SỬ ĐỒNG TỬ
Về đời vua Hùng Vương thứ ba, vua có một người con gái tên là Tiên Dong, mới 18 tuổi, nhan sắc xinh đẹp, không muốn lấy chồng, chỉ thường hay đi chơi các sông núi xem phong cảnh. Vua yêu nàng ấy, mặc ý cho đi chơi không cấm. Mỗi năm trong tuần tháng hai tháng ba, bơi thuyền chơi ở mạn sông làng Chử Xá (tức là làng Chử Xá, huyện Văn Giang bây giờ).
Ở làng ấy có một người tên là Sử Cù Vân và người con là Sử Đồng Tử[xcii]. Hai cha con thiên tính từ hiếu, gặp khi nhà phải hỏa tai, của cải hết sạch cả, chỉ còn một cái khố vải, cha con thay đổi nhau, ai đi đâu thì đóng. Đến khi Cù Vân phải bệnh, dặn con rằng:
- Tao mà chết đi rồi, thì cứ táng trần cho tao, còn cái khố đấy để cho mày.
Cù Vân mất, Sử Đồng Tử không nỡ để cha chết truồng, lấy khố quàng cho cha rồi mới chôn. Còn mình thì trần truồng, đói rét khổ sở, ngày ngày đứng náu hình bên sông, chờ có thuyền buôn qua lại thì xin, hoặc là câu cá bán để hộ thân.
Một hôm, nàng Tiên Dong bơi thuyền đến chơi bến làng Chử Xá, chiêng trống om xòm, đàn sáo rầm rĩ, cờ tàn rợp đất, lính tráng rất đông. Sử Đồng Tử trông thấy sợ hãi ẩn vào trong bãi lau sậy, cào cát lên nép mình xuống dưới, rồi lại lấy cát trùm lên trên.
Tiên Dong bơi thuyền đến bến ấy, nhìn trông phong cảnh vui đẹp, mới lên bãi cát đứng xem, thấy chỗ ấy sạch sẽ, giăng màn tứ vi[xciii] trên bãi cát để tắm. Tiên Dong vào màn, cổi áo xiêm tắm táp một hồi lâu, dội nước trôi cát. Sử Đồng Tử trồi lên. Tiên Dong trông thấy giật mình, nhìn ra biết là người con trai, mới gọi hỏi cơn cớ làm sao, thì Đồng Tử cũng thú thật cả đầu đuôi làm vậy.
Tiên Dong bảo rằng:
- Ta nguyên không muốn lấy chồng, nay sự đã thế này, tất là Nguyệt Lão xe duyên đây.
Mới sai Đồng Tử tắm táp, ban cho quần áo, đem xuống thuyền ăn yến vui vẻ. Người trong thuyền ai cũng cho là sự kỳ dị.
Đồng Tử nhất định xin từ, không dám lấy. Tiên Dong bảo rằng:
- Thiếp với chàng là tự trời xe duyên, can gì mà từ.
Đồng Tử từ mãi không được phải nghe. Từ bữa ấy hai người kết làm vợ chồng.
Có người về tâu với vua Hùng Vương, vua nổi giận nói rằng:
- Tiên Dong không biết tiếc danh giá, chơi bời đường xá, lấy kẻ nghèo hèn, còn mặt mũi nào mà nhìn đến ta!
Tiên Dong vì thế sợ hãi không dám về, mới cùng với Đồng Tử lập ra phố xá buôn bán với dân. Buôn bán mỗi ngày một thịnh, dần dần thành ra một làng. Các khách buôn bán ngoại quốc qua lại, ai cũng coi bà Tiên Dong làm chủ cả vùng ấy.
Có một người lái buôn bảo với Tiên Dong rằng:
- Nếu được trăm cân vàng, cho người đi với tôi ra ngoài bể, buôn những đồ quí, sang năm tất được lãi gấp mười.
Tiên Dong mừng rỡ, bảo với Sử Đồng Tử rằng:
- Vợ chồng ta là tự trời dắt lại, cơm ăn áo mặc cũng là tự trời cho, vậy thì chàng nên đem vàng ra bể mà buôn.
Sử Đồng Tử đem vàng đi với người lái buôn ra ngoài bể, đến núi Quỳnh Lãng, trông lên trên núi có một am nhỏ. Đồng Tử trèo lên xem phong cảnh. Trong am có nhà một nhà sư còn trẻ, tên là Phật Quang, thấy Đồng Tử có cách điệu thần tiên, muốn truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử ở liền ngay đấy học đạo. Được hơn một năm, Đồng Tử trở về, Phật Quang tặng cho một cái gậy, một cái nón, và dặn rằng:
- Phép linh thông ở cả cái gậy và cái nón này.
Đồng Tử vâng lĩnh từ về, đem đạo Phật về dạy Tiên Dong Tiên Dong tỉnh ra, mới bỏ cửa hàng buôn, hai vợ chồng rủ nhau đi học đạo. Một hôm đi xa, trời đã tối mà chưa đến chỗ dân cư, mới tạm chống gậy và che cái nón ở dọc đường để nghỉ. Canh ba đêm hôm ấy, bỗng dưng hiện ra thành quách, lầu ngọc, điện châu, kho, tàng, dinh, phủ, vàng bạc, châu báu, giường, sập, màn, trướng, lại có tiểu đồng, ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ, hầu hạ xung quanh.
Sáng ngày mai, ai ai trông thấy cũng lấy làm lạ lùng kinh hãi, tranh nhau mang hương hoa ngọc thực đến dâng. Lại có đủ văn quan, võ tướng, chia quân canh giữ các cửa thành, tựa một hồ nước.
Vua Hùng thấy chuyện làm vậy, cho là làm loạn, sai quan quân đến đánh. Khi quan quân sắp đến nơi, chúng tâu xin đem binh ra cự.
Tiên Dong cười nói rằng:
- Việc nầy không phải tại ta làm ra, bởi tự trời xui nên thế. Ta dù sống chết đã có trời, dám đâu cự nhau với cha? Ta chỉ thuận theo lẽ phải, mặc ý cha ta ghết chết cũng cam tâm.
Khi quan quân tiến đến, đóng ở châu Tự Nhiên (bây giờ gọi là Khoái Châu phủ), còn cách bên này một con sông. Trời đã tối, quân chưa kịp sang sông. Đến nửa đêm, bỗng nhiên trời nổi giông gió bay cát đổ cây, rồi thì cả một khu bà Tiên Dong ở, cửa nhà, người, giống súc vật, trong một lúc bay cả lên trời chỉ còn bãi đất không ở lại trong đầm mà thôi. Bởi thế bãi ấy gọi là bãi Tự Nhiên, đầm ấy gọi là đầm Nhất Dạ (một đêm).
Dân ở đấy thấy sự lạ lùng, mới lập miếu để thờ. Về sau, vua Triệu Việt Vương đóng binh trong đầm, cự nhau với quân nhà Lương. Tướng nhà Lương là Trần Bá Tiên đánh mãi không được. Đến lúc Bá Tiên trở về, ủy cho tì tướng là Dương Sàn vây đánh, Triệu Việt Vương thiết đàn trong đầm cầu khấn, xin thần giúp cho. Bỗng thấy một ông thần (tức là Sử Đồng Tử) cưỡi rồng xuống đàn, bảo rằng:
- Ta tuy đã lên trời, nhưng uy linh vẫn còn ở đây, ngươi có lòng thành cầu đến ta, vậy ta xuống giúp.
Nói đoạn nhổ một cái vuốt chân rồng, trao cho Triệu Việt Vương và dặn rằng:
- Ngươi lấy cái vuốt rồng này, cắm lên chỏm mũ đâu mâu thì đi đến đâu, giặc phải tan đến đấy.
Nói vừa dứt lời, rồng bay vụt lên trời biến mất. Triệu Việt Vương nghe lời, cắm vuốt rồng lên trên chỏm mũ, tự bấy giờ sức khỏe mạnh hơn trước, thanh thế mỗi ngày một to, mới đem quan ra đánh nhau với Dương Sàn, chém được Dương Sàn tại trước trận, quân nhà Lương phải tan chạy hết về Tàu.
PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG
Về đời vua Hùng Vương thứ sáu, thiên hạ thái bình, dân gian giàu có vua không triều cống với nhà Ân bên Tàu. Vua nhà Ân thấy vậy, giả tiếng đi tuần thú, muốn đem quân sang cướp nước Nam.
Vua Hùng Vương lo sợ, vời quần thần vào hỏi mẹo đánh giữ, có người phương sĩ[xciv] thưa rằng:
- Bệ hạ nên kêu khấn với Long quân, thì ngài sai thiên tướng xuống giúp mới xong.
Vua nghe lời, lập đàn làm chay, cúng cấp ba ngày cầu khấn. Bỗng đâu trời nổi cơn giông, sấm sét ầm ầm, mưa như trút nước. Rồi có một ông cụ già, cao lớn 9 thước, mặt mũi to lớn, đầu bạc râu trắng, ngồi ở ngã ba đường cái, vừa cười vừa nói, ngâm hát múa mênh.
Ai trông thấy cũng cho làm lạ, mới tâu vua. Vua thân hành ra mời ông cụ ấy đến chỗ đàn làm chay, dâng cơm rượu thết đãi. Ông cụ ấy không ăn uống và cũng không nói năng câu gì.
Vua hỏi rằng:
- Sắp có giặc Bắc xâm phạm nước Nam, được thua thế nào, xin cụ bảo cho.
Ông cụ lâu mãi mới nói rằng:
- Sau ba năm nữa, giặc Bắc tất kéo đến đây. Nhà vua nên tìm khắp cả thiên hạ, mà cầu lấy người kỳ tài, phá được giặc, thì nên chia đất phong tước cho người ta, truyền mãi vô cùng. Nếu được người giỏi phá giặc không khó gì nữa.
Nói đoạn, bay vụt lên trời biến mất.
Vua lấy làm lạ, mới tuân lời ấy, sai sứ đi khắp trong nước cầu người tài. Bấy giờ ở làng Phù Đổng, huyện Võ Ninh (bây giờ là Võ Giàng), có một ông nhà giàu, ngoại 60 tuổi, chỉ sinh được một người con trai lên ba tuổi chưa biết nói, mà chỉ nằm ngửa, không ngồi đứng lên được. Khi sứ giả đi cầu người tài, đến làng ấy, người mẹ cười nói bỡn con rằng:
- Đẻ được một chút con trai, chỉ biết ăn uống, ngồi đứng không được, thì đánh thế nào được giặc, để mà lĩnh thưởng của vua, đền công sinh dưỡng cho cha mẹ.
Người con nghe vậy, bỗng nhiên biết nói, bảo mẹ gọi sứ giả lại đây. Mẹ lấy làm lạ lùng, bảo với láng giềng. Người láng giềng thấy lạ chuyện, xui người nhà thử gọi sứ giả xem ra làm sao.
Khi sứ giả đến, trông thấy người còn bé, hỏi rằng:
- Tiểu nhi kia, gọi ta đến làm gì?
Tiểu nhi ngồi dậy, bảo với sứ giả rằng:
- Sứ giả trở về cho mau, tâu với vua, đúc cho ta một con ngựa sắt cao 18 thước một thanh kiếm dài 7 thước và một cái nón sắt, đem lại đây cho ta. Giặc đến trông thấy ta, tự nhiên phải sợ mà chạy, vua can gì phải lo?
Sứ giả mừng lắm, về tâu với vua.
Vua mừng rỡ bảo quần thần rằng:
- Đây là Long vương cứu ta đây! Năm ngoái ông cụ già nói chuyện, quả nhiên không sai, các ngươi chớ hồ nghi gì nữa!
Vua lập tức sai thợ rèn đúc ngựa sắt, kiếm sắt đến, sai người đem lại đưa cho tiểu nhi. Sứ giả sắp đến, mẹ ở nhà lo lắm, chỉ sợ con nói xằng thì vạ lây đến cả nhà.
Tiểu nhi cười ầm lên nói rằng:
- Mẹ cứ kiếm rượu thịt cho nhiều, cho tôi ăn uống, còn việc đánh giặc, mẹ không phải lo.
Tiểu nhi tự bấy giờ mỗi ngày một lớn, cơm ăn áo mặc tốn lắm. Mẹ tuy nhà giàu mà cũng không đủ nuôi cho ăn, hàng xóm láng giềng phải tư cấp giúp thêm nào kẻ đỡ tiền thóc, người dâng rượu thịt, mà ăn vẫn không được no vải lụa nhiều thế nào cũng mặc không đủ cửa nhà ở cũng không vừa, phải ken cỏ lau lớp một cái nhà to để ngài ở.
Khi giặc Ân kéo đến núi Châu Sơn (thuộc về huyên Tiên Du) thì sứ giả đem ngựa kiếm đến nhà giao cho ngài. Ngài vươn vai đứng lên, cao hơn 2 trượng, ngẩng mặt lên trời, gầm lên vài mươi tiếng, rồi rút thanh kiếm cầm trên tay quát lên rằng:
- Ta là thiên tướng nhà trời đây!
Lập tức đội nón nhảy lên ngựa tế đi. Ngựa hét ra lửa mà chạy như bay, chỉ chớp mắt đã đến chỗ quân đóng. Ngài trở gươm đi trước, quan quân kéo theo sau, tiến sát đến trại giặc. Giặc bày trận ở dưới chân núi Châu Sơn, ngài xông vào trận đánh giết một hồi lâu, gẫy mất cả kiếm, mới vớ lấy tre ở bên cạnh đường cầm cả tảng tre mà quật vào đám giặc. Quân giặc tan nát tựa hồ đất lở ngói tan, tranh nhau lạy phục xuống đất, kêu rằng:
- Lạy ngài, ngài là thần tướng trên trời, chúng tôi xin chịu hàng cả.
Khi đánh đến núi Ninh Sóc, thì giặc đã tan hết cả rồi, ngài mới cởi áo bỏ đấy, rồi cưỡi ngựa bay lên trời. Đến bây giờ vẫn còn dấu người, ngựa ở trên núi.
Vua nhớ, không biết lấy gì báo được, mới phong ngài làm Phù Đổng thiên vương lập miếu thờ ngay ở vườn nhà khi trước, ban cho dân một trăm mẫu ruộng tự điền[xcv] bắt phải bốn mùa cúng tế.
Từ đấy, giặc Bắc không dám sang xâm phạm nữa. Bốn phương nghe chuyện làm vậy, đâu đâu cũng hòa hiếu với nước Nam.
Đến đời nhà Lý, gia phong làm Sung Thiên thần vương. Bây giờ vẫn còn thờ ở làng Gióng, mà tượng thì tô ở trên núi Vệ Linh, mỗi năm đến tháng tư dân làng ấy mở hội to lắm.
Những tre ngài nhổ lên đánh giặc bây giờ thành rừng ở huyện Gia Bình, gọi là tre Đằng Ngà.
Chỗ con ngựa thét ra lửa, cháy mất một làng, cho nên bây giờ làng chỗ ấy gọi là làng Cháy.
TẢN VIÊN SƠN THẦN
Núi Tản Viên thuộc về huyện Phúc Lộc (bây giờ là huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây), có ba tầng cao chót vót hình như cái tán, cho nên gọi là núi Tản Viên.
Tục truyền thần núi ấy khi xưa là dòng dõi vua Lạc Long. Nhà nghèo, vào rừng kiếm củi, chặt một cây cổ thụ, hôm sau lại có sao Thái Bạch xuống cứu cây ấy sống lại, rồi cho ngài một cái gậy và dặn rằng: “Gậy này có phép cứu được bách bệnh cho người ta, hễ ai ốm đau chỉ cầm gậy gõ vào chỗ đau là khỏi, vậy ta cho ngươi để cứu dân độ thế”. Ông ấy nhận cái gậy, từ đấy bỏ nghề kiếm củi, đi chữa bệnh cho người đau. Có một hôm, đi qua bờ sông thấy lũ trẻ chăn trâu, đánh chết một con rắn. Ông ấy trông trên đầu con rắn có chữ vương, biết là rắn lạ mới cầm gậy gõ vào đầu con rắn, thì con rắn ấy sống lại bò xuống sông mà đi mất.
Được vài hôm, bỗng có một người con trai đem đồ vàng, ngọc, châu báu đến nói rằng:
- Thưa ông, tôi là Tiểu long hầu, con vua Long vương bể Nam. Bữa trước, tôi đi chơi trên trần, chẳng may bị bọn trẻ con đánh chết, nhờ có ông mới được sống, vậy tôi có của này đến tạ ơn ông.
Ông ấy nhất định không lấy, Tiểu long hầu mới cố mời ông ấy xuống chơi dưới bể, đưa ra một cái ống linh tê, để ông ấy rẽ nước đi xuống. Long vương thấy ngài xuống chơi, lấy làm mừng lắm, mở tiệc thết đãi ba ngày, rồi đưa tặng những của quí lạ, ông ấy cũng nhất định không lấy gì cả. Long vương mới biếu một quyển sách ước, ông ấy nhận sách đem về, giở ra xem, muốn ước phép nào cũng được. Từ bấy giờ cứu được cho dân nhiều lắm, mà các phép thần thông biến hóa không thần thánh nào theo kịp.
Khi ngài đã thành thần rồi, đi qua cửa bể Thần Phù lên mạn ngược, tìm chỗ nào cao ráo phong quang và được thói dân thuần hậu thì mới ở. Khi đến Thăng Long, xem dân tình ăn ở phù hoa, không bằng lòng mới bỏ mà lên huyện Phúc Lộc, thấy chỗ ấy có núi Tản Viên, ba từng núi xòa xòa hình như cái tán, phong cảnh vui vẻ, thần mới hóa phép làm một con đường về phía nam núi, thẳng tự bến Phan Tân đến Tản Viên. Đường quá cánh đồng làng Vệ Đỗng và làng Nham Toàn hóa phép hiện ra lâu đài để nghỉ ngơi. Lại qua cánh đồng Thạch Bạn, Vân Mộng, rồi lên mãi từng núi cao nhất để ở.
Thần tự khi ở núi ấy, thường thường ra chơi sông Tiểu Hoàng xem cá. Chỗ nào có phong cảnh đẹp cũng đến chơi. Chơi đến đâu lại hiện ra đền đài đến đấy để nghỉ ngơi. Các làng trông thấy chỗ nào có dấu đền đài, thì lại lập đền miếu để thờ.
Bấy giờ, vua Hùng Vương có người con gái tên là Mị Nương, nhan sắc rất đẹp, thần núi và vua thủy cùng hỏi xin lấy làm vợ. Vua Hùng Vương nói rằng:
- Một thuyền quyên không có lẽ sáng được hai anh hùng, vậy thì ngày mai, ai đem được đủ đồ lễ đến trước thì ta gả cho.
Sáng ngày mai, thần Tản Viên đem những đồ vàng bạc châu báu, cùng là giống chim quí thú lạ lại dâng[xcvi]. Vua Hùng Vương y ước gả cho, thần mới đón nàng Mị Nương về ở trên đỉnh núi Tản Viên.
Vua Thủy đem đồ lễ đến sau, thấy thần núi đã rước dâu về rồi, tức giận lắm, mới làm ra mưa to gió lớn, và dâng nước lên để đuổi theo cướp về.
Thần núi thấy vậy, làm ra lưới sắt, chắn ngang đường thượng lưu huyện Từ Liêm. Vua thủy lại đi đường khác, tự sông Lý Nhân vào sát chân núi Quảng Oai, men bờ lên cửa sông Hát Giang, rồi ra sông Lư, vào sông Đà để đánh mé sau núi Tản Viên. Lại mở ra các sông nhỏ để đem nước vào đánh mé trước núi. Đi qua các làng Cam Giá, Đông Lân, Cổ Nhạc, My Xá, đi đến đâu xoáy nước xuống thành vực, để làm chỗ các giống thủy tộc ở, rồi tiến nước lên đánh nhau với thần núi. Thần núi thì bảo dân xung quanh đấy đan phên chắn nước và dùng cung nỏ bắn xuống lại sai các loài hùm, beo, voi, gấu, bẻ cây cối vận đá ném xuống sông. Mỗi phen đánh nhau, mưa gió sấm chớp ầm ầm, trời đất mù mịt. Đánh nhau xong rồi, thì thấy những loài cá, ba ba, thuồng luồng, chết nổi cả trên mặt sông. Từ đấy hai thần thù nhau, mỗi năm đánh nhau một chuyến.
Thần núi linh ứng lắm. Phàm khi nào đảo mưa cầu tạnh, cũng thường ứng nghiệm. Ai nhờn nhỡ đến thì có tai nạn ngay. Mỗi khi tạnh trời, thần thường hiện hình chơi các nơi khe suối, có đám mây phủ như hình tán quạt.
Khi nước Nam nội thuộc nhà Đường, Cao Biền sang làm Đô hộ, muốn trấn yểm các nơi linh tích bắt đứa con gái 17, 18 tuổi chưa có chồng, cho ăn đồ hoa quả, mặc áo xiêm lịch sự, đặt lên ngồi trên ngai, giết trâu bò tế bái để cho thần phụ vào người con gái ấy, rồi rình khi cất nhắc chân tay, thốt nhiên chém đi. Thường hay dùng thuật ấy để trấn áp bách thần. Khi Biền dùng mẹo ấy cúng thần Tản Viên, thì thần cưỡi ngựa trắng ngồi trên đám mây nhỏ vào cỗ tế mà đi.
Cao Biền than rằng:
- Linh khí nước Nam còn thịnh vượng lắm, không tài nào mà trừ được!
Thần có phép lạ, biến hóa không biết đâu mà lường. Quan Hàn lâm là Nguyễn Sĩ Cố về thời nhà Trần phải đi dẹp giặc, đi qua đền ngài, đem lễ vào khấn, rồi đề một bài thơ rằng:
Non ngất, thần thiêng lẫm liệt thay!
Động lòng đã thấu tới cao dày.
Mị nương cũng hiển oai linh lắm,
Xin giúp thư sinh một chuyến này.
LÝ ÔNG TRỌNG
Về cuối thời vua Hùng Vương, ở làng Thụy Hương (tục gọi là làng Chèm), huyện Từ Liêm, có một người họ Lý tên Thân, hiệu là Ông Trọng, cao 2 trượng 6 thước, khỏe mạnh tuyệt trần. Thuở còn hàn vi, nhân có sự giết người, đáng phải tội chết. Vua thấy người cao lớn lực lưỡng, không nỡ giết. Đến đời vua An Dương Vương, vua Thủy Hoàng nhà Tần đem binh sang xâm nước Nam. An Dương Vương xin hàng, rồi đem Lý Ông Trọng sang cống bên Tàu. Thủy Hoàng được Ông Trọng mừng lắm coi như của rất quí trong đời, dùng ngay làm Tư vệ hiệu úy.
Đến khi Thủy Hoàng đem binh đi đánh dẹp thiên hạ, thì sai Ông Trọng trấn thủ đất Lâm Thao, để phòng quân rợ vào quấy nhiễu. Ông Trọng hùng dũng, tiếng lừng lẫy một vùng, rợ Hung Nô không dám bén mảng đến cửa ải. Thủy Hoàng mới phong thêm cho Ông Trọng làm Phụ tín hầu.
Về sau, Ông Trọng cáo lão về nước nhà hưu dưỡng. Không được bao lâu, rợ Hung Nô thấy vắng Ông Trọng lại vào quấy nhiễu các sứ biên thùy, Thủy Hoàng nhớ đến Ông Trọng, sai người sang vời, thì bấy giờ người đã mất rồi.
Sứ giả về tâu lại, Thủy Hoàng phàn nàn thương tiếc vô cùng, mới đúc tượng Ông Trọng bằng đồng, đặt ở ngoài cửa Tư Mã cung Hàm Dương. Trong bụng để rỗng, có máy vặn cho chân tay động đậy được. Thường khi sai vài chục người chui vào trong tượng đồng vặn máy cho rung động, người rợ Hung Nô qua lại, tưởng là Ông Trọng còn sống, không dám vào quấy nhiễu nữa.
Đến đời nhà Đường, Triệu Xương sang làm Đô hộ nằm mơ thấy một người to tát cao lớn, đến chơi bàn giảng nghĩa sách Xuân Thu, Tả truyện. Hỏi tên họ thì nói là Lý Ông Trọng ở làng Thụy Hương. Triệu Xương tỉnh dậy ngày mai hỏi thăm đến chơi tận làng ấy, tra hỏi sự tích, rồi lập miếu ngay tại khu nhà cũ ông ấy để thờ. Khi sau Cao Biền sang đánh nước Nam Chiếu, Ông Trọng hiển linh giúp Cao Biền phá giặc thành công. Cao Biền mới sai sửa sang lại đình đài, tạc gỗ tô tượng, gọi là đền “Lý hiệu úy”.
Từ bấy giờ trở đi, thường linh ứng lắm, dân xã có việc gì cầu đảo đến cũng nghiệm. Lịch triều cũng phong tặng làm Linh ứng thượng đẳng thần. Vì ở làng Chèm cho nên tục gọi là Thánh Chèm.
TÔ LỊCH GIANG THẦN
Khi xưa có người tên là Tô Lịch, làm quan Lịch ở huyện Long Đỗ, nhà ở cạnh con sông nhỏ. Nhà ấy ba đời nhân nhượng ở chung với nhau, được cất lên đỗ khoa Hiếu liêm, và được vinh hiển cả nhà, vì thế ở làng đặt là làng Tô Lịch.
Đến thời vua Mục Tôn nhà Đường, Lý Nguyên Gia sang làm Đô hộ, lập dinh phủ ở trong thành Long Biên. Nguyên Gia thấy cửa bắc thành ấy, có con sông chảy ngược, sợ người ta sinh ra bụng làm phản, muốn cắm phủ chỗ khác, mà đắp ra thành La Thành.
Khi sắp xây thành, lập dinh ở cạnh sông Tô Lịch, rót rượu dâng khấn, xin ông Tô Lịch làm thành hoàng ở thành ấy.
Đêm nằm mơ thấy thần bảo rằng:
- Sứ quân sai tôi làm chủ thành này, ví dù tôi dạy dỗ được dân, để cho biết giữ đạo trung hiếu, thì phải lập miếu mà thờ tôi.
Nguyên Gia xin vâng lời. Từ đấy dân gian an nghiệp, không ai sinh ra bụng phản nghịch. Nguyên Gia mới đắp ra thành nhỏ để ở, và lập miếu để thờ Tô Lịch.
Khi Nguyên Gia mới đắp thành có thầy tướng bảo rằng:
- Tôi xem tướng ông không đắp nổi thành to đâu, sau năm mươi năm nữa, tất có một người họ Cao, đóng đô lập phủ ở đây, mới đắp nổi được.
Đến thời vua Ý Tôn nhà Đường, nước Nam Chiếu làm phản, vua Đường sai Cao Biền làm Tiết độ sứ. Cao Biền nhân thế giữ phủ Giao Châu, tự xưng là Cao Vương.
Cao Biền thông hiểu thiên văn, địa lý, xem xét hình thế, nhân chỗ thành nhỏ của Nguyên Gia, đắp rộng thêm ra gọi là Đại La thành, chu vi 8.000 bộ.
Mé bắc thành ấy có con sông, tự sông Lư (sông Cái) chảy vào mé tây bắc, rồi chảy xuống phía nam, vòng quanh La Thành, rồi lại đổ vào sông Cái. Mỗi năm đến tháng sáu mùa mưa nước sông tràn lên mông mênh. Có một khi Cao Biền ngồi thuyền chơi trong sông, bỗng thấy một ông cụ già, đầu bạc phơ phơ, râu mày trắng xóa hình dung kỳ dị, đang bơi tắm ở trong sông, cười nói vui vẻ lắm. Biền lấy làm lạ, hỏi tên họ, thì nói là họ Tô tên Lịch, hỏi chỗ ở thì nói là ở trong sông. Nói đoạn, vỗ tay cười ầm cả lên, rồi tự nhiên trời đất tối sầm, ông cụ ấy biến mất.
Cao Biền biết là thần, nhân thế gọi sông ấy là sông Tô Lịch.
Lại một buổi sớm, Cao Biền đứng ở cửa đông nam La Thành, trông ra sông Tô Lịch, thấy trong sông nổi cơn gió to sóng đánh bồn cồn, mây kéo mù mịt rồi có một người dị dạng, đứng trên mặt nước, cao hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ đỏ, tay cầm một cái hốt[xcvii] vàng, có bóng thấp thoáng như mây phủ, mãi đến lúc mặt trời mọc cao ba trượng mà chưa tan. Cao Biền lấy làm lạ, muốn dùng thuật trấn áp, đêm hôm ấy, chiêm bao thấy ông thần bảo rằng: “Ta là tinh đất Long Đỗ, thần linh xứ này, ở đây đã lâu. Nay thấy người đến đây, cho nên ta mừng mà hiện ra, can gì phải trấn áp ta?”. Biền tỉnh dậy sợ hãi, lập tức đặt đàn cúng cấp, rồi dùng những vàng bạc đồng sắt làm bùa, cúng ba đêm ngày, rồi mới chôn bùa để yểm.
Đêm hôm ấy mưa gió sấm sét, có tiếng quỉ thần hò hét quát tháo kinh thiên động địa. Một lát, những bùa vàng, bạc, đồng, sắt bật cả lên trên mặt đất, tan ra như gió, rồi bay tản vào trong không khí mất cả.
Cao Biền lấy làm lạ lắm, than rằng:
- Ở xứ này có thần thiêng như thế ta nên về Tàu, chớ có ở đây mà sinh vạ về sau.
Tự đấy, Cao Biền có ý muốn về, mới tôn thần Tô Lịch làm Đô phủ thành hoàng thần quân.
Đến thời vua Thái Tổ nhà Lý, thiên đô lên thành Thăng Long. Thần Tô Lịch có thác mộng vào lạy mừng. Vua lấy làm lạ, hỏi họ tên, thì cũng nói rõ họ tên là thế. Vua lại hỏi rằng: “Thần có giúp cho trẫm giữ mãi cơ nghiệp trăm nghìn năm không?”. Thần thưa rằng: “Xin bệ hạ hưởng phúc nghìn muôn năm, thì tôi cũng được hưởng trăm năm hương hoả”. Vua tỉnh dậy, ngày mai sai sứ đến tế ở đền ấy, tôn làm Đô quốc thành hoàng đại vương. Đến thời nhà Trần, lại phong “Bảo quốc định bang đại vương”. Đền thờ ở làng Đông Tác, huyện Thọ Xương (Bây giờ thuộc về thành phố Hà Nội).
BẠCH MÃ THẦN
Khi Cao Biền ở trấn nước Nam, giữ phủ xưng vương, đắp rộng thêm thành La Thành. Đắp xong, một buổi trưa, đứng ngoài cửa đông ngóng xem, bỗng nhiên mưa gió ầm ầm, rồi có một đám mây ngũ sắc, tự dưới đất bốc lên, khí sáng ánh ra tứ phía. Lại thấy có một người ăn mặc đường bệ, cưỡi con cầu long (rồng chưa có sừng) nửa vàng nửa đỏ, tay cầm hốt vàng, đứng trong đám mây, có bóng thấp thoáng lên xuống, lâu lâu thì tan mất.
Cao Biền lấy làm lạ lùng, nghi là ma quỉ, muốn thiết đàn cúng cấp, dùng phép trấn áp.
Đêm hôm ấy, nằm mơ thấy thần lại bảo rằng:
- Xin ông chớ nghi tôi, tôi là thần chính khí ở đất Long Đỗ này, chớ không phải ma quái nào. Tôi thấy ông mới đắp xong cái thành, cho nên mừng mà hiện ra đấy thôi.
Cao Biền tỉnh dậy, hội các quan lại bảo rằng:
- Ta không trị nổi được xứ này hay sao? Sao mà lắm ma quỉ hiện ra thế, hoặc là điềm gở gì đây chăng?
Chúng xin thiết đàn, bày hình tượng thần ấy, rồi dùng nghìn cân sắt, làm bùa trấn yểm.
Cao Biền nghe lời lập đàn cúng bái, rồi chôn nghìn cân sắt để yểm. Hôm sau, trời đất tối tăm mù mịt, mưa gió ầm ầm, rồi có tiếng sét đánh vào chỗ yểm bùa, sắt tan vụn bay đi mất cả. Biền thấy vậy sợ hãi, mới lập đền ở trong phố để thờ thần ấy. Về sau, vua Lý Thái Tổ thiên đô lên Thăng Long, mơ thấy thần lại mừng. Vua tỉnh dậy, sai các quan đem lễ đến tế, phong làm Thăng Long thành hoàng đại vương.
Bấy giờ vua mở ra chợ cửa đông, cho dân buôn bán, miếu thờ ngài ở bên cạnh đường, thường có hỏa tai, cháy lây cả một dãy phố, chỉ miếu của ngài là không động gì đến. Mỗi khi nhà vua làm lễ nghênh xuân, thường vẫn cúng trong miếu ấy.
Triều nhà Trần, ở phố ấy ba lần có hỏa tai, mà không lần nào động đến miếu và một lần có sét đánh cũng không việc gì.
Thái sư là Trần Quang Khải có đề một bài thơ rằng:
Xưa nghe lừng lẫy tiếng anh linh,
Ma cũng ghê mà quỉ cũng kinh.
Ngựa lửa ba phen thiêu chẳng tới,
Roi lôi một trận đánh không chênh.
Chỉ tay đè nén trăm loài quỉ,
Quát tiếng trừ tan mấy vạn binh.
Nhờ đội oai thần xua giặc Bắc,
Khiến cho non nước lại thanh bình.
Trần triều phong là: “Thuận dụ phu ứng đại vương”. Đền ở phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương, gọi là thần Bạch Mã (Bây giờ tức là đền Bạch mã ở phố Hàng Buồm).
SÓC THIÊN VƯƠNG
Về thời vua Đại Hành nhà Lê, quan Khuông Việt Thái sư là Ngô Cảnh Chân thường hay chơi ở làng Bình Lỗ, ưa phong cảnh chỗ ấy vui đẹp, mới làm một cái am để ở. Một đêm đến canh ba, mơ thấy một ông thần mặc áo vàng giáp sắt, tay tả cầm một ngọn thương vàng, tay hữu cầm một hòn ngọc, có vài mươi người lính hầu, mặt mũi hung tợn, trông như quỉ sứ.
Ông thần ấy bảo với Thái sư rằng:
- Ta là Côn sa môn thiên vương đây, đầy tớ ta là thần Dạ xoa cả đấy. Thượng đế sai ta sang xứ bắc, coi giữ nhân dân. Ngươi có duyên với ta, cho nên ta lại đây nói chuyện với ngươi.
Thái sư giật mình đứng dậy, nghe trong núi có tiếng quát tháo ầm ầm, trong bụng lấy làm sợ hãi. Hôm sau vào núi xem thì thấy một cây cổ thụ, cành lá rườm rà, và có đám mây đẹp phủ trên ngọn cây. Thái sư sai thợ đẵn cây ấy, đem về tạc tượng ông thần như dáng trong mộng, rồi lập đền ở trên núi để thờ.
Trong năm Thiên Phúc thứ nhất (980), có quân nhà Tống vào cướp nước. Vua Đại Hành sai Thái sư cầu khẩn ở đền thần Côn sa môn. Bấy giờ quân nhà Tống đóng ở làng Tây Kết, chưa kịp đánh nhau với quân nhà Lê, quân Tống bỗng thấy một người ở dưới sông Bạch Đằng nhảy lên đứng trên mặt nước, cao hơn 10 trượng, xỏa tóc trừng mắt, quân Tống khiếp sợ tan chạy, phải lui về giữ trên thượng lưu. Lại gặp cơn phong ba to, thuyền bè chìm đắm mất nhiều, vua Đại Hành thừa thế đốc quân lên đánh, bắt được Chuyển vận sứ là Nhân Bảo, vì thế quân Tống phải tan.
Vua thấy thần Côn sa môn anh linh làm vậy, sai sửa sang thêm đền đài cho đẹp, rồi phong làm Sóc Thiên Vương, để trấn phương bắc. Đền ấy ở núi Vạn Linh, huyện Kim Hoa tỉnh Bắc Ninh.
Đến thời nhà Lý, lại lập đền thờ ở mé đông hồ Tây, phong làm phúc thần, để trấn phương bắc, và để có việc kì đảo cho tiện (tức là đền ở làng Nhật Tảo bây giờ).
LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA
Về đời vua Anh Tôn nhà Lê (1557) ở về thôn Vân Cát, xã Yên Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, có một người gọi là Lê Thái Công, tiên tổ tích đức đã ba đời, đến đời Lê Thái Công cũng hay làm phúc. Ngoài 40 tuổi, sinh được một người con trai. Cách năm sau, Thái bà có mang được vài tháng thì phải bệnh, ưa những đồ hương hoa, người nhà cho là ma làm, mời thầy phù thủy cúng cấp mà bệnh lại nặng thêm.
Đến đêm hôm trung thu có người xin vào chữa bệnh cho Thái bà. Thái công mời vào, người ấy cầm cái búa ngọc, lên đàn niệm câu thần chú rồi ném búa xuống đất. Thái công ngồi cạnh ngã ngay xuống mơ mơ màng màng, thấy có hai người lực sĩ đưa đi. Đường đi khuất khúc, đến một nơi nhà vàng cửa ngọc, lực sĩ đưa đi qua chín từng cửa, rồi đến chốn cung đường, thì đứng lại ở dưới hè. Trông lên trên thấy có một vị áo mũ đường hoàng, hai bên văn võ cầm hốt đứng chầu, nghi vệ rất thịnh. Sực có một người con gái mặc áo đỏ, bưng chén ngọc dâng rượu thọ, lỡ tay rơi chén, sứt mất một góc. Tả ban có một viên mở ngay sổ ra biên vài chữ, rồi thấy hai người sứ giả và vài chục người thị nữ xúm lại dắt nàng mặc áo đỏ tự cửa nam đi ra. Mé trước có một cái biển vàng, trên có hai chữ “Sắc giáng”, giữa có hai chữ “Nam nam”, còn các khoản dưới thì mập mờ không rõ.
Thái công hỏi người lực sĩ rằng:
- Đó là việc gì thế?
Lực sĩ nói:
- Đây là bà tiên chúa thứ hai tên là Quỳnh Hoa chuyến này chắc là phải đầy xuống trần.
Nói đoạn, lực sĩ đưa Thái công về đến nhà thì tỉnh dậy, mà Thái bà đã sinh ra một người con gái, nhân thế đặt tên là Giáng Tiên.
Khi nàng Giáng Tiên lớn lên, nhan sắc lạ thường, Thái công cho ở tĩnh một nhà học hành. Nàng ấy thông minh, mà lại tài nghề âm nhạc, thường làm ra ca từ bốn mùa, lựa vào khúc đàn để chơi.
- XUÂN TỪ (ĐIỆU XUÂN QUANG HẢO)
Cảnh như vẻ, khéo ai bày? Hoa đào mỉm miệng liễu giương mày. Bướm nhởn nhơ bay, oanh vàng líu lo trong bụi, én đỏ ríu rít trên cây. Buồng xuân dìu dặt mối tình ngây, đề thơ này!
- HẠ TỪ (ĐIỆU CÁCH PHỐ LIÊN)
Trời đất nhiều phần nóng nẫu. Đầu cành rức giọng ve, bãi cỏ vang tiếng chẫu vò võ quốc kêu sầu, eo éo oanh hót ngẫu. Dường bảo nhau: “Chúa xuân về rồi thôi cũng hảo!”. Cảnh sắc dường kia, ngao ngán cầm lòng khôn đậu. May đâu, thần Chúc dong gảy một khúc nam huân, hương sen thoảng đáo, một trận gió bay, sạch lòng phiền não.
- THU TỪ (ĐIỆU BỘ BỘ THIỀM)
Mặt nước trong veo non tựa ngọc, gió vàng hây hẩy khua khóm trúc. Hoa lau muôn dặm trắng phau phau, cây cối vẻ hồng pha vẻ lục. Cung thiềm sáng quắc ả Hằng ngủ, dạo bước thềm giao tình rạo rạc. Chi bằng đến thẳng dưới giậu hoa cúc thơm, thảnh thơi dạo đàn gảy một khúc.
- ĐÔNG TỪ (ĐIỆU NHẤT TIỄN MAI)
Khí đen mờ mịt tỏa non sông, hồng về nam xong! Nhạn về nam xong! Gió bắc căm căm tuyết mịt mùng! Tựa triện ngồi trông, tựa triện đứng trông. Sưởi lò mặt vẫn giá như đồng, ngồi chẳng yên lòng, nằm chẳng yên lòng! Dậy xem phong cảnh lúc trời đông, hoa quên lạnh lùng! Người quên lạnh lùng!
Một khi Thái công dạo chơi sau vườn, nghe thấy khúc đàn ấy, trong bụng buồn rầu, nhân có ông bạn quen họ Trần ở cùng một làng, mới cho làm con nuôi ông ấy, và làm riêng một nhà lầu ở sau vườn Trần công cho con gái ở.
Cạnh nhà Trần công có một nhà quan, tuổi già chưa có con trai, nhân đêm trăng ra chơi vườn đào, bắt được đứa con trai ở dưới gốc đào, vì thế đặt tên là Đào lang. Đào lang mặt mũi tuấn tú. Trần công thấy Giáng Tiên tư chất khác phàm và lại nết na, có ý muốn kết duyên cho Đào lang. Hai bên cha mẹ thuận lòng, mà hai người cũng tốt duyên phải lứa, mới gả cho nhau. Từ khi cưới về, Giáng Tiên một lòng hiếu thuận. Năm sau, sinh được một mụn con trai, cửa nhà thêm vui vẻ.
Ngày tháng thắm thoát, chợt đã ba năm. Hôm mồng ba tháng ba, Giáng Tiên tự nhiên vô bệnh mà mất, bấy giờ mới hai mươi mốt tuổi. Ba nhà sầu thảm vô cùng.
Thái bà đau xót đêm ngày khóc lóc. Một bữa đang khóc thì thấy con về ôm lấy mẹ mà nói rằng:
- Mẹ ôi! Con ở đây, mẹ khóc gì thế?
Thái bà mở choàng mắt ra trông quả là con, cả nhà xúm lại hỏi han.
Tiên Chúa nói rằng:
- Con là Đệ nhị tiên cung phải đầy xuống trần, nay đã hết hạn, lại phải lên chầu Thượng đế. Cha mẹ có âm công, đã vào sổ tiên, mai sau cũng được đoàn tụ, không can gì phải lo sầu.
Nói đoạn thì lại biến mất.
Chàng Đào lang từ khi uyên bay, trăm phần sầu não. Một đêm đang ngồi ngâm thơ giải phiền, sực thấy Tiên chúa đến, chàng kia níu lấy kể lể nỗi đoạn sầu khổ. Tiên chúa khuyên giải hết điều rồi lại biến mất.
Tự bấy giờ đi mây về gió, chơi xem phong cảnh các nơi. Một hôm, đến tỉnh Lạng Sơn, trông thấy có ngọn chùa trên núi, mới lên xem cảnh, rồi ra nghỉ mát dưới gốc cây thông, gẩy đàn ngâm hát. Xảy có Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng) đi sứ về qua, hai bên đối đáp với nhau.
Phùng công đọc trước một câu rằng:
- Tam mộc sâm đình tọa chước hảo hề nữ tử.
Tiên chúa ứng thanh đối rằng:
- Trùng sơn xuất lộ tẩu lai sứ giả lại nhân.
Phùng công lại đọc rằng:
- Sơn nhân bằng nhất kỉ mạc phi tiên nữ lâm phàm.
Tiên chúa lại đọc rằng:
- Văn tử đái tràng cân tất thị học sinh thị trướng.
Phùng công thấy vậy, muốn hỏi lai lịch thì đã biến mất rồi, chỉ thấy gỗ nằm ngổn ngang, hình ra bốn chỗ: “Mão khẩu công chúa”[xcviii], và có một cây gỗ dựng viết bốn chữ “Thủy mã dĩ tẩu”[xcix]. Phùng công đoán ý tứ các chữ ấy, biết là Liễu Hạnh công chúa nhờ mình khởi công sửa sang chùa ấy, mới xuất tiền cho dân sửa sang.
Lại một khi Phùng công đem bạn lên chơi hồ Tây, cũng gặp Tiên chúa, xướng họa liên ngâm với nhau. Về sau Tiên chúa hiển thánh ở đèo Ngang phố Cát tỉnh Thanh Hóa, hiện ra làm con gái đẹp bán nước, những kẻ đùa bỡn chết hại rất nhiều. Triều đình nghi là yêu quái, sai thầy phù thủy và Trịnh Hoàng Thúc đem quân đi tiễu. Quan quân bắn vào trong núi, tàn phá đền đài. Được vài tháng dân xứ ấy dịch tễ, lập đàn cầu khấn, thì mới biết là Tiên chúa hiển thánh tâu lên triều đình, vua sai sửa sang lại đền miếu, phong làm Mã vàng công chúa. Sau lại có công giúp nước phá giặc Mán, được phong làm Chế thắng bảo hòa điệu đại vương lập đền trên núi Sùng Sơn đến giờ vẫn còn anh linh.