Chương 5: Dâng thư trá hàng, Cự Lạng cứu Liễn. Nửa đêm công trại, Lý Thông báo thù nhà.

Nói tới Phạm Cự Lạng bị đòn nằm trong trướng, Phạm Hạp chiều hôm đó liền tới thăm. Cự Lạng vội truyền người dọn bàn dâng trà, rồi cho tả hữu lui hết ra ngoài.

Hạp với Lạng vốn là anh em họ hàng xa, nên rất hiểu tình tình nhau. Phạm Hạp vừa ngồi xuống liền mở miệng hỏi:

- Anh hôm nay sao lại buông lời càn rỡ luận việc quốc sự, để tướng quân giận như thế?

Cự Lạng đáp:

- Càn rỡ gì đâu, chẳng qua anh nhìn nó không ưa đấy thôi.

Phạm Hạp cười ngất, nói:

- Đến nước này rồi anh còn giấu em ư. Nhìn điệu bộ hai người, em đã đoán được tám chín phần rồi. Cái kế khổ nhục này có gì đâu mà lạ nữa.

Cự Lạng giật mình, nói:

- Vẫn là không giấu được em, ta cùng tướng quân bày kế khổ nhục này là để che mắt Sách Vương, cứu thiếu chủ ra đó.

Phạm Hạp gật đầu, đáp:

- Kế này cũng xem như ổn, nhưng anh quên em rồi ư?

Cự Lạng không hiểu gì, Phạm Hạp lại nói tiếp:

- Chúng mình vốn là anh em, dòng dõi quan lớn trong triều. Sách Vương công đến Hoa Lư, dĩ nhiên cũng tìm hiểu từng bộ hạ dưới trướng Tướng quân. Nếu anh dâng biểu trá hàng, em mà không đi theo thì Sách Vương tất mang lòng sinh nghi. Đến lúc đó không những lợi người mà còn thiệt mình.

Cự Lạng nghe thế cả mừng, nói:

- Em nói vậy là muốn đem thư trá hàng cho Sách Vương chứ gì?

Phạm Hạp khẳng khái gật đầu. Hai người nhìn nhau rồi cùng bật cười ha hả. Tuy cả hai đều là người làm tướng, nhưng Phạm Hạp từ nhỏ theo học thầy nho, nên có tài ăn nói biện luận. Cự Lạng biết điều đó nên mới nhờ việc.

Phạm Hạp viết biểu hàng xong, đợi trời chập tối liền lẻn ra khỏi thành đến trước trại của Sách Vương. Quân của Sách Vương bắt được, hỏi rõ danh tánh rồi báo lên.

Sách Vương đang ngồi cùng chư tướng trong trướng bồng, nghe tin cả mừng, bụng thầm nhủ:

- Phạm Hạp với Phạm Cự Lạng là anh em họ hàng xa. Nó nửa đêm lén sang đây chắc hẳn là dâng thư hàng!

Sách Vương bụng nghĩ vậy, nhưng bên ngoài vẫn giả bộ làm ngơ. Lát sau mới truyền lệnh dẫn Phạm Hạp vào dưới trướng.

Phạm Hạp vừa bước vào dưới trướng, Sách Vương liền trỏ tay mà quát rằng:

- Phải chăng Đinh Bộ Lĩnh sai ngươi sang đây do thám?

Chư tướng xung quanh nghe thế, đều rút đao soạt soạt cả ra.

Phạm Hạp sắc mặt không đổi, bình tĩnh đáp:

- Tôi đây là anh em với Phạm Cự Lạng, sao đây dâng thư quy hàng Sách Vương.

Thiên Sách Vương giả bộ ngạc nhiên, đập bàn quát:

- Láo xược, ngươi khinh tài trí của ta quá, dám sang dâng thư trá hàng!

Phạm Hạp cười, tâu:

- Xin Sách Vương minh xét cho, thơ hàng này là thật. Vốn là anh tôi Cự Lạng theo Bộ Lĩnh hơn mười năm, công lao có đủ. Vậy mà lúc sáng nay, anh tôi chỉ vì một câu nói, mà nó lỡ lòng nào sai người lột áo, đánh đòn ngay giữa mặt ba quân... Nên anh tôi nản chí, không muốn theo nó nữa. Bèn kêu tôi sang đây gặp Sách Vương, dâng biểu xin hàng.

Nói đến đây rồi dâng thư trình lên.

Sách Vương đọc thư xong, lúc đó mới đổi giọng, nói:

- Xin Hạp tướng quân thứ lỗi cho. Hai bên đang thế thù địch, nên ta mới gặng hỏi như thế.

Phạm Hạp vội thưa:

- Xin Sách Vương nhanh chân cho, Bộ Lĩnh là người đa nghi. Nó mà biết tôi sang đây thể nào cũng bắt anh tôi đem ra chém.

Sách Vương ân cần nói:

- Việc đó xin yên tâm, Cự Lạng khi nào sang, chỉ cần mật báo một tiếng. Ta sẽ mang đại quân đến tiếp đón.

Phạm Hạp cả mừng, gật đầu ưng thuận. Sau đó rời khỏi trướng quay về.

Phạm Hạp vừa đi, liền có người đứng ra hỏi:

- Bẩm bệ hạ, hai người này phục tòng dưới trướng Đinh Bộ Lĩnh đã lâu. Nay tự dưng đến hàng, ắt có điều ám muội.

Sách Vương cười, đáp rằng:

- Nếu người dâng thơ hàng không phải Phạm Hạp hay Phạm Cự Lạng. Mà là Lê Hoàn hay Nguyễn Bặc, ta ắt sai ngươi lôi ra chém tuốt. Thế nhưng Cự Lạng, người này rất khác.

Người kia nói:

- Bề tôi không hiểu, nguyện được nghe rõ tường trình.

Sách Vương nói:

- Phạm Hạp với Phạm Cự Lạng vốn là dòng dõi quan lại trong triều. Nhưng tiền nhân đắc tội quan lớn, sau cùng bị cách chức đày làm thứ dân. Đến đời Phạm Cự Lạng thì lên núi làm sơn tặc. Năm đó Đinh Bộ Lĩnh được lệnh Vua, điều quân thanh trừ thảo khẩu thì bắt được Cự Lạng. Cự Lạng đánh không lại nên mới chịu phục tòng dưới trướng Đinh Bộ Lĩnh. Ta xem Cự Lạng người này tâm vốn không phục, nếu ta cho hắn đủ lợi lộc ắt sẽ thành cánh tay đắc lực cho ta.

Chư tướng xung quanh đều gật đầu khen phải.

Thế mới nói là: Thiên Sách Vương chuyên quyền làm uy, lợi dụng lòng ân nghĩa của Nam Tấn Vương mà tranh giành ngôi Vua. Nên trong đầu lúc nào cũng suy bụng ta ra bụng người, dẫn tới trúng kế khổ nhục của Phạm Cự Lạng. Đấy là muốn hối cũng không được.

Phạm Hạp trở về kể lại chuyện với Cự Lạng. Cự Lạng cả mừng, cảm ơn rối rít rồi liền sắm sửa đồ đạc muốn đi ngay.

Hai người mặc đồ dạ hành cải trang, nửa đêm cưỡi ngựa đến cổng thành thì lại gặp một viên tướng, môi son răng trắng, đầu đội mão kim loan, tay cầm bán nguyệt thương, cưỡi ngựa kim ô, hầm hầm giục ngựa chạy lại. Phạm Cự Lạng nhận ra người này, bèn lên tiếng chào hỏi:

- Nguyễn Bặc tướng quân, nửa đêm rồi mà huynh vẫn canh gác ở đây ư?

Có thơ khen rằng: 

"Hoa Lư kết nghĩa anh hùng chúa.

Đại Hữu ân khâm tướng quốc công."

Nguyễn Bặc đáp:

- Tôi vâng mệnh chủ quân, trấn thủ ở đây để đề phòng có người lẻn ra đó.

Vừa nói ánh mắt gã nhìn trừng trừng hai người.

Nguyễn Bặc vốn là con Nguyễn Thước, một nha tướng dưới trướng Dương Đình Nghệ. Tương truyền là người giỏi võ nghệ và có sức khỏe phi thường, từng dùng tay không bắt sống cọp. Là thân tín của Đinh Bộ Lĩnh.

Phạm Cự Lạng cười nói:

- Tướng quân nói vậy là muốn ám chỉ tôi đây hay sao?

Nguyễn Bặc vung mâu một vòng, nói:

- Nói kẻ nào tự kẻ đó biết.

Phạm Cự Lạng cả giận, cũng vác đao lên quát:

- Ngươi khinh ta quá lắm, tiếp ta một đao!

Nói dứt lời liền giục ngựa chạy đến chém một đao.

Nguyễn Bặc hươi mâu đón đỡ, nạt:

- Phản đồ, có ta ở đây ngươi chớ làm càn!

Hai người đánh vùi đến hai, ba mươi hiệp, quần nhau ngay trước cổng thành. Binh lính trên thành hoảng hốt, vội cho người đi cấp báo.

Phạm Hạp bắn pháo hiệu, vội nói:

- Anh ơi, chúng mình đi mau kẻo đại quân kéo đến.

Pháo hiệu nổ oành một tiếng, lập tức phía bên ngoài thành hơn một dặm Thiên Sách Vương dẫn theo binh mã ào ào chạy tới. Nguyễn Bặc thất kinh, đâm bậy một mâu rồi chạy vào trong thành, rồi truyền binh lính đóng cửa thành lại.

Quân của Sách Vương tiến đến, nhưng chỉ đứng cách cổng thành Hoa Lư tầm ba bốn trăm trượng, ngoài tầm tên bắn. Phạm Hạp cùng Phạm Cự Lạng cũng cưỡi ngựa chạy tới trước Thiên Sách Vương, rồi xuống ngựa quỳ tâu rằng:

- Hai anh em Cự Lạng cùng Hạp ra mắt bệ hạ.

Sách Vương mừng lắm, vội đỡ hai người dậy, truyền:

- Hai vị tướng quân chớ đa lễ, có được hai vị trợ giúp chính là phúc của bổn vương.

Nói rồi truyền tả hữu rút về trại, lại lệnh ban thưởng anh em họ Phạm thật hậu.

Sáng hôm sau, quân Sách Vương lại tới công thành. Cự Lạng xin đánh trận đầu lập công, Sách Vương cả mừng liền ưng thuận.

Cự Lạng phi ngựa chạy tới trước cổng khiêu khích. Chư tướng đứng trên thành giận lắm, Bộ Lĩnh hỏi:

- Có ai dám xuống trảm tên phản đồ này cho ta?

Một người đứng ra tâu:

- Mạt tướng nguyện xuống ngựa, ra trận chém đầu tên này.

Bộ Lĩnh nhìn xem người vừa tâu là ai, hóa ra là Lưu Cơ, liền gật đầu chấp thuận.

Lưu Cơ sắm sửa áo mão, ngựa giáp, rồi vác thương xông ra đánh nhầu với Phạm Cự Lạng. Hai người ngang tài ngang sức, đánh được tám mươi hiệp thì ai nấy đều mỏi rã rời. Đánh thêm mấy hiệp nữa, Lưu Cơ liệu bề chống không được, bèn quay ngựa chạy về. Cự Lạng ngó thấy, quát:

- Mi chạy đâu cho thoát!

Nói dứt lời đã giục ngựa rượt theo.

Lưu Cơ thúc ngựa chạy được một đoạn, thấy Cự Lạng đuổi theo không ngớt. Trong bụng hoảng quá, liền dùng phép hồi mã thương, quay phắt lại đâm ra một mâu. Cự Lạng cười ha hả, gạt đao đỡ được rồi chém lại một đao, quát rằng:

- Chỉ là trò mèo mà muốn đâm ai?

Lưu Cơ bị trúng một đao ở vai, sâu tới tận xương. May thay chạy tới tầm cung bắn nên Phạm Cự Lạng không đuổi theo nữa.

Cự Lạng cưỡi ngựa chạy về trung quân, Sách Vương nghe tin mừng không sao tả xiết. Truyền lệnh ban thưởng rồi rút quân về.

Đêm đó, Sách Vương mở tiệc thiết đãi ba quân. Cự Lạng cùng Hạp mừng thầm, nghĩ bụng: Đây quả là thời cơ tốt để cứu Đinh Liễn.

Cùng thời điểm đó, Đinh Bộ Lĩnh y kế của Lý Thông; sai Lê Hoàn, Nguyễn Bặc chia làm hai cánh quân tả hữu, khi có tên hiệu thì đánh vào trại của Sách Vương. Mỗi tên lính phải mang theo một bó rơm, hễ thấy trại địch thì xông vào mà đốt. Lại truyền lệnh cung thủ đợi sẵn, tên tẩm dầu hỏa bắn lửa làm hiệu. Còn Lý Thông cùng Thạch Sanh được lệnh mang trọng giáp kỵ binh vòng qua mai phục phía sau trại.

Nói tới Sách Vương buổi sáng công thành trảm tướng, trong lòng vui vẻ bèn bảo dọn tiệc rượu dưới trăng, cho đàn ca hát xướng tưng bừng, lòng người bâng khuâng như ở chín tầng mây. Tiệc đến nửa tuần, Cự Lạng cùng Hạp xin ra đi giải, nhưng lại âm thầm cứu Đinh Liễn.

Sách Vương đang ngồi ngâm thơ cùng các quan, bỗng có tiếng quạ kêu oang oác. Vương hỏi là điềm gì.

Các quan thưa:

- Quạ kêu canh tư chính là điềm lành.

Lời quan vừa dứt, bầu trời bỗng nhiên đỏ rực, trên trời lấm tấm điểm sáng tựa như hàng vạn ngôi sao bốc cháy. Sách Vương cả kinh, còn chưa kịp hỏi thì có người vào báo là hai bên tả hữu có địch tập kích, mang theo rơm khô đốt trại.

Thiên Sách Vương sợ tái mặt, chợt nghe tiền quân có tiếng quát tháo. Vương chạy ra xem thì thấy Đinh Bộ Lĩnh dẫn binh mã ào ào đánh tới rất gấp. Sách Vương vội lệnh đem Đinh Liễn mang ra trấn áp. Nhưng quân báo về Phạm Hạp cùng Phạm Cự Lạng đã dẫn Liễn đi rồi.

Sách Vương bấy giờ mới biết mình trúng kế, vội cùng các quan và chư tướng lùi về phía sau trại mà chạy. Binh Ngô tuy có bảy vạn, nhưng bị đánh vào trời tối nên không tập kết được đội hình. Bị quân của Bộ Lĩnh tràn vào đánh tan tác. Vương mang theo ba vạn tàn quân chạy dài, phía sau truy quân đuổi tới rất gấp. Một tướng đứng ra tâu rằng:

- Để tôi chặn bọn chúng, bệ hạ hãy mau hồi kinh.

Nói rồi dẫn tám ngàn quân dưới trướng trở lại đánh nhầu.

Lúc ấy trời đã gần sáng, Sách Vương cùng quan văn võ chạy tới núi Phi Vân. Quân binh chạy mấy giờ liền, vốn đã mỏi mệt rã rời. Đột nhiên trên sườn núi có tiếng ngựa hí người kêu, một toán quân trọng giáp kỵ ào ào xông tới. Thiên Sách Vương cả sợ, vứt cả áo mão nhảy lên ngựa chạy dài. Hơn hai vạn quân Ngô còn lại bị trọng giáp kỵ binh đạp nhầu lên, chết không biết đếm bao nhiêu cho hết.

Thiên Sách Vương được chư tướng hộ tống chạy tới mé sườn núi bên tả thì lại bị một người cản lại. Sách Vương trỏ tay, quát:

- Ai chém tên cản đường kia thưởng vạn lượng vàng ròng, ngàn thớt gấm lụa. Phong quan chức lớn.

Ba tướng đi theo nghe vậy cả mừng, giục ngựa lên đánh. Nhưng chỉ mới đánh được mười hiệp, cả ba đều bị người kia chặt đầu. Người kia lạnh lùng nhìn Sách Vương, nạt rằng:

- Tên hôn quân kia, ngươi hại mẫu thân ta. Thù này hôm nay tất báo!

Sách Vương cả sợ, hỏi:

- Ngươi là ai?

Người kia đáp:

- Thạch Sanh, người chém Chằn là ta!

Lúc này, một vị thân tướng bên cạnh Sách Vương là Ngô Bình, phi ngựa lướt đến, quát:

- Điêu dân to gan, có ta ở đây đừng mơ làm hại bệ hạ!

Nói rồi mũi mâu hươi hươi nhắm ngay đầu Thạch Sanh đâm tới. Thạch Sanh vung đao đỡ khỏi, rồi đánh vùi đến tám mươi hiệp, Ngô Bình liệu bề dùng sức khó hơn, bèn đâm bậy một mâu, quày ngựa bỏ chạy, Thạch Sanh giục ngựa rượt theo chém một đao. Ngô Bình chết tuốt.

Lúc này Lý Thông cũng đã mang binh đuổi tới. Thạch Sanh tóm được Thiên Sách Vương, Lý Thông giận chém luôn một đao. Đầu Sách Vương lăn long lóc dưới đất. Giáp Dần, năm thứ tư (954), tức Chu Thế Tông Sài Vinh, Hiển Đức năm thứ nhất, Thiên Sách Vương mất.

Người sau có thơ rằng:

Anh hùng ra quân buổi mới đầu.

Một đao trảm tướng có gì đâu?

Mưu kế thâm sâu, báo thù mẹ.

Nhân nghĩa, ân tình đấng mày râu.