Cứ như thế, người làng vừa nhìn Komatsu Gempachi với ánh mắt lạ lùng vừa tin cậy. Chẳng mấy chốc mà gần chín năm đã trôi qua ở làng Đại Đông.
Ngày ngày Gempachi đều hết lòng giúp đỡ người làng, đêm đến lại trở về chòi với Oritsu. Nhưng tuyệt nhiên chẳng ai biết gì về mối quan hệ này.
Đến tháng năm niên hiệu Hoei [1] thứ bảy, chúa phiên Matsue là Matsudaira Tsunachika về ở ẩn, nhường cho người em trai Yoshito lên thay. Nhân dịp này, những kẻ mắc tội chín năm trước đều được ân xá đặc biệt. Nếu Komatsu Juemon còn sống thì chắc cũng được phóng thích. Tổng quản Midani Handayu thưa lên chúa Yoshito rằng:
[1] Niên hiệu kéo dài từ năm 1704-1711
- Hay là nhân dịp này cho gọi Komatsu Gempachi trở lại, ban cho quan tước. Ngài nghĩ thế nào? Gempachi giờ đây đang trú tại làng Đại Đông và giúp dân làng làm nhiều việc thế này, thế này.
Tân phiên chủ nghe theo lời Tổng quản cho vời Gempachi lại, ban cho quan tước năm mươi hộc đủ nuôi hai người trong một năm.
Lúc bấy giờ, Gempachi được hăm tám. Nông phụ Oritsu vừa ba mươi bảy.
Đêm chia ly….
Oritsu cố nén tình cảm, không nhỏ một giọt nước mắt.
- Có lẽ từ đây chúng ta phải quên nhau thôi. Chàng ơi, chỉ còn lại đêm nay…
Gempachi không nói một lời. Oritsu lòng buồn rười rượi.
Trước khi trời sáng, Oritsu trở về nhà bên kia rừng, Gempachi cũng lặng lẽ chuẩn bị mọi thứ. Trên con đường làng, khi về đến bên kia rừng thì Oritsu bật khóc nức nở.
Dân làng đến chúc phúc, rồi Gempachi rời làng Đại Đông vào thành Matsue.
Hết hạ lại sang thu.
Oritsu lúc này cũng đã già.
Một ngày thu nọ.
Đột nhiên Komatsu Gempachi xuất hiện ở làng Đại Đông. Dân làng trố mắt.
Gempachi vận lễ phục chỉnh tề, hông đeo song đao đi bên cạnh chiếc kiệu trống mấy người khiêng, vừa đi vừa mỉm cười.
- A trông kìa, ngài Gempachi thật là đường bệ.
- Không biết là chuyện gì nữa nhỉ?
- Vẫn cứ như xưa, luôn khác người.
Trong khi dân làng đang xì xào bàn tán thì Gempachi và chiếc kiệu trống đã nhắm thẳng hướng khu rừng trước nhà lão bách tính Ushichi mà đến.
Lúc này, Oritsu đang làm đồng bên sườn núi bỗng mừng rỡ chạy về.
- Oritsu, lâu quá nhỉ.
- Ngài trông cũng đường bệ hơn.
- Nhưng bên trong cũng vậy thôi.
- Thế ngài đến thôn có việc gì?
- Ta đến đón nàng về làm vợ. Ta đã bàn chuyện này với con trai nàng và nó cũng rất vui mừng. Nào, hãy lên kiệu đi!
- Nhưng mà…
- Kệ, như vầy được rồi. Ta không quan tâm.
Quả là “chỉ trong chút xíu”.
Oritsu lên kiệu mà vẫn chưa hết bỡ ngỡ. Gempachi đi bên cạnh vẫy tay chào dân làng rồi vào thành. Bách tính đứng hai bên vệ đường tiễn đưa hai người không nói một lời.
Căn nhà mới của Gempachi nằm trong khu phố Okudani trong thành. Chỉ là một căn nhà nhỏ của võ sĩ hạng thấp năm mươi hộc trong phiên.
Để đón được Oritsu về làm vợ thì Tổng quản Midani Handayu cũng đã trợ ngôn cho Gempachi rất nhiều. Vốn ngày xưa, Oritsu có phục vụ trong dinh thự Kohata Tadahira nên Kohata cũng nói Oritsu là chỗ họ hàng xa với mình nên mới được lệnh trên cho phép. Ngày xưa, khi sự phân biệt giai cấp còn gay gắt thì những thủ tục này là điều đương nhiên, nhưng không một ai không biết đến mặt sau của việc này.
- Lấy một người hơn mình những mười tuổi, lại xấu xí thế kia...
- Mà chồng trước của thị cũng chỉ là một bách tính xoàng.
- Quả nhiên là khác người thật.
Tin đồn một thời lan rộng trong thành. Phải hai năm trôi qua người ta mới xem đôi vợ chồng này là “chuyện bình thường”.
Khi Gempachi nhậm chức “cung thuật chỉ nam”[2] bổng lộc trăm hộc thì hầu như trong thành chẳng đồn đãi gì mà chỉ là một lễ nhậm chức giản dị chẳng ai hay biết.
[2] Chức giáo đầu chỉ dạy cung nỏ trong phiên.
Lúc đó:
- Thời gian gần đây, một năm mấy lần quan khách đến chơi, mà chén rượu trong nhà cũng không còn được tốt nữa rồi.
Nghe Oritsu nói, Gempachi liền bảo:
- Được rồi, để ta đi mua.
Gempachi tìm đến cửa hiệu dưới thành, sau khi xem một hồi rồi chọn được món tửu khí ưa thích.
- Ta mua cái này. Không sứt mẻ gì chứ?
- Thưa không ạ.
Chủ hiệu đáp. Sau khi về nhà, Oritsu kiểm tra thì phát hiện ra trong số năm chén rượu, có hai chiếc bên dưới đáy có vết nứt mỏng như sợi tơ liền báo cho trượng phu hay.
- Được rồi.
Gempachi nói rồi tức tốc mang chén quay lại cửa hiệu ban nãy.
- Ngươi gạt ta à?
Rồi mắng cho một trận. Quả nhiên là chủ quán biết rõ có tỳ vết nhưng nghĩ rằng nó quá nhỏ nhặt chắc chẳng ai để ý. Bị Gempachi mắng, chủ quán vội vàng phục ra tạ lỗi.
- Xin ngài tha tội cho. Tiểu nhân xin hoàn lại số tiền ban nãy.
- Không cần.
- Dạ…?
- Ta vì ghét bị lừa nên trả chén lại chứ không phải vì tiếc tiền. Còn ngươi vì tham tiền mà gạt ta. Nhưng giờ đây, mọi chuyện coi như chấm dứt và ta cũng không bị gạt. Ngươi cũng có được số tiền ngươi muốn rồi. Cả hai bên đều xem như toại nguyện, đúng không?
- Không, không…. Tiểu nhân không dám.
- Số tiền đó ta không cần.
Nói rồi trở về nhà thuật lại chuyện này cho Oritsu nghe.
- Như vậy là ổn rồi. - Oritsu đáp.
Lại còn có chuyện như thế này. Một hôm, Gempachi trông thấy một cái đốc kiếm ở cửa hàng đồ cổ thì lấy làm thích thú lắm.
- Cái này được đấy. Bao nhiêu tiền thế?
Vợ chủ hiệu đáp:
- Có lẽ là khoảng chừng hai hay ba quan gì đấy. Vì chủ nhân đã đi vắng nên tiện nữ cũng không rõ ạ.
Gempachi gật đầu rồi lấy ra hai quan tiền.
- Đây là hai quan. Nếu như chủ nhân trở về có nói là ba quan thì đây, ta đưa thêm.
Nói rồi đưa thêm một quan nữa rồi mua đốc kiếm đi mất. Khi chủ hiệu trở về nghe vợ thuật lại thì:
- Ờ, quả nhiên đúng như lời đồn đại, đúng là khác người.
- Cứ cái trò này thì rồi bọn con buôn trong thành đều nói ba quan hết cho xem.
Vợ chủ quán hùa theo, nói rồi ôm bụng cười rũ rượi.
Những chuyện như thế về Gempachi không phải là ít. Nhất là cứ thấy thích cái gì thì cho dù dốc hết tiền túi ra cũng mua, còn vật dù rẻ đến đâu mà không thích cũng chẳng bao giờ ngó tới.
Năm năm, rồi mười năm trôi qua.
Một hôm có vị cung sư Kuroi Tadatoshi Uemon nói với bọn con buôn ban đầu đưa ra hai giá lừa gạt Gempachi.
- Các ngươi cứ lừa gạt ngài Gempachi mãi mà không thấy tội lỗi sao?
Rồi những kẻ khác cũng noi theo, đến ngay cả bọn thường ngày vẫn mang rau cải, gạo, cá đến nhà Gempachi bán cũng hạ giá hơn trước.
Từ khi Komatsu Gempachi quay trở lại thành Matsue đến nay đã được mười năm. Lúc bấy giờ, bổng lộc của Gempachi đã hơn hai trăm hộc (đáng lý ra còn cao hơn thế nhiều nhưng Gempachi chẳng bao giờ màng đến chuyện thăng cấp, hễ có trát trên đưa xuống là từ chối liền) và là một nhân vật được chú ý nhiều trong nhà Matsudaira. Cứ hễ là bọn nữ tì phục vụ trong nhà Gempachi thì bọn con trai tranh nhau rước về làm vợ.
Chuyện này lan đến tai bọn con gái các nhà buôn trong thành. Thế là lúc ấy, trong nhà Gempachi có đến hơn hai chục nữ tì chấp nhận làm việc không công.
- Cứ là con gái phục vụ trong nhà ngài Gempachi thì khỏi cần phải xem mặt mũi tướng mạo gì.
Sự thực đúng là như thế. Bọn nữ tì trong nhà Gempachi không đứa nào là kẻ vô duyên cả. Thảy cũng đến hơn trăm người đã về nhà chồng.
Lúc bấy giờ Gempachi đang giữ chức cung thuật chỉ nam dạy dỗ cho bọn lính tráng trong phiên. Ngày ngày, lão nhân Gempachi đã sáu mươi tuổi, ngồi ở đài quan sát cách đích hơn ba mươi mét trong trường bắn chỉ bảo bọn môn đệ.
- Iori hãy giương cao cánh cung lên độ một thốn nữa. Sada Shirou hãy hạ xuống một thốn, qua phải hai gang…
Cứ làm như lời Gempachi nói, thảy mọi mũi tên đều bắn trúng đích.
- Đã già rồi mà nhãn lực vẫn còn ghê gớm thật. Thật chẳng biết ngài Gempachi có phải là con người hay không nữa.
Bọn lính tráng bắt đầu bàn tán. Trong số đó có kẻ trực tiếp đến hỏi Gempachi.
- Chẳng phải là ta nhìn thấy rõ ràng gì. Chẳng qua đây là giác quan của ta sau nhiều năm theo đuổi cung đạo mà thôi.
Gempachi bình thản đáp.
- Đối với ta thì cảm quan về cung tên là tất cả. Mọi thứ khác đều vô nghĩa, chẳng là gì.
Trong thời gian Gempachi còn sống thì số xạ thủ trong thành Matsue cũng tăng lên đáng kể.
Giữa Gempachi và Oritsu có hai người con trai và ba con gái. Toku Tarou là con của Oritsu với người chồng trước, nay cũng thành đạt và là quản gia hiệu gạo Inoya trong thành, và vẫn giữ quan hệ mật thiết với nhà Komatsu. Ngày mùng mười tháng sáu năm Houreki thứ bảy. Cũng như mọi ngày, Komatsu Gempachi vào thành chỉ đạo bọn lính tráng bắn cung.
- Hạ mũi tên xuống hai thốn.
Từ trên đài quan sát, Gempachi nói với tên Izawa, và hắn làm theo như vậy, nhắm vào cái đích, buông dây. Mũi tên cắm phập vào ụ đất bên dưới cái đích.
Cả bọn trông thấy liền ồ ào. Chuyện chưa từng có từ trước đến nay. Izawa tiu nghỉu như mèo cắt tai. Gempachi gọi lại:
- Này Izawa, không phải lỗi do ngươi mà cảm quan của ta đã lú lẫn mất rồi.
- Dạ.
Trở về nhà, Gempachi gọi vợ vào phòng.
- Hôm nay ta đã biết mắt mình đã hóa cuồng rồi.
- Vâng...
Lúc bấy giờ, Gempachi bảy mươi tư tuổi. Oritsu được tám mươi ba.
- Ta già rồi.
- Vâng.
- Ta chán cuộc đời này rồi.
- Chán rồi ư?
- Khi không còn cung tên thì cuộc đời này chẳng đáng sống làm gì nữa. Chẳng còn cách nào khác.
- Thế thì...
- Có sống cũng chẳng có ích chi.
- Thế thì làm gì bây giờ?
- Tuyệt thực.
- Vậy để tôi theo ông.
- Sao?
- Không còn ông thì cuộc đời cũng chẳng đáng sống nữa.
- Ừm.
Rồi đêm đó, phu phụ Gempachi bắt đầu tuyệt thực. Bọn con trai và đám con gái đã về nhà chồng hốt hoảng, lật đật chạy về tụ tập, khuyên bảo nhưng cả hai đều bỏ ngoài tai, cứ ngồi trong phòng mà chẳng hề động đến đũa. Bọn môn nhân vội đổ về dinh thự của tổng quản Midani Handayu.
- Xin ngài hãy tìm cách gì để tiên sinh chịu ăn uống lại.
Tổng quản Midani lúc bấy giờ vốn là con trai của Handayu mà ngày xưa Gempachi chịu ơn, và cũng là đồ đệ dưới trướng của Gempachi.
Midani hay tin vội đến thăm Gempachi.
- Xin tiên sinh hãy niệm tình phụ thân đã mất mà hãy dùng chút gì đó.
Midani cầu xin, Gempachi đã tuyệt thực gần nửa tháng.
- Ừ… đúng rồi.
Gempachi gật đầu rồi lay Oritsu đang ngủ trên sàn.
- Đúng là nếu nghĩ về ơn nghĩa của thân phụ ngài ngày xưa thì ta không thể không làm theo lời ngài nói.
Rồi vực lão bà đã gần như ngất tỉnh dậy, cả hai cùng hớp ngụm nước nóng.
- Ta vốn ngày xưa si cuồng cung tên, lại còn làm lắm chuyện trái lẽ thường so với người đời, đã làm liên lụy đến các vị nhiều lắm.
- Ngài nói gì?
- Xin ngài hãy nghe cho rõ.
- Vâng.
- Ta vì ghét thế lực tiền bạc mà trốn tránh việc xuất thế lập thân, chỉ sống một đời của kẻ cung thuật cho đến lúc chết. Vì thế mà bị gọi là kẻ không bình thường trong cuộc đời trôi nổi này. Nhưng trong tận thâm tâm, ta còn muốn tiền bạc hơn kẻ khác bội lần, là kẻ luôn mong cầu chuyện xuất thế lập thân.
- Dạ?
- Chính vì ham muốn nó nên mới lẩn tránh nó. Những kẻ không bình thường khác trong thiên hạ cũng chỉ là giống như ta mà thôi. Nhưng phàm cái gì kỳ mà lấy làm kỳ thì không còn kỳ nữa. Chính vì vậy nên ta lại sợ cái điều bình thường của cuộc đời phù phiếm. Giống như kẻ mắc bệnh thấy gì cũng sợ sệt. Ngài hiểu không?… Từ khi chứng kiến cái chết trong ngục của huynh trưởng thời trai trẻ mà ta đã ra thế này.
Nói rồi mỉm cười, rồi lại phục xuống sàn.
Đêm thứ bảy kể từ đêm này, Komatsu Gempachi nằm bên cạnh xác lão bà đã trút hơi thở cuối cùng từ đêm trước, chấm dứt một cuộc đại vãng sinh.