Hoài Lan ngồi xuống bên cạnh dì Năm, vòng tay qua người dì, ôm lấy dì, nhưng cánh tay của cô không thể chạm vào người dì, cô gục ngã sang bên cạnh, tiếp tục òa khóc. Cô nói với dì Năm:
“Con không tự tử mà dì... Con muốn được ở bên cạnh dì, muốn chăm sóc dì lắm. Dì đừng khóc nữa... Con xin dì đừng khóc nữa...”
Hồ Điệp đau lòng nhìn Hoài Lan. Anh không thể đưa tay an ủi cô như khi chỉ có hai người, chỉ đành thay cô dỗ dành dì Năm, mong sao dì không quá thương tâm nữa, dù sao dì Năm cũng đang bệnh.
Dì Năm khóc đến sưng mắt, rồi ngất lịm đi trong vòng tay Hồ Điệp. Thằng Đăng nhanh chân nhanh tay bồng dì Năm vào buồng ngủ. Nó nói với điệp rằng dì không sao. Cả ngày hôm nay dì đã ngất cả thẩy bốn lần do quá đau buồn vì cái chết của Lan, còn bệnh thì đã khỏi từ hôm trước. Nó nghĩ nên để dì Năm ngủ một chút tốt hơn.
Hồ Điệp và Đăng ngồi ngoài hiên cùng nhau nhậu một bửa (dĩ nhiên Hoài Lan cũng ngồi cạnh Điệp). Hai người không nói gì cả, chỉ cạn chén và uống từ chai này qua chai khác. Khuôn mặt họ đỏ lừ, đã ngà ngà say. Nguyệt phải tới giật mạnh chai rượu và không cho họ tiếp tục uống mới ngăn được hai thằng ngưng uống (hai tên này thân với nhau từ hồi nào mà Hoài Lan không biết). Nhưng Điệp hứa chỉ uống thêm một chai nữa thôi, vì tâm trạng cả hai đều buồn, nên Nguyệt mới tránh đi nơi khác. Có lẽ con bé cũng biết hai người họ cũng trải qua đau khổ như mình.
Đăng khó lắm mới không cho phép mình buồn phiền quá lộ liễu. Nhưng vì rượu vào lời ra mà bắt đầu nói lung tung:
"Nó đã chết thật rồi. Mà lời đồn đang giết chết nó lần nữa. Dù thường ngày nó không nói đến, nhưng không có nghĩa nó không biết buồn. Đã chết thảm rồi, lại còn quy cho cái lý do trời ơi đất hỡi. Cái gì mà nó cặp kề với đại gia Bình Dương, rồi bị vợ tạt axit, rồi nhục nhã nên treo cổ mình chết cơ chứ."
Hồ Điệp thở dài. Thằng Đăng đã nằm xuống sàn nhìn lên bóng trăng khuyết mờ trên cao, chỉ chưa bật khóc mà thôi. Nghe trong giọng có chút tức giận cùng thất vọng:
“Mày cũng cho rằng nó tự tử, đúng không?”
Bất chợt Hồ Điệp nhớ ra chuyện gì đó sai sai. Hoài Lan rõ ràng bị đâm chết, sao lại có chuyện treo cổ ở đây? Nó vồ lấy vai của Đăng và hỏi:
“Lan treo cổ mà chết hả?”
“Mày nghe má tao nói hồi nảy rồi mà. Lan treo cổ chết, nó còn tự rạch nát mặt của mình, dùng máu đó viết huyết thư.”
Hồ Điệp và Hoài Lan nhìn nhau đầy hốt hoảng, câu chuyện hư cấu mà Đăng vừa kể đâu thể nào là sự thật? Cô đâu có tự tử bằng dây thừng. Điệp quên luôn mình đang uống rượu với Đăng, chỉ chăm chăm nhìn Hoài Lan còn nói với cô:
“Chuyện này là thế nào chứ? Nếu xác định cái chết của bà do treo cổ, thì vết thương bị đâm không lẽ tự động biến mất? Hay hung thủ dàn dừng hiện trường thành một vụ tự tử bằng cách treo cổ? Khá lằng nhằng đúng không? Tụi nó có thể đặt con dao ngay cạnh xác của bà, in hằn dấu vân tay của bà lên trên đó là được. Sao phải treo bà lên cho mất thời gian?”
Hoài Lan cũng hoài nghi chuyện này. Không lẽ công an không quan tâm đến vết thương do dao đâm, mà chỉ khư khư tin vào chuyện cô treo cổ tự tử ư.
Hoài Lan nói:
“Ông hỏi thằng Đăng coi. Nếu mọi người đi nhận xác của tui thì họ sẽ biết chuyện gì xảy ra mà.”
Hồ Điệp gật đầu rồi quay sang hỏi Đăng:
“Mày kể chi tiết cho tao nghe coi, từ chuyện phát hiện xác của Hoài Lan trước đi.”
Đăng thấy Điệp đang nhìn vào khoảng không nào đó, tự nói chuyện một mình, rồi mới quay sang hỏi mình thì tỉnh rượu hẳn. Hình như nó đang nói chuyện với ai đó nghe như thể đang nói với Hoài Lan. Trái tim của Đăng đập rộn ràng, không hiểu lý do vì sao lại trở nên vừa mơ hồ vừa vui mừng như thế này.
Đăng biết về lời đồn thằng Điệp có thể nhìn thấy ma. Sau cái lần nó nhảy xuống mương cứu chú út của nó không thành, mà nó còn suýt nữa mất mạng, thì nó rất khác người. Nó có thể trò chuyện với ai đó vô hình, nói một cách khác là hồn ma.
Trong khi những người khác sợ khi phải tiếp xúc với nó (trong đó có cả Hoài Lan), thì Đăng không mấy quan tâm chuyện đó. Đăng không tin chuyện ma quỷ có tồn tại. Đăng cho rằng Điệp chỉ vì tâm lý mất đi người thân, tâm lý không cứu được chú út của nó nên nó mới trở nên “điên” như thế. Có thể nó bị tâm thần phân liệt, tự tưởng tượng mình nhìn thấy được hồn ma.
Nhưng một việc khác đã xảy ra khiến cho Đăng tin rằng: Điệp nhìn thấy ma là sự thật, nó còn có thể trò chuyện với họ. Mỗi tuần vào ngày chủ nhật, Đăng luôn cùng nhóm trai làng rũ nhau đá bóng giải trí, dĩ nhiên đã rũ luôn cả Điệp, nhưng nó từ chối. Nó không thích bị người ta chỉ trỏ và nhìn như đang một con vật kì dị được người ta nhốt trong sở thú. Đăng thông cảm cho nó và không rũ nó đi theo nữa.
Vậy mà có một hôm chủ nhật, Đăng thấy Điệp tự mình đi đến sân bóng đá. Đăng còn tưởng nó muốn chơi cùng, nhưng không, nó lại đi cùng chú Nghĩa, hình như có vụ án xảy ra tại sân bóng. Đăng vẫn còn nhớ như in bộ mặt khiếp đảm của chú Nghĩa khi Điệp chỉ tay vào phòng vệ sinh được đóng cửa kín mít, bên trong có một thi thể của cô gái.
Chú Nghĩa lập tức vào cuộc điều tra vụ án này. Đăng cũng tò mò ở lại xem như thế nào. Nó chỉ kịp nhìn thấy xác chết là một cô gái trẻ, có nhiều vết thương trên miệng và khắp cơ thể, quần áo xộc xệch, còn chưa thấy gì nữa đã bị chú Nghĩa đuổi ra ngoài. Nó tính làm nư chú cho nó xem tra án ra sao, dù sao Điệp cũng được cho phép, nhưng chú Nghĩa chỉ lạnh nhạt nói:
“Điệp là nhân chứng nên được phép ở lại.”
Chú Nghĩa gọi thêm rất nhiều người tới, một số người không có phận sự không được tới gần hiện trường vụ án (ngoại trừ Điệp, nó đứng ngang hàng với chú Nghĩa, còn nói gì đó mà Đăng không nghe rõ). Chỉ ba phút sau, chú Nghĩa ra lệnh cho cấp dưới phong tỏa sân bóng đá, không cho phép bất cứ ai di chuyển khỏi nơi này.
Điệp khi ấy chỉ mới là học sinh cấp ba, nhưng lại được chú Nghĩa giữ lại tra án. Đăng rất hâm mộ nó, đối với những chuyện kì lạ xung quanh nó, Đăng cũng chẳng hơi đâu bận tâm nữa. Thằng này chỉ tò mò thủ phạm giết cô gái ấy là ai thôi.
Chú Nghĩa cho cấp dưới thẩm vấn từng người, những người tham gia mướn sân bóng trong hôm nay. Hình như chú nghi ngờ trong số những người tham gia đá bóng là hung thủ. Còn Điệp cũng đi theo xem mặt từng tên một, làm như chính nó mới là người biết mặt hung thủ chứ không phải cố gái đã chết.
Cuối cùng, chú Nghĩa bắt được ba thanh niên (thằng Điệp đã chỉ đúng mặt tụi nó), những tên đã hành hạ cô gái đến chết. Tụi nó ban đầu giãy giụa kêu oan, cho đến khi phát hiện trong túi một tên chiếc kẹp tóc của nạn nhân mà tên này chưa kịp bỏ đi, mới quỳ xuống thú tội.
Ba người thay phiên kể lại mọi chuyện. Rằng chúng chỉ muốn chọc ghẹo cô gái – tên Tâm, muốn cô chọn một trong ba người hẹn hò vui vẻ. Nhưng cô gái không những không chịu mà còn buông ra nhiều lời xúc phạm chúng khiến chúng tức giận mới đánh đập cô, một trong ba còn giở trò đồi bại với cô gái khiến cô gái chết trong đau đớn và tủi nhục. Chúng đã định giả vờ đá xong trận bóng, rồi chuồn một cách êm thấm, ai mà ngờ chú Nghĩa đến phát hiện cái xác sớm thế.
Vụ án kết thúc chỉ trong ba mươi phút, mà người có công lớn nhất là Hồ Điệp. Nó chính là người phát hiện ra xác chết, cũng chính nó chỉ điểm đúng cả ba tên kia là hung thủ. Nó làm sao tự mình biết hết mọi chuyện một cách thần kì như thế.
Đăng quyết định theo chân Hồ Điệp, định bụng sẽ hỏi nó bí quyết tra ra vụ án là gì. Nhưng chuyện mà Đăng nhìn thấy đã thay đổi tất cả. Đăng nhìn thấy Điệp đang nói chuyện với ai đó, mặc dù nó chỉ đi một mình.
Điệp nói:
“Em đã nói với chú Nghĩa đưa xác chị về với ba mẹ của chị. Hy vọng ở kiếp sau chị có thể sống tốt hơn. Hung thủ sẽ bị trừng trị, chị cứ an tâm rồi yên nghỉ đi.”
Đăng nhìn vào khoảng không mà Điệp đang nói, chẳng thấy ai cả. Đăng cũng chẳng ngu ngốc đến mức không nhận thấy điều gì ở đây. Điệp có thể nhìn thấy linh hồn người đã chết, nhờ vậy mà nó phát hiện ra xác chết của cô gái, cũng chỉ điểm đúng mặt của hung thủ mà Đăng biết người chỉ điểm là linh hồn của cô gái chết oan kia.
Đăng từng nghe một vài chuyện tâm linh liên quan đến linh hồn chết oan. Họ sẽ không thể siêu thoát, họ sẽ vất vưởng chốn hồng trần và trở thành quỷ. Điệp đang giúp hồn ma siêu thoát bằng cách giúp họ hoàn thành tâm nguyện của mình.
Kể từ khí đó, Đăng trở thành bạn thân của Điệp. Bởi vì nó thấy nét đẹp tâm hồn của Điệp, một người xứng đáng có một người bạn chân chính và nó sẽ là người như vậy. Nó sẽ ở bên cạnh Điệp và kề vai sát cánh cùng thằng ấy phá án, dù rằng sau khi lên đại học thì hai người rất ít khi gặp được nhau, mà nó cũng chẳng có cơ hội giúp người ta phá được vụ án nào cả.
Giờ đây, Đăng lại một lần nữa nhìn thấy Điệp nói chuyện với không khí, mà người này rất có thể là hồn ma của Hoài Lan. Hai người đang nói gì đó liên quan đến cái chết của cô ấy. Nó là bạn thân của Lan, nó cũng có quyền được biết mọi chuyện.
Thế là Đăng trả lời câu hỏi của Điệp:
“Hai ngày trước, xác của Lan được tìm thấy trong buồng vệ sinh nữ ở trạm dừng chân Thiên Phúc. Họ tìm thấy vật dụng cá nhân của nó, thấy cả bức thư tuyệt mệnh mà nó viết bằng máu, rằng nó không muốn sống nữa.”
Hồ Điệp lập tức hỏi thêm:
“Không có vết thương nào khác sao? Cụ thể là ở bụng? Cô ấy viết thư tuyệt mệnh bằng cái gì?”
Đăng kiên nhẫn trả lời:
“Trên bụng không có vết thương nào cả. Vết thương duy nhất là trên mặt. Khuôn mặt bị rạch nát, nhớ không? Nó dùng máu trên mặt viết huyết thư.”
Hoài Lan khó hiểu nhìn Hồ Điệp, ngay cả chính cô cũng đang nghi ngờ trí nhớ của mình. Liệu cô có nhớ đúng hay không? Liệu cô bị giết hay là đã tự tử như những gì mọi người nói. Nếu không làm sao xác chết của cô lại không có vết đâm ở bụng?
Hồ Điệp liếc nhìn Hoài Lan (hành động nay không qua mặt nổi thăng Đăng đang nhìn chằm chằm). Anh chàng Điệp quay sang nói với Đăng, giọng hơi khàn khàn lẫn chút mong chờ:
“Làm sao mày biết đó là xác của Lan hả? Khuôn mặt rách nát, không nhận ra ai cả thì làm sao chắc chắn đó là cổ?”
Hoài Lan gật đầu phụ họa câu hỏi của Điệp. Nhưng Đăng lại nói:
“Vòng tay đó là hồi môn của ba mẹ Lan. Không ai có thể sao chép chiếc vòng ấy được, bên trong còn khắt chữ là tên ba má nó nữa. Với lại, trên xe lúc đó chỉ có nó là người đi vệ sinh thôi. Lơ xe chờ đợi quá lâu không thấy nó trở lại, nên nhờ một cô đi cùng chuyến xe vào trong nhà vệ sinh kêu nó. Ai ngờ người này phát hiện ra nó đã chết. Họ mở ví ra mới thấy chứng minh nhân dân của nó.”