NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG Ở TỔ QUỐC…
Rời Đắc Đoa, chúng tôi xuôi đường 19 về Hà Tam, mảnh đất chiến tích của một trung đoàn trong đội hình sư đoàn ngày nay: trung đoàn 95. Trên xe, anh Trường (c trưởng) chỉ các vị trí mà trong KCCM anh đã cùng với e95 tác chiến… mắt anh hình như “đang mơ về nơi xa lắm” cả một thời trai trẻ của anh gắn liền với mảnh đất Tây Nguyên mưa núi gió rừng, người sinh viên khoa toán ĐHTH Hà Nội… người chiến sĩ trinh sát Quân khu năm nào... cũng có tâm hồn rất “lãng mạn”… khi đi qua chiến trường xưa. Anh không ngồi trong cabin cùng với tài xế, mà đứng trên thùng xe với anh em để hồi niệm lại một chặng đường…
Gần tới Hà Tam anh cho xe dừng lại… bảo anh em xuống xe, dẫn vào một quán cóc bên đường, nghỉ uống nước, tôi thấy anh đến trước bà chủ quán khoảng hơn sáu mươi tuổi, ngồi đối diện và nhìn bà… Chủ quán hỏi anh Trường “Các chú bộ đội, ăn gì, uống gì?” nhưng anh không trả lời, và vẫn nhìn vào bà… Linh tính cũng báo cho bà biết rằng anh bộ đội đứng trước mặt bà, hình như cũng có cái gì đó không bình thường.
Bà nheo mắt và chớp chớp mấy cái rồi nói đứt quãng “thằng… Trường…” tôi thấy anh Trường vòng qua cái bàn, ôm chầm lấy bà, quay vào trong nhà bà gọi to “Bọn bay ơi! Thằng Trường nó về!” mấy người con của bà chạy ra và đồng thanh kêu lên “Anh Trường!” một cái ôm thắm thiết khoảng mười người thành một vòng tròn khép kín... Cả nhà khóc như mưa, mặc cho chúng tôi đứng ngớ người ra... anh tài xế nông trường nói vui với chúng tôi “Ân oán giang hồ rồi.” Khi hết nước mắt, họ mới quan tâm đến chúng tôi, anh dẫn cả nhà ra giới thiệu cùng chúng tôi, chủ quán chẳng hỏi gì nữa mà bao nhiêu bánh kẹo, thuốc được mang ra, để đầy trên bàn... và chúng tôi chỉ chờ có vậy. Tôi thấy một anh thanh niên khoảng ba mươi tuổi, lên chiếc xe Honda 67 chạy đâu đó… Chúng tôi cứ trà thuốc vui vẻ với nhau như không có gì… anh Trường vẫn ngồi bàn bên kia với chủ nhà... Một lát sau anh thanh niên lúc nãy trở về, chở theo hai em học sinh khoảng lớp ba hay lớp bốn gì đó… Một chị rời khỏi bàn nước, và ra dẫn hai em vào chào anh Trường và chị khóc to… chúng tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, mà nhà này hôm nay khóc nhiều thế… Anh thanh niên đến ngồi bàn cùng chúng tôi, mời chúng tôi uống nước ngọt và trà, bánh... hiểu được thắc mắc của chúng tôi anh bắt đầu kể: Năm 1972 khu này đánh nhau dữ lắm, cả hai phía đều tranh giành nhau QL19, mới buổi sáng sớm khoảng tám giờ, cả hai bên bắt đầu đánh nhau, pháo, cối nổ ùng oàng... lúc này ở nhà chỉ còn bà chủ quán và mấy đứa cháu đang ngủ, hầu hết đã lên rẫy cách đó chừng hơn cây số… nhà của bà và xung quanh bị trúng đạn… bốc cháy, tiếng la thất thanh của bà vì còn hai đứa cháu còn đang ngủ… súng vẩn nổ giòn… bỗng ba chú bộ đội xuất hiện từ phía sau rẫy của bà, có một người đã chạy vào trong biển lửa... Trong lửa bà thấy ông bộ đội cặp nách hai đứa cháu của bà, vượt qua tường lửa, bà hoảng quá và ngất xỉu tại chỗ… Trận đánh đó giằng co tới trưa mới xong, lực lượng ta phục kích đoàn xe vận tải của địch ứng cứu cho Pleiku. Người bộ đội đã dũng cảm lao vào tường lửa, để cứu hai cháu nhỏ chính là anh Trường... giờ đây hai cháu đứng trước mặt anh với vẻ ngơ ngác, như nghe bà kể chuyện cổ tích, tôi thấy anh xoa đầu hai cháu và nói gì đó... Năm 1975 trên đường công tác anh có ghé thăm gia đình khoảng hơn mười phút, và lần này là lần thứ hai…
Gặp nhau cũng nước mắt, chia tay nhau cũng nước mắt… chúng tôi lại lên đường xuôi Hà Tam, trong ánh nắng khá gay gắt của trời Tây Nguyên… Tôi thấy anh lên xe với đôi mắt đượm buồn… Tối đến tại nhà khách của viện 249 Pleiku, anh mới kể là tổ trinh sát của anh đã nằm phục sau nhà bà từ trưa hôm trước, trong các lùm cây gần nhà tắm và nhà bếp. Chúng tôi có hỏi vui về chuyện “tắm tiên” anh bực mình quá quát “Tiên sư nhà cậu.”
Việc trinh sát ở Hà Tam cũng chẳng có gì để kể, cũng là những bài tập về địa hình…
Chúng tôi rời Hà Tam lúc hơn bốn giờ chiều để đến Pleiku chuẩn bị cho cuộc trinh sát thực địa trong thành phố.