Chương 21: Gặp dị nhân, Lý Thông ứng kiếp. Lập đàn phép, Cồ Việt khai sinh.

Lại nói tới Lý Thông nhận được vật báu, bụng mừng khôn xiết, vội cho người lập ra một bảng, gọi là Thần Binh bảng. Tuy nhiên, mỗi vật đều có phép báu riêng nên chỉ liệt kê ra chứ không hề phân thứ bậc.

Danh sách đó là:

1/ Thiên Vấn Bảo Kiếm

2/ Tru Ma Đao (Đao của Thạch Sanh)

3/ Huyền Vũ Phá Thiên Cung (Cung làm từ lẫy rùa thần)

4/ Điểu Vân Phá Hồn Thương

5/ Bá Vương Quỷ Diện Giáp

6/ Lục Chỉ Cầm Ma

7/ Bích Ngọc Thiên Trượng

8/ Bách Luyện Diệt Hồn Châm

9/ Lưu Tinh Phi Thiên Phiến

Lập xong bảng ấy, Lý Thông mới tính cách phân phát cho chư tướng. Vật tuy báu, nhưng phải xem người dùng. Trong Giao Châu Thất Hùng thì Nguyễn Bặc là kẻ giỏi dùng thương nhất, vậy nên Lý Thông tặng cây Điểu Vân Phá Hồn lại cho y. Bá Vương Quỷ Diện Giáp thì tặng cho Lê Hoàn. Lưu Tinh Phi Thiên Phiến tặng cho Phạm Hạp. Riêng chư tướng còn lại thì không ai sử đàn cầm, trượng, châm, mà ra chiến trường cả, nên mấy món kia đành cất vào kho, đợi lấy người hữu duyên.

Nguyễn Bặc trong lòng vốn hổ thẹn, từ chối không dám nhận. Lý Thông phải khuyên lơn mãi mới chịu thôi. Giữa lúc đó, có quân binh vào tâu rằng:

- Bên ngoài có lão già, vừa khóc vừa cười, chúng tôi đuổi đi mà không được. Cứ xin được vào gặp quân sư.

Trên đời này kỳ nhân dị sĩ nhiều vô kể, Lý Thông không dám phớt lờ, truyền lệnh cho vào. Lão già được quân binh dẫn vào tới nơi, Lý Thông ngước thấy người này tuổi tầm bát tuần (80), da vàng như nghệ, răng sáng như đồng, bụng lấy làm kỳ, bèn hỏi:

- Chân nhân tu hành chốn nào?

Lão già cung kính vái một cái rồi tâu:

- Lão tên Du Văn Tường, người phương Bắc, thuở thiếu thời đã từng đi qua nhiều nước, coi nhiều thứ lạ, biết được tiếng các dân mọi, học được thuật làm mình vàng và răng đồng nên nhìn khác lạ thế thôi. Chứ không dám nhận là chân nhân.

Lý Thông cười rồi nói:

- Không biết tiên sinh tại sao đứng trước thành vừa khóc vừa cười? Chẳng hay ám chỉ chuyện chi?

Du Văn Tường đáp:

- Lão cười, ấy là do đất Giao Chỉ này sinh ra bậc tuấn kiệt. Thống nhất một cõi sơn hà, non sông yên ổn, xã tắc bền vững, há chẳng phải vui quá rồi cười ư? Còn khóc là do thượng thiên không mắt, để cho yêu vật làm càn, hại kẻ trung lương. Dẫn tới loạn trong giặc ngoài… Ôi, quả là buồn quá thay!

Lý Thông cả ngờ, nói:

- Lời tiên sinh nói tôi không hiểu lắm, yêu vật hạ phàm làm chuyện ác. Tôi đã cầu tiên thần trấn áp chúng nó. Bây giờ khắp chốn mừng ca, chớ nói chi có yêu vật quấy phá.

Du Văn Tường nói:

- Chân nhân mất pháp thuật, không coi quẻ tượng được nên chẳng thấy đó thôi. Vùng Bạch Hạc, núi Mỹ Hầu có con thụ yêu, đạo hạnh cao không biết bao nhiêu. Nó được Mộc Lộc Địa Tiên ứng báo, nay muốn hạ sơn mà gây họa cho chân nhân đó. Tôi vốn dĩ không biết tài đoán quá khứ vị lai, nhưng mấy bữa trước có vị tiên thần báo mộng cho hay, nên mới tới đây nhắc cho chân nhân được biết.

Lý Thông được nghe Thạch Sanh kể chuyện, biết Mộc Lộc Địa Tiên bị bửu kiếm Thiên Vấn trảm rơi đầu. Nghe Du Văn Tường nói như thế thì không nghi ngờ gì nữa, bước xuống án vái dài, nói:

- Nếu tiên sinh đã biết như vậy, phải chăng có cách ứng đối? Tôi cảm kích khôn cùng.

Du Văn Tường nói:

- Lão dám qua đây hiển nhiên là đã nghĩ ra cách, nhưng chỉ xin chân nhân một thứ. Coi như trừ ơn giải kiếp.

Lý Thông nghe nhắc tới kiếp, trong bụng hoảng thành một đoàn. Quả nhiên, kiếp nạn đã tới. Qua được hay không là nhờ vào người trước mặt này, bèn nói:

- Tiên sinh cứ nói, dầu khó khăn tới đâu tôi cũng cố mà làm theo.

Du Văn Tường nói:

- Lão nghe đồn chân nhân rèn được sáu món bảo vật. Trong đó có một cây trượng, hễ kim quang chiếu tới đâu cho dù vết thương chí tử cùng lành lặn như thường. Nay lão mạo muội xin chân nhân vật ấy. Như thế có được hay chăng?

Lý Thông nghĩ bụng: “Sáu món vật ấy ta theo lời tôn sư mới rèn nên, cộng thêm ba món khác thành chín vật. Thiên địa lấy Cửu vi cực, ấy là dùng cái thuận thiên để chống kiếp nạn. Nếu như cho tướng tá thân cận thì chẳng sao, lỡ như vào tay người ngoài không khỏi bị khuyết thiếu khí vận.” Nhưng nghĩ kỹ lại, nếu như qua khỏi kiếp này, còn lại ba tai với tài nghệ của mình thì qua khỏi dễ dàng, đoạn cười rồi nói:

- Nếu như tiên sinh đã nói như vậy, tôi lẽ nào chối từ. Chỉ xin tiên sinh dạy cách trừ kiếp nạn ấy.

Nói dứt lời, một mặt truyền quân binh lo khoản đãi, một mặt phái người lấy cây Bích Ngọc Thiên Trượng đặt vào hộp quý. Du Văn Tường vội nói:

- Kiếp nạn chân nhân chưa qua, lão chưa vội lấy vật ấy. Cứ để đó khi nào trừ được con yêu này thì lão lấy cũng chưa muộn.

Nói rồi lại dạy cho Lý Thông rằng:

- Chiên Đàn Thụ Yêu thuở xưa từng bị Kinh Dương Vương dùng thuật thần đánh bại. Cây tinh này hơi chịu khuất phục nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ. Hàng năm tới ngày ba mươi tháng chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, cây tinh mới để cho được yên ổn. Tới khi Tần Thủy Hoàng bổ Nhâm Ngao làm quan lệnh Long Xuyên, Nhâm Ngao muốn bỏ tệ lệ ấy đi, cấm không được nạp lễ người sống, Chiên Đàn Thụ Yêu tức giận trù chết Nhâm Ngao. Vì thế, sau lại phải phụng thờ nhiều hơn nữa. Nay con yêu ấy hạ sơn báo cừu, chân nhân hẵng lập một cái đàn cao hai chục trượng, dựng một cây đứng ở trong, tết vỏ gai làm dây thừng dài trăm ba sáu thước, đường kính rộng ba tấc, lấy mây mà quấn ngoài rồi chôn hai đầu dây xuống đất, giữa gác lên cây. Đến sát ngày đó thì cho người lên ca hát, gõ trống khua chiêng, mổ gà giết heo mà tế.

Lý Thông cẩn thận nghe, xong dặn dò kẻ dưới y thế mà làm theo, không được sai sót. Xong hết thảy, Du Văn Tường lại nói tiếp:

- Lão thuở trẻ chu du khắp chốn, qua năm nước là Hoa Lang, Tú Huần, Ai Lao, Ngô Quốc và Chiêm Thành. Mỗi nơi đều học được thuật pháp lạ kỳ. Nay tiên sinh chọn ra cho lão một nhóm người, già trẻ trai gái không quan trọng, chỉ cần biết múa hát là được. Lão sẽ truyền thuật pháp mê hoặc thụ yêu để chân nhân bày trận chém giết.

Lý Thông ưng thuận, truyền lệnh cho Lê Hoàn đi tuyển người. Chẳng mấy chốc đã tuyển được hơn năm chục người, ai cũng đều có khiếu ca hát nhảy múa. Du Văn Tường chia năm chục người ấy thành năm nhóm khác nhau, dạy trò riêng.

Nhóm thứ nhất dạy Trò Hoa Lang với các nhân vật ông, cháu, mế nàng và mười quân. Trang phục gồm áo dài, đầu đội mũ cao da bò, tay trái cầm quạt tay phải mái chèo, đeo mặt nạ làm bằng da bò phết sơn trắng, mắt có lông công. Mũ Chúa được chạm rồng, chạm mặt nguyệt ở mũ Quân.

Nhóm thứ hai dạy Trò Tú Huần hay Lục Hồn Nhung. Trò này có trang phục đầu đội mũ lóng làm từ tre, đeo mặt nạ gỗ miêu tả bà cố, mẹ và mười người con được chia thành năm cặp, mặt vẽ theo độ tuổi từ trẻ đến già, với một tới năm cái răng. Mũ tre đan như rế nồi úp ngược có lạt tre làm tóc bạc, đội trên miếng khăn vuông vải đỏ bịt đầu tóc. Nghe hồi trống, cụ cố già, người hầu bên cạnh cầm quạt, lượn hai vòng quanh sân nghè, vái chào. Bà mẹ gõ xênh nhảy theo nhịp ba gần ban thờ, quỳ vái. Theo nhịp trống, mười con chia thành từng đôi, tiến lùi theo mẹ múa.

Nhóm ba dạy Trò Ai Lao, gồm có Chúa Lào chúc mừng, có người hầu theo sau đấm lưng, lính bảo vệ (mười quân), voi và hổ nhảy múa theo tiếng xênh tre được gõ nhịp liên hồi, biểu trưng cho sức mạnh săn bắt nhưng cũng rất mềm mại, uyển chuyển. Chúa đầu đội mũ cánh chuồn mặc áo chàm xanh. Quân lính đội mũ rễ si, quấn phá ngang vai, chân mang xà cạp và tay cầm xênh tre xếp thành hai hàng với những điệu múa mô phỏng việc săn bắn hái lượm.

Nhóm thứ tư dạy Trò Ngô Quốc. Trò Ngô Quốc có hai nàng tiên, ông chúa và mười quân đầu đội nón lính, áo màu lam, tay cầm mái chèo trông như người Mãn. Đầu màn có xuất hiện nhân vật người bán thuốc, người bán kẹo và thầy địa lý múa một đoạn ngẫu hứng rồi nhường chỗ cho các nàng tiên cùng chúa và đoàn quân đi ra. Kết thúc trò cũng là điệu chèo thuyền với lời ca lưu luyến:

Gió tăm tắp buồm chạy ra khơi

Chàng về Bắc quốc, em thời An Nam

Mưa đâu chớp đấy cho cam

Mưa qua thành Lạng chớp ngàn mây xanh

Trò cuối cùng là Chiêm Thành. Trò Chiêm Thành ngoài chúa, quân còn có thêm nhân vật phỗng. Áo chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa, đều nhuộn màu đỏ hồng và không thêu thùa hoa văn. Chúa và quân đều vấn khăn vuông đỏ thành hai sừng thẳng đứng trên đầu. Áo phỗng là cổ sòi, cổ xiêm quấn xung quanh mình. Sau khi chúa đọc văn tế và hai phỗng dâng hương, đoàn quân ngậm mặt nạ gỗ kỳ dị nhảy múa, giống các tư thế trong các tượng Chàm.

Lý Thông thấy tên của năm trò này đều tượng trưng cho một quốc gia, giống như năm phương tiến chầu, trong bụng không khỏi hiếu kỳ, bèn hỏi:

- Năm trò này tưởng chừng như riêng biệt, nhưng tôi lại thấy có điểm chung. Không biết tiên sinh học ở đâu được năm trò lạ thế?

Du Văn Tường cười nói:

- Chân nhân quả là bậc trí tài, năm trò này vốn là một thể, gộp chung lại gọi là “Ngũ Quốc Lân Bang Đồ Tiến Cống”. Lão không học được mà là do có người truyền cho, còn như ai truyền thì xin thứ lão không thể tiết lộ được.

Lý Thông nghe thế cũng không gặng hỏi, suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Nếu đã tuy năm mà một, không bằng gọi chung là Trò Xuân Phả đi. Từ nay về sau, hễ cứ tới ngày này thì cho dân lập đàn diễn trò Xuân Phả.

Bấy giờ Lý Thông vẫn đang đóng quân ở Châu Ái, lệnh này truyền ra khắp vùng. Trò Xuân Phả cũng được lưu truyền từ đó.

Dạy quân diễn trò xong, Du Văn Tường nói:

- Lão dạy người diễn trò, ấy là mê hoặc Chiên Đàn Thụ Yêu, khiến nó mất cảnh giác. Còn như giết thế nào thì phải cậy tài của chân nhân rồi.

Lý Thông chắp tay lạy tạ, nói:

- Cái đấy xin tiên sinh yên lòng, tôi tuy mất pháp thuật nhưng có thanh bửu kiếm của Thánh Nhân. Con yêu kia mất canh phòng tôi chém nó như gọt rau thái dưa.

Bấy giờ, Chiên Đàn Thụ Yêu cùng đệ tử đằng vân mà đi, khi tới biên giới Giao Chỉ, thấy nơi đây hồng vân sáng rực, không khỏi than ngắn thở dài:

- Năm xưa ta thành Địa Tiên thời điểm, đất này chỉ là một nhúm nhỏ. May có Lộc Tục (Kinh Dương Vương) gầy dựng mới trở nên non xanh thủy tú như vầy. Đã mấy ngàn năm, bây giờ nhìn lại quả là cảm thán không thôi. Ta báo cừu cho huynh trưởng xong rồi, phải thu dọn động phủ dời sang phương Bắc. Chứ ở lâu đất Nam này không khỏi bị tiên thần trả thù, dầu đạo hạnh cao tới đâu cũng trở về con số không.

Nói rồi cùng học trò vén mây sà xuống, giây lát thấy ở dưới có người đàn ca nhảy múa tưng bừng. Mùi gà, heo cúng tế xông lên nức mũi. Chiên Đàn cả ngờ, quay qua bảo đồ đệ:

-Mi đứng trên canh chừng, để ta xuống coi bọn nó giở trò chi.

Nguyên Bảo vâng dạ, đứng canh trên vầng mây. Chiên Đàn hóa phép thành đạo hào quang hạ xuống. Chỉ thấy ở dưới có đàn cao, giữa treo cây hồng đăng, xung quanh có năm nhóm người nhảy múa. Tiếng chiêng trống tưng bừng, Chiên Đàn không khỏi xiêu hồn, nghĩ bụng chưa bao giờ thấy cảnh tượng vui vẻ như thế.

Đột nhiên ánh sáng chớp loé, một thanh bửu kiếm không biết từ đâu bắn nhanh ra, hào quang tựa như chớp giật. Chiên Đàn mải mê xem múa, tâm thần bị cây đăng treo giữa đàn hấp mất, không hề để ý. Đợi thanh kiếm cách cổ chừng nửa thước thì Nguyên Bảo đứng trên hét toáng lên:

-Sư tôn cẩn thận!

Chiên Đàn tỉnh lại trong tích tắc, thấy bửu kiếm trước mặt, cách nhau chưa tới nửa thước. Trong bụng kinh hoàng, vội hoá phép lấy ra một cái bửu bối hình chiếc lá vứt ra. Bửu kiếm bay tới bị chiếc lá kia quấn chặt, không tài nào xê xích được. Tuy tránh thoát khỏi một kiếp, nhưng vẫn sợ hãi không thôi, tự nhủ:

-Ta bị người thi pháp thu nhiếp tâm thần. Nếu không phải có Nguyên Bảo nhắc nhở thì bây giờ đã đầu một nơi thân một nẻo mất rồi. Kẻ này tính kế quả ghê gớm, tuyệt không thể lưu!

Lý Thông đứng dưới cùng chư tướng, thấy bửu kiếm suýt giết được thụ yêu, nhưng giây lát bị bửu bối khác chặn lại. Không khỏi chắt lưỡi tiếc thầm, vội thò tay vào túi móc ra Bách Luyện Diệt Hồn Châm liệng hết lên thinh không, rồi hét lớn:

-Thạch Sanh! Mau bắn kẻ đứng trên mây. Không cho chúng hợp lực.

Lời vừa dứt, trăm cây độc châm bắn ra như mưa, phong tỏa trước sau Chiên Đàn Thụ Yêu. Còn Thạch Sanh đứng chầu bên cạnh, lập tức rút cung chắp tên nhắm Nguyên Bảo mà bắn.

Nguyên Bảo nguyên hình là con chồn tinh, nên tính tình nhát bẩm sinh. Thấy phía dưới có kẻ dùng pháp bửu nhắm mình bắn thì không khỏi sợ vỡ mật, há miệng phun ra một luồng khói đen dày đặc, bao trùm toàn thân. Ấy là phép Yên Độn. Nguyên Bảo trốn đi mất, cây thiên tiễn không có mục tiêu kêu vút một tiếng rồi quay trở lại túi tên.

Chiên Đàn bị vây khốn, thấy đồ đệ mình nhát cáy như thế thì không khỏi giận dữ, lấy từ trong người ra thêm hai món bửu bối khác nữa. Là một cây trượng gỗ cùng một tấm vỏ cây.

Lý Thông tuy không biết hai vật này ghê gớm ra sao, nhưng từ trong tay một con yêu tu hành mấy ngàn năm thì chắc chắn không phải đơn giản. Hắn vừa gấp vừa hoảng, hướng giữa tế đài hỏi:

-Tiên sinh thi pháp được chưa. Chậm thêm nữa thì chúng tôi nguy mất.

Du Văn Tường dường như không nghe thấy, thành kính thắp hương trước án rồi quỳ lạy đủ chín lạy, miệng lẩm bẩm châm ngôn. Ngũ Quốc Lân Bang Đồ Tiến Cống cốt yếu ở “Ngũ Quốc tiến cống” chúc mừng một quốc gia mới được khai sinh. Còn như quốc gia nào thì ở tương lai mới biết được. Điệu nhảy rất nhanh tới hồi kết, trên đầu các nhân vật hoá vai hiện lên chân linh tiên thần ngũ phương. Bởi vì tầm nhìn có hạn, nên Lý Thông cũng không biết danh tính các vị thần này.

Năm tôn tiên thần ngự trên cao, đồng loạt chắp tay hô:

-Chúc mừng khai sinh Đại Cồ Việt! Chúc mừng khai sinh Đại Cồ Việt!

Tiếng hô vang vọng trời cao, ai nấy tâm thần đều bị chấn nhiếp. Chiên Đàn thụ yêu cũng chẳng ngoại lệ, gã bị hào quang lướt qua đánh hiện nguyên hình là một cây thụ yêu khô quắt. Lý Thông biết thời cơ đã tới, cắn đầu ngón tay bật cả máu chỉ vào Thiên Vấn Bảo Kiếm, hét:

-Bây giờ không hiển uy! Còn đợi tới khi nào?

Lời dứt, Thiên Vấn Bảo Kiếm vùng lên tránh khỏi chiếc lá, bắn vụt ra cắt luôn đầu Chiên Đàn. Thế là, một con yêu tu hành mấy ngàn năm, từ thuở Xích Quỷ cùng Kinh Dương Vương đánh đến thiên hôn địa ám. Cứ như vậy mà chết đi.

Mệnh trời quả là khó đoán!

---

Lời tác giả: Vậy là Quyển 1 (20 chương) đã hoàn thành. Bây giờ bắt đầu Quyển 2 sẽ đi vào cuộc dẹp loạn 12 sứ quân. Và mối tình tay ba giữa Lý Thông, Thạch Sanh cùng công chúa Quỳnh Nga. Mong các bạn độc giả vẫn sẽ theo dõi truyện, mặc dù tui hơi nhác và lâu ra chương.