Chương 26: Trở Về Cố Hương

Tề Huyền Tố say rượu, bước đi xiêu vẹo, dựa vào trí nhớ rời khỏi Quảng Trường Thái Thanh. Đến khi trời gần sáng, hắn mới tới được Hải Thiềm Phường.

May mắn thay, Ngọc Kinh không thực hiện chế độ phường thị, không có lệnh giới nghiêm, không đóng cửa phường, giúp Tề Huyền Tố dễ dàng bước vào Hải Thiềm Phường mà không gặp phải lính tuần tra, nếu không chắc chắn sẽ bị hỏi thăm một phen.

Khi màn đêm dần tan, trời chuyển sang màu xanh thẫm, phía chân trời hiện lên một vệt trắng mờ,Tề Huyền Tố cuối cùng cũng thấy một tấm bia đá.

Ngay khoảnh khắc nhìn thấy tấm bia, những ký ức xưa cũ như sóng tràn về, khiến hắn vốn còn vài phần say càng thêm mơ hồ, bỗng có cảm giác không rõ đây là hiện tại hay quá khứ.

Dường như hắn lại trở về nhiều năm trước, chỉ là một đạo sĩ bình thường không biết thế sự, những chuyện chạy trốn, báo thù, Thanh Bình Hội đều như một giấc mộng dài.

Tề Huyền Tố đứng yên, bình tâm lại.

Cảm giác mơ hồ như nước triều rút đi, quá khứ đã là quá khứ, hiện tại vẫn là hiện tại.

Sau đó, hắn tiến về phía tấm bia đá.

Bia đá này được dựng khi Hải Thiềm Phường mới xây dựng, là một cổ vật, ghi chép lại nguồn gốc và lịch sử của phường. Bên cạnh bia đá là lối vào một con hẻm yên tĩnh, không rộng rãi, cũng không quý giá như Nam Hoa Phường, nên trong hẻm đều là tiểu viện độc lập.

Con hẻm này là ngõ cụt, không thông ra đường khác. Tề Huyền Tố đi tới tận cùng của hẻm, nơi có một tiểu viện hoang phế, cổng đóng chặt, Môn Thần [1] trên cửa đã rơi rụng một nửa, bay phất phơ trong gió.

Tề Huyền Tố nhìn Môn Thần, nhớ lại cảnh sư phụ dán Môn Thần năm xưa. Hắn từng hỏi sư phụ: "Đường đường là pháp sư trừ yêu bắt quỷ, còn cần Môn Thần sao? Huống chi, yêu ma quỷ quái nào dám đến Ngọc Kinh gây rối?" Sư phụ hắn chỉ cười nói hai chữ: "Tập tục."

Tề Huyền Tố tiến lên, tay vuốt phẳng Môn Thần sắp rơi, nhưng khi buông tay, Môn Thần lại lắc lư theo gió, giống như quá khứ không thể níu giữ, càng không thể quay ngược thời gian.

Tề Huyền Tố không cố chấp nữa, lấy từ túi đeo ra chiếc chìa khóa đã mang theo nhiều năm, mở khóa cửa, rồi bước vào sân.

rong sân có một cây ngô đồng, là nơi sư phụ thường ngồi nghỉ mát.

Giờ đây sân phủ đầy lá rụng, có chỗ lá đã mục nát thành bùn.

Tề Huyền Tố bước đi, lá khô vỡ vụn kêu răng rắc dưới chân.

Khi đi qua cây ngô đồng, Tề Huyền Tố dừng lại chút chút, sau đó đi thẳng vào phòng mình.

Có chút ngoài dự đoán của Tề Huyền Tố là, phòng của hắn ngoài bụi bặm bám đầy, mọi thứ vẫn như cũ, dường như chưa ai đến. Nhưng nghĩ lại, hắn thấy cũng hợp lý, vì sư phụ không bị kẻ thù sát hại ở đây.

Ngọc Kinh nằm dưới sự giám sát của Bắc Thần Đường, chưa ai dám động thủ giết người trong thành Ngọc Kinh.

Nếu muốn động thủ, chỉ có thể chọn ngoài thành.

Khi đó, Tề Huyền Tố theo sư phụ trên đường về Ngọc Kinh thì bị phục kích, sư phụ là mục tiêu chính, bị vây kín.

Còn Tề Huyền Tố khi đó chưa đạt tới cảnh giới tiên thiên, không ai quan tâm đến hắn.

Tề Huyền Tố từ từ nhắm mắt, những gì xảy ra ngày đó hắn không thể quên.

Sư phụ bị thương, toàn thân đẫm máu, nhưng vẫn dốc sức phá vòng vây, sau đó nắm lấy cổ áo hắn, ném ra ngoài, lớn tiếng bảo hắn chạy, tiếng nói như sấm nổ.

Lúc đó, Tề Huyền Tố còn là một kẻ chưa nếm mùi máu tanh, chứ không phải kẻ giết mười mấy Thanh Loan Vệ mà mặt không biến sắc, đã bị dọa sợ chết khiếp.

Theo bản năng, hắn quay đầu bỏ chạy.

Hắn chạy thục mạng, chỉ còn nghe thấy tiếng thở dốc và nhịp tim của chính mình.

Những kẻ phục kích không quá để ý đến hắn, chỉ cử một tên đuổi theo.

Tên đó là cao thủ tiên thiên, giết một tên hậu thiên giai như Tề Huyền Tố dễ như trở bàn tay.

Nhưng hắn không giết ngay, mà như mèo vờn chuột, đuổi theo Tề Huyền Tố đang hoảng loạn.

Đến khi Tề Huyền Tố kiệt sức, không thể chạy nổi nữa, tên đó mới định ra tay kết liễu.

Tề Huyền Tố nằm sõng soài dưới đất, muốn phản kháng nhưng không còn sức rút kiếm, mắt mờ dần, chỉ có thể trơ mắt nhìn tên đó đâm dao vào ngực mình.

Trước khi hắn ngất đi, kẻ đuổi theo định rút dao ra nhưng không thể động đậy.

Hắn từ từ cúi đầu xuống.

Thấy một cánh tay từ phía sau đâm xuyên qua ngực mình.

Đó là bàn tay của một nữ tử, trắng trẻo mềm mại, nhưng sắc bén vô cùng.

Rồi từ phía sau hắn hiện ra một khuôn mặt, tròn trịa như trăng rằm, phong thái quyến rũ.

Thất Nương đã xuất hiện trong thế giới của Tề Huyền Tố một cách ngoạn mục như vậy.

Mọi chuyện tiếp theo diễn ra suôn sẻ, Thất Nương mang Tề Huyền Tố đã bất tỉnh đi. Vì lúc đó Tề Huyền Tố đã trọng thương gần chết, nên Thanh Bình Hội đã cải tạo cơ thể hắn, không chỉ cứu sống hắn, mà còn khiến thân thể hắn trở nên cứng cáp bất thường, đó là lý do tại sao hắn không chết dưới hai cú đấm của Gia Cát Vĩnh Minh.

Sau khi tỉnh lại, Tề Huyền Tố cầu xin Thất Nương cứu sư phụ, nhưng Thất Nương chỉ mang về thi thể của sư phụ hắn.

Từ đó, Tề Huyền Tố quyết tâm báo thù.

Thất Nương thường nói: "Thanh Bình Hội thần thông quảng đại, Thanh Bình Hội không gì không làm được."

Đối với Tề Huyền Tố, Thanh Bình Hội quả thật như vậy.

Thanh Bình Hội có thể thực hiện một điều ước cho “người hữu duyên”, nhưng cái giá phải trả là “người hữu duyên” phải dâng hiến cả thân tâm cho Thanh Bình Hội.

Tề Huyền Tố, người đã được cải tạo thân thể khi đang hôn mê, chính là một “người hữu duyên”.

Lúc đó, Tề Huyền Tố đầu óc chỉ nghĩ đến việc báo thù, không chút do dự bán mình cho Thanh Bình Hội.

Thanh Bình Hội nhanh chóng điều tra ra kẻ thù của Tề Huyền Tố. Người đó tên là Thẩm Ngọc Tạc, xuất thân từ Thẩm gia Thái Bình Đạo, không phải dòng chính, nhưng cũng không phải chi tộc quá xa, địa vị trong tộc không cao không thấp, không tham gia vào những việc lớn của gia tộc, chỉ dựa vào danh tiếng của gia tộc để kinh doanh và xây dựng thế lực riêng.

Ba năm trước, Thẩm Ngọc Tạc vì công việc mà mâu thuẫn với sư phụ của Tề Huyền Tố, từ đó luôn ôm hận trong lòng. Nhân cơ hội sư đồ Tề Huyền Tố rời khỏi Ngọc Kinh, Thẩm Ngọc Tạc đã thuê sát thủ giết người. Những sát thủ này đến từ một tổ chức ngầm khác tên là “Khách Điếm”.

Sau đó, Thanh Bình Hội tạo cho Tề Huyền Tố cơ hội để tự tay giết kẻ thù, và Thất Nương lo việc hậu sự.

Tề Huyền Tố nhớ rất rõ, đó là trong một kỹ viện ở Kim Lăng Phủ, Thẩm Ngọc Tạc đã say khướt, trong rượu có chứa mê dược đặc chế của Thanh Bình Hội, công lực chỉ phát huy chưa đến ba phần, lại còn mệt mỏi sau nửa đêm quần thảo với kỹ nữ. Hắn cho rằng không ai biết hành tung của mình và xung quanh còn có thân vệ bảo vệ.

Nhưng Thẩm Ngọc Tạc không biết, những thân vệ đã bị vô hiệu hóa, hành tung của hắn đã bị Thanh Bình Hội nắm rõ từ một tháng trước.

Thế là Tề Huyền Tố mang kiếm bước vào phòng của Thẩm Ngọc Tạc. Dù Thẩm Ngọc Tạc trong phút cuối tỉnh dậy, tung một cú đá vào ngực, nhưng nhờ cải tạo của Thanh Bình Hội, Tề Huyền Tố chịu đựng được cú đá này, và đâm một nhát kiếm chí mạng vào ngực Thẩm Ngọc Tạc, xoắn nát tim phổi hắn.

Đó là lần đầu tiên trong đời Tề Huyền Tố giết người, và hắn đã trực tiếp giết kẻ thù của mình.

Tề Huyền Tố không ngờ việc báo thù lại nhanh chóng như vậy, không cần đợi mười năm, thậm chí chưa đến mười tháng.

Sau đó, trong tiếng thét kinh hoàng của kỹ nữ, Tề Huyền Tố nhanh chóng rời khỏi kỹ viện.

Từ đầu đến cuối, thân nhân của Thẩm Ngọc Tạc không biết ai đã giết hắn. Họ nghĩ đó là một vụ giết người cướp của, vì tất cả tài sản trên người Thẩm Ngọc Tạc đã bị lấy sạch, bao gồm vài món linh vật, tổng giá trị khoảng ba nghìn quan tiền Thái Bình.

Đến nay, Tề Huyền Tố vẫn tin rằng Thất Nương đã lợi dụng cơ hội này để chiếm đoạt tài sản, Thất Nương thì phủ nhận hoàn toàn, tố cáo Tề Huyền Tố vu khống và từ chối chia tiền cho hắn.

Thân nhân của Thẩm Ngọc Tạc báo cáo vụ việc lên Bắc Thần Đường, Bắc Thần Đường điều tra và xác định đó là hành động của Thanh Bình Hội, một tổ chức ngầm từ lâu đã nằm trong danh sách đen của đạo môn. Đúng như câu nói "nợ nhiều không lo, chấy nhiều không ngứa",Thanh Bình Hội dứt khoát nhận tội, không ai nghĩ đến việc một con cá nhỏ lọt lưới như Tề Huyền Tố, với tính cách của Thẩm Ngọc Tạc, kẻ thù của hắn không ít, giống như Tề Huyền Tố, không đến mười người thì cũng phải bảy tám người.

Như thế, Thanh Bình Hội đã hoàn thành điều ước của Tề Huyền Tố và Tề Huyền Tố bắt đầu ngày tháng phục vụ cho Thanh Bình Hội, cho đến tận bây giờ.

Đây là giao dịch, Tề Huyền Tố là người mắc nợ, muốn trả hết nợ và rời khỏi Thanh Bình Hội, hắn cần tích lũy chín nghìn công huân, hiện tại hắn chỉ có sáu trăm công huân, chưa được một phần mười.

Tề Huyền Tố hồi tỉnh từ dòng suy nghĩ, trước tiên ra sân lấy nước.

Vì Ngọc Kinh nằm trên đỉnh Côn Luân, không thể đào giếng, nên nước dùng trong thành đều lấy từ tuyết tan trên núi cao, sau đó dẫn vào Ngọc Kinh qua các kênh ống. Chỉ là không biết nước tuyết này vào được Ngọc Kinh nhờ cơ quan hay trận pháp.

Tề Huyền Tố có nghe phong phanh rằng Đạo môn đang chia làm hai phái tranh luận về hướng đi tương lai. Một phái chủ trương lấy cơ giới dùng cơ quan làm trọng, một phái chủ trương lấy phù lục trận pháp làm chủ.

Ví dụ như Thiên Cơ Luân mà Kỳ Huyền Tố từng thấy ở Thái Bình Sơn là tác phẩm của phái cơ quan, còn phi thuyền bay trên mây lại là tác phẩm của phái trận pháp.

Điều này dẫn đến sự phát triển kỳ quặc và phân rẽ, giống như một bức tranh, bên trái là tranh sơn dầu hiện thực của phương Tây, bên phải là tranh thủy mặc ẩn ý của phương Đông, dù đều là tranh nhưng phong cách hoàn toàn khác biệt.

Thế giới này cũng vậy.

Có người bắt đầu dùng súng, còn có người vẫn kiên trì dùng cung nỏ. Hắc Y Nhân bắt đầu trang bị pháo sau nòng rãnh xoắn và đạn nổ, nhưng kỵ binh vẫn là lực lượng chủ lực trên chiến trường, vì giáp trụ được phù lục gia cố, trừ khi bị pháo bắn trúng trực diện thì vẫn bình an vô sự. Đạo môn dùng xương giao long chế tạo phi thuyền, còn thủy sư triều đình lại trang bị tàu chiến bọc thép, tung hoành bốn bể.

Đồng thời, hai bên cũng có sự hợp tác, chẳng hạn như “Thần Long Thủ Súng”, là tác phẩm của phái cơ quan, nhưng đạn nạp lại được khắc phù lục phá vỡ hộ thể cương khí.

Những điều này kể không hết.

Thật không biết phái nào sẽ thắng thế cuối cùng, hoặc hai phái sẽ cùng tồn tại và cuối cùng lại hợp nhất.

Nhưng những điều này không liên quan nhiều đến Tề Huyền Tố, hắn chỉ là một đạo sĩ thất phẩm, không thể tham gia vào quyết sách của đạo môn.

Sau khi lấy nước, Tề Huyền Tố dọn dẹp phòng mình, rồi đun một ấm nước, lấy bánh ngọt từ tiệc cưới ra ăn cùng nước lã.

Cuối cùng hắn ngả lưng xuống giường, tận dụng những dư âm cuối cùng của cơn say, thiếp đi.

—-

Chú thích:

[1] Môn Thần: hay còn gọi là thần giữ cửa là một vị thần Trung Quốc thường được đặt ở hai bên cổng vào một ngôi chùa, nhà ở hay tiệm kinh doanh được cho là để trấn giữ không cho những linh hồn hay ma quỷ vẫn vương xâm nhập vào căn nhà. - Trích Wikipedia