Chương 22: Lý Thông định kế đoạt Cổ Loa. Bộ Lĩnh xem thơ hiểu lòng tướng.

< Quyển 2: Bình Loạn. >

Diệt xong Chiên Đàn Thụ Yêu, Lý Thông mừng khôn kể, kiếp số dễ dàng như thế vượt qua thật khó mà tin nổi. Gặp được Du Văn Tường âu cũng là số mệnh sắp đặt.

Lý Thông mời lão ở lại đàm đạo, lấy lễ trọng hậu mà đối đãi như thượng khách. Nhưng Du Văn Tường nhất mực từ chối, chỉ nói:

- Lão không cần quà vật gì cả, chỉ xin chân nhân giữ trọn lời hứa. Ban cho lão cây trượng báu ấy là đủ.

Lý Thông nói:

- Một lời đã nói tựa như ngọn tiễn đã bắn ra không thể thu hồi được. Nếu đã đáp ứng lão tiên sinh, Thông tôi nào dám trái từ?

Nói rồi bày quân lấy hộp báu ra trao tặng. Du Văn Tường nhận được rồi, nói tiếp:

- Cảm ân chân nhân giữ lời, lão còn câu cuối cùng xin chân nhân lắng nghe.

Lý Thông chắp tay, nói:

- Xin nghe tiên sinh dạy bảo.

Du Văn Tường nói:

- Chân nhân vượt qua kiếp số, coi như tánh mệnh không còn nguy khốn. Từ nay trời cao mặc chim bay, biển rộng mặc cá lặn. Nhưng chớ vì vui mừng nhất thời mà coi thường tam tai. Trong tam tai, tôi thấy ngài dính phải một chữ “Tình”. Nhất tai hóa kiếp, ấy là vì tình kiếp. Âu cũng là anh hùng khó qua ải mỹ nhân đó vậy. Xin chân nhân nhớ lấy, nhớ lấy!

Lý Thông nghe nửa hiểu nửa không, cười đáp:

- Lời tiên sinh nói tôi nghe chưa hiểu, nhưng nguyện lưu giữ trong lòng. Đợi lúc giải bày tỏ tường.

Du Văn Tường thở dài, nói:

- Chân nhân bị nghiệp khí quấn thân, tương lai mịt mờ khó thấy. Tôi nhắc nhở là vì lòng tốt, không muốn một bậc tài trí mai một khỏi dòng thời gian. Đến đây coi như duyên số chúng ta đã hết, lão xin cáo từ.

Nói rồi lui ra khỏi trướng đi mất. Lý Thông đứng ngẩn ngơ hồi lâu mà vẫn chưa hiểu chi hết. Trong lòng buồn bực không thôi.

Lại nói trở về Phạm Phòng Át, tức Phạm Bạch Hổ đóng quân ở Vân Đồn, nguyên là người gốc Nam Sách, từng tham gia trận Bạch Đằng năm 938 chống quân Nam Hán. Ngô Quyền mất, ông mới nổi lên chiếm giữ đất Đằng Châu. Khi Trần Lãm (Trần Minh Công) còn tại thế, cùng từng Bạch Hổ tranh nhau chiếm đóng Hải Đông. Hai bên xích mích cũng từ đó mà ra.

Bạch Hổ không chấp thuận Đinh Bộ Lĩnh cai quản Bố Hải Khẩu. Đến cuối năm 966 đem quân tiến sát biên giới, mưu đồ bất chánh.

Lĩnh đem quân từ Hoa Lư vượt qua sông Hồng tới nghênh cự, sai người đào hào sâu, đắp tường đất ở gần đồng Nội Phủ. Sau này di tích ấy người ta vẫn thường gọi bằng đường đất dài. Xong xuôi, Lĩnh lại lệnh cho bốn tướng là *, mỗi người mang một ngàn binh mã ra đóng giữ các nơi yếu điểm. Lại viết thư phái người ngày đêm gấp rút đưa cho Lý Thông.

Phía bên này, Lý Thông đem quân trở về Hoa Lư, thấy thành ốc vắng hoe. Hỏi quân canh mới hiểu rõ cớ sự, vội truyền lệnh cho chư tướng vào dinh, nói rằng:

-Phạm Bạch Hổ mang binh lấn chủ ta, không đánh hắn một chầu không khỏi khiến hùng cứ khắp nơi khinh thường Hoa Lư anh kiệt. Vậy nên ta mượn ý chủ công, phái Lê Hoàn, Thạch Sanh mang theo ba vạn binh mã hướng Bố Hải Khẩu gấp rút tiếp viện.

Lời vừa nói xong, Phạm Cự Lượng, Trịnh Tú đứng lên tâu:

-Bẩm quân sư, Phạm Bạch Hổ gan to bằng trời. Dám nghịch lại thiên oai, sao quân sư chỉ phải hai vị đi? Chúng tôi ở nhà không biết làm chi. Cầu xin quân sư cho chúng tôi theo hầu. Dù làm phó tướng cũng chẳng hề chi.

Lý Thông bảo:

-Tôi không phái các vị đi, không phải là nhất bên trọng nhất bên khinh. Mà do có điều khuất tất không tiện giải bày. Trận chiến này thắng thua chưa rõ, nếu thắng thì chẳng kể làm gì. Còn không may thua trận không khỏi bị kẻ khác đục nước béo cò.

Nói rồi lấy ra ba phong thư, phân biệt đưa cho Tú cùng Lượng, Bặc, lại nói tiếp:

-Vậy nên, tôi có viết một phong mật thư nầy, nhờ Trịnh Tú ngầm mang gởi cho Kiều Công Hãn đang đóng binh ở Phong Châu. Bảo Công Hãn kéo quân đánh vào Cổ Loa, và hẹn sẽ giúp sức rồi chia đôi mảnh đất ấy. Cổ Loa là thành nằm ở trung tâm ba quận, trong binh pháp Cửu Địa đất ấy gọi là Trọng Địa. Hãn đọc được thư thể nào cũng hưng binh. Còn hai phong thư khác, nhờ Cự Lượng cùng Nguyễn Bặc phân biệt gửi cho Lã Sử Bình cùng Đỗ Cảnh Thạc. Thư nầy lại nói Kiều Công Hãn sẽ mang binh đánh vào Cổ Loa. Nếu hai người kia hay tin thể nào cũng sợ hãi mang binh ra cự. Đến lúc đó quần anh tranh đấu, chúng ta ngư ông thủ lợi. Cổ Loa thành trở tay là lấy được, có khó gì?

Lý Thông giao thư cho ba người rồi, ai nấy lui xuống hết chỉ lưu Lê Hoàn lại. Đưa cho Hoàn một phong thư khác rồi bảo:

- Tôi còn một bức mật thư. Tướng quân cầm lấy, nhất định phải đích tay gửi cho chủ công. Chớ để ai đọc thư này!

Hoàn lạy tạ rồi lui ra. Chư tướng cũng giải tán hết.

Hết ngày hôm ấy, Hoàn cùng Thạch Sanh lĩnh ba vạn binh mã. Lê Hoàn dẫn một vạn làm tiên phong, đi trước mở đường. Còn Thạch Sanh thì dẫn quân theo sau. Quân binh đi hết sáu ngày thì tới Bố Hải Khẩu.

Đinh Bộ Lĩnh nghe tin báo có viện binh tới, vội đi ra khỏi trướng đón tiếp. Lê Hoàn xuống ngựa quỳ rạp, nói:

-Hoàn bái kiến chủ thượng.

Chủ tớ gặp nhau mừng sao kể xiết. Lĩnh vì việc Phạm Bạch Hổ mà ngày đêm không yên lòng, gặp được Hoàn rồi thì mừng lắm. Chủ tớ ôm nhau dắt tay vào trướng. Lĩnh hỏi:

-Chỉ có ngươi tiếp ứng ta thôi à?

Hoàn đáp:

-Thuộc hạ dẫn quân tiên phong, phía sau còn có Thạch Sanh. Riêng chư tướng được lệnh quân sư, gửi mật thư cho các hùng chủ. Quân sư ấy là sợ bọn họ đục nước béo cò.

Lĩnh cả mừng, lại hỏi chuyện công phạt Ngô Xương Xí ra làm sao? Hoàn kể lại đầu đuôi sự việc. Lĩnh nghe xong mừng lắm, cười nói:

-Quân sư quả là bậc trí mưu. Trời không phụ đất Nam ta!

Hai người trò chuyện được một lúc, lát sau Lê Hoàn mới đem bức thư kia trình lên. Đinh Bộ Lĩnh cho quân trong trướng lui ra hết, giở thư ra đọc. Thấy có ghi rằng:

“Chủ Công ở trên, cho bề tôi quỳ lạy mà bẩm tâu. Chuyện xưa viết rằng, năm xưa Võ Vương phạt Trụ từng hỏi Thái Công: Nguyên tắc dụng binh quan trọng nhất là phải có chiến xa mạnh và kỵ binh anh dũng, đội quân sẵn sàng xông pha trận mạc, khi phát hiện kẻ địch hở thì tấn công. Vậy làm sao mới biết đó là thời cơ tốt để tấn công?

Thái Công nói: Muốn tấn công kẻ địch phải nắm rõ mười bốn tình cảnh bất lợi cho kẻ địch. Nếu xuất hiện là có thể tấn công, kẻ địch chắc chắn sẽ bị đánh bại.

Võ Vương hỏi: Mười bốn tình cảnh đó là gì?

Thái Công đáp: Khi kẻ địch vừa tập kết chưa ổn định, khi kẻ địch không đủ lương thực phải chịu đói, khi thời tiết khí hậu bất lợi cho kẻ địch, khi địa hình bất lợi cho kẻ địch, khi kẻ địch di chuyển vội vã, khi kẻ địch không phòng bị, khi kẻ địch đang mệt mỏi, khi tướng địch rời khỏi mà không có ai chỉ huy, khi kẻ địch phải đi đường dài, khi kẻ địch đang qua sông, khi kẻ địch đang hoảng loạn, khi kẻ địch đi ngang con đường hiểm trở, khi kẻ địch hàng ngũ rời rạc, khi kẻ địch trong lòng bất an.

Nay Thông tôi xem thư báo Phạm Bạch Hổ kéo quân tới bờ cõi chúng ta, xét thấy đã phạm vào bảy điều đại kỵ trong mười bốn tình cảnh.”

Đinh Bộ Lĩnh đọc tới đây hai mắt đã tỏa sáng, vội giở sang tờ thứ hai. Thấy ghi rằng:

“Phạm Bạch Hổ tuy dẫn binh sáu vạn, nhưng quân ô hợp là chủ yếu, chưa quan huấn luyện bài bản. Đánh một trận thì chẳng sao, nhưng hành quân tác chiến lâu dài ắt gặp điều bất lợi trước quân tinh nhuệ. Ấy là phạm phải điều bất lợi thứ nhất.

Bây giờ đang vào tiết Đông Chí, hoa màu chưa gieo trồng được. Bạch Hổ phát binh ắt phải lấy từ lương thực dự trữ. Sáu vạn binh mã mỗi ngày tiêu thụ lương thực đâu phải con số nhỏ, người xưa có nói: Ba quân chưa động, lương thảo đi đầu. Chỉ cần chủ công dẫn kỳ binh, đánh vào lương thảo chính là khiến chúng phạm vào bất lợi thứ hai.

Điều bất lợi thứ ba là địa hình, Bố Hải Khẩu xuất phát là vùng cảng biển, sau do phù sa các sông bồi tụ vùng "Kỳ Bố" chuyển thành vùng cảng sông của sông Hồng và sông Trà Lý mới dần trở thành đất liền. Kỵ binh tác chiến trên địa hình này bị sụt giảm tới bảy phần. Quân ta đa phần giáp nhẹ, tác chiến mười phần phù hợp.

Điều thứ tư, nơi chủ công đang đóng giữ cùng với Đằng Châu bị ngăn cách bởi hai con sông. Kẻ địch sang sông ấy là thời cơ tốt nhất để đánh. Nếu thắng lợi, ắt khiến địch phạm vào ba điều khác là: Khi kẻ địch hàng ngũ rời rạc. Khi kẻ địch đang hoảng loạn. Khi kẻ địch có lòng bất an.

Theo ngu ý của Thông, chủ công tuy binh ít mà tinh, tướng tuy ít mà giỏi. Còn như Phạm Bạch Hổ binh mã sáu vạn, nhưng tướng tá có bao nhiêu? Trận này đánh ắt thắng vậy. Chủ công chớ vì thế mà phiền lòng!”

Đinh Bộ Lĩnh đọc xong, hơi nhíu mày, quay qua hỏi:

-Lúc quân sư gửi thư này có dặn dò thêm gì chăng?

Hoàn kể lại từng câu từng chữ lúc Lý Thông phân phó chư tướng.

Lĩnh nghe xong thì thở dài, nói:

-Quân sư chính sợ ta nghi kỵ vậy.

Lê Hoàn không hiểu, hỏi:

-Chủ công nói vậy là có ý gì?

Lĩnh đem thư cho Hoàn đọc, rồi đáp:

-Quân sư gửi thư cho ta mà không cho kẻ khác đọc, ấy là sợ công cao lấn chủ đó vậy. Trong thư viết điển tịch Lục Thao - Khuyển Thao kể về Võ Vương và Thái Công luận binh. Xưa kia Thái Công phò Võ Vương trấn áp loạn thế, nay quân sư lấy điển tàng ấy ra kể đó là muốn tỏ rõ lòng son. Nhưng Đinh Bộ Lĩnh ta đâu phải loại người như vậy? Quân sư như Hàn Tín, ta lại không phải Lưu Bang!

Lê Hoàn xem xong thư, cảm thán rồi nói:

- Nếu trận này đánh xong Phạm Bạch Hổ, lại nhân lúc Cổ Loa tam quân tranh đấu mà ngồi ngư ông thủ lợi. Há chẳng phải đẹp lắm ru? Quân sư đi một nước, tính hai nước. Đúng là có quân sư như có cả thiên hạ vậy!

Lĩnh trầm ngâm không đáp, lát sau đột nhiên nói:

- Lần này khải hoàn ta muốn ban hôn cho y cùng con gái ta.

Lê Hoàn giật mình, hỏi:

- Đây cũng là ý hay, nhưng không biết chủ công chọn vị tiểu thơ nào?

Lĩnh nói:

- Là Ngọc Nương.

Dừng chút, Lĩnh lại nói tiếp:

- Lần trước ta nghe quân sư mời dị nhân bày trò Xuân Phả mê hoặc yêu quái đó ư? Ngọc Nương tính tình tuy bướng bỉnh, nhưng lại rất thích ca múa. Tuy quân sư tướng mạo không tốt lắm, nhưng kẻ tài cao thì kể chi dung mạo. Ngọc Nương chắc cũng hiểu và không từ chối mối hôn sự này!