Chương 13: Tiệm may âu hoá

13

Chừng bẩy giờ sáng, hai thầy trò bước vào bên trong chợ, lúc này đã rất đông đúc, thấy có cả quan Tây, quan Nhật. Người thì áo gấm thêu hoa sang trọng, kẻ vận tấm áo nâu quần chẽn quê mùa. Không ít người cũng cởi trần như hai thầy trò nhà hắn. Lão Chột bước tới một xạp cá khô, đoạn nhấc cái bao trên vai Đỗ Vũ xuống rồi bảo:

_ Khô cá sông hạng nhất đấy! Cô lấy cho tôi nhá?!

Cô bán hàng chừng ba mươi tuổi thân hình đầy đặn, cổ đeo khánh bạc, mặc áo dài mầu mận chín, ả nhìn hai thầy trò có vẻ hơi chán ghét nhưng cũng nói nhẹ nhàng:

_ Để nhà cháu kiểm tra xem thế nào? Nếu được thì sẽ lấy của cụ.

Nói xong cô ta vén tay áo, nhúm từ trong bao vải lên một miếng khô cá đưa lên mũi hít hít, tiện tay bẻ bẻ rồi đặt xuống lấy một miếng khác lên kiểm tra, đoạn ả nói với lão Chột:

_ Cũng được! Nhưng không phải hạng nhất đâu?! Lôm côm nhiều loại cá quá cụ ạ.

_ Vậy cô trả được mấy đồng?

_ Nhà cháu phải lựa ra từng loại mới bán được! Nên chỉ lấy được tám xu một cân thôi! Cụ không ưng có thể mang sang hàng khác bán.

_ Ừm! Thôi cũng được! Các cô buôn bán cũng phải có tý lời chứ phải không?!

_ Ôi! Hihi! Cụ thật là hiểu chuyện ạ! Đúng là không thể nhìn mặt mà đoán tính cách con người được.

Vừa nói cô ta vừa đứng dậy nhắc nhắc bao cá ước lượng, đoạn cầm từ phía sau ra một cái cân quả tạ kéo đến số bốn mươi rồi ngoắc Đỗ Vũ:

_ Anh giai trẻ khoẻ cầm cho chị cái cân.

Hắn cầm vào tay lắm, đợi cô ta móc vào bao cá rồi nhấc lên:

_ Ái dà! Anh giai nom vậy mà khoẻ thế? Chắc khoản nọ kia cũng không kém đâu nhỉ!? Hi hi.

Cô ả vừa chỉnh quả cân vừa liếc mắt đưa tình với hắn, chắc muốn hắn phân tâm để không nhìn rõ mặt cân.

_ Ồ! Tận những bốn mốt cân cụ à! Nặng ghê ta?

Lão Chột thoáng nhếch mép lên tiếng:

_ Cô cứ bỏ tay kia ra! Đầu cái cân nó vẫn còn đang cửng lên kìa!

Thoáng chút bối rối cô ả lại cười hi hi:

_ Phải cửng một chút mới thích, chứ nằm ngang thì chán lắm cụ ạ! Hi hi.

Nói vậy nhưng cô ta vẫn dịch quả cân lên một khấc rồi buông tay, đầu cân vẫn cửng hơn mức bình thường nhưng lão Chột cũng chả thèm tính toán chi ly.

_ Thôi anh giai buông xuống được rồi đấy! Bốn hai cân mà xách nhẹ tênh, thế này có bế vợ chạy khắp cả phòng cũng được ấy nhỉ?!

Đặt cái cân về chỗ cũ, mặt cô ta trở lên nghiêm túc lấy một bao vải dâù ra, nhặt từng miếng cá trong bao bố cho vào, lát sau còn sót vại vài miếng cá bị vỡ nát, ả cho tất cả vào lại bao vải của lão rồi lấy cân nhỏ cân lên:

_ Cả bao với cá loại là vừa đúng hai cân! Vậy vị chi là bốn mươi cân cá, được cả thẩy là ba đồng hai mươi xu.

Cô ta lấy trong túi xách ra ba tờ một đồng bạc với một tờ hai mươi xu kèm với chiếc bao đưa cho Lão chột:

_ Cháu gửi lại cụ! Khi nào có cá lại mang bán cho cháu nhé?! Hi hi.

_ Ừm...

Lão chột nhét bao vải với mấy mảnh cá vào tay Đỗ Vũ rồi đi loanh quanh một vòng quanh chợ, mua hai chục cân gạo vài cân muối với ít chè khô cùng một miếng thủ lợn rồi đi ra về. Đỗ Vũ cho tất cả những thứ vừa mua vào bao vải bố, đoạn vác lên vai lẽo đẽo bước theo lão già:

_ Đúng là lão già dại gái! Chỗ cá lúc đó mang ra chỗ khác bán phải được thêm mấy đồng.

_ Mẹ! Thế thằng chó nào lúc cân cá cũng nhìn chằm chằm vào ngực con mụ ấy hả?!

_ À à! Nhìn mặt cân thôi mà!...

_ Thôi cũng được giá hơn bán ở chợ Chử Xá rồi! Nhưng mua mấy thứ đã hết mẹ nó ba đồng rồi! Thời buổi ngày càng khó khăn...

Bước ra ngoài cổng chợ, Đỗ Vũ lục trong bao ra mấy miếng cá khô thừa lại ném cho bọn ăn mày, rồi nhanh chóng bước theo lão Chột. Phía sau chợt ồn ào, hắn nhìn lại thì thấy hơn chục đứa ăn mày đang lao vào nhau đấm đá túi bụi.

_ Đúng là tiến hoá ngược! Ăn mày ở phố còn kém văn hoá hơn cả ở quê!

_ Lần sau mày không được cho linh tinh nhớ chưa?! Nhiều khi làm ơn mà thành gây hoạ đấy.

_ Dạ vâng ạ!

Đi ngược lại còn đường cũ, lúc này các cửa hàng đã mở cửa nhìn phố xá đã trở nên nhộn nhịp. Thi thoảng lại thấy vài tốp lính đi lại, xen lẫn cả Tây cả Nhật nhưng phần đông vẫn là người Việt. Tới một quán bún mọc ở chỗ khá vắng vẻ, lão Chột ngoắc tay Đỗ Vũ cùng bước vào:

_ Ông chủ! Cho hai tô bún nhiều mọc nhá!

Tên nhóc bồi bàn cầm cái khăn lau phẩy phẩy, định đi ra đuổi hai thầy trò đi thì phía trong một giọng nam trung niên cất lên:

_ Thằng Cò đâu rồi!? Mày vào đây bê bún ra cho hai ông khách nào!

Thằng nhóc sững lại một lát, rồi quay vào trong nói chuyện với ông chủ, tuy họ nói chuyện rất nhỏ nhưng Đỗ Vũ đều nghe thấy cả - Có lẽ lão Chột cũng vậy.

_ Ông nhìn tướng bọn họ giống ăn mày thế kia lấy đâu tiền mà đi ăn bún!

_ Mày còn dại lắm! Mày không thấy tên trẻ tuổi kia vác bao gạo trên vai à? Có tiền mua nhiều gạo thế thì cũng có tiền ăn bún, hiểu chửa?

_ Dạ dạ!

_ Mà tao nhìn ánh mắt lão già kia lạnh lắm, không nên dây vào! Thà bị ăn quỵt còn hơn là mất mạng nghe chửa?!

Nửa khắc sau, thằng Cò cẩn thận bê một khay gỗ có hai bát bún ra nhẹ nhàng đặt xuống, len lén nhìn mặt lão Chột rồi đi nhanh vào trong. Thấy vậy Đỗ Vũ cười lớn:

_ Ha ha! Kể ra ông chủ quán này nhìn người cũng chuẩn phết lão nhỉ?!

_ Chuẩn cái cục cit! Từ nhỏ đến lớn tao chưa ăn quỵt của ai bảo giờ nhá!

_ Ồ! Nhiều mọc thật, có vẻ ngon đấy! Thôi ăn đi lão.

Chừng dăm phút sau, hai tô bún đã không còn một giọt nước, ăn cá lâu ngày nay được đổi vị lên hai người đều thấy rất ngon. Lấy chiếc đũa quẹt ngang miệng, đoạn lão Chột mới nhìn vào phía trong nói to:

_ Thằng cu bồi bàn đâu ra tính tiền nào?

Chừng hai phút sau, một người đàn ông trung niên từ sau nhà bếp mới chậm dãi bước ra, khoảnh tay lễ phép nói:

_ Dạ bẩm cụ và cậu đây! Mỗi bát mười xu vị chi cả thẩy là hai chục xu ạ.

_ Mịa! Hồi trước tao ăn ở bên kia có dăm xu một bát mà nhà mày lấy tận mười xu?

_ Dạ đận này thóc gạo thịt thà mỗi ngày một lên giá! Mười xu cũng chả có lãi là bao, nhưng thôi ông cứ trả năm xu một bát cũng được.

_ Hử! Bố mày không phải là phường ăn quỵt nhá! Hai chục xu đây! Thằng Vũ đi thôi.

Lão Chột rút trong cạp quần ra tờ bạc hai mươi xu đập mạnh xuống bàn rồi bỏ đi. Đỗ Vũ nhanh nhẹn bước theo miệng thì vẫn cười hô hố.

_ Mày cười cái rắm ấy! Thấy quán bán quần áo bên kia đường không? Nhìn hay phết nhỉ? Tao mới mày qua mua mỗi thằng một bộ.

Theo hướng tay lão Chột chỉ, Đỗ Vũ nhìn sang thâý một cửa hàng khá lớn trước cửa có tấm biển: "Tiệm May Âu Hoá". Phía trong có một thanh niên chừng ba mươi tuổi, vận áo sơ mi trắng đang đi lại, chân gã đi giầy tây miệng ngậm điếu thuốc lá, trên đầu mái tóc mầu lông bò đã được dùng keo vuốt ngược ra phía sau. Nhìn thằng chả nom giống anh "Xuân" quá, Đỗ Vũ túm cạp quần lão Chột lại rồi bảo:

_ Ở đây bán toàn đồ Tây thôi lão! Mình là dân bắt cá mặc thế chó nào được?!