Chợt từ phía sau, có một người đàn ông tay cầm một chiếc mõ, gõ thật mạnh rồi hét lớn với đám người đang đứng xem
TRÁNH RA, TRÁNH RA, MAU NHƯỜNG ĐƯỜNG CHO THẦY BÀ!!
Phía sau người đàn ông này là một người phụ nữ già cả, tóc đã bạc trắng, lưng còng nhỏ nhắn, mặc một chiếc áo choàng đen dệt bằng vải đay thô, chống gậy chầm chậm đi tới. Dân làng thấy vậy ai nấy đều nhường đường cho bà đi qua vì họ rất tôn kính thầy bà, những đứa trẻ cũng lễ phép mà cúi cháo
Thầy bà là người chịu trách nhiệm trong các ngày lễ cúng, các nghi lễ tôn giáo hằng năm và là người thông thái nhằm giải quyết các vấn đề tâm linh. Người Việt Cổ rất coi trọng các nghi lễ tôn giáo và thờ phụng thần linh, trước khi làm việc gì quan trọng như đi săn, xây nhà, đánh trận,... tất thảy phải hỏi ý hoặc xin bình an của thần thông quan các tư tế, như vậy mọi việc mới suôn sẻ. Cũng chính vì sự mê tín, kính sợ thần nên địa vị của các tư tế chỉ đứng sau các thủ lĩnh địa phương
Người phụ già hiền hậu nở nụ cười, để lộ hàm răng đen nhánh như hạt na, tuy thầy bà cũng phải gần 70 rồi nhưng hàm răng vẫn còn đều tăm tắp khiến Hãn phải công nhận nhuộm răng đen giữ răng tốt thật sự. Thầy bà đưa tay, nói với với người đàn ông trước mặt
- Chú Củ, không cần lớn giọng thế đâu, cứ nhẹ nhàng thôi
- Dạ - Người đàn ông liền lễ phép cúi đầu mà hạ giọng xuống
Từ trong nhóm săn, một người đàn ông trung niên vội vàng chạy ra, lên phía trước mặt thầy bà nói
- Ấy, sao bà lại ra đây? Lát nữa chúng con cũng sẽ khiêng con Min này đến nhà lớn cho bà mà
Hà hà, tại ta cũng tò mò, nghe nói nhóm của chú săn được con mồi làm đồ cúng rất to nên đến đây xem thử. Lát nữa ăn mừng, chú phải ngồi ở mâm trên cùng với ta đấy
- Ấy chết, sao con dám ạ?
- Không sao, không sao, công lớn là của cậu mà, hà hà... Mọi người mau mang đến đình làng chuẩn bị đi, lát nữa ta sẽ đến làm lễ, tối nay có thể mở tiệc ăn mừng
Dân làng hò reo vui mừng liền đi trở về nhà, chuẩn bị để tổ chức tiệc mừng, nhóm thợ săn thì cùng nhau khiêng bò về ngôi đình lớn nhất trong làng.
Này, nhanh về chuẩn bị đi, tốt nay mở tiệc lớn, tao nhất định phải giành lấy được cái đuôi con Min này - Trâu vỗ vai Hãn rồi lên tiếng
Đây là một trò vui của đám trẻ trong làng, cứ đến lúc mở tiệc lớn, dân làng sẽ mổ thịt gia súc hoặc đồ săn, thường thì các thứ như đuôi lợn, đuôi trâu đều không ăn đến nên thường được cạo sạch và đem luộc kỹ để làm phần thưởng cho lũ trẻ. Linh hồn của Trần Khôi thì chẳng ham hố gì nhưng cơ thể này lại tỏ ra rất hưng phấn.
- Hãn, xuống đây bà bảo
- Ê, thầy bà gọi mày kìa - Trâu nói
Hãn nhìn xuống thì thấy thầy bà đang vẫy tay, ra hiệu cho hắn đến gần. Cha hắn thấy vậy thì giục hắn nhanh chân lên. Đến nơi, hắn lễ phép khoanh tay cúi chào
- Cháu chào bà!!
- Ừm giỏi - Thầy bà cười - Chú Đá sinh được thằng con ngoan quá
- Dạ, bà quá khen - Cha Hãn nói
- Hãn, lại gần đây cho bà xem bệnh cho nào - Thầy bà nói
- Dạ thôi, con khỏi rồi ạ. - Hãn giật mình liền từ chối
- Cái thằng...lại gần cho bà xem đi - Cha Hãn mắng
- Bà ơi, chắc chắn thằng này có bệnh đó ạ - Trâu nói bồi
- Vậy sao? Sao cháu biết?
- Mọi khi nói đến chuyện đi chơi, nó là đứa nhanh nhất, thế mà hôm nay lại chối
- Thế sao? Để ta xem - Thầy bà nói
Biết không thể cãi lời, Hãn chỉ đành đến gần. Thầy bà đưa tay sờ trán, má và vai của Hãn. Nói là xem bệnh nhưng Hãn lại thấy khuôn mặt của bà có gì đó hơi ngưng trọng, trên trán còn có chút đỏ mồ hôi, thầy bà sờ một hồi rồi mới lên tiếng
- Ừm, tốt lắm. Ngày mai, chú Đá mang thằng Hãn đến chỗ ta nhé, để ta làm lễ cầu may cho nó
- Dạ, dạ, nhất định con sẽ mang nó đến… Hãn, còn không cảm ơn bà
- Dạ, con cảm ơn bà ạ - Hãn lễ phép nói
Hai bố con liền dắt nhau về nhà, chuẩn bị để tối nay đến dự tiệc. Phía sau thầy bà vẫn hướng mắt nhìn theo, khuôn mặt có phần nghiêm trọng. Người đàn ông vừa nãy thấy sắc mặt thầy bà không tốt liền hỏi
- Bà không khỏe ạ?
- Không có gì, chúng ta đến chỗ Bồ Chính thôi
- Dạ!!
-------------------
Trong hệ thống phân cấp xã hội bộ lạc của người Việt Cổ, đứng đầu là vua, giúp việc cho vua là các Lạc Hầu, Lạc Tướng. Các Lạc Tướng được phân phong đất cai quản, dưới các Lạc Tướng là các Bồ Chính. mỗi Bồ Chính sẽ thay mặt Lạc Tướng cai quản trực tiếp 1 làng chạ và có nhiệm vụ thu thập các đồ cống nạp cho Lạc Tướng, thời chiến thì tập trung trai tráng đánh trận. Dưới các Bồ Chính là dân làng và các “hun” hay “hồn” - các nô lệ, tôi tớ phục dịch cho quý tộc.
Ở làng của Hãn, có một căn nhà lớn không kém đình làng, nơi đó là dành cho Bồ Chính ở. Do là người cai quản nên tài sản có rất nhiều, Bồ Chính làng Hãn có đến trăm con trâu bò tốt, đất ruộng rộng cả ngàn mẫu, trong nhà có nhiều nô lệ.
Bồ Chính làng hắn tên là Công Ma, là một người họ hàng với Lạc Tướng nên được “cơ cấu theo đúng quy trình” làm Bồ Chính. Công Ma quyền cao nhất làng nhưng khi gặp thầy bà cũng phải cung kính 5-6 phần. Nghe “hun” báo thầy bà đến, lão vội vàng ra đón
- Thầy bà, xin mời vào nhà...Người đâu, mau dìu bà vào, chuẩn bị trái cây và đồ uống dân lên
- Dạ - Một thị nữ đứng cạnh cúi người rồi lui xuống
Từ ngoài cổng thầy bà thấy một người đàn ông trung tuổi,để tóc búi, ăn mặc sang trọng, áo mặc làm từ vải mịn màu xanh lam, bên ngoài khoác một bộ áo choàng làm bằng lông chim công , trên người còn đeo các nhạc khí và đồ trang sức bằng đồng, hông trái đeo kiếm, trên đầu đội mũ lông chim quý. Người đàn ông hết sức nhún nhường mời thầy bà vào
- Bồ Chính không cần khách khí như vậy. Chúng ta cùng vào nhà nói chuyện- Thầy bà từ từ bước lên thềm cửa
- Được, mời thầy bà - Bồ Chính giang tay mời rồi đi trước dẫn đường
Nhà của Bồ Chính không hổ là căn nhà đẹp và rộng lớn nhất làng, nội thất bên trong quả thật khác xa những căn nhà bình dân, không những rộng rãi mà trong nhà có nhiều đồ quý từ vàng bạc đến ngà voi, trống đồng, lông chim trĩ. Sau khi mời thầy bà ngồi xuống tấm thảm bằng da hổ, người hầu đặt mặt thầy bà trước mặt một đĩa trái cây và bình cốc uống nước, Bồ Chính mới bắt đầu hỏi chuyện
- Không biết thầy bà ghé thăm nên tiếp đón chưa được chu đáo. Bà đến đây không biết có gì chỉ dạy?
- Thật không dám, ta đến đây đầu tiên là muốn xem bệnh tình của con gái ngài không biết đã khỏi hẳn chưa?
- À vâng...Hoa, con ở trong đó thì mau ra đây chào thầy bà đi
Từ buồng trong, một cô gái chừng 11 tuổi từ từ bước ra, trên người mặc một chiếc áo lụa với các họa tiết hình chim lạc và hoa rất xinh xắn. Cô bé đến gần chỗ thầy bà, lễ phép chào
- Cháu chào bà!!
- Giỏi, bệnh của con ngài quả nhiên đã khỏi hẳn, lão cũng không cần phải lo nữa rồi - Thầy bà nhìn sắc mặt đứa bé rồi nói
Tất cả cũng nhờ thầy bà cứu chữa, cháu nó mới có thể khỏe lại như bây giờ
- Ừm - Thầy bà gật đầu hài lòng rồi nhìn cô bé từ trên xuống dưới - Xinh xắn thế này chắc sẽ có nhiều người đến hỏi lắm đây, hà hà
Bồ Chính nghe thế cũng lấy làm cao hứng mà cười theo. Nói thật, đây là đứa con gái rượu mà lão yêu quý nhất, dù chưa đến tuổi lập gia đình nhưng ngoại hình xinh xắn lại tháo vát, đảm đang nên cũng có vài quý tộc giàu có tới dạm hỏi trước cho con nhà họ, nhưng lão vẫn còn chần chừ. Thứ nhất, lão còn khó quyết vì nhà ai đến hỏi cũng có danh tiếng và giàu có, thứ hai, quan trọng nhất, đó là con gái lão phải ưng mới gả được. Dù trước giờ luôn nghe lời cha, nhưng theo luật của người Việt Cổ trước khi du nhập Nho giáo, phụ nữ có quyền được chọn chồng, thậm chí là ly hôn, và người vợ luôn có tiếng nói trong 1 gia đình, xem mặt mấy lần nhưng con lão có ưng ai đâu, thôi thì cứ để thư thả vài năm nữa, đến tuổi lấy chồng thì tính tiếp. Cô bé nghe thầy bà nói, hai má liền đỏ ửng lui vào bên trong. Đợi cô gái đi khỏi, thầy bà mới nói tiếp
- Thực ra tôi đến đây mục đích chính là muốn nhờ Bồ Chính chuyển lời đến Công Ma tộc trưởng
- Có gì xin bà cứ nói - Bồ Chính cũng ngừng cười mà nghiêm túc nói
- Ừm...Gần đây ta quan sát trời đêm, thấy xuất hiện thêm một vì sao lạ xuất hiện. Ngỡ là có điềm báo, liền làm lễ cúng thần nhưng không xin được lời giải thích. Tối đó, ta nằm mơ thấy… - Thầy bà chần chừ
- Đó là gì vậy thưa thầy?
- Ta mơ thấy, từ biển Đông, một con rồng trắng giận dữ tung mình bay lên giữa trời bão rồi hóa thành một con chim Lạc màu đỏ khổng lồ. Đôi cánh của nó giang rộng che phủ mặt đất, biến những nơi nó bay qua thành biển lửa. Những con chim Lạc trên bờ hợp sức chống lại nhưng đều bị nó tiêu diệt. Sau đó, con chim kêu lên 1 tiếng lớn rồi vung cánh bay lên, tiếp tục đốt cháy những nơi khác, khung cảnh đáng sợ không khác gì địa ngục... - Thầy bà nói, toàn thân run lên, khuôn mặt có cảm giác kinh sợ
- Chẳng lẽ sắp có tai họa giáng xuống đầu chúng ta sao? - Công Ma hỏi
- Ta không thể dám chắc điều gì nhưng thời gian tới ắt sẽ có biến cố. Mong ngài hãy chuyển lời đến tộc trưởng phải thật cẩn trọng
- Ta đã hiểu, nhất định sẽ nói cho tộc trưởng những lời của bà
- Nếu đã như vậy, tôi xin đi trước. Hôm nay dân làng có bắt được con trâu rừng to, mong ngài tối nay đến dự cùng chúng tôi
- À, tôi biết rồi.
Thầy bà nghe vậy liền đứng dậy xin trở về rồi cùng chú Củ từ từ đi ra ngoài. Bồ Chính cũng đi theo tiễn đến thềm cửa. Đến khi thấy thầy bà đã đi được một đoạn, lão liền trầm ngâm một hồi rồi quay vào trong nhà
-------------
Tại nhà Hãn, gia đình hắn đã dọn sẵn cơm trưa, thức ăn của người Việt Cổ cũng khá đơn giản, một ít rau củ hoặc rau rừng luộc, ăn với một ít cá hoặc ngao sò, ốc,... đồ thịt như lợn gà hiếm khi có vì nhà hắn không có điều kiện, đồ chấm là muối biển. Có vẻ lúc này người Việt vẫn chưa biết cách chưng mắm cá. Đồ dùng đều là đồ gốm không tráng men. Dùng muối tinh khiến đồ ăn có vị mặn chát nhưng hắn và cha mẹ ăn rất ngon lành.
Đạm bạc là thế nhưng hắn đã cảm nhận lại được một bữa cơm gia đình đích thực. Trong bữa cơm, mẹ hắn luôn miệng hỏi chuyện luyện tập và giao cho hắn các công việc nhà. Ở kiếp trước, từ khi mẹ hắn mất, hắn chỉ có thể ăn cho qua bữa trong sự cô độc, bữa cơm dù ngon nhưng hắn lại cảm thấy lạnh lẽo. Cùng ăn với bạn bè, đồng nghiệp cũng không thấy nhiều sự vui vẻ. Thứ hắn thiếu là tình cảm gia đình.
Ở kiếp này, hắn lại có thế thấy lại những điều đó khiến hắn càng yêu quý cuộc sống này hơn bao giờ hết. Nơi này cuộc sống không sô bồ, gánh nặng về tiền bạc không nặng nề, chăm chỉ cày ruộng, săn bắn cũng có thể có một cuộc sống an ổn vô lo. Vì vậy, mặc kệ đây là thời đại nào, mặc kệ cuộc sống thiếu thốn, nguy hiểm… hắn thà không trở về hiện đại chứ không bỏ cuộc sống này,
Gia đình của hắn kiếp này cũng chỉ là một gia đình bình thường, cũng có của dư là 1-2 nhạc khí của mẹ hắn. Bà quý nó như vàng vậy. Cha hắn là thợ rèn duy nhất trong làng này, tay nghề rất khá, hắn cũng học được ít nhiều nghề rèn nhưng đó chỉ là nghề phụ, nghề chính vẫn là một nông dân. Nhà hắn tiếc là không có trâu cày vì thời đại này, gia súc, đặc biệt là trâu bò có giá trị cao nên không chỉ nhà hắn mà nhiều nhà cũng không có, thay vào đó họ dùng sức người để kéo cày hoặc đi thuê của nhà khác. Lúc này là thời gian chờ lúa chín nên cha mẹ hắn có nhiều thời gian, cha hắn đắp lò để sửa chữa dụng cụ, có thể kiếm thêm một chút để vụ sau có thể mượn trâu cày
Sau khi ăn cơm trưa xong, hắn phải phụ cha hắn nhóm lò rèn. Cha hắn nhận sửa chữa và rèn đúc các dụng cụ, vũ khí bằng kim loại. Lại nói, người Việt trả công bằng gạo, tùy theo đồ cần sửa, tình trạng hư hỏng mà định công, nhẹ thì nửa bát gạo, nặng thì gấp đôi. Thứ đáng tiền nhất mà ông từng rèn là thanh gươm của Bồ Chính, số tiền đó ông dùng để mua đồ trang sức tặng vợ.
- Sao cha không dùng số gạo đó để tiết kiệm mua trâu?
- Con à, công ta nhận được chỉ là vài bao gạo thôi, nhiêu đó dù có tích cóp thêm chục năm nữa cũng không đủ
- Vậy chúng ta cứ phải cày ruộng mà không có trâu ạ?
- Nói cách thì không phải không có, nhưng mà khó lắm.
- Cách gì ạ?
- Cái này con phải đợi 5 năm nữa. Nhưng ta và mẹ con hi vọng con không tham gia
- Tại sao ạ? - Hãn lập tức hỏi lại
- Vì con có thể mất mạng hoặc nếu may mắn, là tàn phế, ta thà tự mình mang ách cày cả đời còn hơn thấy con trai mất mạng chỉ vì một con trâu - Ông Đá đáp - Không nói chuyện này nữa, qua đây giúp ta nhóm lò đi
Hãn đành cầm một que củi nhỏ rồi chạy xuống bếp, dí thanh củi vào đống than cháy dở rồi thổi. Khói trắng cùng tro bốc lên khiến mắt hắn cay xè, thổi được 1 lúc thì que củi cũng cháy. Hắn, sau đó, cẩn thận mang thanh củi đang cháy xuống lò rèn.
Cha hắn đã cho sẵn than vào lò. Lò rèn của cha hắn rất đơn giản, một chiếc lò được đắp thành chữ nhật, cao khoảng 1 gang tay, cạnh dài 3 gang, cạnh ngắn 2 gang tay, bên trong được chất than, có một lỗ khí dùng để thổi khí vào thông qua ống thổi. Nhận thanh củi đang cháy từ Hãn, ông Đá từ từ cho vào chiếc lò để nhóm lửa. Hãn cũng lấy ra từ góc phòng một cái thổi làm bằng da động vật. Một dụng cụ thổi thô sơ, giống như một quả bóng da được nối với một chiếc ống tre già khô.
Hắn nối lỗ khí của lò với ống tre, sau khi cha hắn nhóm lò xong thì hắn bắt đầu nhấn ống thổi. Gió từ từ chạy vào bên trong lò khiến những đốm lửa nhỏ mới nhóm cháy mạnh hơn rồi từ từ lan ra. Cha Hãn lôi ra một thúng có đồ vật bằng kim loại, có thạp đồng, liềm sắt, giáo, mác, nhạc khí, cuốc, lưỡi cày…, tất cả đều bị hỏng, sứt mẻ hoặc cong vênh.
Ông Đá bắt đầu lấy ra một chiếc liềm bằng sắt và hơ nóng trên lửa than, ra hiệu cho Hãn thổi mạnh hơn, biến chiếc liềm trở lên nóng đỏ rồi lấy ra dùng búa đập trên đe. Hãn đứng đó, quan sát cách làm của cha hắn và ghi nhớ. Hãn thấy cách rèn của người cổ đại quả thực tốn rất nhiều công sức, khác với hiện đại, tất cả đều được cơ giới và số hóa nên tốc độ làm rất nhanh. Dụng cụ hỗ trợ rèn cũng kém, thay vì dùng dụng cụ làm bằng kim loại thì phần lớn dụng cụ rèn của cha hắn làm bằng gỗ, cái đe cũng chỉ là một cái thớt bằng gỗ cứng mà thôi
Thêm nữa, trái với quan niệm thông thường là người Việt cổ còn đang ở thời kỳ đồ đồng, Hãn lại thấy họ đã biết sử dụng sắt, mặc dù không phổ biến do kỹ thuật khai thác và rèn đúc có nhiều hạn chế, cũng như họ chưa thấy được sắt tốt hơn đồng điếu do toàn là sắt non. Nhưng họ lại phát hiện pha sắt với đồng có thể tạo ra một dạng hợp kim cứng và bền hơn đồng điếu - vốn dùng thiếc. Nguồn đồng thiếc ở Giao Châu cũng rất hạn chế nên những đồ hợp kim đồng sắt được sử dụng khá phổ biến
Hãn quan sát, cha hắn trong quá trình sửa chữa cũng giải thích cho hắn và cho hắn làm thử. Hai cha con mất nguyên cả buổi chiều nhưng cũng chỉ sửa xong được 1-2 món đồ. Tiếp xúc với nhiệt và làm việc nặng cường độ cao khiến toàn thân cả hai nhễ nhại mồ hôi, cha hắn thì cảm thấy bình thường nhưng đối với Hãn thì khá khó chịu. Đổi lại, trong khi thực hành hắn cũng học và cảm thấy cách rèn cổ đại khá thú vị và dễ hiểu. Trước kia, khi xem video rèn đúc thời hiện đại, có vài vấn đề về nhiệt và cách rèn mà hắn không hiểu nhưng sau khi nghe cha hắn nói, hắn cũng giải thích được phần nào. Con người hắn, khi đã hiểu rõ bản chất của vấn đề thì thường làm rất hăng say quên cả thời gian
Cả hai cha con làm việc đến quên mất là trời đã gần tối. Mẹ hắn đi thăm đồng trở về vẫn thấy hai người còn làm việc thì lớn tiếng gọi, cả hai mới dừng lại mà nghỉ ngơi. Mẹ hắn cũng nhắc cả hai chuẩn bị đi tắm, lễ cúng thần sắp chuẩn bị xong rồi.
Các ngày lễ và nghi lễ cúng thần được người Việt rất trân trọng, dù có đang làm gì họ cũng không quên cảm ơn thần linh. Vì vậy các nghi lễ tôn giáo là một phần không thể thiếu trong hoạt động thường ngày.
--------------------
Tối đó, làng của Hãn mở tiệc to, con trâu rừng được đem đi xẻ thịt để làm đồ cúng. Mọi người trong làng đều cùng nhau chuẩn bị cho buổi tế lễ. Ở giữa sân đình, một đống lửa trại lớn được dựng lên, ánh lửa sáng rực soi rọi một khoảng lớn không gian xung quanh. Cùng với đó là tiếng trống da và tiếng khèn, không gian huyên náo, đầy ắp những nụ cười vui vẻ, ai nấy cũng đều bận quần áo mới và đẹp nhất trong dịp này. Nhưng người háo hức nhất là lũ trẻ, chúng đang chờ đến lúc cuộc thi tranh đuôi trâu bắt đầu, nhưng trước đó phải đợi lễ cúng hoàn thành
Thầy bà bắt đầu buổi lễ bằng nghi thức khấn thần chứng giám. Đứng trước đống lửa lớn, thầy bà, đầu đội mũ lông chim, trên người đeo các nhạc khí bằng thanh đồng, mỗi khi di chuyển đều tạo ra những âm thanh leng keng, giang tay rồi từ từ quỳ xuống, phụ tá của bà, người đàn ông tên Củ, từ phía sau mang đến một bộ áo lông vũ rồi choàng lên người thầy bà. Lúc này, thầy bà mới đọc lời khấn
- Hỡi cha Rồng, hỡi mẹ Tiên, hôm nay chúng con dâng cha mẹ con trâu rừng mới săn, mong cha mẹ cho chúng con những vụ mùa no đủ và bình an, như những gì cha mẹ đã ban cho chúng con trước đây...
Thầy bà đọc xong lời khấn, liền cúi sấp mình xuống trước đống lửa. Bà quỳ trước đống lửa, thì thầm một hồi lâu, những người ở bên dưới cũng quỳ xuống, hướng về đống lửa mà cầu nguyện. Hãn cùng với cha mẹ cũng ở đó, họ cũng quỳ xuống và chắp tay.
Thầy bà cầu nguyện xong rồi đứng lên, quay về phía mọi người nói
Lễ cúng kết thúc, cùng mở tiệc thôi nào!!!
Mọi người phía dưới đều đồng loạt ho rèo, tiếng khèn, tiếng trống lại một lần nữa vang lên sau thời gian cầu nguyện yên ắng. Từ bên phải, một nhóm những người đàn ông để trần, trên cổ và bắp chân đeo các nhạc khí, đầu đội một chiếc mũ làm bằng gỗ có hình đầu chim, trên người khoác một chiếc áo bằng lông vũ, tiến đến và nhảy múa xung quanh đống lửa. Bóng của người đó hiện rõ trên đất, trông giống những con chim Lạc khổng lồ.
Cảnh này hắn thấy quen lắm, hình như hắn thấy ở đâu rồi. “Bẹp”, hắn vỗ tay, “Đúng rồi, mặt trống đồng”. Hắn sống ở cái thời mà các di vật của tiền nhân bị mai một đi rất nhiều, có những thứ bị hư hỏng không thể phụ hồi do kỹ thuật bảo tồn không đáp ứng được. Trống đống hắn chưa từng thấy tận mắt, nhưng đã thấy qua trên các ảnh chụp. Hóa ra là chúng mô tả cảnh nhảy múa quanh đống lửa chứ không phải dưới ánh mặt trời, và những hình chim lạc ở vòng ngoài hóa ra là chỉ những người đầu đội mũ đầu chim. Lâu nay hắn cứ lầm tưởng.
Bất ngờ, đám bạn của hắn chạy tới, gấp gáp giục hắn
- Ê, nhanh đến chỗ nhà bếp, đến còn giành đuôi trâu chứ