Chư vị đồng học, xin chào mọi người!
Tôi có nhận được một tin nhắn, có người nói rằng ở Đài Loan có người nhận được viên thuốc mà người Trời uống, có thể trị bách bệnh, đồng thời thành tâm khẩn cầu thì một viên thuốc sẽ dần dần sinh ra nhiều viên thuốc khác. Anh ấy nói, xin hỏi Pháp sư, người Trời có phải uống thuốc không? Làm thế nào trả lời câu hỏi này? Trong Kinh Lăng Nghiêm, Thế Tôn nói với chúng ta: “Thời kỳ mạt Pháp tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Nếu như có bệnh thì vẫn nên đi khám bác sĩ, điều bạn nói nhất định không đáng tin cậy, không ai chịu trách nhiệm cho bạn. Thiên nhân cho bạn uống thuốc, uống vào sinh bệnh thêm thì bạn cũng không tìm thấy họ, họ không chịu trách nhiệm đối với bạn, cho nên thứ này không thể tin.
Các bạn đã xem băng ghi hình của cư sĩ Hứa Triết, bà sống một trăm tuổi mà không sanh bệnh, học tập theo bà thì đúng rồi. Thiên nhân còn không bằng bà, Thiên nhân vẫn phải uống thuốc, bà đâu cần uống thuốc, cho nên bà đã vượt qua cả Thiên nhân, điều này chúng ta có thể học tập theo. Tại vì sao bà có thể không sanh bệnh? Là vì tâm địa của bà thanh tịnh, tâm địa chân thành, thanh tịnh, từ bi, niệm niệm vì chúng sanh phục vụ, không phải vì chính mình, nên bà có thể không sanh bệnh. Điều này cùng với những điều nói trong Phật pháp là hoàn toàn tương đồng. Chúng ta học Phật thì phải nghe theo lời của Phật, không thể tin vào lời đồn, điều này đệ tử Phật cần đặc biệt lưu ý.
Hôm nay chúng ta xem đoạn thứ 90 của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên:
“Oán thiên vưu nhân. Ha phong mạ vũ.” (Oán trời trách người. Mắng gió chửi mưa.)
Đức Phật dạy Bồ-tát sáu ba-la-mật, đó chính là phương pháp tích lũy công đức. Điều thứ nhất dạy chúng ta “bố thí”, tôi đã nói rất nhiều về bố thí rồi, dùng cách nói hiện nay là vì xã hội phục vụ, vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ. Chúng ta dùng tài vật thì đó là bố thí tài, chúng ta dùng sức lao động của chính mình để phục vụ, làm nghĩa công thì đó là bố thí nội tài, dùng trí huệ của chúng ta thì đó là bố thí pháp, giải quyết khó khăn thay cho người khác thì đó là bố thí vô úy. Ý nghĩa của hai chữ “bố thí” đã nói viên mãn trong đó rồi.
Bố thí cần phải hội đủ những điều kiện nào? Bố thí là nói tổng quát, năm điều tiếp theo là nói riêng từng trường hợp. Điều nói riêng đầu tiên là “trì giới”, trì giới chính là như pháp. Bố thí cần phải như pháp, chúng ta ngày nay nói là hợp pháp, hợp tình, hợp lý. Điều này chính là trì giới ba-la-mật. Vì người khác phục vụ cũng cần có phương pháp, có thứ tự, có trước có sau, có trật tự không rối loạn. Những điều này đều ở trong phạm vi trì giới ba-la-mật. “Nhẫn nhục” là cần tâm nhẫn nại. “Tinh tấn” là không ngừng cầu tiến bộ, ngày ngày phản tỉnh, ngày ngày sửa đổi, ngày ngày cầu tiến bộ. “Thiền định” là trong tâm của chính mình phải có kiểm soát, không bị sự cám dỗ của cảnh giới bên ngoài. “Trí huệ” là đối với hết thảy sự lý đều thông đạt thấu rõ. Từ đây có thể biết là năm điều phía sau đều nói rõ cho bố thí ba-la-mật, khiến cho việc bố thí của bạn được viên mãn, công đức của bạn được chân thật.
Mọi lúc, mọi nơi, gặp người khó khăn, nếu bản thân chúng ta vẫn còn một chút năng lực thì phải tận tâm tận lực mà giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác nhất định không mong cầu quả báo thì sự bố thí này của chúng ta là thanh tịnh. Bố thí nhất định không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn thì sự bố thí này là bình đẳng. Sự thanh tịnh, bình đẳng của bố thí là Bồ-tát hạnh, thường giữ tâm thái này chính là Bồ-tát đạo. Vì vậy khi chúng ta không hài lòng, khi hết thảy sự việc không được như ý thì cần phải phản tỉnh sự tích công lũy đức của bản thân mình rất mỏng. Hết thảy những cảnh giới không như ý này đều là quả báo, đáng phải thọ nhận. Trong khi thọ nhận cần phải phản tỉnh làm thế nào để cải tiến, nâng cao cảnh giới của chính mình, tích lũy công đức nhiều hơn, như vậy mới đúng. Nếu gặp chút chuyện nhỏ không vừa ý liền oán trách ông Trời không công bằng, cho là người khác có lỗi với mình thì sai rồi! Điều này chính là bản thân đang tạo tội nghiệp, không những không thể chuyển họa thành phước mà còn làm tăng thêm tội nghiệp của chính mình. Thế nhưng hiện tượng này chúng ta thấy rất nhiều trong xã hội, vì sao vậy? Phật tổ và cổ Thánh tiên Hiền thường nói do không có người dạy bảo họ nên họ không hiểu được sự việc. Trong kinh Phật thường gọi là “người đáng thương xót”, người thế này thật sự thuộc về dạng người đáng thương xót. Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu được “oán trời trách người”nhất định là sai lầm, hơn nữa ác nghiệp này chúng ta nhất định không được phạm phải, lúc nào cũng luôn nhớ kỹ giáo huấn của Phật đối với chúng ta.
Câu thứ hai là “Ha phong mạ vũ” (Chửi gió, mắng mưa). Mưa gió là hiện tượng tự nhiên, điều này có lỗi lầm gì chứ? Người hiện nay nói việc (chửi gió mắng mưa) này không có lỗi lầm, nhưng trong Phật pháp thì điều này có lỗi rất nặng, vì sao vậy? Vì sự tu học của Phật pháp là dạy người chuyển phàm thành Thánh, những điều mà thiên kinh vạn luận nói thật ra chỉ có hai chữ, một là chữ “Thành”, hai là chữ “Kính” mà thôi. Bạn xem hiện tượng này, “Thành” không có, “Kính” cũng không. Thời xưa, không chỉ là người tu hành mà người đọc sách hiểu lý khi gặp phải tai biến của tự nhiên, lúc này trong tâm đặc biệt chân thành, đặc biệt cung kính, dùng tâm “thành kính” đối đãi với hết thảy tai biến, tâm của họ là định, không sợ hãi không hoảng hốt. Chúng ta thấy chú giải ở đây cũng trích dẫn trong phần “Khúc Lễ” là: “Nếu có gió giật, sấm rền, mưa dữ”, chữ “thậm” có nghĩa là mưa rất lớn, rất to. Vế tiếp theo là “ắt thay đổi tư thế”, chữ “tất biến” chính là đặc biệt cung kính, đặc biệt cẩn thận. Vào lúc này cho dù là ban đêm đa phần họ cũng thức dậy, mặc quần áo chỉnh tề ngồi yên lặng ở đó. Điều này người ngày nay không hiểu, người ngày nay cũng sẽ không làm được, dù là người đọc sách xưa cũng chưa chắc làm như vậy. Thế nhưng trong Nhà Phật vẫn còn một ít người, vào lúc đột biến như vậy họ sẽ thức dậy mặc y phục nghiêm chỉnh, rất là cung kính, rồi đến niệm Phật đường tĩnh tọa hoặc là niệm Phật hoặc là kinh hành, trong nhà Phật vẫn còn như vậy. Ý nghĩa trích dẫn ở đây nói với chúng ta là gặp phải bất kỳ tai biến gì thì đều lấy tâm thành kính mà ứng phó thì mới có thể chuyển hóa tai nạn lớn thành tai nạn nhỏ, chuyển hóa tai nạn nhỏ thành không tai nạn, vì vậy thành kính giúp chúng ta có thể chuyển biến. Tất cả những tai nạn này chúng ta [thấy] trong hội Lăng Nghiêm đều đã từng nói qua, nguyên lý của điều này chính là điều Phật nói “y báo chuyển theo chánh báo”, thế nên cảnh tùy tâm chuyển. Điều này là thật, thế nhưng chúng ta là phàm phu thì không làm được, phàm phu là tâm tùy cảnh chuyển, gặp phải cảnh giới này thì hoảng hốt sợ hãi, tâm của bạn bị cảnh chuyển rồi. Nếu bạn bình tĩnh, suy nghĩ về lỗi lầm, sám hối, phản tỉnh, sửa đổi làm mới thì có thể hóa giải những tai nạn, tai biến này. Chúng ta cần phải hiểu được đạo lý này, các bạn có thể tự mình tham khảo trong chú giải.
Câu tiếp theo là đoạn thứ 91: “Đấu hợp tranh tụng. Vọng trục bằng đảng.” (Tranh chấp kiện tụng. Kéo bè kết đảng làm quấy), đây là tạo nghiệp, nhất định không được xem chuyện này là chuyện nhỏ
Câu đầu tiên chính là ưa thích “tranh tụng”, khi gặp người khác có tranh chấp, không biết khuyên giải mà còn dung túng họ, giúp đỡ họ, khiến cho hai nhà kết oán thù với nhau, tranh chấp tài sản, tranh danh đoạt lợi, tranh quyền đoạt vị, những việc thế này có quá nhiều. Thậm chí trong giới xuất gia ở thời kỳ cận đại này cũng không tránh khỏi. Trong chùa thì tranh chấp chức Trụ trì, tranh nhau làm chủ, tranh chấp tài sản của chùa, thậm chí tranh chấp đến tòa án. Thời xưa người xuất gia chưa từng phải lên đến tòa án, làm gì có chuyện này chứ, đó là chuyện buồn cười. Nhưng ngày nay lại thường xuyên nghe nói đến, thậm chí còn nêu rõ trên báo chí, còn có báo cáo. Phật dạy chúng ta buông xuống, như vậy thì buông xuống ở chỗ nào?
Cho nên khi gặp phải những chuyện thế này, chúng ta cần dùng lời nói hòa nhã, nhẹ nhàng để khuyên giải thì không những hai bên đều được phước mà chính mình cũng tu tích công đức. Nếu gây chia rẽ, làm ly gián, giúp đỡ tranh tụng thì bất luận bạn có chủ tâm gì, bất luận bạn cầu là mục đích gì thì điều này là tội lỗi rất nặng. Đặc biệt trong nhà Phật gọi là phá hòa hợp tăng. Thế Tôn trong giới luật kết tội phá hòa hợp tăng là tội ngũ nghịch. Tăng đoàn này bất luận là như pháp hay không như pháp thì chúng ta đều không được can dự vào. Tăng đoàn tu hành như pháp thì lợi ích cho xã hội, lợi ích cho chúng sanh. Bạn phá hoại tăng đoàn này thì kết tội không phải chỉ với mấy người này, bạn không có can hệ gì với mấy người này. Nếu chúng thường trụ trong tăng đoàn này tu hành như pháp, hoằng pháp lợi sanh thì chúng sanh ở cả địa phương này được lợi ích, không những chúng sanh chúng ta được lợi ích mà ngay đến quỷ thần cũng được lợi ích.
Lần này chúng tôi ở Singapore, nhiều bạn đồng tu đều biết hội trưởng Cư Sĩ Lâm trước đây là ông Trần Quang Biệt đã vãng sanh, oan gia trái chủ của ông đến đạo tràng yêu cầu nghe kinh. Chúng ta ở đây có thể chứng minh điều này, đạo tràng chân thật hoằng pháp lợi sanh thì quỷ thần đều hưởng lợi ích, bạn phá hoại đạo tràng này thì tội mà bạn tạo là kết tội với hết thảy chúng sanh chứ không phải có tội với một người. Bạn không vừa ý đối với Pháp sư này, bạn ghét ông ấy, bạn hủy báng ông, sỉ nhục ông, bạn trục xuất ông ấy ra khỏi chùa. Bạn làm tổn hại đến ông ấy thì không phải là có tội với một mình ông, còn phải xem sức ảnh hưởng của ông lớn đến mức nào. Cho nên phá hòa hợp tăng là một trong năm tội ngũ nghịch, quả báo ở địa ngục A-tỳ, không cách nào cứu nổi. Chư Phật xuất thế đều không cứu được sự sám hối đó, cho nên sự việc này chúng ta không thể làm.
Nếu người xuất gia ở đạo tràng này tu hành không như pháp, phá giới, phạm quy thì chúng ta cũng không cần phải can thiệp. Chúng ta không phải là người chấp pháp. Giống như người phạm pháp của thế gian, có tòa án, có cảnh sát, họ là người chấp pháp có trách nhiệm quản lý, chúng ta không phải là người chấp pháp. Nếu chúng ta can dự thì chúng ta cũng phạm pháp rồi, đạo lý này mọi người cần phải hiểu rõ. Vậy đệ tử Phật phạm pháp thì tự nhiên sẽ có sự xử lý trong nhà Phật đối với họ, không can hệ gì với chúng ta, chúng ta không nên quan tâm đến những việc thế này. Nếu chính mình nhìn thấy hoặc là nghe thấy vị xuất gia này có quan hệ rất tốt với ta, đôi bên đều biết nhau thì có thể hỏi thăm ông ấy, điều này có phải là sự thật không? Tin đồn bên ngoài quá nhiều, nhất định phải hỏi xem có phải là sự thật không? Nếu là sự thật thì dùng lời nhẹ nhàng khuyên bảo, nếu không phải là sự thật thì lại nhẹ nhàng an ủi, không nhất thiết truy cứu, như vậy mới đúng. Nhất định không được tranh luận, nhà Nho và nhà Phật đều dạy chúng ta nhẫn nhường, chư vị nhất định phải biết, ngạn ngữ có câu: “Miếng ăn, ngụm nước đều được định trước”. Trong vận mạng của chính mình có thì người khác có thể cướp đi được không? Cướp không được. Trong vận mạng không có thì muốn giữ cũng không giữ được, vậy thì có gì để mà tranh giành chứ? Người khác muốn tranh thì nhường cho họ là xong, nếu trong mạng của tôi có thì tôi nhường ở đây, ở chỗ khác sẽ có lại. Điều này chứng minh trong vận mạng của bạn chân thật là có, người khác không cướp đi được. Cho nên hiểu rõ được đạo lý này, hiểu rõ những chân tướng sự thật này thì sẽ vui vẻ mà nhẫn nhường, làm gì có chuyện tranh chấp chứ. Hơn nữa nhẫn nhường cũng thuộc về bố thí, họ muốn danh thì cho họ danh, họ muốn lợi thì cho họ lợi, muốn gì ta đều cho họ, đây là Bồ-tát tu bố thí ba-la-mật. Công đức, quả báo của việc bố thí, chúng ta biết là bố thí nhiều thì càng được nhiều, không phải bố thí hết rồi thì không còn nữa, mà bố thí nhiều thì càng được nhiều. Người thế gian hiểu đạo lý này, nhưng hiểu chưa đủ sâu, chưa đủ thấu triệt, cho nên họ không dám bố thí, sợ rằng sau khi bố thí thì bản thân không còn nữa. Họ không hiểu được bố thí nhiều thì càng được nhiều. Cho nên chúng tôi ở Singapore hoằng pháp khuyên các bạn đồng tu, chúng tôi làm ra tấm gương cho mọi người xem, cá nhân bố thí nhiều thì càng được nhiều, đoàn thể cũng là bố thí nhiều thì càng được nhiều. Cư Sĩ Lâm là một đoàn thể, ở Singapore có thể nói không chỉ là trong Phật giáo mà trong tất cả những tôn giáo thì Cư Sĩ Lâm là đoàn thể hưng vượng nhất. Làm sao lại hưng vượng? Là do bố thí, vô tư bố thí, bố thí vô điều kiện, mọi người đều nhìn thấy quả báo rồi. Không chỉ là trong kinh Phật nói cho chúng ta, chúng ta y giáo phụng hành thì quả nhiên không sai, mà ở đây chứng thực lời Phật nói từng câu từng chữ là chân thật, chúng ta có thể yên tâm, nghiêm túc y giáo phụng hành.
Chư vị đồng học, xin mời mọi người mở đoạn thứ 91 của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, câu cuối cùng của đoạn 91:
“Vọng trục bằng đảng.” (Kéo bè kết đảng làm quấy).
Sự việc này trong và ngoài nước đều không tránh khỏi, hơn nữa trong lịch sử thường xuyên nhìn thấy họa hại của việc “kéo bè kết đảng”. Trong xã hội hiện nay chúng ta gọi là “bè phái”, kéo bè kết đảng, người thông thường gọi là xã hội đen, đều là thuộc về dạng này. Dạng này có thể mê hoặc con người là vì danh lợi, quyền thế. Người thời xưa từ nhỏ đã nhận được sự giáo dục của Thánh Hiền, hiểu rõ thị phi chánh tà, hiểu rõ thiện ác thật giả, cho nên xử sự đãi người tiếp vật đều có thể dùng lý trí, không đến nỗi mức lạm dụng tình cảm.
Vấn đề về thanh thiếu niên trong xã hội hiện nay trở nên nghiêm trọng, trong gia đình không có ai dạy chúng, trường học cũng không có người dạy chúng, trong xã hội thì càng không cần nói nữa. Cho nên vấn đề này vô cùng nghiêm trọng. Vì sao thiếu niên phạm tội nhiều như vậy, tỷ lệ tăng trưởng mỗi một năm đều cao hơn, điều này là một sự việc vô cùng đáng sợ. Từ sự thật này chúng ta mới có thể lý giải cổ Thánh tiên Hiền vì sao lại coi trọng giáo dục trẻ nhỏ đến như vậy, vì sao xem trọng việc ngăn chặn sai lầm ngay từ đầu đến như vậy. Mới biết là xã hội an định, quốc gia ổn định, hòa bình dài lâu là do nền tảng được kiến lập từ việc giáo dục trẻ nhỏ. Cha mẹ, thầy giáo, xã hội đại chúng đều có thể làm một tấm gương tốt cho trẻ nhỏ. Từ đó có thể biết giáo dục là tổng thể chứ không phải là cục bộ, ngạn ngữ có câu: “Sống đến già, học đến già”, học không ngừng nghỉ, ý nghĩa của câu ngạn ngữ này nói rõ làm người là mãi mãi tiếp nhận sự giáo dục. Không phải nói thanh thiếu niên sau khi tốt nghiệp ở trường rồi thì sự giáo dục liền kết thúc, không phải vậy, mà là vĩnh viễn tiếp tục học tập. Xã hội hiện đại, sự giáo dục rất phổ biến, so với xã hội thời xưa thì nền giáo dục quả là rất phát triển. Ở mỗi một khu vực, chúng ta nhìn thấy trường học mọc lên như nấm: trường Tiểu học, trường Trung học, trường Đại học. Dựa trên lý mà nói thì xã hội hiện nay của chúng ta lớn mạnh vượt bậc so với thời xưa, nhưng khi tư duy thật tỉ mỉ thì vì sao cuộc sống của chúng ta, hoàn cảnh sinh sống của chúng ta kém xa hơn nhiều so với người xưa? Chúng ta xem trong sách thời xưa: Cuộc sống của người xưa có thể nói là sống một cuộc đời tình thơ ý họa, quả thật có chân thiện mỹ huệ, đó là cuộc sống của một con người. Hiện tại chúng ta sống cuộc sống gì vậy? Chúng ta ngày nay đang sống một cuộc sống như một cỗ máy, hằng ngày mấy giờ thức dậy, mấy giờ ăn cơm, mấy giờ làm việc, giống như cỗ máy, tình cảm giữa người với người vô cùng nhạt nhẽo, thậm chí đã không còn nhìn thấy nữa. Xã hội ngày nay, sự kết hợp giữa người với người là vì lợi hại. Khi có lợi thì tạm thời kết hợp, khi không có lợi thì lập tức tan rã, tình nghĩa không còn nữa, chưa nói đến đạo nghĩa, tình nghĩa đã không còn nữa rồi. Trong điều này rõ ràng nhất là quan hệ vợ chồng, thời xưa chưa nghe nói có ly hôn, các bạn đọc sách xưa có khi nào nghe nói đến ly hôn hay không? Ly hôn là việc vô cùng nhục nhã, đâu có sự việc như vậy, thế nhưng xã hội ngày nay, các bạn xem tỉ lệ ly hôn rất cao, điều này thể hiện điều gì vậy? Là tình và ái giữa người với người không còn nữa, vì sao họ lại kết hôn? Là vì lợi hại, khi mọi người có cùng lợi ích thì kết hôn, đến khi lợi ích bất đồng thì lập tức chia tay, cho nên hiện nay bè phái vô cùng phổ biến.
Chúng tôi ngày nay học Phật tiếp xúc với xã hội rất ít, phạm vi cuộc sống của chúng tôi rất nhỏ, một số sự việc bên ngoài chúng tôi biết không nhiều, thỉnh thoảng mới nghe nói, đặc biệt chúng tôi rất ít xem báo chí, cũng không xem ti vi, điều này rất tốt, đối với sự tu học mà nói thì tâm địa tương đối thanh tịnh. Cuộc sống hằng ngày là thiên hạ thái bình, hỏi tôi việc gì tôi đều không biết, thế giới này rất thái bình, rất yên tĩnh. Thế nhưng nếu xem báo chí, xem ti vi thì thế giới đại loạn rồi, không phải là thế giới hòa bình. Bè phái [là điều] vô cùng bất hạnh, ngay đến nhà Phật cũng có bè phái, những người này cùng với những người kia là một bè phái. Trong một đạo tràng, nếu đạo tràng này lớn, người nhiều thì bên trong sẽ chia làm rất nhiều bè phái nhỏ. Đã từng có người nói với tôi, anh ấy nói trong đạo tràng của một chùa nọ, nhìn bề ngoài thì thấy rất hưng vượng, chúng thường trụ có mấy trăm người, nhang đèn rất thịnh. Anh ấy nói với tôi bên trong đó ít nhất có mười bè phái. Tôi nghe rồi liền thở dài, tôi tin, vì tôi đã từng nhìn thấy đạo tràng như vậy rồi, bè phái rất nhiều. Hiện nay có thể tạm thời duy trì là vì mọi người đều có chung lợi ích, nếu chia sẻ lợi ích không đều thì bè phái sẽ tan vỡ, sẽ nảy sinh ra đấu tranh, biến thành họa hại. Trong Phật pháp gọi là “Phá hòa hợp tăng”, họ quả thật rất to gan, phá hòa hợp tăng, Thích-ca Mâu-ni Phật nói quả báo ở địa ngục A-tỳ.
Cho nên vấn đề kéo bè kết phái hiện nay học sinh trong trường học cũng có, các ngành nghề trong xã hội đều có, thậm chí là trong chính trị cũng không tránh khỏi. Hiện nay trong tôn giáo, không chỉ là Phật giáo, hầu như mỗi một tôn giáo đều có, như vậy thì xã hội làm sao mà an định được? Thế giới làm sao có thể hòa bình? Từ hiện tượng này, chúng ta tỉ mỉ quan sát, một số người trên thế gian nói đến ngày tận thế của thế giới, chúng ta thử nghĩ xem có khả năng đó không? Rất có khả năng, xã hội này không thiếu người trí thức nhân từ, chúng tôi thường xuyên tham gia hoạt động đa nguyên văn hóa, rất nhiều lãnh tụ tôn giáo khi cùng nhau tụ hội cũng thẳng thắn mà thừa nhận: trong tôn giáo của tôi, trong đạo tràng này của tôi tồn tại không ít thói xấu về mặt nhân sự.
Năm ngoái khi tôi họp ở Sydney, có một Đức cha của Thiên Chúa giáo rất thẳng thắn nói với tôi, ông ấy hoài nghi giữa các tôn giáo làm thế nào có thể đoàn kết được. Tôi nói với ông: Đây là vấn đề giáo dục, thế nhưng giáo dục cần thời gian dài, không phải thời gian ngắn, giáo dục nhất định phải có một nhóm người thật sự giác ngộ.
Chúng ta nghĩ xem những vị Đại đức thời xưa, Thích-ca Mâu-ni Phật năm xưa ở vườn Lộc Uyển thuyết pháp cho năm vị tỳ-kheo mà khởi nghiệp. Khổng Lão Phu Tử sau khi chu du các nước trở về quê nhà liền dạy học. Các bậc đại Thánh đại Hiền trải qua rất nhiều thời gian mới có ảnh hưởng đối với xã hội, chúng ta cần phải thể hội, hiện tượng xã hội ngày nay của chúng ta so với thời đại của Phật-đà, so với thời đại của Khổng Lão Phu Tử thì thua kém quá xa. Thời kỳ đó tuy con người chưa được tiếp nhận giáo huấn Thánh Hiền nhưng thông thường họ đều có tâm địa thiện lương, dễ dàng giáo hóa.
Xã hội hiện nay, chúng ta thấy xã hội hiện nay dạy điều gì vậy? Cho nên năm xưa khi tiên sinh Phương Đông Mỹ còn tại thế, nói đến ti-vi (truyền hình) thì ông liền lắc đầu, ông nói cái thứ này có thể diệt vong một quốc gia, có thể hủy hoại một xã hội. Ti-vi là gì? Ti-vi là giáo dục, dạy con người điều gì vậy? Điều này chúng ta hiện nay đều rất rõ rồi. Phương tiên sinh nói: “Nước Mỹ tương lai sẽ mất nước, nhân tố đầu tiên chính là ti-vi”. Bạn xem trẻ nhỏ vừa được sinh ra mắt đã dán chặt vào truyền hình rồi, ngày ngày học tập theo truyền hình. Những thứ biểu diễn trong truyền hình đó là gì? “Sát đạo dâm vọng”, cho nên thanh thiếu niên hiện nay của nước Mỹ, chúng ta thường xuyên nhìn thấy bị chết vì súng đạn, con số mà họ thống kê mỗi một ngày có vài chục người chết, thanh thiếu niên hằng ngày có vài chục người chết vì súng đạn, nguyên nhân là gì? Là học theo phim bạo lực trong ti-vi. Chính phủ Mỹ cho đến ngày nay vẫn chưa có sự cảnh giác này. Tiên sinh Phương Đông Mỹ nói rất đúng, những thứ này là công cụ, công cụ không có tội mà hoàn toàn phải xem người sử dụng công cụ đó. Năm đó ông cảnh báo quan chức chính quyền Đài Loan cần phải chú ý đến vấn đề này. Nếu đi theo con đường của nước Mỹ thì không thể lường được tiền đồ của Đài Loan, ông tuy là đã nói mấy lần rồi, nhưng có ai nghe ông, có ai xem trọng lời phát biểu này của ông. Cho nên hiện tượng động loạn ngày nay của xã hội, chúng ta cần phải hiểu được nó từ đâu đến. Vì sao trong xã hội lại có tình trạng kéo bè kết phái? Đó đều là vì mưu cầu lợi ích trước mắt mà không biết lợi hại của hậu quả. Thế nên người hiện nay, trong nhà Phật thường nói là “kẻ đáng thương xót”, ngu si, quả thật là ngu si, chúng ta nghe được rồi vẫn còn chưa phục, chưa tin tưởng. Không những không có năng lực phân biệt chân vọng, tà chánh, thiện ác, ngay đến lợi hại cũng không có năng lực phân biệt. Điều này có phải là ngu si đến cực điểm rồi không? Chúng ta rất may mắn, được thân người, nghe Phật pháp, gặp được thiện tri thức, việc [phân biệt] chân vọng thị phi rất khó, tuy rằng chúng ta chưa thể phân biệt nhưng thiện ác lợi hại thì chúng ta hiểu được một chút, do đó mới biết cách tránh hung gặp kiết.
Chúng ta sống trong thời loạn này, nếu trong thời loạn mà có cơ duyên thì chúng ta giúp đỡ người khác. Người xưa có câu: “Giúp cho thiên hạ, nếu không có cơ duyên thì cần phải biết hoàn thiện bản thân”. Cho nên người xưa có rất nhiều tấm gương tốt ẩn cư trong rừng núi, cả đời sống một cuộc sống tu trì khổ hạnh, họ cũng có thể đạt được thành tựu viên mãn. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, phàm là thuộc về loại “kéo bè kết đảng làm quấy” đều do bị danh văn lợi dưỡng trước mắt che lấp, cho nên không chỉ là tu đạo mà người đọc sách thời xưa đều cam tâm sống một cuộc sống nghèo khó. Điều này chúng ta cần tỉ mỉ thể hội, vì sao các Ngài lại như vậy? Không phải là các Ngài không có năng lực, không phải không có trí huệ, vì sao các Ngài cam tâm sống một cuộc sống thanh bần? Bên trong điều này có đại đạo lý. Bạn xem Khổng Phu Tử tán thán Nhan Hồi, Nhan Hồi là học trò xuất sắc nhất trong số những học trò của Phu tử và cũng là người nghèo khổ nhất. Cuộc sống vật chất tuy là khó khăn nhưng cuộc sống tinh thần thì rất sung túc. Chúng ta ngày nay chỉ biết mong cầu lạc thú trong cuộc sống vật chất mà hoàn toàn quên đi cuộc sống tinh thần, đây là sai lầm lớn của chúng ta.
Các bạn nhìn thấy chúng tôi mang đến băng ghi hình này, lão tu nữ Hứa Triết một trăm lẻ một tuổi, cuộc sống vật chất của bà thanh bần nhưng đời sống tinh thần lại tràn đầy hạnh phúc. Sáng sớm hôm nay, tôi thấy tờ báo mà Cư Sĩ Lâm mang đến, trong đó có một trang với tiêu đề rất lớn: “Người chèo đò một trăm lẻ chín tuổi”. Một trăm lẻ chín tuổi mà hiện nay vẫn còn chèo đò, thân thể của người đó không kém gì so với bà Hứa Triết, vẫn đang chèo đò, cả đời sống một cuộc sống thanh bần. Những người này, họ hiểu được an bần lạc đạo.
Mỗi một tôn giáo giảng nói về tu trì đều phải xả bỏ danh văn lợi dưỡng, xả bỏ sự hưởng thụ của ngũ dục lục trần. Trong Cơ Đốc giáo và Thiên Chúa giáo đều tán thán là “Thần bần”. Thần tiên nhất định là không có gì cả thì họ mới là Thần tiên. Phật Bồ-tát cũng là không có gì cả, ba y một bát, đó là Thần bần. Bạn thật sự có thể buông xuống vạn duyên thì bạn mới có thể sống một cuộc sống tinh thần cao thượng được. Giống như Khổng Lão Phu Tử tán thán Nhan Hồi “Một giỏ cơm, một bầu nước”, cuộc sống như vậy nếu là người khác thì không chịu đựng được, thế nhưng Ngài Nhan Hồi không thay đổi niềm vui của mình. Cuộc sống của Nhan Hồi vô cùng vui vẻ, vô cùng sung sướng, vui trong sự hiểu lý. Ngài đã hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sanh, Ngài thấu triệt sự thật của nhân quả báo ứng, tiền đồ của Ngài vô cùng tươi sáng, Ngài làm sao mà không hạnh phúc được chứ. Phàm phu sa vào danh văn lợi dưỡng trước mắt thì tiền đồ vô cùng tối tăm, họ không biết. Cho nên tác hại của bè đảng chúng ta cần phải hiểu được, nhất định không được làm những sự việc như vậy, không được bị những cám dỗ này.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi xin giảng đến đây. A Di Đà Phật!