Chương 2: Chương 2

Trước đó gần 1 tháng.

Ngôi mộ cổ này vô tình được những người đi rừng phát hiện sau cuộc đi săn của họ sâu vào bên trong khu rừng dưới chân đèo Hải Vân. Ban đầu ai cũng đó chỉ là một gò đất hoặc là tổ kiến mối trồi lên mặt đất mà thôi.

Nhưng càng đến gần, họ lại càng phát hiện ra sự thật không phải như những gì mình đã nghĩ. Ẩn đằng sau gò đất ấy, một cánh cổng bằng đá xuất hiện, phủ lên mình lớp rêu đã úa màu thời gian và mang trong mình vẻ huyền bí vốn có của những ngôi mộ cổ.

Cổng được chạm khắc tinh xảo, dù đã nhuốm màu thời gian nhưng nếu như nhìn kĩ thì vẫn có thể nhìn ra được những họa tiết ấy là chạm khắc những hình thù gì. Ngay lập tức những người đi rừng ấy đã liên hệ với lực lượng chức năng của thành phố Đà Nẵng.

Chỉ sau hơn 1 giờ sau đó, lực lượng chức năng cũng như các nhà khảo cổ học nhanh chóng tiếp cận được ngôi mộ cổ ấy và tiến hành các bước nghiên cứu đầu tiên về niên đại và thời đại cũng như những họa tiết trên cánh cổng dẫn vào ngôi mộ cổ ấy.

Tiến sĩ Lưu - dẫn đầu đoàn khảo cổ, ông là một nhà sử học, khảo cổ học có tiếng của cả nước, dù đã có nhiều năm nghiên cứu và cũng không ít lần tận mắt chứng kiến quá trình khai quật những ngôi mộ cổ từ xa xưa nhưng ngôi mộ trước mặt ông bây giờ có điều gì đó khiến ông cảm thấy hứng thú và háo hức nhanh chóng được tiến vào bên trong ngôi mộ cổ.

Theo sau tiến sĩ Lưu là những cộng sự nhiều năm của ông từ Diễn đàn Di tích lịch sử Việt Nam, là một diễn đàn uy tín trong cả nước liên quan đến khảo cổ và là nơi tập hợp những tiến sĩ đầu ngành, am hiểu về các nền văn hóa, các triều đại trong lịch sử Việt Nam.

Tháp tùng đội khảo cổ là sự xuất hiện của một thanh niên trẻ tuổi, tuy chẳng có kinh nghiệm gì về khảo cổ nhưng lại có khả năng sinh tồn trong tự nhiên một cách đáng nể và được đào tạo một cách chính quy trong môi trường quân đội.

Tùng Quân - đội trưởng Đội đặc công, đóng quân tại thành phố Đà Nẵng cùng với tiến sĩ Lưu và Thùy Linh - sinh viên năm cuối chuyên ngành Văn hóa Việt Nam sẽ là những nhân vật chính trong kế hoạch khai quật lần này.

Tất cả đều đã sẵn sàng cho chuyến khai quật và khám phá ngôi mộ cổ này. Với sự hỗ trợ của Diễn đàn Di tích lịch sử Việt Nam nên lực lượng tham gia khai quật lần này được trang bị đầy đủ các trang thiết bị nên tinh thần ai cũng sẵn sàng cho chuyến thám hiểm ngôi mộ cổ này.

Tiến sĩ Lưu cùng các đồng sự đã dành ra gần cả tuần để quan sát và tìm hiểu những gì xuất hiện trên cánh cửa dẫn vào ngôi mộ cổ. Một cánh cổng bằng đá cao khoảng 4-5 mét với vẻ ngoài có chút tăm tối và bí ẩn. Bên trên nền mặt của cánh cổng, những họa tiết được chạm khắc bằng tay một cách kì công chính là điểm nhấn khiến ai nhìn vào cũng phải chú ý đến những họa tiết ấy.

“Tiến sĩ Lưu, ông có thể nhìn thấy những họa tiết này là gì không?” - một người trong đoàn khảo cổ lên tiếng.

Vốn dĩ, tiến sĩ Lưu muốn những họa tiết trên đá ấy sẽ được ông nghiên cứu kĩ hơn thông qua những bức ảnh mà ông chụp lại được. Trời cũng sắp mưa nên công việc nghiên cứu sẽ gặp trở ngại rất lớn. Nhưng tiến sĩ Lưu lúc này, không thể không chú ý đến một vài chi tiết được khắc trên cổng ngôi mộ ấy.

“Mọi người, mau rời khỏi đây thôi. Trời sắp mưa rồi. Nếu không sẽ không kịp ra khỏi khu rừng này đâu.”

Từ ngoài, Tùng Quân lên tiếng thông báo đội khảo cổ. Tuy mới chỉ là ngày đầu tiên được tiếp xúc với ngôi mộ cổ nhưng dường như tiến sĩ Lưu cùng đồng nghiệp của mình cũng đã tích cóp được lượng manh mối nhất định xung quanh ngôi mộ cổ này.

“Mọi người nhìn xem những bức ảnh này đi.”

Trong tối ngày hôm ấy, khi trở về thành phố Đà Nẵng từ hiện trường phát hiện ngôi mộ cổ, tiến sĩ Lưu liền lập tức tổ chức một cuộc họp khẩn với sự tham gia của toàn bộ thành viên trong chuyến khai quật này nhằm nghiên cứu về những gì họ đã thu hoạch được trong ngày hôm nay.

“Ngôi mộ cổ này hướng về phía Đông, có thể xác định được rằng, nó được xây dựng khoảng 300 đến 400 năm trước.”

Các bằng chứng mà nhóm khảo cổ thu thập được cho thấy, ngôi mộ cổ này được xây dựng vào khoảng thời nhà Lê hoặc thời Tây Sơn. Nhưng có thể dễ dàng nhận ra lối kiến trúc chủ đạo không phải là lối kiến trúc của người dân Đại Việt hoặc thậm chí là triều đình phương Bắc.

Thùy Linh nhận thấy được những chi tiết ấy thông qua cánh cổng của ngôi mộ cổ. Và dựa vào công nghệ máy tính, những họa tiết trên cánh cổng cũng dần dần được lộ diện. Đó là một bức tranh được chạm khắc lồi lõm đan xen lẫn nhau.

“Thầy Lưu, thầy có nhận ra những chi tiết này không? Hình như là Thanh Long. Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ.”

Nếu nhìn kĩ thì đúng là những linh thú trong truyền thuyết nhưng kết cấu của ngôi mộ thì không đúng với các triều đại ở phương Bắc. Nhưng họ phát hiện ra một chi tiết kì lạ rằng những linh thú ấy đều hướng về một phía, phía bên trên cảnh cổng. Dường như có một chi tiết gì đó biểu hiện sức mạnh còn đáng sợ hơn sức mạnh của những linh thú trong truyền thuyết đang xuất hiện ở phía bên trên của cánh cổng.

Nhưng bằng một cách thần kì nào đó, tấm ảnh chụp phía trên của cánh cổng là tấm ảnh duy nhất bị lỗi và không thể in ra được như những tấm ảnh còn lại. Thậm chí tấm ảnh trong máy ảnh cũng bị hỏng, trái ngược hoàn toàn với những tấm ảnh khác.

“Ngày mai chúng ta sẽ quan sát kĩ hơn phía trên cánh cổng xem thực chất đó là thứ gì?”

Tối hôm ấy, khi tất cả đang say giấc, bên ngoài hành lang, tiếng bước chân của Thùy Linh từ căn phòng phía cuối hành lang xuất hiện trong sự tĩnh lặng của màn đêm. Dường như thì cô gái trẻ ấy đang rơi vào cơn mộng du nên không thể biết được, bản thân mình đang đi đâu và sẽ về đâu.

“Này, Thùy Linh, cô đi đâu đấy?”

Tùng Quân vừa từ bên dưới đội hộ tống đi lên giao ban và kiểm tra lại một lần các căn phòng chứa các thiết bị phục vụ cuộc khai quật thì phát hiện bóng dáng của Thùy Linh đang đi vào bên trong lối cầu thang thoát hiểm.

Nhìn thấy được sự kì lạ nơi cô gái trẻ ấy, anh lập tức đuổi theo sau Thùy Linh nhưng tránh không làm cô tỉnh giấc, chỉ từ từ đi bên cạnh để quan sát cô mà thôi. Còn đối với Thùy Linh, cô cứ đi mãi đi mãi, chẳng mấy chốc cô đã lên tới tầng thượng của khách sạn lúc nào không hay.

Bỗng một tiếng to đùng xuất hiện từ trên trời khiến cho Thùy Linh chợt bừng tỉnh và khi bừng tỉnh, cô đang thấy cheo leo giữa không trung, phía bên trên, Tùng Quân vẫn đang hết sức nắm chặt lấy tay cô, không để cô rơi xuống phía dưới.

“Đội trưởng Quân, có chuyện gì xảy ra vậy? Tôi đang ở đâu đây?”

“Cô bình tĩnh, đừng vùng vẫy, tôi sẽ kéo cô lên.”

Trong khoảnh khắc Tùng Quân đưa cô lên, Thùy Linh đưa mắt ra phía xa xa, ngay góc đường, cạnh tòa nhà trước mặt. Một đoàn người đưa tang bước từng bước chậm chậm tiến về hướng khách sạn.

Họ khoảng 30-40 người, mặc tang phục màu đen trắng, ai nấy đều buồn rầu, cúi đầu mà đi. Đi trước là đội kèn đám tang, theo sao là gia quyến, cỗ quan tài và những người thân của người đã khuất.

“Đội trưởng Quân, anh có nhìn thấy phía bên kia đang có đoàn người đưa tang không?”

Tùng Quân nhìn theo hướng mà Thùy Linh đang chỉ, nhưng ở đó chẳng có gì cả, đến một bóng người cũng không có thì làm gì có đoàn đưa tang như Thùy Linh nhìn thấy, có thể là cô chưa lấy lại được sự bình tĩnh mà thôi.

“Chắc chắn là tôi không nhìn sai….Ủa đoàn người đó biến đâu mất rồi?”

Khi Thùy Linh nhìn lại thì đoàn người đưa tang ấy đã biến mất trước mắt của cô. Điều đó càng khiến cô có chút sợ hãi về những thứ đã xảy ra với mình tối hôm nay từ việc cô bị mộng du đến hình ảnh đoàn người đưa tang mà cô nhìn thấy.

“Cô nghỉ ngơi đi, tối nay tôi sẽ ở bên ngoài canh chừng cho cô. Cô sẽ không bị mộng du nữa đâu.”

Đưa Thùy Linh về phòng, Tùng Quân có chút hoang mang khi nhìn thấy căn phòng của cô bị lục tung lên và cô gái ấy cũng chẳng có bất kì kí ức nào về chuyện đó. Thùy Linh nằm xuống giường, đắp chăn lại, cố gắng không nghĩ đến những gì đã xảy ra với mình tối hôm nay. Còn Tùng Quân thì sau khi Thùy Linh đã ngủ, anh lặng lẽ ngồi lên chiếc ghế sofa bên ngoài ban công để canh chừng cho Thùy Linh.

Và khi Thùy Linh chìm vào giấc ngủ, một cảnh tượng khủng khiếp xuất hiện trong giấc mơ của Thùy Linh mà chính bản thân cô cũng chẳng thể nào thoát khỏi giấc mơ ấy được vì cô không thể.

Thùy Linh, cô đang đứng bên trong một đoàn người đưa tang đang gào khóc.