẻ ngỡ ngàng, lạc lõng.
- Thưa bà,- Công chúa Angriet nói sau một giây im lặng - Tôi nghe nói bà là người phụ nữ nổi tiếng giàu có, hay giúp người và kín đáo. Chẳng hay bà có thể cho tôi vay 4.000 pixtôn không?
Angiêlic phải là người thượng lưu đầy lịch lãm mới giữ được khỏi giật mình.
- Tôi cần số tiền ấy để chuẩn bị cho chuyến về thăm nước Anh - Công chúa Angriet nói tiếp - Thế mà tôi đang mắc nợ và phải đem cầm một phần đồ nữ trang của mình, và chẳng nên đến quấy nhiễu Đức vua để cầu cứu trong cơn quẫn bách này. Tuy nhiên, chính vì Vua mà tôi về Anh lần này. Sứ mệnh Người trao cho tôi là cực kỳ quan trọng. Vấn đề đặt ra là phải ngăn cản vương huynh của tôi là vua Saclơ gia nhập liên minh để tập hợp người Hà lan, người Tây Ban Nha và người Tơlông. Tôi cần phải ăn mặc thật lộng lẫy, phải mơn trớn, vuốt ve, làm mọi cách khiến cho người ta yêu mến nước Pháp, và điều đó thật không dễ dàng đối với tôi. Tôi cần phải để vàng tuôn chảy như suối, phải mua chuộc những lương tâm, những thiện chí và những chữ ký. Nếu tỏ ra keo kiệt, tôi sẽ không thể thành công được. Mà tôi thì nhất thiết phải thành công.
Công chúa nói rất lưu loát và tự nhiên, nhưng là để che giấu sự lúng túng của mình. Chính sự bối rối ấy, rất hiếm thấy ở công chúa, đã thúc đẩy Angiêlic tỏ ra hào hiệp.
- Xin lệnh bà tha lỗi cho, nếu tôi không thể nào đáp ứng đầy đủ mọi mong muốn của Người. Sẽ hết sức khó khăn nếu tôi muốn thu thập nhanh chóng cho đủ 4.000 đồng pixtôn. Nhưng tôi có thể hứa chắc chắn sẽ có đủ số tiền 3.000 đồng.
- Bạn thân mến, bà đã cất cho tôi một gánh nặng biết bao! - Công chúa reo lên, vì bà đã không dá hy vọng vay được nhiều thế. - Bà hãy tin chắc rằng tôi sẽ hoàn lại số tiền đó ngay khi trở về đây. Vương huynh của tôi quý tôi, chắc chắn Người sẽ cho tôi nhiều quà tặng. Nếu bà biết được chuyện này quan trọng đối với tôi đến mức nào! Tôi đã hứa với Đức vua sẽ thành công. Tôi nợ Người điều đó, bởi vì Người đã trả công trước cho tôi rồi.
Công chúa nắm lấy hai bàn tay Angiêlic, siết chặt vì biết ơn.
- Nếu tôi thất bại, thì sẽ khủng khiếp biết bao. Tôi xin được lệnh đẩy công tử Loren ra nước ngoài chỉ với điều kiện là tôi làm tròn sứ mệnh được giao. Nếu tôi thất bại, ông ta sẽ quay về đây. Tôi sẽ không thể nào sống nổi với tên trác táng ngồi lù lù, nắm quyền thống trị ngay trong nhà tôi. Sự ghê tởm của Hoàng đệ và đám cánh hầu của ông ta đã vượt qua mọi giới hạn, đó là thành tích của công tử Loren.
Angiêlic thấy rõ công chúa đang chịu đựng một phản ứng thần kinh, bà ta quá lo lắng về việc vay tiền này.
- Thế là bà hứa với tôi rằng sẽ nhận được món tiền đó trước khi lên đường chứ?
- Tôi xin đảm bảo, thưa lệnh bà. Tôi cần phải trao đổi ý kiến với người quản lý, nhưng trong vòng tám ngày sẽ xin trao 3.000 pixtôn đến tay Lệnh bà.
- Bà thật tốt quá! Bà đã trả lại cho tôi niềm hy vọng... Với những câu nhát gừng, công chúa tiếp tục tâm sự, hài lòng được một cái tai thiện cảm lắng nghe. Bà phàn nàn rằng lẽ ra mình không nên lấy Hoàng đệ.
- Ông ta ghen tị với trí tuệ của tôi, và chỉ lo có người yêu tôi hoặc lo rằng người ta quý trọng tôi, chính điều đó luôn luôn gây rắc rối cho tôi.
Có một điều bà ta không nói ra: đã có một thời bà từng nuôi hy vọng sẽ thành Hoàng hậu nước Pháp. Do đó có một điều bà ngấm ngầm oán hận Hoàng đệ, ông ta không phải Luy 14. và cách bà nói đến Đức vua thường nhuốm màu chua chát.
- Chẳng qua Đức vua lo ngại rằng Vương huynh Saclơ của tôi sẽ liên minh với người Hà Lan, nếu không thì tôi chẳng xin được gì ở Người đâu. Dù tôi khóc lóc, xấu hổ hay đau khổ, Người cũng chẳng quan tâm. Thấy em ruột mình sa đọa, Người cũng chẳng động lòng...
- Lệnh bà giận nên mới nói quá chăng? Đức vua chẳng lẽ...
- Đúng mà, đúng, tôi biết rõ Hoàng thượng... Nhưng dù sao, lần này tôi sẽ cất cao giọng. Người phải tính đến tôi. Đừng quên rằng tôi là con vua, và có một anh ruột cũng là vua...
Công chúa Angriet thở thật sâu và đặt bàn tay lên trái tim mình kìm bớt nhịp đập.
- Tôi thấy là cuối cùng tôi đã giành được thắng lợi về mình. Tuy nhiên tôi vẫn không khỏi sợ hãi. Bao nhiêu căm thù bao vây tôi. Chính Hoàng đệ nhiều lần đã đe dọa đầu độc tôi.
Angiêlic giật nảy mình.
- Thưa lệnh bà, xin đừng để mình rơi vào những ý nghĩ bi quan ốm yếu.
- Chẳng hiểu đấy là ý nghĩ ốm yếu hay ngược lại, đó là cách nhìn sáng suốt các sự vật. Thời đại chúng ta, chết dễ dàng lắm mà!
Angiêlic sực nhớ đến lời lẽ của Phlôrimông và lời khẩn cầu của linh mục Lêđighie, và sự sợ hãi dâng lên trong lòng nàng như con rắn độc lạnh toát ngóc đầu.
- Nếu lệnh bà tin chắc như vậy thì cần phải huy động mọi khả năng để tự bảo vệ mình, và phải thông báo những điều nghi ngờ cho cảnh sát để họ bảo vệ lệnh bà.
Công chúa tròn mắt nhìn nàng như nghe thấy một lời kỳ quặc nhất trần gian rồi bật cười khanh khách.
- Cảnh sát ư? Phù phù! Bạn thân mến, tôi quá biết rõ họ rồi, và bọn họ đừng hòng được thò mũi vào công việc của chúng ta.
Công chúa đứng lên và thản nhiên nói tiếp.
- Xin nhớ rằng ở triều đình, chúng ta chẳng còn cách nào khác là đơn phương tự bảo vệ mình hoặc là... chịu chết.
Hai người lặng lẽ quay về. Trên môi công chúa trẻ tuổi nở một nụ cười mỉm buồn buồn. Một mối lo sợ mơ hồ vẫn ám ảnh bà ta. Bà ta nói:
- Bà có biết không, tôi rất muốn được ở lại Anh, muốn vô cùng và không bao giờ trở lại đây nữa!
Đang bận bịu chuẩn bị trở lại triều đình, Angiêlic nhớ đến bà quả phụ Xcarông mà nàng đã lâu lắm không gặp. Dễ đã hai năm rồi! Nàng Phrăngxoadơ nay ra sao rồi? n hận, Angiêlic sai người hầu kiệu đưa mình đến ngôi nhà đơn sơ, nơi bà Xcarông ở từ nhiều năm nay. Nàng gõ mãi vào cửa nhưng không có tiếng đáp lại. Tuy nhiên, xét những dấu hiệu nho nhỏ, nàng có ấn tượng là trong nhà có người. Hay đấy chỉ là người hầu? Thế thì tại sao không ra mở cửa? Chờ mãi uổng công, Angiêlic đành bỏ đi. Đến ngã tư gần đó, kiệu của nàng phải dừng lại vì xe cộ ngổn ngang. Khi vô tình quay lại đằng sau, nàng ngạc nhiên thấy cánh cửa nhà bà Xcarông mở ra rồi chính bà quả phụ trẻ bước ra ngoài. Bà ta mang mặt nạ và áo càng rất kỹ, nhưng nàng vẫn nhận ra cái bóng dáng dễ thương ấy.
- Thế này thì quá quắt thật. - nàng kêu lên và nhảy ra khỏi kiệu.
Nàng bảo mấy người đầy tớ đưa kiệu không về trước, rồi trùm chiếc mũ liền áo lên kín đầu và phóng theo bà Xcarông. Bà này đi nhanh mặc dù ôm khư khư hai cái bọc khá nặng. Ngỡ là có chuyện bí mật, Angiêlic quyết định đi theo chứ không đến gặp bà ta. Đến bờ sông Xen, bà ta thuê một chiếc xe xoàng xĩnh do một người kéo. Angiêlic cuốc bộ theo sau vì xe lọc cọc đi chậm. Xe sang cầu qua sông và vòng vèo khá lâu qua một đường phố vùng nông thôn. Buộc phải đi chậm nên nàng mất hút chiếc xe, khi nàng đuổi kịp, nàng thất vọng thấy xe quành lại ở ngã ba nhưng không có người ngồi trong. Nàng vội đến bên người kéo xe và cho bác ta một đồng êqui, bác phu xe nhanh nhảu chỉ giúp cái nhà bà khách vừa bước vào. Nàng đến đập cửa. Một lúc sau, bên trong có tiếng người đầy tớ gái.
- Tôi muốn gặp bà Xcarông.
- Bà Xcarông à? Không phải, ở đây... chẳng quen gì bà ấy... - Cô đầy tớ đáp và đóng sập cửa.