Chương 3: CUNG CUỒNG (1)

Từ thuở niên thiếu, Komatsu Gempachi đã được người trong thành gọi là “Cung Cuồng”. Con đường đến với cung đạo bắt đầu từ mùa xuân năm bảy tuổi, lúc bấy giờ phụ thân Komatsu Yanagi Saemon hãy còn sống. Saemon tự tay làm lấy một cánh cung cỡ nhỏ cho trẻ nít rồi đưa cho con thứ là Gempachi.

- Anh mày đã không ra sao… Không biết mày thế nào.

Mọi chuyện bắt đầu từ đó.

Động tác lắp tên vào cung rồi bắn vào đích, thoạt mới nhìn qua thì chỉ là một kĩ thuật cực kỳ đơn giản, nhưng nếu hỏi vậy tại sao Gempachi lại say mê đến độ bị gọi là “Cung Cuồng”, thì hẳn không còn câu trả lời nào thích đáng hơn rằng: không chỉ cung đạo, mà trong tất cả các môn võ nghệ khác, cũng như thiên kĩ vạn nghệ khác, thuật giả là người nghệ sĩ sử dụng cái thuật của mình và dồn hết tinh hồn, tâm lực vào đấy.

Trong động tác buông tên bắn vào đích, kẻ bắn cung phải nâng cao, phát huy cả tinh thần lẫn nhục thể của mình đến mức vô hạn. Để đạt được cái cực ý trong bắn cung thì không thể không tận tâm cầu đạo, theo đuổi mục đích đến tận cùng. Điều này cũng có thể nói là tương đồng với chư nghệ chư năng, nhất thiết vạn pháp thảy đều như thế.

- Chính phụ thân là người đã khai thị cho ta đến với cung đạo.

Sau này, nhiều lần Gempachi đều nói như vậy. Quả nhiên là sự chỉ đạo của Yanagi Saemon quá xuất sắc, nhưng cũng không thể phủ nhận thiên tính của Gempachi. Cung thuật của Yanagi Saemon thuộc hàng bạt quần và tiếng tăm vang dội khắp thành Matsue xứ Izumo.

- Nhưng thế cuộc sắp bước vào thời kỳ chẳng còn cần đến võ nghệ nữa rồi...

Vào cuối năm, phụ thân Yanagi Saemon gượng cười mà tiết lộ cho Gempachi hay. Quả nhiên là vậy. Cái thời chiến loạn đã kết thúc được bảy năm, giờ đây dưới sự thống trị của Mạc phủ Tokugawa, thì toàn Nhật Bản đã bước vào thời kỳ hòa bình và bắt đầu phát huy sức mạnh kinh tế, với thương phẩm được sản xuất liên tục.

Đó là vào niên hiệu Genroku [1], thời đại của sức mạnh kinh tế chứ không còn là võ lực nữa. Thời đại văn được chuộng hơn võ. Và bọn võ sĩ cũng thay đổi, dần dần trở nên quan liêu hóa và ưa thích những cái phức tạp hơn những sự đơn giản, thuần nhất như trước kia.

[1] Genroku: niên hiệu kéo dài từ năm 1688-1704

Vào mùa hạ năm Genroku thứ hai, Yanagi Saemon mất vì bệnh, con cả là Juemon lên nối dõi nắm nghiệp nhà. Trước lúc tắt thở, phụ thân có gọi Gempachi đến dặn dò.

- Này Gem, người đàn ông có thể giương cung sống suốt đời mà không biết chán.

Gempachi là con thứ, chừng nào còn chưa được họ nhà khác nhận làm dưỡng tử gả con gái cho, thì suốt đời phải sống dựa vào huynh trưởng Juemon. Komatsu Juemon giờ đây trở thành chủ một họ, lương bổng hơn trăm hộc, nhưng không hề quan tâm đến cung thuật, kiếm đạo võ nghệ, mà chỉ chuyên tâm vào đường học vấn. Juemon cũng được lòng cấp trên nên con đường hoạn lộ khá suôn sẻ.

- Này Gem, đệ hãy thong thả mà sống trọn đời với cánh cung mình yêu thích. Ta không chịu được khi phải chia ly với đệ.

Juemon đối xử với tiểu đệ Gempachi rất mực chu đáo. Có lẽ cũng là do song thân mất sớm. Tình huynh đệ quá thân mật của họ đôi khi trở thành đề tài đàm tiếu cho bọn người hầu trong nhà.

Nhưng...

Vào đầu mùa hạ năm Gempachi được mười tám tuổi thì xảy ra một biến cố lớn. Chẳng là Juemon dính líu đến vụ án lạm quyền lạm chức trong phiên Matsue nên bị đày vào ngục. Từ thời Chiến Quốc, Nhật Bản bị chia cắt thành hàng trăm vùng nhỏ, do chư hầu cát cứ ở các địa phương gọi là phiên. Những kẻ cầm đầu một phiên, ngoài mặt mang tiếng là chư hầu thần phục Thiên Hoàng, nhưng sau lưng lúc nào cũng chiêu binh mãi mã, chờ cơ hội thôn tính lẫn nhau. Sau khi Tokugawa Ieyasu thống nhất thiên hạ ở trận Sekigahara, chấm dứt thời đại Chiến Quốc hơn trăm năm, thì thể chế phiên vẫn còn được duy trì, mãi đến sau thời Minh Trị Duy Tân mới bị bãi bỏ.

Vì vậy mà nhà Komatsu bị tịch thu quan tước, Gempachi bị đuổi khỏi phiên Matsue. Sự kiện này liên quan đến việc Tổng quản phiên Matsue là Tanahashi Chikamasa và phe phái bị thanh trừ vì việc lạm quyền làm xằng.

Khai tổ của phiên Matsue là Matsudaira Naomasa, một người cháu của Tướng quân Tokugawa Ieyasu, người dì của ông ta được gả cho phụ thân của Chikamasa là Tanahashi Katsusuke. Điều này nói lên rằng, Tanahashi Katsusuke không phải là một nhân vật tầm thường. Thế là họ Tanahashi trở thành thân tộc của phiên chủ Matsudaira rồi leo lên đến địa vị bốn trăm hộc, đến thời Chikamasa thì lương bổng lên đến hơn hai ngàn hộc và giữ chức Tổng quản coi sóc bọn võ sĩ trong phiên.

Quyền lực và vinh hoa nằm trong tay Tanahashi Chikamatsu nên hắn ngày càng chuyên quyền lộng hành, dần sinh ra lắm điều xấu xa tồi tệ. Vậy nên bọn trọng thần mấy đời trong phiên kết tập thành một “phe chính nghĩa” quyết tâm loại bỏ Tanahashi.

Komatsu Juemon khéo lấy lòng tổng quản Chikamasa nên được nhiều ưu đãi, thân phận lên đến hơn ba trăm hộc.

- Tội của ta là không thể trốn được.

Juemon nói với Gempachi khi bị đầy vào lao, rồi hai năm sau phát bệnh mà chết.

Thê tử của Juemon là Nae trở về nhà cha mẹ ở làng Imamura. Giữa hai người không có đứa con nào. Vì vậy số phận Gempachi trở nên thế nào thì ai cũng rõ.

- Này, hãy để phần Gempachi cho ta lo liệu.

Một người trong hàng Tổng quản là Midani Handayu đứng ra bảo trợ, đưa Gempachi đến một căn chòi nhỏ của bọn tiều phu ở làng Đại Đông cách thành Matsue năm dặm.

- Ngươi hãy ở đây.

Tổng quản Midan căn dặn và cũng bí mật mang cơm nước đến cho hắn. Có sự biệt đãi này âu cũng là vì ngày trước, Midani Handayu là môn nhân học cung nghệ của nhà Komatsu.

Từ khi đến làng Đại Đông, Komatsu Gempachi luôn bị dằn vặt bởi tội lỗi của huynh trưởng Juemon và nó không lúc nào thôi hành hạ hắn. Chẳng mấy chốc mà cái thể xác cao sáu thước vạm vỡ trước kia đã trở nên tiều tụy, khuôn mặt hốc hác.

- Tóc tai ngày càng thưa dần, gương mặt cứ như ông cụ ấy.

Người trong làng bắt đầu đàm tiếu và không một ai nghĩ rằng Gempachi đang ở cái tuổi mười tám trai trẻ.

CUNG CUỒNG (2)

Suốt ngày, Komatsu Gempachi cứ nhốt mình trong căn chòi nhỏ ở làng Đại Đông và chẳng bước chân ra ngoài để ai trông thấy bao giờ.

- Hay là trốn rồi nhỉ?

Vị thôn trưởng Ashitani Chogoro sinh nghi, đến bên dòm vào căn chòi thì hoảng hồn. Gempachi hầu như chẳng ăn uống gì, đang ngã vật ra sàn và dường như đã bất tỉnh.

Từ một người trẻ tuổi say mê cung thuật đến mức bị gọi là cuồng, mà nay chỉ vì huynh trưởng liên quan đến vụ lạm quyền mà Gempachi đau khổ đến mức không dám nhìn mặt người làng nữa.

- Là như thế đó. Cũng thật là...

Nghe lời thôn trưởng kể lại, người trong làng bắt đầu nhìn nhận lại và nảy sinh hảo ý đối với Gempachi.

- Thật là tội nghiệp!

- Hay là chúng ta mang ít thức ăn đến.

Thế là người làng mang gạo và rau củ đến căn chòi của Gempachi, lặng lẽ đặt trước cửa.

- Không hiểu vị nào đã ban cho thế này… Là vị nào xin hãy dạy rõ.

Gempachi đi gõ cửa từng nhà một trong thôn mà hỏi cho rõ, vẻ mặt khổ não vô cùng. Người làng cứ nghĩ rằng Gempachi đang nổi giận nhưng thực ra không phải vậy, Gempachi đến để trả tiền thức ăn.

- Số tiền này tôi phải trả.

- À, ngài đừng bận tâm. Xin cứ tự nhiên mà thọ nhận chỗ ấy.

Người làng kiếm cớ thoái thác nhưng Gempachi nhất định không chịu.

- Như thế không được. Tôi không thể nhận bất cứ thứ gì mà không trả tiền. Như thế khác nào bảo Gempachi này chết đi. Xin hãy nhận lấy cho.

Gempachi tỏ vẻ khẩn khoản, hai tay chắp lại như vái lạy. Quả nhiên là sự việc của Juemon đã thấm vào tận xương tủy Gempachi và ngày đêm hành hạ hắn.

- Nhưng việc đó và việc này là hai chuyện khác nhau.

Cuối cùng người làng cũng bị thái độ cứng rắn của Gempachi áp đảo.

- Tuổi hãy còn trẻ mà lạ thật.

- Đúng là người tốt.

Người làng bắt đầu bàn tán. Thật là một người trẻ tuổi lạ lùng.

Trong đám bách tính có lão nhân Ushichi ở cách căn chòi nhỏ của Gempachi không xa.

- Một mình ngài dùng thì bấy nhiêu cũng chẳng đáng kể gì. Xin ngài cứ tự nhiên, khi nào cần cứ đến nhổ rau củ trong vườn nhà lão mà dùng.

Sự quan tâm của bách tính khiến Gempachi cảm động rơi nước mắt.

- Xin đa tạ. Khi nào cần xin được lượng thứ.

- Ngài cứ tự nhiên, đừng khách sáo.

Từ đó, thỉnh thoảng Gempachi lại đến vườn nhà Ushichi nhổ rau củ, và cứ mỗi lần như thế, lại đặt dưới gốc cây số tiền tương ứng với phần mới nhổ đi. Ushichi thấy thế lấy làm ái ngại vô cùng.

- Ngài không cần phải nhất nhất sòng phẳng như vậy đâu.

Ushichi mang tiền đến trả lại thì:

- Xin cứ nhận cho. Nếu không nhận thì tôi không thể nào ăn được.

Gempachi chắp tay khẩn khoản cầu xin “xin cứ nhận cho” lặp đi lặp lại khiến Ushichi bối rối vô cùng.

- Thật tội nghiệp.

- Nhưng đâu cần phải khổ sở thế chứ.

- Nghe đâu chỉ mới mười tám tuổi.

- Chỉ có chừng ấy tuổi thôi mà đã sống cách biệt với chúng ta, lại còn ăn những thứ hư hỏng chuột bọ nó phá. Như thế thì sức khỏe nào chịu được.

- Ờ đúng vậy.

Người làng thông cảm với Gempachi và tập trung trước căn chòi, nhưng có nói gì đi nữa thì Gempachi cứ nhất quyết không nghe theo. Thật hết cách.

Rồi một năm trôi qua, mọi sinh hoạt của Komatsu Gempachi cũng không có gì thay đổi. Ngày ngày cứ nhốt mình trong căn chòi nhỏ, chỉ ăn uống qua loa để cầm cự với cái đói và cũng chẳng bận tâm đến việc tắm gội. Dĩ nhiên cũng chẳng có ý định động đến cung tên như trước.

Thân thể Gempachi ngày càng gầy mòn, dung nhan tiều tụy có lẽ đã đến cực điểm.

- Chắc là phát cuồng rồi.

Trong làng có kẻ nhíu mày.

Rồi một đêm mùa hè.

Căn chòi của Gempachi bấy lâu nay bốc ra một mùi hôi thối khó tả. Komatsu Gempachi mười chín tuổi đang say ngủ trên sàn và cũng chẳng buồn khép cửa. Một bóng người bí mật lặng lẽ lần ra phía sau rồi lẻn vào căn chòi.

- Thối quá!

Bóng người bật tiếng thì thầm. Đó là một giọng đàn bà.

Dù Gempachi chẳng chịu ăn uống gì nhưng cũng là kẻ sở hữu thân thể của gã con trai mười tám. Nhưng sự u uất đã khắc sâu vào tận thân, tâm Gempachi đến cực điểm, và sinh hoạt dị thường của hắn đã tác động đến cơ thể như thế nào, khỏi nói hẳn ai cũng hình dung được. Trong chòi chỉ toàn một mùi mồ hôi trộn lẫn với chất nhờn cơ thể tiết ra và bụi bặm, cáu ghét bốc lên nồng nặc.

Từ một người say mê nhiệt tình với cung thuật như thế mà giờ đây trở thành như thế này. Quả nhiên Gempachi ngày càng đi đến chỗ như một người trong làng nói “chắc là khùng rồi”.

Trong đêm tối, bóng đàn bà mò đến bên chỗ Gempachi ngủ rồi bắt đầu cởi bỏ tấm áo khoác mùa hè, để lộ thân thể trắng muốt.

- Này! Này!

Bị lay, Gempachi bừng tỉnh, toan bật dậy nhưng đã bị đôi tay người đàn bà chặn ngay cổ. Chỉ trong chốc lát hai cặp môi đã hòa quyện vào nhau.

- Là... Làm gì thế này… Ai đó?

- Là người trong làng đây.

- Cái gì?

- Suỵt…!!! Xin chàng chớ to tiếng.

Không phải là con gái. Nghe giọng thì biết đây là một người đàn bà thành thục, mà so với người làng thì cách dùng từ và phát âm cũng chuẩn hơn nhiều. Bàn tay người phụ nữ nhẹ nhàng di chuyển, xoa nhẹ nơi ngực Gempachi.

- Khô… Không được! Không được!

- Xin chàng hãy ban cho thiếp.

- Cái... cái gì!!!

- Sức mạnh của người đàn ông.

- Không!... Ta không biết! Ta không biết!!!

Gempachi vùng vẫy. Toan gỡ cánh tay người đàn bà ra nhưng toàn thân đã mềm nhũn không còn chút sức nào. Nhưng từ trong cảm giác yếu đuối lại nảy sinh một dục vọng hành hạ Gempachi. Thân thể người đàn bà như vừa mới tắm, toát ra mùi hương dễ chịu khiến Gempachi ngây ngất.

- Không được! Không được!

Gempachi mấp máy môi nói như người mớ ngủ.

- Không được! Chuyện này không được!

- Xin chàng hãy cho thiếp sức mạnh. Xin chàng! Đây là chuyện riêng giữa chúng ta mà thôi.

- Không được! Không được...

- Đây, làm như thế này…

- A!… Không được!... Không…

- Hãy khẽ thôi….

CUNG CUỒNG (3)

Kể từ đêm đó, sinh hoạt của Gempachi thay đổi hẳn.

Người đàn bà đó sống một mình trong căn nhà nhỏ phía bên kia rừng, đối diện nhà lão bách tính Ushichi. Nghe đâu người chồng chết để lại mấy mẫu ruộng và đứa con mười tuổi tên là Toku Tarou, nhưng hồi năm ngoái thị đã cho nó đến làm công ở hàng gạo Inoya Hirabei, bên khu phố gỗ dưới thành Matsue.

Người đàn bà đó tên là Oritsu, tuổi vừa được hăm tám. Người chồng trước chết đã vừa năm năm. Nếu nói về dung nhan thì Oritsu thuộc mức dưới của bậc trung, hay hạng trên của bậc chót. Khuôn mặt rám nắng và nói chung không thể khen ở điểm nào được. Nhưng khi thấy Oritsu khỏa thân thì vẻ đẹp mới được phát huy đầy đủ. Toàn thân mượt mà, không ai nghĩ đây là thân thể của một người đàn bà gần ba mươi. Dưới lớp y phục che kín kia là làn da trắng muốt, nuột nà.

- Không thua gì đám con gái mười tám.

Có lần Oritsu nói với Gempachi như vậy, tràn đầy tự tin. Dĩ nhiên là trước đây Gempachi chưa hề biết qua mùi con gái để mà so sánh, nhưng từ khi tiếp xúc với sự thần bí của nhục thể thì đã thay đổi nhiều.

- Đối với ta, Oritsu vẫn là nhất. Ước gì như thế này mãi nhỉ.

- Nhưng không được để người khác biết. Chuyện này không thể để lọt vào tai thiên hạ được.

- Ừm…

- Vậy xin chàng cứ đợi đến đêm, thiếp sẽ lẻn đến đây.

- Ừ ta đợi, ta đợi.

- Nhưng sẽ phải chờ lâu lắm đấy.

- Ta không quan tâm, không quan tâm.

- Vậy thì từ giờ trở đi, một tháng thiếp đến hai… ba lần…

- Chỉ thế thôi sao. Không đến thường xuyên được à?

- Thiếp còn có công việc của thiếp. Vừa là bách tính, đêm phải đến đây. Trong khi đợi thằng con lớn khôn thì cũng phải làm việc để có cái sinh nhai, chàng hiểu không?

- Bây giờ ta không thể làm gì được cho nàng. Thật vô dụng! Chẳng bù với nàng, suốt ngày ta cứ nhốt mình ở đây chẳng làm gì…

- Thế chàng thích bắn cung lắm phải không?

- Hả? Làm sao nàng biết?

- Năm mười tám tuổi thiếp có đến làm tỳ nữ trong dinh thự ngài Kohata dưới thành trong ba năm...

Dinh thự của Kohata Tadahira, một danh sĩ trong phiên Matsue cách nhà Komatsu không bao xa nên từ thời bé, Oritsu đã nghe tiếng đồn “Cung Cuồng” của Gempachi.

- Hay là chàng ra sau núi tập bắn cung lại đi. - Oritsu khuyên.

- Ta cũng muốn lắm, nhưng ngại người làng gặp phải.

- Thế thì Oritsu cũng không đến đây làm gì nữa.

- Không, không được.

- Thế thì chàng tập cung lại đi.

- Ừm…

Thế là trong một năm, ngày ngày Gempachi lại vác cung ra sau núi. Mỗi khi trở về nhà thì mặt mũi, cơ thể đều tràn đầy sinh khí. Ngày nào cũng thế, Gempachi chuẩn bị cung tên mang ra sau núi, làm đích tập bắn rồi mãi đến tối mịt mới về. Rồi thì cũng dọn dẹp căn chòi cho gọn gàng sạch sẽ, người ta còn thấy có khói nấu cơm nướng cá bốc lên nữa. Dĩ nhiên là nếu không ăn uống đầy đủ thì chẳng thể nào tập cung được. Kết cục thế này ai cũng hiểu.

- Oritsu vui quá.

Mỗi đêm Oritsu vuốt ve, Gempachi tràn đầy sinh lực lấy làm vui lắm.

- Xem này, cơ ngực chàng cũng dần đầy lên này.

- Ừ nhỉ.

- Chàng ơi!

- Hả?

- Gần đây tình hình bỗng trở nên lộn xộn. Có mấy tên giặc cướp từ đâu đến lởn vởn quanh làng, thôn trưởng ngài cũng lo lắm.

- Ừm, thế à.

- Chàng cũng chịu nhiều ơn người làng phải không?

- Ừ, dĩ nhiên rồi.

- Thế thì nên giúp họ để trả ơn. Đêm đêm chàng đi tuần quanh làng thì được chứ gì?

- Ừ được.

Đôi mắt Gempachi sáng lên. Thế là từ đêm hôm sau, hắn vác cung đi tuần quanh làng.

Mọi sự chuẩn bị cũng vô cùng chu đáo. Gempachi mang cánh cung nhỏ, mặc áo chẽn, hông đeo song đao, trông đường bệ như võ sĩ ra trận. Hết thu sang đông, rồi sang năm mới, rồi đến hạ, cứ đêm đêm, Gempachi đi tuần quanh làng không bao giờ trễ nải. Trong thời gian này đã hai lần bắt được trộm nên người làng không ai không biết chuyện.

Trong làng có kẻ giàu có, mỗi khi đi đâu hay khi chỉ có đàn bà con nít trong nhà đều nói “đến nhờ ngài Gempachi trông nhà hộ”. Mỗi lần như vậy, Gempachi đều vui vẻ nhận lời.

- Thật là vô cùng thuận tiện.

Người làng thấy thế lấy làm vui lắm.

Được nhờ trông nhà, Gempachi ăn mặc vũ trang như thế rồi đi vòng quanh khu vực canh gác, ngồi loanh quanh gần đấy, đặt cung bên cạnh, mở toang cửa sổ, cặp mắt dò xét bốn phương tám hướng không chút lơ đễnh. Tuy đêm hôm khuya khoắt nhưng Gempachi không hề ngủ, mà cẩn thận canh gác cho đến khi gia chủ trở về mới thôi.

- Ngài không cần phải tỉ mỉ thế đâu...

Kẻ nhờ vả cũng lấy làm ái ngại.

- Thật là khác người.

Người trong làng nhìn Gempachi bằng ánh mắt lạ lùng, không như người bình thường.

Rồi vào một đêm mùa hạ, năm Gempachi được hăm mốt tuổi, một người giàu có trong làng đi có việc nên đến nhờ Gempachi trông hộ. Một chặp sau có bốn tên cường đạo đột nhập vào. Nước Nhật Bản thời Edo chẳng thiếu gì trộm. Sự tàn bạo và ma mãnh của chúng nhiều khi khiến quan quân phải lo sợ. Có những tên trộm thời Edo đã ghi tên mình vào danh sách bất tử bởi thành tích bất hảo của chúng.

Nhưng Gempachi vốn chẳng bao giờ lơ đễnh khi canh gác, nên khi bọn trộm vừa lẻn từ ngoài vườn vào thì:

- Bọn đạo tặc!

Gempachi thét rồi lắp cung tên bắn vào bọn cường đạo. Lúc bấy giờ có đứa hầu gái chứng kiến toàn bộ sự việc.

- Chỉ trong chút xíu mà ngài Gempachi đã bắn bốn mũi tên. Con chẳng tin vào mắt mình nữa, cứ như là phép màu vậy.

Nó kể lại. Một mũi tên vừa bắn ra, Gempachi liền lắp mũi tên tiếp theo đang kẹp giữa ngón tay út vào dây cung. Rồi khi vừa lắp xong mũi tên đã kẹp tiếp mũi tiếp theo trong ống vào giữa ngón út và ngón áp út. Cứ như thế mà “chỉ trong chút xíu” đã bắn ra bốn phát. Động tác lắp tên bắn ra nhanh không sao kể xiết.

Tuy đang đêm tối mịt nhưng không trật phát nào. Bọn kẻ cướp có đứa bị bắn vào đùi, có đứa trúng mông và tuyệt nhiên chẳng đứa nào mất mạng cả. Cả bọn ngã quay ra đất rồi “chỉ trong chút xíu”, Gempachi đã mang dây thừng đến trói gô lại.

Sự kiện này được đồn ầm lên, lan cả vào thành Matsue. Thôn trưởng Ashitani Chogoro đến chòi Gempachi tạ lễ thì:

- Người đời thường hay quên những chuyện dị thường và mỗi ngày cứ nghĩ là chuyện bình thường. Tôi cũng là một người trong số đó. Vì vậy mà khi được nhờ trông nhà, tôi phải cố gắng không được để thất bại cho đến khi gia chủ trở về. Tôi đã sợ những chuyện dị thường đến xương tủy rồi.

Gempachi đáp. Sợ những chuyện dị thường đến xương tủy, Gempachi muốn nói đến chuyện Komatsu Juemon lạm quyền và chết trong ngục.

- Khi vừa hay tin huynh trưởng mất trong ngục, nếu là ta, trước khi gặp nàng, có lẽ ta đã tự sát rồi.

Có lần Gempachi nói với Oritsu. Người làng vẫn không hay biết gì về quan hệ giữa hai người.

- Huynh trưởng đối với ta thật tử tế mà lại chết trong lao ngục. Chỉ vì chăm lo cho thằng em mà phải nhúng tay vào những chuyện bất chính. Thế gian quả lắm điều nghiệp chướng.

- Khi mới đến làng này, chàng cũng là người làm toàn những điều nghiệp chướng đấy chứ.

- Ừ nhỉ. Mà từ khi gặp nàng thì thân, tâm ta đã trở lại bình thường.

- Thế chẳng phải là điều gàn dở sao.

- Nếu nói thế thì đúng thật! Ha ha ha ha...

- Con người và cuộc đời, toàn là những chuyện gàn dở.

- Ừ, ừm…

- Người làng vừa xem chàng là người lạ lùng để họ cười cợt mà lại vừa nhờ vả, tin cậy chàng. Quả là gàn dở.