Chương 1: Con người cô đơn

“Ngọn phượng” rực lửa giữa trời sớm đã lụi tàn, bầy lũ ve sầu trú ngụ dưới những tán cây cũng không còn làm phiền những người hàng xóm khổ sở bằng tiếng kêu chói tai của chúng nữa.

Qua mùa hè rồi!

Qua cái mùa hè cháy bỏng này rồi!

Qua rồi…đúng không?

Làm gì có vụ đó. Hãy nhớ rằng đây là năm 2022, năm của những điều “tuyệt vời” mà con người đem đến cho mẹ thiên nhiên vĩ đại. Tất nhiên để cảm ơn “lòng tốt” của những “đứa con ngỗ nghịch”, Bà đã ban tặng một nguồn nhiệt ấm áp thấm đẫm tình yêu thương cho chúng sinh. Giúp mùa hè kéo dài thêm hai, ba tháng…Vậy thôi trẻ con nó thích điều này lắm…

Thời tiết ngoài Bắc nói chung nghiệt ngã như vậy đấy. Khổ nhất là thủ đô đất nước hình chữ S. Tháng chín giờ đây chẳng khác đầu mùa mấy, vẫn nóng chảy mỡ.

Lúc buồn buồn thì kể mấy câu chuyện vui cho đỡ chán, như vài ông chú trung niên phì phò điếu thuốc lào bên kia đường kia kìa, đắc chí kể nhau câu chuyện nửa đùa nửa thật là nếu đập quả trứng lên yên xe gắn máy vào buổi trưa, hơi nóng phả lên có thể làm chín cả trứng.

“Nóng hổi xúc ra ăn luôn!”

Hà Nội đang khoác trên mình tấm áo choàng màu vàng chói mắt. Khung cảnh xô bồ của vùng đất nghìn năm Thăng Long bỗng trở nên thiếu sức sống đến lạ thường. Trước cổng trường đại học, người ra kẻ vào vẫn tấp nập. Có điều, nhìn ai cũng trông bơ phờ y như kẻ mất hồn, nếu không phải vì cái nóng thì cũng mệt mỏi vì phải nhìn người khác uể oải. Phải, Nguyệt Anh ghét cay ghét đắng cái tiết trời như vậy. Với cô, mùa đông thoải mái hơn nhiều dù lạnh thấu xương, ít ra còn có cái áo khoác để mà giữ ấm. Chứ mùa hè có cái gì giúp người ta đỡ bứt rứt trong người khi ra ngoài đường đâu, chịu chết. Vài ba cái áo chống nắng, hay mấy cây ô, cây dù, nào có làm mát được.

Nguyệt Anh tính viện cớ vì trời nóng quá nên nghỉ học. Nhưng khi nhớ lại lời nói của một đàn chị khóa trên ở buổi nộp hồ sơ rằng ấn tượng ngày đầu thường sẽ quyết định đến cách người ta nhìn nhận mình. Cô đành bỏ đi ý định không mấy tốt lành đó mà cắn răng bước đến trường. Phải chi hôm nay là ngày bình thường, lý do này nọ nghe còn thấy xuôi tai.

Vì là buổi học đầu tiên nên Nguyệt Anh phải mất một lúc lâu mới tìm ra đúng giảng đường, thấy cả cửa sổ lẫn lối ra vào đều đóng kín. Gạt tay nắm cửa, ngay tức khắc, Nguyệt Anh chạy bổ vào trong như phát rồ rồi đóng sầm lại.

Đây không phải là giảng đường. Đây là giảng đường có lắp đặt điều hoà, mới tắt chưa được bao lâu nên không khí ở đây mát rượi!

Nghe điều này có vẻ hơi buồn và cười, nhưng Nguyệt Anh cực kì thích điều hòa. Chỗ cô thuê trọ không có thứ ấy, kể cả có thì cũng không kham nổi tiền điện cho món hàng xa xỉ đó.

Nguyệt Anh chọn đầu bàn, nhẹ nhàng ngồi xuống, đặt cặp lên mặt bàn rồi ngả đầu vào. Trong nháy mắt cô gái đã thiêm thiếp giấc nồng. Nhưng, cảm giác dễ chịu này kéo dài không được bao lâu. Cánh cửa phòng học mở ra mang một luồng hơi nóng bất ngờ dội vào trong khiến Nguyệt Anh bừng tỉnh. Bực bội, định phàn nàn rồi đấy. Xong nhớ bản thân đang ở trong giảng đường, nên Nguyệt Anh đã kịp “khóa” cái miệng độc hại của mình lại.

Đó là một cô gái với dáng người nhỏ nhắn, tóc đen ngắn trông khá gọn gàng, đeo kính đen dày, đang khúm núm ở trước cửa. Không biết là vì ngại hay đang chờ đợi người quen, thay vì đi vào, cô gái đó lại ngó nghiêng khắp nơi. Lúc thì nhìn vào lớp, lúc thì liếc lên trên bảng tên của giảng đường.

Sau năm phút đứng ngoài như trời trồng, cô gái nhỏ nhắn nhận ra người duy nhất trong lớp khi này đang chằm chằm vào cô. Một đôi mắt sắc sảo tạo nên ánh nhìn đầy lôi cuốn của đối phương, vừa quen thuộc, nhưng cũng vừa lạ lẫm. Đó là ai?

"Giảng đường 109 tòa nhà A, đúng chưa? Sao cứ đứng ngoài hoài vây? Sắp hết hơi lạnh rồi."

"À... à..."

Nghe thế cô liền cúi gằm và đi vào chỗ ngồi gần nhất, ngay cạnh Nguyệt Anh.

Nguyệt Anh tỏ ra chẳng mấy vui vẻ, lại còn hậm hực như thể đang giận ai đó. Cô lại gác đầu lên cặp, lườm cô sinh viên chậm chạp kế bên mình. Khoảng hơn hai phút lặng yên, Nguyệt Anh chẹp miệng, rồi lẩm bẩm: “Chán vậy…”

Trong phòng học chỉ có mỗi hai người, nói thầm thế nào cũng nghe được. Từ “chán” đập vào tai làm cô gái đeo kính có chút bối rối, cô ấp úng:

“Tôi…à… tên là… Thu Thảo, bạn tên gì?”

Thảo không ngờ rằng cô lại có đủ dũng khí để mở lời với người khác, tim của cô lúc này chỉ muốn nhảy xổ ra khỏi lồng ngực vì hồi hộp.

Thu Thảo xưa giờ vốn trầm tính và nhút nhát, cho nên nói ra lời giới thiệu thôi cũng là cả thử thách đầy gian nan. Vào cuối năm học lớp 12, cô đã tự hứa với bản thân rằng sẽ thay đổi khi lên đại học và điều tiên quyết phải làm đó là có nhiều bạn bè hơn. Giờ đây cô đã là sinh viên đại học, mà có vẻ thực hiện lời hứa trên khó hơn cô tưởng.

Thảo lần nữa lên tiếng hòng kéo sự chú ý từ cô gái kia.

“Bạn ơi?”

“Tôi nghe thấy rồi.” Nguyệt Anh chầm chậm đẩy người ngồi dậy.

“Bình thường không ai giới thiệu bản thân kiểu vậy đâu, nghe như mấy ông bà sếp lần đầu gặp nhau hợp tác làm ăn ấy. Nhưng đã nói vậy rồi đành chịu… Tên tôi Nguyệt Anh. Vậy được chưa?”

“Nghĩ gì nói đó à…” Thảo nghĩ.

Nhưng không sao! Kết bạn với người thẳng tính cũng tốt, còn hơn không có ai. Quan trọng nhất là Thảo dám bắt chuyện với người lạ, có thể xem đây như một bước đệm tốt cho cuộc sống sinh viên trong mơ của cô.

Từng là một con người sống khép kín, Thảo luôn có sự tính toán nhằm lường trước mọi tình huống và đưa ra phương án giải quyết một mình. Làm quen là một chuyện, liệu người đó có đáng tin hay không lại là chuyện khác. Qua vỏn vẹn hai câu nói, Thảo có thể tạm đưa ra suy luận Nguyệt Anh là người thẳng tính, mà đã thẳng tính thì không bao giờ nói xấu sau lưng ai, không úp mở hay giấu diếm chuyện gì cả.

Còn đáng tin ư? Quá sớm để đưa ra kết luận, thời gian sẽ kiểm chứng điều đó. Hiện tại mới là quan trọng, kiếm được người bạn còn khó, huống hồ giở thói kén cá chọn canh, tiêu chuẩn đủ kiểu thì đến kiếp sau cũng không có nổi người bạn thân nào. Thảo bây giờ đã sẵn sàng mở lòng với bất cứ ai, cô gạt phăng những toan tính như cách cô gạt bỏ đi con người cũ đầy tiêu cực hồi xưa.

Suy nghĩ làm gì nhiều, mày cứ cư xử như bình thường là được!

Nguyệt Anh lấy tay che miệng ngáp, cô vẫn còn chút mệt mỏi do bị ngắt quãng giấc ngủ.

“Tôi nghĩ gì nói đấy quen rồi, nó ăn vào trong máu tôi luôn ấy. Nên đừng sốc quá khi nói chuyện với tôi.”

“À… ừm… tôi biết mà.”

“Cơ mà trước sau gì thì thể nào chả thay đổi cách xưng hô, mày tao luôn đi cho nó quen tai.”

“Cái đấy… hơi khó á bạn, tôi thích xưng hô như… vậy hơn.”

“Thế thì xưng tôi với bà nhá, còn bà thích xưng hô thế nào, tuỳ!”

“Vậy cũng được.” Thảo vội gật đầu, mồ hôi từ trán bắt đầu chảy xuống vì cô chưa từng nói chuyện với ai nhiều đến thế.

Cảm giác không thật…

Tiếng trống trường, tiếng chuông báo hiệu bắt đầu tiết học, tiếng trò chuyện rầm rì trong giờ học, tiếng thầy cô giáo bên bảng phấn, tiếng từng trang sách được lật giở, tiếng học thuộc... Tất cả những âm thanh ấy…đều không gợi cho Thảo cảm giác thanh xuân tuổi học trò. Trái lại, nó gợi cho Thảo một nỗi ám ảnh kinh hoàng hằn sâu vào tiềm thức.

Cô đơn, sợ hãi, bất lực,... Đó là tất cả những gì cô nhận được từ quãng thời gian tưởng chừng là đẹp nhất đời người.

Thật u sầu, thật tuyệt vọng khi “bị ép” từ chối tiếp xúc và xa lánh người khác bởi chính “người khác”?

Bạn bè ư? Thảo không có.

Là vì Thảo không muốn kết bạn sao? Không, không hề! Vớ vẩn hết sức! Thảo chính xác là người thèm khát tình bạn hơn bất cứ ai trên thế giới này, từ khi cô bắt đầu biết sợ “bóng tối”, thứ bản ngã có thể giết chết một con người và biến họ thành con thú hoang dại.

Cô không muốn bản thân “chết” như vậy.

“Ê mày! Con Thảo nó bị câm hay sao vậy? Chưa thấy nó nói chuyện với ai bao giờ.”

“Thu Thảo là ai thế chúng mày? Thấy bài kiểm tra cũng cao lắm này.”

“Bạn ngồi ở góc kia tên gì nhở? Quên mất rồi.”

Những câu nói như thể vô hại, nhưng nó thực sự có sát thương vô cùng khủng khiếp với những người hay suy nghĩ, hoặc những người có tâm lý yếu và bất ổn như Thảo. Đám trẻ ranh cùng lớp khó chịu vì lối sống khép kín của cô, nhưng không có một ai tìm hiểu nguyên do Lạ thật ấy nhỉ? Đúng ra khi có một người gặp khó khăn trong giao tiếp, xung quanh phải tay chung tay giúp người đó hòa nhập hơn mới phải. Trong sách đạo đức lúc nào chả cho rằng, “Giúp người khác cũng là giúp chính mình, bởi điều tốt ta cho đi rồi sẽ quay trở lại với ta.”

Ừ thì sách ghi một đằng, thực hiện lại một nẻo…

Thực tế nó xảy như nào hay lắm, cứ 100 trường hợp gặp vấn đề về giao tiếp thì 99.5 trường hợp người ta sẽ “kệ mẹ nó”. Thật, không đùa. Thê tại sao là 99. 5 mà không phải 99? Thì… tại cái người 0.5 đó được cá nhân nào đó rất tốt bụng, biết đồng cảm để tâm đến, mà nếu người đó mà không để ý nốt thì xác định sẽ không có ma nào đoái hoài.

Nói thì phải nói cho đúng, việc có hòa nhập được với xã hội hay không cần có hai yếu tố khách quan và chủ quan. Thảo chỉ thiếu mất phần yếu tố khách quan thôi.

“Nếu thế thì Nguyệt Anh là người tốt rồi.”

Thảo tít mắt cười thầm sau mấy phút suy tư. Nếu cứ cái đà này thì thể nào cô cũng sẽ có nhiều bạn. Khi ấy sẽ không còn bộ mặt nhàm chán, bi quan nào nữa. Thay vào đó sẽ là một Thu Thảo luôn vui tươi, lạc quan và yêu đời.

Như vậy về cơ bản Thảo đã có người bạn đầu tiên trên đại học. Bạn theo khái niệm bạn bè của Thảo chứ không phải khái niệm thông thường.

“Nãy giờ cúi gằm suốt vậy? Thoải mái đi.” Nguyệt Anh nói.

“Thôi… ngại lắm…”

“Vậy thì phải thay đổi đi.” Nguyệt Anh cau mày, “Cứ lén lén lút như tự kỷ vậy ấy.”

“Đánh con tự kỷ này mạnh vào, nó không bao giờ mở miệng nói cho ai biết đâu chúng mày!”

Cổ họng Thảo đắng nghét, không nói nên lời. Cô suy nghĩ về con người quá khứ của mình mà tự thấy tủi thân, tưởng đã thoát khỏi “nó”, nào ngờ cái cô bạn kia cho rằng mình bị tự kỷ. Bị lộ mất rồi…

Cô chỉ muốn hét lên thật to, muốn gào lên thật lớn để phản bác lại lời của Nguyệt Anh. Nhưng rồi sao, cô là một người bị tự kỷ thật. Cãi lại thì có lợi ích gì ngoài lấp liếm đi cái xấu, mà làm gì cãi lại được, có đủ dũng khí mà cãi không? Đã tự kỉ thì chấp nhận đi cho xong.

Thảo nắm chặt lấy áo của mình… chắc khóc mất.

“Gì vậy trời! Tôi nói đúng hay sao mà biến sắc nhanh thế?”

“Đâu phải tôi không muốn kết bạn, đâu phải tôi không muốn trò chuyện đâu…” Khoé mắt Thảo cay xè, đỏ ửng lên. Giọng nói bắt đầu run run vì xúc động.

“Hình như nhỏ bị tự kỷ thật!” Nguyệt Anh nghĩ.

Cô thở dài, “Mười tám, mười chín tuổi cả rồi. Có phải con nít nữa đâu mà hờn với dỗi.”

Biết là vô tình nhưng Nguyệt Anh vẫn nhận vào một phần lỗi, cô đổi giọng ngon ngọt: “Thôi, còn mười lăm phút nữa mới vào tiết học, ra ngoài với tôi đi.”

“Đi đâu?”

“Ai biết được, có đi hay không?”

Chưa kịp đưa ra quyết định, Nguyệt Anh đã kéo tay bắt Thảo đứng dậy. Cô dắt Thảo ra giữa khuôn viên trường.

“Hít thở đi, thoải mái hơn chưa?”

“...”

“Tôi nói đùa thôi, ai ngờ nó lại như thế. Mà… cũng phải xin lỗi bà. Tôi không có kinh nghiệm đối phó với những cảm xúc của người khác.

Nguyệt Anh bỏ lớp khẩu trang trên mặt rồi nói tiếp

“Bởi vì hồi cấp ba, không ai dám bắt chuyện với tôi cả.”