Chương 216: Huấn Luyện Tân Quân

Hồ Tuyền Lâm,

“Ào …ào…ào”

Một cái đầu chó sói và một cái đầu người đội nước nhô lên khỏi mặt hồ Tuyền Lâm, tiếp theo là mấy chục cái đầu người cùng đầu chó khác cũng xuất hiện tạo thành các làn sóng nước.

“Mọi người lên bờ về doanh trại để cho đại đội thứ 3 xuống tắm! Nhanh lên, kẻo muộn giờ là cả đại đội đêm nay bị phạt không có gì bỏ bụng” Đại đội trưởng Lý Quang Tèo hô lớn thúc giục

“Đi đi anh em. Khẩn trương lên”. Nghe tới chữ đêm nay bị phạt phải nhịn đói thì từ người đến chó đều vội vội vàng vàng leo lên bờ. Lên tới bờ hồ người chiến sĩ này lại dùng một tốc độ cực nhanh để mặc quần áo và xỏ giày. Huyết Lang bên cạnh thì đứng rung mình như chó nhà, nước trên lông cũng nhanh chóng bắn tung tóe.

Tiếp tới thân ảnh người chiến sĩ này vung tay nắm lấy cây thương đang cắm bên hòn đá tảng rồi làm một động tác nhảy nhẹ nhàng lên lưng sói. Huyết Lang hơi rùn lưng xuống để giảm lực tiếp lấy chủ nhân sau đó phóng nhanh vào lối mòn trong rừng. Từ lúc lên bờ đến khi thân ảnh mất hút chỉ diễn ra chưa đầy 30 giây, có thể nói là liền mạch như rắn, nhanh nhẹn như báo. Nếu để người quen nhìn thấy chắc sẽ ngỡ ngàng đến trợn mắt há mồm không nhận ra vì sự thay đổi quá lớn.

Hóa ra, đây là nhóm tân quân và huyết lang từ làng Cổ Pháp đi ra. Bọn họ đang hành quân tiến về kinh đô Tràng An để hội quân chia đạo. Trên đường hành quân cũng không phải an nhàn ngày đi đêm nghỉ mà là kết hợp với huấn luyện dã chiến. Việc này được gấp rút tiến hành để đảm bảo có sức chiến đấu khi tới chiến trường phía Nam.

Trong thời bình, việc huấn luyện tân quân từ không biết gì tới thành thạo cũng phải mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm. Thế nhưng bây giờ là thời chiến, thời gian không đợi người trưởng thành, giặc cướp cũng không đợi người lớn lên, vì thế các sĩ quan phải tranh thủ từng giây, từng phút để huấn luyện tất cả những gì có thể.

Mỗi ngày tân quân không được ngủ quá 4 tiếng, thậm chí phải học cách ngủ khi đi đường và giữ tinh thần luôn ở trạng thái nửa mơ, nửa tỉnh. Những ngày đầu thay đổi thói quen quả như là địa ngục trần gian. Tinh thần binh lính bị hành hạ chết đi sống lại. Việc bị dội nước lạnh vào đầu khi ngủ say, roi gai đánh vào lưng khi ngủ gục diễn ra giống như cơm bữa. Với khẩu hiệu “đổ mồ hôi khi huấn luyện hơn đổ máu khi lên chiến trường” đã kích thích sự tàn nhẫn của sĩ quan đối với tân quân nhưng cũng nhờ đó mà giúp cho những người mới mau mau trưởng thành.

Cũng may mắn là thể chất của người cổ đại rất tốt, sức đề kháng cũng như khả năng thích nghi với sự thay đổi nhịp độ sinh học quá tuyệt vời. Có lẽ do thời kỳ này thiên nhiên còn hoàn chỉnh, không khí trong lành, nguồn nước không bị ô nhiễm và đồ ăn thức uống sạch sẽ. Hoàn cảnh sống cũng khá ác liệt nên tính chịu đựng của người dân cổ đại cũng ở cái tầm cao hơn nhiều thời hiện đại.

Nội dung đầu tiên là huấn luyện sinh tồn giữa rừng sâu núi thẳm cũng như phối hợp giữa người và thú. Bọn họ phải học và hiểu biết tập tính của Huyết Lang, quá trình săn mồi của nó và phải tìm ra sự đồng điệu trong các động tác. Tất cả mọi hoạt động như ăn, ngủ, vệ sinh, chiến đấu, truy sát đều phải cùng nhau thực hiện. Tuy để đạt cảnh giới nhân thú hợp nhất thì hơi khó nhưng phối hợp ăn ý với nhau thì có thừa.

Bọn họ cũng phải học cách phân biệt đường đi, phương hướng thông qua sự vận hành của mặt trời và các ngôi sao. Ban ngày thì nhìn mặt trời để phân biệt đông tây nam bắc, ban đêm thì nhìn chòm sao Bắc Đẩu để không bị lạc đường. Phải học cách phân biệt hướng đi ngay khi mây đen kín lối hay đêm u ám không trăng.

Tiếp đến là phải thông qua các dấu vết của dã thú hay côn trùng như dấu chân, bãi phân, mùi hôi để xác định con mồi tên gì và nghĩ ra đi săn như thế nào. Quá trình này cần phải phối hợp với đồng bọn là Huyết Lang. May mắn cho bọn họ là Huyết Lang có cái mũi rất thính, khứu giác rất nhạy, lại có độ bền bỉ cao nên nội dung đi săn cũng khá nhẹ nhàng.

Đoàn người được chia làm nhiều đại đội, mỗi đại đội lại chia ra nhiều tiểu đội để thay phiên nhau làm nhiệm vụ canh gác, nấu nướng, đi săn…thành viên nào có lỗi thì cả tiểu đội hoặc đại đội đó đều bị phạt tập thể, quy tắc nghiêm khắc như thế khiến cho tất cả mọi người không ai dám bất cẩn chủ quan. Chẳng ai muốn mình phải mang danh tội đồ và làm cái đích cho mọi người chỉ trích. Cách tốt nhất là luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tiếp tới là đến nội dung tìm nguồn nước. Nội dung này khá quan trọng vì động vật chịu đói luôn kém hơn việc chịu khát. Chịu đói hơn 20 ngày mới chết nhưng chỉ cần chịu khát bảy ngày thì coi như xong. Trong chiến tranh việc bị thất lạc đồng đội hoặc lâm vào các hoàn cảnh hiểm nghèo diễn ra như cơm bữa nên để nâng cao khả năng sinh tồn thì việc kiếm ra nguồn nước có ý nghĩa sống còn.

Bọn họ phải học cách quan sát địa hình, địa vật, bãi cỏ, rừng cây để xác định nguồn nước ngầm hoặc nguồn nước lộ thiên. Ví dụ nếu thấy bãi cỏ xanh ngắt hoặc khu rừng xanh mướt thì chắc chắn có nguồn nước ở gần. Nơi có nguồn nước đất đai sẽ tươi sốp, mềm mịn, các loại cây rẽ chùm hoặc rễ nông như cỏ, cây tầm thấp rất phát triển.

Nếu là khu rừng có nhiều cây thân gỗ thì rễ của chúng thuộc loại rễ cọc, tức chúng phải đâm sâu xuống lòng đất để tiếp cận với mạch nước ngầm. Như vậy mạch nước ngầm cũng phải khá sâu, đào rất mất nhiều thời gian. Khu vực có các cây lá to hoặc thân xơ dọc chứa nước là nơi có nguồn nước dồi dào. Khu vực sa mạc hoặc các cây cối có lá nhỏ như lá kim là nơi nguồn nước rất ít.

Nếu không tìm được nguồn nước lộ thiên, thậm chí nguồn nước ngầm cũng không có thì tân binh cũng phải học cách lấy nước từ các thân cây giàu nước như họ xương rồng, chuối, dừa…hoặc lấy nước từ trong không khí.

Nói đến việc lấy nước từ không khí là một cách khá bất đắc dĩ vì rất khó khăn. Trong không khí luôn luôn có hơi nước dưới dạng độ ẩm. Khi nhiệt độ càng lên cao thì nước từ thể rắn là băng sẽ tan ra thành thể lỏng là nước, nhiệt độ cao hơn nữa thì biến thành thể hơi thành độ ẩm. Khi độ ẩm đạt 100% thì có nghĩa là đã bão hòa. Cho nên muốn lấy nước từ không khí lẽ dĩ nhiên phải đảo ngược lại quá trình này tức là tìm cách hạ nhiệt độ xuống càng thấp càng tốt.

Thiên nhiên tất nhiên sẽ có cơ chế khép kín để tự điều hòa hệ sinh thái. Ban ngày mặt trời thiêu đốt sẽ khiến cho vạn vật bị mất nước tức quá trình bốc hơi. Về đêm nhiệt độ hạ thấp thì quá trình bốc hơi bị đảo ngược lại thành khói, sương, nước, băng. Muốn lấy nước thì phải tìm cái chậu hoặc đại loại là vật chứa đựng để dưới các tán cây ban đêm. Hoặc có một cách khác là lấy dây rừng đan thành tấm lưới lớn rồi căng ngang.

Khi đêm xuống, nhiệt độ hạ thấp, hơi nước sẽ ngưng tụ thành sương và bám vào các mắt lưới. Chúng sẽ vì trọng lực của mặt đất mà chảy dọc theo các sợi dây xuống bồn đựng. Cách này cũng chỉ áp dụng được vào ban đêm chứ ban ngày thì thời buổi này chịu thua do không đủ công cụ.

Tiếp đến các tân binh cũng phải học cách phân biệt các loại thực vật để xem loại nào có thể ăn được, loại nào không thể ăn vì độc. Bởi trong tự nhiên có những loài thực vật có dược tính có thể làm thuốc chữa bệnh, cũng có những loại thì có độc tính hoặc có cả dược tính và độc tính. Một số loại thực vật lại là món ăn của nhiều loài động vật hay côn trùng. Nếu không biết, không để ý thì có thể sẽ phạm sai lầm dẫn tới việc phải trả giá bằng cả tính mạng của bản thân và đồng đội.

Ngoài ra, để hành quân đánh trận, tân binh phải học cách phân biệt các loại kí tự, cờ hiệu, dấu hiệu; biết cách đếm xem bên phía quân địch có bao nhiêu người, là quân chính quy hay quân ô hợp, quân nhân già dặn hay tân binh mới nhập ngũ. Tất cả những điều này đều phải học thuộc và ứng dụng trôi chảy mới hợp cách.

Trong quá trình huấn luyện sinh tồn, các tân binh cũng được nho sinh đi theo dạy chữ quốc ngữ. Trong một tuần đầu tiên phải học thuộc bảng chữ cái 26 ký tự la tinh. Sau đó mới tiếp tục học cách ghép vần thành chữ và câu hoàn chỉnh. Với một số tân binh có đầu óc nhạy bén lanh lẹ thì giờ học chữ như là thời gian hưởng thụ vậy. Còn một số khác thì vất vả đau khổ còn hơn là xung trận giết địch.

Thế nhưng dù là có khó học đến mấy cũng không có ai bỏ cuộc hoặc dám không học. Một phần là vì đây là nghiêm lệnh của cấp trên, một phần vì đây là chữ của Thánh Hiền, bọn họ đang phải bỏ cả gia đình, người thân và cả tính mạng để đổi lấy cơ hội này, cho nên chẳng có lý do để bất cứ ai từ bỏ.

Ngoài giờ huấn luyện và học chữ thì điều mà các tân binh nghe nhiều nhất chính là các câu chuyện về nguồn cội dân tộc con rồng cháu tiên. Tiết học này các sĩ quan gọi là Chính trị - lịch sử. Mọi người được nghe truyền thuyết về tổ tiên Hùng Vương và các câu chuyện truyền kỳ như bánh Chưng bánh Dày, sự tích dưa hấu, sự tích Trầu Cau… Gần hơn nữa là các sự tích về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Ngô Quyền.

Tiếp nữa là các sự tích về các danh tướng triều Đinh trong đó có rất nhiều người đang còn sống và làm quan. Riêng về Việt Hoàng Bệ Hạ thì được tô vẽ khá nhiều và mang màu sắc thần bí. Các chính sách vì dân vì nước của Đinh Liễn được các sĩ quan phân tích với niềm tự hào vô bờ bến. Tân binh được “giáo dục” rất kĩ lý do tại sao phải nhập ngũ, tại sao phải đánh giặc, bảo vệ ai, trung thành với ai, vì điều gì, được điều gì…

Quá trình này gọi là quá trình tẩy não hay còn có cái tên khá mỹ miều là kế hoạch tạo thần. Những dư luận viên được đào tạo bài bản như trong các lớp huấn luyện đa cấp thời hiện đại đã nhanh chóng sùng bái Hoàng Đế và nói say sưa không biết chán. Nhóm Tân binh cũng bị lây nhiễm dần và trở thành những fan hâm mộ cuồng nhiệt của Đinh Liễn tự bao giờ.

Phải nói dân trí thời này rất thấp, tư tưởng sùng bái anh hùng cá nhân rất phổ biến. Họ ít khi tự hỏi hay thắc mắc những vấn đề mang tính chất logic hoặc yêu cầu những bằng chứng cụ thể. Tính lây lan tư tưởng cũng rất nhanh chóng. Thế nên kế hoạch dân vận và tạo thần đã trở nên vô cùng thuận lợi.

Cùng lúc đó ngay tại Kinh đô Tràng An…

------