Chương 2: Cô gái với hai bộ mặt

Mùi thức ăn thơm phức phảng phất theo gió bay ra tận ngoài cửa khu nhà trọ, tiếng xèo xèo cùng tiếng canh cách của kim loại đập vào nhau theo từng đợt thật nhịp nhàng, ồn ào nhưng lại đầy thân thuộc. Như thể âm thanh đó là một liều thuốc bổ xua tan đi những phiền muộn trong cuộc sống, làm Nguyệt Anh hớn hở rảo bước đến mà không chút chần chừ. Đằng sau là Thu Thảo đang cố bắt kịp, có vẻ cô bạn ít khi đi bộ nên đang rã rời cả chân tay, mặt tái xanh tái nhợt vừa đuổi theo vừa gọi Nguyệt Anh chậm lại.

Người ngoài nhìn vào ai cũng tưởng họ là hai chị em, bởi Nguyệt Anh là cô gái cao cao ráo, khoảng một mét bảy mươi lăm, trong khi Thảo chỉ có hai mét bẻ đôi. Trông Thảo cố chạy theo Nguyệt Anh vừa buồn cười mà cũng vừa thương.

"Anh! À không, Nguyệt Anh! Lần sau bạn chậm lại được không? Tôi mệt quá!"

"Có bà chậm ấy, đây chỗ tôi trọ này. Phòng đầu tiên luôn."

"Mùi thơm thật. Có ai ở ghép với bạn hay sao mà nghe như nấu ăn vậy?"

"Mẹ tôi đó, hai mẹ con tôi trước giờ đều ở trọ, chuyển hết chỗ này đến chỗ khác. Nay chuyển gần đây để tôi tiện di chuyển đến trường. Thôi đứng đây làm chi? Vào thôi!"

Nguyệt mở cửa phòng đang hé kèm theo lời chào thân mật: "Con chào mẹ!"

Người mẹ chỉ "ừ" một tiếng, bà có vẻ bận tâm đến cái chảo thịt rang trên bếp hơn. Cửa phòng mở dần, để lộ ra một người khác đứng ngay bên trái Nguyệt Anh. Bà đánh mắt sang bên như một thói quen. Ồ? Con mình dẫn bạn đến chơi? Mình đang bị ảo giác chăng?

"Cháu... cháu... chào bác... ạ..." Thảo lắp bắp. Cô chợt nhớ lại cô chỉ có thể nói chuyện được với Nguyệt Anh. Ngoài ra thì cô không thể cất giọng bình thường được, cứ như có dị vật chặn giữa cổ họng cô vậy.

"Chào cháu, cháu vào chơi!" Giọng nói phấn khởi pha chút ngạc nhiên của vị phụ huynh lớn tuổi chứng tỏ một điều rằng Nguyệt Anh kết bạn ai đó thôi cũng là một cái gì đó bất khả thi. Càng khó tin hơn, Nguyệt Anh còn mời bạn đến chơi ngay ngày đầu tiên đến trường nữa , không lẽ bà đang nằm mơ. Bà còn tính đưa tay lên dụi mắt rồi, nhưng còn vướng bận với cái chảo thịt nên thôi.

Nguyệt Anh xị mặt xuống tỏ ra thất vọng, "Nãy con chào thì đáp lạnh nhạt lắm. Người lạ thì đáp rõ to."

"Mày làm gì con bé kia hay sao mà nó nhìn sợ sệt thế? Đã vậy còn lấm tấm mồ hôi như vừa bị ma rượt nữa."

"Có làm gì đâu mẹ." Nguyệt Anh hất dép trước cửa rồi nhảy phốc lên giường lăn lộn làm đủ trò, nghịch ngợm như trẻ con. Nếu chỉ kể cho người khác nghe về cảnh tượng này mà không quay phim làm bằng chứng, chắc ai cũng bảo Thảo bị điên mất. Thấy Nguyệt Anh vỗ vỗ xuống tấm chiếu ra hiệu ngồi cùng, cô vội vội vàng vàng ngồi sụp xuống theo, dù chưa cởi bỏ lớp khẩu trang nhưng vẫn có thể thấy khuôn mặt đỏ bừng vì ngại ngùng của cô. Mẹ Nguyệt Anh quát lớn:

"Con kia!! Mày đi về là vứt dép như đống rác thế hả? Xếp gọn vào, để cho người thuê trọ khác còn dắt xe qua chứ! Có cái việc cỏn con như thế nhắc suốt ngày."

"Rồi rồi, con cất liền."

"Mày là thanh niên rồi đấy, lên đại học thì chí ít cũng đeo đôi giày vào cho nó lịch sự. Đi dép lê rồi kéo xềnh xệch nghe nhức hết cả óc. Đấy, nhìn qua bạn mày đi, quần áo chỉnh tề, tóc tai gọn gàng, đi vào xếp giày ngay ngắn. Nhìn phát ra luôn sinh viên, mày khác gì mấy đứa choi choi cấp một, cấp hai đâu."

"Mẹ nói sai nha, tóc con cắt theo kiểu tóc tém, nhìn gọn mà."

Tắt bếp cái "cạch", mẹ Nguyệt Anh thở phù một tiếng. Bà quay sang hỏi Thảo:

"Này cháu gái, đã đến đây rồi thì ăn cơm cùng nhà cô nhá."

Cô con gái nghe vậy liền chen ngang, "Ừ, đã đến đây thì ăn cùng với nhà tôi luôn. Sợ gì."

"Mọi người... à... mọi người mời vậy thì cháu không chối được rồi."

"Không cần khách sáo thế cháu, mỗi bữa cơm thôi mà."

"Để... cháu nhắn tin cho bác tài đón muộn."

Nguyệt Anh chống tay hai bên hông, cười đùa. "Oài! Giàu dữ ha, đi về bằng taxi luôn."

"Ngày nào cũng đi taxi tiền nào chịu nổi, đó là xe riêng của nhà tôi."

Nghe xong, cô ngẩn người: "Ùi, thế thì bà còn giàu hơn tôi tưởng ấy..."

Mẹ Nguyệt Anh bày thức ăn lên mâm, cô con gái quý hóa của bà sấn đến bưng mâm giúp, vừa bưng vừa nhăn nhở với bà. Bà vờ cau mày, "Thôi đi mẹ trẻ!"

Đặt mâm cơm lên giường, cô sà vào người mẹ, quấn quít như con nít lên ba.

"Thôi đi mày, khiếp quá!"

"Cho con sờ ấy đi mẹ."

"Tha cho tao, tao sáu mươi tuổi rồi chứ còn trẻ gì đâu. Mày sờ suốt để nó bẹp xem lép à?"

"Hì hì, à mẹ, nước mắm sắp hết rồi, mẹ đưa con tiền con đi mua cho."

"Ờ, suýt nữa thì quên."

Lấy trong túi ra một xấp toàn tiền lẻ một hai nghìn đồng, bà lẩm nhẩm xong rồi dúi hết cho Nguyệt Anh bảo cô tự tính tiền thừa. Nguyệt Anh ngay tức khắc chạy ra khỏi phòng trọ, để lại cô bạn nhút nhát của mình với mẹ. Chứng kiến con người khác biệt hoàn toàn của Nguyệt Anh, Thảo há hốc cả miệng, tất nhiên là trong tưởng tượng rồi...

Cô nãy giờ chỉ quan sát xung quanh chứ không dám nói một câu nào. Căn phòng trọ vô cùng cũ kỹ, tường nhiều chỗ đã xỉn màu trông như bị dột, không gian thì hẹp và tù túng, hơn nữa còn nằm sâu trong con ngõ khuất ánh sáng mặt trời. Không nghĩ thủ đô Hà Nội hiện đại còn những phòng trọ kiểu này, hoặc có thể cô không biết chúng vẫn tồn tại.

Cô chuyển sang nhìn mâm cơm, đã lâu lắm rồi cô không thấy nó, vì gia đình cô không sử dụng mâm, bao giờ cũng đặt hết đồ ăn lên bàn, dĩa đồ ăn thì trình bày đẹp mắt và chuyên nghiệp do nhà có đầu bếp riêng. Chỉ có những lần về quê mới thấy cái hình thù của cái mâm như thế nào.

Bên trong mâm cơm có một ít thịt rang mặn, một bát canh rau không muối, đúng hơn là bát nước rau luộc, kèm theo một bát nước mắm nhỏ. Một bữa ăn rất ít chất, nói một cách thô lỗ là một bữa ăn của nhà nghèo. So sánh với bữa ăn thường ngày của của cô với gia đình Nguyệt Anh như so sánh nhà hàng ba sao với quán ăn đường phố nhưng chất lượng tệ hại.

Gia đình Thảo thực ra rất giàu, ô tô xếp gara kéo thành một hàng dài tít tắp. Thảo nghĩ đến căn phòng ngủ của mình, nó rộng ít nhất gấp ba lần "nhà" của Nguyệt Anh, hệ thống sưởi và điều hoà đầy đủ. Phòng tắm máy nóng lạnh hiện đại, ngay cả cái bồn cầu thôi cũng toàn nút là nút với đủ thứ chức năng trên đời.

"Góc kia là nhà vệ sinh phải không ạ?"

"Ừ cháu, cháu đi vệ sinh à?"

"Vân... vâng ạ."

Một phần là vì tò mò, phần còn lại đúng là có nhu cầu thật!

Thảo nghiêng đầu vào xem nội thất của nhà vệ sinh, không cửa đóng, một cái bồn cầu chiếm nửa không gian, gần đấy là một cái xô và vòi nước, không vòi hoa sen, không gì cả, nó thậm chí còn không đủ tiêu chuẩn là nhà vệ sinh. Được cái mọi thứ bên trong đều bóng loáng, cái này là điểm cộng duy nhất.

Nhìn chung lại, căn phòng trọ này thiếu nhiều thứ. Nhưng nó lại sạch sẽ, thơm tho, hẳn chủ nơi này kĩ tính lắm. Và nơi đây mang lại cho Thảo cảm giác rất lạ, cô thấy thật bình yên, thoải mái, có điều gì đó khó tả dâng trào bên trong cô mà đến ngay chính cô cũng không thể hiểu nổi. Cảm xúc của con người luôn là một thứ phức tạp, liệu đây có phải tự do? Điều mà cô không hiểu cũng như chưa từng trải nghiệm?

Sự thiếu sót của căn phòng trọ này tốt hơn sự hoàn hảo quá mức của ngôi nhà cô đang sống? Vì thế tình cảm con người ở đây cũng mạnh mẽ hơn cái nơi "hoàn hảo" kia để bù đắp những khiếm khuyết của căn trọ xập xệ?

Trở lại giường ngủ, cũng là nơi ăn uống của hai mẹ con Nguyệt Anh. Cô ngồi im không động đậy, âm thanh duy nhất nhất lọt qua tai cô là tiếng loẹt xoẹt của cái quạt đã có tuổi. Mẹ Nguyệt Anh nói vu vơ, "Cái con kia nó đi đâu mà lâu thế chứ lại."

"Con gái! Sao cháu quen Nguyệt Anh thế?"

"Dạ... cháu chỉ đến bắt chuyện rồi cả hai kết bạn thôi ạ."

"Nghe cứ lạ lạ nhỉ? Con bé trước giờ có kết bạn với ai đâu, mấy đứa cùng lớp sợ nó ra mặt, con gái con đứa gì nóng nảy, hơi tí là chửi người khác."

"Bạn ý khi ở nhà và khi trên trường khác biệt thật... cháu không nghĩ bạn ý là dễ thương như vậy đâu ạ."

"Ôi chào, chỉ mỗi lần cạnh cô nó mới vậy. Tưởng giấu được cô chuyện này chứ cô biết thừa, mẹ nó nuôi nó từ nhỏ cơ mà." Mẹ Nguyệt Anh dựa lưng vào cái gối, bà ngẩng đầu lên trần nhà suy tư. "Thế nhưng, dù nó ở nhà hay có ở đâu đi nữa, nó vẫn luôn là đứa con gái tốt bụng. Chẳng qua, nó hơi thẳng tính quá mức, thành ra ai cũng không ưa nó... nghĩ mà tức thật."

Thảo thu người lại, ánh mắt của cô có chút buồn rầu. Cô không dám nhìn mẹ của Nguyệt Anh, nhưng nếu nó cùng biểu cảm với cô khi này, cũng không có gì ngạc nhiên.

Nguyệt Anh là một người hướng ngoại, thật khó tin một người hướng ngoại lại không lấy nổi một người bạn. Cô không biết giấu đi cảm xúc hay suy nghĩ của bản thân, cho nên trong mắt người khác cô là đứa con gái vô duyên, nhiều lúc lời nói của cô giống y hệt con dao được mài sắc nhọn, sẵn sàng đâm thủng trái tim người khác.

Toát lên vẻ quyến rũ hiếm thấy thậm chí ít người phụ nữ nào trên đất nước Việt Nam có được. Cùng chiều cao nổi bật với thân hình mảnh mai nhưng đầy khoẻ khoắn. Nguyệt Anh dễ dàng chiếm trọn cái nhìn thiện cảm của tất cả mọi người kể cả người khó tính nhất. Cô đồng thời là mẫu con gái thích chơi thể thao, cô chơi tốt ở hầu hết các môn thể thao, có cả bóng đá. Vì thế mà bao nhiêu đứa con trai đã chết mê chết mệt Nguyệt Anh.

Không chỉ sở hữu ngoại hình lôi cuốn, cô còn có khuôn mặt xinh đẹp tưởng như chỉ có trong truyện cổ tích, sáng tựa ánh trăng lung linh huyền ảo. Đôi mắt toát lên khí chất đầy mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần nữ tính. Ngay cả khi là con gái, thật khó để thoát khỏi sức hút ấy, một vầng hào quang toát lên vẻ đẹp choáng ngợp.

Nhờ vậy cô mới có biệt danh hồi cấp ba là "hoa khôi không chính thức", "không chính thức" xuất phát từ việc cô không tham bất cứ cuộc thi hoa khôi nào của trường, cái biệt danh tự phong này cứ thế mà lan rộng thôi.

Thảo xâu chuỗi lại mọi thứ mình nhìn thấy trong đầu, một cô gái tuyệt sắc như Thảo lại có gia cảnh khổ sở. Nghe như một sai số của cuộc đời, cô lại bắt đầu không thể suy nghĩ thêm được nữa. Trong vài phút vừa qua đến tận hai thứ khiến bộ não của cô phải quá tải.

Cô thử chậm lại, suy cho cùng, những thứ Nguyệt Anh mặc trên người cũng chỉ toàn hàng chợ. Bằng một cách thật kì nào đó, cô bạn đó vẫn biến nó thành trang phục của sàn diễn thời trang. Ông bà ta có câu "đói cho sạch, rách cho thơm", đây chẳng phải là minh chứng cho nghĩa gốc của câu nói trên sao?

"Dừng lại đã, nãy giờ mình đang nghĩ cái gì vậy? Đây có phải suy nghĩ của một đứa ghen tỵ không? Chắc là đúng rồi..."

"Ầu, hế lô." Giọng nói trong trẻo phát ra từ ngoài cửa , đúng giọng nói của Nguyệt Anh rồi. Mẹ cô hét toáng lên vì sự chậm trễ, Nguyệt Anh còn chỉ biết cười trừ cho qua.

Nhìn cảnh tượng đó, nụ cười trên môi nghĩ đã biến mất từ lâu xuất hiện trở lại trên gương mặt hiền dịu của Thảo.

Hiểu rồi, mình ghen tỵ với Nguyệt Anh là vì thế sao?