Chương 4: Phá công sự

12 giờ trưa, trước cổng Pháp quốc, đại bác bắn phá dày đặc vào các tòa nhà nghi có du kích.

Ở nơi này, chỉ có một toán lính Âu Phi, tầm 13, 14 tên, nhưng đại bác hai khẩu, đạn đầy 6 thùng, bao cát khắp nơi, tạo thành một bức tường hỏa lực kiên cố.

Kiên cố đến tuyệt vọng.

Dù trời lạnh đến cắt da, Xuân và Cường Tâm vẫn chảy mồ hôi ròng ròng.

Mỗi viên đạn bắn lên tường, mỗi tiếng đại bác vang lên, họ lại nghiến răng lại một chút.

Tiếc đứt ruột.

Trong mắt hai gã đàn ông, những thùng đạn chất đầy sau công sự giặc là chiến lợi phẩm của họ, là vật tư mà họ cần cướp được bằng mọi giá. Nếu số hàng này được chuyển cho bộ đội, đừng nói cố thủ mười ngày nửa tháng, đánh bật bọn Tây ra khỏi Liên khu I cũng không phải không có khả năng.

“Bắn được không?”

Xuân gào về phía Dũng. Trải qua một đêm chiến đấu, gã phải công nhận, cả đội du kích, không ai bắn súng giỏi như Dũng cả.

Thúy bắn súng cũng tạm ổn, nhưng đôi vai nhỏ bé của cô chưa thích nghi được sức giật liên thanh.

“Chưa được, phải tới gần hơn.”

Phạm Tiến Dũng lấy hết hơi mà gào lên. Tiếng gào của hắn át tiếng đại bác.

Khoảng cách giữa tiểu đội của họ và địch là khoảng ba mươi mét, ở giữa là hằng hà sa số đổ nát và một bức tường công sự dày đặc làm từ bao cát. Ở khoảng cách này, hệ thống không kích hoạt được, Dũng cũng không cách nào bắn được.

“Nhìn thấy đống gạch vụn đằng kia không. Chỗ đó cách công sự địch có 15 mét thôi. Chờ nó ngừng bắn thì thằng Tiến xông lên, ném lựu đạn vào chỗ chúng nó. Thằng nào ló đầu lên thì thằng Dũng bắn nó.”

Hậu đẩy đẩy tay, trực tiếp ra lệnh như một vị chỉ huy.

“Xa quá, tao không chắc là bắn được.”

“Không bắn được cũng phải bắn. Không phá được cộng sự này thì mình không tiếp viện cho bộ đội được.”

Tiến cũng nhảy ra cướp lời. Nhiệm vụ của nó là nguy hiểm nhất, phải băng qua đoạn đường trống trải dài gần hai mươi bước chân, không có cộng sự che chắn.

Tiến giơ tay lên, ra hiệu. Mọi người gật đầu. Phạm Tiến Dũng nhìn ra lỗ giao liên. Một tên da đen chỉ trỏ vào chỗ hắn, ra hiệu bắn đại bác. Đạn bắn không trúng, bụi mù bốc lên.

Rồi tiếng đạn ngừng hẳn. Hai tên giặc hạ khẩu đại liên xuống nạp đạn, vài tên khác đưa súng qua những kẽ hở của công sự.

Tiến lao ra. Nó nhanh như một con sóc.

Địch lại xả đạn. Có cả đại bác nã xuống.

Bụi bay đầy trời.

“Gia tốc.”

Dũng cũng nhảy ra khỏi lỗ giao liên. Mọi thứ xung quanh hắn kéo dài ra, chậm lại gấp năm lần. Khoảng cách 30 trở nên ngắn vô cùng, tưởng như chỉ cần vài bước chân là tới.

Lẽ thường thì, đám lính Âu-Phi hoàn toàn có thể nhìn thấy Phạm Tiến Dũng, mũi súng của chúng có thể bắn gục hắn dễ dàng giữa không gian trống trải. Vì vận tốc đường đạn của quân đội Pháp lên đến 700 m/s.

Nhưng quân địch hoàn toàn bị thu hút bởi dáng chạy thoăn thoắt của Tiến, và đám khói bụi mà đại bác của chúng tạo ra trở thành tấm màn che hoàn hảo cho Dũng, vì thế hắn lao lên băng băng như một ngọn tân tinh trong lửa.

Phạm Tiến Dũng vượt qua đống bao cát. Đôi mắt hắn va chạm với đôi mắt xanh đục ngầu của những kẻ da đen. Lũ giặc chĩa súng vào hắn.

Nhưng khi nhịp tim đập 300 lần một phút, Phạm Tiến Dũng là nhà vô địch cuộc đua về tốc độ.

Tiếng tiểu liên MAT-49 vang lên ngắt quãng. Quân địch quá nhiều, Dũng không dám bắn điểm xạ, mà thay vào đó, hắn bóp cò súng phụ, súng nhả ra từng viên một.

Tỷ lệ chính xác, 100%.

Hắn nhắm vào những tên đang cầm súng trước.

Một tên lính không kịp quay đầu, ngã dúi vào hòm tiếp đạn.

Hai kẻ khác chĩa súng vào Dũng, nhưng hắn bóp cò nhanh hơn. Đạn bắn vào đầu, chết tại chỗ.

Có vài tên cố gắng trốn ra phía trước công sự, hoặc núp sau hòm tiếp đạn. Nhưng Phạm Tiến Dũng có lựu đạn.

Lựu đạn ném ra, bay nhanh gấp năm lần.

Đến khi tên địch cuối cùng bị tiêu diệt, Dũng mới gục xuống. Hắn nghiến răng gắng gượng gần mười giây.

Tim hắn đã đạt tới giới hạn.

Phạm Tiến Dũng đã đánh giá quá cao bản thân mình.

“Tích… Tiêu diệt 16 đơn vị địch, +16 điểm.

Hoàn thành nhiệm vụ: Tiêu diệt 10 tên địch

Nhận được: Vật phẩm - Giáp vô hình 30, điểm hệ thống + 10

Vật phẩm - Giáp vô hình 30: Bảo vệ người chuyển sinh khỏi 30 lần bị đạn bắn. Đối với hỏa lực mạnh, tổn thương sẽ được tính gấp đôi hoặc gấp ba.

Tích… Nhận thấy người chuyển sinh đang trong tình trạng nguy hiểm, tự động chuyển 20 điểm hệ thống thành hai điểm phân phối.

Hệ thống chuyển sinh ngày 20/12/1946, 12:49

Người chuyển sinh: Phạm Tiến Dũng

Bí danh: Chưa có

Vai trò: Dân quân du kích, đội cướp vũ khí

Kỹ năng: Xạ thủ cấp thấp

Vũ khí: Cocktail Molotov x 1, lựu đạn x 4, súng tiểu liên

Vật phẩm: Giáp vải, Thẻ gia tốc 30s x 1

Nhiệm vụ chuyển sinh: Sống đến ngày đất nước hoàn toàn hòa bình (7/9/1991) – Chưa hoàn thành

Tuổi: 18 (Tuổi trước khi chuyển sinh: 39)

Chiều cao: 157 cm

Cân nặng: 54 kg

Sức mạnh: 58 + 2

Tốc độ: 12

Điểm phân phối: 13”

Sức mạnh tăng lên, cơ bắp Phạm Tiến Dũng rung lên một chút, cơn đau tim cũng dịu dần đi. Độ một phút sau, khi tác dụng phụ của thẻ gia tốc mất hẳn, Dũng mới đứng dậy. Hắn khiêng khẩu đại liên lên vai, hét lên.

“Cướp được súng Tây rồi, Xuân ơi, Long ơi, Thúy ơi, Tiến ơi.”

Nhưng Dũng không hét nữa. Tiến đi rồi. Nó không vượt qua được bão đạn quân thù, ngã xuống rồi. Quả lựu đạn cầm trên tay chưa kịp rút chốt, nó vẫn nắm chặt.

Nhưng Tiến vẫn mỉm cười. Vì khi viên đạn đầu tiên găm vào ổ bụng, Tiến đã nhìn thấy.

Trong màn khói đen, là Dũng đang lao lên.

Khi ý thức dần trở nên mơ hồ, nó nghe thấy tiếng tiểu liên ngắt quãng, nhịp nhàng.

Lũ cướp nước không thể tạo ra âm thanh êm tai như thế này được.

Tiến đi rồi, nhưng nó nhắm mắt, nó cười.

Long và Hậu đưa Tiến vào một căn nhà hoang vắng, chôn cất sơ sài. Những người khác tìm trong đống đổ nát một cái xe kéo tay chưa hỏng. Cường Tâm gọi mọi người chất hòm tiếp đạn lên xe. Súng thu được, mỗi người cầm hai khẩu.

“Bây giờ sao? Đánh thẳng vào Nhà hát lớn à?”

Cường Tâm là người đầu tiên phá vỡ trầm mặc. Hắn không có ý tưởng gì sáng tạo. Nhà hát lớn gần đây nhất, cũng là nơi tiếp tế cho bọn Tây dương bao vây Bắc Bộ phủ.

“Lực lượng không đủ.” Hậu lắc đầu. “Như kế hoạch cũ, đánh vòng quanh. Chúng mày lấy pháo tép dụ địch ra. Thằng Tiến đi rồi, giờ để tao với thằng Long xuyên vòng vây tiếp tế cho bộ đội.”

“Không, để đội tao đi. Bên tao có mấy thằng nhanh nhẹn, đêm qua chúng nó cũng được ngủ đủ giấc. Để nó đi an toàn hơn.”

Cường Tâm chỉ tay vào mấy người thanh niên rắn rỏi. Tùng, Bách, Lâm, Tiến Cường, bốn người được chỉ định gật đầu. Không ai phản đối.

Hoa gom số pháo đùng, pháp tép chưa bị hỏng lại, giao một nửa cho Thúy. Hậu nhìn đống pháo tép, sa vào trầm tư.

“Gom mười quả vào một, mỗi lần đốt theo dây.”

Dũng ngạc nhiên, hắn hiểu rõ kế hoạch của Hậu. Quân đội sau này cũng từng dùng cách này đánh nghi binh.

“Đội mình chỉ có thằng Dũng là bắn được súng. Mỗi lần nó bắn ba viên một, bắn mười một lần là hết cả băng đạn. Đám Tây dương quanh đây không sợ ta có súng, vậy ta bắn cho nó sợ. Để sau này nghe thấy đạn bắn ba viên là giặc phải rút lui lại.”

Dũng gật đầu. Kiếp trước, trong kháng chiến chống Mỹ, quân du kích miền Nam lấy pháo tép giả làm bộ đội chính quy, nhiều lần dụ địch thành công. Lính Mỹ không phân biệt được đạn điểm xạ và đạn nghi binh, thường xuyên rơi vào phục kích trong rừng.

Mọi người cũng đồng ý với cách của Hậu. Vô hình chung, khi di chuyển, Xuân và Cường Tâm là chỉ huy, khi chiến đấu, lấy bao quanh Dũng làm chủ lực, còn khi bày chiến lược, mọi người đều tin theo Hậu.

“Thế giờ đánh tháp Hòa Phong rồi vòng qua bưu điện vào Bắc Bộ phủ nhé?”

Xuân đưa ra ý kiến. Hậu lắc đầu, lấy tay vạch đất làm bản đồ

“Đúng, nhưng vẫn chưa đủ.

Ta đánh đến tận cổng Pháp quốc, mà giặc đóng ở Nhà hát lớn không xông ra, nghĩa là chủ lực của nó đang bao vây phủ Chủ tịch.

Đại bác không kéo đi được, ba thằng ở lại đây, lắp đạn vào, bắn xối xả vào Nhà hát lớn cho tao, ép chúng nó phải rút quân ra đánh mình. Thằng Dũng đi cửa sau phủ, điểm xạ giết giặc.

Tao biết mày bắn tốt, cứ nhằm thằng chạy chậm mà bắn. Thương vong một hai thằng là nó sợ, nó chui vào cộng sự, bộ đội mình từ trong phủ và bưu điện bắn ra, ép nó rút lui về cổng trước.

Hoa với Thúy dùng pháo tép làm nghi binh, để địch nghĩ rằng quân mình có nhiều người đang bắn, nó phải chạy ra cổng trước. Xong rồi đội thằng Cường Tâm mang đồ vào tiếp tế Bắc Bộ phủ.”

Nói một hơi dài, Hậu giật nắp bi đông uống một ngụm nước, rồi nói tiếp.

“Mấu chốt kế hoạch là phải nhanh, phải đồng thời. Thấy tiếng đại bác là bắn nó luôn, tiết kiệm đạn. Lính nó rút ra thì dùng lựu đạn phá đại bác, rồi rút vào chiến hào mà trốn. Đội thằng Tiến Cường vào đưa tiếp tế xong thì rút ra luôn, xong mình chạy ra ga đầu cầu. Còn ai có ý kiến gì nữa không?”

“Vào xin hai quả bom ba càng, cứ bảo bộ đội ở ga đầu cầu xin, cấp trên cho phép rồi.”

Dũng đột nhiên nói. Chỉ còn một tấm thẻ gia tốc cuối cùng, hắn muốn tận dụng để làm nhiệm vụ phá xe tăng.

Hậu nhìn Dũng đầy nghi hoặc, nhưng cũng không bác bỏ. Dũng là chủ lực của cả đội, anh chọn cách tin tưởng hắn.

“Được rồi, để tao bắn đại bác.” Cường Tâm xung phong nhận việc. “Đừng ý kiến, ông nội tao từng là quân dưới tay cụ Hoàng Diệu, ông cũng dạy tao cách dùng cái đồ này rồi.”

Như sợ có người thắc mắc, Cường Tâm vỗ ngực tự giới thiệu gia thế của mình. Nghe tới tên cụ Hoàng Diệu, mọi người đều tỏ ra ngưỡng mộ. Năm 1946, người Hà Nội có thể không biết Khu trưởng Vương Thừa Vũ, nhưng không ai không biết Tổng đốc Hoàng Diệu.

Thấy Cường Tâm ở lại, những người khác cũng nhao nhao ở lại theo. Nhưng Hậu đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho mọi người.

Cuối cùng, những đội viên cũ của Cường Tâm ở lại, nhóm của Tiến Cường tách ra, theo Xuân và Dũng. Hậu nấp ở tầng hai một ngôi nhà hoang quan sát tổng thể.

Nếu kế hoạch vẫn ổn, anh sẽ cho nổ liền hai quả pháo hoa, mọi người sau khi rút lui thì gặp nhau ở ga đầu cầu.

Nếu kế hoạch thất bại, Hậu sẽ đốt một quả pháo hoa, rồi rút về tụ họp với các nhóm du kích khác. Những người còn lại cũng tách ra rút lui.

13 giờ, 26 phút, xét thấy đám lính Tây dương trong nhà hát lớn lơ là cảnh giác, một số tên nấp trong công sự ăn trưa, mùi khói bếp bay phiêu đãng, Cường Tâm nở nụ cười. Hắn ra hiệu cho anh em nổ những loạt đạn đầu tiên.

Cùng lúc đó, ở phía sau quán cà phê đổ nát gần tháp Hòa Phong, Dũng cũng bắt đầu ngắm bắn.

Tiểu đội địch tuần tra gần nhất.

4 tên.

Khoảng cách.

9,5 mét.

(P/s: Đã cố gắng tra cứu các địa danh ở phố cổ Hà Nội trong trận 1946, nhưng không tránh khỏi có chút sai sót. Trong những cuộc đụng độ sau, quy mô sẽ ngày càng mở rộng. Một số địa danh trong quá khứ đã đổi tên, hoặc không thể tra cứu được, rất mong nhận được thông cảm.)