Chương 4: Đến lớp

Buổi sáng thứ Ba, Châu Đức Bá thức dậy từ lúc 5 giờ mà không cần báo thức. Đây là thói quen của những người lớn tuổi. Khi bạn già đi thì sẽ khó có thể đảm bảo giấc ngủ thoải mái như ngày còn trẻ. Đủ thứ áp lực tác động lên bộ não, và nó chỉ khiến bạn thiếp đi trong 4-5 giờ mỗi ngày. Đây quả thực là bi ai của con người, dù rất muốn nằm và ngủ thật ngon cũng không thể nữa.

Không vội ra khỏi giường, Châu Đức Bá nằm và hưởng thụ một chút cơ thể trẻ trung của bản thân, hít thở một chút không khí se lạnh trong khi cả người vẫn được quấn quanh bởi chăn bông ấm áp. Cứ mấy ngày thì mẹ của Châu Đức Bá sẽ đem phơi nắng chăn bông 1 lần. Vì vậy mà dù không cần bột xả, chăn vẫn có một mùi nắng rất dễ chịu.

Ở kiếp trước thông thường Châu Đức Bá sẽ dậy sớm để ôn lại bài học, nhất là những môn cần học thuộc lòng. Tiếp thu bài vở vào mỗi buổi sáng sẽ tốt hơn hẳn cảm giác buồn ngủ vào buổi tối. Đương nhiên không tính những ngày ôn thi, phải ráng cày thêm vào ban đêm. Càng trưởng thành theo thời gian thì Châu Đức Bá lại càng ý thức hơn nữa về ưu thế của việc dậy sớm.

Phần lớn thiếu niên đi học ở thị trấn Lạc Dương đều sẽ ăn cơm trước khi đi học. Chỉ một số ít là được phụ huynh cho tiền để tự ăn trên đường. Người nông thôn thường không tin vào mức độ vệ sinh của hàng quán ven đường.

Bữa cơm sáng lần đầu sau hơn 30 chục năm quả thật vừa là lạ, lại vừa hơi khó để ăn được nhiều. Dù biết rằng cho tới 12h trưa sẽ không ăn thêm gì cả, nhưng Châu Đức Bá vẫn khó có thể ăn quá 2 chén. Đến 18 tuổi lên thành phố học đại học, buổi sáng Châu Đức Bá rất ít khi ăn cơm, phần đa dân thành phố sẽ ăn hủ tíu, phở, bún hoặc thứ gì đó có nhiều nước.

Khoảng cách tới trường là hơn 2km, bình thường Châu Đức Bá sẽ thích đi bộ. Thỉnh thoảng bạn bè sẽ chở bằng xe đạp hoặc xe máy nhưng tự đi vẫn thích hơn. Tháng 10 buổi sáng có thể sẽ có sương sớm nhè nhẹ, gió không mạnh, đi bộ trên những con đường cái mới rải nhựa sẽ rất hay ho. Đương nhiên, khi còn nhỏ thì đa phần chúng ta ít khi để ý đến những thứ này. Nhưng lúc này Châu Đức Bá đâu phải là chàng thiếu niên bình thường nữa. Ý cảnh càng mạnh lại càng kích thích sự hứng thú và quyết tâm trong đầu anh ta càng mạnh mẽ hơn. Đúng vậy, phải vươn lên từ chính nơi này, để khi gặp lại những người thân yêu sau này sẽ không cần phải hối tiếc nữa.

Mất hơn 20 phút thì Châu Đức Bá đến được cổng trường. Phía trước cổng có một tấm biển lớn nền xanh chữ trắng ghi to: “Trường THPT Nguyễn Trãi”. Hôm nay Châu Đức Bá đến sớm, phần để nhìn lại trường xưa, phần nữa là để làm quen với thị trấn. Đã rất lâu rồi, có nhiều thứ cũng không còn nhớ rõ nữa. Đi đến đâu thì mơ hồ nhận ra và hoài niệm, chỉ như vậy.

Học sinh trường Nguyễn Trãi lác đác đi học. Trong khi đó, trường THPT bán công Lạc Dương bên cạnh có số học sinh đông gấp đôi, nên trông cảnh ra vào cổng trường cũng đông đúc hơn. Những gánh hàng bán đồ ăn sáng cho học sinh cũng ưu tiên ở gần khu của trường bán công. Còn gần 30 phút nữa mới đến giờ vào lớp, Châu Đức Bá từ tốn tìm đến phòng học của lớp 11A5.

Trường Nguyễn Trãi chỉ có 3 tòa nhà, 2 tòa lớn có 1 lầu 1 trệt, tòa còn lại dành cho cán bộ công nhân viên của trường. Cả 3 tòa đều hướng vào hoa viên trung tâm.

Thường thì lớp 12, và lớp 11 sẽ không học chung tòa. Theo trí nhớ, Châu Đức Bá đi đến tòa nhà B, đi thẳng lên lầu bước vào căn phòng lạ mà quen.

Bên trong bây giờ chỉ có 3 “bóng ma học tập”. Đây là 3 cô gái học giỏi nhất lớp A5, và cũng là 3 người ganh đua với nhau kịch liệt nhất, đại diện về phương diện học tập của lớp. Ngày đó, những năm 2002, vùng nông thôn không có quá nhiều người có thể có học lực tổng môn trên 8.0. Thầy cô ở nông thôn cũng chấm điểm không được thoáng như ở thành phố. Ví dụ, bạn rất dễ đạt điểm 10 toán nếu làm đúng hoàn toàn, nhưng khó đạt điểm 9-10 của môn văn, lịch sử hay địa lý. Những môn không có ba rem điểm rõ ràng thì thầy cô ngại cho điểm tuyệt đối. Đương nhiên, sau này xã hội tiến bộ, giáo dục sẽ dần cải tiến. Đó là chuyện của sau này. Hiện tại thì chỉ như vậy.

Lớp A5 cũng chỉ có 3 người đạt được trên 8.0 tổng kết được gọi là Học sinh giỏi. Nên nhớ, toàn trường cũng chỉ có khoảng 15 người đạt được danh hiệu đó. Lớp A5 có được 3 viên ngọc quý đã là niềm tự hào lớn của cô giáo chủ nhiệm rồi. 3 cô gái này lần lượt cũng đảm trách chức lớp trưởng, lớp phó học tập và bí thư đoàn của lớp.

Châu Đức Bá nhìn thấy những “người cũ” quen mắt, ho nhẹ một cái rồi đi về bàn của mình. Cả 3 cô gái nhìn thấy Châu Đức Bá thì có thái độ khác nhau. Lớp trưởng Lê Thảo Nguyên thì nghi hoặc một chút, lớp phó Nguyễn Thị Tú Linh thì nhìn một cái rồi mặc kệ, bí thư Trần Hạ Nghi mỉm cười một cái với Châu Đức Bá.

Đừng nghĩ nhiều ở đây, thực ra Châu Đức Bá biết Trần Hạ Nghi là một cô gái khôn khéo và thông minh. Suốt nhiều năm không biết bao nhiêu anh chàng đã “chết” vì nụ cười này. Dẫu vậy thì người có lý trí sẽ biết đó là nụ cười xã giao mà thôi. Bạn không yêu thích Trần Hạ Nghi? Không sao, bạn cũng không thể nào ghét được. Đó là cảm nghĩ chung của tất cả mọi người.

Gặp nụ cười của bạn, Châu Đức Bá gật đầu một cái rồi đi về chỗ của mình. Bây giờ mới thật sự là vấn đề lớn đây. Châu Đức Bá nhớ là mình ngồi gần cuối lớp và gần cửa sổ, nhưng cụ thể là bàn nào thì… quả thật là không có ký ức gì.

Châu Đức Bá đành dùng phương pháp loại suy, dò từng bàn một. Anh đi chậm từ trên xuống dưới lớp để xem xét, bỏ qua 3 bàn đầu tiên, không ấn tượng gì, thử ngồi vào bàn thứ 4, Châu Đức Bá nhìn lên bục giảng và xem xét. Ừ thì… không ấn tượng gì cả. Lại thử bàn số 5, bàn số 6.

Thật sự đau đầu, không lẽ mình phải đợi mọi người đến đủ mới biết sao trời? Châu Đức Bá tự hỏi.

Trong lúc Châu Đức Bá đang vò đầu bứt tai vì cái vấn đề lãng xẹt này thì phía sau có người tiến tới:

“Này bạn Bá, bạn làm gì vậy, tính đổi chỗ ngồi hả?”

Lớp trưởng đại nhân lên tiếng, vì đơn giản là cô ấy cảm thấy hôm nay Châu Đức Bá hơi khang khác. Bình thường người đến sớm không phải là người có công chuyện do thầy cô giao thì cũng là những bạn siêng năng. Châu Đức Bá siêng năng? Thật sự không có. Châu Đức Bá học cũng khá nhưng chỉ là hơn trung bình một chút, nếu nói đúng tiêu chuẩn khá thì cũng quá miễn cưỡng.

Châu Đức Bá quay lại mỉm cười gãi đầu nói: “Tối qua ngủ nhiều quá sáng ra quên mất chỗ ngồi…”.

“…”

“Lý do như vậy mà bạn cũng móc ra được?”

“Lớp trưởng, bạn thử ngồi chỗ của mình xem, hình như bảng có vấn đề, cứ vậy mình sẽ bị cận thị mất”.

“Thật?” Nói đoạn, Lê Thảo Nguyên đi xuống đầu bàn 6 ngồi xuống, xem xét một lát rồi nói:

“Ừ, quả thật là bị lóa ở góc phải. Được rồi, mình sẽ nói với cô chủ nhiệm.”

“Cảm ơn nhé!”

Hóa ra là bàn số 6. Châu Đức Bá âm thầm thở phào một cái.

Chỗ ngồi của Châu Đức Bá có thể dễ dàng nhìn ra cửa sổ, từ đó có thể nhìn thắng hướng lên phía sườn đồi thông ở xa xa. Kiếp trước Châu Đức Bá đã có lúc bị cô giáo phạt vì mãi suy nghĩ vẩn vơ khi nhìn những đám mây trôi qua đồi. Cảnh đẹp đôi khi khiến tâm hồn ta xao xuyến rồi lạc mất thực tại.

Châu Đức Bá lật sách ra đọc lướt qua những bài học sẽ học hôm nay. Sương sớm dần tan đi thì lớp học dần đông lên. Khi thầy giáo môn kỹ thuật vừa tới hành lang thì Trần Văn Minh cũng chạy cái vù vào lớp, vội vã đến chỗ ngồi bàn số 7, bàn cuối và cũng là ở ngay sau lưng Châu Đức Bá.

Ngày đó, các học sinh sẽ đứng lên chào thầy cô nhưng ngoài môn tiếng Anh thì sẽ không ai hô cái gì. Tất cả đều tự giác đứng chào cho đến khi các thầy cô cho phép ngồi.

Một điều thú vị chỉ có riêng ở lớp A5 đó là hầu như ít có ai vi phạm các luật về tác phong như bỏ áo ra ngoài quần, không đeo bảng tên hay huy hiệu đoàn. Đó là bởi vì bí thư của lớp là một cô gái xinh đẹp và khôn khéo – Trần Hạ Nghi.

Thông thường các bí thư lớp sẽ phải kiểm tra đôn đốc tác phong trước khi cờ đỏ của trường đến kiểm tra. Nhưng Trần Hạ Nghi lại không làm thế, cô luôn để sẵn trong cặp sách hơn 10 cái huy hiệu, và có vài cái bảng tên không tên để khi nào ai quên thì sẽ lấy ra dùng. Nên cờ đỏ hầu như cũng không trừ được điểm nào của lớp A5. Về mặt giành cờ thi đua thì khỏi phải nói, A5 luôn là top 1 top 2. Còn đứng thấp hơn? Bạn cứ chờ đó mà chịu sự “hành hạ” về mặt tinh thần của Trần Hạ Nghi.

Giờ kỹ thuật là môn phụ, thầy phụ trách cũng là thầy dạy vật lý, vậy nên thầy chỉ qua loa vài miếng cho có. Điều đáng buồn là ngày xưa có rất nhiều môn không thực tế như vậy nhưng vẫn phải tốn thời gian để học.

Trần Văn Minh chọc lưng Châu Đức Bá nói:

“E ku, chiều rãnh không đi bơi!”

“Ở đâu?”

“Chỗ cũ”

“…”

Châu Đức Bá hết nói nổi với chính mình. Trong đầu Châu Đức Bá hét lên: “Chỗ cũ là chỗ nào???”. Dẫu vậy anh vẫn từ tốn nói:

“Suối Tre hay Suối Đá?”

“Gì? Mày còn dám bơi ở suối Đá nữa hả? Lần trước bị dí đánh chưa tởn?”

Lúc này thì một chút kỉ niệm mới ùa về trong đầu Châu Đức Bá. Kiếp trước có đợt nguyên đám đi bơi và câu cá trộm ở suối Đá bị chủ phát hiện dí chạy mấy cây số.

“Được rồi, vậy suối Tre?”

“Ừ, chiều tao qua rước.”

Lúc này một ánh mắt đầy bất thiện nhìn xuống đúng vào lúc 2 người đang nói chuyện. Lê Thảo Nguyên ung dung ghi xuống một dòng trong cuốn sổ theo dõi của mình:

Bá nói chuyện riêng với Minh, thứ 3 tiết 1…

Nếu mà biết được mấy chuyện này, Châu Đức Bá chắc là sẽ tủm tỉm cười mà thốt lên:

“Thật là trẻ con quá đi”