Chương 1 Thôn nhỏ bên núi
Cậu Hai Ngốc mở to mắt, nhìn chằm chằm vào mái nhà được làm từ cỏ tranh và bùn đất, cậu đắp trên người chiếc chăn bông cũ kỹ, cũ đến mức chăn biến thành màu vàng khó có thể phân biệt được màu sắc vốn có, thậm chí còn bốc mùi mốc meo.
Anh trai thứ hai của cậu- Hàn Chú nằm sát bên cạnh cậu, ngủ say sưa, lâu lâu lại ngáy lên vài tiếng “khò khò”.
Cách giường gần 2 mét là một bức tường xây đắp bằng đất bùn vàng, do thời gian quá lâu, trên tường xuất hiện những vết nứt nhỏ, có những tiếng lầm bầm phàn nàn của bà Hàn, lâu lâu lại có tiếng hút thuốc lá của ông Hàn vọng lại qua vết nứt.
Cậu Hai Ngốc từ từ nhắm mắt lại, cố gắng chìm vào giấc ngủ. Cậu biết, nếu không nhanh chóng ngủ thì ngày mai cậu không thể nào dậy sớm được, không dậy sớm được thì không thể nào đúng hẹn lên núi nhặt củi khô với các bạn.
Cậu Hai Ngốc tên thật là Hàn Lập, cái tên hay như thế cha mẹ cậu nghĩ không ra, cái tên này là do cha mẹ cậu đã dùng 2 cái bánh bột ngô để nhờ bác Trương trong thôn đặt hộ.
Khi bác Trương còn trẻ, từng có mấy năm làm thư đồng - bạn đọc cho người có tiền trong thị trấn, là người đọc sách biết chữ duy nhất trong thôn, tên của mấy đứa trẻ trong thôn có hơn nửa là do bác đặt hộ.
Mặc dù Hàn Lập bị người trong thôn gọi là “Cậu Hai Ngốc”, nhưng cậu lại không ngốc tí nào, ngược lại còn là một trong những đứa trẻ thông minh nhất trong thôn. Giống như những đứa trẻ khác trong thôn, ngoại trừ người nhà cậu, ít có ai gọi cậu là “Hàn Lập”, mà toàn gọi “Cậu Hai Ngốc” “Cậu Hai Ngốc”.
Mà lý do có biệt hiệu là Cậu Hai Ngốc cũng chỉ là do trong thôn đã có một thằng nhóc gọi là “Cậu Ngốc”.
Cũng chả có gì to tát, trong thôn còn có mấy đứa nhóc bị gọi bằng mấy biêt hiệu như “Cún Con”, “Trứng Trứng” , mấy cái này cũng chả kém gì so với biệt hiệu của cậu…
Dù Hàn Lập không thích bị gọi như vậy cũng chỉ có thể chấp nhận, những đứa trẻ khác trong thôn cũng bị gọi bằng những cái tên không ra gì đấy thôi!
Bề ngoài của Hàn Lập rất bình thường, da đen đen, cũng giống như mấy đứa trẻ nhà nông bình thường khác. Thực ra cậu lại trưởng thành hiểu biết hơn rất nhiều so với những đứa trẻ cùng tuổi. Từ nhỏ cậu đã thích thú với thế giới náo nhiệt bên ngoài, mong có một ngày có thể bước ra khỏi cái thôn nho nhỏ be bé này, đi xem xem cái thế giới bên ngoài mà Bác Trương thường hay nhắc đến.
Hàn Lập chưa bao giờ dám nói nguyện vọng này với người khác. Cậu mà nói ra sẽ khiến cho người trong thôn hết sức ngạc nhiên, một đứa nhóc miệng còn hôi sữa thế mà lại có ý tưởng mà đến cả người lớn cũng không dám nghĩ. Phải biết rằng những đứa trẻ nhỏ tuổi như Hàn Lập còn chỉ biết chạy theo đuổi gà bắt chó, làm sao có thể nghĩ đến việc xa nhà xa quê.
Gia đình Hàn Lập có 7 người, 2 anh trai, một chị gái và một cô em gái. Cậu là con trai thứ 4 trong nhà, năm nay 10 tuổi, nhà rất nghèo, một năm cũng chẳng ăn được mấy bữa có dầu mỡ, cả nhà luôn luôn trong trạng thái ăn bữa hôm lo bữa mai.
Lúc này Hàn Lập vẫn trong trạng thái mơ mơ màng màng, sắp ngủ đến nơi, trong đầu vất vưởng suy nghĩ: Ngày mai lên núi, nhất định phải hái thêm chút quả dại chín mà em gái thích ăn.
Trưa hôm sau, dưới ánh nắng gay gắt, Hàn Lập đang cõng một đống củi khô cao bằng nửa người, trong long còn ôm lấy một túi đầy quả dại chin, cậu đang trên đường trở về nhà. Lúc này cậu không hề biết trong nhà đã đến một vị khách quý, người khách này sẽ thay đổi cả cuộc đời của cậu.
Vi khách quý này là họ hàng gần của cậu, chính là Chú Ba của cậu.
Nghe nói, Chú Ba làm quản lý một khách sạn nhỏ trong thị trấn, là người tài giỏi trong mắt cha mẹ cậu. Nhà họ Hàn gần trăm năm nay mới xuất hiện một họ hàng gần có địa vị như vậy.
Lúc còn rất nhỏ Hàn Lập có gặp ông chú này vài lần. anh cả của cậu làm thợ học việc cho một thợ rèn trong thị trấn, công việc này là do Chú Ba giới thiệu, Chú Ba thường xuyên nhờ người gửi chút đồ ăn, đồ dùng cho cha mẹ cậu, rất hay giúp đỡ gia đình cậu. Chính vì vậy mà Hàn Lập có ấn tượng tốt với chú, cha mẹ cậu dù không nói gì nhưng cậu biết họ đều rất biết ơn Chú Ba.
Anh cả là niềm tự hào của gia đình, nghe nói làm thợ học việc không chỉ bao ăn bao ở, một tháng còn được trả công 30 đồng tiền, đợi đến lúc học xong, chính thức đi làm thuê, tiền công sẽ còn nhiều hơn nữa.
Mỗi khi cha mẹ nhắc đến anh cả, mặt mày tỏa sáng, giống như biến thành một người khác vậy. Dù Hàn Lập tuổi còn nhỏ, nhưng cũng rất hâm mộ anh, cậu cũng đã sớm nghĩ đến công việc tốt nhất cho mình, đó là làm thợ học việc cho một thợ thủ công nào đó, trở thành một người thợ kiếm tiền bằng tay nghề thủ công của mình.
Khi Hàn Lập nhìn thấy Chú Ba, cậu cực kỳ vui vẻ, Chú Ba mặc quần áo gấm, mặt béo béo tròn tròn, còn để râu mép nữa.
Đặt củi khô ra sau nhà, cậu chạy ra nhà chính, rụt rè cúi chào rồi ngoan ngoãn nói: “Cháu chào chú”, sau đó thì đứng im ở một bên, nghe cha mẹ nói chuyện cùng Chú Ba.
Chú Ba cười híp mắt nhìn Hàn Lập, khen cậu mấy câu như “ nghe lời” “ hiểu chuyện”, sau đó quay sang nói chuyện với cha mẹ Hàn Lập.
Hàn Lập còn nhỏ, chưa thể hiểu hết những gì Chú Ba nói, nhưng cậu cũng hiểu được điều mà Chú Ba muốn nói.
Khách sạn mà Chú Ba làm việc là tài sản của một môn phái giang hồ tên là “ Thất Huyền Môn”, môn phái này chia thành hai bộ phận là ngoại môn và nội môn, gần đây Chú Ba chính thức trở thành đệ tử ngoại môn của môn phái này. Ông có cơ hội đề cử những đứa trẻ trong khoảng 7-12 tuổi đi tham gia kỳ thi tuyển đệ tư nội môn của Thất Huyền Môn.
Cuộc thi tuyển đệ tử năm năm mới có một lần của Thất Huyền Môn sẽ bắt đầu vào tháng sau. Chú Ba vẫn chưa có con cái, một người khôn khéo như chú ông lập tức nghĩ ngay đến đứa trẻ phù hợp điều kiện tham gia - Hàn Lập.
Ông Hàn là một người thật thà, nghe đến những từ ngữ lạ lẫm như “ giang hồ”, “môn phái” ông liền có chút do dự, cầm điếu thuốc lào lên hút mạnh vài cái “rít rít” “rít rít”, sau đó ông cứ ngồi đó không nói gì.
Theo lời Chú Ba, Thất Huyền Môn đương nhiên là môn phái số một số hai trong khu vực. Chỉ cần có thể trở thành đệ tử của nội môn có thẻ được miễn phí tập võ, còn được bao ăn bao ở, mỗi tháng còn có hơn một lạng bạc trắng làm tiền tiêu vặt. Còn nữa, người tham gia cuộc thi tuyển cho dù không được chọn vào nội môn cũng có cơ hội trở thành đệ tự của ngoại môn như Chú Ba, đệ tử ngoại môn chuyên quản lý công việc làm ăn kinh doanh của “Thất Huyền Môn”.
Nghe đến mỗi tháng có thể lấy được một lạng bạc trắng, còn có cơ hội được trở thành người máu mặt nhu Chú Ba, ông Hàn cuối cùng quyết định đáp ứng.
Chú Ba thấy ông Hàn cuối cùng cũng đồng ý, rất vui vẻ. Chú để lại một lạng bạc trắng rồi nói một tháng sau sẽ đến đón Hàn Lập, từ đây đến lúc đó nhớ làm nhiều thức ăn ngon, bổ dưỡng cho Hàn Lập để có sức tham gia cuộc thi tuyển. Chú Ba tạm biệt ông Hàn, xoa đầu Hàn Lập rồi lên đường trở lại thị trấn.
Cho dù Hàn Lập không hiểu hết được những gì Chú Ba nói, nhưng cậu vẫn hiểu được là mình có cơ hội vào thị trấn kiếm tiền.
Giấc mơ của cậu có thể thực hiện rồi, cậu háo hức đến mức mất ngủ mấy ngày liên tục.
Hơn một tháng sau, Chú Ba đến đón Hàn Lập. Trước khi đi, ông Hàn nhắc đi nhắc lại: Làm người phải thật thà, gặp chuyện phải biết nhường nhịn, đừng cãi nhau tranh chấp với người khác. Bà Hàn thì nhắc nhỏ Hàn Lập phải giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ.
Ngồi trên xe ngựa, nhìn bóng hình của cha mẹ càng ngày càng nhỏ, Hàn Lập mím môi, cố nín không cho nước mắt rơi xuống.
Cho dù cậu có trưởng thành sớm, hiểu chuyện hơn những đứa trẻ khác, nhưng cậu vẫn chỉ là một đứa trẻ 10 tuổi thôi, lần đầu tiên xa nhà khiến cho cậu cảm thấy vừa buồn cũng vừa hoảng. Cậu quyết tâm, đợi khi nào kiếm được nhiều tiền liền về nhà, sau đó sẽ không bao giờ rời xa cha mẹ nữa.
Hàn Lập chưa từng nghĩ đến, sau này, tiền bạc đã không còn ý nghĩa gì với cậu nữa, về sau cậu đã bước lên con đường tu tiên hoàn toàn khác với người thường.