Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Từ câu thứ ba đến câu thứ chín trong Cảm Ứng Thiên là một đoạn. Đoạn này là nói tổng quát về quả báo của việc tạo ác nghiệp, tuy văn tự không nhiều nhưng ý nghĩa vô cùng sâu rộng. Sau đây có một đoạn văn rất dài, nói rõ về tình trạng tạo ác của người đời. Có thể nói cũng là chú giải của sáu câu này. Những sự việc này xưa nay, trong ngoài nước, quả thật là nói không hết. Hơn nữa, người đời vẫn là đang tạo tác mỗi ngày, không biết quay đầu, không biết giác ngộ.
Đời người ở thế gian chỉ ngắn ngủi có mấy mươi năm, nháy mắt là không còn nữa! Lúc tôi còn trẻ, 22 tuổi đến Đài Loan, trong nháy mắt đã thành người già hơn 70 tuổi rồi! Hai phần ba số bạn bè đồng trang lứa cùng đi học với chúng tôi, bạn bè đồng nghiệp, bạn bè học đạo đã qua đời rồi, cho nên đời người ngắn ngủi như vậy! Thế nhưng biết được con người sau khi chết rồi không phải là hết, sau khi con người chết rồi thì ngày tháng vẫn còn rất dài. Thánh Hiền thế xuất thế gian đều nói với chúng ta quá nhiều, quá tường tận, quá phong phú rồi, làm thiện có thiện báo, sau khi chết rồi có nơi tốt để đi, mức thấp nhất là phước báo ở cõi trời hoặc cõi người, vẫn có thể tiếp tục hưởng thụ. Phước báo cõi người ngắn ngủi, phước báo ở cõi trời thì rất dài, nhưng phải biết là dù có dài đi nữa cũng là có giới hạn.
Cho nên người thật sự thông minh trí huệ, không có người nào mà không mong cầu ra khỏi tam giới. Không cần nói thoát khỏi tam giới, phước nhân thiên cũng có pháp tu của phước nghiệp nhân thiên, vì sao phải tạo ác, vì sao phải niệm ác, phải nghĩ ác! Chúng ta muốn đoạn ác tu thiện thì hãy nhổ trừ sạch ý niệm ác ở trong tư tưởng, sau đó hành vi của bạn tự nhiên sẽ thiện. Cái thiện này không phải do tạo tác mà là từ trong nội tâm lưu xuất ra một cách tự nhiên. Chúng ta đều là đồng tu học Phật, Phật ở trong kinh, Tổ sư ở trong ngữ lục nói với chúng ta rất nhiều, sự việc này người nào tu thì người đó sẽ được. Gọi là ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu thì không đắc. Người khác tu thì ta không đắc được. Chúng ta thấy ở trong hội Lăng-nghiêm, tôn giả A-nan là người có cách nghĩ sai lầm, cho rằng Thế Tôn là anh con chú bác của Ngài, nên bản thân trong lúc tu trì có thể qua loa một chút, nếu có việc gì thì có thể hưởng nhờ người anh này, đến khi gặp phải nữ Ma-đăng-già thì mới thật sự giác ngộ. Cái mà Phật tu, Ngài không thể có được, nhất định phải dựa vào chính mình mà tu trì. Công đức còn như vậy, lẽ nào phước đức lại không phải như vậy? Những sự lý này chúng ta cũng phải nghĩ cho rõ ràng, minh bạch.
Chúng ta có thể hưởng một chút phước báo của người khác, nhưng nó cần có duyên đầy đủ. Như chúng ta hiện nay ở cõi người, chúng ta đồng thời sinh sống ở cõi người, do trong đời quá khứ có cái duyên phận này. Người khác có của cải, ta không có, họ có thể giúp đỡ ta một chút, ta có thể hưởng nhờ ở họ một chút. Nếu như chúng ta sanh vào những xứ sở khác nhau, thời gian khác nhau, người ta muốn giúp đỡ cũng không giúp được. Những sự việc này vì sao chúng ta không suy nghĩ thật nhiều chứ? Cho nên người ở thế gian, việc quan trọng nhất chính là phải hành thiện với người. Họ là người ác, ta cũng dùng tâm thiện đối xử với họ, cũng phải dùng thiện hạnh đối đãi với họ, lâu ngày dài tháng người ác cũng sẽ được cảm hóa mà hướng thiện. Người ác không thể quay đầu là do sức cảm hóa của chúng ta không đủ, bản thân chúng ta phải sanh tâm hổ thẹn, phải sanh tâm sám hối, ta làm không được tốt, chưa thể giúp đỡ họ quay đầu. Thấy họ tạo ác, thấy họ bị đọa lạc thì tâm đại từ bi liền từ chỗ này sinh khởi lên ngay, đây là trong kinh Phật gọi là “Phật pháp do duyên sanh”.
Chư Phật Bồ-tát thị hiện trong lục đạo, thị hiện ở nhân gian. Các Ngài tại sao đến thị hiện vậy? Chúng sanh có cảm thì Phật liền có ứng. Cảm ứng chính là duyên sanh, cảm ứng đều là duyên. Chính bởi vì như thế nên Phật pháp là duyên sanh. Phàm là pháp do duyên sanh thì đều là “đương thể giai không, liễu bất khả đắc” (tự thể đều là không, cuối cùng không thể có được). Phật Bồ-tát hiểu rõ ràng, sáng tỏ, nên Phật Bồ-tát ứng hóa ở thế gian, toàn tâm toàn lực giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, các Ngài không chấp trước tướng.
Trong Kinh Kim Cang, Thế Tôn khai thị cho Tôn giả Tu-bồ-đề, cũng là dạy chúng ta, Phật dạy Bồ-tát thị hiện trong lục đạo, trong chín pháp giới để độ hóa chúng sanh nhất định phải giữ vững một nguyên tắc: “Bất thủ ư tướng, như như bất động” (không chấp nơi tướng, như như chẳng động), đây mới thật là Bồ-tát. “Bất thủ ư tướng” chính là ngoài không dính tướng. “Như như bất động” là trong không động tâm. Ngoài không dính tướng, trong không động tâm, như vậy mới có năng lực ứng hóa thị hiện. Nếu như bên ngoài dính tướng, bên trong động tâm, là bạn tạo nghiệp rồi. Tạo nghiệp thì đâu có lý nào mà không thọ báo. Bạn nói: “Tôi làm việc vì Phật pháp, phục vụ tất cả chúng sanh”, vậy là bạn chấp tướng, động tâm rồi, vẫn là nghiệp báo. Nếu như ở đây, cái dính đến là tướng bất thiện, cái động đến là tâm bất thiện, khởi tham sân si mạn, đố kỵ, chướng ngại, thành thật mà nói, quả báo đều ở địa ngục.
Chúng ta thử nghĩ chúng ta có từng động những ý niệm này hay không? Nếu như có cái ý niệm này thì hãy nhanh chóng sám hối. Chúng ta hãy quan sát kỹ, ở trong đời này, chúng ta nhìn thấy biết bao nhiêu người xuất gia, khi họ sắp mạng chung, khi họ ra đi, những cái tướng mà họ hiện kia, chúng ta đã tận mắt chứng kiến, chính tai mình nghe thấy, là hiện tượng gì? Ngày nay bản thân chúng ta là người xuất gia, chúng ta tương lai khi ra đi, cách chết như thế nào? Có phải cũng ra đi mơ mơ hồ hồ hay không, có phải cũng bệnh nặng, khi ra đi bất tỉnh nhân sự hay không? Lúc sắp mạng chung, bị bệnh nặng, hoặc bất tỉnh nhân sự, không nhận ra ngay cả người thân quyến thuộc thì nhất định là đi về ba đường ác rồi. Nếu đi đến hai đường trời người thì thần trí phải rất tỉnh táo.
Chúng ta ở trong thế gian này tranh gì với người ta vậy? Nếu tranh danh văn lợi dưỡng với người thì bạn chuẩn bị đi về ba đường ác. Nếu thật sự muốn về thế giới Cực Lạc thì phải buông xả triệt để nhân ngã đúng sai, tham sân si mạn,. Hoằng pháp lợi sanh, thật sự làm được ngoài không dính tướng, trong không động tâm, dùng một lòng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi để xử sự đối người tiếp vật.
Trong đời này, người khác nhục mạ chúng ta, hủy báng chúng ta, hãm hại chúng ta, chúng ta đối với những người này phải cảm ơn tận đáy lòng. Cảm cái ơn gì vậy? Tiêu nghiệp chướng cho chúng ta, những nghiệp đã tạo trong quá khứ và trong đời này, vì vậy mà tiêu được nghiệp. Đối với những người này quyết không được có mảy may tâm oán hận. Có một mảy may tâm oán hận, không những nghiệp chướng của bạn không tiêu hết mà lại tăng trưởng thêm. Bạn thấy đây là ở ngay trong khoảng một niệm. Một niệm này chính là mê và ngộ, một niệm này chính là họa và phước, chính là kiết và hung. Nên phải biết rằng tất cả pháp thế gian, ở trong kinh Phật thường nói, thập pháp giới y chánh trang nghiêm đều là mộng huyễn bào ảnh, đều không phải là chân thật.
Vì sao chúng ta phải tin là như vậy? Vì có như vậy thì khi người khác cần, chúng ta mới hoan hỷ mà cúng dường, bố thí. Không những là vật ngoài thân, nếu họ cần mạng sống của chúng ta, chúng ta cũng hoan hỷ mà bố thí cho họ, cái tâm hoan hỷ bố thí đó sẽ được vô lượng vô biên phước báo.
Lời Phật nói trong kinh điển từng câu đều là chân thật, không có câu nào là giả dối. Y theo Phật pháp mà tu học thì nhất định được lợi ích. Chúng ta vì sao không tin? Vì sao không chịu làm như vậy?
Có một vị đồng tu đã kể với tôi một sự việc, ông nói ông năm xưa nằm mộng thấy mình gặp phải một hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm, dường như đang ở trên một đảo nhỏ, bốn bề đều là biển, sóng to gió lớn, mạng sống như ngàn cân treo sợi tóc vậy. Vào lúc đó ông nhìn thấy Bồ-tát Quan Thế Âm, ông quỳ xuống đất cầu Bồ-tát Quan Thế Âm cứu mình. Bồ-tát Quan Thế Âm không nói gì, Ngài dùng tay chỉ xuống nước, muốn ông nhảy xuống. Ông nói không được, phía dưới là biển, con nhảy xuống đó chẳng phải là chết sao? Bồ-tát Quan Thế Âm lại chỉ xuống tiếp, lần này thì ông tin. Bồ-tát Quan Thế Âm bảo con nhảy thì con nhảy xuống vậy. Kết quả sau khi ông nhảy xuống, liền ở trên tay của Bồ-tát Quan Thế Âm. Bạn không chịu nghe lời, thế thì đành chịu vậy. Sau khi ông nhảy xuống, thật không ngờ Bồ-tát Quan Âm dùng tay đỡ ông lên, đưa ông đến một nơi rất an toàn. Sau khi ông đáp xuống mặt đất thì không thấy Bồ-tát Quan Âm nữa. Ông nhìn thấy ở nơi đó đang xây nhà lầu, hoàn cảnh quả thật là rất tốt đẹp, ông đã mộng thấy như vậy. Cho nên nhất định phải tin Phật Bồ-tát, tiếp nhận lời giáo huấn của Phật Bồ-tát.
Phật Bồ-tát dạy chúng ta buông xả tất cả thân tâm thế giới, vậy thì hãy buông xả thôi, nhất định sẽ được lợi ích. Xử sự đối người tiếp vật phải hòa mục, phải xem tất cả chúng sanh là chư Phật Bồ-tát. Người có tâm tốt đối xử với chúng ta, chúng ta cảm ân, vì được họ quan tâm. Người có ác ý đối xử với chúng ta, chúng ta cũng cảm ân, vì họ tiêu trừ nghiệp chướng của chúng ta, có người nào không phải thiện tri thức, có người nào không phải Phật Bồ-tát chứ? Chung quanh bốn phía chúng ta đều là thiện tri thức, đều là Phật Bồ-tát, đây gọi là tu hành, khiến cả đời chúng ta đều sống ở trong thành kính cảm ân, cuộc sống phong phú tròn đầy biết bao! Người thế gian nói về ý nghĩa của cuộc sống, giá trị của cuộc sống nhưng thật ra họ chỉ có cái khái niệm này chứ không hiểu thực chất. Nhưng bậc Thánh Hiền thế xuất thế gian hiểu rõ, sáng tỏ, bản thân các Ngài làm được rồi. Chúng ta không hề để ý, không quan sát tỉ mỉ, cũng có thể vì các bậc Thánh Hiền này cách thời đại chúng ta quá lâu xa nên chúng ta lơ là. Nếu chúng ta đọc thật kỹ sách của các Ngài, chú ý lĩnh hội thì sẽ thấy không khó hiểu, đây là chỗ thật sự đáng để chúng ta học tập.
Chúng ta triển khai Cảm Ứng Thiên, đặc biệt là Vựng Biên, nói rõ ràng lý lẽ bên trong. Tôi năm xưa khuyên bảo các đồng tu ở thư viện hãy xem bài văn này như giới luật, mỗi ngày phải đọc một lần, trì giới niệm Phật, nâng cao cảnh giác của bản thân chúng ta. Mặc dù chúng ta từ sáng đến tối niệm Phật, như Ngẫu Ích Đại sư đã nói là “niệm đến mưa rơi cũng không lọt, niệm đến mức như tường đồng vách sắt, nhưng nếu không thể sửa đổi ác niệm, ác hạnh thì vẫn là uổng công”. Đây là các bậc tổ sư đại đức đã tận tình khuyên dạy chúng ta. Đối với những lời này chúng ta từng giây từng phút khắc ghi trong tâm, từng giây từng phút cảnh tỉnh chính mình, giữ tâm tốt, làm việc tốt, nói lời tốt, làm người tốt thì chắc chắn có quả báo tốt. Làm trái ngược lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, trái ngược lời giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền thì quả báo chắc chắn là không tốt.
Hôm qua tôi giảng kinh ở Hồng Kông, khi về đến Singapore, có mấy vị đồng tu từ Âu châu trở về nói với tôi, xã hội Âu Châu hiện nay hỗn loạn, lòng người hoang mang, từ trường tỏa ra thật sự không tốt. Bên đó người học Phật ít, người thấu suốt giáo huấn cổ Thánh tiên Hiền ít. Chúng ta sau khi nghe thấy liền phải suy nghĩ làm thế nào để giúp đỡ họ, dốc hết chút sức mỏng manh của chúng ta, đây là điều nên làm. Quyết không nên nói người bên đó có tai nạn chẳng liên quan gì với chúng ta, cái quan niệm này là sai rồi! Dân tộc khác nhau, quốc gia khác nhau, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, phải dùng tâm bình đẳng từ bi mà đối xử. Nhìn thấy người ta bị nạn cũng không khác gì bản thân mình bị nạn. Cho dù sức chúng ta không giải quyết được nhưng phải có cái tâm này, cái tâm này là tâm tốt.
Các vị đồng học.
Xin tiếp tục xem câu thứ 10 của Cảm Ứng Thiên: “Hựu hữu Tam Thai, Bắc Đẩu thần quân tại nhân đầu thượng, lục nhân tội ác, đoạt kỳ kỷ toán” (lại có các thần Tam Thai, Bắc Đẩu ở trên đầu mỗi người, ghi chép tội ác của họ để tước bớt tuổi thọ). Câu này là nói, con người bất luận vào lúc nào, bất luận ở nơi đâu, nhất cử nhất động, khởi tâm động niệm đều có quỷ thần nhìn thấy. Ở trong quỷ thần, có những vị chuyên môn giám sát việc thiện ác của người. Bạn tâm thiện hạnh thiện họ đều có ghi chép, tâm ác hạnh ác cũng có ghi chép. Hay nói cách khác, thiên địa quỷ thần có hồ sơ hoàn chỉnh về tất cả tạo tác, khởi tâm động niệm suốt đời của chúng ta, ghi chép còn rõ hơn so với Cục Cảnh sát, Cục Điều tra của người thế gian. Nếu chúng ta hiểu rõ cái chân tướng sự thật này thì tâm kính sợ, tâm sợ hãi tự nhiên sẽ sinh khởi ngay, nhất định sẽ biết kiểm điểm tâm hạnh của mình .
“Tam Thai, Bắc Đẩu”, đây là nói bốn vị thần linh được thờ cúng trong đạo giáo dân gian Trung Quốc. “Thượng Thai” quản lý việc sinh tử của con người, “Trung Thai” quản lý phước báo của con người, “Hạ Thai” quản lý lộc mạng của con người. Nếu dùng cách nói hiện nay thì thần Hạ Thai quản lý tiền tài, thần Trung Thai quản lý địa vị trong xã hội, thần Thượng Thai quản lý vận mạng. Chuyện sống chết, thọ yểu, nghèo cùng hay phú quý của một con người đều có quỷ thần đang quản lý. Chúng ta muốn hỏi, họ có quyền lực chi phối họa phúc, sinh tử của chúng ta hay không? Nói lời thành thật là họ không có quyền lực chi phối. Thế nhưng họ cai quản những sự việc này. Kiết hung họa phước là do chúng ta tự mình định đoạt, họ chỉ thực thi, giống như Cục Cảnh sát, Cục Điều tra của thế gian. Nếu người hành thiện, họ trình báo lên trên thì khen thưởng. Người tạo ác, họ báo lên trên thì thi hành trừng phạt. Họ là đơn vị giám sát, thi hành, không phải là chi phối. Người chi phối đích thực là chính chúng ta.
Cho nên vận mệnh là do mình tạo, tự làm tự chịu, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý và sự thật này. Mặc dù bạn tạo tác một số tội lỗi, phần trước đã nói qua, hễ bạn biết sai, có thể sửa lỗi thì thiên địa quỷ thần sẽ không trừng phạt người biết sám hối sửa lỗi. Phật Bồ-tát thì càng từ bi hơn, đối với chúng sanh tạo ác, đọa lạc đường ác, vẫn dùng tâm từ bi đối xử như thường, đó là Thánh nhân. Quỷ thần vẫn là phàm phu, chưa buông xả tình chấp, thấy người hành thiện thì họ hoan hỷ, thấy người tạo ác thì họ chán ghét, họ còn là phàm phu. Chúng ta ngày nay cũng là phàm phu, lấy bụng dạ bản thân chúng ta đo lường mà suy ra đối với những thiên địa quỷ thần này, cũng có thể biết sơ qua một vài phần.
Trong đạo giáo còn có Nam Đẩu tinh quân, Nam đẩu chủ quản sự sống của con người, Bắc Đẩu chủ quản về sự chết. Người đầu thai vào trong cõi người thì Nam Đẩu tinh quân đến ghi chép, lưu những tư liệu này ở chỗ của ông. Người đến lúc tuổi thọ hết rồi, chết đi cũng có ghi chép, Bắc Đẩu sẽ quản lý những sự việc này. Người thế tục nói nếu như người có cầu khẩn ở thần linh thì cần nên hướng về Bắc Đẩu. Những thiên địa quỷ thần này thường hay luân phiên xuống thế gian. Việc giáng lâm của họ là có ngày giờ nhất định, đại khái cứ mỗi hai tháng sẽ đến một lần, hoặc hai lần, hầu như là có định kỳ, giống như họ đi tuần tra vậy, vào thời gian nào thì đến khu vực nào đó để tuần tra, hai tháng đến một lần, đây là dùng lịch con giáp trước đây của Trung Quốc, 60 tổ hợp can chi là một giáp. Cho nên cứ mỗi hai tháng ít nhất họ sẽ đến một lần.
Kinh Nghiệp Báo Nhân Duyên lại nói: “Khí của bảy ngôi sao thường kết thành một vì sao ở trên đầu con người, cách đỉnh đầu ba tấc”. Ngạn ngữ thời xưa của Trung Quốc nói là “ngẩng đầu ba thước có thần linh”, trong kinh nói không phải ba thước mà là ba tấc. Một người tâm địa thiện lương, hành vi lương thiện thì trên đỉnh đầu của người này có hào quang, hào quang lớn nhỏ không như nhau, màu sắc không như nhau, người không nhìn thấy nhưng quỷ thần nhìn thấy.
Hiện nay có một số người tu thiền định có thể nhìn thấy. Tâm địa thanh tịnh đến một trình độ nào đó cũng có thể nhìn thấy. Còn có một số người luyện khí công, khí công cũng là một loại tu định, họ cũng có thể nhìn thấy. Màu sắc của hào quang tốt nhất là màu vàng kim, sau đó là màu vàng, màu xấu nhất là màu xám, màu đen. Người có khí sắc màu đen thì thọ mạng gần như là sắp tận rồi. Người luyện khí công gọi là khí, trong Phật pháp gọi là hào quang. Từ đó cho thấy con người không thể không tu thiện.
Tôi thường nói là đời người khổ đau, ngắn ngủi. Nhớ lại lần đầu tiên tôi đến Hồng Kông, năm 1977, tôi đã ở lại bên đó bốn tháng, giảng Kinh Lăng Nghiêm. Lúc đó người mời tôi là pháp sư Thánh Hoài và cư sĩ Tạ Đạo Liên. Pháp sư Thánh Hoài hiện nay vẫn còn sống, cư sĩ Tạ thì đã vãng sanh hồi năm ngoái rồi. Biết bao nhiêu bạn đồng tu thời đó, hơn một nửa đều đã ra đi rồi, đời người giống như là một giấc mộng vậy.
Trước đây nơi họ sống đều là khu nhà giàu, tôi cũng đã đến rồi. Hiện nay lầu cao vẫn còn đó, nhưng đã thay tên đổi chủ rồi, khiến chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự vô thường, bản thân mình cũng mỗi năm một già yếu hơn. Khi tôi mới đến Đài Loan, bạn học chúng tôi có hơn hai trăm người, hiện nay còn lại có lẽ chưa được năm mươi người. Con người đứng trước tình cảnh này cảm xúc sẽ sâu sắc.
Phật nói rất hay: “Mọi thứ đều không mang theo được, chỉ có nghiệp theo mình”. Vì sao chúng ta vẫn tạo nghiệp? Vì mê hoặc. Đối với những đạo lý này, tuy chúng ta thường hay đọc sách, đọc kinh, nghiên cứu giáo lý, nghe giảng kinh nhưng vẫn không chống nổi sự dụ hoặc của thế gian, không thắng nổi danh vọng, lợi dưỡng, tài, sắc, danh, thực, thùy. Không thắng nổi liền tạo nghiệp. Nghiệp là cái đi theo bạn, bạn tạo nghiệp thiện, bạn sẽ có thiện báo. Bạn tạo tác nghiệp ác thế là có ác báo. Thiện ác báo ứng không phải do quỷ thần giáng cho chúng ta, cũng không phải Phật Bồ-tát, cũng không phải Thượng Đế hay vua Diêm-la đến trao cho chúng ta. Tất cả kiết hung họa phước đều do chính mình tạo nên, tự làm tự chịu. Chỉ có người chân thật hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì tâm mới bình lặng. Mặc dù gặp phải tất cả tai họa cũng sẽ không oán trời trách người. Bị người khác làm nhục, hãm hại cũng sẽ không oán hận người. Người như vậy biết được điều gì? Biết đây là nhân quả báo ứng, là quả báo. Ta trước đây không xúc phạm người thì ngày nay người khác sẽ không xúc phạm ta. Ta trước đây không có hãm hại người, ngày nay người ta sao có thể hãm hại ta. Chúng ta bị người nhục mạ, bị người hủy báng, bị người hãm hại, đều là do tự mình tạo cả, tự mình phải nên đón nhận, đón nhận một cách hoan hỷ thì món nợ này liền trả xong rồi. Nợ mạng phải đền mạng, nợ tiền phải trả tiền, quả báo thông ba đời, đâu thể trốn thoát được chứ. Dù bạn thành Phật rồi, thành Phật thị hiện vào trong lục đạo để độ hóa chúng sanh cũng không thể trốn thoát nghiệp báo của đời trước.
Chúng ta đã đọc qua ở trong sách sử, Khổng Lão Phu Tử bị đói ở nước Trần, Thích-ca Mâu--ni Phật bị quả báo phải ăn thứ lúa dùng cho ngựa ăn trong ba tháng. Phật ở trong kinh đã nói với mọi người, nghiệp nhân của đời trước đến lúc này duyên đã chín muồi rồi, dù thành Phật cũng không có cách gì tránh khỏi quả báo.
Ở trong Tông môn có một câu chuyện là Pháp sư hồ ly, rất nhiều đồng tu đều biết rõ. Câu chuyện về Thiền sư Bá Trượng đời nhà Đường. Đại sư Bá Trượng mỗi ngày giảng kinh, có một lão già sống ở sau núi hằng ngày đến nghe kinh. Người thông thường không biết, nhưng Đại sư Bá Trượng thì biết ông ấy không phải là người. Lời thông thường chúng ta nói ông là hồ tiên. Một hôm lão già này thỉnh giáo với Đại sư Bá Trượng, kể rõ quá trình đọa lạc của bản thân ông. Ông đời trước là một vị Pháp sư giảng kinh thuyết pháp, thính chúng đưa ra câu hỏi cho ông, ông đã trả lời sai, trái nghịch với nhân quả nên bị đọa lạc làm thân hồ ly đã hơn năm trăm năm rồi, hiện tại không có cách gì thoát khỏi đường súc sanh. Ông cầu Đại sư Bá Trượng giúp đỡ. Đại sư Bá Trượng nói, ngày mai khi tôi giảng kinh, ông hãy nêu ra câu hỏi mà thính chúng đã hỏi ông trước đây. Đến ngày hôm sau, hai người họ bèn biểu diễn, con hồ ly tinh già đưa ra câu hỏi: “Xin hỏi Đại sư, bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả hay không?” Cái ý này chính là nói người chân thật tu hành chứng đạo, chứng quả, chứng quả cứu cánh viên mãn là Phật-đà, Phật-đà có còn rơi vào nhân quả hay không? Đại sư Bá Trượng trả lời là: “Bất muội nhân quả (không lầm nhân quả)”. Trước đây, con hồ ly già này, lúc còn là Pháp sư, đã trả lời người ta là: “Bất lạc nhân quả (không rơi vào nhân quả)”, là sai một chữ. Ngài Bá Trượng sửa lại là “bất muội nhân quả”. “Bất muội” là gì vậy? Quả báo thì phải chịu, nhưng biết rõ ràng tường tận, biết thấu suốt. “Bất muội” không phải là không có nhân quả. Thánh nhân thế gian là Khổng Lão Phu Tử bị đói ở nước Trần là quả báo của nhân đời trước. Phật Thích-ca Mâu-ni hành khất không có thức ăn, gặp phải nạn đói, người ta đem những thức ăn nuôi ngựa ra cúng dường Phật, Phật cũng tiếp nhận. Đời trước tạo nhân bất thiện, đời này vẫn phải chịu quả báo, Ngài hiểu rõ, Ngài sáng tỏ. Cho nên người tu hành gặp phải bất kỳ nghịch duyên hay kẻ ác nào cũng đều biết rất rõ ràng, cần đền mạng thì phải đền mạng, cần trả nợ thì phải trả nợ, sau khi hoan hỷ trả xong rồi thì sẽ rõ ràng tường tận.
Chúng ta xem thấy ở trong truyện ký về An Thế Cao, đó là người tu hành chứng quả, đã đến Trung Quốc để trả nợ mạng hai lần. Đời trước ông ngộ sát người ta, trong đời sau ông cũng bị người ta ngộ sát hai lần, ở trong truyện ký đều viết lại rất rõ ràng. Do đó chúng ta mới hoàn toàn khẳng định, người thế gian, nếu như nói giành phần lợi của người khác, là không có sự việc này. Nếu như bạn nói bị thiệt thòi thì cũng không có việc này. Đời này bạn giành phần lợi của người thì đời sau phải trả lại cho người ta, đời này bị thiệt thòi thì đời sau có được phước báo. Nhân duyên quả báo tơ hào chẳng sai, thiện địa quỷ thần thấy rất rõ ràng, rất minh bạch. Tạo tội nghiệp nhất định là tổn phước giảm thọ. Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc ghi chép những sự việc này rất nhiều. Hiện nay, những quả báo này có thể nói là càng rõ rệt hơn, chúng ta không có năng lực phát hiện là do chúng ta quá sơ suất, quá lơ là mà thôi. Chỉ cần đầu óc bình tĩnh một chút, quan sát thật kỹ xung quanh thì chúng ta sẽ thấy nhân quả báo ứng rất rõ ràng, tỏ tường phân minh. Sau đó bạn mới công nhận kinh điển của Phật, giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền không sai chút nào. Chúng ta lơ là thì chỉ là tự lừa mình dối người. Trước đây lão sư Lý thường nói, con người phải nhìn cho xa. Thế nào gọi là xa? Đời sau là xa, đời này là gần, nhìn đời này là bạn nhìn quá gần rồi, bạn phải nhìn đời sau, nhìn về đời sau nữa, bạn mới biết được mình cần phải làm như thế nào có lợi cho chính mình, làm như thế nào có hại cho bản thân. Hiện nay mấy người biết được lợi và hại. Hy vọng mọi người chúng ta biết quí trọng cái nhân duyên này, nghiêm túc nỗ lực mà tu học.
A Di Đà Phật!