Cách đây 30 năm.
Trước sự dòm ngó của các thế lực thù địch ngoại bang đến từ Phương Tây và cả phương Đông về những bảo vật quý hiếm của Việt Nam, một nhóm gồm 3 gia tộc có thế lực trong giới đồ cổ là Lâm, Cao và Lê đã thành lập ra tổ chức “Tam Bang” để tìm kiếm, bảo quản và quản lí bảo vật của Việt Nam trước khi nó được giao cho các Bảo tàng ở khắp nơi trên cả nước.
Và lão Cao - tên thật là Cao Nghĩa cũng là một trong ba thành viên thành lập ra “Tam Bang” này cùng với Lê Phước - chủ nhân nhà họ Lê và Lâm Trường Sơn cũng chính là ông nội của Trường Thắng.
“Tam Bang” chia thành 3 bang THƯỢNG - TRUNG - HẠ với những nhiệm vụ khác nhau được phụ trách bởi một bang khác nhau, tất cả tạo thành một vòng khép kín với mục đích chính là không để các bảo vật quốc gia rơi vào tay những bên buôn đồ cổ nước ngoài.
Thượng Bang do nhà họ Lâm - Lâm Trường Sơn đứng đầu, phụ trách việc tìm kiểm các bảo vật ở khắp nơi dựa trên các tư liệu có trong lịch sử. Và phần lớn các cổ vật được chuyển đến các bảo tàng sau này đều do Thượng Bang tìm kiếm.
Trung Bang do lão Cao đứng đầu, phụ trách việc phục dựng và khôi phục các cổ vật sau khi được Thượng Bang tìm ra. Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc phục dựng và thẩm định bảo vật nên chưa từng có bảo vật nào mà Trung Bang không thể phục hồi suốt 30 năm qua.
Cuối cùng là Hạ Bang do Lê Phước đứng đầu, đây là nơi xuất phát của các bảo vật đến các viện bảo tàng trong cả nước. Ở đây, Hạ Bang sẽ quản lí và tìm ra viện bảo tàng phù hợp sau đó sẽ trực tiếp di chuyến bảo vật đến đó một cách an toàn.
Tuy rằng cả ba bang đều có được những nhiệm vụ khác nhau nhưng tất cả đều hướng đế mục đích cuối cùng là bảo vật sẽ được các viện bảo tàng mang ra ánh sáng để minh chứng cho sự phong phú và đầy màu sắc của một nền văn minh trải dài hơn 4000 ngàn năm.
Nhưng tuyệt nhiên, chẳng ai biết sự tồn tại của Tam Bang mà chỉ có người trong nghề khảo cổ mới biết được sự tồn tại của tổ chức này. Thứ mà thế giới nhìn thấy, chỉ là thành quả của họ mà thôi, còn lại sự tồn tại của họ là bí mật. Bí mật là vậy nhưng tiếng nói của Tam Bang trong giới khảo cổ và các viện bảo tàng là rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với quy mô của một tố chức bí ẩn.
Và sau khi người đứng đầu Thượng Bang là ông Trường Sơn qua đời, Trường Thanh lên thay và tiếp tục công việc tìm kiếm cổ vật của mình cùng với người bạn đời là giáo sự khảo cổ Ngọc My, có thể nói Thượng Bang đã có được người kế nhiệm hoàn hảo cho vị trí mà ông Trường Sơn đã để lại.
Hạ Bang cũng có sự thay đổi khi người đứng đầu Lê Phước quyết định nghỉ hưu sớm và để lại vị trí của Lê Khang - cháu nội đích tôn của mình nắm giữ, còn mình trở thành “Thái Thượng Hoàng” của Hạ Bang, nắm trong tay thực quyền mặc dù đã về hưu.
Số là Lê Phước có một người con trai duy nhất nhưng lại qua đời trong một chuyến leo núi nên ông đã giao vị trí ấy cho đứa cháu trai duy nhất của mình là Lê Khang khi Khang vẫn chưa học hết đại học. Và bản thân ông cũng không thể ngờ rằng, đây là quyết định sai lầm nhất của ông.
Trung Bang có thể nói là nơi yên bình nhất khi dưới sự lãnh đạo của lão Cao, Trung Bang không chỉ làm tròn nhiệm vụ của mình mà còn mở rộng sang nhiều ngành nghề khác, và từng bước trở nên giàu có, trở thành gia tộc giàu có.
10 năm trước.
Tam Bang, ở đây là Thượng Bang tìm ra tư liệu về một cổ vật mang tên “Cửu phẩm liên hoa” - một cổ vật có niên đại 300 năm vào thời Hậu Lê. Trường Thanh tìm ra nó trong một cuốn tài liệu cổ nằm trong bộ tài liệu mà cha ông - ông Trường Sơn cất trên gác xép trong căn nhà cũ của mình.
Trong một lần dọn dẹp lại căn gác xép, Trường Thanh đã tìm ra bộ tài liệu ấy và bắt đầu lên kế hoạch cùng vợ của mình đi tìm kiếm tung tích của “Cửu phẩm liên hoa” nằm đâu đó ở chân đèo Hải Vân, trong một ngôi mộ cổ, theo như tài liệu của ông Trường Sơn.
Ngày lên đường, vợ chồng ông gửi người con trai lớn của mình là Trường Thắng cùng với lời hứa sẽ trở về vào ngày sinh nhật anh tháng sau rồi rời đi cùng với một chiếc chìa khóa bằng bạc bí ẩn. Và đó cũng là lần cuối cùng Trường Thắng được nhìn thấy bố mẹ của mình.
10 năm sau đó, Trường Thắng vẫn cứ đợi tin tức của bố mẹ mình trong tuyệt vọng, họ đã mất tích cùng với lời hứa sẽ trở về vào ngày sinh nhật của cậu. Không một tin tức, cũng chẳng lấy tia hi vọng khiến cho Trường Thắng tuyệt vọng. Anh rời khỏi nhà ngoại, một mình dọn lên Đà Lạt, sống trong căn nhà của bố mẹ, trước khi rời đi và mở tiệm đồ cổ Thanh Khẩu như hiện nay.
Từ lúc bố mẹ mất tích, Trường Thắng được người trong ngành “săn đón”, kẻ muốn tận dụng kiến thức của cậu về đồ cổ để tìm ra thứ gì đó mang lại tiền bạc cho mình, cũng có kẻ muốn dò hỏi thông tin của bố mẹ cậu nhưng chẳng ai nhắc đến “Cửu phẩm liên hoa.”
Cho đến khi lão Cao xuất hiện ở tiệm đồ cổ Thanh Khẩu ngày hôm ấy, khi ông nhắc đến “Trường Thanh, Ngọc Mỹ” và quan trọng hơn “Cửu phẩm liên hoa” khiến cho tia hi vọng trong lòng một lần nữa lại được thắp sáng lên.
Trường Thắng trước nay chưa từng muốn liên quan đến ngành đồ cổ khi cậu đã cố gắng ẩn thân bên trong tiệm đồ cổ nhỏ xíu giữa lòng một Đà Lạt rộng lớn mà chỉ mong muốn tìm kiếm sự thật về sự mất tích của bố mẹ mình mà thôi.
Suốt nhiều năm qua, Trường Thắng cũng không ngừng tìm kiếm tung tích của bố mẹ ở khắp nơi, từ nơi cậu nghi ngờ là nơi xuất phát của họ, chân đèo Hải Vân đến những vùng đất xa xôi ở cả hai đầu Tổ quốc, nhưng…
…tất cả chỉ dừng lại ở con số 0 tròn trĩnh vì cậu chẳng tìm được gì với những manh mối vừa ít ỏi lại vừa chẳng có tác dụng gì mà mình có trong tay. Từ hi vọng, thất vọng rồi đến tuyệt vọng, suốt 10 năm qua, cứ như một lẩn quẩn với Trường Thắng vậy.
Và một lần nữa, tia hi vọng lại được thắp lên nên Trường Thắng đã không nghĩ ngợi mà đi theo lão Cao bất chấp trước đó đã thẳng thừng từ chối cả Cường lẫn lão Cao trong lần đầu gặp mặt.
Tung tích của bố mẹ có hay không thì chưa biết, nhưng Trường Thắng không ngờ rằng lần “xuất sơn” này, cậu sẽ bị cuốn vào một cuộc phiêu lưu và một bí ẩn liên quan đến Tam Bang mà chính bản thân cậu cũng không ngờ được.
Nó có liên quan đến “Cửu phẩm liên hoa”.