Từ Xảo Xảo tiếp tục giải thích:
“Những công việc gian khổ đó đều những công việc thời vụ, tiền lương 20 tệ một tháng còn không đủ tiền xe qua lại. Nhưng đến những công việc này nếu không có quan hệ cũng không thể đoạt được, rất nhiều người còn phải tặng quà nhờ vả người ta. Công việc này chỉ đàn ông mới có thể làm, phụ nữ thì vô dụng, hiện tại những nữ thanh niên trí thức về thành phố còn không làm được công việc quét đường.”
“Mấy ngày trước báo chí có đăng, cậu không đọc được tin tức sao, hiện tại có một vài thanh niên trí thức bán nước trà ở trước cửa cố cung. Nếu không phải đến đường cùng, ai sẽ làm loại chuyện này? Làm vậy chẳng phải để bạn bè và họ hàng biết bản thân không có bản lĩnh, đã đến đường cùng rồi hay sao?”
Những lời của Từ Xảo Xảo khiến Úy Nam thêm trầm mặc.
Thật ra cô cũng biết những việc này, chỉ là cảm thấy không liên quan đến bản thân mình nên xem nhẹ.
Ở hiện đại, ba mẹ cô đều là giáo sư đại học, ba cô dạy chuyên ngành lịch sử còn mẹ là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.
Mặc dù cô học ngành Trung văn, nhưng từ nhỏ ba thường rất thích lảm nhảm vào tai cô và em trai, mỗi lúc rãnh rỗi còn thường đàm luận về những chuyện xảy ra trong quá khứ và hiện tại.
Năm nghìn năm lịch sử, mặc dù Úy Nam không thể nói bản thân có thể ghi nhớ hết tất cả, nhưng những niên đại xảy ra biến cố lớn thì không thành vấn đề.
Cô nhớ rõ những sự việc xảy ra khi thanh niên trí thức trở về thành phố.
Cũng có ấn tượng với chuyện thanh niên trí thức về thành phố phải đến trước cửa cố cung bán nước trà mà Từ Xảo Xảo đã nói.
Thậm chí cô cũng từng xem qua những bức ảnh có liên quan. Tuy nhiên, cảm giác khi xem ảnh chụp, nghe giảng về lịch sử và tự thân trải nghiệm có sự chênh lệch rất lớn.
Chỉ cần nghĩ đến bản thân không tìm được việc làm, dù chỉ là công việc thời vụ, tâm trạng Úy Nam như chìm vào đáy cốc.
Nhìn thấy cô như vậy, Từ Xảo Xảo cũng cảm thấy khó chịu.
Cô ấy ngập ngừng hỏi: “Cậu hỏi lại ba mẹ cậu xem họ có thể giúp cậu tìm một công việc ở nhà máy dệt hay không? Nói thế nào thì bọn họ cũng là nhân viên cũ ở nhà máy, nếu suy nghĩ thì nhất định sẽ có đường ra. Bọn họ cũng không đến mức sẽ bỏ mặc cậu đúng không?”
Lúc này Úy Nam mới nhớ ra Từ Xảo Xảo vẫn chưa biết những chuyện đã xảy ra ở Úy gia.
“Ba mẹ tớ đều đã qua đời, đến khi tớ trở về mới biết được… Tớ còn náo loạn ở nhà máy một trận, người ta còn ngại tớ phiền phức, nào có chuyện sẽ sắp xếp công việc cho tớ. Căn bản là không thể nào.”
Sau khi nghe hết câu chuyện của Úy Nam, Từ Xảo Xảo ngây ngẩn cả người, mãi một lúc sau vẫn không đáp lại.
Cô ấy nhìn Úy Nam không chớp mắt, sau đó mới thốt ra một câu: “Tiểu Nam, cậu đã trưởng thành thật rồi!”
Ánh mắt của Từ Xảo Xảo lộ vẻ tán thưởng xen lẫn đau lòng, đồng thời còn có sự thương tiếc không thể nào che giấu được.
Cô ấy vươn tay ôm lấy Úy Nam rồi nói:
“Tiểu Nam, cậu đừng suy nghĩ quá nhiều, việc này cậu làm rất đúng. Dù là tớ thì cũng chưa chắc đã có thể giải quyết việc này tốt như cậu! Tớ rất vui vì cậu có thể vùng lên, suy tính cho tương lai của bản thân!”
Từ Xảo Xảo lớn hơn Úy Nam hai tuổi.
Mặc dù cô ấy luôn oán giận ba mẹ Úy Nam không phải là người, ném Úy Nam xuống nông thôn khi cô mới 14 tuổi, nhưng thật ra thời điểm Từ Xảo Xảo xuống nông thôn lao động cũng chỉ mới 16 tuổi.
Hai thiếu nữ chưa trưởng thành luôn giúp đỡ, nương tựa lẫn nhau, cố gắng tồn tại trong hoàn cảnh gian khổ đó suốt 5 năm.
Trong lòng Từ Xảo Xảo, tình cảm của cô ấy với Úy Nam thậm chí còn vượt xa hai đứa em trai em gái trong nhà.