Có rất nhiều nguyên tắc chiến trường bắt buộc mỗi sĩ quan phải tuân thủ.
Trong ánh mắt của các chuyên gia, chiến cuộc của một số cuộc đối đầu đã được xác định ngay từ trước những đường đạn đầu tiên.
Lần này cũng vậy.
Tên sĩ quan Pháp cởi chiếc mũ nồi đỏ ra lau mồ hôi. Hắn biết mình đang vi phạm một trong số những quy tắc cơ bản nhất của chiến trường.
Đội hình của hắn dàn trải ngoài phạm vi 100 mét tính từ Bưu điện.
Chỉ có khoảng một phần mười số binh lính vẫn ở trong phạm vi, nhưng họ chỉ có thể nấp sau những công sự dựng vội vàng, hoặc sau thiết giáp.
Hắn rơi vào một hoàn cảnh éo le.
Có một xạ thủ xuất sắc trong đội phòng thủ.
Theo báo cáo từ cấp dưới, đã có ít nhất 30 lính mũ nồi bị xạ thủ đó hạ gục.
Binh lính co cụm tiến lên sẽ bị tấn công bởi lựu đạn. Những kẻ đi riêng lẻ sẽ bị hạ gục bởi xạ thủ Việt Minh.
Ngay cả tạm ngưng chiến cũng không được. Trong phạm vi 100 mét, bất cứ vị trí nào cũng có thể bị tiêu diệt dễ dàng.
Do đó, lựa chọn duy nhất của viên sĩ quan trẻ là rút lui.
Hắn đã liên lạc với tổng bộ để điều thêm chi viện, nhưng nhận lại được chỉ là tiếng mắng chửi.
Vài tiểu đội đã phải rời vị trí để tăng viện cho hắn, nâng tổng số quân bao vây chốt Bưu điện lên con số 500.
Đừng thấy con số 500 là ít, vì trên toàn Hà Nội lúc này, bộ binh chính quy của Pháp chỉ có khoảng 6500.
Con số hơn 14.000 được thống kê sau này, bao gồm cả kiều dân được cung cấp vũ trang, và một số lực lượng người Việt hợp tác với Pháp.
Điều đó cũng có nghĩa, hơn 200 quân chính quy bị tiêu diệt bên ngoài chốt Bưu điện lúc này, tương đương với một thất bại cực lớn có thể đè sập tương lai của bất cứ viên chỉ huy nào.
Do đó, hắn cần một lần thắng.
Viên chỉ huy ngày hôm qua cũng nghĩ vậy, sau khi mất đi hơn 60 lính. Sau đó, gã lao lên, và chết rồi. Gã thậm chí còn chết trước khi người xạ thủ di chuyển từ Bắc Bộ phủ sang.
Viên sĩ quan chỉ huy, người mà chiều hôm trước vẫn còn là một cấp phó, sẽ không mắc phải sai lầm ấy lần nữa.
Vậy nên, hắn đứng phía sau xe bọc thép, và ra lệnh cho binh lính xông lên.
Một con bươm bướm bay qua, đậu vào nắp một chiếc xe tăng Pháp. Nó ở im đó, bất động, bất chấp nòng súng giật bắn từng hồi điên loạn.
Trong ngôn ngữ tiếng Việt, bươm bướm tượng trưng cho cái chết, và sự không cam lòng.
Còn trong ngôn ngữ phương Tây, nó là biểu tượng cho dòng thời gian, cho những sự xáo trộn không thể dự đoán trước.
Phạm Tiến Dũng vẫn bình tĩnh bóp cò.
Những người lính tôn trọng nhường cho người lính bắn tỉa xuất sắc nhất của họ vị trí đẹp nhất tầng ba để ngắm bắn.
Một chiếc tiêm kích liên tục quấy rối bằng những làn đạn cháy đỏ. Nhưng độ chính xác của nó quá thấp.
Không quá khó để nhận ra số lượng lớn bất thường của kẻ địch, nhưng dưới hàng đạn lửa vững chắc của Vệ quốc quân, chúng vẫn không thể tiến vào được. Thi thoảng, một đội lính đi túm tụm với nhau bị tách ra bởi một quả lựu đạn ném hời hợt.
Những chiếc xe tăng bị ngăn cản bởi hàng cây bị mìn giật đổ từ hai ngày trước, gào rú và lăn bánh trong vô vọng.
Những tên lính cố gắng thanh lý chướng ngại vật đều bị Dũng và đồng đội bắn hạ.
Đây là một cuộc chiến về sức bền và sức chịu đựng.
Hai Vệ út bé nhỏ băng qua làn đạn để đưa thông tin từ Bưu điện sang cho tòa thị chính. Mặc cho lửa khói xung quanh, hai đứa trẻ vẫn đều đặn cập nhật tin tức cho những người lính.
Bộ đội đã chiếm được trường Bưởi, đốt cháy nhiều khí tài của địch.
Một trung đội tách ra hai hướng đánh lên kho bạc và cầu Long Biên, buộc địch phải phân tán ra.
Một đội dân quân sử dụng những vật dụng tự chế cầm chân trung đội thiết giáp của địch hàng giờ đồng hồ.
Một đứa bé vấp phải một rễ cây, ngã xuống. Đứa còn lại vội chạy tới, đỡ bạn mình dậy.
Hai em nắm tay nhau, kéo nhau chạy băng qua vườn hoa đã bị đốt cháy một phần. Trong túi đeo vai của chúng là những bức điện tín ngắn mà khẩn cấp.
Một vài tên lính Pháp chỉ trỏ gì đó, rồi nòng súng của chúng đổi hướng. Bộ đội nhìn thấy, nhưng tầm ngắm của họ bị chắn bởi nhiều chướng ngại vật rải rác.
Đứa bé gầy gò mặc áo khoác xám, người Vệ út mà Dũng chưa biết tên, bị rễ cây cào chảy máu chân. Cậu lom khom chạy, tay vẫn nắm lấy tay người bạn của mình. Đối với những chú bé mười, mười một tuổi, đói, rét và đau đớn là một phần của họ.
Cuộc sống của họ, đã từng là những chuỗi ngày cùng nhau đánh giày trên phố, nhặt rác bờ sông. Những đứa trẻ nghèo mồ côi dắt díu nhau qua những ngày khốn khổ thời kỳ Bảo Đại, trong tháng năm đói khát Ất Dậu đen tối.
Họ không phải là ruột thịt, nhưng họ là gia đình.
Cho đến ngày, khu ổ chuột trên bãi đá sông Hồng, nơi những đứa trẻ mồ côi nép bên nhau mà sống bị quân Pháp đốt đi.
Chẳng vì lý do gì cả. Những kẻ xâm lăng chỉ đơn giản là muốn nhìn thấy những mảnh đời khốn khổ.
Đau khổ hơn nữa.
Nhiều đứa bé đã rời đi. Theo những người nông dân lùi xa khỏi thủ đô, về nông thôn, hoặc lên núi.
Nơi chúng sẽ được an toàn, có đồ ăn.
Nhưng cũng có đứa ở lại.
Gần 200 đứa.
Đứa nhỏ nhất mới 8 tuổi.
Chúng ở lại chỉ vì một mục đích duy nhất, để đánh lại những kẻ đã đốt nhà chúng, phá hủy sợi dây kết nối gia đình của chúng.
“Chạy đi em, nhanh lên.”
Đứa bé nói với bạn mình. Cánh tay nó kéo người bạn mình đi, nặng nề quá. Nhưng nó vẫn không buông tay. Những đứa trẻ mồ côi không bao giờ bỏ rơi gia đình mình.
Mặc cho vết thương dưới chân đang rách da.
Nhưng rồi bàn tay ấy nhẹ bẫng đi, vô lực.
Chú bé ngoảnh đầu lại.
Người bạn nhỏ nằm xuống bãi cỏ cháy, tay em còn nắm lấy những sợi cỏ.
Lá thư trong ngực bay vung ra, nằm cạnh vết máu đang chảy lênh láng. Vết máu đỏ thấm lên chiếc áo khoác mỏng bạc màu, lên chiếc mũ len cũ kỹ màu ghi.
Nhưng máu không bám vào lá thư.
Lá thư được bóng hình nhỏ bé ấy cầm lên, ôm trong ngực. Nó vừa tập tễnh chạy, vừa khóc. Nước mắt chảy dài trên mặt, trên má.
Nhưng đứa bé không dừng lại.
Cậu Vệ út bé nhỏ chạy mãi, cho đến khi cậu ngã xuống ngất đi trong phòng tổng đài.
Những người lính run lên. Có người bật khóc.
Nhưng kẻ thù không cho mình thời gian để đau thương.
Một người lính trúng đạn rồi.
Vào đầu. Không cứu được.
Lại một người nữa ngã xuống.
Lũ giặc chết nhiều hơn gấp chục lần, nhưng chúng vẫn không lùi lại.
Rất khác thường.
Không cần có góc quan sát của tương lai như Dũng, những người lính cũng nhận ra điều này.
Đã có ít nhất 160 lính phơi xác. Một con số đủ lớn để khiến một lực lượng quân sự cỡ 500 người rút lui.
Nhưng chúng vẫn tiến lên.
Hơi thở của Dũng nặng nề. Một lần nữa, bộ não không thuộc thời đại này của hắn hiểu rồi.
Là xạ thủ.
Trong một cuộc chiến giáp lá cà, luôn có hai đối tượng cần ưu tiên tiêu diệt.
Một là lính điện đài. Kẻ này phải đứng ở vị trí cao, quan sát rộng, sẵn sàng gọi lực lượng không quân thả bom, hoặc bộ binh đổi hướng. Lính Việt Nam gọi bọn này là chỉ điểm, hoặc biệt kích.
Thống kê cho thấy, suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tỷ lệ lính điện đài bị Quân giải phóng triệt hạ luôn tiệm cận 100%.
Xếp thứ hai là xạ thủ.
Trong một cuộc chiến bằng súng, một xạ thủ có uy hiếp tương đương với một trung đội bộ binh, hoặc mười quả bom.
Vì bất cứ lúc nào, chỉ huy chiến trường cũng có thể bị găm đạn vào đầu.
Do đó, thực dân Pháp quyết không để hắn sống.
Phạm Tiến Dũng đột nhiên muốn đốt một cây khói. Nhưng năm 46 vẫn chưa có món đồ chơi hại phổi này.
Vì thế, hắn thở dài, để cho hơi lạnh thoát ra thành một làn hơi khói mờ nhạt.
“Đạn ngược đầu.” Dũng nói.
Thúy đưa cây súng cho anh.
Trên tầng ba chỉ có bốn người lính có tài bắn súng đang xạ kích.
Nếu Dũng không lạc về thời đại này, có lẽ lúc này ở đây chỉ có 4 người mà thôi.
Nhưng hiện tại, nơi này có thêm một chàng xạ thủ. Và một cô du kích.
Nếu dòng thời gian đã thay đổi, hãy để nó thay đổi triệt để hơn nữa.
Chiếc bà già lại xả đạn vào các khung cửa sổ trên tầng ba.
Những người lính nấp sau bức tường, chờ lượt đạn này kết thúc.
Phạm Tiến Dũng không nghĩ nhiều như vậy. Hắn đã ở sẵn vị trí an toàn.
Và ngắm bắn.
Một phi công dày dặn kinh nghiệm tuyệt đối không để máy bay của mình bay gần một công trình nào trong phạm vi 100 mét.
Nhưng đối với người Pháp, Việt Minh chưa bao giờ được coi là đối thủ của họ.
Vì thế, con ma-ron bà già màu mốc meo này đã ở trong tầm ngắm của Dũng gần 4 giây.
Mục tiêu là bình xăng.
Dũng kéo cò.
Khói đen bay mù trời. Và một âm thanh không dễ chịu truyền đi trong không gian.
Cả chiến trường tĩnh lặng hẳn đi. Không phải vì gió đã ngừng thổi, mà là vì sự bàng hoàng, hoặc vỡ òa sung sướng truyền đi giữa hai bên, khiến cho những đôi tay quên cả việc bắn súng.
Lần xung phong thứ tư, kết thúc.