Chương 1: Chương 1

“Chém!!!”

Tiếng hét lớn từ phía trên cao - nơi một vị quan đang nghiêm nghị nhìn về phía pháp trường. Thanh đao bén chém thẳng xuống những phạm nhân đang quỳ.

Một người, hai người, rồi lại ba người, chẳng mấy chốc gần trăm người đã “đầu lìa khỏi cổ”. Nhưng kì lạ thay, trong ánh mắt nghiêm nghị của vị quan kia lại ánh lên sự đau buồn và cả sự tiếc nuối. Không khí xung quanh chỉ có tiếng khóc, tiếng thét ai oán của người dân đang đứng xung quanh để chứng kiến thời khắc phạm nhân bị trừng phạt.

Kì lạ thay…

Một tuần trước.

“Bệ hạ vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”

Hàng trăm người quỳ gối hành lễ trước vị minh quân đang tiến vào bên trong Phạm phủ. Ánh mắt hiền từ, giọng nói từ tốn của nhà vua toát lên vẻ uy nghi nhưng không kém phần gần gũi.

“Các khanh hãy đứng dậy. Hôm nay trầm đường đột ghé tới tệ xá, mong Phạm đại nhân đừng trách.”

“Bệ hạ xin người đừng nói vậy. Phủ của thần nhỏ hẹp, đơn sơ, mong bệ hạ đừng trách. Thần sẽ cho người dọn dẹp phòng cho bệ hạ ngay.”

Sau đó đại nhân họ Phạm kia sai người dọn dẹp căn phòng to nhất ở hậu viện, ngay cạnh vườn đào để nhà vua có thể nghỉ ngơi.

Phủ của Phạm đại nhân tuy nói là đơn sơ như chính cách ông miêu tả nhưng chỉ đơn sơ so với sự nguy nga lộng lẫy của nhà vua mà thôi, chứ phủ của Tể tướng đương triều, một đại công thần khai quốc thì có vẻ “đơn sơ” không được đúng cho lắm.

Nói một chút về vị vua kia. Ông là vị vua thứ 2 của triều Tiền - Tiền Thái Tông một đất nước non trẻ khi vừa mới giành độc lập từ tay của triều đình phương Bắc. Một vị vua trẻ tuổi, vừa có tài vừa có đức lại có sự khiêm tốn mà ít ai có thể bì được.

Còn về vị quan đại thần kia. Ông là một trong những khai quốc công thần triều Tiền - Phạm Tường, là người góp công lớn trong cuộc khởi nghĩa cùng với tiên đế. Ông là người học rộng hiểu cao, tinh thông rất nhiều lĩnh vực khác nhau cùng với đó là sự gần gũi, nghĩ cho dân nên luôn nhận được sự yêu thương, kính trọng của nhà vua lẫn nhân dân.

“Vườn đào năm nay tươi tốt nhỉ Phạm đại nhân. Hai ngày sắp tới đây, ta có cái để xem rồi.”

Vườn đào mà vua Tiền hết lời khen ngợi được Phạm đại nhân vun trồng từ lúc mới chuyển đến đây, ngày ngày được ông chăm sóc, tỉa tắp nên mới có một vẻ đẹp rực rỡ đến như vậy.

Dưới những gốc đào đó, hình ảnh của một cậu bé nô đùa cùng một vị phu nhân khiến nhà vua chú ý. Phạm đại nhân nắm lấy tay cậu bé và hướng về phía nhà vua.

“Phạm Kỳ, mau chào nhà vua đi con.”

“Tham kiến bệ hạ. bệ hạ vạn tuế.”

“Tốt, ngoan lắm, con của khanh trông lớn hơn trước rất nhiều đấy. Đúng là cha nào thì con nấy.”

Phạm Kỳ - con trai trưởng của Phạm đại nhân và phu nhân của mình. Vì công vụ và những lần chinh chiến gần xa nên chuyện con cái của hai người cũng gặp nhiều khó khăn, Phạm Kỳ ra đời khi ông vừa chạm đến cái tuổi lục tuần, nên ông rất thương yêu và coi cậu bé này như bảo bối.

“Thần thiếp xin tham kiến bệ hạ.”

Trước mặt nhà vua lúc này là một người phụ nữ xinh đẹp, gương mặt thanh thoát, toát lên vẻ sang trọng nhưng cũng rất dịu dàng, cử chỉ nhã nhặn càng khiến cho nhà vua bị ấn tượng ngay lần đầu tiên gặp gỡ.

Sau một hồi tham quan vườn đào cùng với phu phụ Phạm đại nhân, nhà vua cảm thấy mệt mỏi sau một chuyến dài nên đã quay về phòng nghỉ ngơi. Lúc này, trời cũng vừa chập tối, những cơn gió lạnh bắt đầu thổi, khiến con người ta cảm thấy lạnh người.

Buổi tối hôm ấy, sau khi dùng bữa cùng với gia quyến họ Phạm, nhà vua vì nể phục tài trí hơn người của phu nhân Phạm đại nhân nên đặc biệt cho mời đến phòng để cùng bàn bạc chính sự. Và tai họa của nhà họ Phạm cũng đã bắt đầu từ đây.

Ngay sau khi nhà vua đã yên giấc, quan thái giám tên Thái Tuệ bước vào như thường lệ, còn Phạm Thị thì rời đi ngay sau đó. Tưởng như đêm nay sẽ là đêm yên bình với cả nhà họ Phạm thì bất chợt.

“Thái y, thái y đâu?”

Tiếng hét thất thanh của Tuệ từ phía hậu viện, đánh thức tất cả mọi người đang yên giấc. Người người tập trung trước phòng nhà vua, tay xách lỉnh kỉnh đồ đạc, chạy ra chạy vào phòng như ong vỡ tổ.

“Tuệ thái giám, trong đó đã xảy ra chuyện gì vậy?”

Vợ chồng Phạm đại nhân vừa tới nơi thì không còn tin nổi vào mắt mình. Trực giác mách bảo ông rằng nhà vua đã xảy ra chuyện không hay.

“Bệ hạ đột nhiên lên cơn ho, ho ra toàn là máu. Ngay sau đó liền cứng đơ người, sắc mặt trắng bệch. Thần trông thấy thế liền báo với thái y vội đến đây để nhanh chóng chẩn trị.”

Và khi tiếng gà vừa gáy tới tiếng thứ hai thì từ trong phòng đã vọng ra.

“Bệ hạ đã băng hà. Bệ hạ đã băng hà.”

Thông tin mà các quan thái y nói vọng ra từ trong phòng của nhà vua khiến ai nấy đều bàng hoàng, dường như không thể tin được vào tai mình vì trước đó thôi, nhà vua vẫn còn khỏe mạnh, cường tráng. Nét mặt ai nấy đều trắng bệch ra, nét mặt lo lắng vì mọi người đều biết rằng, một khi tin tức này được truyền ra ngoài thì sẽ nguy hại như thế nào đến một quốc gia còn non trẻ như triều Tiền.

Và với địa vị của mình, Phạm đại nhân liền nhanh chóng nghị sự cùng các quan lại khác ngay trong chính căn nhà của mình và đã ra những quyết định về việc nguy cấp trước mắt.

Ngay lập tức, thi thể của nhà vua nhanh chóng chuyển về kinh thành để thực hiện các nghi lễ an táng. Chiếu cáo thiên hạ về sự băng hà của nhà vua cũng như lập nhà vua mới ngay khi kết thúc nghi lễ an táng cho nhà vua.

Tin tức được truyền đi rất nhanh đã được đưa về tới kinh thành, nơi mà Tuyết Lan Hoàng hậu đã bắt đầu âm mưu thâu tóm quyền lực của mình.

Vị hoàng hậu này đã ấp ủ mưu tính thâu tóm quyền lực trong tay ngay từ khi còn là phi tần của vua Tiền Thái Tông. Khi được nhà vua sủng ái, bà ta nhanh chóng thực hiện âm mưu ly gián của mình để phế truất Thái tử đương triều và đưa đứa con tria của mình thay thế vị trí đó.

Đối với vị Hoàng hậu này, Phạm Tường - Phạm đại nhân đức cao vọng trọng kia chính là cái gai trong mắt bà ta vì quyền lực, tài trí và tiếng nói của ông với nhà vua sẽ ngăn cản âm mưu của mình.

Một âm mưu đã được người đứng đầu hậu cung giăng ra sẵn và con mồi của bà ta đã và đang trên đường sa lưới.

Và chính bản thân Phạm đại nhân cũng không thể rằng, chuyến đi lần này sẽ là chuyến đi cuối cùng của ông cùng gia quyến của mình khi trước mặt ông là âm mưu của người đàn bà độc ác - Tuyết Lan hoàng hậu, nắm trong tay gần như mọi quyền lực của triều Tiền lúc bấy giờ.