NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG Ở TỔ QUỐC...
Ở Pleiku hai ngày, chúng tôi xem các kí hiệu vẽ trên bản đồ ở địa hình thành phố, thị xã, phức tạp hơn ở rừng nhiều lắm, cũng may phố núi này cũng nhỏ, nên chỉ cần một ngày hơn, là chúng tôi hoàn thành yêu cầu của giáo án, buổi chiều còn lại anh Trường ôn lại những kiến thức đã được học và làm bài tập... Sau này, khi anh em nằm chung trên một cánh rừng ở Tân Cảnh, anh mới thủ thỉ tâm sự là sợ chúng tôi đào ngũ, nên anh bày ra cái chuyện ôn và làm bài tập…
Sáng hôm sau, lúc chúng tôi gần lên xe đi về hướng Kon Tum, có một sĩ quan hậu cần của Sư đoàn, đến gặp và trao đổi gì đó với anh Trường, đưa cho anh một bọc giấy. Khi người sĩ quan kia đi xong, anh Trường mới kêu từng người lại, phát cho mỗi người mười lăm đồng tiền phụ cấp (binh nhất 7.5 đồng/ tháng), anh em năn nỉ mãi anh mới chấp nhận dẫn chúng tôi đi mua mấy thứ đồ lặt vặt ở đường Hai Bà Trưng, cả nhóm lỉnh kỉnh súng đạn, ba lô, đi lòng vòng để mua đồ, dân hai bên phố nhìn chúng tôi ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì, vì mấy khi thấy bộ đội mang súng ống đi dọc đường phố bao giờ đâu…
Khoảng mười giờ, chúng tôi lên xe, một chiếc GMC của đoàn kinh tế 330… giã từ phố núi thân thương với những ánh đèn, những li cà phê, những đôi mắt mơ huyền của thiếu nữ… Chào tất cả và hẹn ngày gặp lại… Xe chạy theo đường 14 khoảng một giờ thì đến Kon Tum, đoạn đường cũng gần nhưng có lẽ xấu quá, nên xe chạy lâu, hai bên đường ít khi gặp dân, cây cối tiêu điều xơ xác, lâu lâu mới gặp chiếc xe chạy ngược chiều và đa số là xe Quân sự, cầu Dakla hai bên bờ sông cỏ mọc quá đầu người, tôi có cảm giác nếu không có những cây lau sậy kia, thì con sông này nhìn cũng khá thơ mộng... Xe vượt qua thị xã Kon Tum, và hướng về đập thủy điện Dăk Uy đang trong quá trình thi công… Xe băng qua những cánh rừng cao su mà chị em vừa mới trồng thẳng tắp, lên xanh mơn mởn… Chị em với những chiếc nón cối và những chiếc khăn che gần hết khuôn mặt… giơ tay vẫy chào chúng tôi, kêu í ới, không hiểu là kêu gì… xe vẫn ch0ạy bon bon trên đường 14, lúc này quang cảnh hai bên đường còn thê lương hơn, cây rừng trơ trọi, cụt ngọn, cháy đen… tạo ra một khung cảnh quá u sầu, của vùng đất chịu nhiều bom đạn trong chiến tranh, lòng chúng tôi chùng xuống khi đi qua vùng đất này. Anh Trường ra lệnh cho chúng tôi lên đạn nòng, hướng nòng súng ra hai bên đường, vì khu vực này FULRO thỉnh thoảng vẫn còn hoạt động. Đến một ngả rẽ, xe chúng tôi tiến về Tân Cảnh với khung cảnh càng dữ tợn hơn.
Khoảng bốn giờ chiều, chúng tôi đến ngã tư Polei Kan. Rừng ở đây quá âm u và tĩnh mịch, vì điều này mà F cho chúng tôi về đây để thực tập địa hình, nhìn trên bản đồ thì thấy phát khiếp rồi, chúng tôi ở trong một doanh trại bộ đội của tỉnh Gia lai – Kontum, xung quanh còn có các đơn vị bộ đội khác nữa, nhưng khi đến đây thấy cảnh rừng núi như thế này, chúng tôi chẳng thiết đi đâu nữa cả.
Polei Kan, Dak-to, Dak-sut, Diên Bình là những nơi chúng tôi thực địa trong vòng sáu ngày.
Ngày cuối cùng chúng tôi được lệnh của Sư đoàn theo xe của đoàn 330 về Chư Nghé, thuộc huyện Chư Pả cách Pleiku cũng hơn một giờ xe chạy, và có nhiệm vụ áp tải cùng đoàn xe chở đạn pháo 105, 155 bổ sung cho mặt trận Đức Cơ.
Nghỉ tại Chư Nghé hai ngày, chúng tôi theo xe về lại biên giới, khi ngang qua Đức Cơ vào khoảng ba giờ chiều, chúng tôi nghỉ chân tại d1 e95, thì biết là hôm nay e95 đón danh hiệu Anh hùng, anh em mời ở lại chung vui… nhưng vì theo xe chở pháo nên không ở lại được. Thủ trưởng Hiệp, Chính trị viên phó d1e95, trực tiếp xuống nhà bếp lấy cho anh em chúng tôi khoảng chục cân thịt bò, gói gọn và bỏ vào cabin của xe, kèm theo hai chai rượu chuối.
Chúng tôi lại lên đường, khi đến đồn 23 BP, anh Dư đồn trưởng thấy chúng tôi liền chạy ra, lấy tay ra hiệu dừng lại, và chạy vào trong đồn lôi ra một con Mểnh hơn chục cân, vứt lên thùng xe chúng tôi. Đời trinh sát có cái vui là anh em trong toàn Sư đoàn đều biết, từ anh lính quèn cho đến thủ trưởng các đơn vị, và họ luôn coi anh em trinh sát như người của đơn vị mình, thậm chí các đơn vị khác cũng biết nhau do phối hợp cùng nhau trong các trận đánh, nên đi đâu cũng được đón tiếp một cách niềm nở và đó cũng là cái oai của người trinh sát.
Xe qua đồn 23 BP, chúng tôi quay lại để nhìn Đất Mẹ Việt Nam, lùi dần trong sương mờ của chiều biên giới, và đâu có ngờ rằng phải sáu năm sau tôi mới đi lại trên con đường này… vào lúc 9 giờ 12 phút ngày 21 tháng 6 năm 1984.