Chư vị đồng học, xin chào mọi người!
Chiều ngày hôm qua chúng tôi từ Toowoomba về lại nơi đây, đã nhận được bản fax của Tịnh Tông Học Hội Hoa Tạng-Đài Bắc nói cho tôi biết tôi có một người bạn cũ tối hôm trước đã qua đời. Ông năm nay có lẽ cũng hơn 80 tuổi, là một đồng liêu thân cận nhất của tôi ở Đài Loan. Quê cũ của chúng tôi cùng một khu vực thôn làng, là những làng nông thôn nhỏ, làng của tôi và làng của ông có thể nhìn thấy nhau, khoảng cách đại khái là 3-4 dặm đường. Người Trung Quốc xưa gọi là 3-4 dặm, đại khái chỉ khoảng chừng 2 km theo cách nói ngày nay. Bao nhiêu năm nay ở Đài Loan chúng tôi qua lại như huynh đệ, chăm lo lẫn nhau, thời gian đầu khi đến Đài Loan, đồng hương, đồng học và bạn bè cũng không ít, những vị lão bằng hữu thâm giao năm mươi mấy năm nay, dường như là ba phần tư đều đã không còn nữa rồi. Con người nếu như không trải qua những sự việc như vậy thì sẽ không dễ dàng gì mà nghiêm túc phản tỉnh.
Cũng như ngày hôm qua chúng ta đã nghe Nguyệt Quế tiên sinh nói là: “Đến khi già rồi, đến khi sắp đi rồi, mới bắt đầu suy nghĩ cuộc đời này rốt cuộc là mình đã làm được những gì?”. Cũng chân thực muốn vì xã hội làm một chút việc tốt, muốn làm một số việc có ý nghĩa, thời thanh niên còn tráng kiện đều không nghĩ đến những việc này, đều lơ là cho qua, đến khi già rồi mới nghĩ đến thì tinh thần và thể lực đều đã suy yếu. Đúng như câu nói: “Tâm có dư mà sức thì không đủ”, cho nên ông đã vô cùng cảm khái. Không những chúng ta thể hội được, chúng ta cũng có thể suy nghĩ đến, xưa nay trong ngoài nước có biết bao nhiêu người đến cuối đời mới sám hối, lao tâm khổ trí dặn dò, phó thác cho người trẻ tuổi, dạy bảo cho con cháu đời sau. Từ xưa đến nay, không ai mà không như vậy, nhưng những người trẻ tuổi thì chỉ nghe qua tai chứ không để ở trong tâm. Khi chúng tôi còn trẻ, gặp được những người lớn tuổi, họ cũng dạy bảo và khuyên nhủ chúng tôi, chúng tôi nghe xong cũng gật đầu, cũng rất bội phục, nhưng không để những việc đó ở trong tâm thì càng khó áp dụng việc đó vào trong cuộc sống.
Chúng ta hãy tỉ mỉ mà quan sát, từ xưa đến nay, những người có thành tựu, cuộc đời này họ sống có ý nghĩa, có giá trị thì thực tế chính là họ có thể nghe và chịu tin những gì người lớn tuổi chân thành khuyên bảo, họ chịu tiếp nhận lời khuyên bảo, “y giáo phụng hành”, cho nên mới có thành tựu. Đến khi tuổi tác đã cao, người thân quyến thuộc, bằng hữu đều qua đời rồi, vào lúc này mới chân thật hiểu được cảm giác bùi ngùi vô hạn.
Những người tu học thế xuất thế pháp có thành tựu đều là lúc tuổi tác còn trẻ. Trong nhà Phật chúng ta, chúng ta nhìn thấy xưa nay các Cao tăng Đại đức, hơn một nửa đều là thành tựu trước 30 tuổi. Trong nhà Phật gọi là khai ngộ, tu hành chứng quả. Nhân vật điển hình thì có Đại sư Lục Tổ Huệ Năng của Thiền Tông, Ngài tiếp nhận y bát của Ngũ tổ, lúc đó ngài mới có 24 tuổi, sau đó Ngài sống ẩn dật trong nhóm thợ săn hết 15 năm. Đại khái năm 40 tuổi thì Ngài mới có thể bước ra hoằng pháp lợi sanh. Mười lăm năm trong nhóm thợ săn là 15 năm chân tu, việc tu hành này đúng như nói là: “trọng thực chất, không trọng hình thức”.
Chúng ta phải sâu sắc thể hội, Đại đức bên Giáo Hạ cũng như vậy. Hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta ngày nay vượt hơn những Đại đức xưa thật sự rất nhiều, nhưng thành tựu của chúng ta vĩnh viễn đứng sau các Ngài. Chúng ta không thể không cảnh giác, không thể không hiểu rõ, phải làm thế nào mới có thể đột phá được? Các Đại đức xưa nay trong Tông Môn, Giáo Hạ, Hiển Giáo, Mật Giáo, không ai không khuyên chúng ta phải phá hai chướng, hai chướng đó là: kiến - tư phiền não. Kiến hoặc thì cổ Đại đức gọi là lý chướng, tư hoặc thì gọi là sự chướng. Lý chướng thì tương đối dễ phá, sự chướng thì tương đối khó khăn. Tiểu Thừa đem kiến tư phiền não phân chia trong tam giới gọi là 88 phẩm kiến hoặc, 81 phẩm tư hoặc. Cách nói của Đại Thừa thì nhiều điều mục hơn, nhưng dù là Đại Thừa hay Tiểu Thừa thì cũng có thể giải quyết được dễ dàng.
Tôi còn nhớ lúc trước chúng ta đã thảo luận qua một cách tường tận mấy lần rồi. Ở trong kiến hoặc thì nhất định phải rõ lý, lý đã minh bạch rồi thì chướng ngại này liền đột phá được, đột phá được rồi thì chính là “siêu phàm nhập Thánh”. Việc tu học của chúng ta chân thật là có thành tựu, chân thật nhập được vào cảnh giới Phật, đây là người sơ học. Ở trong pháp Tiểu Thừa thì chứng quả Tu Đà Hoàn, Đại Thừa Viên Giáo thì là Bồ-tát Sơ Tín Vị. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói 51 cấp bậc, bạn đạt được Bồ-tát Sơ Tín Vị. Ở đây rốt cuộc là cảnh giới như thế nào? Đó là không còn chấp trước cái thân này là ta, nói cách khác, đã nhìn thấu được cái “ta” và cái “của ta” rồi, buông được rồi thì được cái cấp bậc này. Lợi ích thù thắng của nó là tuy không thể siêu vượt lục đạo, nhưng vĩnh viễn không đọa tam đồ. Nếu tu học Tịnh Tông cầu sanh Tịnh Độ thì nhất định nắm chắc phần. Tuy sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là nằm ở giữa Phàm Thánh Đồng Cư Độ và Phương Tiện Hữu Dư Độ, nhưng nếu công phu tốt thì đến Phương tiện Hữu Dư Độ, công phu kém một chút thì vãng sanh Thượng Bối Đồng Cư Độ cũng có thể được sanh tử tự tại. Sanh tử tự tại là không còn bị nghiệp lực trói buộc nữa, muốn vãng sanh sớm một chút vẫn được. Nếu thương xót hết thảy chúng sanh, có duyên với chúng sanh, trì hoãn cái thân này lại để giáo hóa chúng sanh, vãng sanh chậm hơn vài năm cũng không chướng ngại gì, đây gọi là sanh tử tự tại. Chúng ta học Phật, nếu không đạt được trình độ này, có thể nói là chúng ta không thành tựu. Chúng ta niệm Phật vãng sanh, vậy hỏi bạn là bạn có nắm chắc hay chưa? Chúng ta có sự cảnh giác này hay không? Trước mắt đây là khóa trình hàng đầu mà chúng ta cần phải chăm chỉ nỗ lực. Đơn giản mà nói là làm thế nào để buông xả ngã chấp? Khởi tâm động niệm vẫn còn vì mình thì đây là sai lầm nghiêm trọng, là đang vun bồi cho ngã chấp.
Trong lúc giảng giải chúng tôi cũng thường khuyên bảo các đồng tu, Đại Thừa có phương tiện thiện xảo, so với pháp Tiểu Thừa thì cao minh hơn rất nhiều. Phương pháp mà Đại Thừa sử dụng là dạy bảo chúng ta khởi tâm động niệm phải nghĩ đến hết thảy chúng sanh, không nên nghĩ đến chính mình. Hết thảy hành vi của chúng ta phải làm ra tấm gương tốt cho người thế gian, đó chính là Bồ-tát. Người thế gian hiện tại vô cùng đáng thương, Phật Bồ-tát độ hóa chúng sanh, không gì ngoài ứng cơ thuyết pháp. Người thế gian hiện tại phổ biến đều không biết hiếu đạo, chúng ta phải làm ra tấm gương cho họ xem, là biểu diễn, diễn kịch. Cổ Đại đức thường nói: “Chư Phật Bồ-tát ở tại thế gian gọi là du hí thần thông”, biểu diễn cho mọi người xem.
Hiện tại xã hội đại chúng không biết sư đạo, chúng ta biểu diễn, làm ra tấm gương tôn sư trọng đạo cho họ xem, đây chính là hành Bồ-tát đạo, đây chính là quảng độ chúng sanh. Những lý luận này trong kinh điển dù có nói hay hơn nhưng vẫn không hữu dụng. Các vị hãy suy nghĩ xem, Thế Tôn năm xưa tại thế giảng kinh thuyết pháp 49 năm, kỳ thực Đức Phật chân thật giáo hóa chúng sanh là tự mình nỗ lực làm, hoàn toàn là đang biểu diễn. Thế Tôn đã hiếu thuận cha mẹ mình như thế nào, chúng ta có biết không? Tôn kính sư trưởng như thế nào, tôn trọng yêu thương giúp đỡ hết thảy chúng sanh ra làm sao? Chúng ta phải từ trong kinh giáo mà thể hội, đây là trí huệ chân thật. Tuyệt đối không phải là đem những văn tự này đi thuyết minh, nghiên cứu giảng giải rõ ràng minh bạch rồi gọi đó là Phật giáo. Thành thật mà nói đó không phải là Phật giáo, người hiện tại gọi đó là “Phật học”, không phải là Phật giáo.
Phật học và Phật giáo là khác nhau. Phật học là đem văn tự trong kinh giáo làm thành một môn học vấn của thế gian mà nghiên cứu, là huyền học, có lợi ích hay không thì không thể biết. Phật giáo thì có lợi ích, “giáo” là dạy bảo, giáo huấn. Phật dạy chúng ta làm thế nào để thành Phật. “Phật” là gì trước tiên phải làm cho rõ ràng. Phật là người hiểu rõ triệt để đối với vũ trụ nhân sanh. Cuộc sống của Phật, công việc của Phật, Phật xử sự đối người tiếp vật, là người tối hoàn thiện, hoàn mỹ, không mảy may kém khuyết nào, đây gọi là Phật. Chúng ta trong cuộc sống, trong công việc, trong ứng xử thì kém khuyết thiếu sót quá nhiều, kém khuyết chính là lỗi lầm. Chư Phật Bồ-tát không có lỗi lầm, cho nên các Ngài là tấm gương tốt, là mô phạm điển hình cho chúng sanh trong chín pháp giới. Cổ Đức gọi là trí huệ chân thật, là nền giáo học viên mãn, như vậy thì chúng ta mới gật đầu đồng ý, mới công nhận.
Hiện tại hầu hết mọi người trong xã hội có sự hiểu lầm nghiêm trọng đối với Phật pháp. Những người học Phật chúng ta thậm chí những người xuất gia có mấy người thấu hiểu được Phật Bồ-tát. Việc này là nhìn từ đâu? Người thông hiểu thì nhất định sẽ áp dụng vào trong đời sống, phàm là không thể áp dụng vào trong cuộc sống, nói cách khác, không thể y giáo phụng hành thì người đó chưa thông hiểu, chưa hiểu thấu. Nếu chân thật hiểu thấu rồi thì không ai là không làm được, họ sẽ hoan hỉ mà làm.
Chúng ta sống tại thế gian này để làm gì? Sống ở thế gian này chính là để làm tấm gương tốt cho người khác xem. Cái ý này vô cùng sâu rộng, chúng ta phải chân thực quay đầu, khởi tâm động niệm nhất định không nghĩ đến danh lợi của chính mình, đem danh văn lợi dưỡng, thị phi nhân ngã, tham sân si mạn, chân thực buông xuống. Khởi tâm động niệm là vì xã hội, vì đại chúng, vì hòa bình an định phồn vinh hạnh phúc mà suy nghĩ. Không những khởi tâm động niệm suy nghĩ đến, mà trên lời nói hành vi cũng phải hiển lộ ra, trong ngoài như nhau, ngôn hành tương ưng, làm ra cho người khác xem. Vì sao ngày xưa Phật pháp lại thịnh hành như vậy? Vì Cổ Đại đức đều học Phật Bồ-tát, làm ra tấm gương tốt cho người khác xem.
Ngày nay Phật pháp vì sao lại suy vi? Ngày nay cho dù chúng ta có thể nói, dù có thể giảng nói ra được, nhưng chúng ta không làm được. Không thể làm ra tấm gương sáng, làm ra mô phạm cho xã hội đại chúng, dù có nói hay hơn đi nữa thì những người nghe được, tiếp xúc được cũng không thể tin tưởng, không thể tiếp nhận. Đây là việc mà chúng ta cần phải nghiêm túc phản tỉnh, phải chân thật nỗ lực tu hành, tu sửa lại hết thảy hành vi sai lầm của chúng ta. Như vậy chúng ta mới có thể cứu chính mình, mới có thể giúp đỡ người khác, khiến cho cuộc đời này có ý nghĩa, có giá trị. Tương lai đến lúc ra đi, sẽ cảm thấy rất tự tại, rất an ủi, sẽ có nơi tốt để đi, không đến nỗi nuối tiếc lúc cuối đời. Ngạn ngữ có nói “Không nghe lời người xưa, thiệt thòi ngay trước mắt”, tôi hiện tại đối với câu nói này có cảm xúc rất sâu.
Chư vị đồng học, hôm trước tôi có đến thăm Toowoomba. Chúng tôi đã đến thăm một tổ chức Đa nguyên văn hóa ở Toowoomba, được vị Chủ tịch ở nơi đó tiếp đón chúng tôi. Ông thường ngày vốn là một tín đồ Cơ Đốc giáo thuần thành. Hơn nữa về căn bản thì đa phần người ở thành phố Toowoomba tin theo Cơ Đốc giáo chiếm một tỷ lệ rất lớn. Hơn nữa, tuy họ còn tương đối bảo thủ, nhưng họ cũng đã ý thức được tính quan trọng của đa nguyên văn hóa. Bởi vì đất nước Úc trong những năm gần đây đã có chính sách mở cửa, những người di dân và đầu tư đến từ khắp các quốc gia và khu vực, số lượng càng ngày càng nhiều. Thế là họ nghĩ đến việc cùng những người đến từ các quốc gia khu vực, có nền văn hóa khác nhau, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau, làm thế nào có thể chung sống trong một thành phố nhỏ, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, để đạt đến mục tiêu chung sống hài hòa cùng tồn cùng vinh. Cái lý niệm này vô cùng tốt đẹp, đây cũng là việc trong thời đại này dù là tín đồ tôn giáo rất bảo thủ nhưng cũng đã dần dần lĩnh ngộ được, bắt đầu mở rộng lòng mình ra để dung nạp những chí hướng của người khác. Vì thế sau khi chúng tôi nói chuyện xong cũng đã đem những cách nghĩ cách làm của chúng ta đã làm tại Singapore và các nơi trên thế giới nói rõ cho họ nghe, họ cũng vô cùng hoan hỉ, những người có tầm hiểu biết chân thật không ai là không như vậy.
Chúng ta ngày trước ở Bắc Kinh có “Viện in ấn kinh Trung ương” đã xuất bản một quyển sách nhỏ là Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh. Quyển kinh này không có phần lời mở đầu, mà dùng một đoạn khai thị của Hoàng đế Ung Chính làm đoạn mở đầu. Chúng ta từ quyển kinh mà xem thì thấy nó được viết vào ngày 15 tháng 2 năm Ung Chính thứ mười một. Đoạn mở đầu này thực tế mà nói chính là những lý niệm về đa nguyên văn hóa mà chúng ta đã nói ngày nay. Từ những lời này của Ung Chính, chúng ta biết được việc thống trị một đất nước, những lãnh tụ hiền minh đã giáo hóa chúng sanh như thế nào? Vào thời đó tại Trung Quốc có tam giáo là: Nho, Thích, Đạo. Hơn nữa hầu hết mọi người lấy nhà Nho làm chính thống, Ung Chính đã nói cách nhìn của ông đối với ba nhà Nho Thích Đạo.
Hiện tại Singapore có chín tôn giáo, tất cả Thánh Hiền giáo hóa chúng sanh đều có cùng chung cội gốc lý niệm, lý là một. “Đạo” chính là phương pháp, không gây trở ngại lẫn nhau. Có thể mỗi người theo một đạo, nhưng các đạo đều không đối nghịch lẫn nhau, không những không trái nghịch nhau, hơn nữa còn có thể bổ trợ nhau, tương trợ lẫn nhau. Nhưng thật đáng tiếc, hầu hết các tín đồ đều không thể hiểu được đạo lý này. Mỗi người lại có những thành kiến rất sâu nặng, tâm lượng nhỏ hẹp, nhà Phật gọi là “tự tán hủy tha” (khen mình chê người), đã đi ngược lại chủ ý của các Thánh nhân. Tín đồ Đạo giáo thì nói Phật giáo không tôn quý bằng Đạo giáo. Nhà Đạo cúng phụng Ngọc Hoàng đại đế. Họ nói nhà Phật làm gì có ai tôn quý như Ngọc Hoàng đại đế chứ? Còn những người theo Phật thì lại nói Ngọc Hoàng đại đế tuy là tôn quý nhưng không vĩ đại bằng Phật. Còn nhà Nho, những học giả Nho gia thì lại nói Phật giáo và Đạo giáo là dị đoan không phải là chánh pháp. Tín đồ của ba nhà Nho Thích Đạo không thể quán thông lẫn nhau, ai cũng nói mình tốt, nói người khác không tốt, sự việc này đã trở nên phiền phức. Cho nên Ung Chính gọi đó là tư tâm, là tranh đấu hơn thua, các bên không thể hòa hợp nhau vậy thì sai rồi. Việc này không những là không hiểu người khác mà đối với tôn giáo của chính mình, đối với kinh giáo mà mình tín ngưỡng cũng không thật sự thâm nhập, rất là đáng tiếc.
Ung Chính thật ra mà nói là một con người không hề đơn giản, vô cùng hiếu học. Ông đối với Tam giáo đều có sự nghiên cứu thâm nhập tương đối. Cách nhìn của ông là: “Tam giáo là bình đẳng”, chỉ cần bạn có thể bình đẳng, bạn dùng tâm bình đẳng mà quan sát. Ngày nay chúng ta gọi là hòa bình, hai chữ “hòa bình” giải thích như thế nào? Là hòa mục chung sống, đối đãi bình đẳng. Nếu tôi cảm thấy tôi cao hơn anh, tôi mạnh hơn anh vậy thì không bình đẳng nữa rồi. Không bình đẳng thì nhất định không thể hòa mục, điểm này vô cùng quan trọng. Không hòa mục thì sẽ có tranh luận, có tranh luận thì sẽ có đổ máu, sẽ có chiến tranh, tạo ra trùng trùng ác nghiệp, vậy thì phải chịu trùng trùng khổ báo. Cho nên các vị phải biết, đặc biệt là Phật Pháp Đại Thừa là pháp bình đẳng. Chúng ta nhìn thấy trong Kinh Hoa Nghiêm là “sanh Phật bình đẳng”, chúng sanh và Phật bình đẳng. Phật không hề nói Ngài có địa vị cao hơn, Phật nói “hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh”, “hết thảy chúng sanh bổn lai thành Phật”. Phật đã đắc chân bình đẳng. Bạn lại xem trong các tôn giáo, dù là thờ Ngọc Hoàng đại đế hay thờ các vị Thần linh nào đi nữa thì các Ngài đắc được cũng là chân bình đẳng. Cho nên chỉ cần bạn chân chánh đạt được bình đẳng thì bạn trong muôn trùng chúng sanh, bộ dạng hình thức bên ngoài tuy là không như nhau, chúng ta quan sát lục đạo, quan sát mười pháp giới, cũng như trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói là “đủ mọi hình sắc”. “Hình” là hình trạng, “sắc” là tướng mạo, chúng ta có thể nhìn thấy, trên thế giới này có rất nhiều quần tộc, con người khác nhau, những loài súc sanh khác nhau, việc này thì chúng ta thường hay nhìn thấy.
Buổi chiều hôm qua, có một số đồng tu đến nơi này để xem chuột túi, đó cũng là một quần tộc, gấu Koala cũng là một quần tộc, đều là chúng sanh, trong mắt của Phật thì toàn bộ đều là bình đẳng. Chúng ta nhìn thấy chim ưng, ở Úc vẫn còn nhìn thấy một số động vật đặc biệt. Ngoài động vật ra còn có thực vật, thực vật thì cũng thuộc về sinh vật. Điều này cho thấy tuy hình thức bên ngoài không như nhau, nhưng lý thì vẫn là một, lý là cùng một lý. Về lý Phật nói với chúng ta, chúng sanh hữu tình đều có Phật tánh, hữu tình là nói động vật. Cũng như ngày hôm qua các vị đồng tu đã bế những con gấu Koala và đi cho những con chuột túi ăn, chúng đều có Phật tánh. Ruồi, muỗi, kiến, gián cũng có Phật tánh. Đây là “đồng” mà, vậy cái “không đồng” là gì? Cái “không đồng” chính là hình trạng bên ngoài của mỗi loài khác nhau, hình dáng thân thể của chúng không giống nhau, nhưng Phật tánh là tương đồng. Còn thực vật thì các loài thực vật mà chúng ta nhìn thấy được còn nhiều hơn rất nhiều, nhiều không kể xiết, chủng loài khác nhau, màu sắc cũng không như nhau, nhưng tánh thì tương đồng. Chúng có pháp tánh, hết thảy vô tình chúng sanh đều có pháp tánh. Pháp tánh và Phật tánh là cùng một tánh, không phải là hai tánh. Cho nên, Phật ở trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Nếu không phải là cùng một tánh thì sao có thể “đồng” được chứ? Là một tánh mà thôi, cho nên mới có thể “đồng viên chủng trí”. Đã là “đồng viên chủng trí”, vậy thì chúng ta cần phải đối đãi như thế nào? Đối đãi bình đẳng, hòa mục chung sống, đôi bên chăm sóc lẫn nhau. Không những đối với hữu tình chúng sanh, chúng ta phải làm bạn tốt của nhau, chăm lo cho nhau, mà con người và súc sanh cũng phải làm bạn tốt của nhau, cũng phải chăm sóc lẫn nhau, chúng cũng thông hiểu nhân tình mà.
Ngày hôm qua, tôi nghe Lâm cư sĩ nói: “Trung Quốc nhập rất nhiều bò từ Úc về nuôi, những con bò này được vận chuyển về tỉnh Vân Nam để nuôi, những người phụ trách nuôi bò nói chuyện với chúng, chúng đều không nghe, chúng mặc kệ. Nói tiếng Anh với chúng thì chúng hiểu, cho nên những người phụ trách việc nuôi những con bò này phải đến Úc để học tiếng Anh”. Bạn nói tiếng Anh với chúng thì chúng hiểu, bạn nói tiếng Trung với chúng thì chúng không hiểu. Vậy các bạn hãy suy nghĩ xem, đây là chuyện có thật hay là giả. Những con bò này ở Trung Quốc có thể đến đời thứ hai đời thứ ba thì mới không còn vấn đề này nữa, vì chúng đã quen rồi. Bạn xem, khi chúng vừa mới di cư đến, bạn nói tiếng Hoa thì chúng đều không hiểu, chúng không đoái hoài gì tới bạn. Cho nên từ chỗ này chúng ta liền có thể thể hội được, mặc dù thông tin phát đạt, giao thông thuận tiện, con người sống trên địa cầu này, người với người qua lại với nhau càng ngày càng mật thiết. Địa cầu đã biến thành một ngôi nhà rồi, theo cách nhìn của tôi 20-30 năm nữa thì ranh giới giữa các quốc gia cũng sẽ trở nên mờ nhạt. Đại khái lúc đó biên giới giữa các nước cũng giống như là biên giới giữa các huyện các tỉnh trong một nước với nhau vậy, sẽ rất mờ nhạt. Cho nên cần phải biết tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn cùng vinh, cho nên hiện tại các nhà tôn giáo cũng giác ngộ rồi, các nhà chính trị cũng giác ngộ rồi.
Thế kỷ 21 sẽ có một sự thay đổi rất lớn, chính là có xu hướng đa nguyên văn hóa, cùng tồn cùng vinh. Đây chính là nói đến “đồng” và “dị”. “Dị” là hình sắc không tương đồng, còn “đồng” là thể tánh tương đồng. Cái thể này trong triết học gọi là bổn thể, chúng ta phải hiểu đạo lý này.
Tất cả các tôn giáo dạy người không gì ngoài việc dạy người ta chung sống hòa mục, đối đãi bình đẳng. Đây là thiện, chính là nói đồng quy về thiện, trong nhà Phật thì nói là “vạn thiện đồng quy”, chính là cái ý như vậy. Nhà Phật nói “ngũ giới thập thiện”, là dẫn dắt con người hướng thiện. Nhà Nho thì nói “ngũ thường đức hạnh”, cũng là dìu dắt khuyên bảo, dẫn dắt con người hướng thiện. Ở chỗ này Ung Chính đã lấy một ví dụ. Ông nói ngày trước Tống Văn Đế hỏi Hà Thượng Chi, việc này trong lịch sử có ghi chép. Tống Văn Đế nói: “Lục kinh bổn thị tế tục”. Lục kinh là của nhà Nho, “Nhược tánh linh chân yếu, tắc dĩ Phật kinh vi chỉ nam, như suất độ chi dân giai thuần thử hóa, tắc ngô tọa trí thái bình hĩ”. Đây nghĩa là gì? Nếu giáo học của nhà Nho và nhà Phật có thể phổ biến ở trong xã hội này, nhân dân đều có thể tín thọ phụng hành, thì người làm Hoàng đế như ta không phải là có thể ngồi hưởng thái bình hay sao? Xã hội an định, quốc gia phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, không có những việc vi phạm pháp luật. Ông nói rất hay, ông đã nói với Hà Thượng Chi như thế. Hà Thượng Chi trả lời: “bách gia chi hương”, ngày nay chúng ta nói là “tiểu hương trấn”, là một cái làng nhỏ, trong một làng thì có bao nhiêu người? Có 100 hộ gia đình, 100 hộ là một tiểu hương trấn, đại khái nhân khẩu không vượt quá 1.000 người, là một ngôi làng khoảng vài trăm người. Ông nói chỉ cần có 10 người trì ngũ giới trong tiểu hương trấn, ngôi làng này có 10 người học Phật trì giới thì 10 người này chính là tấm gương mô phạm cho cả một ngôi làng. Trong Phật pháp gọi là thiện tri thức, họ có thể giáo hóa người dân. Nếu là “thiên thất chi ấp”, “ấp” ở đây là thành phố nhỏ, nó bao lớn vậy? Là có một ngàn hộ, 1.000 hộ gia đình thì đại khái khoảng 5-6.000 người sống trong thành phố nhỏ này. Ông nói nếu có 100 người có thể hành trì thập thiện, có thể tu trì thập thiện, 100 người này hòa mục thì họ có thể dùng phong khí này giáo hóa địa phương, xã hội ở địa phương này làm sao có thể không tốt chứ? Cho nên có câu nói “hiền nhân là bảo vật của quốc gia”. Không cần nhiều, tỉ lệ này đều là nói 1/10, một người có thể ảnh hưởng đến chín người khác. Nếu con người có thể hướng thiện, có thể đoạn ác, vậy thì các hình phạt của quốc gia sẽ không cần dùng đến nữa rồi. Vị Đế vương, thậm chí là quan phụ mẫu ở địa phương chỉ cần khoanh tay mà trị nước. Những lời này đều là nói rõ phương pháp quan trọng để trị thiên hạ, giúp xã hội bỏ ác hướng thiện.
Ngày nay chúng ta gọi là phương tiện. Phật giáo khuyên bảo chúng sanh đoạn tham sân si mạn, khuyên bảo chúng sanh quý trọng Thánh Hiền, đều là đạo lý như vậy. Nếu có thể tín thọ phụng hành thì thực sự có thể làm điển hình cho xã hội, làm mô phạm cho xã hội. Phàm là chấp trước thành kiến, tự khen mình chê người thì nhất định là sai lầm. Như lúc nãy tôi vừa nói, không những bạn không thấu hiểu đối với người khác, mà đối với chính mình bạn cũng không nhận thức rõ ràng, cho nên đoạn khai thị này của Ung Chính thực sự chính là lý niệm đa nguyên văn hóa mà chúng ta đã nhìn thấy. Hiện tại hãy nên đem nó mở rộng ra đến tất cả các tôn giáo khác nhau, đến tất cả các dân tộc khác nhau, các quốc gia khác nhau.
Giáo huấn, kinh luận của nhà Phật tuy nhiều, nhưng để cứu giúp người thế gian thì thập thiện nghiệp đạo, ngũ giới thập thiện quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Trước tiên phải khuyên người hiểu được lý luận và sự thật của nhân quả báo ứng thì mới có thể khuyên bảo người thế gian. Ngẫu Ích Đại sư từ trong Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh đã trích lục ra những điều dựa theo thập thiện mà phụng hành thì được những quả báo gì, trái nghịch với thập thiện thì sẽ bị những quả báo gì. Ngài đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch.
Ngày mai chúng ta sẽ xem tiếp những trích lục của Ngẫu Ích Đại sư. Hôm nay thời gian đã hết rồi, chúng tôi xin giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!