Phỉ Tiềm nói với thầy lang lớn tuổi:
“Bẩm y sư, thực không dám giấu, tiểu sinh chưa từng học y bao giờ.”
Gã thầy lang trẻ trợn muốn lồi tròng mắt, thế quái nào lại có chuyện này?
Không biết y học mà lại viết được tờ bệnh lý còn rành mạch, kỹ lưỡng hơn cả người trong nghề, vậy thầy lang bọn ta làm sao còn lăn lộn được nữa?
Thật ra gã thầy lang trẻ bất ngờ cũng đúng, dù sao Thương Công Thuần Vu Ý cũng được coi là người đi đầu trong ngành y học thời đó, cả cuộc đời lão đều ghi chép lại tất cả những chứng bệnh cùng phương pháp trị liệu để làm căn cứ cho con cháu tham khảo, vì vậy cả nhà Thuần Vu đều kiên trì luyện tập thói quen này.
Nhưng kể cả bọn họ cũng không thể ghi chép một cách chi tiết như Phỉ Tiềm được, đọc vào cứ như đang tận mắt chứng kiến, đồng thời còn phân loại theo từng mục, chỉ cần liếc sơ đã tìm được chỗ cần tìm ngay.
Năm vị thầy lang già bên cạnh đọc qua cũng gật gù khen hay, sau đó liền bảo:
“Thôi, cứu người như cứu hỏa, trước hết hai vị cứ theo lão phu.”
Phỉ Tiềm và Hoàng Trung đi theo năm lão thầy lang già, chỉ mới đến gần phòng khách đã nghe giọng ai đó cãi nhau ỏm tỏi.
“Ô đầu sao lại dùng liều lượng như vậy? Tuy có thể tăng dương tính trong người, nâng cao nhiệt độ cơ thể, nhưng độc tính cũng rất mạnh, chớ nên lạm dụng!”
*Ô đầu (củ ấu tàu): dược liệu chuyên trị đau nhức, mỏi khớp *
Một giọng nói nhuốm màu của tuổi xế chiều vang lên, sau đó lại có một giọng khác ấm hơn, nghe như âm thanh của người trung niên tiếp lời:
“Hầy, con người ta sở dĩ nhiễm bệnh là do thời tiết ẩm thấp, trời mưa nhiều hoặc khí lạnh thấm vào người. Vậy nên bên ngoài thì phong hàn xâm lấn, bên trong tích độc do ăn uống hàng ngày, ta phải dùng ô đầu để đẩy lùi chúng. Mà người này chịu độc lạnh hơn mười năm, cần phải có bài thuốc mạnh hơn bình thường…”
Năm lão thầy lang già vừa bước vào phòng vừa bảo:
“Bá Ngọc, Trọng Cảnh, hai vị tạm thời ngừng tranh chấp, đến xem thứ này với chúng ta nhé.”
Trọng Cảnh?
Lỗ tai Phỉ Tiềm chợt dựng lên, chẳng lẽ người kia là Trương Trọng Cảnh?
Nhưng mà vì sao Trương Trọng Cảnh lại ở Lạc Dương nhỉ?
Theo trí nhớ của hắn, Trương Trọng Cảnh sẽ được triều đình điều đến Trường Sa làm quan…
Sau khi hai bên giới thiệu nhau, quả nhiên Trọng Cảnh kia chính là thầy lang đại danh đỉnh đỉnh Trương Trọng Cảnh!
Phía bên này, Trương Trọng Cảnh cùng bạn mình đang chụm đầu lại xem tờ bệnh lý do Phỉ Tiềm ghi chép.
Vào thời kỳ cổ đại, ngành y vẫn được tính vào một trong các môn thuộc “Phương Kỹ”, thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ thuật như y học, bói toán, chiêm tinh học và nhân tướng học.
Đến thời Hán, y học mới dần tách ra thành một học phái riêng, tuy nhiên ngành y lúc này vẫn còn sơ khai, phụ thuộc khá nhiều vào phương kỹ, cho nên ghi chép nguyên nhân và cách điều trị bệnh của thầy lang thường được gọi là phương thuốc.
Một vấn đề quan trọng nữa, khi nhắc đến “phương sĩ”, người ta vẫn hình dung rằng đây là một bậc thầy trong việc tu đạo, luyện đan hoặc mang năng lực siêu nhiên, và tất nhiên thuốc của thầy lang chỉ dùng để chữa bệnh, không có tác dụng tiễn đưa một con quỷ nào đó.
Chính vì thế y học thời Hán mới bắt đầu phân nhánh, đồng thời chậm rãi chuyển từ trường phái lý luận sang thực hành chuẩn đoán lâm sàng.
Lại nói về lâm sàng, trường phái này rất chú trọng các thể loại ghi chép, bao gồm miêu tả bệnh lý, cách điều dược phối thuốc để chữa trị, sau đó căn cứ vào phản ứng cơ thể từng bệnh nhân mà cho ra kết quả nghiên cứu, từ đó tạo nên gốc rễ cho việc chuẩn đoán lâm sàng.
Người tiên phong trong trường phái này chính là Trương Trọng Cảnh, tất nhiên hắn cực kì hứng thú với bản ghi chép trong tay Phỉ Tiềm, một bên chăm chú lật xem, lại liên tục gật đầu, cuối cùng thốt ra:
“Trong đời tại hạ chưa từng thấy bản ghi chép nào tuyệt diệu đến thế, những thứ taị hạ từng thấy đều không thể so sánh vậy!”
Người thầy lang già bên cạnh cũng thổn thức gật đầu.
Lão là y sư thế hệ trước của gia tộc Thuần Vu, tất nhiên cũng đi theo còn đường chuẩn đoán lâm sàng, cho nên mới ở cùng Trương Trọng Cảnh, nghiên cứu thảo luận về các phương thuốc và liều lượng sử dụng.
Trương Trọng Cảnh chỉ vào một hàng chữ trong bản ghi chép:
“Dựa theo miêu tả về chứng ho khan, gặp lạnh thì dễ ho, đặc biệt về đêm lại ho dữ dội hơn bình thường. Khi ho xong có dấu hiệu thở dốc… Nếu ta đoán không sai, đây là chứng gió lạnh nhập thể, ảnh hưởng đến phế kinh… Dám hỏi bản ghi này do ai viết?”
Sau khi biết được Phỉ Tiềm là người tạo ra bản ghi chép, hắn chạy đến nắm lấy tay Phỉ Tiềm:
“Phỉ lang quân, sư phụ của cậu là ai?”
Nền giáo dục y học thời cổ đại Trung Quốc luôn đi theo mô hình một thầy một trò, và người thầy được tôn lên vị trí rất cao, nên hầu như cả đời đệ tử chỉ nhận một sư phụ mà thôi, nên Trương Trọng Cảnh mới hỏi Phỉ Tiềm theo thói quen.
“Ha ha, Trọng Cảnh sai rồi, Phỉ lang quân không học cùng y sư nào cả, hắn là đệ tử của Thái Trung Lang.”
Lão thầy lang già lúc trước dẫn Phỉ Tiềm đến phòng khách vội mỉm cười giải thích, Phỉ Tiềm cũng bảo:
“Ghi chép là chuyện nhỏ, quan trọng là cứu người. Bệnh nhân đã trải qua nhiều năm dày vò, dùng rất vô số bài thuốc nhưng tình trạng ho khan vẫn lặp đi lặp lại, thân thể dần trở nên yếu đuối, không chịu nổi đường xa mệt nhọc nên tiểu sinh đành mạo muội dùng cách này, mong cầu được danh y thiên hạ.
Tấm lòng cha mẹ tựa biển trời vô tận, nhìn thấy con chịu đau đớn, há có thể an lòng, chỉ hận bản thân không đứng ra chịu thay. Kính mong chư vị y sự bỏ chút sức xem qua!”
Nói xong, Phỉ Tiềm liền chắp tay chào và hành lễ thật sâu.
Hoàng Trung đứng bên cạnh cũng cảm động, mắt hổ nhòe lệ, bắt chước Phỉ Tiềm hành lễ.
Lời hắn nói làm các thầy lang ở đây nghiêm túc hẳn lên, cả đám chụm đầu lại góp ý, đồng thời tỉ mỉ nghiên cứu các phương thuốc khả thi, thỉnh thoảng còn đưa ra góc nhìn của mình, rất giống cuộc họp giữa các bác sĩ thời hiện đại.
Phỉ Tiềm xoay người lại, chợt thấy Hoàng Trung siết chặt nắm đấm, vẻ mặt đầy khẩn trương, hắn liền mỉm cười vỗ vai:
“Hán Thăng chớ phiền lòng, ta thấy lệnh lang cát nhân thiên tướng, trời cao sẽ phù hộ hắn tai qua nạn khỏi.”
Thật ra lúc đưa ra biện pháp này, Phỉ Tiềm cũng chẳng nắm chắc được mấy phần, nhưng hắn nhìn thấy Trương Trọng Cảnh, lập tức yên tâm hơn phân nửa.
Người ấy được xưng tụng là vị danh y sáng lập ra học thuyết thương hàn, đưa ra rất nhiều lý luận xuất sắc, lại chú trọng việc chuẩn đoán lâm sàng, chưa kể nhờ việc liên tục khám bệnh cho dân chúng phổ thông nên đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, viết ra [Thương Hàn Tạp Bệnh Luận] dựa trên nền tảng đông y, ảnh hưởng đến rất nhiều nhà đông y học sau này.
Mặc dù bây giờ Trương Trọng Cảnh còn chưa tới Trường Sa đảm nhiệm Thái Thú, nhưng hắn vẫn là một thầy lang giỏi, chưa kể được nhiều thầy lang kinh nghiệm phong phú lão luyện của nhà Thuần Vu ở bên cạnh nghiên cứu và thảo luận, kiểu gì cũng sẽ cho ra một kết quả khả quan…
Hoàng Trung cũng nhỏ giọng nói với Phỉ Tiềm:
“Tử Uyên yên tâm, tại hạ hiểu đạo lý cầm được bỏ được, giả sử khuyển tử có may mắn vượt qua kiếp nạn này, ngày sau tất không quên ân đức của ngài!”
Lúc này, ba người Trương Trọng Cảnh có vẻ như đã thương lượng xong với nhau, họ gấp gọn bản ghi chép lại và bước đến trước mặt Phỉ Tiềm cùng Hoàng Trung.
Trương Trọng Cảnh liếc nhìn hai vị bên cạnh, ra hiệu bọn họ nói trước.
Lão thầy lang trước đó từng tranh luận với Trương Trọng Cảnh mỉm cười lắc đầu, sau đó nhẹ nhàng bảo:
“Chứng bệnh này Trọng Cảnh am hiểu hơn ta, chớ nên khiêm tốn như vậy!”
Lão thầy lang còn lại cũng góp lời:
“Trọng Cảnh mời nói, bọn ta lắng nghe là được!”
“Như vậy cung kính không bằng tuân lệnh!”
Trương Trọng Cảnh chắp tay với hai thầy lang, sau đó hướng Phỉ Tiềm cùng Hoàng Trung nói:
“Theo kinh nghiệm mấy năm hành nghề của ta, chứng bệnh này chắc chắn là thương hàn, do bệnh bộc phát quá nặng, lại thêm cứu chữa không đúng lúc, dẫn đến khí lạnh đã xâm nhập vào phế kinh, làm bệnh nhân ho khan không ngừng, càng lạnh càng ho.
Tuy vị công tử đó đã được ngài đây mời y sư chữa trị, nhưng chỉ phương thuốc giúp thuyên giảm tạm thời, phế kinh bị hao tổn đã lâu, mất đi cân bằng âm dương, làm ảnh hưởng khí huyết, cho nên bây giờ có kê thêm thuốc cũng mất đi tác dụng.”
Trương Trọng Cảnh giải thích xong làm gương mặt Hoàng Trung trắng bệch, chẳng lẽ thằng con mình hết thuốc cứu rồi sao?*