Nói tới Lý Thông cùng Thạch Sanh trảm Chằn Yêu, nhân dân quanh vùng hết lời cảm tạ. Hai vua đều truyền lệnh ban thưởng thật hậu lại phong làm quan tước lớn.
Hôm đó, chiếu chỉ của vua truyền đến làng, Lý Thông đọc xong chỉ ngồi thở dài.
Thạch Sanh đứng hầu một bên, thấy thế liền hỏi:
- Có chuyện gì mà huynh than ngắn than dài thế?
Lý Thông đáp:
- Hai ta chém Chằn Yêu, vốn là lập công giúp dân, giúp nước. Nhưng hiện tại đất nước hai vua, nếu ta nhận chiếu vua này lại đắc tội vua kia. Mà lại, ngày hôm dâng người tế Chằn, ta có buông lời mắng chửi Thiên Sách Vương là hôn quân. E rằng sau này nhập triều khó sống. Ta thở dài vì không biết phải làm thế nào đấy thôi.
Thạch Sanh nói:
- Nếu đã đắc tội Thiên Sách Vương rồi, không bằng chúng mình nhận chiếu của Nam Tấn Vương đi.
Lý Thông lắc đầu, nói:
- Nam Tấn Vương người này tánh tình nhu nhược, tuy trọng đạo nghĩa. Nhưng thời loạn ắt thành mồi cho kẻ khác, cứ xem việc vua không giết Dương Tam Kha, rồi chịu nhịn Ngô Xương Ngập kiêu xấc; là đủ biết kết cục người này ra sao rồi. Ôi, thật đáng tiếc thay, đáng tiếc thay!
Y nói đáng tiếc thay liền hai lần, không biết là tiếc vì Nam Tấn Vương hay là tiếc vì mệnh của mình nữa.
Hai huynh đệ đều trầm ngâm hồi lâu, lát sau Thạch Sanh nói:
- Thế... hai anh em mình bỏ nhà, theo hùng chủ các ấp thì sao?
Lý Thông cũng khen là phải, nhưng lại hỏi:
- Hùng chủ các ấp nhiều lắm, nhưng mấy người đáng cho huynh đệ ta theo?
Thạch Sanh vội lấy phong thơ mà Lê Lương lúc trước đưa cho mình khi hạ sơn, nói rằng:
- Trước khi đệ xuống núi, sư phụ có đưa phong thơ này cho. Bảo là đến gặp một người tên Đinh Bộ Lĩnh, động Hoa Lư. Không biết người này thế nào?
Lý Thông tiếp thơ, đọc xong rồi nói:
- Đinh Bộ Lĩnh người này trước là bộ hạ của Ngô Quyền, trong lòng ôm chí lớn chỉ có điều bị Ngô Quyền lấn át nên người đời không biết đến. Khi Ngô vương chết rồi y mới lộ hùng tâm. Ta xem Đinh Bộ Lĩnh là người có tài, nhưng có mưu mà không quyết đoán, cứ như việc cử Đinh Liễn làm con tin ở triều đấy là biết. Hai ta đầu quân dưới trướng người này cũng coi như tạm ổn.
Thạch Sanh gật đầu, nói:
- Vậy huynh thưa lại chuyện này với mẫu thân, để đệ đi chuẩn bị đồ đạc.
Hai người bàn chuyện xong rồi, y kế chia ra mà làm. Đêm hôm đó, Lý Thông đến trước Lý mẫu, quỳ lạy mà nói rằng:
- Thưa mẹ, con cùng Thạch đệ muốn dời nhà đi Trường Châu tá túc. Mẹ hãy đi cùng chúng con.
Lý mẫu lắc đầu, nói:
- Nhà của ta ở đây, cha ngươi cũng chết ở đây. Ta không muốn đi đâu cả.
Lý Thông lại muốn nói thêm, Lý mẫu đã ngắt lời, nói:
- Mẹ biết tình cảnh bây giờ của con. Là nam nhi thì chí tại bốn phương, không thể cứ mãi ở chốn này được. Mẹ đã già rồi, lòng đã sớm muốn đi bồi cha con nơi chín suối, chỉ là còn vướng bận con ở trần thế côi cút một thân một mình. Bây giờ chí hướng con đã vươn xa, mẹ cũng yên lòng mát dạ.
Lý Thông nước mắt chảy dài, muôn vàn lời muốn nói nhưng lại không thốt ra được. Lát sau làm lễ ba quỳ chín lạy, nói:
- Con cảm ơn mẹ, kiếp này báo đáp không hết. Nguyện kiếp sau lại làm con hai người.
Sáng hôm sau, Lý Thông cùng Thạch Sanh đóng cổng ở trong nhà sắm sửa đồ đạc, đến chiều thì ra ngoài mua hai con ngựa tốt, đợi trời trở tối liền lên đường đến động Hoa Lư mà đi.
Lý Thông vừa rời nhà được ba ngày, quả nhiên Thiên Sách Vương đã sai quân binh tới nhà muốn giết. Nhưng lúc ấy vào nhà thì thấy vắng hoe không có một ai, quan binh sai người lục soát xung quanh. Chẳng mấy chốc tìm được Lý mẫu, nhưng không biết bà đã tắt thở từ bao giờ. Lý mẫu vì không muốn trở ngại sự nghiệp của con, tự vẫn ngay trong nhà.
Người đời sau có thơ rằng:
Vất vả từ thuở còn son,
Nay ngày mẹ mất mà con không về.
Đường dài con vẫn mải mê,
Ân tình, nhân nghĩa, lời thề nặng vai.
Nhắc tới Lý Thông đi tới gần Trường Châu, đột nhiên nôn ra một búng máu ngay trên lưng ngựa. Thạch Sanh cả kinh, vội tụt xuống ngựa chạy đến hỏi thăm. Lý Thông khóc mà rằng:
- Mẹ chúng ta mất rồi. Thiên Sách Vương đã bất nhân thì chớ, nay đem binh soát nhà công thần đấy là thêm bất nghĩa. Kẻ bất nhân bất nghĩa như thế, trời tru đất diệt!
Thạch Sanh nghe vậy thì kinh hãi, rút đao ra quát:
- Để đệ quay về báo thù cho mẫu thân.
Lý Thông vội cản lại, nói:
- Sách Vương biết hai người chúng mình không phải dạng tầm thường, ắt có phái trọng binh đi theo. Đệ quay trở về chỉ có tìm đường chết.
Thạch Sanh không cam lòng, nói:
- Thù này không báo thì còn sống làm sao được.
Lý Thông gạt lệ, xuống ngựa hướng nhà mình mà quỳ xuống, Thạch Sanh cũng vội quỳ theo. Hai người lạy mỗi người chín cái, Lý Thông quay qua, nghiến răng nói rằng:
- Thù này không đội trời chung. Nếu hai ta đầu bình cho Đinh Bộ Lĩnh rồi mà y không chịu mang binh đánh Thiên Sách Vương. Thì ta quyết không theo y đâu.
Thạch Sanh gật đầu, đáp:
- Huynh đi đâu, đệ đi theo đó.
Hai người trong lòng mang thù, ngựa chạy ngày đêm không dứt cuối cùng cũng vào địa phận Hoa Lư.
Khi đó là vào đầu xuân, năm Giáp Dần (954), Đinh Bộ Lĩnh không vào triều chầu vua. Thiên Sách Vương lòng sinh nghi, sai người đến do thám mới biết ý tạo phản của Lĩnh. Sách Vương cả giận, sai người trói Đinh Liễn lại rồi mang quân tiến đánh Hoa Lư. Nhưng Hoa Lư là nơi hiểm địa, dễ thủ khó công, Sách Vương đánh hơn một tháng mà không đánh nổi, bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết.
Đinh Bộ Lĩnh tức giận nói:
- Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?
Nói rồi iền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn mà bắn.
Sách Vương kinh sợ, nhủ thầm:
- Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì.
Bèn không giết Liễn mà đem quân về trại.
Lý Thông ở trong quán trà nghe người kể chuyện như vậy, liền vỗ tay Thạch Sanh cười nói rằng:
- Trước ta nghĩa Đinh Bộ Lĩnh là người chí lớn nhưng có mưu mà không quyết đoán. Bây giờ y lại hướng cung bắn con là lập ý khởi nghĩa rồi. Đó là trời giúp ta báo thù.
Đợi trời trở tối, Lý Thông cùng Thạch Sảnh lẻn đến trước thành Hoa Lư. Thạch Sanh định đem phong thơ giới thiệu cho lính trên cổng thành thì bị Lý Thông cản lại, nói rằng:
- Mình chưa biết Đinh Bộ Lĩnh là người như thế nào, phong thơ này giữ lại đó cái đã.
Nói rồi chỉ báo miệng cho binh sĩ, bảo muốn gặp Đinh Bộ Lĩnh. Một lát sau, binh lính kia trở ra, quát rằng:
- Hai ngươi đi đi, tướng quân nói rằng không muốn gặp kẻ lạ.
Lý Thông không giận, mà nói:
- Xin huynh chờ chút đã, ta chỗ này có lời muốn nói với Lĩnh tướng quân, nhờ huynh chuyển cho vậy.
Tên lính kia thấy Lý Thông ăn nói khép nép, cũng không nỡ lòng từ chối. Bèn nói:
- Người chuyển khẩu dụ hay là lấy giấy viết?
Lý Thông đáp:
- Chuyện này cơ mật, nên giấy viết là hơn.
Tên lính nghe vậy liền ném giấy bút xuống. Lý Thông cầm bút chấm mực, viết vào hai câu. Rồi bọc một thỏi bạc lại, ném lên tường thành, nói:
- Phía trong có mười lượng bạc, coi như tiểu đệ mời huynh uống rượu. Còn tờ giấy kia phiền huynh đưa cho Lĩnh tướng quân.
Tên lính cả mừng, quay trở vào trong.
Nói tới Đinh Bộ Lĩnh đang cùng các tướng ở trong trướng bàn bạc, chợt có người vào báo. Lĩnh giận lắm, nói:
- Ta nói ngươi không nghe hay sao? Bây giờ đang thời kỳ rối ren, lỡ có kẻ gian trà trộn vào thì làm sao?
Nói rồi thét người lôi tên lính kia ra đánh.
Tên lính sợ hãi, vội quỳ xuống nói:
- Bẩm tướng quân, hai người kia có dâng một tờ giấy. Bảo là có chuyện cơ mật cần báo...
Bộ Lĩnh cầm giấy lên, đọc thơ thấy trên đó viết hai câu rằng:
"Muốn cứu được con, bày kế khổ nhục.
Trời giăng mây phủ, đánh trại nửa đêm."
Bộ Lĩnh trong bụng mừng lắm, đọc xong thơ liền đốt đi, vội nói:
- Hai người kia ở đâu? Mau mau truyền vào... Không, để ta đích thân ra đón.
Nói rồi cùng đám thân tín đi ra cổng thành đón người.
Nhắc tới Lý Thông cùng Thạch Sanh vẫn đang đứng bên ngoài, đột nhiên cổng thành mở ra. Đinh Bộ Lĩnh cùng năm người khác chạy nhanh tới. Khi đôi bên thi lễ xong, Bộ Lĩnh liền hỏi luôn:
- Lời ấy của tiên sinh có là thật?
Người xung quanh không hiểu gì cả, Lý Thông cười nói:
- Đương nhiên là thật, nhưng cần tướng quân giữ bí mật cho.
Đinh Bộ Lĩnh khen là phải, rồi mời hai người đi vào thành. Khi Lĩnh hỏi đến danh tánh, hai anh em đều xưng rõ họ tên, dâng thơ của Lê Lương, còn kể tới lý do mình bỏ nhà trốn đi. Chư tướng nghe xong đều kinh ngạc, hóa ra kẻ chém Chằn Tinh lại là hai người trước mặt này.
Đinh Bộ Lĩnh cả mừng, cho chư tướng lui xuống hết, lại hỏi Lý Thông rằng:
- Kế mà tiên sinh chỉ ta, bây giờ phải làm sao?
Lý Thông thưa:
- Tình thế trước mắt, nếu tướng quân đem binh ra đánh thì thắng thua còn chưa rõ. Nhưng nếu thắng thì mệnh Đinh Liễn cũng không qua được. Khi đó người trong thiên hạ đều mắng tướng quân là kẻ vô tình. Ắt bất lợi cho đại nghiệp về sau. Còn nếu thua... thì không cần phải bàn đến nữa rồi.
Đinh Bộ Lĩnh buồn rầu, chỉ im lặng không nói năng gì. Lý Thông nói tiếp:
- Cứ như ý của Thông, tướng quân chọn người thân tín. Lập kế khổ nhục, rồi đưa sang trá hàng Sách Vương. Nhân khi nó không đề phòng thì cứu Đinh Liễn ra. Thông xem tinh tượng, đoán rằng ba ngày nữa trời giăng mây mù, đánh mai phục là thích hợp nhất. Không biết binh lực tướng quân bây giờ còn lại bao nhiêu?
Đinh Bộ Lĩnh đáp:
- Chỉ còn ba vạn, trong đó có bảy ngàn trọng giáp kỵ binh. Một vạn tiễn thủ, còn lại đều là bộ binh hết.
Lý Thông gật đầu, nói:
- Theo ý của Thông, bộ binh tướng quân hãy chia làm ba đạo, một đạo cùng tiễn quân đánh thẳng cửa trại, hai đạo còn lại đánh thọc vào hai bên sườn, lại dụng hỏa công. Binh của Sách Vương công thành đã hơn một tháng, quân binh sinh lòng chán nản. Ta lợi dụng trời tối, ắt bọn chúng phải thua chạy tan tác. Ở phía sau trại Sách Vương có một gò đất nhô cao, cây cối thưa thớt. Tướng quân cho trọng giáp kỵ binh vòng qua mai phục nơi đó, lại tắt đèn giấu cờ, người ngậm tăm, ngựa buộc mõm. Khi tàn quân Sách Vương đi qua thì tràn xuống đánh nhầu.
Đinh Bộ Lĩnh nghe xong mừng rỡ, cầm tay Lý Thông mà rằng:
- Gặp được tiên sinh là trời giúp ta.
Lý Thông lại nói:
- Kế ấy có chi là đáng kể, chỉ có điều, khổ nhục kế phải thành thì Đinh Liễn mới sống được.
Đinh Bộ Lĩnh hỏi:
- Trong bộ tướng của ta biết chọn ai cho được?
Lý Thông đáp:
- Tôi thấy Phạm Cự Lạng là người được hơn cả.
Lĩnh nghi hoặc, hỏi:
- Sao không cử Lê Hoàn hay Nguyễn Bặc?
Lý Thông đáp:
- Hai người này từ nhỏ theo tướng quân. Người đời đều so chẳng khác gì Lưu, Quan, Trương thời Tam Quốc. Nếu trá hàng thì lộ mất.
Đinh Bộ Lĩnh cả mừng, vội truyền cho Cự Lạng vào trướng truyền lại kế ấy. Phạm Cự Lạng quỳ xuống tâu:
- Tôi đây coi Đinh Liễn như cháu của mình, dù cho phải xông núi đao cũng phải cứu Liễn ra được mới thôi.
Ấy gọi là:
Nhất phiến trung can huyện nhật nguyệt. Thiên thu chính khí tác sơn hà.
Bộ Lĩnh nghe nói, chắp tay cảm tạ. Cự Lạng cũng gật đầu một cái rồi lui ra. Hôm sau, Lĩnh nổi trống nhóm hết chư tướng dưới trướng.
Lý Thông cùng Thạch Sanh cũng có mặt. Bộ Lĩnh truyền rằng:
- Sách Vương chuyên quyền làm uy, hại nhà Ngô suy sút. Ta mai đây phải đánh nó một chầu mới yên lòng Tiền Ngô Vương ở dưới hoàng tuyền...
Lời vừa dứt, Phạm Cự Lạng bước ra lớn tiếng nói:
- Lương thảo trong thành sắp hết, chớ nói chi ngày mai. Cho dù sắm mấy tháng cũng không làm được việc gì. Binh quân Sách Vương bảy vạn, đều là tráng hán khắp nơi tụ hội về. Ba vạn quân thì làm sao đánh được. Lại nói Sách Vương là con cháu họ Ngô. Lên làm vua có gì sai trái. Còn như chuyện nhân gian lầm than đấy là do Nam Tấn Vương mới đúng chứ.
Đinh Bộ Lĩnh cả giận, quát:
- Hay cho tên này, chuyện thiên hạ đại sự mà cũng dám buông lời càn rỡ thế ư?
Mắng rồi thét tả hữu lôi Cự Lạng ra chém.
Chư tướng xung quanh phải hết lời van lơn mãi Lĩnh mới nguôi giận tha cho, chỉ truyền người quật Lạng ra đánh một trăm gậy.
Chiều ngày hôm đó, Thiên Sách Vương lại mang binh công thành không được. Nhưng lại bắt được mấy tên lính, Sách Vương truyền lệnh tra hỏi tình hình trong thành thì biết được chuyện Cự Lạng bị đánh. Đêm đấy Sách Vương mừng lắm, hướng các tướng dưới trướng nói rằng:
- Phạm Cự Lạng được gọi là Giao Châu Thất Hùng, nếu như được kẻ này thì Nam Tấn Vương bì sao được với ta.
Chư tướng đều gật đầu khen là phải.