Chương 18: Chương 07 - part 3

Nhìn thấy ngoài trung đường quần áo chất thành núi, người đứng bên cạnh nói đây là Bác y đình, bất luận là có tội hay vô tội, quần áo mặc lúc lâm chung đến nơi đây đều phải cởi bỏ hết.

Ở đây nói về Bác y đình đã có sự thay đổi, bất luận là có tội hay vô tội, chỉ cần là quần áo mặc trên người thì đều phải cởi ra. Nhưng theo các trường hợp trước đây ở âm phủ, đó là nơi để bắt tù binh, không phải nơi tiếp đón của triều đình, có lẽ là nơi chỉ để hỏi tội, hỏi phúc của hồn ma, bất luận họ là hoàng thân quốc thích hay là bách dân trăm họ. Đương nhiên ý nghĩa của nó ở đây là việc thay đổi phong tục tang lễ không để vượt cấp.

Thanh lâu mộng, hồi thứ ba mươi tư lại đưa ra một cách nói hoàn toàn khác, ý nghĩa của Bác y đình là để cho những linh hồn có tội mặc da cầm thú lên người.

Đến đầu cầu Tiên, rộng đến mười phân, nhìn thấy ở giữa có một ngôi đình, có rất nhiều người ở đó. Ấp Hương đến gần để xem, thấy nhiều người đang vây quanh một người con gái đang giặt quần áo ở đằng xa, trong khoảnh khác đã cởi sạch sẽ, trên người không mảnh vải che thân. Ấp Hương nhìn thấy vậy, đột nhiên rất tức giận, nói: “Chốn âm phủ thật là vô phép tắc, vì sao bắt một người con gái đoan trang lột bỏ hết quần áo như vậy?” Quỷ tay sai đáp: “Nơi đây là Bác y đình, phàm những phụ nữ ở trên dương thế không hiếu thuận với cha mẹ đều phải lột bỏ hết quần áo, để cho họ thay phận đổi kiếp, đi làm súc vật.” Quỷ tay sai vừa nói xong, thấy người con gái đó bò dưới đất, một tướng quỷ liền đem tấm da dê đặt lên người cô gái đó, mặt người thân vật, kêu khóc thảm thiết. Lại một tướng quỷ khác đem mặt của con dê ấn vào mặt của cô gái, rồi chỉ nghe thấy tiếng kêu của con dê, diện mạo xinh đẹp lúc trước đã không còn.

Bất kể là người hay là ma, bị lột trần như nhộng đi qua công đường, chỉ cần nghĩ đến thôi cũng thấy bất nhã lắm rồi, cho nên phong tục tang lễ ở một số nơi đã đưa thêm một điều khoản vào. Trung Hoa toàn quốc phong tục chí, tập ba, Hồ châu vấn tục đàm cũng có đoạn ghi chép về Bác y đình như sau:

Tất cả mọi người sau khi chết đi đều phải đi qua đình này, nếu không sẽ bị ác quỷ lột bỏ. Về quần áo mặc lúc lâm chung, người nhà khi tụng kinh niệm phật siêu độ cho người chết cũng có câu: “Quần áo trên người của ngươi ở đâu mà có, quần áo trên người của tôi ở nhà có, văn võ vá thái lâm, Quan m nương nương khai lĩnh làm vòng dây cài khuy áo, khi mặc đi rồi không quay trở lại.” Vừa mặc vừa niệm, họ nghĩ rằng như vậy người chết sẽ không bị lột quần áo nữa.

Vẫn còn một điển tích rất độc đáo không thể không nói tới ở đây, đó là trong tiểu thuyết chương hồi viết về hàng rào phòng vệ núi của Sơn Đại Vương, không hề có Bác y đình[20], không làm gì cũng bị “Ngưu tử” mổ ***g ngực moi tim. Việc làm này không biết có nhằm mục đích hòng đạt được linh cảm từ dưới âm phủ hay không?

[20] Theo Thuyết nhạc toàn truyền của Tiền Thái, người đời Thanh, hồi ba mươi ba.

Vọng hương đài[21]

[21] Nghĩa là: đài cao nhìn về cố hương.

Vọng hương đài cũng là một trong những cảnh dưới âm phủ mà nhiều người biết đến, tên gọi có ý nghĩa du nhập từ nhân gian vào. Vương Bột, người đời Đường đã từng có lời thơ gợi nhắc: Cửu nguyệt cửu nhật Vọng hương đài, với Đỗ Phủ thì đó là Cộng nghênh trung sứ Vọng hương đài, hay Giang thông thần nữ quản, địa cách Vọng hương đài. Nói đến Vọng hương đài ở Thành Đô, nơi Vương Dương Tú thời Tùy - Thục xây dựng nên, Ngô Dung, đời Đường có câu thơ: Thích liên hoang thú tần tần hỏa, thiên tuyệt khiên vân vọng vọng lôi, tạc dã thu phong dĩ dao lạc, ná kham canh thượng Vọng hương đài, Trương Thuấn Dân, người đời Tống viết: Bạch cốt tự sa sa tự tuyết, tướng quân hưu thượng Vọng hương đài. Nói đến Vọng hương đài ở ngoài biên giới, truyền lại rằng xây dựng nơi đây là vì tướng quân nhà Hán, Lý Lăng, cũng có nghĩa là lão võ leo lên một đài cao, vì leo lên đài cao để hoài niệm về cố quốc, nên đặt tên là “Vọng hương đài”, nhưng hoàn cảnh của ông ta như vậy là vì không có tiền để tự xây cho riêng mình một vọng đài kiên cố.

Vọng hương đài này du nhập vào âm phủ có thể là từ thời nhà Tống, nhưng cũng chưa chắc chắn lắm. Hồng Mại, người thời Nam Tống khi viết cuốn Di kiên bính chí, quyển chín, Nhiếp Bôn Viễn thi có ghi lại việc hồn ma của Nhiếp Bôn Viễn làm một bài thơ thất luật, câu cuối cùng là: “Hồi thủ lâm xuyên quy bất đắc, u trung hư khủng vương vọng đài.” (Nhiếp Bôn Viễn ở thời Bắc Tống những năm cuối làm sứ giả đến nước Kim để cầu hòa bình, ông đã đem cả ngọn núi Tây Sơn cắt cho Kim Lỗ, vì thế khi ông ta quay trở về, đi qua Giáng Châu, người ở Giáng Châu vô cùng tức giận, liền bắt ông ta kéo lên tường thành, “quyết kỳ mục nhi phụ chi” rồi.) Nhưng “u trung hư khủng vương vọng đài”, cần phải dùng cách đọc thơ để lý giải, cũng có thể nói là dùng câu chuyện Vọng hương đài của Lý Lăng, chưa hẳn lúc đó dưới âm phủ đã có tục Vọng hương đài, nhưng dù thế nào đi nữa, thì ở đây đã có sự liên kết Vọng hương đài ở trần thế với âm phủ làm một.

Đến thời Nguyên, Vọng hương đài đã chính thức có ở âm phủ, ngoài những vở Kinh kịch thời Nguyên thường thấy nhắc đến ra, trong Thủy hử: “Răng cắn chặt, ba hồn đến trong uổng (oan) tử thành, cuống họng khô rát, bảy hồn tập trung trên Vọng hương đài”, nổi danh từ rất sớm cùng với uổng tử thành và trở thành đại danh từ dưới âm phủ. Đến thời Minh Đại, Vọng hương đài thường xuyên được gặp trong văn thơ, tiểu thuyết, và nổi tiếng nhất đương nhiên là Mẫu đan đình hoàn hồn ký, sau khi Đỗ Lệ Nương chết, linh hồn được thần Hoa Lĩnh đưa đến Vọng hương đài, từ đó có thể nhìn thấy phụ mẫu ở Dương Châu. Còn Tam bảo thái giám tây du ký, hồi tám mươi bảy, miêu tả càng cụ thể, tỉ mỉ hơn:

Vương Minh đi theo Thôi phán quan, đi một hồi, chỉ nhìn thấy bên trái có một tòa đài rất cao, bốn phía xung quanh được xếp bởi đá, cao tầm mười trượng, hai bên trái phải là đường đi bộ, bên trái là đường lên, bên phải là đường xuống. Dưới đài có vô số người, người đi lên, người đi xuống, người đi lên đều có tâm trạng ưu phiền, người đi xuống thì nước mắt hai hàng. Vương Minh liền hỏi nhỏ: “Tỉ phu, tòa đài kia có tên là gì? Vì sao có nhiều người ở đó khóc vậy?” Phán quan đáp: “Cậu cả, người có điều không biết, đa số người phàm trần khi chết, ngày đầu tiên đều tập trung ở miếu thổ địa nơi mình sinh sống. Ngày thứ hai được giải đến miêu Đông Nhạc, gặp Thiên tề nhân thánh Đại Vương, đặt số trước. Ngày thứ ba mới đến chỗ chúng ta là Thành Đô quỷ quốc. Khi đến đây, tâm của anh ta vẫn chưa chết. Diêm Quân vốn có một hiệu lệnh, đồng ý cho anh ta lên trên đài này, hướng về phía quê nhà, mọi người khóc một trận to, lúc đó tâm mới chết, vì thế tòa đài này có tên là Vọng hương đài.”

Lại có một Vọng hương đài khác do Địa Tạng Bồ Tát tạo ra, Bồ Tát vốn có tấm lòng nhân ái, đài này được dựng lên cũng là vì thấy thương xót cho những hồn ma nhớ quê hương. Hồng lâu phục mộng, hồi bảy mươi bảy có đoạn viết:

Chân phán quan chỉ đạo: “Nơi đây có tên thôn Cao Lý, Địa Tạng Phật từ bi tạo nên cao đài, chính là nơi mà gọi là Vọng hương đài. Những người phàm chết sau bảy ngày, đến đài nhìn về phía quê nhà, cũng là kết thúc mọi việc của một đời, từ đây sẽ biệt ly gia đình mãi mãi.

Chỗ này nói là Vọng hương đài ở thôn Cao Sơn, đó là điều tự nhiên mà tác giả cuốn tiểu thuyết tùy ý cho thêm vào. Nhưng rốt cuộc Vọng hương đài ở phương nào dưới âm phủ, ở mỗi cuốn sách lại có cách nói khác nhau. Huyện Sơn Tây Bồ, miếu Đông Nhạc có Vọng hương đài, được đặt tại Bát điện đô thị Vương ở bên cạnh cầu sông Nại. Đó chỉ là tính hình tượng hòng thu nhỏ cảnh quan lại, thu nhỏ một cách tối đa có thể. Dự đoán đặt ở khu vực Bát điện (thập điện Diêm La ở đó là nơi “tập hợp làm công chế”, năm vị ngồi vào một phòng rộng không đủ ba mươi mét vuông, còn phải dành ra một chỗ để khảo vấn hồn ma), âm phủ không thể không có Vọng hương đài, vì thế tìm một nơi đất trống đặt ở đó, thực tế cũng không nhất thiết phải đặt ở Bát điện.

Trong Liêu trai chí dị có câu chuyện Canh thập bát, Vọng hương đài là nơi vào cửa âm phủ, nhưng không yêu cầu tất cả hồn ma đều phải ở đó. Ở đây có chút khác biệt so với người trần thế, nên có tên gọi là “tư hương địa” thì cách nói này có vẻ hợp lý hơn:

Nhìn thấy có một đài cao, người đến đó rất đông, kẻ lên người xuống, nghe người ta nói đây chính là “Vọng hương đài”. Tập trung nhiều người ở đây, đứng lộn xộn chờ đến lượt mình vào. Nếu có người chống lại thì hoặc bị đạp xuống, hoặc mất cơ hội lên đài. Chỉ khi nào đọc đến canh, thì mới được vào, số lượng mười cấp, từ người đầu tiên cho đến người cuối cùng. Ngẩng đầu nhìn, cửa nhà, khuôn viên của gia đình đã ở ngay trước mặt. Nhưng bên trong nhà âm u, giống như mây phủ, đau thương, buồn khổ đến khôn cùng.

Trong Thuyết nhạc toàn truyền, hồi bảy mươi mốt cũng đề cập đến nội dung tương tự như ở Liêu trai, cả hai đều cho rằng: Vọng hương đài nằm trong Quỷ môn quan, nếu nhảy xuống Vọng hương đài thì sẽ không thể quay lại trần thế:

Hà Lập qua Quỷ môn quan, nhìn thấy một tòa đài cao, Hà Lập hỏi: “Xin hỏi, đây là nơi đâu?” Người hầu nhanh nhảu đáp: “Đây chính là Vọng hương đài.” Trong phút chốc đến trước đài, Hà Lập hỏi: “Ta lên trên nhìn một chút, không biết có được không?” Người hầu lại đáp: “Tôi đi lên cùng ông.” Hai người lên trên đài, Hà Lập nhìn một chút, quả nhiên là thành Lâm An ở ngay trước măt. Người hầu hỏi: “Ông nhìn thấy quê nhà rồi, sao còn không đi về?” Có người chen lấn ở phía sau, Hà Lập chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi trượt chân ngã xuống đài, bỗng nhiên bừng tỉnh, thì ra đó chỉ là giấc mộng, một cơn ác mộng!

Trong Ngọc lịch bảo sao cũng có nhắc tới Vọng hương đài, nhưng việc sắp xếp Vọng hương đài thật không hợp tình, hợp lý. Đã đem đài đặt ở Ngũ điện Diêm Vương, đồng thời lại không phải tất cả các hồn ma đều được phép đi vào:

Ngũ điện Diêm La Vương thiên tử nói, hôm nay đến bổn điện, quỷ phạm tội, tạo nghiệp chướng, chuyên làm việc ác, không cần phải nhiều lời. Ngưu đầu mã diện, dẫn ra cao đài nhìn một chút là được. Thiết kế đài này có tên gọi “Vọng hương đài”, mặt giống như cái lưng còng, nhìn về ba hướng đông, tây, nam, độ cong tám mươi mốt dặm, đằng sau giống như dây cung. Ngồi bắc kiếm thúc làm thành, đài cao bốn mươi chín trượng, xây sáu mươi ba bậc, người hiền lương không đi vào đài này, có công hai bình, nhưng đã chết, chỉ có ác quỷ, đứng từ đó nhìn về cố hương rất gần, có thể nghe thấy giọng, nhìn thấy hành động của người thân, từ người già đến trẻ nhỏ, từ nam đến nữ, thấy họ không thực hiện di chúc, không dạy dỗ được, khổ vì tranh chấp tài sản, nam thì muốn lấy vợ mới, nữ thì muốn đi lấy chồng khác, tài sản ruộng điền bị che giấu, phân chia bè phái...

Đằng sau vẫn còn rất nhiều, đại ý là gọi đám tội hồn xem tình cảnh gia đình mình sau khi mình chết, nhà tan cửa nát, sau khi để họ phải chịu cực hình trên cơ thể, trong lòng lại chịu thêm một lần giày vò nữa. Tâm lý tác giả Ngọc lịch bảo sao có vẻ có chút biến thái, chuyên dùng cách khủng bố nhân thế làm nhiệm vụ của mình, đối với việc cải tạo Vọng hương đài cũng vậy. Nhưng nhân gian cũng có biện pháp để đối phó. Trung Hoa toàn quốc phong tục chí, trong phần Thọ xuân mê tín lục có nói: “Người chết sau ba ngày lên Vọng hương đài cấm người nhà khóc lóc. Tục cho rằng người chết không biết vì sao mà chết, đi đến Vọng hương đài mới biết mình đã làm quỷ, nếu khóc lóc sẽ làm cho người chết càng đau khổ hơn.” Trên thực tế, người nhà khóc ròng ba ngày liền, nếu không thay đổi chút không khí thì cũng không chịu nổi!

Ác cẩu thôn[22]

[22] Nghĩa là: thôn chó dữ.

Nói về chuyện ác cẩu dưới âm phủ, xuất hiện sớm nhất có lẽ là ở lời dẫn trong tập Di kiên chí bổ, đem hai con ác khuyển đứng canh giữ bên cạnh cầu sông Nại. Căn cứ vào nguồn gốc từ thần thoại Ấn Độ, Diêm Vương vốn có bốn mắt khuyển, nhưng ở cổng âm phủ lại thường có ác cẩu canh cổng, đó mới là điều quan trọng. Sau này, do trạm kiểm soát của cầu sông Nại bị tháo dỡ, ác cẩu thất nghiệp, không có nơi nào để ở, liền được đem đến nuôi tại thôn ác cẩu, để nó tự tìm kế sinh nhai.

Thôn ác cẩu chỉ gặp trong tiểu thuyết thời nhà Thanh, nhưng trong các tác phẩm lại có cách nói không thống nhất. Trong đó, câu chuyện được nhiều người biết đến nhất là Thuyết nhạc toàn truyền của Tiền Thái, người sống ở đầu đời Thanh, hồi thứ bảy mươi mốt có đoạn viết về việc làm thế nào để xuống âm phủ:

Gặp cảnh gió bão thê thảm, mây đen kéo đến ùn ùn, nghe nói trong một làng kia có ác cẩu, hình dáng giống như sói, tính tình thì hung dữ như hổ. Nếu thấy quỷ tay sai áp giải những người phạm tội đi qua, chúng sẽ lao lên mà cắn, có người bị cắn mất tay, cũng có người bị cắn mất bụng... Chứng kiến cảnh tượng ấy chẳng ai không run sợ mà bám chặt lấy người đi cùng, vừa đi vừa cầu khấn cho qua nhanh thôn ác cẩu.

Trong cuốn Hồng lâu mộng, hồi mười bảy có đoạn viết: “Giả mẫu đi chơi ngắm cảnh ở thôn ác cẩu, Phong tỷ tỷ hướng về phía Vọng hương đài mà ngắm nghía với vẻ rất tò mò.” Trong chuyện có nhắc đến thôn ác cẩu nhưng có vẻ như không có gì đáng sợ cả, ngược lại, còn tạo cho người đọc cái cảm giác giống như đang đi du lịch trong vườn thú vậy.

Khi mọi người đang xem rất vui vẻ, bỗng từ trong ngôi nhà tranh có một con chó chạy ra. Con chó này từ trước đến giờ chưa gặp những người này bao giờ, nó đứng từ đằng xa sủa lên, chó nhà này sủa sẽ làm cho chó của các nhà khác nghe thấy, cũng chạy ra ngoài đường mà sủa theo, chỉ một lát đã tụ họp cả trăm con chó to, bao vây Giả mẫu đang đứng đợi ở cây cầu. Giả mẫu và Phong tỷ tỷ đều cảm thấy vô cùng sợ hãi, Giả Châu liền gọi người đem những chiếc bánh bao đã hấp sẵn tới, có khoảng hai trăm chiếc, ném ra khắp tứ phía cho chó ăn. Những con chó đó lập tức đi tranh giành đồ ăn và không còn sủa nữa. Giả mẫu hỏi: “Các ngươi chuẩn bị sẵn những chiếc bánh bao hấp, thì ra biết ở đây có chó à?” Giả Châu đáp: “Nơi đây có tên là thôn ác cẩu, vốn là địa danh có tiếng, nếu muốn đi qua đây thì phải chuẩn bị sẵn đồ ăn, nếu không thì cho dù có đánh, có quát nó cũng sẽ không sợ, nếu đánh nó nhiều quá, nó sẽ xông lên cắn lại. Ở đây vốn là nơi có phong cảnh đẹp nổi tiếng và có tên gọi là “ác cẩu thôn đạp thanh”, một trong tám cảnh đẹp ở dưới chốn âm phủ này.”

Mang tâm thái của người đang say sưa hòa mình vào những trò chơi dân gian thuở xưa mà viết thành thơ, thành truyện nhưng bên trong lại phản ánh về một đám tang truyền thống của đời Thanh, Trung Hoa toàn quốc phong tục chí đã cho thấy sự sinh động, hấp dẫn khi đề cập đến một phong tục trong đám tang ở Nam Kinh và trong đó có nhắc đến một đặc sản độc đáo là “bánh đánh chó”: “Tục truyền rằng người chết nhất định phải đi qua thôn ác cẩu, nhất định phải đeo bảy tấm long nhãn vào cổ tay, mặt quay về phía cầu là được. Làm theo phong tục này, sẽ tránh bị ác cẩu cắn.” Những chiếc bánh đánh chó này ở nơi khác có thể là bánh bao, chính là những thứ mà Giả Châu chuẩn bị khi đi qua nơi đây.

Có sách nói đến việc đi qua thôn ác cẩu, ngoài việc gặp ác cẩu còn có “Loạn quỷ trang”, tức là có một đám quỷ đói lôi kéo đồng bọn đến đòi tiền, ở đây chúng tôi xin phép không nhắc đến vấn đề này, tránh việc độc giả liên tưởng, cho rằng đó chỉ là một vài chiêu trò để thu thêm tiền vé vào cửa khu du lịch.

Phá tiền sơn

Lang tích tam đàm của Lương Chương Cự, quyển bốn có viết về việc dưới âm phủ có “Phá tiền sơn”, nhưng câu chuyện mới chỉ dừng lại ở chỗ gợi nhắc ra sự việc mà chưa dụng tâm trong việc giải thích cụ thể hơn:

Phục dẫn linh nữ đi thăm địa phủ, người phàm có nghe đến dao sơn hàn lạnh, kiếm gỗ giường sát, gặp một chiếc cối giã gạo, nước chảy đá ép đó là những tầng địa ngục, lại như Quỷ môn quan, Vọng hương đài, Mạnh bà quán, Phá tiền sơn... không có nơi nào là không đi qua.

Dung Nột, văn nhân thời nhà Thanh trong tác phẩm Chỉ văn lục, quyển năm, Tất phát có giải thích về việc dùng Phá tiền sơn, đồng thời cũng nhắc đến một nơi gọi là Lạn ngân sơn khác:

Dưới âm phủ dùng giấy làm tiền, cũng giống như ở trần gian người ta dùng đồng đúc tiền vậy. Tiền ở trần thế có to, có nhỏ, tiền dưới âm phủ cũng có đẹp, có xấu. Trần thế tạo ra tiền, đồng bảy chì ba, và có thể cho vào lò tái chế, tiền dưới âm phủ là do người trần thế tạo ra, nếu như tiền bị rách, nát, đồng thời giấy nhiều, thiếc ít, bạc thỏi, tuy có hóa nhiều tiền vàng xuống, nhưng dưới âm phủ không dùng đến, tiền sẽ bị bỏ vào Phá tiền sơn, bạc thì được bỏ vào Lạn ngân sơn. Mà vàng thỏi, bạc thỏi trong nhân gian, dưới âm phủ cũng như vậy, nhưng màu sắc khác, thỏi bé tính làm ba phân, thỏi nhỡ tính làm năm phân, thỏi to cũng chỉ là một đồng tiền mà thôi.

Thì ra những cảnh đó cũng chẳng khác nào đống rác có màu sắc chói lóa của tiền vàng, chuyên dùng để tích lũy những đồng tiền, thỏi bạc mà trên trần gian hóa xuống nhưng không hợp quy cách. Những thứ đó ở trên trần thế hóa thành bụi, đến âm phủ đều biến thành bạc, đồng, nhưng do tình trạng bị rách nát, hoặc do thành sắc không đủ, không thể lưu hành trên thị trường thì đều trở thành phế phẩm, vì vậy cũng có thể coi những thứ phế phẩm chất thành đống này là kho nguyên liệu. Dưới âm phủ có một bộ phận chuyên đúc tiền cho các quan lớn trên trần thế, nguyên liệu có thể được lấy từ Phá tiền sơn.

Trong Độc dị chí của Lý Nhũng có kể một câu chuyện như sau: Tể tướng Lô Hoài Thân không mắc bệnh mà chết, con cái của ông vô cùng đau đớn, thương xót, khóc than thảm thiết. Phu nhân của ông là bà Thôi thị, vì không muốn thấy các con mình quá đau khổ, liền nói: “Ta biết, số của lão gia nhà ta vẫn chưa tận, bởi ông là một người thanh liêm chính trực, rất nhiều người hối lộ cho ông, mà ông không hề tơ hào lấy một đồng. Còn có người tên Trương Thuyết cùng làm tể tướng như ông, hắn ta nhận hối lộ nhiều đến mức của cải có thể chất thành núi, nhưng hiện tại vẫn sống khỏe mạnh. Trương Thuyết không chết mà lại bắt lão gia nhà chúng ta chết trước, ông trời đúng là không có mắt thật rồi!” Khi màn đêm buông xuống, Lô Hoài Thân quả nhiên sống lại, nói: “Phu nhân à, lý do không phải như vậy đâu, dưới âm phủ có đến ba mươi cái lò lớn, không phân biệt ngày đêm, họ không ngừng không nghỉ đúc tiền bạc cho Trương Thuyết, bản thân tôi đến một cái cũng không có, làm sao có thể so bì với họ được chứ!” Nói rồi dặn dò phu nhân, ông liền nhắm mắt và vĩnh viễn không bao giờ tỉnh lại nữa.

Nghe những câu chuyện như vậy chắc hẳn sẽ khiến cho nhiều người hả hê, đắc ý. Nếu như tiền bạc trong nhà tham quan có được là do dưới âm phủ tạo ra cho ông ta, vậy thì lai lịch số “tài sản bất minh” kia cũng không cần phải truy cứu làm gì nữa. Từ trần gian hóa vàng hối lộ âm phủ, dưới âm phủ lại đúc tiền cho quan tham trên trần gian làm âm phúc. Cách rửa tiền vô cùng sạch sẽ, kiểu hai bên cùng có lợi, thật là một điều quá diệu kỳ.

Huyết ô trì[23]

[23] Nghĩa là: ao máu bẩn.

Huyết ô trì còn có tên huyết hà trì, bắt nguồn từ “huyết hà”[24] trong kinh Phật. Trong Phật thuyết hóa thủ kinh, quyển bảy có ghi lại: “Người chết hóa thành bốn ao máu lớn, bên trong đầy máu, và ao bên cạnh chảy bốn dòng sông máu.” Việc này không liên quan đến địa ngục, vào cuối đời Đường, trong Lăng nghiêm kinh, quyển tám cũng dẫn ra một câu chuyện: “Câu chuyện có huyết hà, khôi hà, nhiệt sa, độc hải, dung đồng, quan thiệt chí sự.” Trong đó huyết hà đã trở thành một cực hình dưới địa ngục. Trong Chính pháp niệm xử kinh, quyển mười có nhắc đến một việc: gọi to mười sáu xứ nhò dưới địa ngục, cái thứ sáu có tên “Huyết hà phiêu”, đồng thời những người vào địa ngục là người tự làm hại bản thân mình và tu hành ngoại đạo kiểu như “đi vào trong rừng, chân treo lên cành cây, đầu dốc xuống dưới, dùng dao bổ mũi, hoặc tự đập vào trán mình, tự làm chảy máu mình rồi dùng lửa đốt máu, hy vọng sẽ được thăng thiên”. Những kiểu người tu theo đạo đối xử tàn nhẫn với chính mình, nhưng cuối cùng vẫn không đắc đạo thành tiên mà ngược lại còn “bị nhốt vào nơi dành cho kẻ ác, rồi đến huyết hà phiêu dưới địa ngục, chịu nhiều khổ cực”, đều thật là ngu muội.

[24] Nghĩa là: sông máu.