Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Bài văn Cảm Ứng Thiên không dài, tổng cộng chỉ có hơn một ngàn chữ. Sách Vựng Biên đã chia bài văn này thành 124 đoạn nhỏ. Có một số đoạn chỉ có một hai câu, đoạn cuối cùng tương đối dài, có đến mấy câu. Về sau, chúng tôi in lại bản này, cũng không ngần ngại mà y theo cách chia đoạn của Vựng Biên, chia như vậy khi đọc tụng, giảng giải đều rất tiện lợi.
Hôm nay chúng ta xem đoạn thứ mười một: “Lại có thần Tam Thi ở trong thân người, mỗi khi đến ngày Canh Thân liền lên chốn thiên tào, tâu tội lỗi của con người.” Người trẻ tuổi hiện nay, không những là người trẻ tuổi, mà những người trung niên cũng vậy, nghe thấy những lời này luôn cho là mê tín. Dùng hai chữ “mê tín” thì đã phủ định hết sạch những sự thật này rồi, quả báo của họ sẽ không thể tưởng tượng. Trong mắt của người sáng suốt, đó là một việc vô cùng đáng thương xót. Kinh nghiệm của cổ Thánh tiên Hiền tích lũy hàng ngàn năm. Khoa học kỹ thuật hiện đại, lịch sử của nó rất ngắn, vẫn chưa đầy 300 năm, và khoa học kỹ thuật hiện nay vẫn đang không ngừng phát triển, họ đã biết có các tầng không gian khác nhau rồi, nhưng không thể đột phá. Giả như khoa học kỹ thuật phát triển mạnh hơn nữa, một ngày nào đó có năng lực đột phá được các tầng không gian thì có thể nhìn thấy được tình trạng của những quỷ thần, tình trạng của lục đạo.
Hiện nay ở phương Tây, tôi từng sống ở Mỹ và Canada một thời gian dài, ở bên đó thịnh hành thuật thôi miên, người ta dùng cách thức thôi miên khiến cho người bị thôi miên nói ra đời trước của họ, chuyện quá khứ của họ. Những tư liệu này khá phong phú, sách báo xuất bản cũng ngày càng nhiều. Họ đã chứng minh quả thật là có sự tồn tại của lục đạo luân hồi. Thế nhưng những sự việc về sự giám sát của quỷ thần đối với nhân gian thì thuật thôi miên không nhìn thấy được, cũng không có cách gì hiểu được những chân tướng sự thật này. Từ trong giáo huấn của chư Phật Bồ-tát, cổ Thánh tiên Hiền, chúng ta biết được người sống ở đời khởi tâm động niệm, từng li từng tí đều có quỷ thần đang ở đó nhìn thấy.
Thần Tam Thi, trong Phật pháp thì nói là có hai vị thần là Đồng Sanh và Đồng Danh, thường ở trên hai vai của con người, không hề rời khỏi. Thần Tam Thi trú ở trong nội tạng của chúng ta, điều này thật là không thể nghĩ bàn. Chúng tôi đã từng xem băng video “Lời tiên tri cổ xưa” từ Mỹ đem về, trong băng video “Lời tiên tri cổ xưa” nói có một người có một năng lực đặc biệt là khám bệnh giúp người. Bệnh nhân không ở trước mặt cũng không sao cả, cách xa ông mấy chục dặm, mấy trăm dặm cũng không sao, chỉ cần nói cho ông biết họ tên, địa chỉ của người đó là ông có thể khám bệnh. Ông đến đâu để khám vậy? Ông vào bên trong lục phủ, ngũ tạng của người đó để khám. Ông có thể đi vào trong nội tạng người, nhìn thấy tim, gan, lá lách, phổi chỗ nào không bình thường là ông nói ra, bên cạnh có người ghi lại cho ông. Băng video đó các vị đều xem rồi, Thần Tam Thi chính là thuộc về loại này.
Chúng ta thấy ở trong chú giải, Thần Tam Thi này giống như là ba chị em ở trên thân người. Thần Thượng Thi ở trong đầu người, họ có thể khiến con người nghĩ tưởng lung tung, có thể khiến người mắt mờ tóc rụng. Thần Trung Thi ở trong ruột và dạ dày người, họ khiến bạn ham ăn, khiến bạn hay quên, khiến bạn làm chuyện xấu. Thần Hạ Thi trú ở trong hai chân người, khiến cho bạn háo sắc, tham lam, hiếu sát. Thần Tam Thi mong bạn chết cho thật sớm, sau khi bạn chết rồi, họ sẽ thoát ra biến thành quỷ, quỷ mới nhận phẩm vật huyết thực mà người ta cúng tế.
Cho nên nói một người khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, người nào hiểu rõ về bạn nhất vậy? Là thần Tam Thi. Thần Tam Thi là người vô cùng hiểu rõ, ở trong thân người, mỗi khi đến ngày Canh Thân. Một vòng Giáp Tý có một ngày Canh Thân. Trung Quốc thời xưa ghi ngày tháng năm đều dùng lịch Giáp Tý. Các bạn hiện nay chấm Tử Vi, xếp Bát Tự thì biết, cứ sáu mươi năm là một vòng Giáp Tý. Tháng cũng xếp theo vòng Giáp Tý, hai tháng là một vòng Giáp Tý, cho nên ở trong sáu mươi ngày sẽ có một ngày là Canh Thân. Vào ngày này, thần Tam Thi sẽ đi báo cáo “Thướng nghệ Thiên tào”, “Thiên tào” phần lớn là chỉ Tứ Thiên Vương và Đao Lợi Thiên. Họ đến chỗ Tứ Vương Thiên và Đao Lợi Thiên để báo cáo. Các vị phải biết là sự việc này bất kể là bạn có tin hay không, không phải nói tin thì có, không tin thì không có. Nếu như không tin mà không có thì các bậc Thánh Hiền nói những lời này với chúng ta chẳng phải là gây phiền phức cho chúng ta sao? Như vậy thì sao không có lỗi với người? Không tin cũng có như vậy, người Trung Quốc có, người nước ngoài cũng có như vậy, không có người nào có thể tránh được.
Tạo tất cả tội nghiệp mà vẫn chưa gặp ác báo, là nguyên nhân gì vậy? Do trong đời quá khứ bạn tạo phước quá lớn, trong đời này tạo tội nghiệp đương nhiên là tổn phước, sau khi tổn phước bạn vẫn còn nhiều dư phước nên bạn vẫn đang hưởng phước, là đạo lý như vậy. Nếu như đời này bạn hiểu rõ đạo lý này, đoạn ác tu thiện thì phước báo của bạn sẽ thù thắng hơn, đời đời kiếp kiếp hưởng không hết, đây đều là lời chân thật. Cho nên con người vì sao cứ phải tạo tội nghiệp?
Người xưa cũng có cách nói khác, nói thần Tam Thi chính là ba hồn phách của một con người. Chúng ta thường nói “ba hồn bảy vía” là cách nói của người Trung Quốc thời xưa. Đạo gia có cách nói: “Do phách mà có tinh, do tinh mà có hồn, do hồn mà có thần. Do thần mà có ý, do ý mà có phách”. Cách nói về nguồn gốc của hồn phách của họ là như vậy. Cho nên họ nói Thánh nhân đối với hết thảy cảnh giới không dùng tâm vọng tưởng mà dùng chân tâm. Thế nào gọi là chân tâm? Cái tâm không có vọng niệm. Dùng cái tâm này đối với cảnh giới bên ngoài là thuần thiện. Ai biết dùng loại tâm này vậy? Nói lời thành thật, chỉ có Phật Bồ-tát và người thật sự giác ngộ. Trong Kinh Thanh Tịnh của Đạo giáo nói: “Nhân thần ưa thanh tịnh”, nhưng tâm vọng tưởng, phiền não của chúng ta làm nhiễu loạn sự thanh tịnh rồi. Tâm xưa nay vốn là thanh tịnh, dục vọng làm dao động tâm thanh tịnh rồi. Cho nên tâm của bạn không thanh, không tịnh. Tâm không thanh, không tịnh là phàm phu. Từ đó cho thấy chúng ta cần phải hồi phục tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chính là tự tánh, tâm thanh tịnh chính là chân tâm. Hồi phục về tâm thanh tịnh thì có thể dùng tâm thanh tịnh mà đối nhân xử thế tiếp vật, người này chính là Phật Bồ-tát.
Chúng ta từ trong kinh điển cần phải lĩnh hội được ý nghĩa này: Mục đích cao nhất của học Phật chính là chuyển phàm thành Thánh. Nhà Phật thường nói giáo dục của Phật dạy người ba sự chuyển biến, thứ nhất là chuyển ác thành thiện, thứ hai là chuyển mê thành ngộ, thứ ba là chuyển phàm thành Thánh. Bạn phải biết bắt đầu chuyển từ đâu. Tâm của chúng ta vốn dĩ là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ, từ bi. Hiện nay năm điều này thảy đều không còn nữa. Hiện nay biến thành hư ngụy, biến thành nhiễm ô, biến thành kiêu mạn, biến thành ngu si, biến thành tự tư tự lợi. Chúng ta thử nghĩ xem có phải là như vậy hay không? Bản thân như vậy, nhìn lại xung quanh người khác cũng như vậy. Cho nên thế gian này mới có kiếp nạn, mới có thiên tai nhân họa. Chúng ta hiện nay sống trên bờ vực của tai nạn lớn này, nói không chừng sẽ rất nhanh chóng gặp phải. Làm thế nào để cứu vãn? Làm thế nào để tránh khỏi?
Quan niệm tránh hung tìm kiết này, xưa nay trong ngoài nước tất cả chúng sanh người người đều có, người người đều muốn, nhưng tránh hung tìm kiết như thế nào thì không ai biết. Ở nơi này có tai nạn, chúng ta tìm một nơi khác để di dân đến có được không? Không chắc. Ngạn ngữ nói là: “Chạy trời không khỏi nắng”, bạn đã ở trong cái số kiếp này, dù bạn trốn đến nơi nào cũng đều vô ích, bạn vẫn là phải chịu kiếp nạn này, đây là đạo lý nhất định, là chân lý.
Phải làm thế nào mới có thể tránh khỏi? Nhất định phải làm một cuộc chuyển đổi từ trong tâm địa, đây là chích xác. khu vực này gặp nạn rồi, bạn vẫn có thể tránh khỏi, đây là nhà Phật nói ở trong cộng nghiệp có biệt nghiệp, biệt nghiệp là không cộng nghiệp. Chúng ta làm sao để hồi phục tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của mình? Tôi nói năm điều này (chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ và từ bi), chỉ cần hồi phục một điều, thì bốn điều khác đều hồi phục cả, bất kỳ một điều nào cũng đầy đủ bốn điều khác. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Một tức là tất cả, tất cả tức là một”, chúng ta làm một cuộc chuyển đổi từ chỗ này, nhất định phải đoạn, phải buông bỏ, bắt tay làm từ căn bản. Buông xả ái dục, buông xả thị dục, thị dục nghĩa là tham đắm ưa thích, những thứ mà trong tâm ưa thích. Xa lìa danh văn lợi dưỡng, xa lìa ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy, làm như vậy mới có thể tiêu tai miễn nạn. Nếu bạn không buông xả được ái dục, thị dục thì bất luận lẩn trốn đến nơi nào trong thế gian này, bạn cũng không tránh khỏi kiếp nạn được. Chúng ta phải biết cái đạo lý này.
Kinh Phật thường nói: “Dùng kiếm trí huệ phá giặc phiền não, dùng dao trí huệ cắt lưới phiền não, dùng lửa trí huệ đốt củi phiền não.” Đây là Phật thường nói trong kinh luận Đại Tiểu thừa, đặc biệt là Phật nói rất nhiều trong kinh luận Đại thừa. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy chúng ta làm sao chuyển đổi. Nói đến đạo lý phương pháp chuyển đổi thì rất nhiều nhưng không đâu bằng Kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm phân lượng lớn cho nên nói rất tường tận, lặp lại không ngừng, để chúng ta có cơ hội huân tu trong thời gian dài, điểm này vô cùng quan trọng.
Chúng ta ngày nay học Phật lâu như vậy rồi, vì sao không có được hiệu quả? Nói thực ra là vì thời gian huân tu không đủ, tập khí phiền não của chúng ta quá nặng, ý niệm của chúng ta quá ác, chúng ta khẩu thiện, hành thiện mà ý bất thiện. Ý bất thiện thì tâm thiện, khẩu thiện đều không thiết thực, cho nên công phu không đắc lực, không thể tránh khỏi kiếp nạn, đạo lý là ở chỗ này. Cần phải làm một cuộc chuyển đổi thật sự, chỗ mấu chốt của chuyển đổi thật sự là thâm nhập kinh tạng. Thâm nhập kinh tạng nói thì nghe dễ dàng, ngày nay mọi người không đọc sách xưa nữa, không những không đọc sách xưa mà cũng không muốn đọc sách, nhìn thấy sách là chán ngán rồi, vậy thì sao được chứ!
Hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta có thể triệt để sử dụng công cụ hiện đại, băng ghi hình, băng ghi âm. Các vị thử suy nghĩ, cổ nhân trước đây, mấy ngàn năm trước, mấy vạn năm trước, tại vì sao họ khắc những văn hiến quan trọng này lên đá. Chúng ta hiện nay hiểu rõ, trước đây khoa học kỹ thuật cũng phát triển như vậy, có thể phát triển còn cao hơn so với chúng ta hiện nay, nhưng chỉ cần một trận hủy diệt lớn thì thảy đều tiêu hết, chỉ có đá là tồn tại. Với khoa học kỹ thuật của chúng ta hiện nay, chúng ta thường nói đến VCD, CD có thể lưu giữ được 200 trăm năm. Thật sự có thể bảo tồn được 200 năm hay không? Một ngày nào đó thế gian này của chúng ta hoàn toàn không còn điện nữa thì những thứ này thảy đều như không tồn tại rồi. Cho nên nó không bằng sách vở, sách vở có thể lưu trữ. Nhưng mà bảo tồn sách vở cũng có giới hạn, sau mấy trăm năm giấy trong sách sẽ biến thành tro bụi, sách cũng không còn nữa. Cho nên tổ tiên xưa kia của Trung Quốc đem kinh Phật khắc vào trong đá, có thể truyền lại đời sau vĩnh cửu. Chúng ta hãy đến Phòng Sơn, Bắc Kinh xem thử thạch kinh, đây mới là trí tuệ chân thực, mọi thứ mới có thể thật sự bảo tồn được dài lâu. Khi khoa học kỹ thuật bị hủy diệt, chúng ta mới thể nghiệm được cái gì là trí tuệ chân thực. Hiện nay có những công cụ này, phải cấp tốc sử dụng, không nên nghĩ là không sao, cái này tôi có thể lưu trữ được 200 năm, hôm nay không nghe thì ngày mai nghe, ngày mai không có thời gian nghe thì ngày mốt còn có thời gian, cứ từ từ vậy. Đến ngày kia, mạng không còn, bạn còn nghe được cái gì chứ? Phải hiểu được những đạo lý này.
Các vị đồng học.
Hôm qua giảng đến thần Tam Thi, nói rõ bất kỳ một chúng sanh nào, không chỉ là loài người mà súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục hết thảy đều ở trong đó, khởi tâm động niệm, nhất cử nhất động, đều có thiên địa thần linh giám sát. Người hiện nay xem sự việc này là mê tín, hoàn toàn bỏ mặc làm ngơ. Hơn nữa, còn có một số người có cách nói sai lầm, nói những sự việc này tin thì có, không tin thì không có. Những quan niệm, cách nói này đều là sai lầm, bất luận là bạn tin hay là không tin thì sự thật vẫn cứ tồn tại, chúng ta nhất định phải biết cái đạo lý này.
Người thời xưa, đặc biệt là người có học, người có đọc sách thì rõ lý, đều tin sâu không nghi lời giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền. Giáo huấn của Phật pháp càng cao minh hơn, Phật Bồ-tát dạy bảo, không những dạy chúng ta phải tin mà còn dạy chúng ta chứng minh, gọi là tín, giải, hành, chứng. Phật muốn chúng ta chứng thực cái đạo lý này, chứng thực những chân tướng sự thật này, đây gọi là chứng quả. Loại phương pháp dạy học này quả thật là hợp tình, hợp lý, hợp pháp, là một nền giáo dục cứu cánh viên mãn chân thật. Nhà Phật nói về lục đạo luân hồi, những lý luận này nếu nói tỉ mỉ là mười hai nhân duyên, nói sơ lược là hoặc, nghiệp, khổ; mê hoặc, tạo nghiệp, thọ báo. Chúng sanh trong lục đạo vĩnh viễn bị cái sức mạnh này chi phối, vĩnh viễn bị cái nghiệp lực này làm chủ tể khiến cho luân hồi. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi lục đạo luân hồi, phương pháp duy nhất là không tạo nghiệp, không mê hoặc. Không mê hoặc mới không tạo nghiệp.
Cho nên phá mê khai ngộ là vô cùng quan trọng. Tại sao tạo nghiệp vậy? Vì mê. Mê là không hiểu rõ về chân tướng sự thật, không giác ngộ. Duy Thức tông nói, “hoặc” là bao gồm tướng trí, tướng tương tục. Cái trí này không phải là trí huệ, cái trí này là phân biệt, trong Phật pháp thường nói là thế trí biện thông, không phải trí huệ chân thực. Trí huệ chân thực là từ trong giới, định sinh ra. Cho nên chúng ta biết rằng, tâm không thanh tịnh, tâm không định thì không có trí huệ.
Thế gian có rất nhiều phần tử trí thức cao cấp, nhà khoa học, nhà triết học, nhà tôn giáo, trí tuệ của họ cao hơn rất nhiều lần so với người bình thường. Trong Phật pháp nói họ có trí huệ hay không? Không có. Trí tuệ của họ là thế trí biện thông, không phải trí huệ chân thật. Phật pháp nói tiêu chuẩn của trí huệ là tâm thanh tịnh. Tiêu chuẩn của tâm thanh tịnh là phải lìa kiến tư phiền não, chưa đoạn kiến tư phiền não thì tâm của bạn chưa thanh tịnh. Đoạn kiến tư phiền não rồi thì Phật thừa nhận trí huệ của bạn đã khai mở, nhưng là tiểu trí huệ, không phải là đại trí huệ, trong Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, bạn được xem là Chánh Giác. Chánh Giác là địa vị gì? Là A-la-hán, Bích-chi Phật. Trong kinh thường nói là bạn đã đắc lậu tận thông. Lậu tận thông là gì? Lậu là kiến tư phiền não, đoạn sạch kiến tư phiền não rồi thì bạn đắc lậu tận thông, lúc này mới là Chánh Giác. Nếu chưa đạt được như vậy thì cái giác đó không phải là chánh, trong Phật pháp gọi là tà tri tà kiến. Nói tà tri tà kiến không phải là sỉ nhục người, không phải khinh thường người, mà là nói rõ cái chân tướng sự thật này. Tà ở chỗ nào vậy? Bạn có ngã chấp. Trong Kinh Kim Cang nói bạn có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tri kiến của bạn là bất chánh. Cái đạo lý này không thể không biết. Biết rồi thì tự mình mới hiểu được mình hiện tại là thân phận gì? Trong toàn bộ quá trình tu học Phật pháp, chúng ta hiện tại đang đứng ở địa vị nào, bạn mới biết tinh tấn, mới biết cố gắng. Nếu không biết mình đang đứng ở vị trí nào thì sẽ cho rằng mình rất cao. Trong kinh luận thường nói, được ít cho là đủ. Có được một chút khinh an, một chút thông minh thì cảm thấy mình rất giỏi giang, sẽ làm chướng ngại đạo nghiệp của bạn, bạn đời này không có hy vọng thành tựu rồi!
Việc tu học Phật pháp quan trọng nhất là giải môn, sau khi giải (hiểu rõ) rồi thì hành, công phu mới đắc lực. Chúng ta biết có rất nhiều người rất nỗ lực chăm chỉ tu hành, vì sao công phu cả đời không đắc lực, đến khi già chết thì chết cũng mơ mơ hồ hồ. Chúng ta đã thấy quá nhiều rồi, nghe còn nhiều hơn, cần phải nên có cảnh giác.
Cũng có một số người cả một đời xưa nay chưa từng nghe kinh, không biết chữ, cái gì cũng không biết. Họ học được một câu A Di Đà Phật, họ niệm đến cuối cùng cũng có thể đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, đây là sự việc gì? Nói cho bạn biết, loại người đó có chân trí huệ, họ là tín tâm thanh tịnh.
Trong Kinh Kim Cang nói rất hay: “Tín tâm thanh tịnh, tất sanh thực tướng” (lòng tin thanh tịnh ắt sinh thật tướng). Trước đây lão sư Lý thường nói, loại người này là người ngu, ngu không ai bằng, loại ngu ngốc đó của họ chúng ta lại không sánh bằng họ. Vì sao vậy? Trong tâm họ thanh tịnh, không có nghĩ tưởng lung tung. Họ thật sự buông xả tất cả vạn duyên, họ không cần thiết phải tụng kinh nữa, không cần thiết học cái gì nữa, chỉ với một câu Phật hiệu họ có thể thành vô thượng đạo. Ai có thể sánh bằng họ chứ? Thế pháp, Phật pháp đều xem trọng hai loại người thượng căn thượng trí và hạ ngu. Hai loại người này dễ độ nhất, một loại là người thượng thượng căn, một loại là người hạ hạ căn. Người thượng thượng căn có trí huệ, tâm thanh tịnh, vừa nghe nói thì liền thông đạt, liền hiểu rõ. Người hạ hạ căn tuy ngu si nhưng họ không có vọng tưởng, con người họ thật thà, dạy họ cái gì là họ làm được đến cùng. Hai loại người này hễ gặp được Phật pháp là chắc chắn thành tựu.
Loại người khó độ nhất là ở đoạn giữa, gọi là loại người nửa vời, không trên không dưới, tự cho rằng mình thông minh, tự cho là đúng, tự mình làm chướng ngại cho chính mình, họ đã phạm sai lầm lớn. Chư Phật Bồ-tát giáo hóa chúng sanh chính là lấy những người này làm đối tượng, những người này là khó dạy nhất.
Trong Kinh Địa Tạng nói là: “Cang cường, khó giáo hóa”. Thế Tôn đối với người thượng thượng căn và người hạ ngu, giảng kinh thuyết pháp khoảng mấy giờ là giải quyết rồi, đâu cần phải giảng đến 49 năm. Trong 49 năm hết lòng hết sức là độ những người như chúng ta đây, căn tánh bậc trung là việc phiền phức nhất, thật không dễ dàng độ được, tự cho là thông minh, tự cho là có trí huệ, làm gì biết được đúng là mê hoặc, mê hoặc liền tạo nghiệp rồi.
Quả thật mà nói, Phật đã thị hiện ra tấm gương tốt nhất nhưng chúng ta không nhìn ra, không giác ngộ. Tôi thường ở trong các buổi giảng thảo luận với mọi người về những vấn đề này, chúng ta học Phật phải học Thích-ca Mâu-ni Phật, đời sống của Ngài, ngôn hạnh của Ngài chính là tấm gương cho chúng ta. Thích-ca Mâu-ni Phật cả một đời không hề xây đạo tràng, Thích-ca Mâu-ni Phật cả đời đi trì bát, buông bỏ sạch sẽ danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, một mảy may cũng không nhiễm, cái tâm này mới có thể thanh tịnh. Ngài làm nên tấm gương cho chúng ta xem, vạn duyên buông xả, chúng ta muốn học Phật phải học từ những chỗ này.
Thời đại của Thế Tôn cách chúng ta quá lâu rồi, gần ba ngàn năm. Ấn Quang Đại sư là người cận đại, vào cuối đời nhà Thanh. Sự thị hiện của bản thân Ngài là tấm gương tốt cho người cận đại chúng ta. Chúng ta phải biết người xuất gia cận đại hay phạm những lỗi gì, chúng ta có nghiêm túc mà phản tỉnh, nghiêm túc mà suy nghĩ hay không? Tại sao Ấn Quang Đại sư cả một đời không nhận đồ đệ xuất gia? Chúng ta thử xem người xuất gia thời hiện đại này tu hành vì sao không thể thành tựu? Vì nhận nhiều đệ tử. Ngài làm nên sự thị hiện tuyệt vời cho chúng ta, cả một đời không làm trụ trì, không truyền giới. Không truyền giới thì không gánh vác nhân quả, truyền giới thì dễ, giữ giới thì khó. Người không có thọ giới mà phạm tội thì chỉ là một tội nặng, nếu đã thọ giới mà lại phạm tội thì tội chồng thêm tội, sao có thể nhẫn tâm tăng thêm tội cho họ chứ!
Trong mấy mươi năm nay, ở trong nước, ngoài nước, khắp mọi nơi, chúng ta thấy có biết bao nhiêu đạo tràng, lão Hòa thượng trụ trì còn chưa chết thì đệ tử đã tranh chùa, mưu tính hại nhau. Lão Hòa thượng bệnh nặng mà không có ai chăm sóc, vì bận tranh tài sản, cái nghiệp tội này nặng biết bao! Ấn Tổ biết rõ việc này nên thị hiện tấm gương cho chúng ta xem, cả đời Ngài chỉ nhận học trò chứ không nhận đồ đệ, có đạo lý lớn ở trong đó.
Khi tôi học Phật, lúc đó còn là cư sĩ, vẫn chưa xuất gia, lão sư Lý đã bảo tôi học theo Đại sư Ấn Quang. Tôi cả đời thật sự nương theo hình mẫu của Đại sư mà học tập, tôi cả đời không xây đạo tràng, cũng không hề nhận đồ chúng. Các thầy xuất gia có pháp tự chữ “Ngộ”, các vị đều biết là do Hàn Quán Trưởng thu nhận, pháp danh của các thầy là do Hàn quán trưởng đặt. Chỉ có một người ngoại lệ là thầy Ngộ Đạo, thầy xuất gia tại Hội Cơ Kim Giáo Dục Phật-đà. Thường là người xuất gia tại Đồ Thư Quán đều do Quán trưởng thế độ. Sau khi Quán trưởng vãng sanh thì Đồ Thư Quán có biến cố, các vị đó và tôi cùng tu chung với nhau nhiều năm, nên tôi có nghĩa vụ chăm lo cho mọi người. Thế nhưng tôi kính khuyên các vị, kể cả những vị đồng tu đến từ đại lục, tôi chân thành khuyên mọi người học theo Ấn Quang Đại sư, nhất định là chính xác, nhất định có thành tựu.
Thời gian đầu tôi tu học vô cùng gian khổ, sau khi xuất gia, tất cả mọi đạo tràng tự viện đều không thâu nhận tôi. Nguyên nhân là gì? Là vì tôi nhất quyết muốn học giáo, mà đạo tràng tự viện thông thường thì nhất quyết là phải làm Phật sự kinh sám (tụng kinh, bái sám). Tôi nhất quyết không chịu làm, vì vậy tôi chỉ có ra đi, chung quy không thể nào để những người kia ra đi. Tôi bị ép vào con đường cùng, gặp được Hàn Quán trưởng đã giúp đỡ tôi, thành tựu cho tôi ba mươi năm được lên giảng đài. Tôi cả đời cảm kích bà, đó cũng là Phật Bồ-tát đến hộ pháp. Bà giúp đỡ tôi quá nhiều, cho nên tôi cả đời cảm ơn, Hàn Quán trưởng quả là hộ pháp chân thật. Năm nay bà đã vãng sanh được hai năm rồi, chúng tôi đã làm Phật sự tưởng niệm tròn hai năm. Lúc làm Phật sự Tam Thời Hệ Niệm để tưởng niệm, có đồng tu nhìn thấy bà, bà có dẫn theo mấy vị tỳ-kheo-ni ngồi ở hàng đầu tiên, Thầy Ngộ Đạo lúc đó đang làm Tam Thời Hệ Niệm ở trên bục. Thường có người nhìn thấy, bà vẫn thường hộ trì đạo tràng này như xưa, không hề xa rời. Đồng tu Đồ Thư Quán đều đến đây rồi, đương nhiên bà có trách nhiệm, có nghĩa vụ, bà phát tâm hộ trì đến cùng. Mỗi người chúng tôi ở nơi đây đều cảm kích bà, kể cả cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Cư sĩ Lý đến bất kỳ đạo tràng lớn nào ở đại lục đều lập một bài vị vãng sanh cho Hàn Quán trưởng.
Sao gọi là người chân tu hành? Chân thật tu hành thì khó! Người giả tu hành thì nhiều. Người mang bảng hiệu của Phật đi tạo nghiệp thì nhiều, những người này sẽ có quả báo không thể tưởng tượng. Đọc kỹ Cảm Ứng Thiên, đọc kỹ Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh thì bạn sẽ hiểu rõ.
Tối hôm qua có đồng tu nghe thấy trên radio, nói là ở nước Mỹ có một nhà khoa học vật lý đưa ra cảnh báo, khoảng tháng Tám, thế giới này sẽ có tai nạn lớn. Tôi chỉ mới nghe nói được một nửa, chưa nghe hết. Sự việc này tôi đã hiểu rõ, sáng tỏ, tôi đã biết từ sớm rồi. Tôi đã bàn với cư sĩ Lý Mộc Nguyên về sự việc này, Niệm Phật Đường ở đây, từ nay về sau niệm Phật 24 giờ không gián đoạn. Hiện nay thầy Ngộ Toàn đang niệm Phật dẫn đầu. Thầy Ngộ Toàn nói với đại chúng, chúng ta niệm Phật 24 giờ để độ tai nạn này, sau đó chúng ta niệm lại bình thường. Sau khi nghe xong, tôi nói: “Ngộ Toàn, thầy nói sai rồi. Sao gọi là bình thường vậy? Vĩnh viễn niệm 24 giờ không gián đoạn mới gọi là bình thường”. Niệm Phật Đường của chúng ta từ nay về sau sẽ vĩnh viễn niệm Phật 24 giờ không gián đoạn. Hiện nay niệm Phật ban đêm có hơn 100 người, buổi sáng có hơn 200 người, buổi chiều có hơn 400 người, ngày nghỉ thì có khoảng bảy tám trăm người, vô cùng thù thắng, là đạo tràng đứng đầu thế giới. Lời này không phải tôi nói, phàm là người đến Singapore tham quan đều tán thán như vậy, kể cả một số lão Pháp sư của Trung Quốc đại lục.
Giảng đường của chúng ta mỗi ngày giảng kinh hai giờ, vĩnh viễn không gián đoạn, ngày 30 tháng Chạp, ngáy mùng một tháng Giêng cũng không gián đoạn. Niệm Phật không gián đoạn, giảng kinh không gián đoạn, đây gọi là đạo tràng có giải, có hành, giải hành cùng tiến, chúng tôi ở nơi đây đã thực hiện được rồi. Đây là nguyện vọng của tôi, năm xưa, nguyện vọng này là vọng tưởng. Trước đây khi tôi còn ở chung với Hàn Quán trưởng, Hàn Quán trưởng muốn tôi nghe theo bà, bà không nghe theo tôi, cho nên nguyện vọng của tôi chưa thực hiện được. Nơi đây vô cùng hiếm có, cư sĩ Lý nghe tôi nói sao thì làm vậy, nên những vọng tưởng này của tôi thảy đều được thực hiện rồi. Thôn Di Đà có lẽ có thể thi công vào tháng Tám, dự kiến một năm rưỡi là hoàn thành. Tương lai nơi này có thể ở được 1.200 người. Chúng ta sẽ không thu một xu nào từ những người ở trong thôn Di Đà, tứ sự đều là cúng dường. Người ở trong thôn Di Đà chỉ có hai việc, mỗi ngày nghe kinh, niệm Phật. Chúng ta xây một Niệm Phật Đường lớn, có thể chứa được 1.500 người, thật làm, toàn tâm toàn lực tập trung vào chỗ này. Niệm Phật nhất định là tiêu nghiệp chướng, niệm Phật nhất định liễu sanh tử, niệm Phật nhất định vãng sanh bất thối thành Phật, chúng ta có tín tâm kiên định, nguyện tâm kiên định, cho nên trong tâm chúng ta không có tai nạn, không có sợ hãi, không có điên đảo vọng tưởng.
Chúng ta có đạo tràng nhỏ ở Úc Châu, tôi đã thông báo với Ngộ Hạnh và các đồng tu bên đó, hy vọng làm Phật thất vào tháng Bảy, làm 7 thất, tốt nhất là làm 10 thất, 7 thất là 49 ngày, 10 thất là 70 ngày. Niệm Phật ngày đêm 24 giờ không gián đoạn, tôi sẽ đến bên đó quan sát. Ở Đài Bắc, tôi cũng hy vọng Pháp sư Ngộ Đạo đến bên đó ít nhất cũng làm Phật thất 49 ngày. Chúng tôi còn tìm một khu đất khác nữa, nghe nói cư sĩ Tạ Kiết Điền ở Đài Bắc có một căn nhà có diện tích 600m2, ông gọi điện thoại nói với tôi, ông muốn cúng dường làm Niệm Phật Đường. Vậy thì quá tốt rồi, 300m2 làm niệm Phật đường, 300m2 làm liêu phòng. Hy vọng ở Đài Bắc cũng trường kỳ niệm Phật, ngày đêm không gián đoạn. Singapore có thể làm được, tại sao các bạn không làm được chứ? Singapore người bên đây buông bỏ vạn duyên được, tại sao các bạn không buông được chứ? Có tám đồng tu vừa từ Dallas (nước Mỹ) đến Singapore, tôi biết bên đó không có người, bên đó cũng thường hay điện thoại hỏi tôi, hy vọng họ trở về lại, tôi cũng khuyên họ trở về, nếu họ không chịu trở về thế thì tôi cũng hết cách rồi. Hy vọng là mọi người giác ngộ, đề cao cảnh giác, nghiêm túc nỗ lực buông xuống tất cả, nhất tâm niệm Phật, tự độ độ tha, thành tựu vô lượng công đức.
Sáng hôm nay, vốn dĩ là có một giờ rưỡi giảng Kinh Hoa Nghiêm, đúng lúc thầy Ngộ Chánh từ Đài Bắc trở về, em của thầy gần đây niệm Phật vãng sanh, tướng lành vô cùng hy hữu. Tôi bảo thầy làm một bài báo cáo cho tôi, nói rõ cặn kẽ. Tôi ngừng giảng kinh là do ghi hình ở trong giảng đường, đem buổi ghi hình này lưu hành ra toàn thế giới. Em của thầy chỉ niệm Phật sáu tháng là vãng sanh, các vị thử nghe xem người ta đã niệm như thế nào, tu như thế nào, thành công như thế nào. Đây là tấm gương tốt về tu học của người hiện đại, là một chương thù thắng nhất trong hình ảnh vãng sanh thời hiện đại này.
A Di Đà Phật!