Chương 28: Chương 11 - part 2

Đừng cho rằng những câu chuyện không rõ ràng này chỉ là do ngu dân chúng ta bịa đặt ra, mà ngay cả những người thuộc bậc tiên sinh đọc đầy bụng sách cũng chỉ có thể đạt đến trình độ đó mà thôi. Trong tác phẩm Duyệt vi thảo đường bút ký - Loan Dương tiêu hạ lục, quyển một, Kỷ Hiểu Lam đã viết về một con ma đòi nợ cao tay hơn cả Tống Huy Tông.

Đây là câu chuyện xảy ra ở huyện Hiến tỉnh Hà Bắc - quê của Kỷ học sĩ. Một tên thiếu gia họ Hồ thích cô con gái của Trương Nguyệt Bình - một nhà nho có tuổi, đòi cưới về làm thiếp. Trương Nguyệt Bình không đồng ý. Nhân lúc hai mẹ con nhà họ Trương về quê mẹ, tên họ Hồ liền sai người châm lửa thiêu chết Trương Nguyệt Bình và ba người con trai của ông. Sau đó tên họ Hồ lại giả làm người tốt lo việc tang lễ, cưu mang hai mẹ con nhà họ Trương. Vài hôm sau, hắn tìm gặp bà Trương, tiết lộ ý định muốn cưới con bà làm thiếp. Cảm kích trước ân huệ của hắn đối với gia đình mình, bà Trương bèn đồng ý gả con gái cho hắn, nhưng cô con gái nhất quyết không nghe. Và rồi đêm hôm đó, cô con gái nằm mơ gặp cha mình: “Nếu con không gả cho hắn thì cha làm sao thực hiện được tâm nguyện của mình? Làm sao cha có thể nhắm mắt xuôi tay nơi chín suối?” Thế là cô con gái họ Trương trở thành thiếp của nhà họ Hồ. Một năm sau, cô sinh hạ một bé trai tên Hồ Duy Hoa. Hồ Duy Hoa chính là Trương Nguyệt Bình đầu thai. Khi lớn lên, Hồ Duy Hoa theo tà giáo, chuẩn bị tạo phản, kết quả bị quan phủ phát hiện, dẫn một đội quan quân đến bao vây nhà họ Hồ, quan quân phóng hỏa tấn công, toàn bộ già, trẻ, gái, trai trong nhà đều bị thiêu chết. Hồ Duy Hoa đương nhiên cũng nằm trong số đó. Như vậy, Trương Nguyệt bình đã hoàn thành được tâm nguyện báo thù của mình, tiêu diệt toàn bộ nhà họ Hồ.

Những câu chuyện hư cấu này nếu truyền ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, có lẽ sẽ khiến đám người ngoại quốc cười sằng sặc, nào là “nỗi nhục Tịnh Khang”, “mối hận dân tộc”… chẳng qua là bọn họ tự đòi nợ chính mình mà thôi. Tất cả đều là định mệnh. Hận quốc thù nhà cứ như vậy được giải quyết một cách nhẹ nhàng!

3

Nếu như mỗi câu chuyện chỉ là sự hư cấu ly kỳ, hoang đường, thì dù tốt xấu thế nào cũng có thể lừa gạt được một số người. Nhưng nếu làm cho nó trở nên “không rõ ràng”, e rằng đến ngay cả thằng ngốc cũng chẳng thể lừa nổi. Thử nghĩ, giả sử bạn muốn mượn bạn mình một trăm nghìn tệ, bạn nói, kiếp này tôi không trả anh thì kiếp sau tôi xin làm con trai anh, khi sinh ra đã mắc bệnh tim bẩm sinh kèm theo chứng bại liệt trẻ em, nếu cảm thấy chưa đủ, vậy thì lớn lên nó sẽ trở thành một tên lưu manh. Cho dù người bạn đó đã từng “tình cảm vào sinh ra tử” với bạn, thậm chí tính tình còn rất thoải mái xuề xòa, nhưng e rằng khi nghe bạn nói như vậy anh ta sẽ không bao giờ đem tiền cho bạn vay. Vì thế, nếu cho rằng người ta bịa đặt những câu chuyện như vậy chỉ để trừng phạt cảnh cáo những tên quỵt nợ, vậy chẳng phải đã đánh giá quá thấp trí tuệ của người xưa hay sao? Chúng ta hãy nhìn nhận những câu chuyện về ma đòi nợ theo góc độ khác.

Trong quyển sáu cuốn Di kiên chi chí quý tập của Hồng Mại thời Nam Tống có câu chuyện như sau, Y Đại Lang ở vùng Tú Châu sinh hạ được một cậu con trai. Khi lớn lên trở thành đứa con bất hiếu, ăn chơi trác táng, phung phí tiền của, cuối cùng lăn ra chết. Y Đại Lang vô cùng đau đớn, người ta khuyên ông lên đền Phúc Sơn Nhạc Thần tế lễ, nói rằng lên đó tế lễ có thể nhìn thấy vong hồn của con trai. Ai ngờ, sau khi đến đó, vong hồn của đứa con trai quả nhiên xuất hiện, nhất nhất túm lấy Y Đại Lang, không chịu buông tay, vong hồn đứa con trai quay lại nói với mẹ nó rằng: “Việc này không liên quan đến mẹ. Kiếp trước ta là huyện ủy của một vùng, một lần có thuê thuyền qua sông, Đại Y là người lái thuyền, thuyền bơi đến giữa dòng hắn đẩy ta xuống, cướp số tiền mà ta mang theo. Nay ta quay lại đòi mạng!” Người mẹ khóc lóc nói rằng: “Cha mẹ nuôi con hai mươi năm, dồn tất cả mọi tâm sức để nuôi con nên người. Tiền của trong nhà đều bị con phung phí hết, chẳng lẽ như vậy còn chưa đủ hay sao?” Vong hồn kia đáp: “Tiền đã trả hết, nhưng hắn vẫn nợ ta một mạng người.” Kết cục Y Đại Lang bị vong hồn bắt đi, sự việc được giải quyết.

Nhưng ở đây, ngoài bị đòi nợ ra, câu chuyện còn liên quan đến vấn đề tình thân thời bấy giờ. Y Đại Lang có tội phải chịu tội, nhưng người mẹ không nợ đứa con điều gì, vậy công ơn nuôi dưỡng vất vả của bà dành cho đứa con thì sao? Khi đòi nợ kì kèo từng đồng, nhưng cũng không thể bỏ qua tình cảm và những gì “người khác” (bây giờ không gọi là mẹ nữa, mà gọi là vợ của người mang nợ) đã hy sinh ình. Chỉ một câu “việc này không liên quan đến mẹ!” cũng đủ để xóa bỏ tất cả những tình cảm đó chăng? Vậy thì có phải việc đòi nợ này lại biến thành một món nợ khác? Chi tiết này rất ít khi được những người theo chủ nghĩa nhân quả lưu tâm, và trên thực tế chính họ đã cố tình né tránh nó, thậm chí có kẻ còn quy cả bà mẹ vào danh sách kẻ thù. (Câu chuyện Bà Đới thấy con chết trong quyển bốn tác phẩm Canh ký biên của Lục Xán sống vào đời nhà Thanh, thực chất là bản gốc của câu chuyện Con trai nhà họ Liễu trong Liêu trai, chỉ có điều trong câu chuyện trước, khi đi gặp hồn ma của người con trai đã chết, người mẹ suýt nữa mất đi mạng sống của mình, là người mẹ đi gặp chứ không phải người cha.) Đọc nhiều câu chuyện như vậy nhưng tôi chỉ nhớ câu chuyện về “ma đòi nợ được Thanh Dụng, đời Thanh kể trong quyển một, tác phẩm Dực Quynh Bại biên, sau khi việc đòi nợ đã hoàn tất, con ma đòi nợ mới nói một câu: “Công ơn của mẹ kiếp này con chưa trả được, xin hẹn đến kiếp sau đền đáp.” Tuy cái “kiếp sau” ở đây rất mong manh, nhưng đọc đến câu này, ai cũng thấu được chút tình thương ấm áp vốn có trong xã hội loài người.

Những câu chuyện này luôn né tránh nhắc tới công ơn dưỡng dục của người mẹ là có căn nguyên của nó. Bởi chúng vẫn ẩn giấu một “chủ đề thứ hai”, tức dùng thuyết quả báo để chữa lành nỗi đau mất con. Đứa con trai đã trở thành chủ nợ, vậy thì nó chết thì cứ chết, chẳng can hệ gì tới tôi. Khá điển hình là câu chuyện Tứ thập thiên trong Liêu trai chí dị. Nội dung câu chuyện như thế nào, chúng ta đều đã biết quã rõ: “Một người giàu có bỗng nằm mơ thấy có người xông vào nhà, quát: “Người nợ ta bốn mươi quan tiền, nay đến lúc phải trả rồi.” Nói xong người đó đi thẳng vào phòng ngủ. Ông ta sợ hãi bừng tỉnh, đúng lúc này, vợ ông sinh được một cậu con trai. Người này lập tức đoán ra đứa con trai là “nghiệt truyền kiếp”, gã bèn đem bốn mươi quan tiền cất vào trong một căn phòng riêng, tất cả mọi chi tiêu ăn mặc, thuốc thang của đứa bé đều được lấy từ khoản tiền đó. Năm đứa bé ba, bốn tuổi, thấy số tiền đó chỉ còn bảy trăm đồng, gã bèn nói với đứa con: “Bốn mươi quan tiền đã gần hết rồi, ngươi cũng nên đi rồi chứ!” Vừa nói xong, khuôn mặt đứa con liền biến sắc, mắt trợn ngược, cổ gãy gập, rồi tắt thở trong nháy mắt. Số tiền bảy trăm đồng còn lại được dùng lo chi phí mai táng, khoản nợ thực sự đã được trả hết!

Cái gọi là “nghiệt truyền kiếp” không phải là món nợ người đó nợ ở kiếp này, mà là món nợ nghiệp chướng từ kiếp trước để lại. Người giàu có nọ thật sáng suốt, ông biết bản thân mình ở kiếp trước đây đã quỵt nợ người ta, nên ông không hề tranh luận gì, đứa con do vợ ông sinh ra là chủ nợ, vì thế ông càng không cần thiết phải tự dày vò mình có nên nhận cha con hay không. Sáng suốt thì sáng suốt, nhưng xem chừng ông ta cũng quá lãnh đạm chăng? Nhưng những câu chuyện thuộc thể loại này lại cần cái lãnh đạm như vậy, lãnh đạm đến mức khiến những người làm cha mẹ khi mất con mà như trút được một gánh nặng, như gọt đi được một cái nhọt, như tiễn được một chủ nợ bấy lâu cứ ở nhà mình không đi!

Nói một cách công bằng, trên thế gian, chẳng có bậc cha mẹ nào lại coi đứa con mình dứt ruột snh ra rồi nuôi khôn lớn là món nợ kiếp trước của mình, dù miệng có mắng chúng là “ma đòi nợ” thì trong lòng bố mẹ vẫn chỉ có tình yêu thương dành cho con. Nhưng nếu trong nhà có đứa con mang căn bệnh suốt đời không chữa khỏi, luôn bị bệnh tật dày vò, đau đớn, gia cảnh vì thế mà lâm vào tình cảnh khốn cùng, hoặc trong nhà có tên nghiệt tử, không chỉ bất hiếu với bố mẹ, mà nó còn là một mối đe dọa xã hội, thì sự ra đi của nó chưa chắc đã không khiến bậc làm cha làm mẹ cảm thấy mình như được giải thoát. Những nam giới chết yểu chưa chắc đều là những người bệnh tật hoặc phá gia chi tử, nỗi đau mất con của bậc làm cha làm mẹ vốn rất khó nguôi ngoai, nỗi đau đó cứ dày vò tâm can, miệng than kêu khóc, và rất có thể khiến sức khỏe suy kiệt tới mức đe dọa đến tính mạng. Nhưng đây hoàn toàn là những điều vô bổ, vì thế, những câu chuyện “ma đòi nợ” cứ xuất hiện với số lượng lớn, sử dụng quan hệ nợ nần hư cấu để “vô tình hóa” quan hệ cha con, cái “vô tình” ở đây chính là từ có tình biến thành “vô tình”, dựa theo ý đồ đó, tác giả của những câu chuyện muốn an ủi, giải tỏa nỗi đau buồn của cha mẹ. Nhưng chúng ta cũng có thể nhận thấy, đằng sau những cái vô tình đó vẫn là những cái hữu tình sâu sắc khó có thể hóa giải.

“Y Viên đàm dị - Nói về những chuyện ma quái ở Y Viên” xây dựng câu chuyện “Tứ thập thiên” còn tàn nhẫn hơn rất nhiều. Nhà họ Trần sinh hạ được một cậu con trai, ông biết đứa con trai là do chủ nợ đầu thai tới đòi nợ, bèn ôm lấy đứa bé, nói:“Hỡi tên họ Triệu, nếu ngươi đã đến đòi nợ, thì từ nay một xu, một hào chi tiêu cho ngươi ta đều ghi vào sổ, đến khi đủ hai trăm lượng thì thôi. Ngươi thấy thế nào?” Quả nhiên đứa bé sơ sinh nghe vậy liền gật đầu hiểu ý. Ông Trần làm đúng như vậy, từng đồng, từng hào chi tiêu cho đứa con trai ông đều ghi chép lại cẩn thận. Nhiều năm sau, đứa con trai đã lên bảy, đang chơi đùa ngoài sân, lúc này ông Trần bước tới trước mặt nó, nói: “Ngươi đừng chơi nữa. Vừa rồi ta đã tính toán sổ sách cho ngươi, số tiền hai trăm lượng đã được dùng hết, còn dư một nghìn đồng, đủ để lo liệu nốt cho ngươi, ngươi có thể đi được rồi.” Đứa bé nghe vậy không nói lời nào, nó trừng mắt nhìn ông Trần, và một lúc sau, nó thét lớn một tiếng rồi chết. Những câu chuyện thuộc loại này không ngừng được lặp lại, nhưng chúng lại không muốn sử dụng một tình tiết đơn giản nhất là đã biết đứa con là chủ nợ đến đòi khoản tiền hai trăm lượng, vậy sao không bóp cổ cho nó chết đi, rồi dùng hai trăm lượng đó mua một chiếc quan tài cao cấp, vậy có phải giảm được bao nhiêu việc không?

Tuy nhiên, sự giằng xéo trong mối quan hệ cha con không chỉ dừng lại ở đó.

4

Sau khi viết xong Tứ thập thiên, tác giả Liễu Tuyền đặc biệt viết thêm một đoạn như sau:

Xưa kia có người đến tuổi gần đất xa trời mà vẫn không sinh được một mống con trai, họ đi hỏi tất cả các bậc cao tăng, cao tăng nói rằng: “Ngươi không nợ ai điều gì, và người khác cũng không nợ ngươi, vậy ngươi làm sao mà có con trai được?” Sinh được con ngoan, ấy là do cái số được báo đáp, sinh ra con hư ấy là do khoản nợ ta phải trả. Vì thế, kẻ sống đừng có vội vui, người chết cũng không nhất thiết phải buồn.

Cao tăng Vân Vân đã trích dẫn chương Vấn đề không có con trai - vô tứ thuyết trong quyển một cuốn Thức tiểu lục của Từ Thụ Phôi, nguyên văn như sau:

Một người rất giàu có, nhưng khổ nỗi không có con trai, ông bèn tìm đến một vị Thiền sư hỏi nguyên do vì sao. Vị Thiền sư nói: “Ngươi không thiếu của nó (ý chỉ đứa con trai) thứ gì, nó cũng chẳng thiếu của ngươi cái gì, vậy thì làm sao nó tìm đến ngươi được?”

Danh hiệu của vị Thiền sư này tuy không được lưu lại, nhưng rõ ràng ông là một cao nhân giỏi tính toán sổ sách. Người kiếp trước không nợ gì của ta, và người ta cũng không nợ gì của anh, vì thế, kiếp này sẽ không có người đến đòi nợ hay trả nợ anh. Hàm ý ở đây rất rõ ràng, nó đã cung cấp cho những người không có con trai một lý do xác đáng để giải tỏa sự cười nhạo của người đời, những người này phải biết sống lạc quan, chấp nhận nỗi cô quạnh khi về già. Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn luôn coi việc “không có con trai” là quả báo của những kẻ thất đức, nhưng khi bắt gặp lập luận cao siêu của vị Thiền sư kia, tất cả đều cần thận trọng trước những phát ngôn của mình.

“Bất hiếu có ba loại, trong đó không có người nối dõi tông đường là tội lớn nhất.” Ban đầu khi nói câu này, Mạnh Phu Tử không hề có ác ý nào cả, mà nó chỉ muốn làm người ta đừng quên đi cái bản năng sinh vật của mình, là phải làm sao khiến dòng tộc của mình phát triển về sau, có điều, một khi đã nâng lên đến bậc cao của chữ “hiếu”, câu nói đó lại khiến các nhà đạo đức học tìm ra không ít cơ hội thể hiện tài biện luận của mình. Không sinh được con trai đã đủ khiến người ta lo lắng, các nhà đạo đức học lại nói, anh chắc chắn đã làm chuyện gì đó thất đức, để rồi sau đó một loạt các cuộc điều tra nghĩa vụ được thực hiện, nhưng cũng chẳng đưa ra được kết quả nào, thế là họ bèn nhận định rằng do tổ tiên của anh có vấn đề, chí ít cũng cần phải điều tra họ tộc ba đời về trước, cho đến cửu tộc hiện thời, vụ án sẽ không kết thúc nếu chưa phát hiện được một vài “ẩn ác”. Vụ án kết thúc rồi cũng chẳng giúp được gì cho án chủ, mà chỉ khiến anh ta thêm nhiều tai tiếng, để từ đó tên tuổi của các nhà đạo đức học được đánh bóng hơn, được nhiều người biết hơn.

Cứ như vậy, những khổ chủ không sinh được quý tử không thể không tìm ình một căn cứ để biện bạch. Đương nhiên anh ta sẽ không điều tra tám đời tổ tiên của mình, mà “lần hỏi nguyên do”, ngay tức khắc câu hỏi được đưa đến môn hạ của Phật Như Lai. Hóa ra việc không sinh được quý tử chẳng liên quan gì tới lịch sử gia tộc của mình, mà là do kiếp trước mình sống quá ngay thẳng, không nợ nần ai, cũng không ai nợ nần mình. Như vậy có nghĩa là, những người sinh được quý tử cũng giống như những kẻ không thể dựa vào sự giàu nghèo để kiêu ngạo với đời, bản thân họ đã đánh mất tư cách tự hào của mình.

Sự thực không thể né tránh, vấn đề của kiếp trước ngay cả đội điều tra của hoàng thượng cũng chẳng thể làm sáng tỏ được, mà dẫu có làm rõ rồi cũng đành bó tay mà thôi. Các chính khách cũng để tâm đến việc thanh toán nợ cũ hệt như “sư tử Hà Đông”, nào là khi tôi làm nhóm trưởng, ngày nào tháng nào anh đã cãi lại tôi, khi đã trở thành một nhân vật có tên tuổi, những việc trong quá khứ đương nhiên phải trở thành đường lối để thanh toán nợ nần, thậm chí ngay cả những việc tệ hại xảy ra từ thời mặc quần để chẽn cũng được đưa vào án trạng, để rồi lưu lại trong trang sử đấu tranh cá nhân của mình. Nhưng dù họ có đưa ra những điều luật khắc nghiệt để ép tội người nào đi chăng nữa, thì việc điều tra cũng chỉ dừng lại ở kiếp này mà thôi, chứ không thể truy cứu trở về kiếp trước - cho dù kiếp trước có là Tần Hội[1] cũng vậy mà thôi! Tập hai quyển Sơn trai khách đàm, Cảnh Tính Tiêu đã viết, Thiên Tào phán quyết xử Tần Hội chịu án hình phanh thây ba mươi sáu lần, xử trảm ba mươi hai lần, đến lần thứ n, khi đã sang thời Đại Thanh, Thiên Tào đã thành công trong việc khiến Tần Hội đầu thai thành con gái một gia đình Kim Hoa. Về sau, người đàn bà này phải chịu án tùng xẻo, nguyên nhân bởi ả đã mưu hại chính chồng mình, nếu nghĩ rằng, chỉ vì tiền kiếp của người đàn bà đó là Tần chân dài (biệt danh của Tần Hội), chắc chắn chẳng thể kết án được ả.

[1] Một trong mười đại gian thần của Trung Quốc.

Vì thế, dựa theo quan điểm của nhà Phật, những gia đình tuyệt tự không có người nối dõi tông đường, hay sinh được những kẻ “phá gia chi tử” là thoát được những dây dưa về đạo đức, cắt đứt mọi can hệ giữa mình là tổ tiên. Sự thanh thản đó tựa như việc trải qua bao cấp thẩm tra, cuối cùng đã làm sáng tỏ tiền sử cá nhân cũng như xuất thân gia đình đều trong sạch, giống như vừa được uống liều thuốc nhuận tràng, giúp rửa trôi tất cả những thứ tích tụ lâu ngày trong ruột, như vậy há chẳng thể liệt vào điều ba mươi tư “không có con cũng là một điều vui” sao? Thế là, cái lý luận cao siêu của vị Thiền sư kia được “chính sách hóa” thành “không nợ không thành cha con”, trở thành một điều kinh luật kinh điển muôn đời không thay đổi hệt như việc “không mắc oán thì không thành vợ chồng” vậy. Câu nói nổi tiếng “không nợ không thành cha con” đã tiết lộ lời bình của phần Vị khách Phần Châu tập năm tác phẩm Dạ hàng thuyền - Con thuyền đêm - ai có hứng thú có thể tìm hiểu xuất xứ sớm hơn nữa của nó. Nhân tiện cũng nói thêm rằng, quyển Con thuyền đêm hay hơn, thú vị hơn rất nhiều so với một tác phẩm khác cùng tên, tuy danh tiếng của tác giả không thể nào so sánh được với Trương Tông Tử, chỉ có điều, không hiểu tại sao cho đến nay vẫn chưa có ai dịch quyển sách này, khiến cho câu chuyện đặc sắc như vậy gần như bị nhấn chìm.

Tuy nhiên, đằng sau sự hưng phấn đó vẫn còn tồn tại một vài vấn đề. Những gì được quan tâm phía trên chỉ là của kiếp này và kiếp trước, nếu chúng ta suy xét kỹ một chút, nghĩ đến kiếp sau của chúng ta, con cháu của chúng ta sẽ ra sao? Kiếp này người ta nợ ta, kiếp sau chắc chắn ta sẽ làm một con ma đòi nợ, nếu kiếp này ta nợ người khác, thì kiếp sau ta ắt sinh được một tên “phá gia chi tử”. Dù ta nợ hay bị nợ đều trở thành một vấn đề nan giải, vậy thì ta không vay mượn đi, nhưng hậu quả của việc không vay mượn còn đáng sợ hơn, anh muốn làm con trai nhà người ta, người ta nói: “Cậu không nợ tôi, tôi không nợ cậu, vậy cậu đến đây làm gì?” Cứ suy luận như vậy thì con người sẽ mắc kẹt tại đó, muôn đời cũng không thoát ra được.